Trên toàn cầu, cứ tám người thì có một người mắc béo phì và con số này đang gia tăng nhanh chóng. Các tổ chức y tế hàng đầu như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) đã phân loại béo phì là một bệnh lý mạn tính do khả năng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim mạch và đái tháo đường típ 2. Tuy nhiên, Medicare & Medicaid (CMS) cùng một số chuyên gia y tế lại không hoàn toàn đồng ý, cho rằng béo phì chủ yếu do lối sống và không có đặc trưng sinh lý cụ thể. Sự khác biệt giữa các quan điểm đang tiếp tục ảnh hưởng đến cách tiếp cận điều trị béo phì. Bài viết dưới đây sẽ khám phá liệu béo phì có thực sự được xem là một căn bệnh hay không?
Thế nào được gọi là “bệnh”?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), định nghĩa về bệnh và các tiêu chí để được gọi là “bệnh” như sau:
Định nghĩa “bệnh”: bệnh là một tình trạng bất thường của cơ thể hoặc tâm lý mà ảnh hưởng đến chức năng hoặc cấu trúc bình thường của cơ thể hoặc tâm lý, dẫn đến sự giảm sút hoặc thay đổi chức năng bình thường. Bệnh có thể gây ra sự khó chịu, đau đớn hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Có 4 tiêu chí để một tình trạng được gọi là “bệnh”:
- Khác biệt so với trạng thái bình thường: bệnh thường liên quan đến sự khác biệt rõ rệt so với trạng thái hoặc chức năng bình thường của cơ thể hoặc tâm lý. Điều này có thể bao gồm các thay đổi về cấu trúc hoặc chức năng của cơ quan, hệ thống hoặc các chức năng sinh lý.
- Có dấu hiệu và triệu chứng: bệnh thường được xác định qua các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng mà các chuyên gia y tế có thể chẩn đoán dựa trên các tiêu chí lâm sàng, xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán khác.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: bệnh gây ra sự giảm sút về sức khỏe, chức năng sinh lý hoặc tâm lý và có thể dẫn đến sự bất thường trong hoạt động hàng ngày hoặc giảm chất lượng cuộc sống.
- Xác định được nguyên nhân và mối liên hệ: bệnh có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng, di truyền, môi trường và lối sống. Việc xác định chính xác nguyên nhân không chỉ hỗ trợ trong chẩn đoán mà còn giúp xây dựng chiến lược điều trị hiệu quả hơn.
Dựa vào đây, béo phì đáp ứng các tất cả các tiêu chí để được coi là một bệnh, bao gồm:
- Khác biệt so với trạng thái bình thường: béo phì được xác định khi chỉ số BMI từ 25 trở lên theo chuẩn cho người châu Á, cho thấy sự tích tụ mỡ quá mức so với bình thường.
- Có dấu hiệu và triệu chứng: triệu chứng bao gồm khó thở, mệt mỏi và các vấn đề sức khỏe liên quan như bệnh tim mạch và đái tháo đường típ 2. Các triệu chứng này có thể được chẩn đoán và theo dõi bởi các chuyên gia y tế.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường típ 2, tăng huyết áp, bệnh lý về cơ xương khớp, một số loại ung thư và dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống.
- Xác định được nguyên nhân và mối liên hệ: nguyên nhân có thể bao gồm di truyền, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít hoạt động thể chất. Béo phì còn liên quan đến đề kháng insulin.
Các tranh cãi về quan điểm “liệu béo phì có phải là bệnh không?”
Có một số lý do tại sao một số chuyên gia và tổ chức như Medicare & Medicaid (CMS) không đồng ý xem béo phì là một bệnh lý. Lập luận của CMS cho rằng béo phì không phải là một bệnh lý đã xuất hiện từ những năm 1990. Đặc biệt, vào năm 2004, CMS quyết định không xếp béo phì là một bệnh lý vì các lý do chính sau:
- Thiếu tiêu chuẩn chẩn đoán: béo phì không có các triệu chứng đặc hiệu và không phải lúc nào cũng dẫn đến suy giảm chức năng cơ thể như các bệnh khác. Việc sử dụng chỉ số BMI để chẩn đoán béo phì cũng gặp nhiều tranh cãi vì không áp dụng được cho tất cả mọi người, chẳng hạn như các vận động viên cử tạ hay vận động viên sức bền.
- Yếu tố sức khỏe tổng thể: không phải tất cả những người béo phì đều có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, việc xem béo phì là bệnh có thể không hoàn toàn phản ánh đúng tình trạng sức khỏe của một người.
- Lo ngại về sự kỳ thị: việc dán nhãn béo phì là một bệnh lý có thể dẫn đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử, khiến người bệnh cảm thấy bị cô lập.
- Gánh nặng y tế lên xã hội: nếu xem béo phì là một bệnh lý, nhu cầu về các phương pháp điều trị như thuốc và phẫu thuật sẽ tăng cao, tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế, đồng thời gia tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ hoặc biến chứng.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chuyên gia và tổ chức y tế khác lại ủng hộ việc coi béo phì là một bệnh lý với lập luận rằng việc này có thể giúp đẩy mạnh các biện pháp điều trị và ngăn ngừa tình trạng này. Họ cho rằng béo phì không chỉ là vấn đề về cân nặng mà còn liên quan đến nhiều yếu tố chuyển hóa và nội tiết, việc xem béo phì như một bệnh lý có thể giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống y tế đối với vấn đề này.
Tóm lại, hiện nay tranh cãi về quan điểm “liệu béo phì có phải là bệnh không?” vẫn đang tiếp diễn, phản ánh sự phức tạp và tính đa chiều trong việc xác định và quản lý béo phì trong y học hiện đại.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
“Liệu béo phì có phải là bệnh không?” theo các tổ chức y tế trên thế giới và Việt Nam
Bên cạnh WHO, các tổ chức y tế khác nhau trên thế giới đều có những quan điểm khác nhau về quan điểm “liệu béo phì có phải là bệnh không?”. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức đều đồng ý rằng béo phì là một bệnh lý.
Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) là cơ quan có thẩm quyền về y học tại Hoa Kỳ. Năm 2013, AMA bỏ phiếu xác định béo phì là bệnh đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc nhận thức béo phì là vấn đề sức khỏe toàn cầu, nhấn mạnh sự cần thiết phải phòng ngừa và điều trị sớm. AMA giải thích rằng béo phì có thể làm sức khỏe suy yếu, có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cũng như có khả năng gây tổn hại đến cơ thể và thậm chí tử vong. AMA đã bổ sung rằng, việc mọi người hiểu lầm béo phì không phải là một căn bệnh vì cho rằng béo phì là hậu quả của việc lựa chọn lối sống không lành mạnh thì cũng chẳng khác gì nói ung thư phổi không phải là một căn bệnh vì ung thư phổi là kết quả của việc lựa chọn hút thuốc lá.
Ngoài ra, bên cạnh WHO và AMA, các hiệp hội khác cũng đã quyết định chính thức xem béo phì là một căn bệnh bao gồm Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), Hiệp hội Nội tiết Lâm sàng Hoa Kỳ (AACE), Hiệp hội Nội tiết (ES), Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (ACR) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA).
Mặc dù có sự đồng thuận từ nhiều tổ chức về việc công nhận béo phì là một bệnh, vẫn chưa có sự đồng thuận hoàn toàn trong cộng đồng y tế về định nghĩa và cách điều trị bệnh béo phì.
Tại Việt Nam, béo phì đã được phân loại là bệnh theo ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì” vào năm 2022 của Bộ Y tế và được xếp mã ICD 10 là E66.
Tại sao béo phì nên được xem là “bệnh”?
Việc công nhận béo phì như một bệnh lý không chỉ thay đổi cách tiếp cận y tế mà còn tạo ra những bước tiến lớn trong việc phòng ngừa và điều trị hiệu quả:
- Nâng cao nhận thức và phòng ngừa sớm: khi béo phì được xem là bệnh, cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế có nhận thức rõ hơn về sự nghiêm trọng của tình trạng này. Điều này thúc đẩy việc điều trị và phòng ngừa các biến chứng liên quan đến béo phì từ giai đoạn sớm.
- Cải thiện chương trình đào tạo y khoa: việc công nhận béo phì là một căn bệnh sẽ thúc đẩy việc cập nhật chương trình giảng dạy tại các trường y và các chương trình đào tạo sau đại học. Điều này bao gồm việc bổ sung các khóa học chuyên sâu, tổ chức hội thảo khoa học và các khóa học ngắn hạn, giúp nâng cao kiến thức về bệnh béo phì cho các chuyên gia y tế tương lai.
- Giảm sự kỳ thị và thay đổi quan niệm xã hội: công nhận béo phì là một căn bệnh có thể giúp thay đổi cách nhìn của xã hội và giảm bớt sự kỳ thị đối với những người mắc phải. Việc xây dựng các chương trình tuyên truyền giáo dục cộng đồng và các chính sách chống kỳ thị sẽ tạo ra một môi trường hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh.
- Cải thiện phúc lợi bảo hiểm y tế: khi béo phì được công nhận là bệnh, bệnh nhân sẽ được hưởng lợi từ các chương trình bảo hiểm y tế tốt hơn, bao gồm việc chi trả cho các liệu pháp điều trị chuyên sâu.
- Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và chính phủ: sự công nhận này cũng sẽ khuyến khích tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cũng như triển khai các chiến dịch phòng ngừa quốc gia.
- Thúc đẩy phát triển dược phẩm điều trị: việc phát triển các loại thuốc điều trị mới như các chất đồng vận thụ thể GLP-1 càng củng cố việc công nhận béo phì là bệnh. Khi bệnh nhân đến để nhận được sự tư vấn về các loại thuốc này, Bác sĩ có thể giải thích rằng béo phì đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống và tập luyện thể thao.
Làm sao để xác định tình trạng béo phì?
Để xác định tình trạng béo phì, có nhiều phương pháp đánh giá khác nhau nhưng chưa có phương pháp nào là hoàn toàn toàn diện. Dưới đây là các phương pháp phổ biến để đánh giá tình trạng béo phì và những hạn chế của từng phương pháp:
Chỉ số BMI
Chỉ số BMI là công cụ đơn giản, dễ sử dụng và tương đối phổ biến. Đối với người trưởng thành, chỉ số BMI được áp dụng cho cả nam và nữ, có thể không chính xác trong một số trường hợp như phụ nữ mang thai, vận động viên và người già. Chỉ số BMI được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m2).
Thang phân loại của Hiệp hội Đái tháo đường các nước châu Á (IDI & WPRO) được trình bày trong bảng dưới đây:
Chỉ số BMI | Tình trạng |
< 18,5 | Thiếu cân |
18,5-22,9 | Bình thường |
23-24,9 | Thừa cân |
25-29,9 | Béo phì độ I |
30-34,9 | Béo phì độ II |
≥ 35 | Béo phì độ III |
AMA đã khuyến nghị rằng chỉ số BMI không nên được sử dụng đơn lẻ để chẩn đoán béo phì vì có nhiều hạn chế. BMI được phát triển từ dữ liệu của nam giới da trắng và không tính đến sự khác biệt về chủng tộc, giới tính và tuổi tác. Điều này dẫn đến việc BMI có thể không cung cấp kết quả chính xác cho những người thuộc các nhóm dân tộc khác nhau. Vì vậy, AMA khuyến cáo các Bác sĩ nên kết hợp BMI với các phương pháp đánh giá khác để đưa ra chẩn đoán toàn diện và chính xác hơn.
Chỉ số vòng eo
Các chuyên gia y tế có thể chẩn đoán béo phì vùng bụng nếu chu vi vòng eo rộng hoặc tỷ số eo – hông cao, ngay cả khi chỉ số BMI chỉ thuộc loại thừa cân. Mỡ bụng dư thừa so với phần còn lại của cơ thể có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng sức khỏe cao hơn, ngay cả khi chỉ số BMI không thể hiện tình trạng béo phì.
Theo CDC, một người có nhiều nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì hơn khi chu vi vòng eo lớn hơn 90cm đối với nam và 80cm đối với nữ. Chu vi vòng eo có thể xác định bằng cách đo vòng eo ngay phía trên xương hông.
Phương pháp DEXA hấp thụ năng lượng kép
Phương pháp DEXA (dual-energy X-ray absorptiometry) là một công cụ đáng tin cậy trong việc chẩn đoán béo phì. DEXA sử dụng tia X hai năng lượng để phân tích tỷ lệ mỡ, cơ và xương trong cơ thể, giúp xác định chính xác lượng mỡ cơ thể cũng như phân bố mỡ ở các vùng khác nhau. Phương pháp này cung cấp cái nhìn chi tiết về lượng mỡ nội tạng, một chỉ số quan trọng liên quan đến béo phì và nguy cơ mắc các bệnh liên quan như đái tháo đường típ 2 và bệnh tim mạch.
Một ưu điểm lớn của DEXA là lượng bức xạ sử dụng rất thấp, cho phép thực hiện đo lặp đi lặp lại mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Quá trình đo nhanh chóng, chỉ mất khoảng 10-20 phút và dễ thực hiện, phù hợp cho cả người khỏe mạnh và bệnh nhân cần theo dõi tình trạng béo phì. Kết quả từ DEXA có thể cung cấp thông tin quan trọng để đánh giá mức độ béo phì và lập kế hoạch điều trị cá nhân hóa, giúp cải thiện hiệu quả quản lý trọng lượng và sức khỏe tổng thể.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Khi nào bệnh nhân béo phì cần sự trợ giúp từ chuyên gia y tế?
Bệnh nhân béo phì nên thăm khám với chuyên gia y tế khi bản thân người bệnh không thể giảm cân hoặc khi có các tình trạng sức khỏe bắt buộc phải giảm cân như đái tháo đường và tăng huyết áp. Việc tự ý sử dụng thuốc không kê đơn hoặc thực phẩm chức năng để giảm cân là không nên, thay vào đó, cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt và hành vi ăn uống không lành mạnh, đồng thời tăng cường hoạt động thể chất trong cuộc sống hàng ngày.
Trong trường hợp béo phì liên quan đến rối loạn ăn uống, việc gặp chuyên gia để điều trị là cần thiết và có thể cần phải sử dụng thuốc theo chỉ định. Bác sĩ sẽ đánh giá từng trường hợp cụ thể để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất, dựa trên các yếu tố như:
- Tuổi tác, sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh lý.
- Kết quả của các nỗ lực giảm cân trước đây.
- Mức độ thừa cân hoặc béo phì hiện tại.
- Khả năng dung nạp và phù hợp với các loại thuốc, thủ thuật hoặc liệu pháp cụ thể.
- Kỳ vọng và mong muốn của bệnh nhân.
Bằng cách đánh giá toàn diện, Bác sĩ sẽ đề xuất lộ trình điều trị tốt nhất nhằm hỗ trợ quá trình giảm cân hiệu quả và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Việc công nhận béo phì là một bệnh lý mang lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện nhận thức cộng đồng và hỗ trợ người mắc bệnh trong việc điều trị. Nhận diện béo phì là bệnh không chỉ giúp tăng cường các chiến lược phòng ngừa mà còn tạo điều kiện cho việc áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng, hãy liên hệ ngay với MedFit – Phòng khám y khoa tiên phong áp dụng mô hình giảm cân đa mô thức. Đội ngũ chuyên gia tại MedFit sẽ tư vấn và cung cấp các phương pháp phù hợp để hỗ trợ bạn trong việc cải thiện sức khỏe toàn diện, giúp bạn kiểm soát cân nặng một cách hiệu quả và an toàn.
Tài liệu tham khảo
- Rosen H. “Is Obesity A Disease or A Behavior Abnormality? Did the AMA Get It Right?“. Mo Med. 2014;111(2):104-108
- Upadhyay J, Farr O, et al. “Obesity as a Disease“. Med Clin North Am. 2018;102(1):13-33. doi:10.1016/j.mcna.2017.08.004
- De Lorenzo A, Gratteri S, et al. “Why primary obesity is a disease?“. J Transl Med. 2019;17(1):169. Published 2019 May 22. doi:10.1186/s12967-019-1919-y
- Luli M, Yeo G, et al. “The implications of defining obesity as a disease: a report from the Association for the Study of Obesity 2021 annual conference“. EClinicalMedicine. 2023;58:101962. Published 2023 Apr 6. doi:10.1016/j.eclinm.2023.101962
- Steele M, Finucane FM. “Philosophically, is obesity really a disease?“. Obes Rev. 2023;24(8):e13590. doi:10.1111/obr.13590
- Katz DL. “Perspective: Obesity is not a disease“. Nature. 2014;508(7496):S57. doi:10.1038/508S57a
- “Obesity and overweight“. World Health Organization
- Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị béo phì”
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.