Hiện nay, tình trạng thừa cân – béo phì đang trở thành mối lo ngại lớn trong lĩnh vực sức khỏe toàn cầu. Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống, thừa cân còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này rất đa dạng, từ chế độ ăn uống, lối sống cho đến yếu tố di truyền và thậm chí là tác dụng phụ của một số loại thuốc trị bệnh gây tăng cân. Vậy những loại thuốc trị bệnh nào có thể gây tăng cân và làm thế nào để kiểm soát cân nặng hiệu quả khi đang điều trị bằng những loại thuốc này? Hãy cùng MedFit tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tổng quan về thừa cân – béo phì
Thừa cân được định nghĩa là tình trạng cơ thể tích tụ quá mức chất béo, vượt quá mức bình thường và có thể dẫn đến béo phì nếu không được kiểm soát. Béo phì là một bệnh lý mạn tính được xác định bởi sự tích tụ mỡ quá mức và bất thường trong cơ thể, gây ra các nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác như đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến xương khớp, khả năng sinh sản và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú và ung thư đại tràng. Bên cạnh đó, béo phì còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây khó khăn trong vận động, giấc ngủ và tác động tiêu cực đến tâm lý người bệnh.
Chẩn đoán tình trạng thừa cân và béo phì thường được thực hiện bằng cách sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI), được tính bằng công thức lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m²). Theo WHO, ở người trưởng thành, thừa cân được xác định khi BMI từ 25 trở lên và béo phì khi BMI đạt từ 30 trở lên. Tuy nhiên, đối với người châu Á, thang phân loại có sự khác biệt để phản ánh nguy cơ sức khỏe cao hơn ở mức BMI thấp hơn. Hiệp hội Đái tháo đường Quốc tế (IDI) và Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương (WPRO) đã đưa ra tiêu chuẩn riêng cho người châu Á, được trình bày trong bảng dưới đây:
Phân loại | Chỉ số BMI theo WHO | Chỉ số BMI theo IDI & WPRO |
Gầy | < 18,5 | |
Bình thường | 18,5-24,9 | 18,5-22,9 |
Thừa cân | 25-29,9 | 23-24,9 |
Béo phì độ I | 30-34,9 | 25-29,9 |
Béo phì độ II | 35-39,9 | 30-34,9 |
Béo phì độ III | ≥ 40 | ≥ 35 |
Nguyên nhân gây thừa cân và béo phì có thể do nhiều yếu tố như chế độ ăn, lối sống ít vận động, yếu tố di truyền hoặc các bệnh lý đi kèm. Đáng chú ý, một số loại thuốc điều trị cũng có thể góp phần làm tăng cân. Việc nhận thức rõ rằng bản thân đang gặp phải tình trạng này do tác dụng phụ của thuốc là rất quan trọng, vì điều này cho phép các chuyên gia y tế kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị, bao gồm xem xét việc thay đổi loại thuốc hoặc liều lượng phù hợp hơn.
Việc kiểm soát và điều chỉnh sớm không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị mà còn góp phần ngăn ngừa nguy cơ tăng cân tiếp diễn, duy trì cân nặng ổn định và sức khỏe tổng thể tốt hơn.
Các nhóm thuốc gây tăng cân và béo phì
Tăng cân là tác dụng phụ thường gặp của một số thuốc điều trị. Mức tăng cân do thuốc có thể dao động từ vài kg đến hơn 10% so với trọng lượng cơ thể ban đầu, tùy thuộc vào loại thuốc sử dụng, thời gian điều trị và phản ứng của từng cá nhân. Trong đó, các loại thuốc phổ biến có thể gây tăng cân bao gồm thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc hướng thần, thuốc chống trầm cảm và thuốc kháng viêm corticoid.
Thuốc điều trị đái tháo đường
Trong các nhóm thuốc trị bệnh đái tháo đường, insulin, sulfonylurea (SU) và thiazolidinedione (TZD) là những loại thuốc có bằng chứng gây tăng cân đáng kể khi so sánh với giả dược:
Insulin: điều trị bằng insulin có thể dẫn tới tình trạng tăng khoảng 4kg sau 12 tháng điều trị. Insulin giúp cơ thể dự trữ glucose dưới dạng glycogen trong gan và cơ bắp, khi lượng glycogen đã được dự trữ đủ, quá trình chuyển hóa glucose dư thừa thành chất béo dự trữ trong mô mỡ xảy ra. Ngoài ra, insulin ngăn cản quá trình đốt cháy chất béo bằng cách ức chế quá trình lipolysis. Việc tăng hấp thụ glucose vào tế bào và tích trữ dưới dạng chất béo dẫn đến tăng cân.
Nhóm SU: gồm các hoạt chất được sử dụng rộng rãi như glimepiride, glibenclamide, gliclazide… Cơ chế tác động của nhóm SU là kích thích tuyến tụy bài tiết insulin không phụ thuộc nồng độ đường huyết. Vì vậy, tác dụng phụ phổ biến của nhóm chất này là gây hạ đường huyết quá mức, khiến bệnh nhân có cảm giác đói và thèm ăn. Tăng cân do nhóm SU rõ rệt nhất trong những tháng đầu điều trị và sau đó đạt đến mức ổn định. Trong các nghiên cứu, mức tăng cân trung bình của nhóm điều trị này là khoảng 4kg trong năm đầu tiên điều trị.
Nhóm TZD: gồm các hoạt chất được cấp phép sử dụng là rosiglitazone và pioglitazone. Nhóm thuốc TZD gây tăng cân thông qua việc giữ nước, thúc đẩy dự trữ lipid bằng cách kích hoạt thụ thể thụ thể gamma hoạt hóa peroxisome ở mô mỡ. Tuy nhiên, sự tích tụ chất béo chỉ xảy ra dưới da trong khi mỡ nội tạng ổn định hoặc giảm dần. Các nghiên cứu trước đã chứng minh mức tăng cân trung bình là 3-4kg trong sáu tháng đầu điều trị bằng TZD và lên tới 5kg trong khoảng thời gian 3-5 năm.
Thuốc điều trị tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp thường đi kèm với bệnh béo phì và đái tháo đường típ 2. Vì vậy, tăng cân do thuốc điều trị tăng huyết áp là một mối quan tâm lớn đối với các chuyên gia y tế và người bệnh. Nhóm thuốc đã được chứng minh có thể gây tăng cân trong các nhóm thuốc tăng huyết áp là nhóm chẹn thụ thể beta.
Nhóm chẹn thụ thể beta có tác động giảm nhịp tim và giãn mạch máu ở những bệnh nhân bị suy tim và tăng huyết áp thông qua cơ chế chẹn thụ thể beta, ngăn chặn các chất adrenaline và noradrenaline gắn vào thụ thể β1 và β2 của tế bào thần kinh giao cảm. Điều này có thể gây nên tình trạng mệt mỏi và giảm hoạt động của bệnh nhân, giảm tỷ lệ trao đổi chất và ức chế phân giải mỡ, dẫn đến tình trạng tăng cân trung bình khi sử dụng thuốc là 1,2kg. Một số bệnh nhân được ghi nhận tăng 4kg trong năm đầu tiên điều trị với thuốc.
Thuốc hướng thần
Béo phì phổ biến gấp 2-3 lần ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần so với dân số nói chung và những người béo phì thường xuyên mắc các bệnh tâm thần hơn những người có cân nặng bình thường.
Nguyên nhân cơ bản của sự tương quan giữa béo phì và bệnh tâm thần có thể bao gồm một nhóm các hành vi ảnh hưởng tới sức khỏe, chẳng hạn như ăn uống không lành mạnh, hoạt động thể chất không đủ cũng như lạm dụng chất gây nghiện đi kèm với nhiều tình trạng bệnh lý về thần kinh.
Thêm vào đó, các thuốc điều trị bệnh lý tâm thần đã được ghi nhận có liên quan tới việc tăng cân. Tuy nhiên, sự thay đổi về chỉ số cân nặng là khác nhau giữa các nhóm thuốc và thậm chí khác nhau trong cùng một nhóm. Các nhóm thuốc hướng thần có liên quan tới việc tăng cân bao gồm thuốc chống loạn thần, thuốc chống động kinh và thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực (lithium).
Thuốc chống loạn thần
Gồm hai nhóm chính là thuốc chống loạn thần điển hình và thuốc chống loạn thần thế hệ hai. Các thuốc chống loạn thần điển hình chủ yếu hoạt động bằng cách chẹn thụ thể dopamin D2. Các thuốc chống loạn thần thế hệ hai chẹn các thụ thể dopamin có tính chọn lọc hơn, làm giảm khả năng xuất hiện tác dụng không mong muốn liên quan ngoại tháp như loạn trương lực, run và rối loạn vận động chậm. Tuy nhiên, thuốc chống loạn thần thế hệ hai lại gây tăng cân nhiều hơn so với thuốc chống loạn thần điển hình do ảnh hưởng đến lượng thức ăn nạp vào bằng cách thay đổi chức năng dẫn truyền thần kinh ở vùng dưới đồi nên tiêu thụ calo quá mức, dẫn đến béo phì và kháng insulin.
Thêm vào đó, thuốc chống loạn thần thế hệ hai cũng có thể thúc đẩy quá trình tạo mỡ và tăng cường tác dụng chống phân giải mỡ của insulin, do đó thúc đẩy sự tích tụ lipid và gây ra tình trạng kháng insulin. Trong số các thuốc chống loạn thần, clozapine và olanzapine là hai thuốc gây tăng cân nhiều nhất, tăng khoảng hơn 5kg/năm. Ngoài ra, hầu hết các thuốc chống loạn thần thế hệ hai đều có tác dụng tăng 1-5kg/năm, được thể hiện như trong bảng sau:
Thuốc chống động kinh
Nhiều loại thuốc chống động kinh có liên quan đến thay đổi cân nặng, nổi bật nhất là valproate và carbamazepine, gây tăng cân lần lượt ở 71% và 43% bệnh nhân sử dụng thuốc, với mức tăng cân đáng kể khoảng hơn 5kg trong một năm.
Tác dụng gây tăng cân của valproate được cho là kết quả của việc tương tác với neuropeptide, điều chỉnh sự thèm ăn và tác động lên quá trình tiêu hao năng lượng. Cụ thể hơn, valproate làm thay đổi biểu hiện gen vùng dưới đồi, chẳng hạn như biểu hiện của chất ức chế tín hiệu cytokine-3 – một chất ức chế nội bào của tín hiệu leptin liên quan đến sự phát triển của bệnh béo phì, có thể dẫn đến kháng leptin và insulin, gây tăng cân ngoài ý muốn và không dung nạp glucose. Cũng do cơ chế này, valproate còn tác động lên quá trình chuyển hóa glucose và lipid, dẫn tới tình trạng đề kháng insulin và đái tháo đường típ 2.
Các thuốc chống động kinh khác cũng có thể gây tăng cân, tuy nhiên các ảnh hưởng của thuốc đến quá trình chuyển hoá thường phụ thuộc vào cân nặng. Cụ thể, pregabalin và gabapentin có thể gây tăng cân khoảng 1-5kg/năm. Lamotrigine, levetiracetam, tiagabine và oxcarbazepine hầu như không làm thay đổi cân nặng. Topiramate và zonisamide đã được chứng minh là làm giảm cân nặng, ngay cả khi được nghiên cứu ở những bệnh nhân béo phì và thừa cân mà không có tiền sử động kinh.
Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực
Trong các thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên, tỷ lệ tăng cân đáng kể (hơn 5% trọng lượng cơ thể ban đầu) đã được mô tả là cao tới 60% bệnh nhân dùng liệu pháp lithium để điều trị rối loạn lưỡng cực. Cơ chế chính xác mà lithium gây ra những tác động có hại này lên cân nặng vẫn chưa rõ. Các chuyên gia cho rằng lithium có thể tác động trực tiếp lên các trung tâm vùng dưới đồi kiểm soát sự thèm ăn, làm tăng sự khát và tăng lượng đồ uống có hàm lượng calo cao, thay đổi sở thích về ăn uống, dẫn tới tình trạng tăng cân.
Thuốc chống trầm cảm
Mức độ tăng cân khi sử dụng thuốc chống trầm cảm khác nhau ở các nhóm thuốc. Tăng cân nhiều nhất thường gặp ở thuốc chống trầm cảm ba vòng (gồm các thuốc amitriptyline, nortriptyline, imipramine, desipramine, dosulepin, doxepin và clomipramine) với mức tăng cân khoảng hơn 5kg trong một năm.
Các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) (bao gồm citalopram, fluoxetine, sertraline), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (venlafaxine và duloxetine) và thuốc ức chế MAOI (moclobemid và phenelzine) gây tăng cần từ dưới 1kg đến dưới 5kg trong một năm. Paroxetine được coi là SSRI có mức tăng cân dài hạn lớn nhất, có thể là do ái lực đối với thụ thể cholinergic.
Thuốc kháng viêm corticoid
Ở những bệnh nhân sử dụng liệu pháp corticoid dài hạn, có tới 70% bệnh nhân có triệu chứng tăng cân với mức tăng có thể tới hơn 10kg ở khoảng 20% bệnh nhân trong năm điều trị đầu tiên. Nguy cơ tăng cân khi dùng corticoid đường tiêm và đường uống phụ thuộc vào liều lượng, có thể tăng rõ rệt khi dùng liều cao hơn. Sử dụng corticosteroid dạng hít và tiêm steroid ngoài màng cứng đơn độc được cho là không ảnh hưởng đến cân nặng.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do corticoid làm tăng cảm giác thèm ăn và thay đổi sự phân bố mỡ trong cơ thể, đặc biệt là tăng mỡ nội tạng. Điều này cũng liên quan đến tăng nguy cơ kháng insulin, làm tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch. Ngoài ra, corticoid còn có thể gây giữ muối và nước trong cơ thể, dẫn đến tăng cân thêm do tích nước.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Cần làm gì khi nghi ngờ tăng cân do thuốc?
Nhiều loại thuốc có thể gây ảnh hưởng tới quá trình phân giải lipid và chuyển hoá glucose, gây ra tình trạng tăng cân, dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, béo phì và đái tháo đường.
Ở những bệnh nhân đang điều trị các thuốc mạn tính kể trên và có dấu hiệu tăng cân hoặc gặp các rối loạn về chuyển hoá, bệnh nhân nên trực tiếp thăm khám Bác sĩ điều trị để có phác đồ điều trị phù hợp hơn. Thêm vào đó, để giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh nên có chế độ ăn và vận động hợp lý kết hợp với lối sinh hoạt lành mạnh. Đồng thời, ở những bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc, cần theo dõi và quản lý thường xuyên tình trạng tăng cân, cao huyết áp, rối loạn lipid máu và đái tháo đường típ 2.
Nhằm hạn chế trường hợp tăng cân không rõ nguyên nhân, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe và các thuốc khác trong quá trình điều trị mà không hỏi ý kiến của Bác sĩ. Thay vào đó, người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị để có kết quả tốt nhất.
Thuốc là một trong những nguyên nhân có thể góp phần gây nên tình trạng thừa cân – béo phì, ảnh hưởng tới tâm lý và chế độ sinh hoạt của người bệnh, dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa, bệnh tim mạch và đái tháo đường. Để kiểm soát hiệu quả tình trạng tăng cân do thuốc, người bệnh nên theo dõi thường xuyên chỉ số cân nặng, huyết áp, nhịp tim và đường huyết, thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh và tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ, đồng thời phải báo cáo với Bác sĩ điều trị khi có các dấu hiệu bất thường.
Nếu vẫn không thể kiểm soát được tình trạng tăng cân, hãy liên hệ ngay với MedFit để được tư vấn chuyên sâu và xây dựng phác đồ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp nhằm đạt được cân nặng lý tưởng và sức khỏe toàn diện.
Tài liệu tham khảo
- “Obesity and overweight“. World Health Organization
- Ko KD, Kim KK, Lee KR. “Does Weight Gain Associated with Thiazolidinedione Use Negatively Affect Cardiometabolic Health?“. J Obes Metab Syndr. 2017;26(2):102-106. doi:10.7570/jomes.2017.26.2.102
- Verhaegen AA, Van Gaal LF. “Drugs That Affect Body Weight, Body Fat Distribution, and Metabolism“. [Updated 2019 Feb 11]. In: Feingold KR, Anawalt B, Blackman MR, et al., editors. Endotext [Internet]. South Dartmouth (MA): MDText.com, Inc.; 2000-
- Alemán-González-Duhart D, Tamay-Cach F, et al. “Current Advances in the Biochemical and Physiological Aspects of the Treatment of Type 2 Diabetes Mellitus with Thiazolidinediones“. PPAR Res. 2016;2016:7614270. doi:10.1155/2016/7614270
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.