Béo phì ở trẻ em: nguyên nhân và giải pháp

Hiện nay, sự tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trẻ em đang được chứng minh qua sự giảm tỷ lệ các bệnh lý truyền nhiễm và suy dinh dưỡng nhờ vào việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên, trong khi những bệnh lý này giảm bớt, các bệnh lý không truyền nhiễm như đái tháo đường, hen suyễn và các vấn đề về tim mạch lại đang có xu hướng gia tăng. Tình trạng béo phì, đặc biệt là béo phì ở trẻ em, đang dần trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Béo phì không chỉ là tăng cân và thay đổi ngoại hình, nó còn kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe khác và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong bài viết này, MedFit sẽ cung cấp những thông tin khoa học để làm rõ về tình trạng béo phì ở trẻ em cũng như nguyên nhân và biện pháp điều trị vấn đề này.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Béo phì ở trẻ em là gì?

    Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ quá nhiều trong cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Béo phì đã được công nhận là một bệnh lý mạn tính ở trẻ em và ngày càng gia tăng ở các quốc gia đang phát triển. Sự gia tăng này chủ yếu là do sự phát triển về điều kiện kinh tế và tình trạng dinh dưỡng, đồng thời sự bùng nổ của thực phẩm chế biến sẵn và đồ ngọt như bánh kẹo, nước ngọt… với hàm lượng đường cao cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này.

    Theo thống kê của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa kỳ (AAP) những năm gần đây, tỷ lệ béo phì tăng gần 4 lần từ 5% (1963-1965) lên 19% (2017-2018), nếu vẫn giữ nguyên xu hướng này thì năm 2050 sẽ có 57% trẻ bị béo phì.

    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

    Cách xác định béo phì ở trẻ em

    Phương pháp đo tỷ lệ mỡ thừa trong cơ thể là cách chính xác nhất để xác định tình trạng béo phì, tuy nhiên cách này không khả thi trong điều kiện thực tế. Chỉ số BMI không đo trực tiếp lượng mỡ thừa nhưng mối tương quan giữa chỉ số này và béo phì đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu.

    Hiện nay, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) định nghĩa đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên béo phì là khi BMI ≥ mức bách phân vị (BPV) thứ 95 trên biểu đồ tăng trưởng theo tuổi và giới, CDC khuyến cáo sử dụng biểu đồ tăng trưởng của WHO đối với trẻ dưới 2 tuổi.

    biểu đồ tăng trưởng theo tuổi và giới
    Biểu đồ tăng trưởng theo tuổi và giới

    Đa số trẻ em phát triển khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành mà không cần phải gặp Bác sĩ thường xuyên nên gia đình có vai trò quan trọng trong việc theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ. Người đầu tiên nhận biết dấu hiệu béo phì ở trẻ chính là người chăm sóc trẻ hàng ngày.

    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Nguyên nhân khiến trẻ em bị béo phì

      Về bản chất, cân nặng phản ánh quá trình đốt cháy năng lượng được nạp vào cơ thể từ thức ăn thông qua các hoạt động thể chất. Trẻ bị béo phì khi năng lượng được nạp vào nhiều hơn năng lượng bị đốt cháy, do đó năng lượng dư thừa được chuyển hóa thành mỡ dự trữ trong cơ thể. Nguyên nhân gây béo phì liên quan đến sự mất cân bằng của quá trình này và có thể xuất phát một số lý do khác, bao gồm:

      • Di truyền: trẻ có cha mẹ bị béo phì, mẹ tăng cân quá nhanh trong lúc mang thai, mẹ bị đái tháo đường thai kỳ, mẹ có sử dụng thuốc lá, trẻ tăng cân quá nhanh sau sinh hay trẻ mắc bệnh lý di truyền (hội chứng Prader Willi, hội chứng Alstrom…) đều là những yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị béo phì.
      • Dinh dưỡng: chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra béo phì ở trẻ em. Ba thành phần cung cấp năng lượng chính trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ bao gồm đường hay tinh bột, chất đạm và chất béo. Tinh bột chiếm tỷ lệ cao nhất (45-55%), chất béo cho năng lượng nhiều nhất (9kcal/1g) và chất đạm có vai trò xây dựng cơ bắp. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần cân đối, ăn quá nhiều một chất gây mất cân bằng dinh dưỡng và có thể dẫn đến béo phì.
      chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra béo phì ở trẻ (hình minh họa)
      Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra béo phì ở trẻ (hình minh họa)
      • Chế độ sinh hoạt: chiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cho trẻ dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử khiến trẻ ít vận động hơn, đồng thời ánh sáng xanh từ các thiết bị này ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Đây đều là những hành vi làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ.
      • Môi trường sống: đây cũng là yếu tố góp phần gây ra tình trạng béo phì. Việc cha mẹ bận rộn không có thời gian chuẩn bị bữa ăn và thường lựa chọn đồ ăn nhanh vì tính tiện lợi, ba mẹ sử dụng đồ ngọt như một phần thưởng cho trẻ… Đồng thời, sự phát triển của công nghệ hiện đại và vấn đề đô thị hóa khiến trẻ thiếu không gian và môi trường an toàn cũng như dành ít thời gian hơn để vận động thể chất.
      • Các nguyên nhân khác: những trẻ có tình trạng lo âu, trầm cảm, tự ti, rối loạn ăn uống, sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc trầm cảm, corticosteroid… cũng là những đối tượng dễ mắc béo phì.

      Vì sao cần điều trị béo phì?

      Béo phì là bệnh ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, thường dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch, chứng ngưng thở khi ngủ và hen suyễn. Trẻ béo phì có nguy cơ bị tiền đái tháo đường cao gấp 1,4 lần, bị hen suyễn cao gấp 1,7 lần, bị tăng huyết áp cao gấp 4,4 lần và bị gan nhiễm mỡ cao gấp 26,1 lần.

      Một khía cạnh khác cũng cần được quan tâm là béo phì ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Trẻ bị béo phì có thể bị bạn bè kỳ thị, trêu chọc thậm chí bắt nạt vì cân nặng và ngoại hình của mình. Trẻ rất khó tham gia vào các hoạt động thể chất cùng các bạn đồng trang lứa do chậm chạp và dễ mệt hơn, làm trẻ ngày càng tự ti, hạn chế tiếp xúc với thế giới xung quanh và dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử hơn. Điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập, làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ.

      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

      Phương pháp điều trị béo phì ở trẻ em

      Điều trị béo phì là quá trình lâu dài nên được thực hiện càng sớm càng tốt, đòi hỏi sự kiên trì, theo dõi liên tục, phối hợp giữa cha mẹ và Bác sĩ. Phương pháp điều trị đa dạng, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và các yếu tố nguy cơ của từng trẻ với mục tiêu chung là giảm cân, ngăn ngừa tăng cân trở lại, hạn chế các biến chứng của béo phì và điều trị bệnh nền hoặc các bệnh đồng mắc nếu có. Nguyên tắc điều trị béo phì dựa trên việc giảm lượng nặng lượng được nạp vào và tăng đốt cháy năng lượng dư thừa tích lũy.

      Can thiệp lối sống là nguyên tắc cơ bản trong việc điều trị tình trạng béo phí ở trẻ. Các phương pháp điều trị bao gồm:

      Chế độ dinh dưỡng hợp lý

      Chế độ ăn cần đảm bảo giảm năng lượng nạp vào cơ thể và cân đối các loại thực phẩm. Có rất nhiều phương pháp xây dựng khẩu phần ăn phù hợp như quy tắc đèn giao thông, chế độ ăn chánh niệm, chế độ ăn giảm tinh bột, chế độ ăn Địa Trung Hải, chế độ DASH diet… Những phương pháp này được lựa chọn tùy thuộc vào hoàn cảnh và nhu cầu của từng cá nhân. Quy tắc đèn giao thông được thực hiện bằng cách dán nhãn để giới hạn khối lượng tiêu thụ cho từng loại thực phẩm, bao gồm:

      • Màu xanh lá cho thức ăn có ít calo và có thể ăn nhiều.
      • Màu vàng cho thức ăn có mức calo trung bình và có thể ăn thỉnh thoảng.
      • Màu đỏ cho thức ăn có lượng calo cao nên cần hạn chế ăn.
      đảm bảo giảm năng lượng nạp vào cơ thể và cân đối các loại thực phẩm
      Đảm bảo giảm năng lượng nạp vào cơ thể và cân đối các loại thực phẩm

      Vận động thể lực

      Việc hoạt động thể chất cần phù hợp với từng trẻ. Lý do là trẻ béo phì thường kém linh hoạt hơn trẻ bình thường ở nhiều khía cạnh như khả năng phối hợp, tốc độ, giữ thăng bằng, sự nhanh nhẹn… Điều này cản trở trẻ vận động thể lực, đồng thời gây tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ.

      Trẻ 3-5 tuổi nên vận động nhiều nhất có thể hàng ngày. Các hoạt động này bao gồm hoạt động thể chất và trò chơi ngoài trời, có thể được chia thành nhiều khoảng thời gian trong suốt cả ngày. Để tăng cường sự vận động, hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động hàng ngày như đi bộ đến trường, vui chơi ngoài trời hoặc tập thể dục cùng các thành viên trong gia đình.

      Trẻ 6-17 tuổi cần ít nhất 60 phút vận động với cường độ trung bình mỗi ngày, các bài tập aerobic hay kháng lực đều có lợi ích giảm cân. Các bài tập tăng cường sự dẻo dai và sức mạnh cơ bắp nên được thực hiện ít nhất 3 ngày/tuần. Cha mẹ tham gia hoạt động thể chất cùng con có tác động tích cực lên việc hình thành lối sống năng động và lành mạnh hơn là chỉ khuyến khích bằng lời nói.

      Trẻ 2-5 tuổi chỉ nên tiếp xúc màn hình thiết bị điện tử dưới 1 giờ/ngày, dưới 2 giờ/ngày với trẻ trên 5 tuổi và không nên cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử. Việc dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị này làm giảm thời gian vận động ở trẻ, ngoài ra, trẻ có xu hướng ăn vặt nhiều hơn trong những lúc này.

      tăng cường vận động thông qua các hoạt động thường ngày nhằm cải thiện tình trạng béo phì (hình minh họa)
      Tăng cường vận động thông qua các hoạt động thường ngày nhằm cải thiện tình trạng béo phì (hình minh họa)

      Cải thiện giấc ngủ

      Trẻ cần duy trì một giấc ngủ đầy đủ theo từng độ tuổi, 11-14 giờ cho trẻ 1-2 tuổi, 10-13 giờ cho trẻ 3-5 tuổi, 9-12 giờ cho trẻ 6-12 tuổi và 8-10 giờ cho trẻ trên 13 tuổi. Tránh ăn quá nhiều gần giờ đi ngủ, vận động nhiều vào ban ngày và không sử dụng các thiết bị điện tử trong phòng ngủ sẽ giúp trẻ có giấc ngủ tốt hơn.

      Thuốc

      Phương pháp dùng thuốc là bước kế tiếp trong điều trị béo phì, dành cho những trẻ thất bại khi giảm cân bằng các phương pháp thay đổi lối sống. Thuốc giảm cân được chỉ định cho trẻ lớn hơn 12 tuổi có BMI ≥ mức BPV thứ 95 và có bệnh đồng mắc liên quan đến cân nặng hoặc trẻ có BMI ≥ 120% mức BPV thứ 95. Mặc dù có hiệu quả tốt, phương pháp này có chi phí cao và có thể có tác dụng phụ.

      Hiện nay chỉ có 3 hoạt chất được FDA Hoa Kỳ chấp thuận trong điều trị béo phì cho trẻ em và thanh thiếu niên là liraglutide, phentermine-topiramate và orlistat. Tác dụng phụ thường gặp là nôn ói, tiêu chảy, tăng huyết áp và nhịp tim, rối loạn cảm xúc.

      3 hoạt chất được fda chấp thuận trong điều trị béo phì cho trẻ em và thanh thiếu niên
      3 hoạt chất được FDA Hoa Kỳ chấp thuận trong điều trị béo phì cho trẻ em và thanh thiếu niên

      Phẫu thuật

      Phẫu thuật giảm cân được chỉ định cho đối tượng thất bại với những phương pháp điều trị kể trên, đặc biệt là khi phát hiện các biến chứng nặng. Một phần dạ dày sẽ được cắt bỏ để giảm khả năng chứa đựng thức ăn, giảm cảm giác thèm ăn, giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể từ đó giảm đáng kể lượng calo được hấp thụ. Đây là biện pháp xâm lấn và có thể mang lại nhiều biến chứng sau khi phẫu thuật như sỏi mật, tắc ruột, thiếu vi chất và nguy cơ phải phẫu thuật lại.

      Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
      Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

        * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

        Khi nào trẻ nên gặp Bác sĩ?

        Gia đình của trẻ khi thấy trẻ có các dấu hiệu thừa cân hoặc béo phì (tăng cân quá nhanh, cân nặng vượt trội so với trẻ cùng tuổi…) nên đến gặp Bác sĩ. Bác sĩ dựa trên BMI để xác định tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu trẻ bị béo phì sẽ được đánh giá toàn diện về nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ, bệnh đồng mắc và đặc điểm xã hội nhằm đưa ra hướng dẫn điều trị giảm cân phù hợp. Sau đó, gia đình trẻ cần phối hợp với Bác sĩ đảm bảo thực hiện đúng liệu trình, đồng thời theo dõi và đánh giá để điều chỉnh kế hoạch theo từng giai đoạn điều trị.

        trẻ có các dấu hiệu thừa cân hoặc béo phì nên thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn điều trị giảm cân
        Trẻ có các dấu hiệu thừa cân hoặc béo phì nên thăm khám Bác sĩ để được hướng dẫn điều trị giảm cân

        Béo phì ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của trẻ. Để ngăn ngừa và điều trị hiệu quả, cần có một lộ trình giảm cân phù hợp, kết hợp giữa dinh dưỡng, vận động và thói quen sinh hoạt. Tại MedFit, Phòng khám giảm cân đa mô thức, chúng tôi cung cấp các liệu trình cá nhân hóa, phù hợp với từng đối tượng, giúp bạn đạt được cân nặng lý tưởng và nâng cao sức khỏe tổng thể. Hãy đến MedFit để bắt đầu hành trình thay đổi tích cực cho chính bạn và người thân.

        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ
        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ m

        Tài liệu tham khảo

        1. Tiwari A, Daley SF, Balasundaram P. “Obesity in Pediatric Patients“. [Updated 2023 Mar 8]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-
        2. Balasundaram P, Krishna S. “Obesity Effects on Child Health“. [Updated 2023 Apr 10]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-
        3. Sahoo K, Sahoo B, et al. “Childhood obesity: causes and consequences“. J Family Med Prim Care. 2015 Apr-Jun;4(2):187-92. doi: 10.4103/2249-4863.154628. PMID: 25949965; PMCID: PMC4408699
        4. Maffeis C, Olivieri F, et al. “The treatment of obesity in children and adolescents: consensus position statement of the Italian society of pediatric endocrinology and diabetology, Italian Society of Pediatrics and Italian Society of Pediatric Surgery“. Ital J Pediatr. 2023 Jun 8;49(1):69. doi: 10.1186/s13052-023-01458-z. PMID: 37291604; PMCID: PMC10249209
        5. Hampl SE, Hassink SG, et al. “Clinical Practice Guideline for the Evaluation and Treatment of Children and Adolescents With Obesity“. Pediatrics. 2023 Feb 1;151(2):e2022060640. doi: 10.1542/peds.2022-060640
        6. Xu S, Xue Y. “Pediatric obesity: Causes, symptoms, prevention and treatment“. Exp Ther Med. 2016 Jan;11(1):15-20. doi: 10.3892/etm.2015.2853. Epub 2015 Nov 11. PMID: 26834850; PMCID: PMC4726862
        7. Lister NB, Baur LA, et al. “Child and adolescent obesity“. Nat Rev Dis Primers. 2023 May 18;9(1):24. doi: 10.1038/s41572-023-00435-4. PMID: 37202378
        8. Paruthi S, Brooks LJ, et al. “Recommended Amount of Sleep for Pediatric Populations: A Consensus Statement of the American Academy of Sleep Medicine“. J Clin Sleep Med. 2016 Jun 15;12(6):785-6. doi: 10.5664/jcsm.5866. PMID: 27250809; PMCID: PMC4877308
        Content Protection by DMCA.com
        logo MedFit

        Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.