Giảm cân nhanh đang là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm trong xã hội hiện đại, nơi mà vẻ bề ngoài được đặt lên hàng đầu cũng như mang lại rất nhiều lợi ích trong các vấn đề giao tiếp hàng ngày. Những phương pháp giảm cân nhanh nhất có xu hướng được ưu tiên tìm kiếm hơn nhưng các nguy cơ mà nó mang lại trong tương lai lại rất ít được quan tâm tìm hiểu. Vậy lợi ích tức thì của việc giảm cân nhanh có thể bù đắp được những rủi ro lâu dài mà nó gây ra hay không? Hãy cùng tìm hiểu thông tin chi tiết những tác động tích cực và tiêu cực mà giảm cân nhanh có thể mang lại cho cơ thể cùng MedFit trong bài viết này nhé!
Giảm cân nhanh là gì?
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), giảm cân an toàn và bền vững là giảm 0,45-0,9kg/tuần. Giảm cân nhanh, tức là giảm nhiều hơn mức này, có thể dẫn đến những nguy cơ sức khỏe như mất cơ, sỏi mật, thiếu dinh dưỡng và làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Tuy nhiên, tuần đầu tiên khi thay đổi chế độ ăn hoặc bắt đầu tập luyện, cơ thể có thể giảm hơn 0,9kg mà không gây các nguy cơ sức khỏe nêu trên. Nguyên nhân của sự giảm cân nhanh này thường là do mất nước liên kết với glycogen. Cơ thể đốt cháy glycogen (một dạng carbohydrate dự trữ) khiến giải phóng lượng nước liên kết với glycogen. Cụ thể, 1g glycogen thường đi kèm với khoảng 2-3g nước. Khi lượng glycogen này cạn kiệt, tốc độ giảm cân sẽ chậm lại và ổn định ở mức 0,45-0,9kg/tuần.
Lợi ích và tác hại của việc giảm cân nhanh
Lợi ích
Trong một số tình huống, dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng, giảm cân nhanh mang lại nhiều lợi ích như sau:
- Tạo động lực mạnh mẽ: kết quả giảm cân rõ ràng trong thời gian ngắn có thể tạo động lực lớn để tiếp tục quá trình giảm cân.
- Cải thiện sức khỏe nhanh chóng: đối với những người béo phì nặng, giảm cân nhanh giúp cải thiện các chỉ số đường huyết, huyết áp và cholesterol máu theo hướng tích cực.
- Hữu ích trong trường hợp cần giảm cân cấp tốc: khi chuẩn bị cho phẫu thuật hoặc cần đạt mục tiêu sức khỏe cụ thể trong thời gian ngắn, giảm cân nhanh có thể là một lựa chọn cần thiết.
- Tiết kiệm thời gian: giảm cân nhanh giúp đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn hơn, phù hợp với những tình huống cần siết cân gấp.
Tác hại
Giảm cân nhanh nhưng không có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế có thể khiến cơ thể phải đối mặt nhiều nguy cơ sức khỏe, những nguy cơ này có thể tăng lên khi thời gian siết cân cấp tốc cứ liên tục kéo dài. Các nguy cơ đó bao gồm:
Làm chậm quá trình trao đổi chất
Quá trình trao đổi chất là cách cơ thể đốt cháy năng lượng. Quá trình siết cân cấp tốc bằng chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt làm cơ thể giảm tốc độ trao đổi chất nhằm bảo tồn năng lượng. Một số nghiên cứu cho thấy việc giảm cân nhanh bằng cách ăn ít calo có thể làm giảm tốc độ trao đổi chất lên đến 23%, dẫn đến cơ thể đốt cháy ít calo hơn mỗi ngày.
Hai nguyên nhân chính làm giảm trao đổi chất là mất cơ và giảm các hormone điều chỉnh sự trao đổi chất như hormone tuyến giáp. Sự suy giảm này có thể kéo dài ngay cả sau khi kết thúc quá trình ăn kiêng, làm cho việc giữ cân nặng sau khi giảm cân trở nên khó khăn.
Dễ tái tăng cân
Giảm cân chỉ là một nửa của quá trình, điều quan trọng là duy trì được cân nặng sau khi giảm. Hầu hết những người theo chế độ ăn kiêng, dù là giảm cân nhanh hay từ từ, đều tăng lại một nửa số cân đã giảm chỉ sau một năm. Tệ hơn nữa, gần như tất cả đều quay lại mức cân nặng cũ sau 3-5 năm. Những người giảm cân từ từ thường có tỷ lệ duy trì cân nặng lâu dài cao hơn vì cơ thể đã có thời gian để thích nghi với sự thay đổi và hình thành thói quen ăn uống và tập luyện lành mạnh.
Mất cơ
Giảm cân nhanh khiến mỡ và cả cơ bắp bị mất đi. Trong một nghiên cứu, nhóm người tuân thủ chế độ ăn rất ít calo (500 calo/ngày) trong 5 tuần đã mất hơn 6 lần lượng cơ bắp so với nhóm ăn ít calo (1250 calo/ngày) trong 12 tuần (8,8% so với 1,3% lượng cơ bắp mất đi).
Việc mất cơ không chỉ ảnh hưởng đến sức mạnh cơ bắp mà còn làm giảm tốc độ trao đổi chất vì cơ bắp đốt cháy nhiều calo hơn so với mỡ.
Thiếu dinh dưỡng
Chế độ ăn ít calo thường khó đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, bao gồm các chất cần thiết như sắt, acid folic và vitamin B12. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như rụng tóc, mệt mỏi, suy giảm hệ miễn dịch, giảm mật độ xương và các vấn đề tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy.
Để tránh tình trạng này, cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và không nên cắt giảm quá 500 calo mỗi ngày.
Sỏi mật
Giảm cân nhanh làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật, đặc biệt khi giảm hơn 1,5kg/tuần hoặc giảm hơn 24% trọng lượng cơ thể ban đầu. Giảm lượng thức ăn hàng ngày làm cho túi mật không được làm rỗng thường xuyên, dẫn đến ứ đọng dịch mật và hình thành sỏi mật.
Một số trường hợp sỏi mật có thể tự tan sau khi trọng lượng cơ thể ổn định, nhưng có những trường hợp sỏi mật tồn tại lâu dài nên cần can thiệp y tế.
Các tác dụng phụ khác
Giảm cân nhanh có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, dễ cáu gắt, rối loạn kinh nguyệt và mất nước. Nguy cơ này tăng lên nếu chế độ ăn kiêng khắc nghiệt được duy trì trong thời gian dài.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Khi nào nên chọn giảm cân nhanh?
Giảm cân nhanh có thể cần thiết trong một số tình huống cụ thể như sau:
- Giảm cân từ từ không hiệu quả: đối với người béo phì mạn tính hoặc mắc các bệnh lý nghiêm trọng như đái tháo đường típ 2, giảm cân nhanh có thể được xem xét như một giải pháp tạm thời khi giảm cân từ từ không mang lại hiệu quả.
- Đáp ứng các yêu cầu y tế khẩn cấp: giảm cân nhanh có thể giúp giảm rủi ro và cải thiện kết quả điều trị trong trường hợp cần giảm cân gấp trước các phẫu thuật lớn hoặc điều trị các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Mục tiêu cá nhân cấp bách: đối với những người cần giảm cân nhanh chóng cho các sự kiện đặc biệt, giảm cân nhanh có thể là lựa chọn cần thiết.
Trong tất cả các trường hợp, sự giám sát của chuyên gia y tế là rất quan trọng để đảm bảo quá trình giảm cân nhanh được thực hiện an toàn, hiệu quả và không gây hại cho sức khỏe.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Vai trò của chuyên gia y tế trong quá trình giảm cân nhanh
Trong trường hợp cần giảm cân nhanh, chuyên gia y tế đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quá trình giảm cân nhanh diễn ra an toàn và hiệu quả. Chuyên gia y tế có nhiệm vụ:
- Đánh giá sức khỏe toàn diện: chuyên gia y tế thực hiện đánh giá sức khỏe tổng quát để xác định các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến quá trình giảm cân, bao gồm kiểm tra các chỉ số như huyết áp, mức đường huyết và chức năng gan.
- Hướng dẫn sử dụng thuốc hỗ trợ: nếu cần thiết, chuyên gia y tế chỉ định và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc hỗ trợ giảm cân. Việc sử dụng thuốc sẽ được thực hiện dưới sự giám sát y tế chặt chẽ để đảm bảo an toàn và hiệu quả, đồng thời theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Cá nhân hóa kế hoạch điều trị: chuyên gia y tế thiết kế kế hoạch giảm cân phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu cụ thể của từng cá nhân.
- Theo dõi tiến trình và điều chỉnh cho phù hợp: trong suốt quá trình giảm cân, chuyên gia y tế theo dõi tiến trình và điều chỉnh kế hoạch điều trị để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm cân một cách an toàn và hiệu quả.
- Giải quyết vấn đề sức khỏe phát sinh: xử lý các vấn đề sức khỏe phát sinh trong quá trình giảm cân nhanh và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần.
- Hướng dẫn về thói quen sinh hoạt: cung cấp thông tin và hướng dẫn về thói quen sinh hoạt lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống, tập luyện và cách quản lý căng thẳng nhằm hỗ trợ việc giảm cân bền vững và duy trì sức khỏe tốt.
- Bổ sung chất dinh dưỡng: đề nghị bệnh nhân bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để phòng ngừa thiếu hụt và duy trì chức năng cơ thể trong quá trình giảm cân nhanh.
- Hỗ trợ tinh thần và động viên: tạo động lực để giúp bệnh nhân vượt qua các thách thức trong quá trình giảm cân.
Giảm cân nhanh có thể mang lại kết quả tức thì nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe nếu không được thực hiện đúng cách. Trong trường hợp cần giảm cân nhanh, các yếu tố an toàn và hiệu quả cần được đảm bảo dưới sự giám sát của chuyên gia y tế như Bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng.
MedFit là nơi cung cấp kế hoạch giảm cân được cá nhân hóa với từng bệnh nhân, đồng thời hướng dẫn sử dụng thuốc hỗ trợ nếu cần và theo dõi trong suốt tiến trình điều trị để điều chỉnh kịp thời. Hãy liên hệ với MedFit để nhận được sự hỗ trợ toàn diện và chuẩn y khoa nhằm mục đích giảm cân an toàn và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- Dulloo AG, Montani JP. “Pathways from dieting to weight regain, to obesity and to the metabolic syndrome: an overview“. Obes Rev. 2015 Feb;16 Suppl 1:1-6. doi: 10.1111/obr.12250. PMID: 25614198
- Fogarasi A, Gonzalez K, et al. “The Impact of the Rate of Weight Loss on Body Composition and Metabolism“. Curr Obes Rep. 2022 Jun;11(2):33-44. doi: 10.1007/s13679-022-00470-4. Epub 2022 Feb 8. PMID: 35133628
- Vink RG, Roumans NJ, et al. “The effect of rate of weight loss on long-term weight regain in adults with overweight and obesity“. Obesity (Silver Spring). 2016 Feb;24(2):321-7. doi: 10.1002/oby.21346. PMID: 26813524
- Institute of Medicine (US) Subcommittee on Military Weight Management. “Weight Management: State of the Science and Opportunities for Military Programs“. Washington (DC): National Academies Press (US); 2004
- Coutinho SR, With E, et al. “The impact of rate of weight loss on body composition and compensatory mechanisms during weight reduction: A randomized control trial“. Clin Nutr. 2018 Aug;37(4):1154-1162. doi: 10.1016/j.clnu.2017.04.008. Epub 2017 Apr 25. PMID: 28479016
- Fothergill E, Guo J, et al. “Persistent metabolic adaptation 6 years after “The Biggest Loser” competition“. Obesity (Silver Spring). 2016 Aug;24(8):1612-9. doi: 10.1002/oby.21538. Epub 2016 May 2. PMID: 27136388; PMCID: PMC4989512
- Kreitzman SN, Coxon AY, Szaz KF. “Glycogen storage: illusions of easy weight loss, excessive weight regain, and distortions in estimates of body composition“. Am J Clin Nutr. 1992 Jul;56(1 Suppl):292S-293S. doi: 10.1093/ajcn/56.1.292S. PMID: 1615908
- Erlinger S. “Gallstones in obesity and weight loss“. Eur J Gastroenterol Hepatol. 2000 Dec;12(12):1347-52. doi: 10.1097/00042737-200012120-00015. PMID: 11192327
- Fernández-Elías VE, Ortega JF, et al. “Relationship between muscle water and glycogen recovery after prolonged exercise in the heat in humans“. Eur J Appl Physiol. 2015 Sep;115(9):1919-26. doi: 10.1007/s00421-015-3175-z. Epub 2015 Apr 25. PMID: 25911631
- Stokes CS, Lammert F. “Excess Body Weight and Gallstone Disease“. Visc Med. 2021 Aug;37(4):254-260. doi: 10.1159/000516418. Epub 2021 Jun 15. PMID: 34540940; PMCID: PMC8406364
- Lemstra M, Bird Y, et al. “Weight loss intervention adherence and factors promoting adherence: a meta-analysis“. Patient Prefer Adherence. 2016 Aug 12;10:1547-59. doi: 10.2147/PPA.S103649. PMID: 27574404; PMCID: PMC4990387
- Purcell K, Sumithran P, et al. “The effect of rate of weight loss on long-term weight management: a randomised controlled trial“. Lancet Diabetes Endocrinol. 2014 Dec;2(12):954-62. doi: 10.1016/S2213-8587(14)70200-1. PMID: 25459211
- Ryan Raman. “Is It Bad to Lose Weight Too Quickly?“. Healthline
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.