Vì sao các bệnh rối loạn tâm thần có thể gây béo phì?

Với tỷ lệ mắc bệnh gia tăng đáng kể trong những thập kỷ gần đây, béo phì đã trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển. Ngoài yếu tố di truyền và lối sống, mối quan hệ giữa béo phì với sức khỏe tâm thần đang được quan tâm nghiên cứu. Những người mắc bệnh rối loạn tâm thần, đặc biệt là rối loạn lo âu, trầm cảm và tâm thần phân liệt, có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn do tác động của hormone, stress và thay đổi sinh hóa trong cơ thể. Bài viết này tập trung vào mối liên hệ giữa các bệnh rối loạn tâm thần và béo phì, các cơ chế sinh lý học và hành vi liên quan để người đọc có cách nhìn tổng quan, giúp kiểm soát các bệnh lý này hiệu quả hơn.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Các bệnh tâm thần liên quan đến béo phì

    Các bệnh tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt đều có mối liên hệ chặt chẽ với béo phì. Nhiều nghiên cứu cho thấy những bệnh lý này không chỉ làm gia tăng nguy cơ béo phì mà còn ảnh hưởng đến hành vi ăn uống, tình trạng tâm lý, mức độ vận động… từ đó tác động tiêu cực đến cân nặng của người bệnh.

    Rối loạn tâm thần
    Rối loạn tâm thần tác động tiêu cực đến cân nặng của người bệnh

    Rối loạn lo âu

    Rối loạn lo âu là một trong những bệnh lý tâm thần phổ biến nhất và có mối liên hệ chặt chẽ với béo phì. Theo kết quả nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp của Gariepy và cộng sự (2010), những người mắc rối loạn lo âu có xu hướng sử dụng thực phẩm như một cách để giảm bớt căng thẳng, dẫn đến hiện tượng ăn uống theo cảm xúc. Điều này có thể làm tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt đối với thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo, góp phần làm tăng cân.

    Stress kéo dài do lo âu cũng kích thích sự gia tăng sản xuất cortisol, một hormone có vai trò trong việc lưu trữ chất béo và tăng cảm giác thèm ăn. Tỷ lệ béo phì ở những người mắc rối loạn lo âu cao hơn 25-30% so với người không mắc bệnh.

    cang thang gay tang can
    Stress kéo dài do lo âu cũng kích thích sự gia tăng sản xuất cortisol, làm tăng cảm giác thèm ăn

    Trầm cảm

    Trầm cảm là một bệnh lý tâm thần phổ biến khác liên quan đến béo phì. Theo một nghiên cứu tổng quan hệ thống của Luppino và cộng sự (2010), những người mắc trầm cảm có nguy cơ cao phát triển béo phì do thay đổi khẩu vị và hoạt động thể chất.

    Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn ảnh hưởng đến các hormone trong cơ thể, bao gồm hệ thống serotonin và dopamine:

    • Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh có vai trò điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và cảm giác no. Ở những người bị trầm cảm, mức serotonin thường giảm. Điều này gây ra một số tác động quan trọng như tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là thực phẩm giàu tinh bột do việc tiêu thụ tinh bột giúp tăng cường sản xuất serotonin tạm thời trong não, làm cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, giảm serotonin làm giảm khả năng cảm nhận cảm giác no, khi mức serotonin thấp, cơ thể khó nhận ra tín hiệu “no” khiến người bệnh có xu hướng ăn nhiều hơn mức cần thiết.
    • Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến phần thưởng, động lực, cảm giác và niềm vui. Ở những người bị trầm cảm, mức dopamine thường giảm. Điều này có thể dẫn đến các tác động như người bệnh khó cảm nhận được niềm vui từ các hoạt động mà trước đó họ từng yêu thích, gia tăng tìm kiếm niềm vui ngắn hạn từ thực phẩm giàu calo nhằm kích thích tạm thời sự giải phóng dopamine. Dopamine thấp cũng làm giảm động lực thực hiện các hoạt động thể chất, dẫn đến lối sống ít vận động, góp phần làm tăng nguy cơ thừa cân và béo phì ở người mắc trầm cảm.
    Ảnh hưởng của trầm cảm
    Trầm cảm ảnh hưởng đến hệ thống serotonin và dopamine, góp phần gây thừa cân – béo phì

    Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị trầm cảm, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptyline, nortriptyline, imipramine) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (venlafaxine, duloxetine) có thể gây tăng cân. Cơ chế tăng cân thường do tác động của thuốc lên quá trình trao đổi chất và kích thích thèm ăn. Nghiên cứu cho thấy rằng những người bị trầm cảm có nguy cơ béo phì tăng thêm và những người béo phì cũng có nguy cơ phát triển trầm cảm, tạo thành một vòng lặp bệnh lý.

    Rối loạn lưỡng cực

    Người mắc rối loạn lưỡng cực có nguy cơ tăng cân cao, cả trong giai đoạn hưng cảm và trầm cảm:

    • Trong giai đoạn hưng cảm, hoạt động thể chất tăng cao nhưng thói quen ăn uống lại không điều độ, dẫn đến việc tiêu thụ quá mức thực phẩm giàu calo, gây mất cân bằng năng lượng.
    • Trong giai đoạn trầm cảm, sự sụt giảm hoạt động thể chất và thay đổi khẩu vị cũng làm tăng nguy cơ béo phì.
    rối loạn tâm thần
    Người mắc rối loạn lưỡng cực có nguy cơ tăng cân cao

    Ngoài ra, một số thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực như lithium và valproate cũng có tác dụng phụ làm tăng cân:

    • Lithium gây tăng cảm giác thèm ăn và làm giảm hoạt động thể chất, dẫn đến tích tụ mỡ thừa. Bên cạnh đó, lithium có liên quan đến việc giữ nước và muối trong cơ thể, làm tăng khối lượng cơ thể.
    • Valproate làm tăng cảm giác thèm ăn và gây rối loạn chuyển hóa lipid, góp phần vào việc tăng tỷ lệ béo phì ở nhóm bệnh nhân này.

    Tâm thần phân liệt

    Tâm thần phân liệt cũng liên quan đến béo phì, chủ yếu do tác động của thuốc chống loạn thần. Các loại thuốc như olanzapine và clozapine được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt, nhưng thuốc có thể gây tăng cân do làm thay đổi sự chuyển hóa glucose và chất béo trong cơ thể. Cụ thể, olanzapine và clozapine ức chế thụ thể serotonin 5-HT2C – đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa sự thèm ăn và cảm giác no. Khi ức chế thụ thể này, các tín hiệu no bị suy giảm, dẫn đến việc ăn uống nhiều hơn và khó kiểm soát sự thèm ăn. Olanzapine và clozapine có thể làm tăng nồng độ ghrelin và giảm độ nhạy cảm với leptin, làm tăng sự thèm ăn và giảm khả năng tự kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ. Cuối cùng, olanzapine và clozapine đều có tác dụng an thần mạnh, làm giảm động lực hoạt động thể chất của bệnh nhân. Sự ít vận động này kết hợp với việc ăn uống nhiều dẫn đến sự mất cân bằng năng lượng, gây tăng cân và tích tụ mỡ thừa.

    rối loạn tâm thần
    Olanzapine và clozapine có thể gây tăng cân do làm thay đổi sự chuyển hóa glucose và chất béo

    Nghiên cứu của Bak và cộng sự (2014) cho thấy rằng bệnh nhân tâm thần phân liệt có nguy cơ tăng 5-10kg cân nặng trong vòng 6 tháng điều trị bằng thuốc chống loạn thần.

    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

    Mối liên hệ giữa béo phì và bệnh rối loạn tâm thần

    Béo phì và bệnh tâm thần có mối liên hệ phức tạp, trong đó béo phì vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân làm trầm trọng thêm các rối loạn tâm thần. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người bị béo phì thường gặp phải các vấn đề về tâm lý như trầm cảm và lo âu do sự tự ti về ngoại hình, kỳ thị từ xã hội và cảm giác bị cô lập. Những yếu tố này có thể làm cho tình trạng tâm thần của họ trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời, các vấn đề tâm thần như trầm cảm cũng có thể dẫn đến những thói quen không lành mạnh như ăn uống quá độ và ít vận động, khiến người bệnh dễ rơi vào vòng luẩn quẩn, gây tăng cân và dẫn đến béo phì.

    tự ti về ngoại hình
    Người béo phì thường gặp phải các vấn đề tâm lý, có thể dẫn đến những thói quen không lành mạnh gây tăng cân

    Béo phì không chỉ là kết quả của các bệnh lý tâm thần mà còn là yếu tố làm cho những triệu chứng này trở nên nặng nề hơn. Cụ thể, nghiên cứu của Luppino và cộng sự cho thấy người béo phì có nguy cơ cao hơn bị trầm cảm. Ngược lại, người bị trầm cảm cũng có nguy cơ cao hơn bị béo phì. Sự kết hợp này tạo ra một vòng lặp tiêu cực, trong đó béo phì và bệnh tâm thần tương tác với nhau, làm gia tăng cả nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của từng bệnh trạng.

    Nguoi beo phi co nguy co cao hon tram cam
    Béo phì không chỉ là kết quả mà còn là nguyên nhân làm cho rối loạn tâm thần trở nên nặng nề hơn
    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Phương pháp điều trị và quản lý béo phì do bệnh tâm thần

      Phương pháp điều trị và quản lý béo phì do bệnh tâm thần bao gồm cả can thiệp hành vi, điều trị tâm lý và điều chỉnh thuốc. Việc phối hợp nhiều phương pháp với nhiều hướng tiếp cận khác nhau có thể giúp kiểm soát tốt hơn tình trạng cân nặng và cải thiện sức khỏe tâm thần cho người bệnh.

      Can thiệp hành vi

      Việc thay đổi thói quen ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất là các yếu tố chính trong điều trị béo phì. Một phân tích của Wadden và công sự (2012) cho thấy rằng sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và tăng cường vận động giúp cải thiện cân nặng và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến béo phì.

      ăn lành mạnh + tập thể dục
      Thay đổi thói quen ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất giúp cải thiện cân nặng

      Các chương trình can thiệp hành vi bao gồm hỗ trợ tâm lý, huấn luyện thay đổi thói quen ăn uống và thiết lập kế hoạch tập thể dục là các biện pháp quản lý béo phì do rối loạn tâm thần hiệu quả.

      Điều trị tâm lý

      Trị liệu nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy – CBT) được xem là một phương pháp hiệu quả trong việc điều trị béo phì liên quan đến bệnh tâm thần. Nghiên cứu của Cai và cộng sự (2023) và nghiên cứu của Dalle Grave và cộng sự (2024) đều chỉ ra rằng CBT giúp thay đổi hành vi ăn uống, giảm cảm giác thèm ăn và giảm ăn uống theo cảm xúc, từ đó hạn chế hành vi ăn uống quá độ.

      Ngoài ra, CBT còn giúp nhận diện và kiểm soát các cảm xúc tiêu cực, từ đó giảm sự thèm ăn và hạn chế việc ăn quá độ. Bằng cách áp dụng các kỹ thuật quản lý căng thẳng và điều chỉnh cách nhìn nhận về cơ thể, CBT giúp cải thiện sự tự tin và khả năng duy trì cân nặng ổn định.

      Trị liệu nhận thức hành vi
      CBT là một phương pháp hiệu quả trong việc điều trị béo phì liên quan đến bệnh tâm thần

      Điều chỉnh thuốc

      Việc sử dụng thuốc điều trị tâm thần cần được giám sát chặt chẽ, đặc biệt là những loại thuốc có nguy cơ gây tăng cân. Theo nghiên cứu Belgamwar và cộng sự (2012), các loại thuốc như olanzapine và clozapine có thể được thay thế bằng những loại thuốc có nguy cơ gây tăng cân thấp hơn như aripiprazole. Cơ chế hoạt động khác biệt của aripiprazole trong việc điều chỉnh các thụ thể dopamine giúp duy trì cân bằng trong quá trình điều trị tâm thần.

      Aripiprazole
      Aripiprazole có thể được sử dụng thay thế olanzapine và clozapine

      Ngoài ra, Bác sĩ cũng có thể kết hợp với các biện pháp điều chỉnh lối sống để giúp bệnh nhân giảm cân và kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn.

      Béo phì không chỉ là hậu quả mà còn là nguyên nhân làm trầm trọng thêm các rối loạn tâm lý như trầm cảm và lo âu. Việc điều trị và quản lý béo phì liên quan đến bệnh tâm thần đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, bao gồm thay đổi lối sống, can thiệp tâm lý và điều chỉnh thuốc một cách phù hợp.

      Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng, hãy liên hệ ngay với MedFit để được cung cấp các giải pháp giảm cân được thiết kế riêng biệt, phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của từng cá nhân. Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của MedFit sẽ hỗ trợ toàn diện, giúp bạn lấy lại vóc dáng và sức khỏe một cách bền vững.

      Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ
      Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ m

      Tài liệu tham khảo

      1. Obesity and overweight“. World Health Organization
      2. Luppino FS, de Wit LM, et al. “Overweight, obesity, and depression: a systematic review and meta-analysis of longitudinal studies“. Arch Gen Psychiatry. 2010;67(3):220-229. doi:10.1001/archgenpsychiatry.2010.2
      3. Gariepy G, Nitka D, Schmitz N. “The association between obesity and anxiety disorders in the population: a systematic review and meta-analysis“. Int J Obes (Lond). 2010;34(3):407-419. doi:10.1038/ijo.2009.252
      4. Owens MJ, Nemeroff CB. “Role of serotonin in the pathophysiology of depression: focus on the serotonin transporter“. Clin Chem. 1994;40(2):288-295
      5. Qualls-Creekmore E, Münzberg H. “Modulation of Feeding and Associated Behaviors by Lateral Hypothalamic Circuits“. Endocrinology. 2018;159(11):3631-3642. doi:10.1210/en.2018-00449
      6. Bak M, Fransen A, et al. “Almost all antipsychotics result in weight gain: a meta-analysis“. PLoS One. 2014;9(4):e94112. Published 2014 Apr 24. doi:10.1371/journal.pone.0094112
      7. Reynolds GP, Kirk SL. “Metabolic side effects of antipsychotic drug treatment–pharmacological mechanisms“. Pharmacol Ther. 2010;125(1):169-179. doi:10.1016/j.pharmthera.2009.10.010
      8. Wadden TA, Webb VL, et al. “Lifestyle modification for obesity: new developments in diet, physical activity, and behavior therapy“. Circulation. 2012;125(9):1157-1170. doi:10.1161/CIRCULATIONAHA.111.039453
      9. Cai Z, Tang Y, et al. “Cognitive behavioural therapy for adults with overweight or obesity“. Cochrane Database Syst Rev. 2023;2023(7):CD015580. Published 2023 Jul 21. doi:10.1002/14651858.CD015580
      10. Dalle Grave R, Sartirana M, Calugi S. “Personalized cognitive-behavioural therapy for obesity (CBT-OB): theory, strategies and procedures“. Biopsychosoc Med. 2020;14:5. Published 2020 Mar 9. doi:10.1186/s13030-020-00177-9
      11. Belgamwar RB, El-Sayeh HG. “Aripiprazole versus placebo for schizophrenia“. Cochrane Database Syst Rev. 2011;(8):CD006622. Published 2011 Aug 10. doi:10.1002/14651858.CD006622.pub2
      12. Gibson-Smith D, Bot M, et al. “Major depressive disorder, antidepressant use, and subsequent 2-year weight change patterns in the Netherlands Study of Depression and Anxiety“. J Clin Psychiatry. 2016;77(2):e144-e151. doi:10.4088/JCP.14m09658
      Content Protection by DMCA.com
      logo MedFit

      Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.