Béo phì thường được biết đến là nguyên nhân gây tăng huyết áp và đái tháo đường, nhưng ít ai nhận ra rằng béo phì cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng giảm thông khí – một tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống và có thể dẫn đến suy tim. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về hội chứng giảm thông khí ở người béo phì, từ triệu chứng, phương pháp chẩn đoán, điều trị cho đến vai trò quan trọng của Bác sĩ trong việc hỗ trợ quá trình giảm cân an toàn và hiệu quả.
Hội chứng giảm thông khí do béo phì là gì?
Hội chứng giảm thông khí do béo phì là tình trạng có quá nhiều CO2 và không đủ O2 trong máu, thường gặp ở người béo phì. Ở người bình thường, hít thở thúc đẩy quá trình trao đổi khí của cơ thể để thải khí CO2 và hít vào khí O2. Ở người có tình trạng giảm thông khí, nhịp thở thường quá chậm hoặc yếu làm không khí lưu thông không đủ để trao đổi ở phổi dẫn đến tình trạng dư CO2 và thiếu O2 trong máu.
Bên cạnh việc giảm thông khí vào ban ngày, người mắc hội chứng này còn đối mặt với tình trạng rối loạn hô hấp khi ngủ, khoảng 90% là biểu hiện của hội chứng ngưng thở khi ngủ và 10% còn lại có thể là tình trạng giảm thở khi ngủ, là dạng nhẹ hơn của hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Tóm lại, hội chứng giảm thông khí ở người béo phì là khi cá nhân đó có đủ ba yếu tố là béo phì, giảm thông khí và rối loạn hô hấp khi ngủ mà không thể giải thích bởi các bệnh lý khác. Đây là một biến chứng hô hấp nặng của người béo phì, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể điều trị được.
Về tỷ lệ mắc bệnh, hội chứng giảm thông khí không chỉ gặp ở người béo phì, nhưng tỷ lệ mắc bệnh lý này ở nhóm người béo phì cao hơn hẳn so với người có thể trọng bình thường. Trong dân số chung, tỷ lệ mắc hội chứng giảm thông khí là khoảng 0,15-0,3%, nhưng ở người béo phì, tỷ lệ này lên tới 19-31%. Hội chứng này cũng gặp nhiều ở nam hơn ở nữ với tỉ lệ 2:1.
Nguyên nhân gây ra hội chứng giảm thông khí ở người béo phì
Các nghiên cứu hiện chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến hội chứng giảm thông khí do béo phì. Hội chứng này xảy ra do nhiều cơ chế bệnh sinh phức tạp phối hợp với nhau. Một số cơ chế chính bao gồm:
- Bất thường ở não bộ ảnh hưởng đến khả năng điều hòa nhịp thở: ở người bình thường, khi CO2 trong máu tăng, não bộ sẽ nhận tín hiệu và kích thích tăng nhịp thở. Tuy nhiên, ở người béo phì mắc hội chứng giảm thông khí, khả năng đáp ứng với tình trạng tăng CO2 bị giảm. Điều này có thể do đề kháng leptin, rối loạn hô hấp khi ngủ hoặc yếu tố di truyền.
- Sự ảnh hưởng của leptin và insulin: leptin là một protein được sản xuất bởi mô mỡ, có khả năng làm tăng thông khí. Tuy nhiên, ở người mắc tình trạng giảm thông khí, dù nồng độ leptin tăng nhưng có sự đề kháng leptin, dẫn đến giảm khả năng thông khí. Tình trạng kháng insulin thường gặp ở người béo phì cũng có thể góp phần vào hội chứng giảm thông khí. Insulin và leptin cùng tham gia vào điều hòa năng lượng và có thể ảnh hưởng lẫn nhau, làm phức tạp thêm tình trạng bệnh lý.
- Tác động của lượng mỡ thừa lên cơ hoành và phổi: lượng mỡ thừa ở thành ngực và bụng gây áp lực lên cơ hoành và phổi, làm hạn chế sự giãn nở của phổi, khiến quá trình hô hấp trở nên khó khăn. Khả năng hít vào và thở ra ở những người béo phì mắc bệnh giảm thông khí kém hơn so với những người béo phì không mắc bệnh lý này.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Triệu chứng của giảm thông khí do béo phì
Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể hoàn toàn không có biểu hiện gì. Các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ hơn ở giai đoạn sau của bệnh, chủ yếu là do tình trạng rối loạn giấc ngủ vào ban đêm và thiếu O2 trong máu. Các triệu chứng này bao gồm:
- Khó thở có thể xuất hiện khi hoạt động gắng sức, nhưng khó thở khi ngủ là thường gặp nhất.
- Ngáy to do những đợt ngưng thở khi ngủ, thường được phát hiện từ những người ngủ cùng phòng.
- Rối loạn giấc ngủ, buồn ngủ vào ban ngày, nhức đầu, mệt mỏi, cảm giác thiếu năng lượng do tình trạng giảm thông khí vào ban đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Những người béo phì có xuất hiện các triệu chứng đã nêu trên nên thăm khám với Bác sĩ để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống, chất lượng giấc ngủ và phòng ngừa biến chứng của bệnh.
Cách chẩn đoán hội chứng giảm thông khí ở bệnh nhân béo phì
Hội chứng giảm thông khí được chẩn đoán trên nhóm người béo phì, được định nghĩa là chỉ số BMI từ 25 trở lên ở người châu Á và có kèm các dấu hiệu của hội chứng giảm thông khí. Tuy nhiên, đây là chẩn đoán khi đã loại trừ tất cả các nguyên nhân khác gây giảm thông khí như biến dạng lồng ngực và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng.
Các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán hội chứng giảm thông khí do béo phì bao gồm:
- Khí máu động mạch: là xét nghiệm máu đánh giá chức năng hô hấp và trao đổi khí trong cơ thể. Tất cả các bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh đều phải làm khí máu động mạch để đánh giá tình trạng tăng CO2 và giảm O2 trong máu. Xét nghiệm này sẽ xác định được tình trạng giảm thông khí và mức độ nặng của tình trạng suy hô hấp để có quyết định điều trị phù hợp.
- Kiểm tra đánh giá chức năng phổi (hô hấp ký, phế dung ký): đánh giá thể tích phổi và khảo sát sức mạnh của cơ hô hấp, giúp loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác và xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Đa ký giấc ngủ: là phương pháp để khảo sát các hoạt động sinh lý của cơ thể khi ngủ nhằm phát hiện tình trạng ngưng thở khi ngủ và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Siêu âm tim: được dùng để đánh giá ảnh hưởng của bệnh lên tim mạch như tăng áp phổi và suy tim.
- X-quang phổi: được dùng để tìm ra nguyên nhân khác của tình trạng giảm O2 máu.
Ngoài các xét nghiệm cơ bản đã được nêu trên, Bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm nhiều xét nghiệm khác để chẩn đoán và tiên lượng mức độ nghiêm trọng của bệnh tùy theo tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.
Các biến chứng có thể xảy ra do giảm thông khí do béo phì
Nếu không được điều trị, hội chứng giảm thông khí do béo phì có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng này xuất phát từ tình trạng béo phì và thiếu ngủ kéo dài, bao gồm:
Biến chứng do thiếu ngủ kéo dài
- Dễ kích động và cáu kỉnh: người bệnh trở nên dễ kích động và khó kiểm soát cảm xúc do thiếu ngủ. Tình trạng này được thấy rõ ở những người mắc các rối loạn hô hấp liên quan đến béo phì, làm tăng sự căng thẳng và cáu kỉnh.
- Tăng nguy cơ xảy ra tai nạn do thiếu tỉnh táo: người mắc hội chứng giảm thông khí có nguy cơ cao gặp tai nạn như tai nạn giao thông và tai nạn lao động do buồn ngủ và thiếu tỉnh táo trong sinh hoạt ban ngày. Tình trạng này xuất phát từ việc giấc ngủ bị gián đoạn và giảm O2 trong máu.
- Giảm ham muốn tình dục: mệt mỏi và các vấn đề tâm lý liên quan đến béo phì và thiếu ngủ có thể dẫn đến giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ gia đình.
- Trầm cảm: tình trạng thiếu ngủ kéo dài và cảm giác mệt mỏi có thể dẫn đến trầm cảm. Bệnh nhân có thể cảm thấy buồn bã và mất hứng thú với các hoạt động thường ngày và có suy nghĩ tiêu cực. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người bị giảm thông khí thường có triệu chứng trầm cảm và rối loạn tâm trạng do gián đoạn giấc ngủ.
Biến chứng về tim mạch
- Tăng huyết áp: béo phì làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, một biến chứng thường gặp ở người bị giảm thông khí. Tăng huyết áp liên quan đến tình trạng tăng CO2 và giảm O2 trong máu.
- Suy tim phải: giảm O2 máu do béo phì dẫn đến co thắt mạch máu ở phổi, làm tim phải khó co bóp để đưa máu đến trao đổi O2 ở phổi. Qua thời gian, tim phải phì đại và cuối cùng dẫn tới suy tim. Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân giảm thông khí có nguy cơ cao mắc suy tim phải do áp lực tăng ở phổi.
- Tăng áp phổi: khoảng 50% bệnh nhân giảm thông khí có tăng áp phổi và được phát hiện qua siêu âm tim. Tăng áp phổi là kết quả của tình trạng béo phì và rối loạn hô hấp.
Các vấn đề rối loạn chuyển hóa khác: người mắc hội chứng giảm thông khí cũng thường gặp các vấn đề bệnh lý chuyển hóa do béo phì như đề kháng insulin gây đái tháo đường, rối loạn lipid máu và các vấn đề tâm lý như mặc cảm và thiếu tự tin trong cuộc sống.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Các biện pháp điều trị giảm thông khí do béo phì
Hai biện pháp điều trị quan trọng nhất là quản lý cân nặng và thông khí hỗ trợ:
- Quản lý cân nặng: giảm cân và duy trì cân nặng bình thường là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị hội chứng giảm thông khí và có thể đây là điều trị duy nhất mà bệnh nhân cần để cải thiện triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng của bệnh. Việc giảm cân nên có sự tư vấn của Bác sĩ để quyết định, đặc biệt là trong trường hợp cần can thiệp thuốc hay phẫu thuật bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện.
- Thông khí hỗ trợ: nếu tình trạng bệnh tiến triển nặng, Bác sĩ có thể sử dụng máy thở không xâm lấn để cải thiện sự thông khí. Máy thở này giúp đường thở không bị hẹp vào ban đêm và cải thiện O2 máu. Máy cung cấp không khí thông qua mặt nạ được người bệnh đeo mặt nạ khi ngủ. Có hai loại thiết bị được sử dụng gồm CPAP và BIPAP. CPAP đưa một áp lực ổn định trong cả hai thì hít vào và thở ra, trong khi BIPAP đưa áp lực cao hơn ở thì hít vào.
Hầu hết bệnh nhân đều đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị đã được đề cập ở trên. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp không thể kiểm soát bệnh, việc khai khí quản có thể được cân nhắc. Đây là một thủ thuật mở một lỗ nhỏ vào khí quản tại cổ, tạo đường thở thông thoáng để hỗ trợ hô hấp hiệu quả hơn.
Hội chứng giảm thông khí do béo phì là một tình trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Nhận biết sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Giảm cân, duy trì lối sống lành mạnh và kết hợp với thiết bị hỗ trợ thông khí có thể giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.
Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng của hội chứng giảm thông khí do béo phì hoặc muốn tìm kiếm giải pháp giảm cân hiệu quả, MedFit là một địa chỉ không thể bỏ lỡ. MedFit cung cấp các liệu pháp giảm cân toàn diện, kết hợp dinh dưỡng, tập luyện và công nghệ tăng cơ giảm mỡ để giúp bạn đạt được kết quả tối ưu và nâng cao sức khỏe. Hãy liên hệ với MedFit để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ chuyên sâu từ các Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng của chúng tôi.
Tài liệu tham khảo
- Shetty S, Parthasarathy S. “Obesity Hypoventilation Syndrome“. Curr Pulmonol Rep. 2015;4(1):42-55. doi:10.1007/s13665-015-0108-6
- Antoine MH, Sankari A, Bollu PC. “Obesity-Hypoventilation Syndrome“. [Updated 2024 Jan 11]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.