Bạn có bao giờ thắc mắc liệu sinh mổ có khiến việc giảm cân sau sinh trở nên khó khăn hơn so với sinh thường không? Với số ca sinh mổ ngày càng gia tăng, đây là nỗi trăn trở chung của rất nhiều chị em sau khi đón thiên thần nhỏ chào đời. MedFit sẽ cùng bạn đi tìm sự thật ẩn sau câu hỏi này! Không chỉ dừng lại ở việc giải đáp, bài viết còn mang đến cho bạn một chiến lược giảm cân an toàn, hiệu quả sau sinh mổ – ngay cả khi bạn đang bận rộn hồi phục và chăm sóc bé yêu.
Tốc độ giảm cân sau sinh mổ và sinh thường có khác nhau?
Các nghiên cứu hiện nay về tốc độ giảm cân sau sinh mổ và sinh thường cho thấy kết quả khác nhau:
- Một nghiên cứu của Nicole R Legro và cộng sự (2020) đã khảo sát 2.500 phụ nữ sinh con lần đầu trong độ tuổi 18-35, mang thai đơn và kết quả cho thấy phụ nữ sinh mổ có xu hướng giảm ít cân hơn trong năm đầu sau sinh so với những người sinh thường. Cụ thể, sau 12 tháng, nhóm phụ nữ sinh thường giảm trung bình nhiều hơn 4,5kg so với nhóm sinh mổ. Nghiên cứu này đã đo lường sự thay đổi cân nặng của các bà mẹ sau sinh so với cân nặng trước khi mang thai và đã loại bỏ các yếu tố có thể làm chênh lệch đến kết quả như chỉ số khối cơ thể (BMI) trước khi mang thai, mức tăng cân trong thai kỳ, tình trạng kinh tế, tuổi thai, việc cho con bú, thói quen tập thể dục trong suốt thai kỳ và năm đầu sau sinh.
- Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của Knuth được thực hiện năm 2022 đã cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về giảm cân giữa nhóm sinh mổ và nhóm sinh thường sau 12 tháng hậu sản. Trong nghiên cứu này, 37 người phụ nữ, gồm 26 người sinh thường và 11 người sinh mổ, được đem ra đo các chỉ số cân nặng sau 3, 6, 9 và 12 tháng hậu sản, các chỉ số sau cân nặng được đo không bị chênh lệch bởi việc ăn kiêng và giảm cân. Sau 12 tháng, cả 2 nhóm sinh mổ và sinh thường đều giảm được số cân tương đương (14,3 ± 6,1kg so với 13,8 ± 5,4kg).
Như vậy, những nghiên cứu hiện tại vẫn chưa đưa ra kết luận thống nhất về việc phụ nữ sinh mổ giảm cân nhiều hay ít hơn so với sinh thường khi để cân nặng giảm tự nhiên. Trên thực tế, nhiều phụ nữ sau sinh muốn nhanh chóng lấy lại vóc dáng nên tích cực áp dụng các biện pháp giảm cân và ăn kiêng. Điều này khiến một vài yếu tố của sinh mổ có thể cản trở quá trình giảm cân.
Yếu tố khiến giảm cân sau sinh mổ khó hơn sinh thường
Các yếu tố khiến phụ nữ sau sinh mổ khó giảm cân hơn sinh thường bao gồm cơn đau ảnh hưởng đến khả năng vận động, tác động của thuốc sử dụng trong quá trình mổ và việc hạn chế cho con bú.
Ảnh hưởng của đau
Đau sau mổ lấy thai có thể ảnh hưởng đáng kể đến quá trình vận động sớm, từ đó làm chậm quá trình giảm cân của bà mẹ trong giai đoạn hậu sản. Cơn đau từ vết mổ khiến bà mẹ khó chịu, e ngại di chuyển và hạn chế các hoạt động thể chất, đặc biệt trong những ngày đầu sau sinh.
Một nghiên cứu của Hardy-Fairbanks và cộng sự (2013) đã chỉ ra rằng, sinh mổ có liên quan đến mức độ đau cao hơn, đặc biệt là khi vận động, cũng như nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau nhiều hơn so với sinh thường trong hai ngày đầu sau sinh. Trong số 126 phụ nữ tham gia nghiên cứu, 48 người sinh mổ và 78 người sinh thường. Nhóm sinh mổ báo cáo đau nhiều hơn khi vận động so với nhóm sinh thường. Ngoài ra, phụ nữ sinh mổ cần lượng thuốc giảm đau cao gấp đôi vào ngày 1 và gấp bốn lần vào ngày 2 so với nhóm sinh thường. Do ảnh hưởng của đau, phụ nữ sau sinh mổ thường có xu hướng ít vận động hoặc vận động muộn hơn, làm quá trình giảm cân sau sinh bị ảnh hưởng.
Khi việc vận động bị trì hoãn, quá trình trao đổi chất và đốt cháy năng lượng cũng ảnh hưởng, làm giảm hiệu quả giảm cân. Hơn nữa, đau kéo dài có thể gây căng thẳng, ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm tăng nguy cơ rối loạn ăn uống, khiến việc kiểm soát cân nặng trở nên khó khăn hơn.
Do đó, việc kiểm soát đau hiệu quả không chỉ giúp bà mẹ phục hồi nhanh hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận động sớm, hỗ trợ giảm cân và lấy lại vóc dáng sau sinh. Đối với bà mẹ sinh thường, thời gian hồi phục và giảm đau thường nhanh hơn so với sinh mổ. Nếu có vết rách tầng sinh môn, bà mẹ có thể cảm thấy đau và căng tức vùng đáy chậu trong khoảng 3 ngày nằm viện, sau đó cơn đau giảm dần. Hầu hết bà mẹ có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng ngay sau vài giờ nếu không có biến chứng.
Nhìn chung, sau xuất viện, bà mẹ sinh thường có thể trở lại hầu hết các hoạt động bình thường, nhưng vẫn cần tránh mang vác nặng hoặc tập luyện cường độ cao trong ít nhất 6 tuần hậu sản để cơ thể hồi phục hoàn toàn. Một cách tổng quát, phụ nữ sinh thường phục hồi nhanh hơn phụ nữ sinh mổ, giúp khả năng vận động được cải thiện tốt hơn.
Ảnh hưởng của thuốc và dịch truyền
Sau sinh mổ, quá trình giảm cân chậm hơn so với sau sinh thường còn do thuốc và dịch truyền. Trong cuộc sinh mổ, mẹ thường mất nhiều máu hơn, vì vậy cần được truyền dịch nhiều hơn để bổ sung, dẫn đến tình trạng giữ nước và phù nề. Lượng nước dư thừa này có thể khiến cơ thể cảm thấy nặng nề trong vài ngày đầu sau sinh, làm giảm sự tự tin và tạo cảm giác khó chịu.
Bên cạnh đó, thuốc giảm đau sử dụng trong quá trình mổ, bao gồm opioid như morphine, codeine và NSAID như ibuprofen, acetaminophen, cũng có thể làm chậm quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Các thuốc này ảnh hưởng trực tiếp đến ty thể – nơi sản xuất năng lượng trong tế bào:
- Opioid có thể làm tăng mức glucose trong tế bào và giảm mức ATP, gây ra chuyển hóa năng lượng kém hiệu quả.
- NSAID có thể làm gián đoạn chu trình acid tricarboxylic (TCA) và chức năng ty thể, từ đó làm giảm sản xuất năng lượng.
Hơn nữa, thuốc giảm đau còn gây ra tác dụng phụ như buồn ngủ, giảm hoạt động thể chất và gián đoạn giấc ngủ, khiến cơ thể tiêu hao ít năng lượng hơn. Chính những yếu tố này kết hợp lại làm chậm quá trình giảm cân sau sinh mổ.
Nghiên cứu của Ziwei Xu và cộng sự đã chỉ ra rằng, việc sử dụng thuốc giảm đau kéo dài có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hao năng lượng. Trong nghiên cứu này, 112 bệnh nhân trải qua phẫu thuật bụng lớn được chia thành 4 nhóm điều trị khác nhau trước phẫu thuật, sau đó được chỉ định sử dụng thuốc giảm đau như parecoxib/celecoxib và tramadol trong 3 ngày sau phẫu thuật. Kết quả cho thấy nhóm bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc giảm đau sau 3 ngày có mức tiêu hao năng lượng thấp hơn rõ rệt so với các nhóm ngừng thuốc, điều này cho thấy việc sử dụng thuốc giảm đau kéo dài có thể làm giảm hiệu quả của quá trình chuyển hóa năng lượng. Vì vậy, nếu tình trạng đau kéo dài sau sinh mổ và cần phải tiếp tục dùng thuốc giảm đau, quá trình đốt cháy calo và giảm mỡ sẽ bị ảnh hưởng, làm cho việc giảm cân sau sinh trở nên khó khăn hơn.
Ảnh hưởng của việc cho con bú
Cho con bú không chỉ cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ mà còn giúp mẹ đốt cháy 500-700kcal/ngày, hỗ trợ quá trình giảm cân sau sinh một cách tự nhiên. Tuy nhiên, đối với mẹ sinh mổ, việc cho con bú sớm có thể gặp nhiều khó khăn hơn so với sinh thường. Cơn đau sau phẫu thuật, vết mổ chưa lành và tác dụng phụ của thuốc giảm đau có thể khiến mẹ khó tìm được tư thế thoải mái để cho con bú. Điều này có thể làm chậm quá trình tạo sữa và giảm cơ hội đốt cháy calo từ việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Tác động trong dài hạn
Tất cả những yếu tố kể trên kết hợp lại tạo nên ảnh hưởng xấu của sinh mổ đối với nỗ lực giảm cân của phụ nữ trong giai đoạn đầu hậu sản. Tuy nhiên, trong thời gian dài hạn, các nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về việc giữ cân giữa phụ nữ sinh mổ và sinh thường, khi kiểm soát các yếu tố khác như cân nặng trước khi mang thai và tăng cân trong thai kỳ phù hợp.
Về lâu dài, một nghiên cứu đăng trên tạp chí BMC Pregnancy and Childbirth sử dụng dữ liệu từ bang Wisconsin (giai đoạn 2006-2013) cho thấy rằng, sinh mổ không có mối liên hệ trực tiếp với việc giữ cân sau sinh, nếu kiểm soát được các yếu tố khác như cân nặng trước khi mang thai và mức tăng cân trong thai kỳ. Cụ thể, nghiên cứu đã so sánh cân nặng trước khi mang thai lần thứ hai giữa hai nhóm phụ nữ, bao gồm một nhóm từng sinh mổ và một nhóm từng sinh thường trong lần sinh đầu. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm về trọng lượng trung bình và chỉ số BMI. Các chỉ số thống kê (P = 0,85 đối với trọng lượng và P = 0,8 đối với BMI) đều lớn hơn 0,05, cho thấy sự khác biệt quan sát được nhiều khả năng là do ngẫu nhiên chứ không phải do phương pháp sinh.
Điều này cho thấy rằng, dù sinh mổ có thể ảnh hưởng phần nào đến việc giảm cân trong thời gian ngắn sau sinh nhưng về lâu dài – cụ thể là đến thời điểm trước lần mang thai tiếp theo – tốc độ giảm cân và khả năng duy trì cân nặng giữa hai nhóm phụ nữ sinh thường và sinh mổ gần như không có sự khác biệt rõ rệt.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Cách giảm cân sau sinh mổ hiệu quả
Thời gian bắt đầu
Thời gian bắt đầu giảm cân rất quan trọng để đảm bảo an toàn phục hồi vết thương sau mổ. Các chuyên gia y tế, bao gồm Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), khuyến cáo chờ sự cho phép của Bác sĩ, thường là khoảng 6 tuần sau sinh mổ, để đảm bảo vết mổ lành và không có biến chứng.
Các hoạt động nhẹ như đi bộ có thể bắt đầu sớm hơn tùy thuộc vào quá trình phục hồi cá nhân, nhưng các bài tập nặng nên được hoãn lại. Viện Mayo khuyên bắt đầu với các chuyển động nhẹ nhàng và tăng cường độ dần dần, đảm bảo không gây căng thẳng cho vết mổ.
Mục tiêu giảm cân
Mục tiêu giảm cân an toàn được đặt ra là giảm khoảng 0,5kg/tuần, đạt được thông qua việc duy trì mức thâm hụt năng lượng khoảng 500kcal/ngày so với nhu cầu cơ thể. Dù sinh mổ là một ca phẫu thuật lớn, nhu cầu calo của mẹ sau sinh không vượt quá so với sinh thường.
- Đối với các bà mẹ đang cho con bú, nhu cầu năng lượng dao động từ 2300-2500kcal/ngày để duy trì sức khỏe và sản xuất sữa chất lượng. Để giảm cân một cách lành mạnh, mẹ có thể điều chỉnh chế độ ăn dưới mức này, nhưng không nên để dưới 1800-2000kcal/ngày, nhằm đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé mà không gây ảnh hưởng tiêu cực.
- Trong khi đó, với các bà mẹ không cho con bú, nhu cầu calo là 1800-2000kcal/ngày. Nếu muốn giảm cân, mẹ có thể ăn dưới mức này nhưng cần đảm bảo không thấp hơn 1500-1800kcal/ngày để hỗ trợ quá trình phục hồi cơ thể hiệu quả.
Chọn chế độ ăn phù hợp
Các sản phụ sau sinh mổ cần chú ý chế độ dinh dưỡng, vì đây đóng vai trò quan trọng trong việc sửa chữa mô và tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh việc ăn thâm hụt calo, để hỗ trợ quá trình lành vết thương sau mổ, cần ưu tiên ăn đủ một số nhóm thực phẩm thiết yếu gồm đạm, vitamin A, vitamin C, các vi chất như sắt, kẽm, đồng và chất xơ.
Trước hết, thực phẩm giàu protein là nền tảng quan trọng giúp tái tạo mô và thúc đẩy quá trình lành vết thương. Các nguồn thực phẩm giàu protein bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, đậu và các loại hạt. Một số món ăn điển hình có thể bổ sung vào thực đơn là gà nướng, cá hồi, trứng luộc và sữa chua Hy Lạp.
Bên cạnh đó, vitamin C cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất collagen, giúp vết thương mau lành và hỗ trợ hệ miễn dịch. Các thực phẩm giàu vitamin C bao gồm cam, dâu tây, kiwi, bông cải xanh, ớt chuông và cà chua. Những món ăn như nước cam tươi hay salad dâu tây kết hợp rau xanh là lựa chọn lý tưởng.
Vitamin A cũng không thể thiếu vì góp phần duy trì sức khỏe của da và mô, đồng thời thúc đẩy quá trình lành vết thương. Khoai lang, cà rốt, rau bina, xoài và gan là những thực phẩm giàu vitamin A. Một số món ăn gợi ý bao gồm súp cà rốt hoặc salad rau bina với dầu olive.
Đảm bảo cung cấp đủ sắt rất quan trọng. Sau sinh mổ, bà mẹ thường mất một lượng máu đáng kể, dẫn đến nguy cơ thiếu sắt và thiếu máu. Nếu bà mẹ đang cho con bú, việc duy trì mức sắt đủ giúp hỗ trợ cả sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Để đảm bảo bà mẹ có đủ sắt, chế độ ăn uống là yếu tố then chốt. Các thực phẩm giàu sắt bao gồm thịt đỏ, gia cầm, cá, đậu, đậu lăng và rau xanh như cải bó xôi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở những nơi thiếu máu trong thai kỳ là vấn đề sức khỏe công cộng, bổ sung sắt đường uống, riêng hoặc kết hợp với acid folic, có thể được cung cấp trong khoảng 6-12 tuần sau sinh. Nếu bà mẹ bị thiếu máu, Bác sĩ có thể kê toa thuốc bổ sung với liều lượng 120mg sắt nguyên tố và 400μg acid folic hàng ngày cho đến khi chỉ số hemoglobin trở về mức bình thường. Việc sử dụng thuốc bổ sung nên bắt đầu sớm nhất có thể sau sinh và cần tuân theo chỉ định của Bác sĩ.
Ngoài ra, các khoáng chất như kẽm và đồng cũng rất cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình phục hồi. Kẽm có nhiều trong thịt đỏ, gia cầm, hải sản, đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt, trong khi đồng có trong sò, hạt, ngũ cốc và nấm. Một số món ăn giàu các khoáng chất này là thịt bò hầm, hạnh nhân và yến mạch.
Chất xơ cũng cần được bổ sung để ngăn ngừa táo bón, một vấn đề thường gặp sau phẫu thuật vùng bụng. Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và đậu.
Cuối cùng, việc duy trì đủ lượng nước trong cơ thể cũng rất quan trọng, đặc biệt đối với phụ nữ đang cho con bú. Uống nhiều nước để duy trì hydrate hóa, đặc biệt quan trọng nếu cho con bú. Theo khuyến nghị, các mẹ bỉm sữa có thể uống nước lên đến 3,8L/ngày để hỗ trợ các hoạt động cơ thể, tăng cường trao đổi chất, giảm mỡ thừa và loại bỏ độc tố. Các nguồn cung cấp dịch lỏng tốt bao gồm nước, trà thảo mộc và súp thanh. Một số lựa chọn đơn giản như uống nước lọc hoặc thưởng thức trà gừng ấm sẽ giúp đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ nước.
Lưu ý quan trọng:
- Luôn tham khảo ý kiến Bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ ăn hạn chế calo để giảm cân sau sinh, đặc biệt nếu có bệnh lý trong giai đoạn tiền sản như đái tháo đường thai kỳ.
- Theo dõi lượng calo bằng ứng dụng hoặc nhật ký để kiểm soát lượng calo tiêu thụ và đảm bảo thâm hụt hợp lý.
- Không giảm cân quá nhanh, nếu giảm hơn 1kg/tuần cần điều chỉnh lại chế độ ăn vì có thể không an toàn.
- Không bỏ bữa vì nếu không ăn đủ, bà mẹ sẽ thiếu năng lượng và điều đó không giúp ích cho quá trình giảm cân.
Cho con bú tích cực
Sau sinh mổ, do đau vết thương, các mẹ thường trì hoãn hoặc hạn chế việc cho con bú. Tuy nhiên, việc cho con bú là rất cần thiết và đã được các tổ chức y tế uy tín như WHO, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị trong ít nhất 6 tháng đầu đời, vì mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể cho cả trẻ sơ sinh và người mẹ.
Các bằng chứng khoa học cho thấy cho con bú cũng có thể hỗ trợ quá trình giảm cân sau sinh và góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể của người mẹ sau khi sinh. Cơ thể mẹ cần năng lượng để sản xuất sữa và quá trình này có thể tiêu hao từ 500kcal/ngày, tương đương với một buổi tập luyện cường độ vừa. Không chỉ vậy, việc nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp cân bằng hormone, làm giảm ghrelin (hormone kích thích đói) và tăng cholecystokinin (hormone tạo cảm giác no). Nhờ đó, mẹ có thể kiểm soát cảm giác thèm ăn tốt hơn.
Bên cạnh đó, khi bé bú, cơ thể mẹ tiết ra hormone oxytocin, giúp tử cung co lại nhanh hơn về kích thước ban đầu, gián tiếp hỗ trợ việc lấy lại vóc dáng. Tóm lại, việc cho con bú không chỉ là một phương pháp nuôi dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ sinh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp mẹ giảm cân và lấy lại vóc dáng sau sinh mổ.
Cải thiện giấc ngủ và kiểm soát căng thẳng
Việc giảm căng thẳng và giữ tâm lý thoải mái đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong giảm cân sau sinh mổ. Việc phải trải qua một cuộc đại phẫu có thể khiến người phụ nữ sau sinh gặp nhiều căng thẳng tâm lý. Căng thẳng kéo dài làm tăng hormone cortisol (hormone stress), vốn có thể khiến cơ thể tích trữ mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng và làm chậm quá trình trao đổi chất. Đồng thời, stress thường dẫn đến ăn uống theo cảm xúc (emotional eating), khiến cơ thể dễ tìm đến đồ ngọt, thức ăn nhiều calo để an ủi bản thân.
Các cách giữ tâm lý thoải mái bao gồm thực hiện các bài tập thư giãn như hít thở sâu, thiền hoặc yoga nhẹ nhàng. Đồng thời, bà mẹ nên nhờ thêm sự hỗ trợ từ gia đình trong việc chăm sóc bé, tránh ôm đồm gây quá sức.
Giấc ngủ cũng đóng vai trò lớn trong việc giảm cân vì thiếu ngủ làm chậm trao đổi chất và tăng cảm giác đói. Sau sinh mổ, tình trạng đau vết mổ có thể khiến bà mẹ khó ngủ sâu hơn. Thời gian đầu khi ngủ, bà mẹ nên nằm ngửa, đặt một chiếc gối mỏng dưới đầu và một gối khác dưới đầu gối để giảm áp lực lên vùng lưng dưới và bụng, giúp vết mổ không bị căng tức và hỗ trợ tuần hoàn máu. Thêm vào đó, để tạo tâm lý thoải mái khi ngủ, phòng ngủ cần thoáng mát, yên tĩnh và giường không quá cứng hoặc quá mềm.
Các mẹ bỉm cần cố gắng nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, đặc biệt trong 2-4 tuần đầu sau mổ để cơ thể hồi phục tốt. Nên ngủ đủ 7-9 tiếng/ngày, không cần ngủ liên tục mà có thể chia thành các giấc ngủ ngắn trong ngày để đảm bảo sức khỏe.
Tập luyện phù hợp
Một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để giảm cân. Sau sinh mổ, cơ thể đau nhiều, tuy nhiên việc vận động sau sinh thực chất không cần thiết phải ở mức độ nặng. Các mẹ ngay sau khi sinh mổ có thể đi bộ một vòng quanh nhà, đó cũng là một cách tuyệt vời để bắt đầu việc tập thể dục hàng ngày, sau đó tăng dần lên 8.000-10.000 bước, tăng cường độ theo quá trình lành vết mổ.
Khi đã qua 6 tuần đầu, bà mẹ có thể tập các bài tập nặng hơn. Các bài tập như squat hoặc plank – là những bài tập không đòi hỏi xoay duỗi người nhiều – giúp các mẹ sau sinh mổ phục hồi và tăng cường sức mạnh cơ bụng cũng như sàn chậu. Dù không sinh thường, sàn chậu vẫn có thể bị ảnh hưởng trong quá trình mang thai và sinh nở. Những bài tập này cũng rất phù hợp cho tình trạng diastasis recti (tách cơ bụng sau sinh), vì chúng giúp tăng cường cơ và mô vùng bụng mà không gây quá nhiều chuyển động, giúp quá trình phục hồi diễn ra an toàn và hiệu quả hơn.
Giữ tâm lý thoải mái khi giảm cân
Một điều cần lưu ý là cơ thể phụ nữ sau sinh mổ có thể không lấy lại được hoàn toàn vóc dáng như trước khi mang thai. Đối với nhiều phụ nữ, thai kỳ gây ra những thay đổi lâu dài trên cơ thể như bụng mềm hơn, hông rộng hơn và vòng eo lớn hơn. Mẹ sau sinh cần hiểu và đặt ra những mục tiêu thực tế phù hợp với cơ thể mới của mình, đặc biệt ưu tiên sức khỏe để hồi phục vết thương và nuôi con.
Sau hành trình sinh mổ, việc giảm cân không chỉ giúp các bà mẹ lấy lại vóc dáng mà còn góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể. Để đạt được mục tiêu này một cách an toàn và hiệu quả, cần kết hợp chế độ ăn uống cân đối, tập luyện thể dục nhẹ nhàng và tận dụng lợi ích từ việc cho con bú. Quan trọng hơn, quá trình giảm cân sau sinh mổ đòi hỏi sự kiên nhẫn, tránh vội vàng để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé. Sự hỗ trợ từ gia đình và lời khuyên từ Bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng cũng đóng vai trò thiết yếu, giúp hành trình này trở nên thuận lợi hơn.
Hiểu được những khó khăn vất vả trên con đường lấy lại vóc dáng sau sinh của các chị em, MedFit luôn sẵn sàng đi cùng, hướng dẫn chị em lộ trình giảm cân khoa học, đa mô thức, đảm bảo giảm cân mà vẫn đủ năng lượng để chăm lo các thiên thần nhỏ đáng yêu. MedFit tin rằng, với sự quyết tâm và phương pháp đúng đắn, các bà mẹ hoàn toàn có thể giảm cân thành công, vừa đảm bảo sức khỏe lâu dài, vừa tự tin hơn trong vai trò chăm sóc con yêu.
Tài liệu tham khảo
- Legro NR, Lehman EB, Kjerulff KH. Mode of first delivery and postpartum weight retention at 1 year. Obes Res Clin Pract. 2020;14(3):241-248. doi:10.1016/j.orcp.2020.04.009
- Knuth Nicolas D, McDonald Lauren J, DeLuca Jaime R. Cesarean Section Delivery Does Not Impact Postpartum Weight Loss And Recovery 1953. Medicine & Science in Sports & Exercise. 2022;54(9S):p580. doi:10.1249/01.mss.0000882352.69000.ca
- Hardy-Fairbanks AJ, Lauria MR, Mackenzie T, McCarthy M Jr. Intensity and unpleasantness of pain following vaginal and cesarean delivery: a prospective evaluation. Birth. 2013;40(2):125-133. doi:10.1111/birt.12039
- STANFORD MEDICINE CHILDREN’S HEALTH. The Stress-Pain Connection. [online] Available at: The Stress-Pain Connection – Stanford Medicine Children’s Health [Accessed 26 April 2025]
- Williams JW (2022). Obstetrics: A textbook for students and practitioners, 26th ed. Chapter 36, p.645
- Tarazi D, Maynes JT. Impact of Opioids on Cellular Metabolism: Implications for Metabolic Pathways Involved in Cancer. Pharmaceutics. 2023; 15(9):2225. https://doi.org/10.3390/pharmaceutics15092225
- Ghosh S. Metabolomic Studies for Metabolic Alterations Induced by Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs: Mini Review. Biomolecules. 2021;11(10):1456. Published 2021 Oct 4. doi:10.3390/biom11101456
- Xu Z, Li Y, Wang J, Li J. Effect of postoperative analgesia on energy metabolism and role of cyclooxygenase-2 inhibitors for postoperative pain management after abdominal surgery in adults. Clin J Pain. 2013;29(7):570-576. doi:10.1097/AJP.0b013e318270f97b
- Mayo Clinic. C-section recovery: What to expect. [online] Available at: C-section recovery: What to expect – Mayo Clinic [Accessed 26 April 2025]
- Elise Mandl. 16 Effective Tips to Lose Baby Weight After Pregnancy: What to expect. [online] Available at: 16 Effective Tips to Lose Baby Weight After Pregnancy [Accessed 26 April 2025]
- Guideline: Iron Supplementation in Postpartum Women. Geneva: World Health Organization; 2016. BACKGROUND. Available from: BACKGROUND – Guideline: Iron Supplementation in Postpartum Women – NCBI Bookshelf
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.