L-carnitine là một hợp chất quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng, chủ yếu có mặt trong các loại thực phẩm như thịt bò, thịt heo, thịt gà và cá. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng L-carnitine mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm khả năng giảm cân, cải thiện chức năng não bộ và nhiều tác dụng tích cực khác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về L-carnitine cùng với những lợi ích trong việc hỗ trợ giảm cân dựa trên các bằng chứng y học.
L-carnitine là gì?
L-carnitine là một amin bậc bốn được tổng hợp trong cơ thể từ hai acid amin là lysine và methionine, tham gia vào quá trình chuyển hóa acid béo và vận chuyển các acid béo chuỗi dài qua màng ty thể để oxy hóa và tạo ra năng lượng (ATP), quá trình này được diễn ra đồng thời với việc tạo năng lượng từ glucose.
L-carnitine còn giúp bài tiết các sản phẩm của quá trình chuyển hóa trung gian trong ty thể, có vai trò bảo vệ màng tế bào, ngăn ngừa sự tích tụ acid béo, điều chỉnh quá trình sinh cetone, glucose và loại bỏ các chất chuyển hóa độc hại.
Việc bổ sung L-carnitine giúp tăng cường chuyển hóa acid béo và giảm tỷ lệ mỡ cơ thể bằng cách kích thích quá trình oxy hóa acid béo trong ty thể, đóng góp một lợi ích đáng kể trong ứng dụng giảm cân.
Trên thị trường, L-carnitine dùng trong điều trị thiếu hụt carnitine được bán với dạng viên nén có hàm lượng 150mg và 300mg hoặc dung dịch dạng uống có hàm lượng 1000mg và dạng tiêm tĩnh mạch có hàm lượng 200mg/ml (ống 5ml).
Ngoài ra, L-carnitine dạng thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân có thể được tìm thấy ở các dạng bào chế khác nhau như dạng viên sủi, viên nén, dạng bột, dung dịch uống và dung dịch tiêm với nhiều hàm lượng khác nhau từ 330mg, 500mg, 750mg, 1000mg, 1500mg, 2000mg, 2500mg đến 3000mg.
Chỉ định điều trị của L-carnitine
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ đã phê duyệt thuốc L-carnitine đường uống và tiêm để điều trị tình trạng thiếu hụt carnitine nguyên phát và thứ phát. Tuy nhiên, L-carnitine không nằm trong danh sách các thuốc được FDA Hoa Kỳ cấp phép dùng trong điều trị béo phì và giảm cân.
Tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược chỉ phê duyệt thuốc L-carnitine trong việc điều trị thiếu hụt carnitine nguyên phát hoặc thứ phát và chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, chưa nằm trong danh mục thuốc điều trị béo phì và giảm cân.
Tuy nhiên, L-carnitine dạng thực phẩm chức năng có thể được dùng với nhiều công dụng trong hỗ trợ giảm cân, phục hồi cơ bắp, giảm đau sau tập luyện thể thao cường độ cao hoặc hỗ trợ duy trì ổn định quá trình chuyển hóa và hỗ trợ chức năng não bộ.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Hiệu quả giảm cân của L-carnitine qua các nghiên cứu khoa học
Mặc dù chưa được phê duyệt trong điều trị béo phì, khả năng giảm cân của L-cartinine đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu:
- Tổng hợp 43 nghiên cứu của Moein Askarpour trên đối tượng thừa cân và béo phì trong thời gian trung bình 3 tháng, cho thấy bổ sung L-carnitine làm giảm trung bình 1,129kg cân nặng, BMI giảm 0,359 và khối lượng mỡ giảm 1,158kg.
- Từ 37 nghiên cứu khác nhau với hơn 2000 người tham gia trong khoảng 3-6 tháng cho thấy L-carnitine làm cân nặng giảm trung bình 1,21kg, BMI giảm 0,24 và khối lượng mỡ giảm 2,08kg.
- Nghiên cứu trong 7 ngày đã thực hiện việc bổ sung L-carnitine kết hợp với chế độ ăn hạn chế calo trên bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa. Trong 2 ngày đầu, lượng calo được hạn chế ở mức vừa phải (700-800kcal/ngày), sau đó là 5 ngày với lượng calo nghiêm ngặt (200kcal/ngày). Sau thời gian này, bệnh nhân trở lại chế độ ăn bình thường và thực hiện hoạt động thể chất nhẹ như đi bộ chậm 2 giờ mỗi ngày, đồng thời không sử dụng cà phê, trà và rượu. Kết quả cho thấy bệnh nhân đã giảm khoảng 4,6kg cân nặng và 5cm vòng eo.
- 9 nghiên cứu gộp của M.Pooyandjoo cho thấy L-carnitine giúp cân nặng giảm trung bình 1,33kg và chỉ số BMI giảm 0,47 trong vòng 30-360 ngày.
- 21 thử nghiệm trong vòng 3-6 tháng ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 cho thấy việc bổ sung L-carnitine 1000mg/ngày giúp chỉ số BMI giảm 0,37 và chỉ số LDL-cholesterol giảm 0,11mmol/L.
- Nghiên cứu trên phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang trong 12 tuần cho thấy nhóm dùng L-carnitine giảm trung bình 2,7kg cân nặng, 1,1 trên chỉ số BMI, 2cm số đo vòng eo và 2,5cm số đo vòng mông so với nhóm dùng giả dược.
- Nghiên cứu của Giuseppe Derosa so sánh giữa việc dùng orlistat đơn trị liệu và dùng orlistat phối hợp với L-carnitine trên bệnh nhân đái tháo đường típ 2, kết quả cho thấy ở nhóm phối hợp hai thuốc giúp giảm trung bình được 11,3kg so với nhóm dùng orlistat đơn trị liệu là 9,5kg trong vòng 1 năm.
Cách sử dụng và liều sử dụng L-carnitine
L-carnitine là thuốc không kê đơn, có thể tìm mua tại các nhà thuốc tây để điều trị thiếu carnitine nguyên phát hoặc thứ phát. Ngoài ra, L-carnitine còn được bán dưới dạng thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân dưới các dạng bào chế khác nhau, dễ dàng tìm thấy ở các nhà thuốc và các sàn thương mại điện tử.
Liều dùng trong điều trị thiếu hụt carnitine ở người lớn:
- Dạng viên uống: 990mg mỗi 8-12 giờ, tối đa 3g/ngày.
- Dạng dung dịch uống: 1000mg/ngày, nên chia thành nhiều lần trong ngày.
- Dạng tiêm tĩnh mạch: liều tải là 50mg/kg, sau đó tiếp tục tiêm 50mg/kg trong 24 giờ tiếp theo.
Liều dùng trong điều trị thiếu hụt carnitine ở trẻ em:
- Dạng uống: 50mg/kg/ngày, chia đều mỗi 8-12 giờ, có thể tăng lên 100mg/kg/ngày và không quá 3g/ngày.
- Dạng tiêm tĩnh mạch: liều tải là 50mg/kg, có thể lặp lại 50mg/kg hàng ngày và không quá 300mg/kg/ngày.
Chưa có khuyến cáo chính thức về liều dùng cụ thể của L-carnitine để hỗ trợ kiểm soát cân nặng và điều trị béo phì. Bên cạnh đó, chưa có giá trị tham chiếu nào chính thức cho việc sử dụng L-carnitine dạng thực phẩm chức năng. Nhu cầu trung bình về carnitine ở người lớn thường là 20-200mg/ngày, với các nguồn thực phẩm như cá, thịt và sữa cung cấp ít nhất 80% lượng L-carnitine cần thiết. Tuy nhiên, hầu hết các hãng sản xuất thực phẩm chức năng thường khuyến cáo liều dùng từ 500-2000mg/ngày. Liều cụ thể có thể khác nhau tùy theo hướng dẫn của từng nhà sản xuất.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Những lưu ý khi sử dụng L-carnitine
Sử dụng L-carnitine liều cao và kéo dài có thể dẫn đến tích tụ trimethylamine (TMA) và trimethylamine N-oxide (TMAO) trong cơ thể. L-carnitine trong cơ thể có thể bị vi khuẩn đường ruột chuyển hóa thành TMA, sau đó TMA được hấp thụ và chuyển hóa tiếp thành TMAO. Việc sử dụng L-carnitine liều cao và kéo dài có thể dẫn đến tích tụ TMA và TMAO, làm tăng dần nồng độ của chúng trong cơ thể. Điều này có thể tác động tiêu cực đến cơ thể, đặc biệt ở những người bị suy thận. Ngoài ra, nồng độ TMAO cao trong máu có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch do tăng tích tụ cholesterol và tế bào bọt, góp phần hình thành mảng xơ vữa.
Các thử nghiệm về tính an toàn của L-carnitine khi điều trị thiếu hụt carnitine cho thấy tác dụng phụ thường gặp nhất là vấn đề tiêu hóa (65,1%), bao gồm đau bụng, tiêu chảy và đôi khi buồn nôn hoặc nôn. Một tác dụng phụ khác là cơ thể có mùi cá, gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Những tác dụng phụ nghiêm trọng hiếm khi xảy ra.
Với phụ nữ mang thai và cho con bú, hiện chưa có nhiều dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả của L-carnitine trong điều trị thiếu hụt carnitine nguyên phát hoặc thứ phát. Vì vậy, cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nghiên cứu của Klaus Eder và cộng sự trên phụ nữ mang thai khỏe mạnh cho thấy việc dùng L-carnitine trong thai kỳ có thể ngăn ngừa tình trạng giảm nồng độ L-carnitine trong máu và giảm tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ, đặc biệt ở phụ nữ thừa cân, nhờ khả năng giảm lượng acid béo tự do trong máu.
L-carnitine dạng thuốc không kê đơn chỉ được phê duyệt để điều trị thiếu carnitine nguyên phát và thứ phát và chưa được chỉ định chính thức cho việc giảm cân hay điều trị béo phì. Mặc dù L-carnitine được bán rộng rãi như một thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân tại Việt Nam, việc sử dụng với liều cao có thể gây ra tác dụng phụ và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. MedFit khuyến nghị người dùng nên tham khảo ý kiến chuyên gia và chọn các giải pháp giảm cân an toàn và hiệu quả hơn, được công nhận bởi các hiệp hội y tế. Để giảm cân thành công, việc phối hợp giữa tập luyện thể thao và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý dưới sự hướng dẫn của đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng.
Tài liệu tham khảo
- Virmani MA, Cirulli M. “The Role of l-Carnitine in Mitochondria, Prevention of Metabolic Inflexibility and Disease Initiation“. Int J Mol Sci. 2022;23(5):2717. Published 2022 Feb 28. doi:10.3390/ijms23052717
- Bloomer RJ, Tschume LC, Smith WA. “Glycine propionyl-L-carnitine modulates lipid peroxidation and nitric oxide in human subjects“. Int J Vitam Nutr Res. 2009;79(3):131-141. doi:10.1024/0300-9831.79.3.131
- Traina G. “The neurobiology of acetyl-L-carnitine“. Front Biosci (Landmark Ed). 2016;21(7):1314-1329. Published 2016 Jun 1. doi:10.2741/4459
- Stefan M, Sharp M, et al. “L-Carnitine Tartrate Supplementation for 5 Weeks Improves Exercise Recovery in Men and Women: A Randomized, Double-Blind, Placebo-Controlled Trial“. Nutrients. 2021;13(10):3432. Published 2021 Sep 28. doi:10.3390/nu13103432
- Askarpour M, Hadi A, et al. “Beneficial effects of l-carnitine supplementation for weight management in overweight and obese adults: An updated systematic review and dose-response meta-analysis of randomized controlled trials“. Pharmacol Res. 2020;151:104554. doi:10.1016/j.phrs.2019.104554
- Talenezhad N, Mohammadi M, et al. “Effects of l-carnitine supplementation on weight loss and body composition: A systematic review and meta-analysis of 37 randomized controlled clinical trials with dose-response analysis“. Clin Nutr ESPEN. 2020;37:9-23. doi:10.1016/j.clnesp.2020.03.008
- Zhang JJ, Wu ZB, et al. “L-carnitine ameliorated fasting-induced fatigue, hunger, and metabolic abnormalities in patients with metabolic syndrome: a randomized controlled study“. Nutr J. 2014;13:110. Published 2014 Nov 26. doi:10.1186/1475-2891-13-110
- Pooyandjoo M, Nouhi M, et al. “The effect of (L-)carnitine on weight loss in adults: a systematic review and meta-analysis of randomized controlled trials“. Obes Rev. 2016;17(10):970-976. doi:10.1111/obr.12436
- Mirrafiei A, Jayedi A, Shab-Bidar S. “The Effects of L-Carnitine Supplementation on Weight Loss, Glycemic Control, and Cardiovascular Risk Factors in Patients With Type 2 Diabetes: A Systematic Review and Dose-response Meta-Analysis of Randomized Controlled Trials“. Clin Ther. 2024;46(5):404-410. doi:10.1016/j.clinthera.2024.03.002
- Samimi M, Jamilian M, et al. “Oral carnitine supplementation reduces body weight and insulin resistance in women with polycystic ovary syndrome: a randomized, double-blind, placebo-controlled trial“. Clin Endocrinol (Oxf). 2016;84(6):851-857. doi:10.1111/cen.13003
- Derosa G, Maffioli P, et al. “Orlistat and L-carnitine compared to orlistat alone on insulin resistance in obese diabetic patients“. Endocr J. 2010;57(9):777-786. doi:10.1507/endocrj.k10e-049
- Sanchez-Niño MD, Ortiz A. “Differential effects of oral and intravenous l-carnitine on serum lipids: is the microbiota the answer?“. Clin Kidney J. 2014;7(5):437-441. doi:10.1093/ckj/sfu099
- Dambrova M, Liepinsh E. “Risks and benefits of carnitine supplementation in diabetes“. Exp Clin Endocrinol Diabetes. 2015;123(2):95-100. doi:10.1055/s-0034-1390481
- Abrahamsen RK, Lund AM, Rasmussen J. “Patients with primary carnitine deficiency treated with L-carnitine are alive and doing well-A 10-year follow-up in the Faroe Islands“. JIMD Rep. 2023;64(6):453-459. Published 2023 Sep 11. doi:10.1002/jmd2.12383
- Mikhailova TL, Sishkova E, et al. “Randomised clinical trial: the efficacy and safety of propionyl-L-carnitine therapy in patients with ulcerative colitis receiving stable oral treatment“. Aliment Pharmacol Ther. 2011;34(9):1088-1097. doi:10.1111/j.1365-2036.2011.04844.x
- Liu A, Cai Y, et al. “Efficacy and safety of carnitine supplementation on NAFLD: a systematic review and meta-analysis“. Syst Rev. 2023;12(1):74. Published 2023 Apr 29. doi:10.1186/s13643-023-02238-w
- Keller U, van der Wal C, et al. “Carnitine status of pregnant women: effect of carnitine supplementation and correlation between iron status and plasma carnitine concentration“. Eur J Clin Nutr. 2009;63(9):1098-1105. doi:10.1038/ejcn.2009.36
- Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị béo phì”
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.