Trong xã hội hiện đại, béo phì thường được cho là hậu quả của lối sống ít vận động hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác quan trọng không kém đó là các rối loạn nội tiết, điển hình là bệnh lý tuyến giáp, cụ thể là suy giáp. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà quá trình trao đổi chất, qua đó ảnh hưởng gián tiếp đến cân nặng. Bài viết dưới đây giúp làm rõ về mối liên hệ của bệnh lý tuyến giáp với béo phì, cách điều trị và các biện pháp kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Tổng quan về tuyến giáp và hormone tuyến giáp
Tuyến giáp là một tuyến có hình dạng giống con bướm, nằm ở phía trước cổ, gồm hai thùy phải và trái nối với nhau bằng eo giáp. Dù có kích thước nhỏ, tuyến giáp lại đảm nhận vai trò quan trọng trong việc điều tiết các hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Thông qua việc sản xuất hormone, tuyến giáp kiểm soát các quá trình trao đổi chất, điều chỉnh nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và thậm chí là mức năng lượng tiêu thụ trong các hoạt động hàng ngày.
Hai loại hormone chính do tuyến giáp sản xuất gồm triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4), là hai hormone quan trọng có liên quan đến quá trình chuyển hóa của cơ thể. T3 là dạng hoạt động mạnh hơn, trong khi T4 là dạng dự trữ và cần chuyển đổi thành T3 để thực hiện chức năng sinh lý.
Các tác động sinh lý của hormone tuyến giáp trên cơ thể bao gồm:
- Tăng tốc độ chuyển hóa cơ bản: giúp cơ thể tiêu hao năng lượng trong trạng thái nghỉ ngơi, tức là lượng calo mà cơ thể cần để duy trì các chức năng cơ bản như hô hấp, tuần hoàn, nhiệt độ cơ thể và hoạt động của các cơ quan nội tạng.
- Kích thích quá trình phân giải mỡ hoặc tổng hợp lipid tùy thuộc vào trạng thái chuyển hóa: khi cơ thể cần năng lượng, hormone giáp kích thích ly giải mỡ để tạo năng lượng giúp duy trì hoạt động. Ngược lại, khi cơ thể ở trạng thái dư thừa năng lượng, đặc biệt ở người có chế độ ăn nhiều đường sucrose, hormone tăng cường các enzyme liên quan đến quá trình tân tạo lipid ở gan và mô mỡ, qua đó tăng tạo mỡ.
- Kích thích quá trình chuyển hóa carbohydrate: hormone tuyến giáp có thể kích thích quá trình tái hấp thu glucose từ ruột, thúc đẩy tân tạo đường tại gan, đồng thời tác động đến quá trình tổng hợp và ly giải glycogen. Ngoài ra, hormone này còn tăng cường quá trình oxy hóa glucose, giúp cơ thể sử dụng glucose để tạo năng lượng.
- Tăng cường quá trình tổng hợp protein: ở liều cao, hormone tuyến giáp cũng có thể gây phân giải protein.
- Tăng trưởng hệ xương khớp: ở trẻ em, hormone tuyến giáp có tác động hiệp đồng với hormone tăng trưởng để kích thích sự phát triển của xương.
- Ảnh hưởng đến não bộ và tâm lý: đối với hệ thần kinh trung ương, trong giai đoạn trước sinh, hormone tuyến giáp cần thiết cho sự phát triển của não bộ. Ở người trưởng thành, hormone tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến tâm trạng. Cường giáp có thể gây trạng thái kích thích quá mức và khó chịu, trong khi đó suy giáp có thể gây suy giảm trí nhớ, lời nói chậm chạp và buồn ngủ.
- Chức năng sinh dục: hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.
Mối liên hệ giữa bệnh lý tuyến giáp và béo phì
Khi tuyến giáp hoạt động bình thường, quá trình chuyển hóa sẽ diễn ra ổn định. Điều này giúp cơ thể tiêu thụ năng lượng một cách cân bằng, từ đó giữ cân nặng không thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, khi tuyến giáp bị rối loạn, đặc biệt là trong trường hợp suy giáp (giảm hoạt động của tuyến giáp), quá trình chuyển hóa bị chậm lại dẫn đến tình trạng tăng cân và béo phì. Trong một nghiên cứu khảo sát trên 450 bệnh nhân béo phì được thực hiện ở Ấn Độ, có ghi nhận tình trạng suy giáp lâm sàng xuất hiện ở 33% bệnh nhân và suy giáp dưới lâm sàng ở 11% bệnh nhân.
Suy giáp là gì?
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp cần thiết để điều hòa quá trình trao đổi chất của cơ thể. Suy giáp thường đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, da khô, lạnh, tóc khô và dễ rụng, nhịp tim chậm và đặc biệt là tăng cân. Người mắc suy giáp thường cảm thấy kiệt sức, không có năng lượng để vận động, điều này khiến việc kiểm soát cân nặng trở nên khó khăn hơn.
Chẩn đoán suy giáp thường dựa trên các xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone TSH (thyroid-stimulating hormone), T3 và T4 tự do. Sự khác biệt giữa suy giáp dưới lâm sàng và suy giáp lâm sàng có ý nghĩa quan trọng. Trong suy giáp lâm sàng, nồng độ TSH tăng cao trong khi T3 và T4 giảm và có các biểu hiện suy giáp rõ. Đối với suy giáp dưới lâm sàng, mặc dù TSH tăng nhẹ nhưng T3 và T4 còn trong giới hạn bình thường, bên cạnh đó các triệu chứng thường ít nghiêm trọng và cũng ít xuất hiện hơn. Tuy nhiên, cả hai đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, bao gồm béo phì, chậm phát triển, trầm cảm, vô sinh… Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất cần thiết.
Một số nguyên nhân gây suy giáp thường gặp có thể kể đến:
- Viêm giáp Hashimoto: đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp, liên quan đến việc hệ miễn dịch tấn công chính tuyến giáp, dẫn đến viêm và giảm chức năng tuyến giáp.
- Viêm tuyến giáp bán cấp: nguyên nhân có thể do miễn dịch hoặc nhiễm virus, làm cho tuyến giáp giải phóng toàn bộ hormone tuyến giáp dự trữ vào máu cùng một lúc, gây ra tình trạng cường giáp trong thời gian ngắn, sau đó tuyến giáp tổn thương trở nên kém hoạt động và gây nên suy giáp.
- Suy giáp bẩm sinh: một số trẻ khi sinh ra có tình trạng tuyến giáp không phát triển đầy đủ, nếu không được điều trị có nguy cơ thiểu năng trí tuệ và chậm phát triển. Tuy nhiên, điều trị sớm có thể ngăn ngừa tình trạng trên. Tại Việt Nam, tất cả mẹ bầu đều được khuyến khích tham gia chương trình sàng lọc cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện phụ sản để phát hiện sớm bệnh suy giáp bẩm sinh. Xét nghiệm TSH thường được thực hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau khi sinh bằng cách lấy máu gót chân trẻ để đo nồng độ TSH. Việc sàng lọc này giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng về phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
- Xạ trị tuyến giáp: sử dụng iod phóng xạ là một phương pháp điều trị cường giáp phổ biến, tia phóng xạ dần phá hủy các tế bào tuyến giáp và người bệnh có nguy cơ bị suy giáp trong tương lai. Ngoài ra, những bệnh nhân bị ung thư vùng đầu hoặc cổ được điều trị bằng liệu pháp xạ trị cũng có nguy cơ gây tổn thương tuyến giáp.
- Phẫu thuật tuyến giáp: trong một số trường hợp, cắt tuyến giáp do một số bệnh lý như cường giáp nặng, bướu giáp lớn hay ung thư giáp cũng gây ra suy giáp do cơ thể không còn khả năng sản xuất hormone tuyến giáp.
- Thuốc: một số loại thuốc có thể dẫn đến suy giáp, chẳng hạn như amiodarone, lithium, interferon alpha và interleukin-2 có thể ức chế hoạt động của tuyến giáp.
Cơ chế suy giáp gây tăng cân
Một số lý do khiến cho bệnh nhân suy giáp gặp tình trạng tăng cân là do:
- Giảm tốc độ chuyển hóa cơ bản: thiếu hormone tuyến giáp làm giảm tốc độ chuyển hóa cơ bản, khiến cơ thể tiêu thụ ít calo hơn, dẫn đến tích trữ năng lượng dưới dạng mỡ.
- Tích tụ mỡ do giảm phân hủy lipid: suy giáp làm giảm khả năng chuyển hóa mỡ và giảm phân hủy lipid, khiến mỡ dễ dàng tích tụ trong cơ thể.
- Giảm phân giải glucose: khả năng sử dụng glucose của cơ thể bị suy giảm dẫn đến năng lượng từ glucose không được tiêu thụ hiệu quả, tạo điều kiện cho mỡ tích trữ.
- Mệt mỏi và giảm hoạt động thể chất: mệt mỏi và uể oải do suy giáp làm người bệnh có xu hướng ít vận động hơn, từ đó giảm tiêu hao năng lượng, làm tăng nguy cơ tích mỡ.
- Giữ nước và muối: giảm hormone tuyến giáp làm giảm lưu lượng máu đến thận qua đó giảm khả năng lọc và bài tiết nước tiểu, tăng hormone chống bài niệu – một loại hormone giúp thận tái hấp thu nước và giảm bài tiết natri. Kết quả là cơ thể giữ lại muối và nước, gây phù nề và tăng cân. Ngoài ra, tích tụ acid hyaluronic trong mô liên kết cũng góp phần giữ nước, tạo ra tình trạng phù niêm (myxedema) – đặc trưng của suy giáp.
Như đã giải thích ở trên, tuyến giáp kém hoạt động thường khiến tăng cân vì cơ thể ngừng sử dụng calo một cách hiệu quả. Tuy nhiên, tăng cân ở bệnh nhân suy giáp không phải lúc nào cũng liên quan đến tình trạng tích tụ mỡ thừa mà có thể là do cơ thể giữ lại muối và nước. Đối với hầu hết bệnh nhân, suy giáp có thể gây tăng 2,3-4,5kg cân nặng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và cơ địa mỗi cá nhân. Nhưng cần lưu ý, nếu tăng cân là triệu chứng duy nhất của bệnh, tăng cân có khả năng không chỉ đơn thuần là do tình trạng suy giáp.
Hiệp hội Nội tiết châu Âu khuyến cáo tầm soát chức năng tuyến giáp cho tất cả bệnh nhân béo phì do tỷ lệ mắc suy giáp trong nhóm này khá cao dù không có triệu chứng rõ rệt. Đây là tình trạng duy nhất cần xét nghiệm ngay cả khi bệnh nhân không biểu hiện dấu hiệu cụ thể nào. Suy giáp không chỉ gây tăng cân mà còn làm trầm trọng hơn các bệnh lý đi kèm, trong khi việc xét nghiệm đơn giản và điều trị an toàn với chi phí không quá cao. Đặc biệt, các triệu chứng của suy giáp như mệt mỏi, trầm cảm và tăng cân dễ bị nhầm lẫn với tình trạng béo phì, khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch và hội chứng chuyển hóa trong tương lai tăng lên nếu không được điều trị kịp thời.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Cách kiểm soát cân nặng ở bệnh nhân suy giáp
Kiểm soát cân nặng ở bệnh nhân suy giáp đòi hỏi sự kết hợp đa mô thức bao gồm liệu pháp hormone thay thế và các biện pháp thay đổi lối sống như chế độ ăn uống cân bằng và tập luyện đều đặn:
- Điều trị đặc hiệu: liệu pháp thay thế hormone levothyroxine là phương pháp điều trị chính cho bệnh suy giáp. Levothyroxine là một dạng tổng hợp của hormone T4, giúp thay thế hormone mà cơ thể không sản xuất đủ. Khi được dùng đúng liều lượng, levothyroxine giúp cải thiện tình trạng chuyển hóa, ổn định cân nặng và giảm các triệu chứng suy giáp. Tuy nhiên, điều trị cần có chỉ định của Bác sĩ và quá trình này cần theo dõi sát sao để điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp dựa trên kết quả xét nghiệm hormone.
- Giảm lượng thức ăn nạp vào: giảm lượng calo tiêu thụ hàng ngày là một trong những cách giúp giảm cân hiệu quả. Khi lượng calo được nạp vào ít hơn nhu cầu năng lượng của cơ thể, quá trình phân giải mỡ sẽ được kích hoạt để cung cấp năng lượng thay thế. Để đạt được mục tiêu, có thể cắt giảm lượng calo tiêu thụ hàng ngày xuống khoảng 1500kcal so với mức bình thường là 2000-2500kcal. Tuy nhiên, điều này cần đi kèm với chế độ ăn giàu chất xơ, protein và các chất béo lành mạnh. Tránh thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện và tinh bột đơn giản.
- Ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn: với tình trạng chậm trao đổi chất do suy giáp, việc ăn nhiều bữa nhỏ và đều đặn trong ngày thay vì ba bữa lớn có thể giúp duy trì năng lượng ổn định. Chế độ ăn giàu protein nạc, chất béo lành mạnh và carbohydrate phức tạp không chỉ giữ đường huyết ổn định mà còn không gây “quá tải” lên quá trình trao đổi chất.
- Chế độ ăn chống viêm: viêm là một vấn đề phổ biến ở người bị suy giáp, gây đau khớp và cản trở trao đổi chất. Các thực phẩm giàu selen, magie, kẽm, sắt, vitamin B và vitamin C như các loại hạt, rau xanh, dầu olive, cà chua và cá giúp giảm viêm hiệu quả. Những dưỡng chất do các thực phẩm này cũng giúp chuyển đổi hormone T4 thành T3, hỗ trợ hoạt động của tuyến giáp.
- Tăng cường vận động: dù suy giáp có thể gây mệt mỏi, việc duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày là điều quan trọng. Vận động không chỉ cải thiện trao đổi chất mà còn giúp giảm các triệu chứng mệt mỏi và hỗ trợ giảm cân.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Khi nào cần gặp Bác sĩ?
Trong một số trường hợp, người bệnh nên tới gặp Bác sĩ để được thăm khám và tư vấn nhằm phát hiện và điệu trị kịp thời:
- Xuất hiện các triệu chứng suy giáp: mệt mỏi, da khô, rụng tóc, nhịp tim chậm, cảm giác lạnh, táo bón và tăng cân không rõ nguyên nhân.
- Rối loạn tâm trạng và trí nhớ: suy giáp có thể gây tình trạng khó tập trung, mất trí nhớ, buồn bã hoặc trầm cảm.
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản: suy giáp có thể gây ra các bất thường về kinh nguyệt và giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ.
- Tăng cân không kiểm soát: mặc dù đã được điều trị bằng hormone thay thế đồng thời phối hợp với nhiều biện pháp giảm cân khác để quản lý cân nặng nhưng vẫn không thành công. Nếu gặp phải tình trạng này, việc thăm khám với chuyên gia dinh dưỡng có thể là điều cần thiết để đánh giá cụ thể và đưa ra lời khuyên về chế độ ăn và các bài tập hỗ trợ giảm cân.
Bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt là suy giáp, không chỉ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất mà còn gây ra nhiều biến chứng như béo phì, mệt mỏi và rối loạn tâm lý. Do đó, nhận biết và điều trị kịp thời suy giáp là điều cần thiết để ngăn chặn những biến chứng liên quan đến béo phì và các vấn đề sức khỏe khác.
MedFit là Phòng khám với đội ngũ Bác sĩ và chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm, cung cấp các chương trình giảm cân khoa học và được xây dựng để phù hợp với tình trạng của từng cá nhân, giúp điều chỉnh cân nặng hiệu quả ngay cả khi đối mặt với các vấn đề rối loạn nội tiết. Hãy liên hệ với MedFit ngay để bắt đầu hành trình cải thiện sức khỏe và lấy lại vóc dáng tự tin của bạn!
Tài liệu tham khảo
- “Thyroid and Weight“. American Thyroid Association
- “Thyroid and weight – the science“. British Thyroid Foundation
- “Hypothyroidism (Underactive Thyroid)“. NIH: National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases
- Eric Seaborg. “Cause & Effect: Patients with Obesity and Thyroid Function Testing“. Endocrine news
- Ríos-Prego M, Anibarro L, Sánchez-Sobrino P. “Relationship between thyroid dysfunction and body weight: a not so evident paradigm“. Int J Gen Med. 2019;12:299-304. Published 2019 Aug 23. doi:10.2147/IJGM.S206983
- Verma A, Jayaraman M, et al. “Hypothyroidism and obesity. Cause or effect?“. Saudi Med J. 2008;29(8):1135-1138
- Shahid MA, Ashraf MA, Sharma S. “Physiology, Thyroid Hormone“. [Updated 2023 Jun 5]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-
- Maala S Daniel. “Congenital Hypothyroidism Workup“. Medscape
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.