Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là các bệnh lý xương khớp. Thừa cân làm gia tăng áp lực lên các khớp, dẫn đến viêm khớp, thoái hóa khớp và đau lưng mãn tính, đồng thời gây viêm toàn thân làm suy giảm chức năng cơ xương khớp. Để phòng ngừa và điều trị hiệu quả vấn đề này, việc kiểm soát cân nặng và duy trì lối sống lành mạnh là rất quan trọng. Trong bài viết này, MedFit sẽ giải thích chi tiết mối liên hệ giữa béo phì và bệnh về xương khớp, đồng thời cung cấp các giải pháp cải thiện sức khỏe hiệu quả.
Ảnh hưởng của béo phì lên hệ xương khớp
Béo phì có nhiều tác động tiêu cực lên hệ xương khớp và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một số ảnh hưởng của béo phì đến hệ xương khớp có thể được kể đến bao gồm:
Tăng tải trọng lên khớp
- Khớp gối và hông: béo phì làm tăng áp lực lên các khớp chịu trọng lượng như khớp gối và hông, dẫn đến thoái hóa khớp. Áp lực này gây mòn sụn khớp, làm mất chức năng bảo vệ, gây đau và cứng khớp.
- Cột sống: tăng cân gây áp lực lên cột sống, đặc biệt là vùng thắt lưng, có thể dẫn đến đau lưng mãn tính và thoái hóa đĩa đệm.
Viêm khớp
Béo phì liên quan đến tình trạng viêm mãn tính, góp phần vào sự phát triển của viêm xương khớp, làm tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn và sụn khớp bị phá hủy nhanh hơn.
Giảm sức mạnh cơ bắp
Béo phì có thể dẫn đến sự mất cân bằng giữa lượng mỡ và khối lượng cơ, gây yếu cơ và giảm sức mạnh cơ bắp, đặc biệt là ở chi dưới. Điều này có thể làm giảm khả năng di chuyển và tăng nguy cơ té ngã.
Tăng nguy cơ chấn thương
Người béo phì có nguy cơ cao bị chấn thương khi tham gia các hoạt động thể thao hoặc cả trong các hoạt động hàng ngày do sức nặng cơ thể tạo ra áp lực lớn lên các khớp và cơ.
Giảm khả năng vận động
Sự kết hợp giữa tăng tải trọng lên khớp, yếu cơ và đau khớp dẫn đến việc giảm khả năng vận động và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến lối sống ít vận động.
Thiếu hụt vitamin D
Người béo phì thường thiếu hụt vitamin D nhiều hơn so với người có cân nặng bình thường vì vitamin D chủ yếu được lưu trữ trong mô mỡ. Người có khối lượng mỡ lớn cần nhiều vitamin D hơn để duy trì nồng độ trong máu tương đương với người có thể trạng bình thường. Ngoài ra, người béo phì thường ít vận động ngoài trời và tiêu thụ ít thực phẩm giàu vitamin D hơn.
Những đối tượng bị béo phì nào có thể gặp các bệnh về xương khớp
Trẻ em và thanh thiếu niên
Cân nặng quá mức có thể làm hỏng các đĩa tăng trưởng nằm ở hai đầu xương dài, đĩa tăng trưởng có chức năng điều chỉnh và quyết định chiều dài, hình dạng của xương trong quá trình phát triển. Áp lực gia tăng lên đĩa tăng trưởng làm tăng nguy cơ gãy xương, trượt đầu xương đùi, bệnh Blount và chứng cong chân, có thể dẫn đến sự phát triển và biến dạng không đều.
Trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh béo phì có nguy cơ mắc bệnh bàn chân bẹt cao hơn, gây cản trở khả năng đi bộ đường dài. Béo phì cũng có thể làm giảm khả năng giữ thăng bằng, gây hạn chế các hoạt động thể chất thường ngày như nhảy và chạy, từ đó có thể dẫn đến bối rối, bị cô lập và phát triển các rối loạn cảm xúc.
Người lớn tuổi
Quá trình lão hóa tác động đến hệ thống xương khớp bất kể cân nặng của bệnh nhân. Tuy nhiên, tác động này tăng lên ở những bệnh nhân có chỉ số BMI cao. Cân nặng quá mức làm tăng nguy cơ viêm khớp, đặc biệt là ở các khớp chịu trọng lượng như đầu gối, hông và cột sống. Điều này có thể dẫn đến đau mãn tính, giảm khả năng vận động, dễ bị té ngã và gãy xương hơn do mật độ xương thấp và các vấn đề về thăng bằng. Giảm cân có thể làm giảm các triệu chứng nhưng không thể khôi phục các tổn thương khớp đang có.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Một số bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở người béo phì
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật, trong đó khớp gối bị ảnh hưởng nhiều nhất. Có mối liên quan giữa béo phì và thoái hóa khớp gối. Coggon và cộng sự đã báo cáo rằng những người có chỉ số BMI trên 30 có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao gấp 6,8 lần so với những người có cân nặng bình thường.
Béo phì làm tăng tải trọng cho khớp, gây tăng áp lực cho sụn khớp vượt quá khả năng chịu đựng, do đó gây ra những thay đổi về cấu trúc và chức năng của khớp.
Ngoài ra, các yếu tố chuyển hóa và thể dịch cũng có thể ảnh hưởng đến khớp, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp ở những khớp không chịu lực như khớp bàn tay, khớp háng cao hơn ở những người có chỉ số BMI và lượng mỡ cao.
Viêm khớp dạng thấp
Béo phì còn là yếu tố nguy cơ của viêm khớp dạng thấp, một bệnh lý viêm khớp mãn tính do cơ chế tự miễn.
Loãng xương
Béo phì và loãng xương đã trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu trong những thập kỷ qua do tỷ lệ mắc phải các vấn đề này đang ngày càng tăng. Sự tương quan giữa béo phì và chuyển hóa xương rất phức tạp và chưa được hiểu đầy đủ, được đề xuất như sau:
- Phản ứng viêm hệ thống: béo phì có liên quan với tình trạng viêm mãn tính đặc trưng bởi nồng độ CRP, TNF-α và IL-6 cao hơn, phản ứng viêm hoạt hóa hủy cốt bào dẫn đến mất xương nhanh chóng ở người béo phì.
- Tăng sinh mỡ trong tủy xương: tạo cốt bào và tế bào mỡ có nguồn gốc từ tế bào gốc trung mô tủy xương. Ở người béo phì, các tế bào gốc trung mô này không có khả năng biệt hóa thành tạo cốt bào mà tăng biệt hóa thành tế bào mỡ dẫn đến giảm quá trình tạo xương, gây loãng xương.
Bệnh gout
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc tăng acid uric trong máu ở đối tượng béo phì càng làm tỷ lệ mắc bệnh gout tăng cao. Người béo phì luôn chú ý đến chế độ ăn giảm cân, không uống bia, rượu, không ăn các thức ăn giàu chất purin như thịt đỏ và hải sản để hạn chế nguy cơ mắc bệnh gout.
Thoái hóa cột sống thắt lưng
Béo phì có liên quan đến việc tăng tỷ lệ mắc bệnh cột sống như đau lưng dưới, thoái hóa đĩa đệm và đau thần kinh tọa, đồng thời gia tăng tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật cột sống.
Các bệnh lý trên bàn tay
Hội chứng ống cổ tay đã được chứng minh là có liên quan trực tiếp đến béo phì. Tuy nhiên, việc giảm cân không dẫn đến cải thiện các triệu chứng của hội chứng này.
Ngón tay cò súng đã được chứng minh là phổ biến hơn ở những người béo phì so với những người không béo phì.
Ngoài ra, chức năng tổng quát của bàn tay có thể bị ảnh hưởng do tăng cân. Tình trạng béo phì khởi phát sớm đã được chứng minh là dẫn đến giảm trực tiếp lực nắm của tay.
Các bệnh lý trên bàn chân
Viêm gân Achilles, viêm cân gan chân và rối loạn chức năng gân chày sau phổ biến ở những người béo phì.
Cách phòng ngừa béo phì và các bệnh lý xương khớp
Giảm cân là biện pháp được khuyến cáo cho hầu hết các bệnh lý xương khớp. Nên duy trì ít nhất 150 phút/tuần cho việc tập thể dục, bao gồm các hoạt động như đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập thể dục dưới nước, yoga, thái cực quyền và Pilates.
Đồng thời, hãy thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách bổ sung rau quả tươi, thay nước ngọt bằng nước lọc, giảm thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo, ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Khi nào cần tìm kiếm sự trợ giúp từ Bác sĩ?
Tham khảo ý kiến Bác sĩ nếu các tập thể dục và dinh dưỡng lành mạnh không mang lại hiệu quả giảm cân. Các chuyên gia có thể xác định nguyên nhân gây khó khăn trong việc giảm cân, như rối loạn nội tiết hoặc yếu tố di truyền và đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp. Bác sĩ thiết kế kế hoạch dinh dưỡng và tập luyện phù hợp với từng cá nhân và có thể sử dụng thêm thuốc hỗ trợ giảm cân trong một số trường hợp. Điều trị béo phì dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế không chỉ giúp quản lý cân nặng hiệu quả mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, bệnh nhân béo phì cần đi thăm khám Bác sĩ nếu gặp các vấn đề ảnh hưởng đến hệ xương khớp:
- Đau khớp kéo dài, đặc biệt là ở các khớp chịu trọng lượng như đầu gối, hông hoặc cột sống.
- Hạn chế trong việc cử động khớp, gây khó khăn trong việc di chuyển hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Khớp bị sưng viêm, có cảm giác đỏ, nóng hoặc đau khi chạm vào.
- Đau lưng mãn tính và không thuyên giảm ngay cả sau khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giảm đau.
- Yếu cơ, đặc biệt là ở chi dưới do có thể ảnh hưởng đến khả năng đi lại.
- Cảm giác cứng khớp kéo dài hơn 30 phút sau khi thức dậy vào buổi sáng.
- Cơ xương khớp bị tổn thương như bong gân, rách gân hoặc gãy xương do trọng lượng cơ thể lớn.
Béo phì không chỉ làm gia tăng áp lực lên khớp, gây ra các bệnh lý cơ xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp và đau lưng mạn tính, mà còn làm suy giảm sức mạnh cơ bắp, hạn chế vận động và tăng nguy cơ chấn thương. Để bảo vệ sức khỏe cơ xương khớp, việc kiểm soát cân nặng và xây dựng chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý là rất quan trọng.
Tại MedFit, bạn sẽ được tư vấn và hỗ trợ từ đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để được xây dựng một kế hoạch giảm cân cá nhân hóa, giúp kiểm soát cân nặng và cải thiện sức khỏe toàn diện. Hãy đến MedFit để bắt đầu hành trình chăm sóc sức khỏe của bạn ngay hôm nay.
Tài liệu tham khảo
- Onyemaechi NO, Anyanwu GE, et al. “Impact of overweight and obesity on the musculoskeletal system using lumbosacral angles“. Patient Prefer Adherence. 2016 Mar 10;10:291-6. doi: 10.2147/PPA.S90967. PMID: 27022251; PMCID: PMC4792212
- Tori Butur. “Obesity and the Musculoskeletal System: Age and Impact“. Patient Care Online
- Crowson CS, Matteson EL, et al. “Contribution of obesity to the rise in incidence of rheumatoid arthritis“. Arthritis Care Res (Hoboken). 2013 Jan;65(1):71-7. doi: 10.1002/acr.21660. PMID: 22514156; PMCID: PMC3707391
- Gkastaris K, Goulis DG, et al. “Obesity, osteoporosis and bone metabolism“. J Musculoskelet Neuronal Interact. 2020 Sep 1;20(3):372-381. PMID: 32877973; PMCID: PMC7493444
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.