Béo phì và tiền đái tháo đường là các rối loạn chuyển hoá ngày càng phổ biến trong dân số. Béo phì xảy ra khi cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ, làm giảm độ nhạy của cơ thể với insulin và gây rối loạn đường huyết. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về mối liên hệ giữa béo phì, tiền đái tháo đường và các phương pháp kiểm soát các tình trạng này.
Béo phì là gì?
Béo phì là một “dịch bệnh” ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cộng đồng và ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong 50 năm qua, là sự tích tụ quá mức hoặc bất thường của chất béo và mô mỡ trong cơ thể làm suy giảm sức khỏe, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tăng mỡ máu và thậm chí là nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Chỉ số BMI thường được sử dụng để chẩn đoán béo phì, được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m²), bảng phân loại BMI dành cho người châu Á được trình bày dưới đây:
Chỉ số BMI | Tình trạng |
< 18,5 | Thiếu cân |
18,5-22,9 | Bình thường |
23-24,9 | Thừa cân |
25-29,9 | Béo phì độ I |
30-34,9 | Béo phì độ II |
≥ 35 | Béo phì độ III |
Béo phì là một căn bệnh phức tạp và có nhiều nguyên nhân, là kết quả của sự mất cân bằng giữa lượng calo được nạp vào và lượng calo bị đốt cháy. Các nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng béo phì có yếu tố di truyền, với nhiều gen đã được xác định là có liên quan đến tăng cân và béo phì. Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây béo phì cũng bao gồm sự giảm hoạt động thể chất, mất ngủ, rối loạn nội tiết, giảm chuyển hóa năng lượng, tiêu thụ nhiều carbohydrate và các loại thực phẩm có lượng đường cao.
Tổng quan về tiền đái tháo đường
Tiền đái tháo đường là gì?
Tiền đái tháo đường là tình trạng nồng độ glucose trong máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa đủ để chẩn đoán là đái tháo đường. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường ở người lớn từ 20 tuổi trở lên là 35,5% trong năm 1999-2010. Ở Anh, tỷ lệ này cũng là 35,5% (theo Mainous AG và cộng sự). Tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường đang gia tăng trên toàn thế giới, các chuyên gia dự đoán rằng hơn 470 triệu người sẽ gặp phải tình trạng này vào năm 2030.
Tiền đái tháo đường liên quan đến sự đề kháng insulin và rối loạn chức năng tế bào β, những bất thường này xuất hiện trước khi phát hiện sự thay đổi glucose. Những người có tiền đái tháo đường sẽ diễn tiến thành đái tháo đường típ 2 với tốc độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào lối sống và/hoặc can thiệp y tế.
Chẩn đoán tiền đái tháo đường khi xuất hiện một trong các rối loạn sau:
- Chỉ số HbA1c từ 5,7-6,4%.
- Rối loạn dung nạp glucose: nồng độ glucose trong máu từ 140-199mg/dL khi thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose đường uống.
- Rối loạn glucose lúc đói (thực hiện xét nghiệm cách bữa ăn cuối ít nhất 8 tiếng): nồng độ glucose trong máu từ 100-125mg/dL.
Các dấu hiệu và triệu chứng của tiền đái tháo đường
Tiền đái tháo đường thường không có triệu chứng. Ở một số người, tiền đái tháo đường thể hiện qua các dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu đề kháng insulin với dấu gai đen xuất hiện ở cổ hoặc nách.
- Tăng cân đột ngột.
- Mệt mỏi và mệt lả, thèm ăn, thèm ngọt và thường xuyên cảm thấy đói, tình trạng này xảy ra do tăng tiết insulin giai đoạn sớm gây hạ đường huyết nhanh sau bữa ăn.
- Thường xuyên đi tiểu, đây có thể là dấu hiệu của đường huyết cao, khiến thận không thể tái hấp thu đủ glucose dẫn đến tình trạng lợi tiểu thẩm thấu.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Mối liên hệ giữa béo phì và tiền đái tháo đường
Mô mỡ, trước đây được xem là kho dự trữ năng lượng cho cơ thể, ngày nay được biết đến như một cơ quan nội tiết quan trọng. Mô mỡ phóng thích ra các cytokine tín hiệu gọi là adipokine, nhiều trong số đó có liên quan đến quá trình viêm và giảm độ nhạy insulin. Ví dụ, TNF-α và IL-6 đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đái tháo đường típ 2 và hội chứng chuyển hóa liên quan đến béo phì.
Béo phì liên quan chặt chẽ đến tiền đái tháo đường và tình trạng kháng insulin. Tỷ lệ phần trăm mỡ và sự phân bố mỡ trong cơ thể có thể dự đoán tình trạng kháng insulin và tiền đái tháo đường (theo Miao Z và cộng sự). Mặc dù bằng chứng trực tiếp cho thấy béo phì là nguyên nhân gây tiền đái tháo đường hoặc kháng insulin ở những người không mắc bệnh đái tháo đường còn thiếu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì là một yếu tố nguy cơ cao hoặc có tác động đến tiền đái tháo đường và đái tháo đường típ 2.
Theo Pories và cộng sự, điều trị kịp thời béo phì ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 hoặc tiền đái tháo đường có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh, có ý nghĩa trong việc kiểm soát đường huyết.
Tóm lại, béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng của tiền đái tháo đường và việc kiểm soát cân nặng ở bệnh nhân béo phì mắc tiền đái tháo đường có thể ngăn chặn sự phát triển thành đái tháo đường típ 2.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Quả lý bệnh nhân béo phì có tiền đái tháo đường
Quản lý bệnh nhân béo phì có tiền đái tháo đường là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự kết hợp của nhiều biện pháp can thiệp y tế và thay đổi lối sống. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), mục tiêu chính trong quản lý tiền đái tháo đường là ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự tiến triển thành đái tháo đường típ 2 thông qua việc giảm cân và cải thiện độ nhạy insulin.
Giảm cân và chế độ ăn uống
Giảm cân khoảng 5-10% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện đáng kể quá trình chuyển hóa glucose và giảm nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường típ 2. ADA đã khuyến nghị chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa và đường. Việc hạn chế lượng calo tiêu thụ và lựa chọn thực phẩm có chỉ số GI thấp cũng rất quan trọng trong kiểm soát mức đường huyết.
Hoạt động thể chất
Tăng cường vận động thể lực là yếu tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường. ADA khuyến nghị nên vận động thể lực tối thiểu 150 phút/tuần với các bài tập thể chất cường độ trung bình như đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đạp xe. Hoạt động thể chất không chỉ giúp giảm cân mà còn cải thiện độ nhạy insulin và sức khỏe tim mạch.
Giám sát và tư vấn y tế
Việc giám sát chỉ số đường huyết thường xuyên và kiểm tra sức khỏe định kỳ là cần thiết để theo dõi tiến trình của bệnh. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của Bác sĩ để được xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân hóa, bao gồm các biện pháp can thiệp dược lý nếu cần thiết.
Theo Viện Y tế Quốc gia về đái tháo đường, tiêu hóa và tiết niệu Hoa Kỳ (NIH), thuốc giảm cân được cân nhắc sử dụng khi chỉ số BMI từ 30 trở lên hoặc từ 27 trở lên kèm theo các vấn đề như cao huyết áp hoặc đái tháo đường típ 2.
Hiện nay, chỉ có một số loại thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ chấp thuận để giảm cân cho bệnh nhân béo phì. Một số thuốc có hiệu quả giảm cân song song với hiệu quả giảm đường huyết. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc với mục đích giảm cân cần được chỉ định và theo dõi của Bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu và hạn chế được các tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là việc duy trì cân nặng đã giảm, hay nói cách khác là không tăng cân trở lại sau khi ngừng thuốc.
Xem thêm bài viết: Các thuốc giảm cân được FDA Hoa Kỳ phê duyệt: an toàn và hiệu quả
Hỗ trợ tâm lý và giáo dục sức khỏe
Hỗ trợ tâm lý và giáo dục sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường. Bệnh nhân cần được khuyến khích và hỗ trợ để duy trì các thay đổi lối sống tích cực và tuân thủ các khuyến nghị y tế. Các chương trình giáo dục sức khỏe có thể giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng của mình và cách quản lý hiệu quả.
Béo phì là một yếu tố chính gây ra các bệnh lý rối loạn chuyển hóa. Do đó, việc giảm cân là rất quan trọng để cải thiện tình trạng đề kháng insulin và rối loạn đường huyết. Thay đổi lối sống và kết hợp các biện pháp giảm cân khoa học là bước quan trọng để ngăn chặn sự tiến triển của tiền đái tháo đường thành đái tháo đường típ 2 đối với người béo phì.
MedFit mang đến lộ trình giảm cân chuyên sâu và toàn diện, được cá nhân hóa để hỗ trợ khách hàng kiểm soát cân nặng hiệu quả và bền vững. Với đội ngũ Bác sĩ đa chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng tận tâm, MedFit luôn đồng hành cùng bạn trong việc cải thiện vóc dáng và nâng cao sức khỏe. Hãy liên hệ ngay với MedFit để khám phá lộ trình giảm cân an toàn, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của bạn!
Tài liệu tham khảo
- Mainous AG 3rd, Tanner RJ, et al. “Prevalence of prediabetes in England from 2003 to 2011: population-based, cross-sectional study“. BMJ Open. 2014 Jun 9;4(6):e005002. doi: 10.1136/bmjopen-2014-005002. PMID: 24913327; PMCID: PMC4054625
- Garber AJ, Abrahamson MJ, et al. “Consensus Statement by the American Association of Clinical Endocrinologists and American College of Endocrinology on the Comprehensive Type 2 Diabetes Management Algorithm – 2018 Executive Summary“. Endocr Pract. 2018 Jan;24(1):91-120. doi: 10.4158/CS-2017-0153. Epub 2018 Jan 17. PMID: 29368965
- Zand A, Ibrahim K, Patham B. “Prediabetes: Why Should We Care?“. Methodist Debakey Cardiovasc J. 2018 Oct-Dec;14(4):289-297. doi: 10.14797/mdcj-14-4-289. PMID: 30788015; PMCID: PMC6369626
- Khaodhiar L, Cummings S, Apovian CM. “Treating diabetes and prediabetes by focusing on obesity management“. Curr Diab Rep. 2009 Oct;9(5):348-54. doi: 10.1007/s11892-009-0055-0. PMID: 19793504; PMCID: PMC2857968
- Miao Z, Alvarez M, et al. “The causal effect of obesity on prediabetes and insulin resistance reveals the important role of adipose tissue in insulin resistance“. PLoS Genet. 2020 Sep 14;16(9):e1009018. doi: 10.1371/journal.pgen.1009018. PMID: 32925908; PMCID: PMC7515203
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.