Béo phì ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay có hơn 1 tỷ người trên toàn cầu mắc bệnh béo phì, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên. Điều này có nghĩa là cứ mỗi 8 người thì có 1 người bị béo phì. Tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh chóng, kéo theo những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành và đột quỵ. Bài viết này sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa béo phì và các bệnh tim mạch, từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát cân nặng. Đồng thời, MedFit cũng sẽ cung cấp những gợi ý về các tình huống mà người đọc nên tìm gặp chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị phù hợp.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Tổng quan về béo phì

    Béo phì là gì?

    tình trạng béo phì (hình minh họa)
    Tình trạng béo phì (hình minh họa)

    Béo phì là một bệnh lý mãn tính phức tạp do sự tích lũy mỡ quá mức trong cơ thể, có thể làm suy giảm sức khỏe. Béo phì thường được đánh giá thông qua chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số BMI được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m2).

    Theo phân loại của Hiệp hội đái đường các nước châu Á (IDI & WPRO), chỉ số BMI của người châu Á được trình bày như sau:

    Chỉ số BMI Tình trạng
    < 18,5 Thiếu cân
    18,5-22,9 Bình thường
    23-24,9 Thừa cân
    25-29,9 Béo phì độ I
    30-34,9 Béo phì độ II
    ≥ 35 Béo phì độ III

    Ảnh hưởng của béo phì lên hệ tim mạch

    Ngoài việc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, béo phì còn là một yếu tố nguy cơ nghiêm trọng đối với nhiều bệnh lý, trong đó có các bệnh tim mạch. Hiểu rõ cơ chế của của béo phì trong các bệnh lý tim mạch giúp định hướng việc phòng ngừa và điều trị hiệu quả vấn đề này. Béo phì ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch qua các cơ chế như sau:

    Tăng áp lực lên tim và hệ thống mạch máu

    Khối lượng cơ thể tăng kéo theo nhu cầu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các tế bào cũng tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu này, tim phải tạo ra áp lực lớn hơn gấp nhiều lần để bơm máu đi khắp cơ thể, từ đó gây gia tăng áp lực lên thành mạch, hậu quả dẫn đến tăng huyết áp. Tăng huyết áp lâu ngày gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến các biến chứng tim mạch nghiêm trọng như bệnh mạch vành và suy tim.

    Tăng phản ứng viêm trong cơ thể

    Khi mô mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng tăng lên, các tế bào mỡ tăng sản xuất các cytokine tiền viêm như TNF-α, IL-6 và CRP. Các chất này không chỉ gây viêm cục bộ mà còn lan vào máu gây nên tình trạng viêm mãn tính toàn thân ở người béo phì. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa động mạch và huyết khối tĩnh mạch.

    Đề kháng insulin

    Béo phì, đặc biệt là béo phì vùng bụng, là yếu tố chính dẫn đến tình trạng đề kháng insulin. Khi cơ thể trở nên đề kháng với insulin, khả năng sử dụng glucose của tế bào bị suy giảm, làm tăng nồng độ đường trong máu và nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2.

    Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ quan trọng của các bệnh tim mạch, bao gồm bệnh mạch vành, đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại vi. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), ít nhất 68% bệnh nhân đái tháo đường típ 2 từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh tim mạch. Người mắc đái tháo đường có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao gấp 2-4 lần so với bệnh nhân không mắc bệnh đái tháo đường.

    Mặc dù là là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch, đái tháo đường vẫn có thể được kiểm soát để phòng ngừa các bệnh lý trên hệ tim mạch.

    Rối loạn mỡ máu

    Béo phì liên quan đến sự gia tăng mức LDL cholesterol (cholesterol xấu) và triglyceride, đồng thời làm giảm nồng độ HDL cholesterol (cholesterol tốt). Sự mất cân bằng này góp phần hình thành mảng xơ vữa trong động mạch, gây tắc nghẽn lưu thông máu và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng như đột quỵ.

    mảng xơ vữa trong động mạch (hình minh họa)
    Mảng xơ vữa trong động mạch (hình minh họa)

    Hội chứng giảm thông khí do béo phì (OHS) và hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)

    OHS và OSA không phải là một, tuy nhiên hai hội chứng này có liên quan mật thiết với nhau và có thể xuất hiện đồng thời ở bệnh nhân béo phì.

    OHS đặc trưng bởi tình trạng giảm thông khí dẫn đến dư CO2 và thiếu oxy trong máu. Khác với OSA chỉ xảy ra khi ngủ, OHS có thể giảm thông khí cả khi ngủ và thức. OHS thường gặp ở người béo phì với tỷ lệ 19-31%, cao hơn so với dân số chung với tỷ lệ 0,15-0,3%. Thiếu oxy mãn tính kích hoạt phản ứng co mạch của phổi, làm tăng áp lực động mạch phổi. Tình trạng này kéo dài gây tăng gánh nặng trên thất phải, cuối cùng dẫn đến suy tim phải. OHS thường đi kèm với hội chứng chuyển hóa, bao gồm tăng đường huyết, tăng lipid máu và đề kháng insulin, là các yếu tố nguy cơ cao cho bệnh lý tim mạch.

    OSA là tình trạng đường hô hấp trên bị tắc nghẽn trong khi ngủ, dẫn đến ngừng thở từng đợt. Để duy trì đủ oxy cung cấp cho tế bào, cơ thể kích thích các thụ thể hóa học ở động mạch cảnh và kích hoạt hệ giao cảm dẫn đến tăng huyết áp thứ phát thông qua cơ chế tăng nhịp tim và co mạch. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp khó kiểm soát, rối loạn nhịp tim và suy tim. Tỷ lệ mắc OSA khoảng 40% ở những người thừa cân và 40-90% ở những người béo phì.

    hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (hình minh họa)
    Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (hình minh họa)
    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

    Các bệnh tim mạch thường gặp ở bệnh nhân béo phì

    Bệnh động mạch vành

    Bệnh động mạch vành là một trong những bệnh tim mạch phổ biến nhất liên quan đến béo phì, xảy ra khi mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch vành, dẫn đến tắc nghẽn dòng máu cung cấp cho cơ tim. Béo phì không chỉ góp phần vào sự hình thành mảng xơ vữa mà còn làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, từ đó đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch.

    bệnh động mạch vành (hình minh họa)
    Bệnh động mạch vành (hình minh họa)

    Bệnh động mạch ngoại biên

    Bệnh động mạch ngoại biên có cơ chế tương tự như bệnh động mạch vành, xảy ra do sự tắc nghẽn các động mạch cung cấp máu cho tay và chân, triệu chứng thường gặp nhất là đau hay chuột rút ở chân khi đi bộ hoặc leo cầu thang. Bệnh có nguy cơ phát triển thành thiếu máu cục bộ chi cấp tính, có thể phải cắt chi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

    bệnh động mạch ngoại biên (hình minh họa)
    Bệnh động mạch ngoại biên (hình minh họa)

    Tăng huyết áp

    Béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây tăng huyết áp. Sự gia tăng khối lượng buộc cơ thể tăng áp lực lên tim và hệ thống mạch máu gây tăng huyết áp. Hơn nữa, béo phì cũng hoạt hoá hệ thống renin-angiotensin-aldosteron, một hệ thống hormone kiểm soát huyết áp, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp khó kiểm soát. Tăng huyết áp kéo dài là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý tim mạch như suy tim, đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại biên.

    béo phì làm tăng áp lực lên tim và hệ thống mạch máu gây tăng huyết áp
    Béo phì làm tăng áp lực lên tim và hệ thống mạch máu gây tăng huyết áp

    Suy tim

    Suy tim là một tình trạng mà tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nguyên nhân là do tim phải làm việc nặng hơn gấp nhiều lần để duy trì tưới máu cho cơ thể, vô tình tạo áp lực lên các buồng tim, làm cho cơ tim bị phì đại, quá trình này lâu dần dẫn đến suy tim.

    Ngoài ra, tăng huyết áp và các rối loạn chuyển hóa do béo phì như rối loạn mỡ máu và đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ suy tim. Suy tim ở người béo phì thường nghiêm trọng và khó điều trị hơn so với người có cân nặng bình thường.

    suy tim (hình minh họa)
    Suy tim (hình minh họa)

    Rối loạn nhịp tim

    Béo phì có liên quan đến nhiều loại rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ. Rung nhĩ là tình trạng nhịp tim không đều và khó kiểm soát. Nhiều cơ chế đóng góp vào quá trình sinh lý bệnh, bao gồm thay đổi về áp lực và lưu lượng máu trong hệ tuần hoàn, cấu trúc và chức năng của tim, đặc biệt là các buồng nhĩ, tạo điều kiện thuận lợi cho tình trạng rối loạn nhịp tim. Rung nhĩ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong buồng tim, nếu không được điều trị dự phòng bằng thuốc chống đông máu, bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ.

    rối loạn nhịp tim (hình minh họa)
    Rối loạn nhịp tim (hình minh họa)

    Đột quỵ

    Đột quỵ là một tình huống y tế khẩn cấp, xảy ra khi dòng máu đến một phần của não đột ngột bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, nguyên nhân có thể do nhồi máu não hoặc do xuất huyết não. Các mảng xơ vữa, cục máu đông trong động mạch là yếu tố nguy cơ chính cho đột quỵ nhồi máu não, trong khi đột quỵ xuất huyết não thường do tình trạng huyết áp cao không kiểm soát. Các yếu tố liên quan đến béo phì như tăng huyết áp, rung nhĩ, đái tháo đường và rối loạn lipid máu đều làm tăng nguy cơ đột quỵ.

    các nguyên nhân gây đột quỵ (hình minh họa)
    Các nguyên nhân gây đột quỵ (hình minh họa)

    Bệnh lý tĩnh mạch chi dưới

    Trọng lượng cơ thể tăng gây tăng áp lực lên hệ tĩnh mạch chân, đặc biệt khi đứng hoặc ngồi lâu, dẫn đến suy van tĩnh mạch và ứ đọng máu ở chân. Điều này không chỉ gây giãn tĩnh mạch mà còn là yếu tố nguy cơ dẫn đến huyết khối tĩnh mạch, bao gồm huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và thuyên tắc phổi.

    Ở người béo phì, sự ứ trệ tuần hoàn, giảm lưu thông máu do ít vận động cùng với tăng phản ứng viêm trong cơ thể đều góp phần vào việc hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch, làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

    suy van tĩnh mạch (hình minh họa)
    Suy van tĩnh mạch (hình minh họa)
    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Phòng ngừa, điều trị béo phì và nguy cơ tim mạch

      Kiểm soát cân nặng là mục tiêu quan trọng để giảm nguy cơ tim mạch chung. Một số phương pháp bệnh nhân có thể cân nhắc bao gồm:

      Thay đổi lối sống

      Thay đổi lối sống là giải pháp quan trọng và ưu tiên hàng đầu trong phòng ngừa và điều trị béo phì:

      • Chế độ dinh dưỡng khoa học: ăn uống cân bằng đầy đủ các chất dinh dưỡng, giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa, hạn chế tối đa những thực phẩm có chứa các loại đường hấp thu nhanh được thêm vào trong quá trình chế biến (trà sữa, nước ngọt, nước trái cây đóng hộp…), hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn…
      • Vận động thể lực: hoạt động thể chất không chỉ giúp đốt cháy năng lượng mà còn cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm huyết áp, cải thiện tình trạng mỡ máu và giảm đề kháng insulin. Theo WHO, người trưởng thành nên vận động với cường độ trung bình ít nhất 150-300 phút/tuần hoặc 75-150 phút/tuần với cường độ cao.
      thay đổi lối sống là giải pháp hàng đầu để điều trị béo phì
      Thay đổi lối sống là giải pháp hàng đầu để điều trị béo phì

      Điều trị bằng thuốc

      Trong những trường hợp béo phì nghiêm trọng không thể kiểm soát bằng thay đổi lối sống, Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để hỗ trợ giảm cân. Các thuốc được FDA Hoa Kỳ chấp nhận bao gồm:

      • Chất chủ vận GLP-1 như liraglutidesemaglutide, hoạt động bằng cách giảm cảm giác thèm ăn, tăng cảm giác no và cải thiện độ nhạy insulin.
      • Orlistat với cơ chế ức chế enzyme lipase để ngăn chặn hấp thu chất béo.
      • Phentermine-topiramate giúp tăng cảm giác no.
      • Naltrexone-bupropion kiểm soát cảm giác thèm ăn.

      Việc sử dụng các thuốc điều trị béo phì này cần được giám sát chặt chẽ Bởi bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

      các thuốc được fda hoa kỳ chấp thuận để điều trị béo phì
      Các thuốc được FDA Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị béo phì

      Phẫu thuật

      Phẫu thuật cắt dạ dày hoặc phẫu thuật nối tắt dạ dày có thể được xem xét cho những bệnh nhân béo phì nghiêm trọng khi các phương pháp giảm cân khác không hiệu quả. Các phương pháp phẫu thuật này giúp giảm cân nhanh chóng bằng cách hạn chế lượng thức ăn có thể tiêu thụ hoặc làm giảm sự hấp thụ calo, từ đó cải thiện các yếu tố nguy cơ liên quan đến tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và đái tháo đường.

      phẫu thuật nối tắt dạ dày (hình minh họa)
      Phẫu thuật nối tắt dạ dày (hình minh họa)

      Tuy nhiên, phẫu thuật điều trị béo phì cũng đi kèm với các rủi ro tiềm ẩn như nhiễm trùng, biến chứng phẫu thuật và thiếu hụt dinh dưỡng. Vì vậy, quyết định phẫu thuật cần được tư vấn và xem xét kĩ lưỡng bởi các Bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị.

      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

      Tầm quan trọng của việc kiểm soát cân nặng trong dự phòng bệnh tim mạch

      Kiểm soát cân nặng hiệu quả đem lại nhiều lợi ích đáng kể đến sức khoẻ, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và chuyển hoá.

      Giảm 5% trọng lượng cơ thể giúp hạ huyết áp và đường huyết: giảm 5% trọng lượng cơ thể có liên quan đến việc hạ huyết áp tâm thu và tâm trương, đồng thời giảm HbA1c và hạ đường huyết ở những người mắc đái tháo đường. Mỗi khi giảm 1kg cân nặng, HbA1c có thể giảm 0,02% ở người bình thường và 0,055% ở người mắc đái tháo đường.

      Giảm 5-10% trọng lượng cơ thể giúp giảm mỡ máu và nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2: giảm 5-10% trọng lượng giúp giảm lượng mỡ trong gan, giảm triglyceride, tăng HDL cholesterol và giảm các cholesterol có hại, đồng thời ngăn ngừa tiến triển thành đái tháo đường típ 2.

      Giảm 10-15% trọng lượng cơ thể giúp giảm đáng kể nguy cơ bệnh lý tim mạch: giảm ít nhất 10% trọng lượng cơ thể ở bệnh nhân thừa cân béo phì mắc đái tháo đường típ 2 giúp giảm 21% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhập viện do đau thắt ngực, đồng thời cũng giảm 24% nguy cơ phải phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, can thiệp mạch vành qua da, nhập viện vì suy tim, bệnh mạch máu ngoại biên và tử vong do mọi nguyên nhân.

      Giảm trên 15% trọng lượng cơ thể giúp giảm tử vong do bệnh tim mạch và cải thiện suy tim: giảm cân trên 15% có thể giúp hồi phục mức đường huyết bình thường ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2, đặc biệt ở bệnh nhân mới mắc bệnh, cải thiện tình trạng suy tim với phân suất tống máu bảo tồn và giảm tử vong do bệnh tim mạch về lâu dài.

      Mặc dù việc giảm cân bền vững từ 3-5% trọng lượng cơ thể đã có thể giảm nguy cơ bệnh tim mạch đối với bệnh nhân thừa cân béo phì, cân nặng giảm càng nhiều càng mang lại nhiều lợi ích. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), Hội Tim mạch học Hoa Kỳ (ACC), Hiệp hội Béo phì Hoa Kỳ (TOS) và Hiệp hội nghiên cứu béo phì Hàn Quốc (KSSO), bệnh nhân nên đặt mục tiêu giảm 5-10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng để đạt được tối đa các lợi ích liên quan đến sức khỏe tim mạch.

      ca lâm sàng giảm cân bằng phương pháp đa mô thức tại medfit (ca nữ)
      Ca lâm sàng giảm cân tại MedFit
      Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
      Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

        * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

        Khi nào bệnh nhân thừa cân béo phì nên gặp Bác sĩ?

        • Gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng: nếu đã thử nhiều phương pháp giảm cân như thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện trong thời gian dài mà vẫn không thấy hiệu quả, nên tìm đến Bác sĩ để được đánh giá tổng thể tình trạng sức khỏe và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp.
        • Có dấu hiệu biến chứng bệnh: nếu xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, khó thở, đau đầu dữ dội, tay chân yếu liệt hoặc ăn uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều hay mệt mỏi không rõ nguyên nhân, cần đi khám Bác sĩ ngay. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa hoặc đái tháo đường.
        • Rối loạn giấc ngủ: nếu thường xuyên ngủ không ngon, thức dậy giữa đêm hoặc cảm thấy không tỉnh táo vào buổi sáng, có thể đang gặp phải hội chứng ngưng thở khi ngủ. Nên đến gặp Bác sĩ để được điều trị kịp thời, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
        • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch hoặc chuyển hóa: nếu gia đình có lịch sử mắc các bệnh tim mạch hoặc bệnh chuyển hóa, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc những bệnh này. Nên tìm gặp Bác sĩ chuyên môn để được tư vấn, tầm soát biến chứng và lên kế hoạch giảm cân nếu cần.

        Việc thăm khám với Bác sĩ chuyên khoa không chỉ giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân mà còn nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn trong việc quản lý và phòng ngừa bệnh tật. Sự can thiệp kịp thời của các chuyên gia y tế có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, cải thiện chất lượng cuộc sống và cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

        thăm khám bác sĩ để được tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị béo phì phù hợp
        Thăm khám Bác sĩ để được tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị béo phì phù hợp

        Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến các bệnh tim mạch nghiêm trọng, từ tăng huyết áp, bệnh động mạch vành đến đột quỵ và suy tim. Kiểm soát cân nặng không chỉ giảm nguy cơ mắc các bệnh lý này mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tổng thể.

        Để đạt được mục tiêu giảm cân hiệu quả và an toàn, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia là vô cùng quan trọng. MedFit cam kết cung cấp dịch vụ giảm cân toàn diện, kết hợp giữa các phương pháp điều trị tiên tiến và hướng dẫn dinh dưỡng khoa học. Với sự hỗ trợ của MedFit, việc kiểm soát cân nặng và bảo vệ sức khỏe tim mạch sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Hãy đến MedFit và bắt đầu hành trình cải thiện sức khỏe ngay hôm nay!

        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ
        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ m

        Tài liệu tham khảo

        1. Jin J. JAMA patient page. “Obesity and the heart“. JAMA. 2013 Nov 20;310(19):2113. doi: 10.1001/jama.2013.281901. PMID: 24240948
        2. Jensen MD, Ryan DH, Apovian CM, et al. American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Practice Guidelines; Obesity Society. “2013 AHA/ACC/TOS guideline for the management of overweight and obesity in adults: a report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Practice Guidelines and The Obesity Society“. Circulation. 2014 Jun 24;129(25 Suppl 2):S102-38. doi: 10.1161/01.cir.0000437739.71477.ee. Epub 2013 Nov 12. Erratum in: Circulation. 2014 Jun 24;129(25 Suppl 2):S139-40. PMID: 24222017; PMCID: PMC5819889
        3. Huang Z, Zhuang X, et al. “Physical Activity and Weight Loss Among Adults With Type 2 Diabetes and Overweight or Obesity: A Post Hoc Analysis of the Look AHEAD Trial“. JAMA Netw Open. 2024 Feb 5;7(2):e240219. doi: 10.1001/jamanetworkopen.2024.0219. PMID: 38386318; PMCID: PMC10884882
        4. Weight loss and benefits for cardiovascular disease (CVD)“. Rethink Obesity
        5. Haam JH, Kim BT, et al. “Diagnosis of Obesity: 2022 Update of Clinical Practice Guidelines for Obesity by the Korean Society for the Study of Obesity“. J Obes Metab Syndr. 2023 Jun 30;32(2):121-129. doi: 10.7570/jomes23031. PMID: 37386771; PMCID: PMC10327686
        6. Cornier MA. “A review of current guidelines for the treatment of obesity“. Am J Manag Care. 2022 Dec;28(15 Suppl):S288-S296. doi: 10.37765/ajmc.2022.89292. PMID: 36525676
        Content Protection by DMCA.com
        logo MedFit

        Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.