Tăng cân là một trong những tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc chống trầm cảm. Tăng cân không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và đái tháo đường mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý của người bệnh, khiến bệnh nhân ngần ngại trong việc duy trì điều trị. Bài dưới đây giúp người đọc hiểu rõ hơn về các loại thuốc chống trầm cảm, nguyên nhân gây tăng cân khi sử dụng và cách quản lý hiệu quả vấn đề này.
Thuốc chống trầm cảm là thuốc gì?
Thuốc chống trầm cảm là các loại thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm là chủ yếu và một số rối loạn tâm thần khác. Các thuốc này hoạt động bằng cách điều chỉnh các chất dẫn truyền thần kinh trong não như serotonin, norepinephrine và dopamine, giúp cải thiện tâm trạng, giảm cảm giác buồn bã và tăng cảm giác hứng thú trong cuộc sống hàng ngày. Mặc dù được chỉ định để điều trị, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, trong đó tăng cân là một vấn đề được nhiều người quan tâm.
Mức độ phổ biến của việc tăng cân liên quan đến thuốc chống trầm cảm khác nhau tùy theo loại thuốc và từng cá nhân. Nghiên cứu của đại học King’s College London chỉ ra những bệnh nhân được kê thuốc chống trầm cảm có nguy cơ bị tăng cân cao hơn 21% so với những bệnh nhân không dùng thuốc. Nguy cơ tăng cân đạt mức cao nhất sau 2-3 năm sử dụng thuốc liên tục. Đối với những bệnh nhân có cân nặng bình thường ban đầu, nguy cơ thừa cân hay béo phì tăng tới 29% so với những người không dùng thuốc.
Tại Việt Nam, nghiên cứu trên 65 bệnh nhân điều trị bằng thuốc chống trầm cảm tại bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 18,5% trường hợp xuất hiện thừa cân trong quá trình điều trị.
Các loại thuốc chống trầm cảm có thể ảnh hưởng cân nặng như thế nào?
Thuốc chống trầm cảm được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có cơ chế hoạt động và tác dụng phụ khác nhau. Hầu hết thuốc chống trầm cảm có thể gây tăng cân, một số ít thì ngược lại. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức độ thay đổi cân nặng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài loại thuốc đang sử dụng như liều đang dùng, thời gian sử dụng, mức độ tuân thủ điều trị, cơ địa của bệnh nhân và sự tương tác với các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng. Các thuốc chống trầm cảm bao gồm:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): đây là nhóm thuốc được kê đơn phổ biến nhất hiện nay, hoạt động bằng cách ngăn chặn tái hấp thu serotonin, qua đó làm tăng mức serotonin trong não. Paroxetin (Paxil), citalopram (Celexa) và escitalopram (Lexapro) có xu hướng gây tăng cân nhiều hơn so với sertraline (Zoloft) và fluoxetine (Prozac). Nghiên cứu của Fava và cộng sự đã chỉ ra rằng 25,5% bệnh nhân điều trị với paroxetine trong 6 tháng sẽ tăng ít nhất 7% trọng lượng cơ thể, trong khi đó con số này chỉ là 4,2% với sertraline và 6,8% với fluoxetine. Nghiên cứu khác trên 541 bệnh nhân điều trị bằng citalopram trong 12 tháng ghi nhận 4,7% bệnh nhân tăng trên 5kg cân nặng.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI): tương tự như SSRI, nhưng SNRI ngăn chặn tái hấp thu cả serotonin và norepinephrine. Venlafaxine (Effexor) và duloxetine (Cymbalta) thường ít gây tăng cân hơn so với TCA và một số SSRI như paroxetine. Một số nghiên cứu cho thấy venlafaxine hầu như không ảnh hưởng đáng kể đến cân nặng nếu sử dụng trong thời gian ngắn (< 3 tháng). Tuy nhiên, khi sử dụng lâu dài, vẫn chưa có sự thống nhất giữa các kết quả nghiên cứu.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA): được sử dụng từ lâu trong điều trị trầm cảm, giống như SNRI, TCA giúp giữ lại serotonin và norepinephrine trong não. Tuy nhiên, do nhiều tác dụng phụ nên TCA chỉ được chỉ định khi không đáp ứng với SSRI và SNRI. Tăng cân là tác dụng phụ rất thường gặp của TCA vì tăng cảm giác thèm ăn. Trong nhóm này, amitriptyline (Elavil) được coi là một trong những thuốc gây tăng cân nhiều nhất, với mức tăng có thể lên đến 7,26kg trong vòng 6 tháng sử dụng.
- Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI): monoamine oxidase là một enzyme có tác dụng phá hủy serotonin, epinephrine và dopamine. MAOI ngăn chặn tác dụng của enzyme này, làm tăng số lượng các chất dẫn truyền thần kinh. Đây cũng là một nhóm thuốc cũ, ít được sử dụng do nguy cơ tương tác thuốc và có nguy cơ tích tụ serotonin quá mức, được gọi là hội chứng serotonin, có thể đe dọa đến tính mạng. Trong nhóm thuốc này, phenelzine (Nardil) có xu hướng tăng cân nhiều hơn so với isocarboxazid (Marplan) và tranylcypromine (Parnate), trung bình tăng khoảng 1-5kg/năm.
- Thuốc chống trầm cảm bốn vòng (TeCA): có tác dụng ức chế tái hấp thu norepinephrine và serotonin, tăng nồng độ các chất này trong não để cải thiện triệu chứng trầm cảm. TeCA cũng đối kháng các thụ thể adrenergic, histaminergic và serotoninergic, giúp giảm lo âu, mất ngủ và hạn chế tác dụng phụ. Mirtazapine (Remeron) thường được biết đến với tác dụng phụ gây tăng cân. Bệnh nhân có thể nhận thấy cân nặng gia tăng trong vòng 4 tuần đầu tiên sử dụng, tuy nhiên mức độ tăng cân ít hơn một số thuốc TCA như amitriptyline.
- Bupropion (Wellbutrin): thuộc nhóm aminoketone, có tác dụng ức chế tái hấp thu norepinephrine và dopamine. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy thuốc này ít gây tăng cân, thậm chí còn giúp giảm cân. Do đó, đây được xem là một lựa chọn tốt cho những người lo ngại về cân nặng. Nghiên cứu của Weihs cho thấy mức giảm cân trung bình sau 52 tuần điều trị bằng bupropion là 1,2kg.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Dữ liệu thực tế (real-world data) nói gì về tình trạng sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể ảnh hưởng đến cân nặng?
Nghiên cứu của National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases đã thu thập bệnh án điện tử của 183.118 người lớn trong 20-80 tuổi tại 8 trung tâm chăm sóc sức khoẻ trên khắp Hoa Kỳ từ 2010-2019, được kê một trong tám loại thuốc chống trầm cảm phổ biến nhất. Kết quả nghiên cứu này cũng tương đồng với một số nghiên cứu khác, đưa đến kết luận rằng trong số các thuốc SSRI, escitalopram và paroxetine liên quan đến mức tăng cân nhiều nhất trong 6 tháng, trong khi đó bupropion lại ít gây tăng cân nhất trong tất cả các phân tích.
Khi so sánh với sertraline, sau 6 tháng, bệnh nhân dùng thuốc có chỉ số cân nặng thấp hơn ở nhóm dùng bupropion (thấp hơn sertraline 0,22kg) và cao hơn đối với escitalopram (cao hơn sertraline 0,41kg), duloxetine (cao hơn sertraline 0,34kg), paroxetine (cao hơn sertraline 0,37kg) và venlafaxine (cao hơn sertraline 0,17kg). Ngoài ra, người dùng escitalopram, paroxetine và duloxetine có khả năng tăng ít nhất 5% trọng lượng cơ thể cao hơn 10-15% so với người dùng sertraline.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận về mức độ tuân thủ giữa các loại thuốc trong nghiên cứu tại thời điểm 6 tháng, bệnh nhân dùng bupropion có mức độ tuân thủ cao hơn (41%) những người dùng thuốc chống trầm cảm khác (28-36%).
Tại sao thuốc chống trầm cảm lại gây tăng cân?
Thuốc chống trầm cảm có thể dẫn đến tăng cân qua nhiều cơ chế khác nhau:
- Tăng cảm giác thèm ăn: một số bệnh nhân trầm cảm có thể mất cảm giác thèm ăn, dẫn đến giảm lượng thức ăn được tiêu thụ. Khi đáp ứng với điều trị bằng thuốc, tâm trạng bệnh nhân cải thiện, cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn nên ăn uống ngon miệng và nạp vào cơ thể nhiều thực phẩm hơn.
- Giảm tiêu hao năng lượng: một số tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm như mệt mỏi, buồn ngủ và giảm động lực có thể làm giảm khả năng hoạt động thể chất của bệnh nhân. Khi bệnh nhân ít vận động, lượng calo tiêu thụ giảm, dẫn đến việc tích tụ năng lượng dư thừa và tăng cân.
- Ảnh hưởng đến giấc ngủ: một số loại thuốc chống trầm cảm gây buồn ngủ quá mức nhưng một số có thể làm gián đoạn giấc ngủ như là fluoxetine hay citalopram. Thiếu ngủ có thể dẫn đến tiết quá mức hormone ghrelin – một loại hormone kiểm soát sự thèm ăn, ngược lại, hormone tạo cảm giác no là leptin lại tiết ít hơn, khiến bệnh nhân ăn uống quá mức và cuối cùng là tăng cân.
- Giữ nước trong cơ thể: cần lưu ý một số loại thuốc chống trầm cảm như trazodone, mirtazapine và escitalopram có thể gây tăng trọng lượng cơ thể do tích tụ nước, gây phù tay và phù chân. Khi gặp tác dụng phụ này, bệnh nhân nên trao đổi với Bác sĩ để tìm kiếm giải pháp phù hợp, bao gồm điều chỉnh liều lượng dùng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc khác.
Tăng cân khi dùng thuốc chống trầm cảm ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào?
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: trọng lượng cơ thể tăng lên làm tăng tình trạng đề kháng insulin, dẫn đến tăng nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2. Sự tích tụ lượng mỡ dư thừa có thể làm tăng triglyceride máu, tăng cholesterol xấu (LDL) và giảm cholesterol tốt (HDL), góp phần hình thành các mảng bám trong lòng mạch, dẫn đến lòng mạch bị tắc nghẽn, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, cơn đau thắt ngực và thậm chí là nhồi máu cơ tim.
- Ảnh hưởng đến tinh thần: tăng cân không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn có thể tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của người bệnh. Thay đổi về ngoại hình và cân nặng có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy tự ti, mặc cảm và mất tự tin vào cơ thể. Người bệnh sẽ cảm thấy buồn phiền, lo lắng, căng thẳng quá mức vì hình thể không như mong đợi, làm cho tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát hơn và kéo dài thời gian phục hồi.
- Gây khó khăn trong duy trì điều trị: tăng cân cũng làm cho việc duy trì điều trị trở nên phức tạp hơn. Một số bệnh nhân có thể chọn ngừng sử dụng thuốc chống trầm cảm vì lo ngại về cân nặng. Tuy nhiên, ngừng thuốc đột ngột có thể làm cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí dẫn đến sa sút tinh thần và tái phát bệnh.
- Gây khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp điều trị: nếu kiểm soát cân nặng là cần thiết, Bác sĩ Tâm thần cần tìm kiếm các giải pháp điều trị khác hoặc kết hợp nhiều phương pháp để kiểm soát đồng thời cả cân nặng và triệu chứng trầm cảm. Điều này có thể làm kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí điều trị và nguy cơ gặp tác dụng phụ của nhiều loại thuốc khác nhau.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Cách ngăn ngừa tăng cân khi sử dụng thuốc chống trầm cảm
- Duy trì lối sống tích cực: tránh xa rượu bia và thuốc lá. Thay vào đó, các hoạt động như thiền, yoga, tham gia các hoạt động xã hội hoặc dành thời gian ở bên gia đình và bạn bè là một phương pháp hữu ích để cải thiện tâm trạng và tăng cường sức khỏe tinh thần. Giảm những suy nghĩ tiêu cực có thể giúp bệnh nhân giảm liều lượng thuốc chống trầm cảm cần dùng, từ đó giảm thiểu các tác dụng phụ như tăng cân.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: là một bước quan trọng để kiểm soát tăng cân khi sử dụng thuốc chống trầm cảm. Hạn chế calo từ thực phẩm nhiều đường và chất béo bão hòa, đồng thời ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ và protein như rau xanh, trái cây và các loại hạt. Tăng cường uống nước và chọn những bữa ăn nhẹ lành mạnh sẽ giúp duy trì cân nặng ổn định và hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn.
- Tăng cường vận động: vận động mang lại nhiều lợi ích cho cả sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Tập luyện kích thích quá trình trao đổi chất trong cơ thể và đốt cháy lượng mỡ thừa, từ đó giúp cơ thể săn chắc và hỗ trợ giảm cân. Ngoài ra, luyện tập còn giúp tăng cường sản xuất các hormone “hạnh phúc” như endorphine, góp phần cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng hiệu quả. Người bệnh có thể lựa chọn một số môn thể thao như đi bộ, đạp xe, bơi lội hoặc tham gia các lớp thể dục để đốt cháy calo và giảm stress.
- Tham vấn ý kiến chuyên gia dinh dưỡng: nếu gặp khó khăn trong việc xây dựng một chế độ ăn khoa học, hãy tìm kiếm trợ giúp từ Bác sĩ Dinh dưỡng để thiết lập một kế hoạch ăn uống cá nhân hóa dựa trên nhu cầu dinh dưỡng và mục tiêu sức khỏe cụ thể, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và giảm thiểu tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng thuốc chống trầm cảm.
- Thảo luận với Bác sĩ Tâm thần: trong trường hợp phải điều trị kéo dài với thuốc chống trầm cảm nhưng người bệnh vẫn tiếp tục lo ngại về cân nặng, nên mạnh dạn thảo luận với Bác sĩ Tâm thần về mối lo ngại của bản thân. Bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc khác ít gây tăng cân hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc để giảm tác dụng phụ.
Tăng cân là một tác dụng phụ khó tránh khỏi khi sử dụng thuốc chống trầm cảm nhưng có thể được kiểm soát thông qua chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Điều quan trọng cần lưu ý là người bệnh không nên ngừng thuốc mà không có sự tư vấn của Bác sĩ, vì việc gián đoạn điều trị và điều trị lại tiêu tốn thời gian và tài chính hơn rất nhiều. Thay vào đó, nên trao đổi với Bác sĩ về các lo ngại của bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Chăm sóc sức khỏe toàn diện là điều cần thiết để cải thiện cả sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp người bệnh ứng phó tốt hơn với trầm cảm và các tác dụng phụ của thuốc.
MedFit là Phòng khám tiên phong áp dụng mô hình giảm cân đa mô thức, kết hợp quản lý cân nặng và chăm sóc sức khỏe toàn diện, với đội ngũ Bác sĩ đa chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong hành trình kiểm soát cân nặng và cải thiện sức khỏe. Hãy đến MedFit để được tư vấn và xây dựng lộ trình giảm cân phù hợp, an toàn và hiệu quả nhất cho bạn!
Tài liệu tham khảo
- Gafoor R, Booth HP, Gulliford MC. “Antidepressant utilisation and incidence of weight gain during 10 years’ follow-up: population based cohort study“. BMJ. 2018;361:k1951. Published 2018 May 23. doi:10.1136/bmj.k1951
- Wharton S, Raiber L, et al. “Medications that cause weight gain and alternatives in Canada: a narrative review“. Diabetes Metab Syndr Obes. 2018;11:427-438. Published 2018 Aug 21. doi:10.2147/DMSO.S171365
- Serretti A, Mandelli L. “Antidepressants and body weight: a comprehensive review and meta-analysis“. J Clin Psychiatry. 2010;71(10):1259-1272. doi:10.4088/JCP.09r05346blu
- Gill H, Gill B, et al. “Antidepressant Medications and Weight Change: A Narrative Review“. Obesity (Silver Spring). 2020;28(11):2064-2072. doi:10.1002/oby.22969
- Petimar J, Young JG, et al. “Medication-Induced Weight Change Across Common Antidepressant Treatments: A Target Trial Emulation Study“. Ann Intern Med. 2024;177(8):993-1003. doi:10.7326/M23-2742
- Deshmukh R, Franco K. “Managing weight gain as a side effect of antidepressant therapy“. Cleve Clin J Med. 2003;70(7):. doi:10.3949/ccjm.70.7.614
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.