Mối quan hệ giữa đái tháo đường thai kỳ và nguy cơ béo phì của mẹ và bé

Đái tháo đường thai kỳ không chỉ là một tình trạng nguy hiểm đối với sức khỏe của mẹ mà còn có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho bé, bao gồm cả nguy cơ béo phì trong tương lai. Hiểu biết về đái tháo đường thai kỳ và các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của hai mẹ con trong suốt thai kỳ và sau sinh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về căn bệnh này và cách giảm thiểu nguy cơ béo phì cho bé.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Đái tháo đường thai kỳ là gì?

    Đái tháo đường trong khi mang thai thường được chia thành hai loại:

    • Đái tháo đường thai kỳ: là tình trạng đái tháo đường được chẩn đoán lần đầu trong thời gian mang thai, thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Tình trạng này thường biến mất sau khi sinh nhưng vẫn làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 sau này. Đái tháo đường thai kỳ chỉ xảy ra trong thời gian mang thai do các thay đổi nội tiết tố và sự đề kháng insulin tăng lên trong thai kỳ. Chẩn đoán được thực hiện thông qua xét nghiệm dung nạp glucose đường uống từ tuần 24-28 của thai kỳ, với các giá trị glucose máu nằm trong mức ranh giới giữa bình thường và đái tháo đường.
    • Đái tháo đường đã có từ trước đó: bệnh lý không phải là kết quả của thai kỳ mà là tình trạng đã tồn tại từ trước, có thể là đái tháo đường típ 1 hoặc típ 2. Đôi khi bệnh được phát hiện lần đầu trong giai đoạn mang thai nhưng thực chất tình trạng này đã phát triển từ trước đó. Đái tháo đường đã có trước đó được xác định khi thỏa các tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường giống như ở người trưởng thành không mang thai.
    Đái tháo đường thai kỳ
    Đái tháo đường thai kỳ được chẩn đoán lần đầu trong thời gian mang thai, thường ở tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba

    Đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường được xác định chẩn đoán khi một trong các chỉ số bất thường trong xét nghiệm dung nạp glucose đường uống theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên đoàn Sản phụ khoa Quốc tế (FIGO) và Hiệp hội Các nhóm nghiên cứu đái tháo đường và thai kỳ Quốc tế (IADPSG), được trình bày trong bảng dưới đây:

    Nghiệm pháp dung nạp 75g glucose qua đường uống Bình thường Đái tháo đường thai kỳ Đái tháo đường
    Đường huyết khi đói < 92mg/dL 92-125mg/dL ≥ 126mg/dL
    Đường huyết sau 1 giờ < 180mg/dL ≥ 180mg/dL
    Đường huyết sau 2 giờ < 153mg/dL 153-199mg/dL ≥ 200mg/dL

    Phụ nữ mắc đái tháo đường có nguy cơ gặp phải các biến chứng cho cả mẹ và bé cao hơn so với những người chỉ mắc đái tháo đường thai kỳ. Sau khi sinh, người mẹ bị đái tháo đường vẫn cần điều trị tiếp tục, trong khi đái tháo đường thai kỳ có thể biến mất nhưng vẫn cần theo dõi nguy cơ phát triển thành đái tháo đường típ 2 sau này.

    Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2021, tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ trung bình trên toàn thế giới là 16,7%, thay đổi tùy theo khu vực và dân số. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ là 21,8%, gấp 1,3 lần so với toàn thế giới và xu hướng gia tăng do lối sống hiện đại và tỷ lệ thừa cânbéo phì tăng cao. Ngoài ra, yếu tố di truyền và sự khác biệt trong thói quen sinh hoạt giữa các quốc gia cũng góp phần tạo nên sự chênh lệch về tỷ lệ mắc bệnh này.

    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

    Yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ

    Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ bao gồm:

    • Người mẹ mang thai khi lớn hơn 35 tuổi.
    • Mẹ bầu đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
    • Mẹ bầu đã sinh con nặng cân trước đây, với cân nặng vượt mốc 4kg.
    • Người mẹ thừa cân – béo phì trước khi mang thai. Ở người châu Á, béo phì được xác định khi có chỉ số BMI từ 25 trở lên và thừa cân khi chỉ số BMI nằm trong khoảng 23-24,9. Phụ nữ với chỉ số BMI cao trước khi mang thai có nguy cơ cao hơn về đái tháo đường thai kỳ và các biến chứng sức khỏe.
    Nguoi beo phi co nguy co cao hon tram cam
    Phụ nữ thừa cân – béo phì trước khi mang thai có nguy cơ phát triển thành đái tháo đường thai kỳ
    • Người mẹ tăng cân quá mức trong thai kỳ, được xác định dựa trên chỉ số BMI trước khi mang thai. Tăng cân vượt quá mức khuyến nghị trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ. Mức khuyến nghị được trình bày trong bảng dưới đây:
    Chỉ số BMI Thể trạng Mức khuyến nghị tăng cân (kg)
    < 18,5 Gầy 12,5-18
    18,5-22,9 Bình thường 11,5-16
    23-27,4 Thừa cân 7-11,5
    ≥ 27,5 Béo phì 5-9
    • Mẹ bầu có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao hơn nếu có người thân trực hệ mắc đái tháo đường típ 2.
    • Người mẹ mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang, là một dạng rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn và hình thành nhiều nang nhỏ trong buồng trứng.
    Hội chứng buồng trứng đa nang
    Người mẹ mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang có nguy cơ phát triển đái tháo đường thai kỳ
    • Một số chủng tộc và dân tộc như người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha hoặc Latinh, người Mỹ gốc Ấn, người Alaska bản địa, người Hawaii bản địa, người dân đảo Thái Bình Dương hoặc người châu Á.
    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Cơ chế gây đái tháo đường thai kỳ

      Cơ chế gây đái tháo đường thai kỳ bắt nguồn từ sự thay đổi hormone và cơ chế kháng insulin trong thai kỳ. Nhau thai sản xuất các hormone như estrogen, cortisol, đặc biệt là lactogen của nhau thai người (hPL) và hormone tăng trưởng của nhau thai (hPGH), gây cản trở hoạt động của insulin. Những hormone này bắt đầu gia tăng từ tuần thứ 20-24 của thai kỳ, làm tăng kháng insulin ở các mô như cơ và mỡ, nhằm đảm bảo thai nhi nhận đủ glucose để phát triển.

      Trong điều kiện bình thường, tuyến tụy của mẹ sẽ tăng sản xuất insulin để bù đắp cho tình trạng này. Tuy nhiên, nếu tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để đối phó với lượng hormone tăng cao, mức đường huyết sẽ tăng và dẫn đến đái tháo đường thai kỳ. Điều này thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ khi lượng insulin cần thiết có thể tăng đến 75% so với bình thường.

      Ngoài ra, yếu tố di truyền, béo phì và viêm cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này do chúng làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin.

      Nguy cơ đối với bé khi mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ

      Đái tháo đường thai kỳ có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé, bao gồm cả trước và sau sinh. Một số nguy cơ mà bé có thể gặp:

      • Thai to (macrosomia): khi lượng glucose từ mẹ cao, thai nhi nhận nhiều glucose hơn dẫn đến sản xuất insulin dư thừa và tích lũy mỡ, làm tăng kích thước của thai nhi. Điều này làm tăng nguy cơ tổn thương khi sinh như gãy xương vai, tổn thương dây thần kinh hoặc ngạt do khó sinh.
      • Dị tật bẩm sinh: đường huyết không được kiểm soát tốt trong những tuần đầu của thai kỳ có thể gây ra sự phát triển bất thường của các cơ quan, dẫn đến dị tật bẩm sinh, đặc biệt là ở tim và hệ thần kinh.
      • Thai chết lưu hoặc sảy thai: mức đường huyết cao có thể gây tổn thương cho mạch máu trong nhau thai, làm giảm lượng máu và dưỡng chất cung cấp cho thai nhi. Nếu không được kiểm soát, điều này có thể dẫn đến thai chết lưu, đặc biệt là trong giai đoạn cuối của thai kỳ.
      • Sinh non: đái tháo đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non do các biến chứng như tiền sản giật hoặc nhiễm trùng ối. Sinh non có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho bé, bao gồm suy hô hấp, vấn đề về tiêu hóa như viêm ruột hoại tử và chậm phát triển trí tuệ. Các bé sinh non có hệ miễn dịch rất yếu và cần được chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp.
      • Hội chứng nguy kịch hô hấp: đây là nguyên nhân gây tử vong của khoảng 10% trẻ sơ sinh của các ca các thai kỳ có đái tháo đường. Sự tăng insulin trong máu thai nhi có thể giảm tổng hợp surfactant – là một chất ở tế bào phổi của thai nhi, giúp giảm sức căng bề mặt ở phế nang sau khi trẻ được sinh ra, giúp các phế nang luôn mở để trao đổi khí. Kiểm soát tốt glucose huyết tương có thể giúp ngăn ngừa hội chứng nguy kịch hô hấp.
      • Hạ đường huyết sau sinh: sau khi sinh, nguồn glucose từ mẹ bị cắt đột ngột trong khi mức insulin của bé vẫn còn cao. Điều này có thể dẫn đến hạ đường huyết, tình trạng nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
      • Nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa: dư thừa insulin trong thai nhi có thể dẫn đến những thay đổi lâu dài trong hệ thống nội tiết và chuyển hóa của trẻ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các rối loạn chuyển hóa như béo phì, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường típ 2 sau này.
      • Vàng da: do tăng bilirubin trong máu của trẻ sơ sinh. Trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ sinh non cao hơn trẻ bình thường. Gan ở trẻ chưa đủ tháng không thể thực hiện được chức năng đầy đủ, sự gia tăng bilirubin từ quá trình phân hủy hồng cầu có thể vượt quá khả năng xử lý của gan, gây vàng da.
      Nguy cơ thai nhi quá lớn
      Nguy cơ thai nhi quá lớn ở phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ
      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

      Nguy cơ đối với mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ

      Đái tháo đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng tới bé mà còn gây nhiều tác động xấu đối với cơ thể người mẹ:

      • Tăng huyết áp và tiền sản giật: đái tháo đường thai kỳ gây tăng đường huyết và đề kháng insulin, góp phần vào rối loạn chức năng nội mô và tăng huyết áp. Tình trạng này làm tăng nguy cơ tiền sản giật – một biến chứng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến gan, thận và hệ thần kinh của mẹ.
      Tien san giat
      Đái tháo đường làm tăng nguy cơ tiền sản giật, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ
      • Đa ối: tăng đường huyết ở mẹ có thể dẫn đến tăng sản xuất nước ối do tăng lượng nước tiểu của thai nhi. Đa ối có thể gây khó thở cho mẹ, tăng nguy cơ sinh non và gây khó khăn cho quá trình chuyển dạ.
      Đa ối
      Tăng đường huyết ở mẹ dẫn đến tăng lượng nước tiểu của thai nhi, làm tăng lượng nước ối
      • Nhiễm trùng: mức đường huyết cao làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng âm đạo, do môi trường giàu glucose tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
      • Phải sinh mổ: phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao phải sinh mổ do thai to hoặc các biến chứng khác. Dù là phương pháp sinh an toàn, sinh mổ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như nhiễm trùng, xuất huyết và thời gian phục hồi lâu hơn cho cả mẹ và bé.
      • Nguy cơ phát triển đái tháo đường típ 2 và bệnh tim mạch: sau khi sinh, phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 cao gấp 8-10 lần và nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2 lần so với phụ nữ không mắc đái tháo đường thai kỳ trước đó. Tuy nhiên, nguy cơ này có thể giảm thiểu thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng hợp lý.
      • Tái phát đái tháo đường thai kỳ trong các lần mang thai sau: phụ nữ đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao gấp 1,5 lần mắc lại trong các lần mang thai sau so với người có mức đường huyết bình thường. Những phụ nữ này cần tầm soát và quản lý đường huyết kỹ lưỡng trong các lần mang thai tiếp theo.
      tăng cân quá mức khi mang thai
      Phụ nữ đã từng mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc lại trong các lần mang thai sau
      • Nguy cơ phát triển béo phì: sau khi sinh, nhiều phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ thường gặp khó khăn trong việc quay lại cân nặng ban đầu, điều này làm gia tăng nguy cơ béo phì và các bệnh lý chuyển hóa kèm theo.
      Theo doi can nang thuong
      Nhiều phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ thường gặp khó khăn trong việc quay lại cân nặng ban đầu sau khi sinh
      Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
      Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

        * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

        Biện pháp phòng ngừa và quản lý đái tháo đường thai kỳ

        Phòng ngừa và quản lý đái tháo đường thai kỳ là rất quan trọng để giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình mang thai và sau khi sinh. Sau đây là một số giải pháp giúp bảo vệ sức khoẻ của mẹ và bé:

        • Tầm soát đái tháo đường thai kỳ: tầm soát đái tháo đường thai kỳ thường được thực hiện từ tuần 24-28 của thai kỳ, đây là thời điểm mà tình trạng kháng insulin thường bắt đầu xuất hiện rõ rệt nhất. Đối với phụ nữ có nguy cơ cao như có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, béo phì hoặc tiền sử gia đình bị đái tháo đường, tầm soát có thể được tiến hành sớm hơn.
        Tầm soát đái tháo đường
        Tầm soát đái tháo đường thường được thực hiện từ tuần 24-28 của thai kỳ hoặc sớm hơn
        • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng mà không làm tăng đường huyết quá mức. Điều này bao gồm việc tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ, giảm tiêu thụ đường và các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.
        Thuc pham nhieu duong
        Hạn chế tiêu thụ đường và các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao
        • Duy trì cân nặng hợp lý: kiểm soát cân nặng trong suốt thai kỳ là rất quan trọng. Việc tăng cân quá mức có thể làm tăng nguy cơ phát triển đái tháo đường thai kỳ cũng như các biến chứng liên quan. Thai phụ nên duy trì hoạt động thể chất nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ hoặc bơi lội để giúp kiểm soát cân nặng và tăng cường sức khỏe tim mạch.
        bà bầu đi bộ
        Thai phụ nên duy trì hoạt động thể chất nhẹ nhàng để kiểm soát cân nặng trong suốt thai kỳ
        • Lối sống lành mạnh: căng thẳng và lo âu có thể làm tăng mức đường huyết. Tập thể dục thường xuyên, thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hoặc hít thở sâu để giúp cải thiện độ nhạy insulin, giảm căng thẳng và duy trì sức khỏe tinh thần. Đồng thời, việc duy trì giấc ngủ đủ và giảm stress cũng là các yếu tố quan trọng.
        Bà bầu tập yoga
        Quản lý căng thẳng là biện pháp giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả
        • Khám thai định kỳ: khám thai định kỳ giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ cần được theo dõi sát sao hơn so với những thai phụ bình thường để đảm bảo rằng mọi bất thường có thể được phát hiện và điều trị kịp thời.
        Tu van ho tro tu chuyen gia
        Khám thai định kỳ giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé
        • Tuân thủ điều trị của Bác sĩ: phần lớn các trường hợp đái tháo đường thai kỳ có thể được kiểm soát tốt thông qua chế độ ăn uống và hoạt động thể chất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi chế độ này không đủ để kiểm soát mức đường huyết, Bác sĩ có thể đề xuất sử dụng insulin nếu cần thiết.
        • Theo dõi và quản lý sức khỏe sau sinh: mặc dù đái tháo đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh, thai phụ vẫn cần tiếp tục theo dõi mức đường huyết và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ phát triển đái tháo đường típ 2 sau này. Việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên để giảm cân nặng sau sinh và kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe lâu dài.

        Tóm lại, đái tháo đường thai kỳ là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai nhưng có thể phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả thông qua chế độ ăn uống khoa học, duy trì cân nặng hợp lý và có sự giám sát chặt chẽ từ Bác sĩ chuyên khoa. Có nhận thức đúng đắn về bệnh này và chủ động chăm sóc sức khỏe sẽ giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và bé, đồng thời bảo vệ sức khỏe lâu dài của phụ nữ sau sinh.

        Nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp giảm cân an toàn và hiệu quả để cải thiện sức khỏe sau sinh, MedFit sẽ là lựa chọn lý tưởng với các chương trình giảm cân được thiết kế riêng biệt bởi đội ngũ chuyên gia, luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình tìm lại vóc dáng và đạt được sức khỏe bền vững.

        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ
        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ m

        Tài liệu tham khảo

        1. About Gestational Diabetes“. CDC
        2. IDF Diabetes Atlas“. International Diabetes Federation
        3. ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ“. Bộ Y tế
        4. HƯỚNG DẪN QUỐC GIA DỰ PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ“. Bộ Y tế
        5. Quintanilla Rodriguez BS, Vadakekut ES, Mahdy H. “Gestational Diabetes“. [Updated 2024 Jul 14]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-
        6. McIntyre HD, Catalano P, et al. “Gestational diabetes mellitus“. Nat Rev Dis Primers. 2019;5(1):47. Published 2019 Jul 11. doi:10.1038/s41572-019-0098-8
        7. Diabetes Mellitus and Pregnancy: Clinical Guideline“. Government of the Republic of Trinidad and Tobago
        8. Goyal A, Gupta Y, Tandon N. “Overt Diabetes in Pregnancy“. Diabetes Ther. 2022;13(4):589-600. doi:10.1007/s13300-022-01210-6
        9. Gestational diabetes“. NHS
        Content Protection by DMCA.com
        logo MedFit

        Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.