Béo phì là một bệnh lý ngày càng phổ biến toàn cầu, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia, hay còn gọi là bệnh gan nhiễm mỡ liên quan rối loạn chuyển hoá. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tích tụ mỡ trong gan, có thể gây viêm gan và tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Hiểu rõ mối liên hệ giữa béo phì và gan nhiễm mỡ sẽ giúp nâng cao sự hiểu biết về các nguy cơ sức khoẻ, từ đó có sự can thiệp sớm và hiệu quả để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Bài viết này sẽ khám phá sâu về mối quan hệ, tác động tiêu cực của các bệnh lý này đối với sức khỏe cũng như các chiến lược để ngăn ngừa và kiểm soát.
Tổng quan về béo phì
Béo phì là gì?
Béo phì là một bệnh lý mạn tính phức tạp, được xác định bởi sự tích tụ quá nhiều mỡ trong cơ thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch và gan nhiễm mỡ, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Tỷ lệ thừa cân và béo phì tiếp tục tăng ở người lớn và trẻ em. Từ năm 1990-2022, tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-19 tuổi mắc bệnh béo phì đã tăng gấp bốn lần từ 2% lên 8% trên toàn thế giới, trong khi tỷ lệ người lớn từ 18 tuổi trở lên mắc bệnh béo phì tăng hơn gấp đôi từ 7% lên 16%.
Ngày nay, tỷ lệ người bị béo phì cao hơn tỷ lệ người nhẹ cân ở mọi khu vực trên thế giới ngoại trừ khu vực Đông Nam Á. Béo phì từng được coi là một vấn đề chỉ ở các nước thu nhập cao, nhưng hiện nay một vài nước thu nhập trung bình lại có tỷ lệ thừa cân và béo phì rất cao.
Chẩn đoán và phân độ béo phì
Chẩn đoán thừa cân và béo phì thường dựa vào chỉ số BMI, được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m²). BMI là phương pháp phổ biến nhất để đánh giá mức độ béo phì và thường được kết hợp với các chỉ số khác như chu vi vòng eo để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.
Dưới đây là thang điểm phân loại béo phì dành cho người châu Á (IDI & WPRO):
Phân loại | BMI | Nguy cơ bệnh tật so với cân nặng bình thường, dựa trên chu vi vòng eo | |
Nam < 90cm
Nữ < 80cm |
Nam ≥ 90cm
Nữ ≥ 90cm |
||
Gầy | < 18,5 | Thấp | Bình thường |
Bình thường | 18,5-22,9 | Bình thường | Tăng |
Thừa cân | 23-24,9 | Tăng | Cao |
Béo phì độ I | 25-29,9 | Cao | Rất cao |
Béo phì độ II | ≥ 30 | Rất cao | Cực kỳ cao |
Theo thang phân loại của IDI & WPRO dành cho người châu Á, BMI lý tưởng cho người Việt Nam nằm trong khoảng 18,5-22,9.
Tổng quan về gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể con người và việc chứa một lượng nhỏ chất béo là điều hoàn toàn bình thường. Chức năng chính của gan bao gồm loại bỏ độc tố và xử lý chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Máu từ hệ tiêu hóa phải đi qua gan trước khi lưu thông đến các bộ phận khác trong cơ thể, giúp gan thực hiện quá trình lọc máu, loại bỏ các chất độc hại và chuyển hóa các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ quá mức trong tế bào gan, cụ thể là khi lượng mỡ chiếm hơn 5-10% trọng lượng của gan và là bệnh lý về gan phổ biến ở các nước phương Tây với tỷ lệ mắc khoảng 1 trên 10 người. Còn tại Việt Nam, có khoảng 50-60% dân số (gần 50 triệu người) bị gan nhiễm mỡ và tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ còn cao hơn ở dân số béo phì mắc đái tháo đường (khoảng 70%).
Phân loại gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ được chia thành hai nhóm chính:
- Gan nhiễm mỡ do rượu bia (ALD – alcohol-associated liver disease): có liên quan trực tiếp đến việc tiêu thụ rượu bia.
- Gan nhiễm mỡ không do rượu bia (NAFLD – non-alcoholic fatty liver disease): có bao gồm gan nhiễm mỡ do béo phì. Đây là bệnh gan phổ biến nhất trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia Trung Đông và phương Tây, nơi tỷ lệ béo phì ngày càng gia tăng.
Các giai đoạn của NAFLD
- Gan nhiễm mỡ (steatosis): giai đoạn đầu của NAFLD, khi chỉ có sự tích tụ mỡ trong gan mà chưa gây viêm hay tổn thương.
- Viêm gan nhiễm mỡ (steatohepatitis): giai đoạn gan bắt đầu bị viêm và tổn thương, có thể kèm theo hoặc không kèm theo xơ hóa.
- Xơ hóa gan (fibrosis): khi mô xơ bắt đầu hình thành trong gan do tổn thương kéo dài.
- Xơ gan (cirrhosis): giai đoạn muộn của NAFLD, có thể dẫn đến suy gan.
- Ung thư biểu mô tế bào gan (hepatocellular carcinoma – HCC): giai đoạn nghiêm trọng nhất của NAFLD, có thể tiến triển qua giai đoạn xơ gan hoặc không.
Triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng, nhưng một số người có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc đau ở phía trên bên phải của bụng tại vị trí của gan. Khi bệnh tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu hoặc xơ gan, các triệu chứng có thể xuất hiện rõ ràng hơn như ngứa da, cổ trướng, phù chân, dấu sao mạch trên da, lòng bàn tay son, vàng da và vàng mắt.
Chẩn đoán gan nhiễm mỡ
- Tiền sử bệnh: đánh giá lịch sử sử dụng rượu bia (lượng, tần suất và thời gian uống) giúp phân biệt giữa gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Xét nghiệm máu: kiểm tra men gan qua hai chỉ số ALT và AST để đánh giá tình trạng sức khỏe gan.
- Xét nghiệm hình ảnh: siêu âm, chụp CT hoặc MRI được sử dụng để phát hiện và phân loại mức độ gan nhiễm mỡ. Hình ảnh chụp giúp xác định sự tồn tại và mức độ chất béo ứ đọng trong gan. Siêu âm là phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất vì tiện lợi và chi phí thấp. Siêu âm có thể phân loại gan nhiễm mỡ thành độ I, II hoặc III. Mức độ nặng và nguy hiểm của nhiễm mỡ gan không luôn tương xứng với mức độ trên siêu âm. Ở giai đoạn đầu, gan nhiễm mỡ thường chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan, nhưng nếu không điều trị, bệnh có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan và ung thư gan.
- Sinh thiết gan: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán gan nhiễm mỡ, nhưng ít được sử dụng do tính xâm lấn.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Béo phì có làm gan nhiễm mỡ không?
Béo phì là một nguyên nhân chính dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Khi cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ, một phần mỡ này sẽ được lưu trữ trong gan, dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ. Theo các nghiên cứu, quá trình này xảy ra do sự dư thừa calo từ chế độ ăn uống, khiến gan phải chuyển hóa và lưu trữ mỡ.
Đặc biệt, béo phì còn gây ra tình trạng kháng insulin, một yếu tố quan trọng làm tăng quá trình tích tụ mỡ trong gan. Khi cơ thể kháng insulin, gan không thể chuyển hóa glucose hiệu quả, dẫn đến việc tích tụ mỡ trong gan để thay thế năng lượng.
Ngoài tích tụ mỡ, béo phì còn kích hoạt các phản ứng viêm và stress oxy hóa trong gan, góp phần gây tổn thương gan. Sự tích tụ mỡ trong gan không chỉ làm gan bị tổn thương mà còn tăng nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng như viêm gan, xơ gan và ung thư gan.
Nhiều nghiên cứu lớn đã được thực hiện để chứng minh mối liên quan giữa béo phì và gan nhiễm mỡ:
- Một nghiên cứu vào năm 2018 đã so sánh mối liên hệ giữa chỉ số BMI và gan nhiễm mỡ. Nghiên cứu đã kết luận rằng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ tăng 4,1-14 lần khi chỉ số BMI cao hơn so với chỉ số BMI bình thường.
- Ngoài ra, hai nghiên cứu tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã chỉ ra mối quan hệ tuyến tính giữa chỉ số BMI và tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia, được thể hiện ở bảng dưới đây:
Chỉ số BMI | Tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu bia (%) |
23 | 10,5 |
23-25 | 37,9 |
25-28 | 58,4 |
≥ 28 | 84,2 |
Các con số này phản ánh mối liên hệ mật thiết giữa thừa cân, béo phì và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia, góp phần khẳng định béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Điều này cho thấy việc kiểm soát cân nặng là rất quan trọng trong phòng ngừa và quản lý bệnh lý này.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Các biện pháp điều trị gan nhiễm mỡ ở người béo phì
Chế độ ăn kiêng, giảm cân và hoạt động thể chất là nền tảng của mọi phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ, theo khuyến cáo từ các hiệp hội nghiên cứu gan của Mỹ và châu Âu. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc kiểm soát cân nặng thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thường xuyên là biện pháp quan trọng để phòng ngừa và điều trị gan nhiễm mỡ ở người thừa cân hoặc béo phì.
Giảm cân không chỉ làm giảm mỡ trong gan mà còn cải thiện độ nhạy insulin, giảm viêm và nâng cao sức khỏe gan tổng thể. Duy trì lối sống lành mạnh không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn bảo vệ sức khỏe gan.
Biện pháp khắc phục thừa cân béo phì
- Can thiệp lối sống: bước đầu tiên trong điều trị thừa cân béo phì là thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất. Tốt nhất, nên có sự hỗ trợ từ chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên thể hình để thiết lập một kế hoạch phù hợp với từng cá nhân.
- Sử dụng thuốc hỗ trợ giảm cân: nếu thay đổi lối sống không đạt được hiệu quả giảm cân như mong muốn, nên gặp Bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thuốc hỗ trợ giảm cân.
- Phẫu thuật giảm cân: phẫu thuật giảm cân như thu nhỏ kích thước dạ dày có thể được xem xét nếu các biện pháp nêu trên đều không mang lại hiệu quả. Phương pháp này thường áp dụng cho những người có chỉ số BMI từ 40 trở lên hoặc từ 35 trở lên kèm theo các bệnh lý liên quan đến béo phì.
Điều trị gan nhiễm mỡ
Khi cần can thiệp bằng thuốc để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia, một số loại thuốc như vitamin E và pioglitazone đã được chứng minh là hiệu quả.
Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây với chất chủ vận GLP-1 cũng cho thấy kết quả tích cực, mở ra triển vọng cho việc sử dụng loại thuốc này để điều trị gan nhiễm mỡ trong tương lai gần.
Béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, với nguy cơ tiến triển thành các bệnh nghiêm trọng như viêm gan, xơ gan và thậm chí là ung thư gan. Việc kiểm soát cân nặng và duy trì lối sống lành mạnh là nền tảng trong việc phòng ngừa và điều trị gan nhiễm mỡ. Hãy đến MedFit để được tư vấn và xây dựng kế hoạch giảm cân khoa học và an toàn, giúp bạn đạt được cân nặng lý tưởng để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. MedFit sẽ đồng hành cùng bạn trên hành trình chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Tài liệu tham khảo
- GBD 2019 Risk Factors Collaborators. “Global burden of 87 risk factors in 204 countries and territories, 1990-2019: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2019“. Lancet. 2020 Oct 17;396(10258):1223-1249. doi: 10.1016/S0140-6736(20)30752-2. PMID: 33069327; PMCID: PMC7566194
- Okunogbe A, Nugent R, et al. “Economic impacts of overweight and obesity: current and future estimates for 161 countries“. BMJ Glob Health. 2022 Sep;7(9):e009773. doi: 10.1136/bmjgh-2022-009773. PMID: 36130777; PMCID: PMC9494015
- Polyzos SA, Kountouras J, Mantzoros CS. “Obesity and nonalcoholic fatty liver disease: From pathophysiology to therapeutics“. Metabolism. 2019 Mar;92:82-97. doi: 10.1016/j.metabol.2018.11.014. Epub 2018 Nov 29. PMID: 30502373
- Gopalakrishna H, Fashanu OE, et al. “Association between body mass index and liver stiffness measurement using transient elastography in patients with non-alcoholic fatty liver disease in a hepatology clinic: a cross sectional study“. Transl Gastroenterol Hepatol. 2023 Jan 25;8:10. doi: 10.21037/tgh-22-1. PMID: 36704647; PMCID: PMC9813648
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.