Hiện nay, thừa cân và béo phì đang là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người đang mắc phải tình trạng bệnh lý này. Bên cạnh các biện pháp giảm cân truyền thống, việc sử dụng các phương pháp hỗ trợ khác, trong đó, bổ sung lactoferrin đang ngày càng được quan tâm, nghiên cứu nhằm hỗ trợ quá trình giảm cân hiệu quả hơn và giảm bớt những khó khăn. Hãy cùng MedFit tìm hiểu những thông tin khoa học về lactoferrin, lợi ích đối với sức khỏe, hiệu quả giảm cân và những khuyến cáo hiện hành trong sử dụng lactoferrin ở bài viết này nhé!
Nguồn gốc của lactoferrin
Lactoferrin là một loại protein thuộc nhóm transferrin protein, đặc trưng bởi khả năng gắn với ion sắt trong cơ thể. Lactoferrin được sản xuất bởi tế bào biểu mô niêm mạc và tế bào bạch cầu nên được tìm thấy trong các loại dịch của cơ thể như nước mắt, nước bọt, dịch mật, dịch tụy, dịch tiết trong dạ dày – ruột – hô hấp và nhiều nhất là trong sữa. Loại sữa có nồng độ lactoferrin cao nhất là sữa non của mẹ, tiếp đến là sữa trưởng thành của mẹ, sau đó là sữa bò và chỉ có lượng nhỏ trong sữa của các động vật có vú khác như dê, ngựa…
Lactoferrin từ bò là loại phổ biến trên thị trường hiện nay. Lactoferrin của bò và người có cấu trúc và chức năng tương tự nhau. Lactoferrin chỉ chiếm 10% tổng lượng đạm whey trong sữa và quá trình sản xuất cần kỹ thuật cao, do đó, lactoferrin nguyên chất có giá thành khá cao. Mặc dù vậy, lactoferrin ngày càng được sử dụng như một chất bổ sung cho nhiều vấn đề sức khỏe và được xem là an toàn và dung nạp tốt.
Tác động đối với sức khỏe của lactoferrin
Chức năng của lactoferrin liên quan đến khả năng gắn với ion sắt, bên cạnh đó, lactoferrin cũng tham gia vào một số hoạt động chuyển hóa của cơ thể như:
Giảm hấp thụ glucose
Lactoferrin giảm hấp thụ glucose vào máu sau bữa ăn thông qua giảm hoạt động của kênh vận chuyển glucose từ lòng ruột vào tế bào ruột, qua đó làm giảm đường huyết. Kết quả là giảm thu nhận năng lượng và giảm cân, duy trì đường huyết ổn định, tránh nguy cơ mắc bệnh lý chuyển hóa liên quan như thừa cân, béo phì và đái tháo đường.
Tăng độ nhạy cảm insulin
Nghiên cứu cho thấy lactoferrin có khả năng tăng cường hoạt động của hormone insulin, giúp cơ thể không cần tiết lượng lớn insulin để giữ mức đường huyết ổn định sau khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose.
Lactoferrin còn giảm mức cortisol trong huyết tương, một hormone được tăng tiết khi đáp ứng với stress và có tác dụng đề kháng insulin tự nhiên, dẫn đến tình trạng tế bào giảm dung nạp glucose.
Ngoài ra, lactoferrin còn làm tăng biểu hiện của thụ thể insulin tại các mô đích như cơ và gan, tăng sức mạnh liên kết giữa insulin và thụ thể, qua đó cải thiện khả năng hấp thụ glucose vào tế bào.
Những tác động này giúp bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng đề kháng insulin, một cơ chế bệnh sinh dẫn đến tăng cân và béo phì.
Tăng cường chuyển hóa lipid
Lactoferrin ức chế các gen và con đường tín hiệu liên quan đến quá trình tạo mỡ, tăng điều hòa các gen liên quan đến quá trình oxy hóa chất béo tạo năng lượng và kích thích mô mỡ nâu đốt cháy mỡ tạo nhiệt cho cơ thể. Kết quả là giúp hạn chế tích tụ mỡ và cải thiện hiệu quả đốt cháy năng lượng.
Mặt khác, lactoferrin giảm lắng đọng cholesterol ở gan thông qua giảm hấp thụ cholesterol ở ruột và tăng tiết cholesterol qua mật.
Như vậy, lactoferrin giúp giảm mỡ thừa, đặc biệt là mỡ nội tạng.
Duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh
Lactoferrin thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột có lợi như Lactobacillus acidophilus và Bifidobacterium bifidum, hạn chế vi khuẩn có hại. Hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh sản xuất các acid béo chuỗi ngắn – là tín hiệu kích hoạt quá trình tiêu hao năng lượng của cơ thể, kích thích ruột tiết ra hormone GLP-1 giúp giảm cảm giác thèm ăn. Do đó, lactoferrin đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cân bằng năng lượng, lượng thức ăn được nạp vào cơ thể và cảm giác no. Người thừa cân – béo phì thường có rối loạn hệ vi sinh đường ruột đi kèm và bổ sung probiotic đang là phương pháp mới hỗ trợ giảm cân.
Giảm cảm giác thèm ăn
Lactoferrin làm tăng nồng độ GLP-1 (được tiết bởi tế bào ruột sau bữa ăn) trong máu, kích thích tuyến tụy tiết insulin và giảm tiết glucagon, giúp ổn định đường huyết, giảm tốc độ làm trống dạ dày và tác động vào vùng dưới đồi của não, giúp kéo dài cảm giác no và kiểm soát lượng thực ăn tiêu thụ.
Ngoài ra, lactoferrin cũng ức chế tiết ghrelin, một hormone tạo cảm giác đói trước bữa ăn, giúp giảm tiêu thụ thức ăn quá mức. Sự kết hợp này làm giảm tổng lượng thức ăn tiêu thụ, giảm năng lượng thu nhận, từ đó giúp giảm cân.
Chống oxy hóa
Lactoferrin làm giảm các gốc tự do trong cơ thể nhờ vào khả năng gắn với ion sắt trong máu, giúp loại bỏ trực tiếp các gốc tự do. Ngoài ra, lactoferrin còn có chức năng điều hòa chuyển hóa hiệu quả, giúp giảm sản xuất các gốc tự do. Kết quả là bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, giảm tốc độ lão hóa và bảo tồn chức năng của các cơ quan trong cơ thể, đồng thời gián tiếp kiểm soát cân nặng vì quá trình lão hóa của cơ thể là yếu tố thúc đẩy tăng cân.
Điều hòa miễn dịch và chống nhiễm trùng
Lactoferrin là một thành phần quan trọng của hệ miễn dịch với nhiều chức năng khác nhau. Lactoferrin kích thích các loại tế bào bạch cầu trưởng thành, đồng thời nó cũng có khả năng gắn vào vỏ của vi khuẩn, hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại vi khuẩn gây bệnh hiệu quả, từ đó ngăn ngừa những tổn thương do cơ thể đáp ứng quá mức với tác nhân gây bệnh.
Một chức năng khác là điều hòa quá trình viêm thông qua hạn chế các chất gây viêm và tăng cường các chất chống viêm. Điều này rất cần thiết vì giúp ngăn chặn tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể – vốn là cơ chế bệnh sinh quan trọng của béo phì.
Chuyển hóa sắt
Lactoferrin giúp cân bằng nồng độ sắt trong máu thông qua tăng khả năng hấp thụ sắt ở ruột, đồng thời chống lại các yếu tố gây giảm sắt trong máu như viêm và nhiễm trùng.
Một nghiên cứu đã so sánh việc điều trị bổ sung sắt kết hợp lactoferrin so với nhóm không bổ sung, kết quả cho thấy hiệu quả điều trị ở nhóm có bổ sung cao hơn nhóm không bổ sung.
Chống ung thư
Hoạt động của lactoferrin ảnh hưởng đến nhiều loại tế bào ung thư. Các thí nghiệm cho thấy lactoferrin ức chế sự phát triển và kích thích tế bào ung thư chết tế bào theo chương trình. Một số nghiên cứu ghi nhận việc sử dụng lactoferrin giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng, ung thư gan và ung thư tụy.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Hiệu quả giảm cân của lactoferrin
Hiện nay, số lượng nghiên cứu về hiệu quả giảm cân của lactoferrin chưa nhiều, chủ yếu được tiến hành trên động vật và trong phòng thí nghiệm, chỉ một số ít nghiên cứu được thực hiện trên người.
Các nghiên cứu về hiệu quả giảm cân của lactoferrin được thực hiện trên động vật
Lactoferrin có hiệu quả một phần trong việc điều hòa lượng lipid trong máu. Một số nghiên cứu đã ghi nhận kết quả tương tự nhau, lactoferrin giúp giảm triglyceride, acid béo tự do và LDL cholesterol trong máu, giảm tích tụ mỡ trong các tạng ở nhóm chuột ăn chế độ ăn thông thường, nhưng không hiệu quả trên nhóm chuột ăn nhiều chất béo.
Một mô hình thí nghiệm trên nhóm chuột khác ghi nhận lactoferrin có hiệu quả giảm cân, ngăn ngừa tăng cân trở lại và bảo vệ khỏi tình trạng gan nhiễm mỡ, đồng thời cải thiện sự dung nạp glucose và giảm đáp ứng viêm.
Có hai nghiên cứu trên chuột đã chứng minh lactoferrin có khả năng bảo vệ hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, cân bằng lại các rối loạn chuyển hóa glucose và lipid, giảm các chất gây viêm.
Các nghiên cứu về hiệu quả giảm cân của lactoferrin được thực hiện trên người
Hai nghiên cứu đánh giá mối liên quan giữa nồng độ lactoferrin trong máu với chỉ số BMI, chu vi cánh tay, tình trạng đề kháng insulin và phản ứng viêm. Kết quả cho thấy nồng độ lactoferrin giảm thấp ở người có chỉ số BMI cao, chu vi vòng cánh tay lớn, có tình trạng đề kháng insulin và nồng độ chất gây viêm cao.
Một nghiên cứu ở Nhật Bản trên bệnh nhân béo phì, đã báo cáo rằng uống lactoferrin 300mg/ngày sau 8 tuần làm giảm đáng kể diện tích mỡ nội tạng (trung bình 14,6cm2), được đánh giá trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT scan) vùng bụng, giảm 0,6kg/m2 chỉ số BMI, giảm chu vi vòng hông 2,6cm và giảm 1,5kg cân nặng so với nhóm chỉ dùng giả dược.
Với số lượng nghiên cứu còn hạn chế nhưng cho kết quả rất khả quan này, lactoferrin được xem như một phương án can thiệp tiềm năng cho béo phì và các bệnh lý chuyển hóa khác.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Lời khuyên khi sử dụng lactoferrin
Vì những hiệu quả và lợi ích tiềm năng mang lại cho sức khỏe, lactoferrin ngày càng được sản xuất và sử dụng rộng rãi. Lactoferrin đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ xếp vào danh mục an toàn chung. Trước đó, lactoferrin cũng đã được phê duyệt sử dụng trong thực phẩm ở Nhật Bản, Trung Quốc và Châu Âu. Do đó, lactoferrin dạng uống có thể được sử dụng như một chất bổ sung trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, chưa có khuyến cáo chính thức về việc sử dụng lactoferrin, sản phẩm này cũng chỉ được dùng như thực phẩm chức năng và phụ gia trong chế biến thực phẩm mà không được xem là thuốc điều trị.
Hiện nay, lactoferrin được sản xuất và bổ sung trong nhiều loại dược phẩm và thực phẩm. Một số dạng thực phẩm chức năng và dược phẩm chứa lactoferrin như:
- Viên nang: là dạng phổ biến, có liều lượng cố định và có thể kết hợp thêm với khoáng chất, vitamin và probiotic.
- Bột: được hòa tan trực tiếp với nước uống hoặc thức ăn.
- Kem bôi ngoài da: tận dụng đặc tính kháng viêm và kháng khuẩn để điều trị mụn trứng cá và viêm da.
- Một số thực phẩm bổ sung lactoferrin khác: sữa công thức cho trẻ em, ngũ cốc, sữa chua, kẹo cao su, kẹo dẻo…
- Chất bảo quản thịt: nhờ khả năng kháng khuẩn của lactoferrin.
Liều uống an toàn thông thường của lactoferrin trong các nghiên cứu là 100-300mg/ngày, tùy theo mục đích và nhu cầu của người sử dụng như hỗ trợ hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị nhiễm trùng (bao gồm vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng) và hỗ trợ điều trị thiếu máu, thiếu sắt. Liều cao hơn có thể được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt như hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19, phòng ngừa cảm lạnh ở người lớn, hỗ trợ điều trị viêm gan siêu vi C…
Đối với giảm cân, vì những bằng chứng khoa học còn hạn chế, lactoferrin chỉ nên sử dụng như một phương pháp hỗ trợ và cần được sử dụng kết hợp với các phương pháp nền tảng khác đã được chứng minh hiệu quả, như xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tập luyện thể chất thường xuyên và thay đổi lối sống.
Lactoferrin hầu như không có tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng cần thận trọng ở người có cơ địa dị ứng. Một số triệu chứng nhẹ ở đường tiêu hóa thường gặp khi sử dụng lactoferrin ở liều quá cao như đau bụng, nôn và táo bón.
Hiện nay, lactoferrin là một thực phẩm chức năng khá tiềm năng đối với nhu cầu hỗ trợ sức khỏe, trong đó có giảm cân. Một vài nghiên cứu đã cho thấy lactoferrin mang lại hiệu quả giảm cân khá khả quan, tuy nhiên, với số lượng nghiên cứu còn hạn chế, lactoferrin chỉ nên được sử dụng với vai trò điều trị hỗ trợ kết hợp với các biện pháp giảm cân khác. Bên cạnh đó, cùng với tính an toàn và dễ dung nạp, việc bổ sung lactoferrin vào chế độ ăn hàng ngày có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Với chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực giảm cân đa mô thức, MedFit sẵn sàng đồng hành cùng bạn xây dựng hành trình giảm cân, tìm lại vóc dáng và chăm sóc sức khỏe một cách khoa học và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- Ianiro G, Niro A, et al. “To Boost or to Reset: The Role of Lactoferrin in Energy Metabolism“. Int J Mol Sci. 2023;24(21):15925. Published 2023 Nov 3. doi:10.3390/ijms242115925
- Cao X, Ren Y, et al. “Lactoferrin: A glycoprotein that plays an active role in human health“. Front Nutr. 2023;9:1018336. Published 2023 Jan 5. doi:10.3389/fnut.2022.1018336
- Hao L, Shan Q, et al. “Lactoferrin: Major Physiological Functions and Applications“. Curr Protein Pept Sci. 2019;20(2):139-144. doi:10.2174/1389203719666180514150921
- Jańczuk A, Brodziak A, et al. “Lactoferrin-The Health-Promoting Properties and Contemporary Application with Genetic Aspects“. Foods. 2022;12(1):70. Published 2022 Dec 23. doi:10.3390/foods12010070
- Brimelow RE, West NP, et al. “A role for whey-derived lactoferrin and immunoglobulins in the attenuation of obesity-related inflammation and disease“. Crit Rev Food Sci Nutr. 2017;57(8):1593-1602. doi:10.1080/10408398.2014.995264
- Mayeur S, Spahis S, et al. “Lactoferrin, a Pleiotropic Protein in Health and Disease“. Antioxid Redox Signal. 2016;24(14):813-836. doi:10.1089/ars.2015.6458
- Ono T, Murakoshi M, et al. “Potent anti-obesity effect of enteric-coated lactoferrin: decrease in visceral fat accumulation in Japanese men and women with abdominal obesity after 8-week administration of enteric-coated lactoferrin tablets“. Br J Nutr. 2010;104(11):1688-1695. doi:10.1017/S0007114510002734
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.