Các phương pháp chẩn đoán béo phì

Béo phì là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hiện nay, ảnh hưởng đến hàng triệu người và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường típ 2, tim mạch và cao huyết áp. Không chỉ đe dọa sức khỏe, béo phì còn khiến chất lượng cuộc sống suy giảm đáng kể. Để điều trị thành công, việc chẩn đoán chính xác tình trạng béo phì là yếu tố quyết định. Hiểu rõ và áp dụng đúng các phương pháp chẩn đoán béo phì giúp phát hiện sớm và kiểm soát bệnh hiệu quả, từ đó cải thiện sức khỏe cộng đồng.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Tổng quan về béo phì và chẩn đoán béo phì

    Béo phì là gì?

    Beo phi
    Tình trạng béo phì (hình minh họa)

    Béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ, dẫn đến trọng lượng cơ thể vượt quá mức bình thường và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

    Theo ước tính vào năm 2014, toàn thế giới có khoảng 1,9 tỷ người trưởng thành bị thừa cân (tương đương với 39% dân số), trong đó có 600 triệu người bị béo phì, tăng gấp hơn hai lần so với năm 1980.

    Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, vào năm 2021, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở người trưởng thành trên dân số chung khoảng 23,4%, trong đó béo phì chiếm khoảng 7,8%.

    Tổng quan về việc chẩn đoán béo phì

    Tầm quan trọng của việc chẩn đoán béo phì

    Chẩn đoán chính xác tình trạng béo phì là bước đầu tiên và rất quan trọng để quản lý và điều trị tình trạng này hiệu quả. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra nhiều bệnh lý mãn tính nghiêm trọng, bao gồm đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Hơn nữa, tình trạng này có thể dẫn đến khó khăn trong việc di chuyển, đau khớp và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu.

    Phát hiện sớm béo phì giúp xác định mức độ béo phì và xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp, từ thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất đến việc áp dụng điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật khi cần thiết. Nhờ vào việc chẩn đoán sớm, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp điều trị hiệu quả hơn, không chỉ ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe tổng quát và phòng ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan.

    Khó khăn và hạn chế trong chẩn đoán béo phì hiện nay

    Chẩn đoán béo phì hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế do các yếu tố đa chiều tác động đến việc xác định tình trạng này. Một trong những thách thức lớn nhất là sự phụ thuộc vào chỉ số BMI, được xem như tiêu chuẩn chính để chẩn đoán tình trạng bệnh lý này. Mặc dù là công cụ phổ biến và đơn giản, BMI không thể phân biệt được giữa khối lượng cơ và mỡ, dẫn đến việc đánh giá sai tình trạng sức khỏe của những người có cơ bắp phát triển hoặc cấu trúc xương lớn. Ngoài ra, các yếu tố như sự phân bố mỡ trong cơ thể, tỷ lệ mỡ nội tạng so với mỡ dưới da và các biến chứng liên quan khác như đái tháo đường và bệnh tim mạch cũng không được BMI phản ánh đầy đủ, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị có thể không chính xác.

    Thêm vào đó, yếu tố tâm lý và xã hội cũng làm việc chẩn đoán trở nên phức tạp hơn. Người bệnh thường không nhận thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của tình trạng béo phì hoặc cảm thấy xấu hổ khi thảo luận vấn đề này với Bác sĩ, dẫn đến chẩn đoán chậm trễ hoặc không chính xác.

    Hiện tại, chẩn đoán béo phì còn bị hạn chế bởi sự thiếu đồng nhất trong các tiêu chuẩn y tế và định nghĩa về béo phì trên toàn cầu. Các hệ thống y tế khác nhau có thể áp dụng các tiêu chí khác nhau, dẫn đến sự khác biệt trong việc xác định và quản lý tình trạng béo phì ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Điều này khiến việc đạt được một tiêu chuẩn chung toàn cầu trở nên phức tạp và vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi.

    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

    Các phương pháp chẩn đoán béo phì truyền thống

    Chỉ số BMI là công cụ phổ biến nhất để chẩn đoán béo phì do tính đơn giản và được áp dụng rộng rãi, nhưng đây không phải là phương pháp duy nhất được sử dụng. BMI có nhiều hạn chế, đặc biệt là BMI không phân biệt được giữa khối lượng cơ và khối lượng mỡ, dẫn đến việc đánh giá sai tình trạng bệnh lý này. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã nhấn mạnh sự kết hợp nhiều phương pháp để đánh giá toàn diện tình trạng béo phì là vô cùng cần thiết.

    Chỉ số BMI

    BMI là một chỉ số được sử dụng để đánh giá mức độ béo phì hoặc suy dinh dưỡng, được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m²).

    Thang phân loại mức độ béo phì theo WHO và thang phân loại béo phì dành cho người châu Á của Hiệp hội đái tháo đường các nước châu Á (IDI & WPRO) được trình bày trong bảng dưới đây:

    Phân loại Chỉ số BMI theo WHO Chỉ số BMI theo IDI & WPRO
    Gầy < 18,5
    Bình thường 18,5-24,9 18,5-22,9
    Thừa cân 25-29,9 23-24,9
    Béo phì độ I 30-34,9 25-29,9
    Béo phì độ II 35-39,9 30-34,9
    Béo phì độ III ≥ 40 ≥ 35

    Ưu điểm: BMI là công cụ thuận tiện cho nghiên cứu dịch tễ học và quản lý y tế cộng đồng để theo dõi tỷ lệ béo phì trong các quần thể. BMI cung cấp thông tin về nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến béo phì. Người có BMI từ 25 trở lên thường có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch và tăng huyết áp.

    Nhược điểm: BMI không thể phân biệt được giữa lượng mỡ trong cơ thể và khối lượng cơ bắp. Một người có cơ bắp phát triển có thể có chỉ số BMI cao nhưng không bị béo phì. BMI cũng không đánh giá được tình trạng phân bố mỡ cơ thể, đặc biệt như mỡ bụng, một yếu tố quan trọng để đánh giá các bệnh lý nghiêm trọng. Ngoài ra, BMI có thể không phản ánh chính xác tình trạng cơ thể ở các độ tuổi hoặc các nhóm giới tính khác nhau.

    Chu vi vòng eo

    chẩn đoán béo phì
    Vòng eo là số đo chu vi phần nhỏ nhất của vùng bụng

    Vòng eo là số đo chu vi của phần nhỏ nhất của vùng bụng, thường nằm ngay trên rốn và dưới xương sườn.

    Ưu điểm: số đo vòng eo là chỉ số quan trọng để đánh giá mỡ bụng, yếu tố nguy cơ gây các bệnh lý nghiêm trọng. Đây là một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện và không cần thiết bị phức tạp.

    Nhược điểm: chỉ dựa vào số đo vòng eo có thể không cung cấp đầy đủ thông tin về tổng lượng mỡ trong cơ thể hoặc sự phân bố mỡ trên toàn cơ thể, không thể phân biệt giữa mỡ và cơ bắp, đặc biệt ở những người có khối lượng cơ lớn. Kết quả đo vòng eo có thể bị ảnh hưởng bởi tư thế đứng, thời điểm đo và vị trí đo, dẫn đến kết quả không phản ánh đúng tình trạng mỡ bụng. Ngoài ra, phương pháp này không phù hợp cho tất cả mọi người, chẳng hạn như phụ nữ mang thai hoặc người có bệnh lý liên quan đến bụng.

    Chu vi vòng hông

    chẩn đoán béo phì
    Vòng hông là số đo chu vi phần rộng nhất của hông

    Vòng hông là số đo chu vi tại điểm rộng nhất của hông, thường nằm xung quanh mông.

    Ưu điểm: đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá sự phân bố mỡ trong cơ thể và thường được sử dụng cùng với số đo vòng eo để tính tỷ số eo – hông.

    Nhược điểm: một số người có thể gặp khó khăn trong việc xác định vị trí cần đo chính xác trên cơ thể, dẫn đến kết quả không nhất quán nếu không thực hiện đúng cách. Chu vi vòng hông không cung cấp thông tin đầy đủ về tổng lượng mỡ cơ thể.

    Tỷ số eo – hông

    Tỷ số eo – hông được tính bằng cách chia vòng eo cho vòng hông.

    Tinh ti le eo hong
    Tỷ số eo – hông được tính bằng cách chia vòng eo cho vòng hông

    Ưu điểm: đây là một chỉ số quan trọng trong việc đánh giá nguy cơ sức khỏe liên quan đến sự phân bố mỡ trong cơ thể, từ đó đánh giá nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì.

    Nhược điểm: có những nhược điểm tương tự như phương pháp đo chu vi vòng eo và đo chu vi vòng hông đã được trình bày ở trên.

    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Tổng quan về phương pháp đánh giá tỷ lệ mỡ và sự phân bố mỡ trong cơ thể

      Tỷ lệ mỡ trong cơ thể là chỉ số phản ánh phần trăm mỡ trên tổng khối lượng cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá mức độ béo phì và sức khỏe tổng thể. Mỡ cơ thể có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính và chức năng sinh lý của cơ thể.

      Mỡ bụng bao gồm hai loại chính là mỡ nội tạng và mỡ dưới da. Mỡ nội tạng nằm sâu bên trong bụng và bao quanh các cơ quan nội tạng như gan và dạ dày, liên quan đến nguy cơ cao mắc các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim mạch và đái tháo đường típ 2. Trong khi đó, mỡ dưới da nằm ngay dưới lớp da và trên cơ bụng, có thể góp phần vào tình trạng béo phì và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhưng ít liên quan trực tiếp đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như mỡ nội tạng.

      Tiêu chuẩn phân loại tỷ lệ mỡ cơ thể theo tuổi và giới là công cụ quan trọng giúp đánh giá chính xác tình trạng mỡ cơ thể của từng cá nhân. Theo National Institutes of Health, tiêu chuẩn này giúp xác định và phân loại các mức độ mỡ cơ thể theo hai tiêu chí là bình thường và cao, nhằm đưa ra các chỉ dẫn phù hợp cho sức khỏe và điều trị. Tiêu chuẩn phân loại tỷ lệ mỡ cơ thể theo tuổi và giới được trình bày theo bảng dưới đây:

      Tuổi Tỷ lệ mỡ trong cơ thể (%) Phân loại
      Nữ giới Nam giới
      20-39 21-32 8-19 Bình thường
      > 32 > 19 Cao
      40-59 23-33 11-21 Bình thường
      > 33 > 21 Cao
      ≥ 60 24-35 13-25 Bình thường
      > 35 > 25 Cao

      Chú thích:

      • Bình thường: tỷ lệ mỡ cơ thể trong phạm vi này thường được coi là bình thường và không có nguy cơ cao mắc các bệnh lý liên quan đến béo phì.
      • Cao: tỷ lệ mỡ cơ thể trong phạm vi này có thể chỉ ra nguy cơ cao về các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là bệnh tim và đái tháo đường.
      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

      Các phương pháp chẩn đoán béo phì bằng cách đo tỷ lệ mỡ và đánh giá sự phân bố mỡ trong cơ thể

      Cân phân tích mỡ

      Đây là thiết bị dùng để đo tỷ lệ mỡ trong cơ thể, chủ yếu dựa vào công nghệ phân tích điện trở sinh học (BIA – bioelectrical impedance analysis). Máy hoạt động bằng cách truyền một dòng điện rất nhỏ qua cơ thể và đo điện trở của các mô. Sự khác biệt về độ dẫn điện giữa mô cơ (có hàm lượng nước cao) và mô mỡ (có hàm lượng nước thấp) được sử dụng để ước tính tỷ lệ mỡ cơ thể. Máy không đo trực tiếp mỡ nội tạng mà chỉ tính toán gián tiếp loại mỡ liên quan đến các nguy cơ sức khỏe như bệnh tim mạch và đái tháo đường.

      Các thiết bị phổ biến sử dụng công nghệ BIA bao gồm Tanita BC-545N, Omron BF511, Withings Body+ và InBody.

      Inbody
      Cân phân tích mỡ InBody (hình minh họa)

      Ưu điểm: cân phân tích mỡ rất dễ sử dụng, cung cấp kết quả nhanh chóng và cho phép theo dõi tỷ lệ mỡ cơ thể theo thời gian. Đây là một phương pháp không xâm lấn và có chi phí thấp hơn so với các phương pháp khác như DEXA.

      Nhược điểm: kết quả đo có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về lượng nước trong cơ thể, dẫn đến sai lệch giữa các lần đo.

      Caliper (kẹp đo mỡ)

      Caliper được sử dụng để đo độ dày của các lớp mỡ dưới da bằng cách kẹp da ở các điểm xác định trên cơ thể, các số đo này sau đó có thể được sử dụng để tính toán tổng lượng mỡ cơ thể.

      chẩn đoán béo phì
      Phương pháp dùng caliper đo mỡ (hình minh họa)

      Ưu điểm: caliper thường có giá thành phải chăng, dễ tiếp cận và sử dụng. Quy trình đo lường tương đối đơn giản và không yêu cầu thiết bị phức tạp. Có thể đo lường tại nhiều ví trí khác nhau và có thể theo dõi sự thay đổi về mỡ cơ thể theo thời gian với các phép đo định kỳ.

      Nhược điểm: kết quả có thể không chính xác nếu người thực hiện không có kinh nghiệm hoặc không làm đúng cách. Kết quả đo lường có thể không đồng nhất giữa các vùng cơ thể khác nhau và không cung cấp thông tin về mỡ nội tạng.

      DEXA (dual-energy x-ray absorptiometry)

      DEXA
      Phương pháp DEXA (hình minh họa)

      Phương pháp này sử dụng hai loại tia X có năng lượng khác nhau để đo tỷ lệ mỡ cơ thể, khối lượng xương và khối lượng cơ.

      Ưu điểm: cung cấp thông tin chi tiết về tỷ lệ mỡ cơ thể, khối lượng xương và khối lượng cơ. Ngoài ra còn cung cấp dữ liệu chi tiết về sự phân bố mỡ trong cơ thể, bao gồm mỡ dưới da và mỡ nội tạng.

      Nhược điểm: DEXA là một thiết bị đắt đỏ, thường chỉ có tại các cơ sở y tế lớn. Do đó, việc tiếp cận với phương pháp này có thể gặp khó khăn. Ngoài ra, vẫn có nguy cơ tiếp xúc với bức xạ dù lượng bức xạ được sử dụng rất thấp. Hơn nữa, quy trình đo lường có thể tốn nhiều thời gian và yêu cầu bệnh nhân phải nằm yên trong một thời gian dài, điều này có thể gây bất tiện cho một số người.

      Chụp CT

      Chup CT
      Phương pháp chụp CT (hình minh họa)

      Phương pháp này sử dụng kết hợp các tia X từ nhiều hướng khác nhau để tạo thành hình ảnh cắt ngang xương và các mô mềm trên cơ thể trong khu vực được chụp.

      Ưu điểm: cung cấp hình ảnh cắt ngang chi tiết về xương và mô mềm, có thể phân biệt được mỡ nội tạng và mỡ dưới da, cung cấp thông tin chi tiết về sự phân bố mỡ trong cơ thể.

      Nhược điểm: đây là một phương pháp đắt đỏ và thường chỉ có tại các cơ sở y tế lớn. Phương pháp này sử dụng tia X với lượng bức xạ cao hơn so với nhiều phương pháp khác.

      Chụp MRI

      MRI
      Phương pháp chụp MRI (hình minh họa)

      Phương pháp này sử dụng năng lượng từ trường và sóng vô tuyến để tạo hình ảnh chi tiết về các mô trong cơ thể.

      Ưu điểm: có thể cung cấp thông tin chi tiết về sự phân bố mỡ, bao gồm mỡ nội tạng và mỡ dưới da. MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến nên không có nguy cơ nhiễm xạ như chụp CT.

      Nhược điểm: đây là một phương pháp đắt đỏ và tốn nhiều thời gian, kéo dài từ 30 phút đến hơn một giờ, yêu cầu bệnh nhân phải nằm yên trong máy trong thời gian dài.

      Siêu âm

      Sieu am bung
      Phương pháp siêu âm (hình minh họa)

      Phương pháp sử dụng sóng âm để đo độ dày của lớp mỡ dưới da.

      Ưu điểm: siêu âm sử dụng sóng âm thay vì bức xạ ion hóa nên hoàn toàn an toàn cho sức khỏe và có thể sử dụng nhiều lần. Phương pháp này thường có chi phí thấp hơn so với các phương pháp hình ảnh khác như chụp CT hoặc chụp MRI, có thể đo độ dày của lớp mỡ dưới da một cách chính xác và không xâm lấn. Ngoài ra, quy trình này diễn ra nhanh chóng và không yêu cầu bệnh nhân phải nằm yên quá lâu, thường chỉ mất 15-30 phút.

      Nhược điểm: kết quả có thể không chính xác nếu người thực hiện kỹ thuật này không có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, phương pháp này có thể gây khó khăn trong việc phân biệt giữa các loại mô mềm và không cung cấp thông tin chi tiết về mỡ nội tạng.

      Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
      Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

        * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

        Các xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán béo phì

        Sau khi đã chẩn đoán béo phì thông qua các phương pháp đo lường đã được nêu trên, việc thực hiện các xét nghiệm bổ sung giúp đánh giá toàn diện các yếu tố sức khỏe liên quan và các biến chứng có thể phát sinh. Đây là các bước quan trọng để xây dựng phác đồ điều trị hợp lý và quản lý tình trạng béo phì hiệu quả. Các xét nghiệm bổ sung bao gồm:

        • Xét nghiệm nồng độ glucose trong máu: xét nghiệm này đo lượng glucose trong máu và giúp xác định nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2, một bệnh lý thường gặp ở người béo phì. Mức đường huyết cao có thể chỉ ra tình trạng đề kháng insulin. Do đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn và sử dụng thuốc trong trường hợp cần thiết là rất quan trọng để khắc phục tình trạng này.
        • Xét nghiệm các chỉ số lipid trong máu: đo các thành phần chất béo trong máu như LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglyceride để đánh giá tình trạng sức khỏe. Mức LDL cholesterol và triglyceride cao có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể chất và sử dụng thuốc điều trị mỡ máu trong trường hợp cần thiết là rất quan trọng để khắc phục tình trạng này.
        • Đánh giá chức năng gan và thận: đánh giá các chỉ số ALT, AST, bilirubin và albumin giúp phát hiện sớm các vấn đề về gan như bệnh gan mỡ không do rượu và theo dõi chức năng thận. Điều chỉnh chế độ ăn uống, giảm cân và điều trị bệnh lý gan là những phương pháp thường được áp dụng để điều trị.
        • Xét nghiệm các hormone tuyến giáp: xét nghiệm các hormone tuyến giáp như TSH, T3 và T4 để xác định các rối loạn chức năng tuyến giáp, có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể và góp phần vào tình trạng béo phì.
        • Xét nghiệm các hormone tuyến thượng thận: xét nghiệm các hormone tuyến thượng thận như cortisol để phát hiện tình trạng căng thẳng mạn tính hoặc hội chứng Cushing, có thể làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ bụng và ảnh hưởng đến cân nặng.
        BS Quy 2
        Thăm khám Bác sĩ để được xây dựng phác đồ điều trị béo phì phù hợp

        Việc chẩn đoán chính xác tình trạng béo phì là bước đầu tiên và rất quan trọng trong việc quản lý bệnh lý này, giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính có liên quan đến béo phì và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hiểu rõ các phương pháp chẩn đoán, đánh giá và phân tích thành phần cơ thể giúp các chuyên gia sức khỏe đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả và phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng cá nhân. Để đánh giá mức độ béo phì và lượng mỡ trong cơ thể một cách chính xác nhất, sự hỗ trợ từ các thiết bị và công nghệ tiên tiến là rất cần thiết.

        Tại Phòng khám MedFit, chúng tôi cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và công nghệ tiên tiến để hỗ trợ việc chẩn đoán và điều trị tình trạng thừa cân béo phì. Đội ngũ chuyên gia tại MedFit luôn sẵn sàng cung cấp những giải pháp toàn diện nhằm giúp bệnh nhân đạt được mục tiêu sức khỏe của mình. Hãy bắt đầu hành trình cải thiện tình trạng sức khỏe của bạn với MedFit ngay hôm nay!

        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ
        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ m

        Tài liệu tham khảo

        1. Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì
        2. Haam JH, Kim BT, et al. “Diagnosis of Obesity: 2022 Update of Clinical Practice Guidelines for Obesity by the Korean Society for the Study of Obesity“. J Obes Metab Syndr. 2023;32(2):121-129. doi:10.7570/jomes23031
        3. How are obesity & overweight diagnosed?“. NICHD – Eunice Kennedy Shriver National Institute of Child Health and Human Development
        4. Sherry Christiansen. “How Obesity Is Diagnosed? Diagnostic Criteria for Adults, Adolescents, and Children“. Verywell Health
        5. Francisco Lopez-Jimenez, William R. Miranda. “Diagnosing Obesity: Beyond BMI“. Virtual Mentor. 2010;12(4):292-298. doi: 10.1001/virtualmentor.2010.12.4.cprl1-1004
        Content Protection by DMCA.com
        logo MedFit

        Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.