Trong bối cảnh tỷ lệ thừa cân và béo phì đang gia tăng hiện nay, đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ rõ mối liên hệ giữa béo phì và ung thư. Cụ thể, người thừa cân có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với người có cân nặng bình thường. Tuy nhiên, thừa cân không đồng nghĩa với việc chắc chắn mắc ung thư. Trong bài viết dưới đây, MedFit sẽ cùng bạn đọc khám phá mối liên hệ giữa béo phì và ung thư dựa trên các bằng chứng y học hiện có.
Béo phì là gì?
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa và có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. So với những người có cân nặng khỏe mạnh, những người béo phì có nguy cơ mắc nhiều bệnh hơn, bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ và ít nhất 13 loại ung thư khác nhau cũng như có nguy cơ tử vong cao hơn do nhiều nguyên nhân. Cách chẩn đoán tình trạng béo phì được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là dựa vào chỉ số BMI, đây là tiêu chuẩn đã được chấp nhận để xác định thừa cân và béo phì ở người trưởng thành và trẻ em từ hai tuổi trở lên. BMI được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m2).
Phân loại BMI dành cho người châu Á được trình bày theo bảng dưới đây:
Chỉ số BMI | Tình trạng |
< 18,5 | Thiếu cân |
18,5-22,9 | Bình thường |
23-24,9 | Thừa cân |
25-29,9 | Béo phì độ I |
30-34,9 | Béo phì độ II |
≥ 35 | Béo phì độ III |
Ảnh hưởng của béo phì đến tỷ lệ ung thư
Tại Hoa Kỳ, có khoảng 85.000 ca ung thư mới mỗi năm có liên quan đến béo phì. Nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng khi chỉ số BMI tăng mỗi 5 đơn vị, tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 10%.
Một nghiên cứu cắt ngang từ năm 2011-2015, dựa trên dữ liệu BMI và tỷ lệ mắc bệnh ung thư của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, đã ước tính rằng hàng năm, khoảng 37.670 ca ung thư mới ở nam giới (4,7%) và 74.690 ca ung thư mới ở nữ giới (9,6%) có liên quan đến thừa cân và béo phì. Các ca ung thư này chủ yếu là ung thư gan hoặc túi mật (51%), ung thư nội mạc tử cung ở phụ nữ (49,2%) và ung thư tuyến thực quản ở nam giới (30,6%). Nghiên cứu này đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa béo phì và sự gia tăng nguy cơ ung thư.
Một nghiên cứu khác vào năm 2019 cũng cho thấy 3,9% trường hợp trong tổng số 544.300 ca ung thư là do thừa cân và béo phì, trường hợp mắc các ca ung thư này cao hơn ở phụ nữ (368.500 ca) so với nam giới (175.800 ca). Tỷ lệ này dao động từ dưới 1% ở các nước có thu nhập thấp đến 7-8% ở một số nước phương Tây có thu nhập cao, các nước Trung Đông và Bắc Phi.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Mối liên quan giữa béo phì và ung thư
Trọng lượng cơ thể dư thừa có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư qua nhiều cơ chế khác nhau, một số cơ chế này có thể liên quan đặc biệt đến từng loại ung thư cụ thể. Béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư thông qua những cơ chế sau:
- Hormone sinh dục: tỷ lệ mỡ trong cơ thể tăng cao có thể dẫn đến mất cân bằng lượng hormone estrogen và androgen. Bình thường, cơ thể luôn duy trì sự cân bằng giữa hai loại hormone này thông qua quá trình chuyển đổi androgen thành estrogen, diễn ra chủ yếu ở mô mỡ. Ở người béo phì, lượng estrogen được tạo ra từ quá trình này tăng lên, trong khi lượng globulin liên kết hormone sinh dục lại giảm. Sự thay đổi này dẫn đến tăng nồng độ estrogen tự do trong cơ thể. Nồng độ estrogen cao kéo dài có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.
- Insulin và yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1): người béo phì thường có nồng độ insulin và IGF-1 trong máu tăng cao. Theo nhiều nghiên cứu, mối liên quan giữa nồng độ insulin hoặc IGF-1 với sự xuất hiện và tiến triển của khối u là do tác động trực tiếp của các hormone này lên các tế bào ác tính vì thụ thể insulin thường nằm ở các khối u. Nồng độ insulin và IGF-1 cao có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư đại tràng, thận, tuyến tiền liệt và nội mạc tử cung.
- Viêm mạn tính: người béo phì thường mắc các bệnh viêm mạn tính như sỏi mật hoặc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Các tình trạng này có thể gây ra stress oxy hóa, dẫn đến tổn thương DNA và làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường mật và các bệnh ung thư khác.
- Adipokine: tế bào mỡ còn sản xuất ra các hormone được gọi là adipokine (leptin và adiponectin). Leptin có tác dụng kích thích sự tăng sinh tế bào, trong khi adiponectin có tác dụng ức chế. Hiện tượng tăng nồng độ leptin và giảm nồng độ adiponectin ở người béo phì được cho là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư ở nhóm đối tượng này.
- Các yếu tố điều hòa khác: tế bào mỡ có thể tác dụng trực tiếp và gián tiếp lên các chất điều hòa tăng trưởng tế bào và chuyển hóa khác, bao gồm mammalian target of rapamycin (mTOR) và AMP-activated protein kinase.
- Các cơ chế khác: béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Một trong những cơ chế đó là làm suy yếu khả năng của hệ miễn dịch trong việc phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư do tình trạng viêm mạn tính liên quan đến béo phì. Hơn nữa, béo phì có thể gây ra những thay đổi trong cấu trúc và tính chất của mô đệm xung quanh khối u, ảnh hưởng đến sự phát triển và lan rộng của ung thư cũng như làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Ngoài những tác động sinh học này, béo phì cũng có thể gây ra khó khăn trong việc tầm soát và điều trị ung thư. Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn, có thể do việc tầm soát không hiệu quả. Điều này phần nào là do các vấn đề về tiếp cận khi thực hiện các xét nghiệm tầm soát, dẫn đến việc phát hiện ung thư muộn hơn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc những loại ung thư nào?
Một nhóm tác giả của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã kết luận rằng có bằng chứng nhất quán cho thấy lượng mỡ cơ thể cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Bảng dưới đây thống kê các số liệu báo cáo từ những nghiên cứu về việc béo phì làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau.
Loại ung thư | Thể trạng | Nguy cơ mắc phải so với người có thể trạng bình thường |
Ung thư nội mạc tử cung | Thừa cân, béo phì
Béo phì nặng |
Cao gấp 2-4 lần
Cao gấp 7 lần |
Ung thư biểu mô thực quản | Thừa cân
Béo phì Béo phì nặng |
Cao gấp 1,5 lần
Cao gấp 2,4-2,7 lần Cao gấp 4,8 lần |
Ung thư tâm vị, gan, thận | Thừa cân, béo phì, béo phì nặng | Cao gấp 2 lần |
Bệnh đa u tủy | Thừa cân, béo phì | Cao gấp 1,1-1,2 lần |
U màng não | Cao gấp 1,5 lần | |
Ung thư tuyến tụy | ||
Ung thư đại tràng | Béo phì | Cao gấp 1,3 lần |
Ung thư túi mật | Cao gấp 1,6 lần | |
Ung thư vú | Thừa cân, béo phì | Cao gấp 1,2-1,4 lần |
Ung thư buồng trứng | BMI tăng mỗi 5 đơn vị | Nguy cơ tăng 1,1 lần |
Ung thư tuyến giáp | Thừa cân
Béo phì |
Cao gấp 1,26 lần
Cao gấp 1,3 lần |
Giảm cân có làm giảm nguy cơ ung thư không?
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy giảm cân có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư vú (sau thời kỳ mãn kinh) và ung thư nội mạc tử cung do việc giảm cân giúp giảm mức độ của một số hormone liên quan đến nguy cơ ung thư, chẳng hạn như insulin, estrogen và androgen.
Bên cạnh khả năng giảm nguy cơ ung thư, việc giảm cân có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Giải pháp ngăn chặn béo phì và ung thư
Một số biện pháp giúp kiểm soát cân nặng và cải thiện tình trạng béo phì và ung thư dựa vào y học thực chứng có thể được kể đến như sau:
- Chế độ ăn uống lành mạnh: giảm lượng calo tiêu thụ bằng cách chọn những thực phẩm lành mạnh hơn. Hạn chế ăn vặt và ăn các thực phẩm chứa nhiều calo, chất béo hoặc đường như đồ chiên, bánh quy, bánh ngọt, kẹo, kem, trà sữa và nước ngọt. Thay vào đó, hãy tăng cường ăn rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và đậu. Lựa chọn đồ uống ít calo để hỗ trợ giảm cân và cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Vận động thường xuyên: theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, người trưởng thành nên tập luyện với cường độ vừa phải trong 150-300 phút hoặc cường độ mạnh trong 75-150 phút mỗi tuần hoặc kết hợp cả hai. Trẻ em và thanh thiếu niên nên hoạt động thể chất ít nhất 1 giờ mỗi ngày với cường độ vừa phải hoặc cường độ mạnh.
- Hạn chế lối sống thụ động: tránh việc ngồi, nằm, xem TV, sử dụng điện thoại và máy tính quá lâu. Thực hiện thêm các hoạt động thể chất ngoài các công việc thường ngày để duy trì sức khỏe tốt hơn.
- Khám sức khỏe định kỳ: đặt lịch khám sức khỏe thường xuyên và tìm kiếm sự tư vấn từ Bác sĩ nếu đang mắc phải tình trạng béo phì. Điều này giúp tầm soát và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, bao gồm nguy cơ ung thư để có thể điều trị kịp thời.
Mối liên hệ giữa béo phì và ung thư là lời nhắc nhở cấp thiết về tầm quan trọng của việc duy trì cân nặng lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, thay đổi lối sống và đặc biệt là giảm cân không phải lúc nào cũng dễ dàng để thực hiện một mình.
Tại MedFit, bạn sẽ được hỗ trợ từ đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, kết hợp với công nghệ tiên tiến, giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả và ngăn ngừa các nguy cơ sức khỏe. Hãy đến MedFit để được tư vấn và chăm sóc sức khỏe toàn diện nhằm bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thân yêu.
Tài liệu tham khảo
- Pati S, Irfan W, et al. “Obesity and Cancer: A Current Overview of Epidemiology, Pathogenesis, Outcomes, and Management“. Cancers (Basel). 2023 Jan 12;15(2):485. doi: 10.3390/cancers15020485. PMID: 36672434; PMCID: PMC9857053
- Basen-Engquist K, Chang M. “Obesity and cancer risk: recent review and evidence“. Curr Oncol Rep. 2011 Feb;13(1):71-6. doi: 10.1007/s11912-010-0139-7. PMID: 21080117; PMCID: PMC3786180
- Perreault L, Laferrère B (2018). “Overweight and obesity in adults: Health consequences“. Waltham: UpToDate
- “How does obesity cause cancer?“. Cancer Research UK
- “Obesity and Cancer“. National Cancer Institute
- “Body Weight and Cancer Risk“. American Cancer Society
- Sayın S, Kutlu R, Kulaksızoğlu M. “The relationship between sex steroids, insulin resistance and body compositions in obese women: A case-control study“. J Med Biochem. 2020 Jan 10;39(1):25-31. doi: 10.2478/jomb-2019-0009. PMID: 32549774; PMCID: PMC7282231
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.