Trong bối cảnh béo phì tăng nhanh, các nghiên cứu tìm kiếm phương pháp giảm cân hiệu quả cũng được đầu tư mạnh mẽ. Một trong những phương pháp đang được xem xét là tăng cường testosterone, là hormone quan trọng ở cả nam và nữ, để kiểm soát mỡ cơ thể. Bài viết này sẽ xem xét ảnh hưởng của testosterone đến giảm béo và giải đáp câu hỏi “liệu có nên sử dụng testosterone để giảm cân không?”.
Tổng quan về testosterone
Testosterone là gì?
Testosterone là một hormone steroid chính yếu của nam giới, được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn. Đây là hormone giới tính nam quan trọng nhất, chịu trách nhiệm phát triển và duy trì các đặc điểm sinh lý nam như cơ bắp, sức khỏe xương, giọng nói trầm và các chức năng sinh dục.
Ở nữ giới, testosterone cũng có mặt nhưng với lượng rất nhỏ, chủ yếu được sản xuất ở buồng trứng và tuyến thượng thận. Mặc dù không phải là hormone chính của nữ, testosterone vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng sinh lý như sức khỏe xương và điều hòa ham muốn tình dục.
Vai trò của testosterone trong cơ thể
Testosterone là hormone quan trọng ở nam giới, đóng vai trò then chốt trong nhiều chức năng tâm sinh lý của cơ thể, từ việc duy trì khối lượng cơ bắp, mật độ xương cho đến tác động lên sức khỏe tình dục và tinh thần:
- Điều hoà phát triển cơ bắp: testosterone là yếu tố chính trong việc phát triển và duy trì khối lượng cơ bắp.
- Ảnh hưởng đến mật độ xương: testosterone góp phần vào việc duy trì mật độ xương bằng cách kích thích quá trình tạo xương và làm giảm sự phân hủy xương. Ở nam giới, mức testosterone thấp có thể là yếu tố chính dẫn đến loãng xương. Ở nữ giới, estrogen là yếu tố quan trọng hơn nhưng mức testosterone thấp vẫn có thể góp phần vào sự giảm mật độ xương.
- Tác động đến chuyển hóa chất béo và cơ chế điều hoà cân nặng: testosterone ảnh hưởng đến chuyển hóa chất béo bằng tác động làm giảm tỷ lệ mỡ cơ thể và thay đổi phân bố mỡ.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục: testosterone là hormone chủ yếu điều chỉnh chức năng sinh dục, bao gồm sự phát triển đặc điểm sinh lý nam giới, ham muốn tình dục và khả năng sinh sản. Mức testosterone thấp có thể dẫn đến giảm ham muốn tình dục và các vấn đề về chức năng sinh dục.
- Hỗ trợ chức năng tinh thần và tâm lý: testosterone có tác động đến tâm trạng và trạng thái tinh thần. Mức testosterone thấp liên quan đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm và thiếu động lực. Ngoài ra, hormone này giúp duy trì sự tập trung, năng lượng và cảm giác tự tin.
Nam giới có mức testosterone cao hơn nhiều so với nữ giới, giúp tăng cường phát triển cơ bắp, duy trì tỷ lệ mỡ cơ thể thấp và kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn. Testosterone ở nam giới hỗ trợ giảm mỡ bụng và giữ lượng mỡ ở mức thấp, trong khi ở nữ giới, hormone này chủ yếu tác động đến việc phân bố mỡ ở hông và đùi, khiến việc giảm mỡ không rõ rệt như ở nam giới.
Thêm vào đó, testosterone còn giúp nam giới kiểm soát cảm giác đói và no tốt hơn, trong khi nữ giới với mức testosterone thấp hơn thường gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cân nặng ổn định do sự biến động hormone.
Cơ chế testosterone tác động đến cân nặng nam giới
Testosterone đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cân nặng ở nam giới thông qua các cơ chế sau:
Tác động của testosterone lên cơ bắp và sự phân bố mỡ
Testosterone là một hormone đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển và duy trì khối lượng cơ bắp. Testosterone thúc đẩy quá trình tổng hợp protein trong cơ, giúp cơ bắp phát triển và phục hồi nhanh chóng sau khi tập luyện. Nhờ vậy, những người có mức testosterone cao thường có khối lượng cơ lớn hơn và sức mạnh vượt trội.
Bên cạnh đó, testosterone còn làm tăng tỷ lệ chuyển hóa cơ bản (BMR), nghĩa là cơ thể sẽ đốt cháy nhiều calo hơn khi ở trạng thái nghỉ ngơi. Điều này không chỉ giúp giảm mỡ mà còn hỗ trợ duy trì cân nặng ổn định nhờ khả năng tiêu hao năng lượng ngay cả khi không vận động.
Testosterone ảnh hưởng đến việc phân bố mỡ trong cơ thể. Mức testosterone cao giúp giảm mỡ bụng, khu vực thường tích mỡ thừa khi hormone này ở mức thấp. Thay vì tập trung ở vùng bụng, mỡ có thể được phân bố đều hơn hoặc tích lũy ở các vùng khác như hông, đùi hoặc các phần khác trên cơ thể.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ qua lại giữa testosterone và cân nặng:
- Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism cho thấy liệu pháp bổ sung testosterone có thể giúp giảm tỷ lệ mỡ cơ thể và tăng khối lượng cơ ở những người bị thiếu testosterone. Điều này cung cấp bằng chứng rõ ràng về tác động tích cực của testosterone trong việc giảm mỡ và cải thiện cơ bắp.
- Ngoài ra, các nghiên cứu từ Camacho và Corona cũng chỉ ra rằng giảm cân có thể làm tăng nồng độ testosterone. Những can thiệp như thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện thể dục và điều trị phẫu thuật béo phì đều góp phần nâng cao mức testosterone trong cơ thể.
Tác động của testosterone lên cảm giác đói và thèm ăn
Testosterone ảnh hưởng đáng kể đến cảm giác đói và no thông qua tác động lên hai hormone chính là ghrelin và leptin:
- Ghrelin là hormone được tiết ra từ dạ dày, có vai trò kích thích cảm giác đói. Testosterone có thể tác động lên các thụ thể tại vùng dưới đồi của não – trung tâm điều khiển cảm giác đói, từ đó giảm lượng ghrelin do dạ dày tiết ra.
- Leptin là hormone báo hiệu sự no, được sản xuất từ các tế bào mỡ. Testosterone không làm tăng trực tiếp nồng độ leptin nhưng cải thiện cách cơ thể phản ứng với leptin. Khi mức testosterone cao, cơ thể sẽ nhạy cảm hơn với tín hiệu no của leptin, giúp kiểm soát cảm giác đói. Khi testosterone giảm, cơ thể có thể kém nhạy với leptin, dẫn đến khó kiểm soát cảm giác no và dễ ăn nhiều hơn.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Phương pháp tăng cường testosterone ngoại sinh và nội sinh
Các phương pháp tăng cường testosterone được áp dụng chủ yếu để điều trị tình trạng thiếu hụt hormone ở nam giới và chưa có chỉ định trong điều trị giảm cân hay tăng cường thể lực. Những liệu pháp này nhằm khôi phục nồng độ testosterone cho những người có mức hormone thấp do suy sinh dục hoặc rối loạn nội tiết tố.
Liệu pháp testosterone (testosterone replacement therapy – TRT)
TRT được thiết kế để điều trị các tình trạng thiếu hụt testosterone ở nam giới, chỉ định cho các đối tượng suy sinh dục hoặc rối loạn nội tiết tố. Mục tiêu là đưa mức testosterone về mức bình thường để cải thiện các triệu chứng liên quan đến thiếu hụt hormone.
Các chế phẩm bổ sung testosterone có trên thị trường khá đa dạng, bao gồm:
- Tiêm testosterone: thường sử dụng các dạng như testosterone enanthate, cypionate hoặc propionate, với mỗi loại có thời gian tác dụng khác nhau trong cơ thể.
- Gel bôi testosterone: gel được bôi lên da mỗi ngày, thường là trên các vùng da không có lông như cánh tay, bụng hoặc đùi.
- Miếng dán: được dán lên da và giải phóng testosterone từ từ.
- Viên nén hoặc viên nhai: cần phải dùng với bữa ăn để tăng khả năng hấp thụ.
- Cấy ghép testosterone: các viên testosterone nhỏ được cấy dưới da và giải phóng testosterone từ từ trong một khoảng thời gian, thường là từ 3-6 tháng.
Tuy nhiên, lạm dụng testosterone có thể gây nguy hiểm, do đó FDA Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo về việc quản lý nghiêm ngặt các liệu pháp này.
Steroid đồng hóa (anabolic steroid)
Steroid đồng hóa (anabolic steroid) là các hợp chất tổng hợp với cấu trúc hóa học tương tự testosterone. Các hợp chất này có hai tác dụng chính là tăng cường sự phát triển cơ bắp (tác dụng đồng hóa) và thúc đẩy các đặc điểm giới tính nam (tác dụng androgenic). Các steroid đồng hóa được thiết kế để tối ưu hóa khả năng phát triển cơ bắp, đồng thời hạn chế các tác dụng phụ liên quan đến hormone giới tính.
Các chỉ định được FDA Hoa Kỳ chấp thuận cho việc sử dụng steroid đồng hóa là suy sinh dục nguyên phát, dậy thì muộn ở trẻ trai, suy sinh dục do giảm gonadotropin, rối loạn chức năng trục tuyến yên – hạ đồi do nhiều loại khối u, chấn thương và xạ trị. Các chỉ định khác cho việc sử dụng testosterone bao gồm suy tinh hoàn nguyên phát ở những bệnh nhân bị ẩn tinh hoàn, viêm tinh hoàn và xoắn tinh hoàn.
Các sản phẩm thường thấy trên thị trường bao gồm methandrostenolone (Dianabol), oxymetholone (Anadrol), nandrolone decanoate (Deca-Durabolin), stanozolol (Winstrol), trenbolone, oxandrolone (Anavar) và methenolone (Primobolan).
Steroid đồng hóa hiện đang bị lạm dụng quá mức trên thị trường tập gym nhằm mục đích tăng cường cơ bắp. Việc sử dụng steroid đồng hóa vẫn chưa được chấp thuận cho mục đích trên. Hầu hết các cơ quan y tế đã cảnh báo về các rủi ro sức khỏe nghiêm trọng do lạm dụng steroid, bao gồm tổn thương gan, tim mạch và rối loạn hormone.
Phương pháp tự nhiên
Phương pháp tự nhiên là cách an toàn và hiệu quả để duy trì và cải thiện nồng độ testosterone trong cơ thể mà không cần đến các biện pháp can thiệp y tế hay sử dụng thuốc. Tập trung vào chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh và duy trì hoạt động thể chất có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe hormone:
- Chế độ ăn uống khoa học: đảm bảo chế độ ăn uống giàu vitamin D, kẽm và magie vì những yếu tố này có thể hỗ trợ sản xuất testosterone. Hạt bí, thịt đỏ, cá, trứng và các loại rau xanh là những nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng.
- Quản lý stress: thực hành các phương pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga và các kỹ thuật thở sâu có thể giúp giảm mức cortisol – hormone căng thẳng, đồng thời hỗ trợ sự cân bằng hormone testosterone.
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ: đảm bảo ngủ từ 7-9 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ kém hoặc không đủ giấc có thể làm giảm nồng độ testosterone và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
- Vận động thể lực: các bài tập nâng tạ và tập luyện sức bền đã được chứng minh là giúp tăng nồng độ testosterone. Tập luyện cơ bắp lớn như chân và lưng có thể tạo ra sự gia tăng hormone này. Các bài tập cardio như chạy bộ, bơi lội và đạp xe có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và hỗ trợ cân bằng hormone, bao gồm testosterone. Duy trì mức độ hoạt động thể chất cao và tránh lối sống ít vận động giúp duy trì nồng độ testosterone trong cơ thể.
Tác dụng phụ của việc tăng cường testosterone ngoại sinh
Mặc dù việc tăng cường testosterone ngoại sinh được chỉ định cho các tình trạng thiếu hụt testosterone ở nam giới, cần lưu ý rằng testosterone có thể đi kèm với một số tác dụng phụ bất lợi như:
- Nguy cơ về tim mạch: một số nghiên cứu cho thấy liệu pháp thay thế testosterone có thể cải thiện các chỉ số sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như giảm mỡ bụng, cải thiện độ nhạy insulin và điều chỉnh mức lipid trong máu. Tuy nhiên, việc bổ sung testosterone quá mức khi không có chỉ định cũng có thể đi kèm với những rủi ro về tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức testosterone cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm cả tăng huyết áp và xơ vữa động mạch. Một số nghiên cứu đã ghi nhận rằng nam giới sử dụng liệu pháp testosterone có thể có nguy cơ cao hơn về các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
- Nguy cơ về gan: testosterone, đặc biệt khi dùng dưới dạng uống hoặc tiêm, có thể gây áp lực lên gan, dẫn đến tăng men gan và các vấn đề về chức năng gan như viêm gan.
- Các tác dụng phụ khác: thường gặp nhất là nổi mụn, rụng tóc, thay đổi tâm trạng và rối loạn giấc ngủ. Bổ sung testosterone ngoại sinh cũng có thể làm giảm sản xuất testosterone tự nhiên, gây giảm số lượng tinh trùng và có thể dẫn đến vô sinh. Khi cơ thể nhận testosterone từ bên ngoài, hệ thống nội tiết sẽ giảm hoặc ngừng sản xuất hormone này, dẫn đến thiếu hụt testosterone sau khi ngừng sử dụng, gây mệt mỏi, giảm năng lượng, mất khối lượng cơ bắp và giảm ham muốn tình dục cho đến khi hệ thống phục hồi.
- Nguy cơ về ung thư: nguy cơ về ung thư tuyến tiền liệt liên quan đến việc bổ sung testosterone đã từng là mối quan ngại lớn khi nghiên cứu ban đầu cho rằng testosterone có thể thúc đẩy sự phát triển ung thư. Dù các nghiên cứu gần đây không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc bổ sung testosterone và ung thư tuyến tiền liệt, vẫn cần giám sát nguy cơ tiềm ẩn này. Tương tự, dù chưa có bằng chứng chắc chắn, một số nghiên cứu cảnh báo nguy cơ gia tăng ung thư vú ở nam giới khi sử dụng testosterone, đòi hỏi cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để làm rõ.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Có thể bổ sung testosterone ngoại sinh để giảm cân không?
Bổ sung testosterone không phải là một phương pháp giảm cân và không được khuyến cáo sử dụng cho mục đích này. Mặc dù testosterone có thể hỗ trợ trong việc điều chỉnh cân nặng ở những người có nồng độ testosterone thấp do suy giảm tự nhiên hoặc tình trạng bệnh lý, vai trò của testosterone chỉ giới hạn trong việc phục hồi nồng độ hormone tự nhiên.
Testosterone chỉ được sử dụng khi có chẩn đoán thiếu hụt và phải được dùng dưới sự giám sát chặt chẽ của Bác sĩ. Các rủi ro và lợi ích liên quan đến việc sử dụng cần phải được thảo luận kỹ lưỡng với chuyên gia y tế để đảm bảo rằng liệu pháp phù hợp với nhu cầu sức khỏe của từng cá nhân, đồng thời cần tập trung vào các phương pháp giảm cân an toàn và khoa học khác như thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện.
Testosterone có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, bao gồm cả điều chỉnh cân nặng và giảm mỡ. Tuy nhiên, việc bổ sung testosterone không phải là giải pháp giảm cân được khuyến khích và cần phải được sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ bởi Bác sĩ. Để đạt được hiệu quả giảm cân bền vững, việc kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học và tập luyện đều đặn vẫn là phương pháp tối ưu.
MedFit là Phòng khám giảm cân đa mô thức, áp dụng các phương pháp giảm cân đã được phê duyệt dựa trên y học chứng cứ, mang lại giải pháp hiệu quả và an toàn cho những người đang có nhu cầu cải thiện vóc dáng. Hãy liên hệ ngay với MedFit để được tư vấn và lên kế hoạch giảm trọng lượng cơ thể phù hợp nhất đối với hành trình sức khỏe của bạn.
Tài liệu tham khảo
- Traish AM. “Testosterone and weight loss: the evidence“. Curr Opin Endocrinol Diabetes Obes. 2014;21(5):313-322. doi:10.1097/MED.0000000000000086
- Ng Tang Fui M, Prendergast LA, et al. “Effects of testosterone treatment on body fat and lean mass in obese men on a hypocaloric diet: a randomised controlled trial“. BMC Med. 2016;14(1):153. Published 2016 Oct 7. doi:10.1186/s12916-016-0700-9
- Saad F, Gooren LJ. “The role of testosterone in the etiology and treatment of obesity, the metabolic syndrome, and diabetes mellitus type 2“. J Obes. 2011;2011:471584. doi:10.1155/2011/471584
- Mangolim AS, Brito LAR, Nunes-Nogueira VDS. “Effectiveness of testosterone replacement in men with obesity: a systematic review and meta-analysis“. Eur J Endocrinol. 2021;186(1):123-135. Published 2021 Dec 3. doi:10.1530/EJE-21-0473
- Barnouin Y, Armamento-Villareal R, et al. “Testosterone Replacement Therapy Added to Intensive Lifestyle Intervention in Older Men With Obesity and Hypogonadism“. J Clin Endocrinol Metab. 2021;106(3):e1096-e1110. doi:10.1210/clinem/dgaa917
- Osterberg EC, Bernie AM, Ramasamy R. “Risks of testosterone replacement therapy in men“. Indian J Urol. 2014;30(1):2-7. doi:10.4103/0970-1591.124197
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.