Hội chứng ngưng thở khi ngủ là rối loạn hô hấp phổ biến nhất liên quan đến giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe của khoảng 21% dân số trên thế giới. Tỷ lệ mắc hội chứng này ngày càng gia tăng, đặc biệt là do mối liên hệ chặt chẽ với tình trạng béo phì, là một yếu tố nguy cơ gây nên hội chứng này. Trong bài viết này, hãy cùng MedFit khám phá các thông tin khoa học về hội chứng ngưng thở khi ngủ, mối liên hệ với béo phì và những biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
Tổng quan về hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn hô hấp đặc trưng bởi sự giảm nhịp thở hoặc ngừng thở hoàn toàn trong thời gian từ vài giây đến vài phút, đủ để gây giảm oxy (O2) và tăng carbon dioxide (CO2) trong máu, có thể xảy ra nhiều lần trong suốt giấc ngủ.
Biểu hiện của hội chứng ngưng thở khi ngủ
Buồn ngủ hay không thể duy trì sự tỉnh táo vào ban ngày: triệu chứng này thường khó nhận ra do khởi đầu âm thầm và diễn tiến mãn tính. Người bệnh thường không cảm thấy sảng khoái khi thức dậy, cảm thấy uể oải, thiếu năng lượng, khó tập trung hay buồn ngủ khi đang đọc sách, xem tivi và thậm chí là lúc đang làm việc.
Ngủ ngáy: thường gặp trong ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và thường được phát hiện bởi người sống chung. Ngạt thở, thở hổn hển hay thức giấc kèm khô miệng thường xuất hiện cùng với ngủ ngáy.
Đau đầu sau khi thức dậy: gặp ở 10-30% trường hợp ngưng thở do tắc nghẽn, thường là đau hai bên đầu và không kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng và sợ âm thanh. Cơn đau có thể kéo dài vài tiếng và diễn ra mỗi ngày.
Ngoài ra còn có các biểu hiện ít gặp khác như mất ngủ, tiểu đêm và triệu chứng của các biến chứng hoặc bệnh lý đi kèm.
Ảnh hưởng của hội chứng ngưng thở khi ngủ đến sức khỏe
Ngưng thở khi ngủ thường diễn ra thầm lặng và gây ra những tác động tiêu cực một cách từ từ đến nhiều mặt của sức khỏe.
Rối loạn giấc ngủ: một giấc ngủ đủ thời lượng và chất lượng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, giấc ngủ ở bệnh nhân ngưng thở khi ngủ bị gián đoạn do sự giảm oxy trong máu lúc bị ngưng thở, khiến não phải kích thích bệnh nhân thức dậy để thở trở lại. Do đó, thời gian và chất lượng giấc ngủ giảm sút kết hợp với tình trạng thiếu oxy dẫn đến cảm giác buồn ngủ và thiếu năng lượng vào buổi sáng. Thiếu ngủ còn khiến các cơ quan trong cơ thể không có đủ thời gian sửa chữa và phục hồi, dẫn tới các bệnh lý mãn tính từ các tổn thương bị tích lũy lâu ngày.
Bệnh lý tim mạch: các cơn ngưng thở khi ngủ xảy ra thường xuyên và kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng tim mạch. Thay đổi áp lực trong lồng ngực làm huyết áp thay đổi liên tục. Mạch máu giãn ra để đáp ứng với tình trạng giảm O2 và tăng CO2 trong máu, mạch máu dần mất đi khả năng co giãn khi tình trạng này xảy ra thường xuyên. Do đó, hội chứng ngưng thở dẫn đến các vấn đề tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, rối loạn nhịp tim và tăng áp động mạch phổi. Ngoài ra, lưu lượng máu đến các cơ quan khác như não và phổi cũng bị biến đổi liên tục tạo nên vòng xoắn bệnh lý.
Đái tháo đường típ 2: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 cao hơn đáng kể. Thời gian ngủ ban đêm bị rút ngắn, việc thức giấc nhiều lần trong đêm và giảm oxy máu do các cơn ngưng thở làm giảm độ nhạy của cơ thể với insulin, gây tăng đường huyết và có thể kèm theo tăng mỡ máu.
Tổn thương não: hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não của người bị ngưng thở khi ngủ ghi nhận giảm chất xám ở vùng hồi hải mã và thể chai, nguyên nhân được cho là do những tổn thương mạch máu não và rối loạn lưu lượng máu lên não mà cơn ngưng thở gây ra. Các tổn thương não này có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ, khả năng thu nhận thông tin từ các giác quan và chỉ số IQ.
Những đối tượng dễ mắc chứng ngưng thở khi ngủ
Trong khi ngủ, hoạt động hít thở được điều khiển bởi tín hiệu từ não bộ truyền đến hệ hô hấp, bao gồm phổi và các cơ hô hấp, để duy trì nhịp thở tự nhiên. Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra do hai nguyên nhân chính là bất thường ở hệ thần kinh trung ương, dẫn đến ngưng thở do trung ương, hoặc bất thường ở đường thở, gây ra ngưng thở do tắc nghẽn.
Ngưng thở do trung ương thường gặp ở một vài đối tượng đặc biệt như:
- Bệnh lý thần kinh cơ: bệnh xơ cứng teo cơ một bên, loạn dưỡng cơ Duchenne, bệnh đa xơ cứng tiến triển… gây suy giảm khả năng hoạt động hiệu quả các cơ hô hấp.
- Bệnh lý nền: suy tim, rung nhĩ, có tiền sử đột quỵ, suy thận, suy giáp… gây rối loạn quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng đến chức năng điều hòa giấc ngủ.
- Sử dụng thuốc hướng thần: thuốc chống trầm cảm, gabapentin và thuốc giảm đau opioid khiến bệnh nhân thay đổi trạng thái tinh thần và ức chế tín hiệu kích thích hô hấp từ hệ thần kinh.
Ngưng thở do tắc nghẽn thường gặp ở những đối tượng sau:
- Bất thường vùng hàm mặt: thiểu sản xương hàm, cằm tụt sau, cằm nhỏ… khiến các mô mềm chen chúc trong không gian giới hạn và chèn vào đường thở.
- Béo phì: sự tích tụ mỡ thừa dưới niêm mạc ở vùng cổ, lưỡi và hầu họng tăng áp lực lên đường thở, giảm thể tích thông khí do mỡ thừa ở bụng và ngực đè lên không gian của phổi.
- Bất thường trên đường dẫn khí: lưỡi to, phì đại amidan, polyp mũi… giảm diện tích đường thở.
Bên cạnh các nguyên nhân chính, một số yếu tố nguy cơ phổ biến có thể làm tăng khả năng mắc bệnh cho cả hai nhóm bao gồm nam giới, người cao tuổi, người hút thuốc lá và những người có tiền sử gia đình mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Tổng quan về béo phì và mối liên quan với hội chứng ngưng thở khi ngủ
Cách xác định tình trạng béo phì
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân.
Béo phì được xác định thông qua chỉ số BMI, được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m²). Theo phân loại BMI dành cho người châu Á của IDI & WPRO, người thừa cân khi có BMI là 23-24,9 và được xem là béo phì khi BMI từ 25 trở lên. Đây là một bệnh lý mãn tính, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và mang lại nhiều hậu quả tiêu cực đến sức khỏe. Bảng phân loại BMI dành cho người châu Á được trình bày theo bảng dưới đây:
Chỉ số BMI | Tình trạng |
< 18,5 | Thiếu cân |
18,5-22,9 | Bình thường |
23-24,9 | Thừa cân |
25-29,9 | Béo phì độ I |
30-34,9 | Béo phì độ II |
≥ 35 | Béo phì độ III |
Béo phì, đặc biệt là béo phì trung tâm (mỡ thừa tích tụ ở vùng bụng và thân mình), được xem là một trong những yếu tố nguy cơ chính của chứng ngưng thở khi ngủ, đặc biệt là ngưng thở do tắc nghẽn.
Mối liên quan giữa béo phì và ngưng thở khi ngủ
Việc tích tụ mỡ thừa quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở bệnh nhân béo phì thông qua các cơ chế sau:
- Chèn ép đường thở: mỡ thừa tích tụ quanh cổ, cơ hàm dưới, lưỡi và lưỡi gà có thể làm thu hẹp đường thở. Trong khi ngủ, các mô mềm này dễ bị sập vào nhau, làm cản trở dòng khí vào phổi.
- Giảm thể tích phổi: mỡ ở vùng bụng và ngực gây áp lực lên phổi, làm giảm dung tích phổi và khả năng trao đổi khí.
- Đề kháng leptin: leptin là hormone điều hòa cảm giác no và quá trình hô hấp. Ở người béo phì, cơ thể kháng leptin khiến não không nhận được tín hiệu no và tiếp tục tích trữ mỡ. Đồng thời, sự kháng leptin cũng làm giảm khả năng điều hòa hô hấp.
Chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng béo phì qua những cơ chế sau:
- Cơ thể phản ứng với bệnh lý: khi thiếu oxy do ngưng thở và rối loạn giấc ngủ, cơ thể tăng cường sản xuất hormone cortisol. Điều này làm tăng cảm giác thèm ăn và thúc đẩy tích trữ mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng.
- Viêm mạn tính: thiếu oxy kéo dài tạo ra nhiều gốc oxy tự do, gây viêm mạn tính và làm gia tăng nguy cơ béo phì.
Sự kết hợp của béo phì và chứng ngưng thở khi ngủ còn làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa sau:
- Đề kháng insulin: cả béo phì và hội chứng ngưng thở khi ngủ đều làm giảm sự nhạy cảm của cơ thể với hormone insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao và nguy cơ mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường típ 2.
- Rối loạn mỡ máu: béo phì và hội chứng ngưng thở khi ngủ làm tăng mức triglyceride và cholesterol xấu trong máu, đồng thời giảm cholesterol tốt, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.
- Tăng huyết áp: thiếu oxy kéo dài và viêm mạn tính làm giảm tính đàn hồi của mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Cách phòng ngừa hội chứng ngưng thở khi ngủ
Các biện pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bao gồm:
- Thở máy áp lực dương không xâm lấn: đây là phương pháp chính để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, giúp duy trì đường thở thông thoáng trong khi ngủ bằng cách cung cấp áp lực không khí liên tục. Hiệu quả của phương pháp này bao gồm giảm cơn ngưng thở, giảm buồn ngủ ban ngày, cải thiện huyết áp và chất lượng sống. Có ba loại máy là CPAP – cung cấp áp lực không khí liên tục, BiPAP – cung cấp hai mức áp lực khác nhau, một cho hít vào và một cho thở ra, APAP – tự động điều chỉnh áp lực dựa trên nhu cầu hô hấp.
- Dụng cụ răng miệng: phù hợp cho hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn từ nhẹ đến trung bình, dụng cụ này giữ lưỡi không tụt ra sau và lấp vào đường thở. Mặc dù hiệu quả, dụng cụ răng miệng có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau răng, tổn thương khớp cắn, khô miệng và kích ứng nướu.
- Phẫu thuật hàm mặt: được xem xét khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Phẫu thuật cần được thực hiện sau khi đánh giá kĩ lưỡng vị trí và cấu trúc của tắc nghẽn để hạn chế tổn thương các vùng xung quanh.
- Kích thích thần kinh hạ thiệt (thần kinh XII): đây là một phương pháp điều trị mới, trong đó một thiết bị cảm nhận hô hấp được cấy vào cơ thể để kích thích dây thần kinh chi phối cơ hàm dưới và lưỡi, giữ lưỡi không tụt ra phía sau và che lấp đường thở.
Đối với chứng ngưng thở khi ngủ trung ương, các biện pháp hỗ trợ bao gồm:
- Thở máy áp lực dương không xâm lấn: có hiệu quả tương tự như trong điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
- Thở oxy khi ngủ: giúp giảm tần suất cơn ngưng thở, đặc biệt có lợi cho những bệnh nhân có suy tim kèm theo.
- Kích thích cơ hoành: thiết bị cấy vào cơ thể để kích thích cơ hoành và tạo nhịp thở. Phương pháp này áp dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương không đáp ứng với thở máy áp lực dương không xâm lấn.
- Thuốc kích thích hô hấp: mặc dù ít có bằng chứng về hiệu quả của acetazolamide và một số thuốc khác, Bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng nếu bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Tuy nhiên, vì chứng ngưng thở khi ngủ là một bệnh lý phức tạp thường xảy ra ở người béo phì, điều trị không thể chỉ tập trung vào triệu chứng đơn lẻ. Các biện pháp điều trị nền tảng bao gồm:
- Điều trị béo phì: giảm cân có thể cải thiện triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và có lợi cho các rối loạn chuyển hóa cũng như bệnh lý tim mạch. Béo phì có thể làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị như thở máy áp lực dương không xâm lấn và dụng cụ miệng, có thể làm phức tạp quá trình phẫu thuật. Các biện pháp giảm cân bao gồm tăng cường vận động, hạn chế thức ăn nhanh, sử dụng thuốc giảm cân hoặc phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Người bệnh nên thảo luận với Bác sĩ để xây dựng kế hoạch giảm cân phù hợp.
- Kiểm soát bệnh lý nền: kiểm soát tốt các bệnh lý nền giúp làm chậm sự suy yếu của các cơ quan và giảm tác động tiêu cực đến quá trình chuyển hóa, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và giấc ngủ. Bệnh nhân nên thảo luận với Bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ: cải thiện thói quen ngủ như đi ngủ đúng giờ, nằm nghiêng bên, tránh chất kích thích và tập thể dục trước khi ngủ. Cần tránh sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ và thuốc chống động kinh vào ban đêm.
Dấu hiệu ngưng thở khi ngủ ở người béo phì là một vấn đề sức khỏe cần được lưu ý vì không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn tác động nghiêm trọng đến các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường và nhiều rối loạn chuyển hóa khác. Việc giảm cân, duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát bệnh nền là những bước quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa ngưng thở khi ngủ.
Hãy đến với MedFit để được thăm khám và nhận được giải pháp chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa, giúp bạn kiểm soát cân nặng, cải thiện giấc ngủ và tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh mỗi ngày.
Tài liệu tham khảo
- Panuganti KK, Nguyen M, Kshirsagar RK. “Obesity“. [Updated 2023 Aug 8]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-
- Cumpston E, Chen P. “Sleep Apnea Syndrome“. [Updated 2023 Sep 4]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-
- Dempsey JA, Veasey SC, et al. “Pathophysiology of sleep apnea“. Physiol Rev. 2010 Jan;90(1):47-112. doi: 10.1152/physrev.00043.2008. Erratum in: Physiol Rev.2010 Apr;90(2):797-8. PMID: 20086074; PMCID: PMC3970937
- Andrisani G, Andrisani G. “Sleep apnea pathophysiology“. Sleep Breath. 2023 Dec;27(6):2111-2122. doi: 10.1007/s11325-023-02783-7. Epub 2023 Mar 28. PMID: 36976413; PMCID: PMC10656321
- Rana AM, Sankari A. “Central Sleep Apnea“. [Updated 2023 Jun 11]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-
- Regn DD, Davis AH, et al. “Central Sleep Apnea in Adults: Diagnosis and Treatment“. Fed Pract. 2023 Mar;40(3):78-86. doi: 10.12788/fp.0367. Epub 2023 Mar 9. PMID: 37228430; PMCID: PMC10204934
- Kline LR, Collop N, Finlay G. “Clinical presentation and diagnosis of obstructive sleep apnea in adults“. Uptodate. com [Internet]. 2017
- Kuvat N, Tanriverdi H, Armutcu F. “The relationship between obstructive sleep apnea syndrome and obesity: A new perspective on the pathogenesis in terms of organ crosstalk“. Clin Respir J. 2020;14(7):595-604. doi:10.1111/crj.13175
- Tai JE, Phillips CL, Yee BJ, Grunstein RR. “Obstructive sleep apnoea in obesity: A review“. Clin Obes. 2024;14(3):e12651. doi:10.1111/cob.12651
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.