Béo phì ở người châu Á có gì khác?

Tình trạng béo phì và các bệnh lý liên quan đang gia tăng nhanh chóng ở khu vực châu Á. Hiểu rõ các đặc điểm đặc thù về tình trạng béo phì ở người châu Á giúp chẩn đoán sớm và phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân tại khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Tổng quan

    Tình hình béo phì trên thế giới

    tình trạng béo phì (hình minh họa)
    Tình trạng béo phì (hình minh họa)

    Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc béo phì ngày càng tăng nhanh, đặc biệt ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Các nước có thu nhập cao vẫn có tỷ lệ mắc béo phì cao hơn nhưng tăng chậm nhờ vào các biện pháp phòng ngừa và can thiệp điều trị tiên tiến và hiệu quả. Trong khi đó, ở các nước thu nhập trung bình thấp, tỷ lệ lưu hành béo phì ít hơn nhưng tốc độ đang tăng lên nhanh chóng.

    Theo Liên đoàn Béo phì Thế giới, dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 1 tỷ người bị béo phì, trong đó nam giới cứ bảy người thì có một người béo phì, ở nữ giới thì cứ năm người sẽ có một người béo phì.

    Ở Đông Nam Á, tỷ lệ béo phì đã tăng lên 40% từ năm 1990-2013. Khu vực Đông Nam Á sẽ có khoảng 52,4 triệu người trưởng thành và 21 triệu trẻ em béo phì vào năm 2030.

    Các tác hại của béo phì với sức khỏe, tinh thần và kinh tế

    Về mặt sức khỏe, béo phì là yếu tố nguy cơ của hơn 200 bệnh lý gồm các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và một số loại ung thư. Năm 2017, trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 395.000 người tử vong do các biến chứng liên quan đến béo phì. Trong đại dịch COVID-19, béo phì cũng cho thấy mối liên quan đến tình trạng nhiễm trùng nặng và làm tăng nguy cơ tử vong.

    Về mặt tinh thần, người béo phì dễ trở nên trầm cảm, tự ti và đôi khi khó khăn trong các quan hệ xã hội do sự bị kỳ thị về cân nặng.

    Về mặt kinh tế, ngoài các chi phí điều trị béo phì và các bệnh lý liên quan, còn có thêm tổn thất do mất khả năng làm việc và giảm năng suất lao động.

    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

    Đặc điểm béo phì ở người châu Á

    tình trạng béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở các nước châu á
    Tình trạng béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở các nước châu Á

    Chỉ số BMI chẩn đoán tình trạng béo phì ở người châu Á thấp hơn các nhóm cộng đồng khác trên thế giới

    Chỉ số BMI được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m²). Đây được coi là thước đo tiêu chuẩn để đánh giá lượng mỡ trong cơ thể và đưa ra định nghĩa về thừa cân và béo phì. Người có chỉ số BMI vượt ngưỡng bình thường có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch, ung thư, viêm khớp và hội chứng ngưng thở khi ngủ.

    Ngưỡng chẩn đoán béo phì dựa trên chỉ số BMI khác nhau giữa châu Á và các khu vực khác trên thế giới. Chỉ số BMI từ 25-29,9kg/m² được coi là thừa cân và từ 30kg/m² trở lên được xác định là béo phì trên thế giới. Trong khi đó, ở khu vực châu Á, ngưỡng BMI cho thừa cân là 23-24,9kg/m² và BMI từ 25kg/m² trở lên được xem là béo phì. Bảng phân loại BMI dành cho người châu Á được trình bày chi tiết theo bảng dưới đây:

    Chỉ số BMI Tình trạng
    < 18,5 Thiếu cân
    18,5-22,9 Bình thường
    23-24,9 Thừa cân
    25-29,9 Béo phì độ I
    30-34,9 Béo phì độ II
    ≥ 35 Béo phì độ III

    Các nghiên cứu đã giải thích có sự khác biệt về ngưỡng phân loại BMI này là do ở cùng một chỉ số BMI, người châu Á có xu hướng tích tụ nhiều mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng, hơn so với người da trắng. Do đó, ở mức BMI được coi là bình thường đối với người da trắng, người châu Á có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh lý tim mạch và chuyển hóa như đái tháo đường và rối loạn mỡ máu. Chính vì lý do này, ngưỡng chẩn đoán thừa cân và béo phì ở châu Á được đặt thấp hơn nhằm phát hiện sớm và quản lý tốt hơn những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý liên quan.

    Các nước châu Á có tỷ lệ béo bụng cao

    người châu á thường tích tụ nhiều mỡ vùng bụng hơn so với người da trắng
    Người châu Á thường tích tụ nhiều mỡ vùng bụng hơn so với người da trắng

    Do những hạn chế của chỉ số BMI trong việc đánh giá tình trạng béo phì ở người châu Á, các phương pháp đo lường mới đã được đưa ra, trong đó vòng eo là một trong những thước đo phổ biến nhất.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vòng eo nên được đo chính xác tại điểm giữa mép dưới của xương sườn cuối cùng và bờ trên của xương chậu. Vòng eo là chỉ số quan trọng để ước lượng lượng mỡ nội tạng, chu vi vòng eo lớn có thể dự đoán nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa.

    Trên toàn thế giới, vòng eo lớn hơn 100cm ở nam và 90cm ở nữ cảnh báo nguy cơ cao mắc bệnh. Tuy nhiên, ở khu vực châu Á, ngưỡng vòng eo đã được điều chỉnh là trên 90cm cho nam và 80cm cho nữ. Sự khác biệt này xuất phát từ việc người châu Á thường tích tụ nhiều mỡ vùng bụng hơn so với người da trắng, ngay cả khi chỉ số cân nặng là tương đương.

    Người châu Á có tỷ lệ đề kháng insulin cao

    Béo phì được biết đến là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng đề kháng insulin, là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý chuyển hóa, đặc biệt là đái tháo đường.

    Có sự khác biệt đáng kể về mức độ đề kháng insulin giữa các cộng đồng dân tộc trên thế giới. Người châu Á thường có tỷ lệ mỡ cao hơn và lượng acid béo không este hóa giải phóng nhiều hơn so với các nhóm dân tộc khác. Điều này dẫn đến tình trạng đề kháng insulin tại gan và cơ bắp, cũng như rối loạn lipid máu.

    Tình trạng béo phì ở trẻ em ngày càng tăng

    thừa cân béo phì ở trẻ em châu á (hình minh họa)
    Thừa cân béo phì ở trẻ em châu Á (hình minh họa)

    Hiện nay, béo phì không còn chỉ là vấn đề của các nước thu nhập cao mà đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở các quốc gia thu nhập trung bình và thấp. Các nước này đang phải đối mặt với cả tình trạng thừa cân và suy dinh dưỡng. Dự đoán đến năm 2030, khoảng 21 triệu trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi ở khu vực Đông Nam Á sẽ gặp phải tình trạng béo phì.

    Theo WHO, ở trẻ em, thừa cân được định nghĩa là khi chỉ số BMI vượt quá 1 độ lệch chuẩn (SD) so với giá trị trung bình theo tuổi và giới tính, còn béo phì là khi BMI vượt quá 2 SD so với giá trị trung bình theo tuổi và giới tính.

    biểu đồ bmi theo tuổi và giới của who ở bé trai
    Biểu đồ BMI theo tuổi và giới của WHO ở bé trai
    biểu đồ bmi theo tuổi và giới của who ở bé gái
    Biểu đồ BMI theo tuổi và giới của WHO ở bé gái

    Béo phì ở trẻ em có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đái tháo đường, tăng huyết áp, đau khớp, gan nhiễm mỡ và hội chứng ngưng thở khi ngủ. Mặc dù các bệnh này có thể không xuất hiện ngay khi trẻ còn nhỏ, chúng thường phát triển khi trẻ trưởng thành. Hơn nữa, béo phì cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ, đặc biệt khi trẻ bắt đầu đi học. Trẻ có thể cảm thấy tự ti, bị bạn bè trêu chọc, từ đó trở nên thụ động, xa cách xã hội và thậm chí dẫn đến trầm cảm.

    Có nhiều nguyên nhân góp phần làm tình trạng béo phì gia tăng ở trẻ em. Trẻ em sinh ra đã thừa cân hoặc suy dinh dưỡng đều có nguy cơ cao mắc béo phì. Trẻ suy dinh dưỡng có xu hướng tích tụ năng lượng nhanh chóng khi được cung cấp đủ thực phẩm và kèm theo thói quen ăn uống không lành mạnh. Chế độ ăn uống không hợp lý như ăn vặt, thức ăn nhanh, đồ ngọt, nước giải khát và ăn muộn vào buổi tối là nguyên nhân chính dẫn đến béo phì. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã làm giảm hoạt động thể chất của trẻ, khiến trẻ trở nên ít vận động và sống thụ động hơn. Một yếu tố nhỏ khác là sự di truyền, những trẻ có bố mẹ bị thừa cân có nguy cơ cao hơn.

    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Thực trạng béo phì tại Việt Nam

      tỷ lệ béo phì đang tăng nhanh chóng tại việt nam
      Tỷ lệ béo phì đang tăng nhanh chóng tại Việt Nam

      Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh tại cả đô thị và nông thôn. Theo kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% và ở lứa tuổi đi học là 19%. Nếu xét riêng trong khu vực đô thị, tỷ lệ trẻ béo phì đang tăng lên ở mức đáng báo động với khu vực TPHCM là trên 50% và Hà Nội là khoảng 41%.

      Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân và béo phì là 15,6%, kèm theo đó là sự gia tăng các bệnh lý rối loạn chuyển hóa liên quan.

      Tình trạng thừa cân và béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam do một số nguyên nhân chính:

      • Chế độ ăn không hợp lý: mặc dù chế độ ăn truyền thống ở châu Á thường ít chất béo và giàu rau củ, sự toàn cầu hóa đã dẫn đến việc du nhập các nền ẩm thực quốc tế, bao gồm nhiều món ăn giàu chất béo, đường và năng lượng cao.
      món ăn giàu chất béo, đường và năng lượng cao là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì
      Món ăn giàu chất béo, đường và năng lượng cao là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì
      • Lối sống ít vận động: sự đô thị hóa đã làm gia tăng số lượng người lao động tập trung vào các công việc văn phòng, dẫn đến lối sống thụ động và ít vận động. Sự kết hợp của chế độ ăn nhiều năng lượng và lối sống ít vận động là nguyên nhân chính làm gia tăng tỷ lệ béo phì ở cả trẻ em và người lớn.
      chế độ ăn nhiều năng lượng và lối sống ít vận động làm gia tăng tỷ lệ béo phì
      Chế độ ăn nhiều năng lượng và lối sống ít vận động làm gia tăng tỷ lệ béo phì
      • Ý thức cộng đồng chưa cao: một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các nguy cơ sức khỏe do béo phì, dẫn đến việc thiếu chú trọng trong việc quản lý cân nặng.
      • Hệ thống y tế chưa phát triển hiệu quả: hệ thống y tế hiện tại chưa dành đủ sự quan tâm cho giáo dục sức khỏe, phòng chống và điều trị béo phì.

      Để đối phó với tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể. Vào năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 với mục tiêu xây dựng chế độ ăn hợp lý, khuyến khích tập luyện cho người thừa cân béo phì và tăng cường công tác tuyên truyền tại các tuyến y tế cơ sở và trong cộng đồng.

      Bên cạnh nỗ lực của nhà nước, nhận thức của từng cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tình trạng béo phì hiện nay.

      thăm khám bác sĩ để được tư vấn điều trị béo phì
      Thăm khám Bác sĩ để được tư vấn điều trị béo phì
      ca lâm sàng giảm cân bằng phương pháp đa mô thức tại medfit (ca nam)
      Ca lâm sàng điều trị béo phì tại MedFit

      Sự gia tăng béo phì ở người châu Á, đặc biệt là tại Việt Nam, đi kèm với những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe như bệnh tim mạch, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa. Với đặc điểm cơ địa khác biệt, người châu Á cần những tiêu chuẩn đánh giá và phương pháp điều trị béo phì phù hợp hơn so với các khu vực khác. Việc nâng cao ý thức về chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh là điều cần thiết để kiểm soát tình trạng béo phì.

      Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng hoặc muốn tư vấn thêm về phương pháp quản lý béo phì, hãy đến MedFit để nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn từ các chuyên gia. Liên hệ ngay với MedFit để bắt đầu hành trình chăm sóc sức khỏe toàn diện.

      Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ
      Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ m

      Tài liệu tham khảo

      1. Tham KW, Abdul Ghani R, et al. “Obesity in South and Southeast Asia-A new consensus on care and management“. Obes Rev. 2023 Feb;24(2):e13520. doi: 10.1111/obr.13520. Epub 2022 Dec 1. PMID: 36453081; PMCID: PMC10078503
      2. Battling Obesity in ASEAN“. EU-ASEAN BUSINESS COUNCIL
      3. Leslie Bermont. “Three essays on Development Economics: Food Security and Nutrition. Economics and Finance“. Université Paris sciences et lettres, 2021. English. NNT: 2021UPSLD005. tel-03545829
      4. Quyết định số 1294/QĐ-BYT ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Bộ Y tế về “Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025
      5. Phòng chống Thừa cân – Béo phì ở trẻ nhỏ“. Viện Dinh dưỡng Quốc gia
      Content Protection by DMCA.com
      logo MedFit

      Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.