Mất cơ theo thời gian là gì và biện pháp phòng ngừa

Mất cơ theo thời gian (sarcopenia) là một quá trình suy giảm khối lượng cơ và sức mạnh theo tuổi tác. Quá trình này bắt đầu từ trung niên và tăng nhanh khi con người già đi, thường thấy rõ nhất ở những người trên 60 tuổi. Bên cạnh việc gây khó khăn trong vận động, mất cơ còn liên quan chặt chẽ đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Bài viết này sẽ phân tích chi tiết các nguyên nhân dẫn đến mất cơ, đồng thời đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, giúp duy trì khối lượng cơ bắp và nâng cao chất lượng cuộc sống.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Nguyên nhân gây nên tình trạng mất cơ

    so sánh cơ đùi ở người bình thường khỏe mạnh và người mất cơ
    Hình ảnh so sánh cơ đùi ở người bình thường khỏe mạnh và cơ đùi ở người mất cơ

    Mất cơ là một quá trình phức tạp và không thể tránh khỏi khi con người già đi. Tuy nhiên, tuổi tác không phải là yếu tố duy nhất gây ra mất cơ mà còn nhiều yếu tố khác liên quan đến lối sống, chế độ dinh dưỡng và các bệnh lý kèm theo. Hiểu rõ những nguyên nhân này giúp tìm ra các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Dưới đây là các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cơ:

    Lão hóa tự nhiên

    Quá trình lão hóa dẫn đến sự suy giảm các hormone quan trọng như testosterone, hormone tăng trưởng (GH) và estrogen, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng, sức mạnh cơ bắp và làm tăng nguy cơ chấn thương, té ngã ở người lớn tuổi.

    Testosterone có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển cơ nhờ vào khả năng kích thích tổng hợp protein, hỗ trợ sửa chữa mô cơ và ức chế phân hủy protein. Testosterone cũng giúp thúc đẩy quá trình phát triển của các tế bào vệ tinh trong cơ bắp, hỗ trợ phục hồi và tăng cường khối cơ. Ngoài ra, hormone này gián tiếp tăng cường sản xuất IGF-1 trong mô cơ, nhất là khi kết hợp với các bài tập có sức kháng.

    Tuy nhiên, IGF-1 không chỉ được testosterone điều hòa mà còn phụ thuộc vào tác động của GH. GH đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển cơ bắp thông qua việc kích thích sản xuất IGF-1. GH được sản sinh nhiều nhất trong giấc ngủ sâu, là thời điểm quan trọng giúp cơ phục hồi và phát triển. Khi lão hóa, giấc ngủ bị ảnh hưởng khiến sản xuất GH và IGF-1 giảm sút, làm suy yếu khả năng duy trì cơ bắp.

    Còn khi estrogen giảm, đặc biệt trong giai đoạn mãn kinh, sẽ làm giảm khả năng bảo vệ và phục hồi cơ, giảm lưu thông máu đến cơ, khiến cơ dễ tổn thương.

    Ít vận động

    Khi cơ thể ít vận động, các cơ bắp không được kích thích đủ, dẫn đến việc giảm tín hiệu để duy trì khối lượng cơ. Cơ thể phản ứng với việc không sử dụng cơ bắp bằng cách giảm quá trình tổng hợp protein mới (cần thiết để duy trì và phát triển cơ), đồng thời các enzyme phân hủy protein trở nên hoạt động mạnh hơn. Kết quả là sự cân bằng giữa tổng hợp và phân hủy protein bị lệch về phía phân hủy, dẫn đến giảm khối lượng cơ.

    Ngoài ra, việc không vận động còn ảnh hưởng đến lưu thông máu và cung cấp dinh dưỡng cho cơ bắp. Khi ít vận động, lưu lượng máu đến các cơ giảm làm giảm khả năng cung cấp oxy và dinh dưỡng cho các sợi cơ, khiến quá trình phục hồi và tái tạo cơ bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến sự suy giảm khối lượng cơ nhanh hơn, đặc biệt ở người cao tuổi.

    lối sống ngồi nhiều, ít vận động
    Lối sống ít vận động dẫn đến sự suy giảm khối lượng cơ nhanh hơn, đặc biệt ở người cao tuổi

    Dinh dưỡng kém

    Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì khối lượng cơ. Khi cơ thể không được cung cấp đủ dinh dưỡng, đặc biệt là protein và các vi chất cần thiết, quá trình tổng hợp protein cơ bắp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số yếu tố dinh dưỡng góp phần gây mất cơ bao gồm:

    • Thiếu hụt protein: protein là thành phần chính của cơ bắp và cần thiết cho quá trình tái tạo và duy trì cơ bắp. Thiếu hụt protein trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến suy giảm khối lượng cơ. Nghiên cứu của Cruz-Jentoft và cộng sư (2010) đã chỉ ra rằng lượng protein không đủ là nguyên nhân phổ biến gây nên mất cơ ở người cao tuổi. Nghiên cứu khuyến cáo người cao tuổi cần tiêu thụ ít nhất 1-1,5g protein trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày tùy tình trạng sức khỏe để duy trì sức khỏe cơ bắp.
    • Thiếu vitamin D và canxi: vitamin D không chỉ quan trọng đối với xương mà còn cần thiết để duy trì sức khỏe cơ bắp. Thiếu hụt vitamin D có thể làm suy giảm chức năng cơ bắp, gây ra mất cơ và tăng nguy cơ té ngã. Canxi cũng có vai trò quan trọng trong sự co bóp và chức năng của cơ bắp.
    hình minh họa mất cơ ở bắp tay
    Chế độ ăn uống thiếu protein, vitamin D và canxi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ bắp

    Sự suy giảm hệ thần kinh và tuần hoàn

    Sự suy giảm của hệ thần kinh và tuần hoàn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc duy trì cơ bắp theo tuổi tác. Hệ thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt cơ bắp và điều khiển các cơ hoạt động.

    • Sự suy giảm các tín hiệu từ hệ thần kinh: khi tuổi tác tăng lên, hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên suy giảm chức năng, ảnh hưởng đến việc điều khiển và kích hoạt cơ bắp. Điều này làm giảm khả năng phản ứng của cơ, dẫn đến giảm khối lượng và sức mạnh cơ bắp.
    • Giảm lưu lượng máu đến các cơ bắp: tuần hoàn máu cung cấp dưỡng chất và oxy cần thiết cho cơ bắp. Khi tuần hoàn máu suy giảm, cơ thể không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho các cơ, làm giảm khả năng duy trì khối lượng cơ và phục hồi sau khi hoạt động.
    hình minh họa mất cơ bắp ở cánh tay
    Tín hiệu từ hệ thần kinh và tuần hoàn máu bị suy giảm dẫn đến giảm khối lượng và sức mạnh cơ bắp

    Bệnh mạn tính và sử dụng thuốc

    Một số bệnh mạn tính và thuốc điều trị có thể góp phần gây ra mất cơ. Các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch và viêm khớp có thể làm gia tăng quá trình mất cơ. Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài cũng có thể ảnh hưởng đến cơ bắp.

    Đái tháo đường típ 2

    Đái tháo đường típ 2 làm giảm khả năng duy trì khối lượng cơ bắp do ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và sự nhạy cảm insulin của cơ bắp. Tình trạng kháng insulin khiến các tế bào cơ bắp không thể hấp thụ glucose hiệu quả, dẫn đến thiếu năng lượng và buộc cơ thể phải phân hủy protein trong cơ để bù đắp. Đồng thời, kháng insulin làm suy giảm tác dụng của insulin trong việc kích thích tổng hợp protein và ức chế phân hủy protein, khiến việc duy trì và tái tạo cơ bắp trở nên khó khăn hơn.

    Ngoài ra, giảm khả năng tổng hợp glycogen trong cơ bắp làm giảm dự trữ năng lượng, dẫn đến giảm sức mạnh và khả năng phục hồi sau hoạt động thể chất. Kết quả là, người mắc đái tháo đường típ 2 dễ bị mất khối lượng cơ bắp và giảm sức mạnh khối cơ.

    Bệnh tim mạch

    • Nhóm statin (rosuvastatin, atorvastatin) được sử dụng để kiểm soát mức cholesterol và ngăn ngừa biến chứng tim mạch, có tác dụng phụ phổ biến là đau cơ, yếu cơ và trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể gây ra tiêu cơ vân (rhabdomyolysis) – là tình trạng phá hủy các tế bào cơ dẫn đến mất cơ.
    • Thuốc lợi tiểu furosemide trong điều trị suy tim nếu sử dụng lâu dài có thể gây mất cân bằng điện giải (đặc biệt là kali và magie), gây yếu cơ và mất cơ.

    Viêm khớp

    Corticosteroid là nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý viêm khớp nhưng khi sử dụng lâu dài có thể xảy ra phản ứng có hại của thuốc là làm mất khối lượng cơ bắp. Cụ thể, corticosteroid làm giảm hoạt động của các yếu tố tăng trưởng cần thiết cho việc xây dựng protein mới (như GH và IGF-1), khiến khả năng tái tạo và sửa chữa sợi cơ bị giảm sút.

    Đồng thời, corticosteroid kích hoạt các enzyme proteolytic (enzyme phân hủy protein), làm gia tăng quá trình thoái hóa các sợi cơ hiện có. Kết quả là sự mất cân bằng giữa tổng hợp và phân hủy protein dẫn đến giảm khối lượng cơ theo thời gian.

    hình minh họa mất cơ
    Một số bệnh lý mạn tính và sử dụng một số loại thuốc có thể dẫn đến mất cơ
    Banner cam kết giảm 25cm vòng eo
    Banner cam kết giảm 25 cm vòng eo MedFit

    Tác động của việc giảm khối lượng cơ

    Mất cơ không chỉ gây ra sự suy giảm khối lượng và sức mạnh cơ bắp mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh quan trọng của cơ thể, từ khả năng vận động, sức khỏe tim mạch đến chức năng miễn dịch. Dưới đây là phân tích chi tiết về những ảnh hưởng của mất cơ theo thời gian:

    Giảm khả năng vận động và tăng nguy cơ té ngã

    Một trong những hệ quả rõ ràng nhất của mất cơ là sự suy giảm khả năng vận động. Cơ bắp đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì thăng bằng và hỗ trợ các hoạt động hàng ngày như đi lại, đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang và cầm nắm đồ vật. Khi khối lượng và sức mạnh cơ suy giảm, cơ thể trở nên yếu hơn và khả năng duy trì thăng bằng cũng giảm đi, làm tăng nguy cơ té ngã, đặc biệt ở người cao tuổi mắc sarcopenia.

    Người cao tuổi mắc sarcopenia có nguy cơ té ngã cao gấp đôi so với những người duy trì khối lượng cơ bình thường. Khi té ngã, họ thường gặp các chấn thương nghiêm trọng như gãy xương chậu hoặc đùi. Những chấn thương này có thể làm suy giảm thêm khả năng vận động, tạo ra một vòng xoáy bệnh lý mà trong đó, việc mất cơ dẫn đến giảm vận động và giảm vận động lại làm mất cơ nhanh hơn.

    Gia tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính

    Mất cơ không chỉ là vấn đề về sức mạnh cơ bắp mà còn tác động trực tiếp đến các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như:

    • Đái tháo đường típ 2: cơ bắp là nơi tiêu thụ glucose lớn nhất trong cơ thể. Khi khối lượng cơ giảm, khả năng sử dụng glucose của cơ thể bị suy giảm dẫn đến sự gia tăng mức đường huyết. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển đái tháo đường típ 2. Nghiên cứu chỉ ra rằng mất cơ ở người cao tuổi có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 lên đến 40%.
    • Béo phì và hội chứng chuyển hóa: khối lượng cơ giảm đi sẽ khiến tốc độ trao đổi chất cơ bản giảm, làm tăng nguy cơ béo phì và khó giảm cân hơn. Điều này không chỉ gây ra béo phì mà còn góp phần vào hội chứng chuyển hóa – một nhóm các tình trạng bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường típ 2, rối loạn lipid máu và tăng vòng eo.
    mất cơ có thể dẫn tới béo phì và các bệnh chuyển hóa khác
    Mất cơ làm tăng nguy cơ béo phì và hội chứng chuyển hóa

    Suy giảm hệ miễn dịch

    Cơ bắp không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc vận động mà còn là nguồn dự trữ acid amin gián tiếp, cần thiết cho việc duy trì hệ thống miễn dịch khi cơ thể cần huy động thêm. Acid amin từ cơ bắp được sử dụng để tổng hợp các protein miễn dịch như kháng thể, cytokine, interferon và interleukin, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn và virus.

    Khi cơ bắp suy giảm, khả năng dự trữ acid amin bị giảm đi khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ protein miễn dịch cần thiết. Điều này làm suy yếu hệ thống miễn dịch, giảm khả năng bảo vệ của cơ thể trước các bệnh nhiễm trùng và các tình trạng bệnh lý khác. Kết quả là những người bị mất cơ không chỉ dễ bị nhiễm trùng hơn mà còn gặp khó khăn trong quá trình hồi phục khi mắc bệnh do thiếu hụt acid amin từ cả cơ bắp và chế độ dinh dưỡng. Việc duy trì khối lượng cơ bắp khỏe mạnh và chế độ ăn giàu protein là rất quan trọng để hỗ trợ hệ miễn dịch và bảo vệ sức khỏe tổng thể.

    Suy giảm chất lượng cuộc sống

    Mất cơ ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là ở người cao tuổi. Khi cơ bắp suy yếu, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, từ đó dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào sự chăm sóc từ gia đình hoặc dịch vụ y tế.

    • Giảm sự tự chủ: khi không thể tự thực hiện các hoạt động cá nhân như đi lại, ăn uống hay chăm sóc bản thân, người bệnh sẽ mất đi sự độc lập trong cuộc sống. Điều này có thể gây ra cảm giác chán nản, lo âu, thậm chí dẫn đến trầm cảm.
    • Gánh nặng xã hội và kinh tế: sự phụ thuộc vào người khác để thực hiện các hoạt động cơ bản tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, nhu cầu về chăm sóc y tế và các dịch vụ chăm sóc dài hạn cũng tăng, kéo theo chi phí điều trị cao hơn.
    Nhận ngay voucher Giảm 50% cho tất cả Công nghệ tăng cơ giảm mỡ tại MedFit
    Voucher công nghệ tăng cơ giảm mỡ MedFit

      * Voucher chỉ áp dụng cho buổi liệu trình lẻ đầu tiên của khách hàng tại phòng khám MedFit

      Các biện pháp phòng ngừa và điều trị mất cơ

      Mặc dù mất cơ theo thời gian là một quá trình tự nhiên không thể tránh khỏi, vẫn có nhiều biện pháp có thể áp dụng để làm chậm hoặc thậm chí cải thiện khối lượng cơ bắp. Các biện pháp phòng ngừa và điều trị mất cơ thường xoay quanh ba yếu tố chính là tập thể dục, chế độ dinh dưỡng và trong một số trường hợp có thể sử dụng liệu pháp hormone hoặc thuốc. Dưới đây là phân tích chi tiết về các biện pháp phòng ngừa và điều trị mất cơ:

      Tập thể dục và hoạt động thể chất

      Tập thể dục, đặc biệt là các bài tập kháng lực, là phương pháp hiệu quả nhất để duy trì và cải thiện khối lượng cơ bắp. Các bài tập kháng lực giúp kích thích sự phát triển cơ bắp, làm tăng khối lượng và sức mạnh cơ ngay cả khi cơ thể già đi.

      • Tập kháng lực: là các bài tập sử dụng trọng lượng hoặc các dụng cụ tập để tác động trực tiếp lên cơ bắp, giúp tăng cường khối lượng và sức mạnh cơ. Các bài tập như nâng tạ, squat, plank và chống đẩy là những ví dụ điển hình. Nghiên cứu của Cruz-Jentoft và cộng sự (2010) chỉ ra rằng người cao tuổi thực hiện các bài tập kháng lực từ 2-3 lần mỗi tuần có thể tăng khối lượng cơ và cải thiện sức mạnh cơ từ 25-30% sau 12-16 tuần. Điều này giúp cải thiện khả năng vận động, giảm nguy cơ té ngã và duy trì sự độc lập trong sinh hoạt hàng ngày.
      • Tập aerobic và bài tập chức năng: ngoài các bài tập kháng lực, tập aerobic (như đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội) cũng rất quan trọng để cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng cường lưu thông máu đến cơ bắp. Các bài tập chức năng tập trung vào các chuyển động thực tế như đứng dậy khỏi ghế, đi bộ hoặc leo cầu thang, giúp người cao tuổi duy trì khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày và giảm nguy cơ té ngã.
      tập với huấn luyện viên medfit
      Bài tập kháng lực kích thích sự phát triển cơ bắp, là phương pháp hiệu quả giúp duy trì và cải thiện khối lượng cơ bắp

      Đối với người cao tuổi hoặc những người có bệnh lý nền, việc tập luyện cần được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế hoặc huấn luyện viên để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tối đa. Chương trình tập luyện cần được thiết kế phù hợp với sức khỏe và nhu cầu của từng cá nhân.

      Công nghệ hỗ trợ tăng cường cơ bắp

      Bên cạnh các phương pháp tập luyện truyền thống, công nghệ hiện đại như EMS (electrical muscle stimulation)HIFEM (high-intensity focused electromagnetic) cũng mang lại những giải pháp mới trong việc tăng cường khối lượng và sức mạnh cơ. Các công nghệ này đã được FDA Hoa Kỳ chứng nhận hiệu quả và an toàn.

      EMS hoạt động bằng cách sử dụng các xung điện để kích thích cơ bắp co rút, tạo ra hiệu ứng tương tự như khi cơ bắp làm việc trong quá trình tập luyện. Phương pháp này đặc biệt hữu ích cho những người gặp khó khăn trong việc tập luyện thông thường như người cao tuổi, người mất cơ do bệnh lý hoặc những người đang trong quá trình phục hồi sau chấn thương.

      ca lâm sàng kết hợp ems và contoura tại medfit
      Ca lâm sàng tăng cơ giảm mỡ bằng EMS với sóng RF tại MedFit

      Trong khi đó, HIFEM sử dụng từ trường tập trung để kích thích các nhóm cơ lớn, tạo ra các cơn co thắt mạnh và liên tục mà không cần vận động thể chất. Công nghệ này giúp tăng cường sức mạnh và kích thích sự phát triển cơ bắp, là lựa chọn lý tưởng cho những người mong muốn cải thiện vóc dáng mà không cần tham gia tập luyện cường độ cao.

      hiệu quả hỗ trợ tăng cơ hỗ trợ giảm mỡ của emsculpt
      Hiệu quả tăng cơ và hỗ trợ giảm mỡ bằng HIFEM

      Bằng cách kết hợp các phương pháp tập luyện truyền thống với công nghệ tiên tiến, người dùng có thể tối ưu hóa hiệu quả trong việc duy trì và cải thiện khối lượng cơ.

      Chế độ dinh dưỡng hợp lý

      Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để duy trì và phát triển khối lượng cơ. Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu protein và các dưỡng chất thiết yếu như vitamin D, canxi và các acid amin có thể giúp ngăn ngừa và điều trị mất cơ:

      • Bổ sung protein: các nguồn protein chất lượng cao bao gồm thịt nạc, cá, trứng, sữa và các loại hạt. Nghiên cứu chỉ ra rằng người cao tuổi cần tiêu thụ ít nhất 1-1,5g protein trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày để duy trì khối lượng cơ bắp, làm chậm quá trình mất cơ và hỗ trợ quá trình phục hồi cơ bắp.
      • Vitamin D và canxi: nghiên cứu của Cruz-Jentoft và cộng sự (2010) chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin D giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp và giảm nguy cơ mất cơ. Canxi, thường được biết đến với vai trò giúp xương chắc khỏe, cũng hỗ trợ chức năng cơ bằng cách đảm bảo sự co bóp và hoạt động của cơ bắp diễn ra một cách hiệu quả.
      • Leucine và creatine: là hai chất bổ sung dinh dưỡng quan trọng giúp duy trì và phát triển khối lượng cơ bắp, đặc biệt ở người cao tuổi. Leucine, một acid amin chuỗi nhánh, hỗ trợ tăng tổng hợp protein cơ bắp, trong khi creatine cung cấp năng lượng nhanh cho các hoạt động cơ cường độ cao, giúp tăng khối lượng cơ và hỗ trợ phục hồi sau tập luyện. Hai chất này có thể được bổ sung từ thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng hoặc từ thực phẩm chức năng.
      • Omega-3 và β-hydroxy-β-methylbutyrate (HMB): cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cơ bắp. Omega-3, đặc biệt là EPA và DHA, giúp giảm viêm và cải thiện độ nhạy insulin, hỗ trợ quá trình tổng hợp protein cơ bắp. HMB, một chất chuyển hóa của leucine, giúp giảm phân hủy cơ bắp và kích thích quá trình phục hồi. Omega-3 và HMB là lựa chọn bổ sung dinh dưỡng hữu ích cho người cao tuổi, người gặp tình trạng mất cơ hoặc những người tập luyện thể thao.
      những thực phẩm giàu protein
      Chế độ ăn giàu protein giúp duy trì và phát triển khối lượng cơ

      Điều trị bằng thuốc và liệu pháp hormone

      Đối với những người mắc sarcopenia nghiêm trọng hoặc có các bệnh lý nền, việc sử dụng thuốc và liệu pháp hormone có thể được xem xét để duy trì hoặc tăng cường khối lượng cơ bắp:

      • Ở phụ nữ sau mãn kinh, sự suy giảm estrogen có thể dẫn đến mất cơ nghiêm trọng. Liệu pháp hormone thay thế (HRT) có thể giúp duy trì khối lượng cơ bắp, từ đó giảm nguy cơ mất cơ.
      • Đối với nam giới, liệu pháp bổ sung testosterone đã được chứng minh là có khả năng tăng cường khối lượng và sức mạnh cơ bắp.

      Tuy nhiên, các liệu pháp này cần phải được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của Bác sĩ chuyên khoa để tránh các tác dụng phụ tiềm ẩn.

      Tóm lại, việc phòng ngừa và điều trị mất cơ đòi hỏi sự kết hợp giữa nhiều biện pháp, từ thay đổi lối sống đến chế độ dinh dưỡng và sử dụng các biện pháp y tế. Quan trọng là người cao tuổi nên bắt đầu các biện pháp phòng ngừa càng sớm càng tốt để ngăn chặn quá trình mất cơ trước khi điều này trở nên nghiêm trọng. Những biện pháp này không chỉ giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính liên quan đến mất cơ, đồng thời tăng cường sức khỏe tổng thể.

      thăm khám với bs quý
      Thăm khám Bác sĩ để được tư vấn việc phòng ngừa và điều trị mất cơ

      Mất cơ theo thời gian là một quá trình tự nhiên, tuy nhiên có thể phòng ngừa và điều trị bằng các biện pháp thích hợp. Việc duy trì một lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng hợp lý và các hoạt động thể chất đều đặn là chìa khóa giúp bảo vệ khối lượng cơ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, các biện pháp này nên được thực hiện từ sớm để ngăn ngừa những hệ lụy nghiêm trọng khi tuổi tác tăng cao.

      Để hiểu rõ hơn về các phương pháp duy trì và tăng cường sức khỏe cơ bắp, có thể đến Phòng khám MedFit để nhận tư vấn chuyên sâu từ các chuyên gia y tế. Tại MedFit, các chương trình giảm cân được cá nhân hóa, bao gồm hướng dẫn về dinh dưỡng, thiết lập chế độ tập luyện phù hợp cùng với các công nghệ tiên tiến như EMS và HIFEM, nhằm tối ưu hóa khối lượng cơ và hỗ trợ kiểm soát cân nặng. MedFit không chỉ cung cấp các dịch vụ chuyên khoa mà còn giúp xây dựng lối sống lành mạnh, mang lại hiệu quả lâu dài trong việc cải thiện sức khỏe cơ bắp và quản lý cân nặng an toàn.

      Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ
      Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ m

      Tài liệu tham khảo

      1. Alfonso J. Cruz-Jentoft, Jean Pierre Baeyens, et al. “Sarcopenia: European consensus on definition and diagnosis: Report of the European Working Group on Sarcopenia in Older People“. Age and Ageing. 2010;39(4):412-423. doi:10.1093/ageing/afq034
      2. Janssen I, Heymsfield SB, et al. “Skeletal muscle mass and distribution in 468 men and women aged 18-88 yr“. J Appl Physiol (1985). 2000;89(1):81-88. doi:10.1152/jappl.2000.89.1.81
      3. Morley JE, Abbatecola AM, et al. “Sarcopenia with limited mobility: an international consensus“. J Am Med Dir Assoc. 2011;12(6):403-409. doi:10.1016/j.jamda.2011.04.014
      4. Landi F, Calvani R, et al. “Sarcopenia as the Biological Substrate of Physical Frailty“. Clin Geriatr Med. 2015;31(3):367-374. doi:10.1016/j.cger.2015.04.005
      Content Protection by DMCA.com
      logo MedFit

      Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.