Trẻ hóa dây chằng dưới da chống lão hóa: Từ giải phẫu đến chiến lược điều trị đa lớp

Trong thẩm mỹ hiện đại, trẻ hóa khuôn mặt không còn dừng lại ở việc cải thiện bề mặt da hay làm đầy thể tích, mà cần được tiếp cận theo hướng tái tạo cấu trúc sâu hơn. Một trong những yếu tố trung tâm đóng vai trò nền tảng trong cơ học lão hóa và chiến lược trẻ hóa là hệ thống dây chằng giữ (retaining ligament) của khuôn mặt. Việc hiểu đúng giải phẫu, cơ học và ứng dụng điều trị theo cấu trúc này đang mở ra một xu hướng mới trong y học thẩm mỹ hiện đại, nơi khái niệm trẻ hóa không chỉ là làm đẹp mà là phục hồi lại tính tổ chức và sức sống của làn da. Bài viết dưới đây nhằm phân tích các chiến lược trẻ hóa dây chằng giữ dựa trên giải phẫu và chức năng, cũng như các biểu hiện lão hóa da liên quan tới các điểm neo của dây chằng.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Giải phẫu và sinh học của dây chằng giữ

    Cấu trúc và mô học

    Dây chằng giữ là các dải mô xơ giúp kết nối và ổn định các cấu trúc trong cơ thể. Các sợi collagen trong dây chằng giữ được sắp xếp theo các dạng khác nhau, có thể song song, đan xen hoặc sắp xếp phức tạp, ảnh hưởng đến tính chất cơ học của dây chằng. Những dây chằng này bắt nguồn từ màng xương hoặc cân sâu và phân nhánh vào lớp SMAS, bám vào da qua hệ thống sợi (retinacula cutis).

    Cấu trúc của dây chằng giữ chủ yếu gồm collagen típ I và III, cùng với các nguyên bào sợi giúp sản xuất collagen và elastin, rất ít mạch máu. Dây chằng không có hoạt tính co rút như cơ, do đó hoạt động như “giàn giáo sinh học”, hỗ trợ ổn định các mô mềm khuôn mặt.

    Một số dây chằng cũng chứa sợi elastin, cho phép chúng có khả năng kéo giãn và co lại trong phạm vi hạn chế. Các dây chằng vùng mặt đóng vai trò quan trọng trong giải phẫu khuôn mặt, giúp ổn định và hỗ trợ chuyển động của các mô mặt.

    Vị trí giải phẫu và chức năng của dây chằng giữ trong cấu trúc mô mặt

    Khuôn mặt người được chia làm 5 lớp giải phẫu chính là:

    1. Da
    2. Lớp mỡ nông
    3. Lớp SMAS và các khối cơ biểu cảm
    4. Lớp mỡ sâu và khối cơ mặt sâu
    5. Màng xương và lớp cân sâu

    Dây chằng giữ là các cấu trúc dạng cột xơ kéo dài từ màng xương hoặc cân sâu (lớp 5), xuyên qua lớp mô mỡ sâu (lớp 4), bám vào SMAS (lớp 3) hoặc trung bì (thuộc lớp 1). Vì đi qua nhiều lớp nên dây chằng giữ được xem là cấu trúc xuyên lớp. Trong đó, đoạn giữa nằm trong lớp 4 thường dễ quan sát nhất trên hình ảnh mô học và phẫu tích.

    vị trí giải phẫu và chức năng của dây chằng
    Vị trí giải phẫu của dây chằng giữ trong cấu trúc khuôn mặt (hình minh họa)

    Theo nghiên cứu của Alghoul và cộng sự (2013), các dây chằng giữ có mặt ở những vị trí giải phẫu ổn định và có chức năng phân tách các khoang mô trong khuôn mặt. Dây chằng giữ hoạt động như một hệ thống neo ba chiều, giúp cố định các lớp mô mềm trên mặt và hạn chế sự di chuyển của các mô theo tuổi tác. Đồng thời, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phân chia và giới hạn vận động của mô mặt, tạo ra các ranh giới giữa các khoang mô, bao gồm khoang mỡ nông và khoang mỡ sâu.

    Điều này giúp định hình các đường nét khuôn mặt và kiểm soát quá trình lão hóa theo từng vùng. Các vùng ít vận động, như xương gò má, có dây chằng dày đặc hơn, trong khi các vùng vận động nhiều, như khu vực trước cơ cắn, có ít dây chằng hơn.

    Phân loại cấu trúc neo giữ mô mặt: dây chằng thật và kết dính chức năng

    Các dây chằng giữ thật sự (true retaining ligament) bao gồm dây chằng gò má (zygomatic), dây chằng hàm dưới (mandibular), dây chằng quanh hốc mắt (orbital) và dây chằng cơ cắn (masseteric).

    Các dây chằng giữ thật sự có vị trí giải phẫu ổn định, kéo dài từ màng xương hoặc cân sâu đến lớp trung bì. Chúng được phân loại dựa trên vị trí, cấu trúc, chức năng và khả năng phân tách các khoang mỡ nông và sâu:

    phân loại các cấu trúc neo giữ mô mặt
    Bảng phân loại các dây chằng giữ

    Các cấu trúc kết dính chức năng (false ligament) như vách mô sợi (septa), vách ngăn mỡ (SMAS – cutaneous septa), lớp kết dính thái dương (temporal adhesion) hoặc mạc nông nối cơ bám da cổ và vùng tai (platysma-auricular fascia) được xem là các kết dính mô học hỗ trợ, chứ không phải dây chằng giữ thực sự.

    Những cấu trúc này không có điểm bám xương rõ ràng và không có cấu trúc collagen bó dày đặc như dây chằng thật. Tuy vậy, chúng vẫn góp phần giới hạn chuyển động mô mềm và định hình khoang mỡ, đóng vai trò bổ trợ trong chiến lược trẻ hóa.

    hình minh họa cấu trúc kết dính chức năng
    Các cấu trúc kết dính chức năng (hình minh họa)

    Cơ chế lão hóa theo dây chằng và cơ học mô mềm trên khuôn mặt

    Cơ chế lão hóa liên quan đến dây chằng

    Mặc dù có giả thuyết rằng dây chằng không bị lão hóa, thực tế các điểm bám của chúng bị thay đổi do tiêu xương, làm biến đổi hướng nâng đỡ và độ ổn định của dây chằng. Sự tiêu xương ở các xương có nguồn gốc răng (hàm trên và dưới) làm thay đổi điểm bám của hệ thống dây chằng, kéo da vào trong và làm nổi bật hơn các vùng lõm do lão hóa.

    Ngoài ra, phần lớn sự thay đổi xảy ra ở các nhánh nhỏ của dây chằng, đoạn nối từ SMAS đến da (retinacular cutis). Những nhánh này dễ bị yếu đi bởi những cử động lặp lại trên khuôn mặt.

    Một số nghiên cứu cho thấy mật độ của các cấu trúc mạng lưới dạng sợi này giảm làm giảm độ đàn hồi của lớp mô dưới da, dẫn đến tình trạng da mặt chảy xệ nhiều hơn. Khi mất thể tích mô mỡ và da bị kéo giữ bởi các dây chằng, sẽ hình thành các rãnh nhăn như rãnh giữa má (mid-cheek furrow), đặc trưng của lão hóa vùng giữa mặt.

    Cùng với đó, khối phồng mô mềm ở vùng gò má (malar mound) cũng xuất hiện do sự phù mô mạn tính, khiến da và cơ vòng mắt bị giãn và kéo xuống dưới. Khi dây chằng ổ mắt – gò má (orbitomalar ligament) bị giãn theo thời gian, mô mềm không còn được nâng đỡ vững chắc và trượt xuống, trong khi dây chằng gò má (zygomatic ligament) bên dưới vẫn cố định, gây ra tình trạng phồng mô mềm ở gò má.

    hình minh họa rãnh nhăn vùng mắt
    Các đặc trưng của lão hóa vùng giữa mặt (hình minh họa)
    hình minh họa cấu trúc giải phẫu cơ và dây chằng vùng giữa mặt
    Cấu trúc giải phẫu cơ và dây chằng vùng giữa mặt (hình minh họa)

    Ở người trẻ, vùng mí dưới và má trên thường liền mạch nhờ lớp mô mềm đầy đặn, che phủ phần xương hốc mắt. Tuy nhiên, khi lão hóa, mô mỡ ở khu vực này bắt đầu teo lại khiến xương hốc mắt lộ rõ hơn. Trong khi đó, các dây chằng quanh hốc mắt không co giãn. Sự khác biệt này tạo ra một rãnh lõm dọc theo đường bờ hốc mắt, gọi là rãnh mí dưới – má trên (palpebromalar groove).

    Tương tự, “tear trough”, hay còn gọi là rãnh lệ, cũng hình thành với cơ chế tương tự. Khi lão hóa, các vùng da không được neo giữ chặt bởi dây chằng sẽ bị sa trễ rõ rệt. Đồng thời, mô mỡ sâu bị giảm đi khiến mô mềm ở lớp nông không còn điểm tựa vững chắc, dễ dàng trượt xuống dưới theo trọng lực.

    Điều này tạo ra các nếp gấp, như nếp gấp mũi má, bọng má, hoặc nếp gấp dưới cằm (pre-jowl). Một trong những nguyên nhân chính của nếp gấp pre-jowl là dây chằng hàm dưới, vì nó giữ chặt da vào xương hàm đang bị tiêu đi, trong khi vùng da trên đó lại bị sa trễ do mất điểm neo giữ.

    Đường marionette và hiện tượng chảy xệ vùng hàm dưới (jowling) hình thành do sự mất thể tích không đồng đều giữa các khoang mỡ nông và sâu, kết hợp với sự sa trễ của mô mềm và lớp SMAS.

    hình minh họa các nếp nhăn vùng hàm dưới
    Hiện tượng chảy xệ vùng hầm dưới, nếp nhăn quanh miệng và nếp gấp dưới cằm (hình minh họa)

    Phân vùng động học mô mềm

    Theo nghiên cứu của Mendelson & Wong, vùng mặt được chia thành các vùng “trượt” (gliding zone) và vùng “cố định” (retaining zone), xác định bởi sự hiện diện và mật độ của dây chằng giữ. Đây chính là yếu tố quyết định hướng chảy của mô và vị trí tích tụ da thừa theo thời gian.

    Theo Mendelson, các vùng mô mềm “trượt” thường nằm giữa hai dây chằng giữ lớn và chịu ảnh hưởng mạnh bởi chuyển động cơ mặt. Trong khi đó, vùng “cố định” là nơi dây chằng neo mô vào nền xương, ít bị biến dạng. Điều này giải thích tại sao lão hóa xuất hiện không đều giữa các vùng trên mặt.

    Tác động của chuyển động cơ mặt

    Chuyển động cơ nâng như cơ gò má lớn (zygomaticus major), cơ nâng môi trên (levator labii superioris) tạo nên vùng lồi, trong khi cơ kéo như cơ hạ góc miệng (depressor anguli oris), cơ bám da cổ (platysma) tạo nên vùng lõm. Sự kết hợp này góp phần và suy yếu sự nâng đỡ của dây chằng, làm hình thành đường nét tuổi già đặc trưng.

    sa trễ mỡ má trên khuôn mặt
    Sự kết hợp của các chuyển động cơ mặt góp phần và suy yếu sự nâng đỡ của dây chằng, làm hình thành đường nét tuổi già đặc trưng

    Chiến lược ứng dụng trẻ hóa khuôn mặt theo hệ dây chằng

    Hiện nay phần lớn giả thuyết đều cho rằng, các dây chằng giữ là cấu trúc ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của quá trình lão hóa so với các lớp mô vùng mặt khác:

    • Một nghiên cứu siêu âm trên 60 bệnh nhân nữ ở hai nhóm tuổi (20-30 và 60-80) nhằm đánh giá sự thay đổi kích thước dây chằng giữ theo tuổi cho thấy rằng, độ dài và độ dày của dây chằng gò má và dây chằng hàm dưới không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm.
    • Một nghiên cứu khác của Mu Sam Kang và cộng sự (2016) khảo sát ý nghĩa lâm sàng của dây chằng cằm và dây chằng hàm dưới thông qua việc xác định vị trí và độ căng của chúng, đã kết luận nguyên nhân chính gây ra hiện tượng chảy mô vùng hàm (jowling) chủ yếu là do sự sa trễ của các khoang mỡ vùng má, chứ không phải do sự lỏng lẻo của dây chằng xương – da hàm dưới.
    sự sa trễ của các khoang mỡ vùng mặt
    Một nghiên cứu đã kết luận nguyên nhân chính gây ra hiện tượng chảy mô vùng hàm chủ yếu là do sự sa trễ của các khoang mỡ vùng má

    Các thay đổi do tiêu xương nền và mất thể tích mô mềm xung quanh lại làm thay đổi vị trí bám và độ ổn định của các dây chằng này, gây ảnh hưởng gián tiếp đến chức năng nâng đỡ và biểu hiện lâm sàng của lão hóa. Do đó, các chiến lược trẻ hóa hiện nay tập trung vào việc phục hồi cấu trúc mô quanh dây chằng nhằm gián tiếp củng cố chức năng nâng đỡ.

    Hiện nay, các biện pháp như sử dụng chất kích thích sinh học (biostimulator), chỉ treo định hướng theo dây chằng và năng lượng nhiệt từ các thiết bị phát năng lượng có thể hỗ trợ phục hồi mô xung quanh, tăng khả năng chịu lực và nâng đỡ gián tiếp cho dây chằng. Đây là các chiến lược hiện đại trong trẻ hóa mô mềm sâu, không trực tiếp tái tạo dây chằng nhưng góp phần cải thiện chức năng nâng đỡ và kiểm soát sa trễ mô vùng mặt theo thời gian.

    Nguyên tắc tiếp cận đa tầng trong trẻ hóa dây chằng:

    • Đánh giá lâm sàng: nguyên nhân gây ra các biểu hiện lão hóa trên khuôn mặt dựa trên các vị trí của dây chằng.
    • Phân vùng mô: xác định vùng lõm – lồi – trượt – cố định theo hệ dây chằng chi phối.
    • Tiếp cận từ sâu đến nông: bắt đầu từ tái lập điểm neo dây chằng ở nền xương, sau đó xử lý mô mềm và cuối cùng là cải thiện chất lượng da.
    • Cá nhân hóa phác đồ: lựa chọn phương pháp, kỹ thuật và sản phẩm phù hợp theo từng trường hợp lâm sàng, theo vùng dây chằng chi phối.

    Phẫu thuật thẩm mỹ

    Trong phẫu thuật căng da mặt, việc giải phóng hoặc tái neo các dây chằng giữ như dây chằng gò má (zygomatic), dây chằng cơ cắn (masseteric), dây chằng hàm dưới (mandibular) được xem là yếu tố then chốt để tạo kết quả bền vững.

    Tuy nhiên, đây là biện pháp xâm lấn, thường không bảo tồn được các dây chằng giữ trên khuôn mặt, dẫn đến việc mất đi những đường nét tự nhiên hoặc nguy cơ xảy ra các biến chứng như tổn thương dây thần kinh, biến dạng khuôn mặt, chảy máu hoặc tụ máu, nhiễm trùng, sưng nề, sẹo xấu…

    phẫu thuật thẩm mỹ căng da mặt
    Phẫu thuật thẩm mỹ căng da mặt (hình minh họa)

    Thẩm mỹ nội khoa

    Tiêm thẩm mỹ

    • Tiêm chất làm đầy

    Các kỹ thuật tiêm chất làm đầy hiện đại không chỉ hướng đến việc làm đầy các vùng lõm mà còn tập trung vào việc phục hồi cấu trúc nâng đỡ tự nhiên của khuôn mặt. Một trong những chiến lược quan trọng là khai thác vai trò của các dây chằng giữ mô, vốn đóng vai trò then chốt trong việc định hình và duy trì đường nét khuôn mặt theo thời gian.

    Kỹ thuật True Lift do bác sĩ Peter Huang đề xuất là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận này. Dựa trên các điểm giải phẫu được xác lập trong hệ thống MD Codes, True Lift sử dụng các chất làm đầy có độ nâng cao để tiêm trực tiếp vào gốc của các dây chằng giữ, trực tiếp làm các dây chằng được neo bám chặt hơn và gián tiếp nâng lớp SMAS lên.

    Các điểm tiêm bao gồm vị trí dây chằng quanh ổ mắt, dây chằng giữ gò má, dây chằng vùng má hàm trên và dây chằng dọc theo xương hàm dưới. Hiệu ứng nâng mặt có thể thấy rõ ngay sau tiêm với việc sử dụng ít chất làm đầy hơn, kết quả tự nhiên và ổn định hơn do được thực hiện theo đúng đặc điểm giải phẫu nâng đỡ.

    hiệu ứng nâng mặt ngay lập tức sau kỹ thuật true lift
    Kết quả hiệu ứng nâng mặt ngay lập tức sau kỹ thuật “True Lift”

    Cùng thuộc nhóm tiêm chất làm đầy hướng đến phục hồi cấu trúc, Vectorial Facial Sculpting (VFS) là kỹ thuật tiêm filler dưới lớp SMAS, được thiết kế nhằm cải thiện tình trạng sa trễ mô mềm trên khuôn mặt do suy yếu hệ thống dây chằng giữ theo tuổi tác.

    Thay vì tác động tại chỗ vào điểm neo dây chằng, VFS đưa chất làm đầy vào các điểm chiến lược dưới lớp SMAS để tạo lực nâng lan tỏa theo hướng ngược lại với trọng lực. Mục tiêu là phục hồi chức năng của hệ thống dây chằng giữ, tái định vị mô mềm bị sa trễ, phục hồi đường nét khuôn mặt theo cách tự nhiên và hài hòa.

    Trong nghiên cứu của Cohen và cộng sự năm 2020, kỹ thuật VFS được áp dụng cho 45 phụ nữ trung niên, sử dụng hai loại chất làm đầy gồm Radiesse chứa canxi hydroxylapatite (CaHA) và Stylage XL chứa hyaluronic acid (HA). Các điểm tiêm được lựa chọn theo hướng nâng mô sinh lý, bao gồm vùng cung mày, má giữa và viền hàm. Kết quả sau ba tháng cho thấy, cả hai nhóm đều cải thiện rõ rệt về mặt thẩm mỹ, với mức độ hài lòng cao và rất ít tác dụng phụ.

    hình ảnh trích từ nghiên cứu tiêm radiesse chứa caha bằng kỹ thuật vfs
    Trước (A, B) và sau 3 tháng (C, D) điều trị bằng Radiesse chứa CaHA bằng kỹ thuật VFS (hình ảnh được trích từ nghiên cứu)

    Dù khác nhau về điểm tác động và cơ chế tạo lực nâng, cả True Lift và VFS đều thể hiện xu hướng mới trong kỹ thuật tiêm chất làm đầy – không đơn thuần làm đầy thể tích, mà hướng đến phục hồi cấu trúc nâng đỡ của khuôn mặt một cách chính xác và bền vững hơn.

    • Tiêm skin booster hay biostimulator

    Kỹ thuật tiêm BAP với các sản phẩm chứa HA (Profhilo, Jalupro, Peptidyal 86HX…) hoặc collagen (Karisma), polynucleotide (Rejuran S) với một số điểm tiêm là các vị trí, đường phân bố của dây chằng, giúp tái tạo cấu trúc mô mềm xung quanh dây chằng, tăng sự neo bám cho dây chằng và giảm sự chảy xệ.

    hình minh họa các điểm tiêm bap
    Kỹ thuật tiêm BAP K15+ với Karisma (hình minh họa các điểm tiêm)
    ca lâm sàng tiêm trẻ hóa mặt
    Ca lâm sàng trẻ hóa khuôn mặt bằng tiêm BAP Karisma tại RejuvLab

    Treo chỉ trong da hay căng chỉ (thread lift)

    Trong treo chỉ trong da trên khuôn mặt, các dây chằng giữ như dây chằng gò má và dây chằng cơ cắn đóng vai trò thiết yếu. Hai cấu trúc này giao nhau tạo thành hình chữ T, cung cấp điểm tựa vững chắc cho da và mô mềm, đặc biệt quan trọng khi sử dụng các loại chỉ có gai đa hướng dạng zic-zac.

    Casabona và cộng sự đã đề xuất “đường dây chằng” như một chuẩn định hướng kỹ thuật. Đường này chạy từ mào thái dương đến xương hàm dưới, đi qua các điểm neo quan trọng như dây chằng thái dương, dây chằng ổ mắt (phần dày lên bên ngoài), dây chằng gò má và dây chằng hàm dưới.

    hình minh họa căng chỉ da mặt
    Treo chỉ trong da hay căng chỉ (hình minh họa)

    Các vùng mô nằm ngoài đường này thường cố định hơn, lý tưởng để làm điểm neo chính, từ đó giúp nâng được cả các vùng di động hơn ở phía trong. Cách tiếp cận này không chỉ gia tăng hiệu quả nâng mô mà còn giảm thiểu biến chứng, đảm bảo kết quả thẩm mỹ ổn định và tự nhiên hơn.

    Trong thực hành lâm sàng khi treo chỉ trong da, các dây chằng giữ thật sự có ảnh hưởng lớn đến hướng và cường độ của lực kéo (vector). Chúng có thể chống lại hoặc làm thay đổi hướng và độ mạnh của lực do sợi chỉ tạo ra, từ đó ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ cuối cùng.

    Ngay cả khi không có điểm neo cố định ở phía trên, sợi chỉ treo khi được đặt đúng vào các vị trí dây chằng này vẫn có thể tạo hiệu ứng nâng mạnh mẽ, nhờ tận dụng sức căng tự nhiên của dây chằng.

    Tuy nhiên, cần thận trọng khi đặt chỉ quá sâu vào dây chằng, đặc biệt ở vùng hàm trên và hàm dưới. Nếu gai chỉ mắc chặt vào dây chằng có thể gây hiện tượng lõm da kéo dài, khó khắc phục. Trong những trường hợp này, nên can thiệp sớm bằng massage để giải phóng lực kéo dư thừa và làm mịn bề mặt da.

    Máy móc công nghệ cao

    Một số công nghệ như sóng siêu âm hội tụ cường độ cao – HIFU (high-intensity focused ultrasound), sóng vô tuyến RF (radiofrequency) hoặc công nghệ nâng cơ bằng điện HIFES (tiêu biểu là thiết bị Emface).

    Mặc dù HIFU và RF không tác động trực tiếp đến các dây chằng giữ thật sự của khuôn mặt, vốn là các cấu trúc collagen típ I dày đặc, ít mạch máu và gần như không có khả năng tái tạo sinh học, chúng có thể mang lại hiệu quả gián tiếp thông qua việc cải thiện cấu trúc mô quanh dây chằng.

    Cụ thể, HIFU giúp tạo các điểm đông tụ nhiệt ở lớp SMAS và hạ bì sâu, từ đó kích thích co rút mô và tăng sinh collagen quanh các điểm neo giải phẫu, còn RF có khả năng tăng sinh collagen tại lớp trung bì và hạ bì, góp phần nâng đỡ mô mềm và cải thiện độ săn chắc tổng thể.

    ca lâm sàng forma trẻ hóa vùng mặt
    Ca lâm sàng trẻ hóa vùng mặt bằng Forma tại RejuvLab

    Nghiên cứu của Man-Lok Lio và cộng sự (2022) cho thấy, HIFU với các đầu dò sâu (2mm, 4,5mm và 6mm) giúp cải thiện đáng kể tình trạng chảy xệ vùng trán và giữa mặt chỉ sau một lần điều trị. Kết quả ghi nhận sự nâng mô rõ rệt ở vùng lông mày, mắt và má, với thay đổi có ý nghĩa thống kê ở một số chỉ số. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận. Đây là bằng chứng cho thấy HIFU đa độ sâu có hiệu quả và an toàn trong trẻ hóa khuôn mặt.

    ca lâm sàng trẻ hóa bằng hifu
    Ngày 0, trước điều trị (trái) và sau điều trị (ngày 90) bằng HIFU. Mũi tên màu đỏ hướng lên có nghĩa là làn da đã được nâng lên sau điều trị và ngược lại. Mũi tên có màu đỏ bên trong có nghĩa là trẻ hóa đã đạt được và mũi tên rỗng có nghĩa là không đạt được trẻ hóa sau điều trị

    Trong khi đó, nghiên cứu của Angélica và cộng sự (2015) về hiệu quả của công nghệ sóng RF trong điều trị tình trạng da chùng nhão cho thấy, sóng vô tuyến không xâm lấn có tiềm năng cải thiện tình trạng da chùng nhão thông qua kích thích tăng sinh collagen.

    Do đó, dù không phục hồi trực tiếp cấu trúc dây chằng, các công nghệ năng lượng như HIFU và RF vẫn là một phần quan trọng trong chiến lược trẻ hóa mô mềm sâu, bằng cách gia cố các cấu trúc quanh dây chằng và giảm thiểu tình trạng sa trễ theo thời gian.

    thăm khám với bác trang
    Thăm khám Bác sĩ để được tư vấn và điều trị

    Chi phí tiêm trẻ hóa giá bao nhiêu?

    Tiêm trẻ hóa là một giải pháp thẩm mỹ không xâm lấn ngày càng được ưa chuộng, giúp cải thiện các dấu hiệu lão hóa trên khuôn mặt, từ việc làm đầy các vùng lõm đến phục hồi cấu trúc nâng đỡ tự nhiên. Tuy nhiên, chi phí của liệu trình tiêm trẻ hóa có thể thay đổi tùy theo phương pháp sử dụng, kỹ thuật, địa chỉ thực hiện và mức độ can thiệp cần thiết. Dưới đây là bảng giá các dịch vụ tiêm trẻ hóa tại RejuvLab, giúp bạn có cái nhìn rõ ràng về chi phí cho từng phương pháp:

    Bảng giá các phương pháp tiêm trẻ hóa tại RejuvLab

    Liệu trình Đơn vị Giá Giá trải nghiệm lần đầu
    Forma vùng mặt lần 2.500.000đ 1.500.000đ
    Morpheus8 vùng mặt * lần 12.000.000đ 10.000.000đ
    Morpheus8 vùng mặt và bụng (sử dụng cùng đầu tip) * lần 20.000.000đ 15.000.000đ
    Tiêm BAP Profhilo 2mL lần 7.000.000đ 6.500.000đ
    Tiêm BAP Jalupro 2mL lần 5.000.000đ 4.500.000đ
    Tiêm BAP Rejuran S 1mL lần 4.500.000đ 4.000.000đ
    Tiêm BAP Karisma 2mL lần 5.000.000đ 4.500.000đ
    Tiêm skinbooster Belotero Revive 1mL lần 6.000.000đ 5.000.000đ
    Tiêm skinbooster Restylane Vital Light 1mL lần 5.000.000đ 4.000.000đ
    Tiêm skinbooster Juvederm Volite 1mL × 2 lần 12.000.000đ 10.000.000đ
    Tiêm skinbooster Teosyal Redensity 1 1mL × 2 lần 6.000.000đ 5.000.000đ
    Tiêm skinbooster Peptidyal 86HX 2,6mL × 2  lần 8.000.000đ 7.000.000đ
    Tiêm biostimulator Radiesse 1,5mL lần 11.000.000đ 10.000.000đ
    Tiêm biostimulator Juvelook (1 lọ) lần 9.000.000đ 8.000.000đ
    Tiêm biostimulator Lenisna (1 lọ) lần 10.000.000đ 8.000.000đ
    Tiêm biostimulator Rejuran Healer 2mL × 2 lần 11.000.000đ 10.000.000đ
    Tiêm meso exosome Bombit 5mL lần 2.500.000đ 1.900.000đ
    Tiêm meso PDRN Bombit 5mL lần 2.500.000đ 1.900.000đ
    * Đầu tip cho liệu trình Morpheus8 tip 3.000.000đ 3.000.000đ

    Hệ thống dây chằng giữ đóng vai trò then chốt trong việc phân tích lão hóa khuôn mặt và thiết kế các chiến lược trẻ hóa cá nhân hóa. Việc nắm vững giải phẫu và chức năng của các dây chằng không chỉ nâng cao độ chính xác và an toàn trong các can thiệp thẩm mỹ, mà còn giúp Bác sĩ tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

    Hiểu rõ mối quan hệ giữa hệ dây chằng và các biểu hiện của lão hóa khuôn mặt là chìa khóa để cá nhân hóa từng can thiệp, nhằm đạt được hiệu quả thẩm mỹ đồng đều, tự nhiên và bền vững.

    Tại RejuvLab, các Bác sĩ ứng dụng kiến thức chuyên sâu về hệ thống dây chằng giữ để xây dựng liệu trình trẻ hóa cá nhân hóa cho từng gương mặt. Với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến và kỹ thuật tiêm chuyên biệt, mỗi liệu trình đều giúp khôi phục cấu trúc nền tảng của khuôn mặt một cách tự nhiên và an toàn. Đăng ký tư vấn ngay hôm nay để được đánh giá tình trạng lão hóa chuyên sâu và thiết kế liệu trình trẻ hóa phù hợp với riêng bạn.

    Bannner kiến thức - Thẩm mỹ da (2)
    Banner - Kiến thức thẩm mỹ da - Mobile

    Tài liệu tham khảo

    1. Sakata A, Abe K, Mizukoshi K, Gomi T, Okuda I. Relationship between the retinacula cutis and sagging facial skin. Skin Res Technol. 2018;24(1):93-98. doi:10.1111/srt.12395
    2. Mendelson B, Wong CH. Changes in the facial skeleton with aging: implications and clinical applications in facial rejuvenation. Aesthetic Plast Surg. 2012;36(4):753-760. doi:10.1007/s00266-012-9904-3
    3. Alghoul M, Codner MA. Retaining ligaments of the face: review of anatomy and clinical applications. Aesthet Surg J. 2013;33(6):769-782. doi:10.1177/1090820X13495405
    4. Rossell-Perry P, Paredes-Leandro P. Anatomic study of the retaining ligaments of the face and applications for facial rejuvenation. Aesthetic Plast Surg. 2013;37(3):504-512. doi:10.1007/s00266-012-9995-x
    5. Mirontsev A, Andruschenko O, Vasil’ev Y, et al. Clinical Anatomy of the Ligaments of the Face and Their Fundamental Distinguishing Features. Medicina (Kaunas). 2024;60(5):681. Published 2024 Apr 23. doi:10.3390/medicina60050681
    6. Kang MS, Kang HG, Nam YS, Kim IB. Detailed anatomy of the retaining ligaments of the mandible for facial rejuvenation. J Craniomaxillofac Surg. 2016;44(9):1126-1130. doi:10.1016/j.jcms.2016.06.018
    7. Lio ML, Chang CC, Chuang AD, Tsai LC, Chen CC. Quantified Facial Rejuvenation Utilizing High Intense Focus Ultrasound with Multiple Penetrative Depths. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2022;15:489-496. Published 2022 Mar 19. doi:10.2147/CCID.S350556
    8. Araújo AR, Soares VP, Silva FS, Moreira Tda S. Radiofrequency for the treatment of skin laxity: myth or truth. An Bras Dermatol. 2015;90(5):707-721. doi:10.1590/abd1806-4841.20153605
    9. Cohen S, Artzi O, Mehrabi JN, Heller L. Vectorial facial sculpting: A novel sub-SMAS filler injection technique to reverse the impact of the attenuated retaining ligaments. J Cosmet Dermatol. 2020;19(8):1948-1954. doi:10.1111/jocd.13546
    10. Distefano A, Dotto A, et al. Instrumental Analysis of Retaining Ligaments and Literature Review. What Can We Deduce?. Journal of Craniofacial Surgery Open. 2024;2(2). doi:10.1097/SC9.0000000000000018
    11. Foutsizoglou S. Retaining ligaments. Aesthetic Medicine. 2017
    12. Peter Huang. How I Do It – The True Lift Technique™: facial ligament retightening, an anatomical approach. [online] Available at: HOW I DO IT The True Lift Technique™: facial ligament retightening, an anatomical approach | The PMFA Journal [Accessed 08 July 2025]
    Content Protection by DMCA.com
    Logo Rejuv Lab

    Nếu bạn đang muốn trẻ hóa da, hãy để lại thông tin để được thăm khám hoàn toàn miễn phí cùng đội ngũ Bác sĩ Da liễu tại Phòng khám RejuvLab.