Đường là gia vị không thể thiếu trong thế giới ẩm thực, có vai trò cung cấp năng lượng và ảnh hưởng đến nồng độ glucose trong máu. Do đường tự nhiên có thể làm tăng mức đường huyết, đường nhân tạo đã trở thành một lựa chọn phổ biến, đặc biệt đối với những người mắc bệnh đái tháo đường. Đối với người béo phì, liệu đường nhân tạo có phải là giải pháp tốt và có được khuyến nghị để thay thế đường tinh luyện không? Bài viết này sẽ khám phá các loại đường và đưa ra những khuyến cáo liên quan đến việc sử dụng chúng cho người béo phì.
Tác động của đường đến sức khỏe và cân nặng
Đường, đặc biệt là đường tinh luyện, có tác động sâu rộng đến sức khỏe và cân nặng. Đường tinh luyện cung cấp calo rỗng, nghĩa là cung cấp năng lượng nhưng thiếu các vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho cơ thể. Khi tiêu thụ quá nhiều đường, cơ thể có xu hướng tích trữ calo dư thừa dưới dạng mỡ, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Hơn nữa, đường dẫn đến sự gia tăng nồng độ glucose trong máu, kích thích bài tiết insulin từ tuyến tụy. Mức insulin cao kéo dài có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, một yếu tố chính gây ra đái tháo đường típ 2 và làm trầm trọng thêm vấn đề béo phì.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều đường có thể làm giảm cảm giác no, dẫn đến việc ăn uống quá mức và tăng cân.
Mối liên hệ giữa tiêu thụ đường và béo phì
Sự tiêu thụ đường đã được chứng minh là có mối liên hệ rõ rệt với sự phát triển của bệnh béo phì. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy rằng lượng đường cao, đặc biệt là đường fructose, có liên quan chặt chẽ đến việc gia tăng mỡ bụng và nguy cơ béo phì.
Đường tinh luyện có mặt trong nhiều thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường, cung cấp calo mà không tạo cảm giác no, làm gia tăng tổng lượng calo tiêu thụ. Điều này không chỉ dẫn đến tăng cân mà còn làm tăng nguy cơ các bệnh liên quan đến béo phì như bệnh tim mạch, tăng huyết áp và một số loại ung thư.
Giảm lượng đường trong chế độ ăn là một trong những phương pháp hiệu quả để quản lý cân nặng và giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa liên quan đến béo phì.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Các loại đường hiện nay
Đường tự nhiên
Đường tự nhiên có thể được chia thành ba loại chính là:
- Đường đơn (monosaccharide): bao gồm glucose (đường nho và siro ngô) và fructose (đường trái cây và mật ong).
- Đường đôi (disaccharide): bao gồm sucrose (đường mía và đường nâu), lactose (đường sữa) và maltose (đường mạch nha), trong đó sucrose là phổ biến nhất với tên gọi là đường tinh luyện.
- Đường đa (polysaccharide): bao gồm tinh bột trong cơm và chất xơ trong rau củ, thường bền vững và khó phân giải hơn.
Đường nhân tạo
Đường nhân tạo hay còn được gọi là chất làm ngọt nhân tạo có thể được phân loại thành hai nhóm chính là:
- Đường nhân tạo có nguồn gốc tự nhiên và đã qua xử lý: bao gồm palatinose, isomalt, maltitol, allulose, stevia, tagatose, rượu đường (polyol) và mogroside (đường la hán quả). Các loại đường này có độ ngọt và năng lượng khác nhau, với palatinose và stevia được ưa chuộng vì ít calo và được tiêu hóa chậm hơn.
- Đường nhân tạo được tổng hợp hoàn toàn: bao gồm sucralose, saccharin, aspartame, acesulfame kali và neotame. Các loại đường này thường ngọt hơn nhiều so với đường tự nhiên và không chứa calo, nhưng nên được sử dụng theo khuyến nghị của các cơ quan y tế để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Lợi ích và nguy cơ của đường nhân tạo
Đường tự nhiên cung cấp một lượng calo lớn và gây ảnh hưởng đến mức đường huyết, vì vậy đường nhân tạo đã được dùng để thay thế đường tự nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, đường nhân tạo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Lợi ích và nguy cơ đối với bệnh nhân đái tháo đường
Lợi ích của đường nhân tạo đối với bệnh nhân đái tháo đường gồm:
- Kiểm soát đường huyết: chất làm ngọt nhân tạo ít ảnh hưởng đến mức đường huyết hơn so với đường tự nhiên, giúp bệnh nhân đái tháo đường duy trì mức đường huyết ổn định mặc dù một số nghiên cứu cũng cho rằng đường nhân tạo dường như không có tác động đáng kể đến việc kiểm soát đường huyết.
- Giảm lượng calo: sử dụng chất làm ngọt nhân tạo có thể giúp bệnh nhân đái tháo đường giảm lượng calo và carbohydrate tiêu thụ hàng ngày, hỗ trợ kiểm soát cân nặng.
- Đa dạng hóa chế độ ăn: chất làm ngọt nhân tạo giúp bệnh nhân đái tháo đường có thể thưởng thức các món ngọt mà không gây tăng đường huyết đột ngột.
Nguy cơ của đường nhân tạo đối với bệnh nhân đái tháo đường gồm:
- Sai lầm trong nhận thức dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh: bệnh nhân đái tháo đường có suy nghĩ đường nhân tạo không cung cấp calo và không làm tăng đường huyết, dẫn đến việc tiêu thụ quá mức các thức ăn có chứa đường nhân tạo và dẫn đến tăng lượng calo được nạp vào qua các thức ăn này.
- Tác dụng phụ tiềm ẩn: các nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng chất làm ngọt nhân tạo lâu dài có thể làm tăng biến cố tim mạch và tử vong. Tuy nhiên cơ chế cụ thể vẫn còn đang tranh cãi, có thể liên quan đến việc tăng cân do sai lầm trong nhận thức dẫn đến ăn uống không kiểm soát và tăng phản ứng viêm trong cơ thể.
Lợi ích và nguy cơ đối với bệnh nhân béo phì
Lợi ích của đường nhân tạo đối với bệnh nhân béo phì gồm:
- Giảm lượng calo: chất làm ngọt nhân tạo có thể giúp bệnh nhân béo phì giảm lượng calo và carbohydrate tiêu thụ hàng ngày, hỗ trợ quá trình giảm cân.
- Thay thế đường tự nhiên: sử dụng chất làm ngọt nhân tạo thay thế đường tự nhiên có thể giúp bệnh nhân béo phì kiểm soát cân nặng mà vẫn thưởng thức được các món ngọt.
Nguy cơ của đường nhân tạo đối với bệnh nhân béo phì gồm:
- Không giúp giảm cân lâu dài: WHO khuyến cáo rằng đường nhân tạo không mang lại hiệu quả lâu dài trong việc giảm mỡ cơ thể, do đó, bệnh nhân béo phì không nên phụ thuộc vào chúng để giảm cân.
- Tăng nguy cơ bệnh tật: theo nhiều nghiên cứu được thực hiện, việc sử dụng lâu dài đường nhân tạo có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch và tử vong.
- Ảnh hưởng tâm lý: sử dụng chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ra cảm giác sai lầm về việc tiêu thụ ít calo hơn, dẫn đến việc tiêu thụ nhiều calo hơn từ các nguồn khác.
Tóm lại, rủi ro từ việc sử dụng đường nhân tạo có thể vượt trội hơn so với lợi ích. Do đó, đối với những người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường bất kể có đái tháo đường hay không, không nên thay thế hoàn toàn đường tự nhiên bằng đường nhân tạo mà nên giảm cả đồ uống có đường. Ưu tiên uống nước lọc hoặc lựa chọn thay thế lành mạnh khác như trà hoặc cà phê không đường. Trong trường hợp muốn sử dụng đường nhân tạo để thưởng thức các món ngọt, có thể dùng ngắn hạn như một giải pháp tạm thời.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Lưu ý khi sử dụng đường nhân tạo
Lưu ý chung khi sử dụng đường nhân tạo
Để sử dụng đường nhân tạo một cách an toàn và hiệu quả, cần chú ý đến những điểm như sau:
- Tuân thủ hướng dẫn sử dụng: luôn đọc và tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất cụ thể cho từng loại đường nhân tạo và sử dụng đúng liều lượng được khuyến cáo.
- Không đun sôi trực tiếp: tránh đun sôi trực tiếp các loại đường nhân tạo vì nhiệt độ cao có thể làm thay đổi hương vị và tính chất của chúng.
- Bảo quản đúng cách: bảo quản đường nhân tạo ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp.
Lưu ý khi sử dụng từng loại đường nhân tạo phổ biến
Aspartame
- Không nên sử dụng aspartame trong các món ăn hoặc thức uống nóng vì nhiệt độ cao có thể làm phân hủy và tạo ra các sản phẩm phụ có hại.
- Aspartame không nên được sử dụng cho trẻ em dưới 1 tuổi.
- Liều khuyến cáo mỗi ngày của aspartame theo FDA Hoa Kỳ là 50mg/kg theo trọng lượng cơ thể.
Sucralose, saccharin và stevia
- Có thể được sử dụng trong nấu nướng ở nhiệt độ cao.
- An toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Liều khuyến cáo mỗi ngày là 5mg/kg theo trọng lượng cơ thể đối với sucralose và saccharin và 4mg/kg theo trọng lượng cơ thể đối với stevia.
Việc lựa chọn loại đường phù hợp là yếu tố quan trọng giúp người béo phì kiểm soát cân nặng và giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe. Mặc dù có thể là giải pháp thay thế tạm thời, không nên lạm dụng đường nhân tạo vì các nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe. Để duy trì lối sống lành mạnh, hãy ưu tiên giảm dần đồ ngọt và tăng cường thực phẩm tự nhiên ít đường. Tại MedFit, bạn sẽ nhận được sự tư vấn dinh dưỡng và các giải pháp cá nhân hóa giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả và an toàn. Hãy đến MedFit để bắt đầu hành trình chăm sóc sức khỏe bền vững của bạn.
Tài liệu tham khảo
- Pang MD, Goossens GH, Blaak EE. “The Impact of Artificial Sweeteners on Body Weight Control and Glucose Homeostasis“. Front Nutr. 2021 Jan 7;7:598340. doi: 10.3389/fnut.2020.598340. PMID: 33490098; PMCID: PMC7817779
- “WHO advises not to use non-sugar sweeteners for weight control in newly released guideline“. World Health Organization
- “This Is Why Artificial Sweeteners Are Bad for You“. Cleveland Clinic
- Kim E. “Effects of Natural Alternative Sweeteners on Metabolic Diseases“. Clin Nutr Res. 2023 Jul 26;12(3):229-243. doi: 10.7762/cnr.2023.12.3.229. PMID: 37593210; PMCID: PMC10432160
- Lohner S, Kuellenberg de Gaudry D, et al. “Non-nutritive sweeteners for diabetes mellitus“. Cochrane Database Syst Rev. 2020 May 25;5(5):CD012885. doi: 10.1002/14651858.CD012885.pub2. PMID: 32449201; PMCID: PMC7387865
- Gardner C, Wylie-Rosett J, et al (2012). “Nonnutritive Sweeteners: Current Use and Health Perspectives. A Scientific Statement from the American Heart Association and the American Diabetes Association“. Diabetes care. 35. 1798-808. 10.2337/dc12-9002
- Debras C, Chazelas E, et al. “Artificial sweeteners and risk of cardiovascular diseases: results from the prospective NutriNet-Santé cohort“. BMJ. 2022 Sep 7;378:e071204. doi: 10.1136/bmj-2022-071204. PMID: 36638072; PMCID: PMC9449855
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.