Quá trình lão hóa của con người là một hiện tượng sinh lý tự nhiên, diễn tiến dần theo thời gian. Trước đây, mức độ lão hóa thường được đánh giá dựa trên số năm tuổi đã trôi qua. Tuy nhiên, ngày nay, khái niệm “tuổi sinh học” đã trở thành phương pháp chính xác hơn, phản ánh mức độ lão hóa thực sự của cơ thể qua các chỉ số sinh lý. Hãy cùng MedFit khám phá khái niệm tuổi sinh học, cách đo lường, các yếu tố ảnh hưởng và những giải pháp khoa học giúp “trì hoãn” quá trình lão hóa, hướng tới một cuộc sống khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng qua bài viết dưới đây.
Tuổi sinh học là gì? Vai trò và ý nghĩa thực sự của tuổi sinh học
Quá trình lão hóa là một hiện tượng sinh lý tự nhiên, xảy ra khi các tế bào và mô trong cơ thể dần mất đi khả năng phục hồi và tái tạo. Theo thời gian, cơ thể tích tụ các tế bào lão hóa, DNA bị tổn thương do stress oxy hóa và giảm sản xuất hormone, dẫn đến suy giảm chức năng của các hệ thống sinh học như miễn dịch, tim mạch, thần kinh và nội tiết… Những biến đổi này làm giảm khả năng phục hồi, suy yếu chức năng các cơ quan và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và khả năng thích ứng của cơ thể.
Tuổi sinh học phản ánh mức độ lão hóa của cơ thể dựa trên các yếu tố sinh lý của cơ thể, chứ không chỉ đơn giản là số năm trôi qua kể từ ngày sinh ra (tuổi theo thời gian). Thay vì chỉ đếm số năm, tuổi sinh học đánh giá cách cơ thể hoạt động, khả năng phục hồi của các hệ thống sinh học và mức độ hao mòn, hư hại của các tế bào theo thời gian.
Ví dụ, một người có tuổi theo năm là 50 nhưng nếu các chỉ số sinh lý như chiều dài telomere, mức methyl hóa DNA cho thấy cơ thể hoạt động như của người 40 tuổi, thì người đó có tuổi sinh học trẻ hơn tuổi theo năm.
Việc đánh giá tuổi sinh học không chỉ cung cấp cái nhìn tổng quát về tình trạng sức khỏe hiện tại mà còn định hướng phòng ngừa các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các rối loạn liên quan đến lão hóa. Khi tuổi sinh học vượt trên tuổi theo năm, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cần thay đổi lối sống hoặc áp dụng các biện pháp can thiệp y tế sớm, trong khi việc duy trì tuổi sinh học thấp hơn tuổi thực tế không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn kéo dài tuổi thọ.
Nhận thức rõ về tuổi sinh học giúp người bệnh xác định chính xác mức độ lão hóa của cơ thể và chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt, từ lựa chọn thực phẩm giàu chất chống oxy hoá, tăng cường hoạt động thể chất, kiểm soát cân nặng để phòng ngừa thừa cân và béo phì, quản lý stress, cải thiện giấc ngủ đến việc áp dụng các liệu pháp hỗ trợ hiện đại nhằm nâng cao chức năng tế bào và làm chậm quá trình lão hóa.
Các cách đo lường tuổi sinh học
Để đánh giá tuổi sinh học, các nhà khoa học đã phát triển nhiều phương pháp tiên tiến dựa trên các chỉ số sinh lý. Song song đó, cũng có những cách đánh giá lâm sàng đơn giản hơn, dù độ chính xác không cao bằng. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến được sử dụng:
Đồng hồ biểu sinh (epigenetic clock)
Nói một cách đơn giản, “biểu sinh” là những biến đổi trong hoạt động của gen, phản ánh cách cơ thể phản ứng với môi trường và lối sống theo thời gian. Đồng hồ biểu sinh là công cụ được sử dụng để ước tính tuổi sinh học của một cá nhân dựa trên mức độ methyl hóa của DNA.
Methyl hóa DNA là quá trình sinh lý tự nhiên, trong đó cơ thể thường xuyên gắn các nhóm methyl vào DNA – chủ yếu tại các vị trí CpG (nơi cytosine nằm cạnh guanine) – nhằm điều chỉnh hoạt động của các gen. Những mức độ methyl hóa này thay đổi theo tuổi tác một cách có quy luật, do đó các nhà khoa học đã xây dựng các thuật toán hồi quy dựa trên dữ liệu từ nhiều cá nhân ở các độ tuổi khác nhau để tính toán ra chỉ số tuổi sinh học, phản ánh mức độ lão hóa của cơ thể so với tuổi theo năm.
Một trong những đồng hồ biểu sinh nổi tiếng là “đồng hồ Horvath”, được phát triển bởi Tiến sĩ Steve Horvath – Giáo sư Di truyền học tại Đại học Cambridge. Đồng hồ này phân tích mức độ methyl hóa tại 353 vị trí CpG để dự đoán tuổi sinh học với độ chính xác cao.
Hiện nay, ngoài đồng hồ Horvath, đã có sự phát triển của một số đồng hồ biểu sinh khác như PhenoAge, GrimAge và DunedinPACE. Các đồng hồ này cũng sử dụng dữ liệu methyl hóa DNA để ước tính tuổi sinh học, được đánh giá là những phương pháp hiện đại và có độ tin cậy cao, giúp cung cấp cái nhìn toàn diện về quá trình lão hóa của cơ thể.
Đo chiều dài telomere
Telomere là những đoạn DNA lặp lại nằm ở cuối mỗi nhiễm sắc thể, hoạt động như “nắp bảo vệ” cho các sợi DNA, ngăn ngừa sự mất mát của thông tin di truyền trong quá trình tế bào phân chia.
Trong quá trình trưởng thành, các tế bào phân chia, các telomere dần dần rút ngắn và mức độ rút ngắn này được sử dụng để đánh giá tuổi sinh học của cơ thể. Telomere càng ngắn cho thấy tế bào đã trải qua nhiều lần phân chia, qua đó cơ thể được đánh giá là “già” hơn về mặt sinh học.
Hiện nay, để đo chiều dài telomere, các nhà khoa học thiết kế các đoạn DNA ngắn (telobait) để gắn vào phần đuôi của telomere trên nhiễm sắc thể. Sau khi nối các telobait vào telomere, họ sử dụng hạt từ (streptavidin bead) – đóng vai trò như nam châm để tách ra các đoạn DNA có chứa telomere. Các đoạn DNA này sau đó được giải trình tự bằng nền tảng giải trình tự độ trung thực cao PacBio HiFi, cho phép đo chính xác chiều dài telomere tới mức độ nucleotide.
Tuy nhiên, chiều dài telomere có thể bị ảnh hưởng các yếu tố môi trường như stress, chế độ ăn uống, ô nhiễm và thói quen sinh hoạt, cũng như sự đa dạng di truyền giữa các cá nhân nên độ chính xác của phương pháp này có thể bị giảm so với xét nghiệm methyl hóa DNA.
Các chỉ dấu sinh hoá (biochemical marker)
Các chỉ dấu sinh hóa đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tuổi sinh học và phản ánh tình trạng lão hóa của cơ thể. Những chỉ dấu này được đo lường từ các dịch cơ thể như máu và nước tiểu, bao gồm các thông tin đa dạng về mức độ viêm, chuyển hóa, nội tiết và hoạt động miễn dịch.
Ví dụ:
- Mức độ viêm thường được đánh giá qua các chỉ số như protein C-reactive (CRP), interleukin-6 (IL-6) và tumor necrosis factor-alpha (TNF-α), giúp xác định mức độ viêm nhiễm, một yếu tố góp phần vào quá trình lão hóa và sự phát triển của các bệnh mạn tính.
- Bên cạnh đó, các chỉ dấu chuyển hóa như nồng độ insulin, glucose và lipid trong máu cho biết khả năng điều chỉnh chuyển hóa của cơ thể.
- Mức hormone bao gồm cortisol, hormone tuyến giáp và hormone sinh dục, cũng được sử dụng để đánh giá chức năng nội tiết, qua đó phản ánh mức độ lão hóa của hệ thống.
- Cuối cùng, các chỉ dấu liên quan đến hệ miễn dịch như các cytokine và protein đặc hiệu, đóng vai trò quan trọng trong việc đo lường tình trạng lão hóa của cơ thể.
Đánh giá lâm sàng
Các chỉ số như độ đàn hồi của da, sức mạnh bàn tay (grip strength) và mật độ xương cũng được sử dụng để đánh giá mức độ lão hóa của cơ thể. Ví dụ, da mất độ đàn hồi thường cho thấy quá trình lão hóa nhanh chóng, trong khi giảm mật độ xương được xác định qua các kỹ thuật đo như DEXA (dual-energy X-ray absorptiometry) cảnh báo nguy cơ loãng xương.
Ngoài ra, sức mạnh bàn tay (grip strength) có thể được xem là một dấu hiệu quan trọng phản ánh quá trình lão hóa sinh học, có mối tương quan chặt chẽ với sức mạnh cơ bắp toàn thân, khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, chất lượng cuộc sống và mức độ suy giảm sức khỏe sau này.
Việc kết hợp những chỉ số này cung cấp một bức tranh tổng thể và chi tiết về quá trình lão hóa sinh học, giúp các chuyên gia y tế đánh giá khả năng chống chịu của cơ thể với các bệnh lý mạn tính. Nhờ đó, nó không chỉ ước lượng tuổi sinh học mà còn đưa ra các can thiệp y tế kịp thời nhằm cải thiện sức khỏe, tối ưu hóa chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Những yếu tố có thể ảnh hưởng tới tuổi sinh học
Tuổi sinh học của mỗi người không chỉ bị chi phối bởi tuổi theo năm mà còn bởi nhiều yếu tố bên ngoài và nội tại. Các yếu tố này có thể làm tăng tốc độ lão hóa hoặc giúp làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.
Béo phì
Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ rõ rệt giữa béo phì và sự lão hóa sinh học tăng tốc. Các nghiên cứu cho thấy chỉ số khối cơ thể (BMI) cao có mối tương quan trực tiếp với sự gia tăng tốc độ đồng hồ biểu sinh, đặc biệt ở mô gan.
Bên cạnh đó, phụ nữ tăng trên 19,3% trọng lượng cơ thể trong vòng một thập kỷ có xu hướng rút ngắn telomere, tương đương với việc lão hóa sinh học nhanh hơn từ 4,5-5,7 năm so với những phụ nữ không tăng cân.
Lối sống
- Chế độ ăn uống: việc tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa, đường tinh luyện và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng mức cholesterol xấu trong máu, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và có thể thúc đẩy quá trình lão hóa, trong khi chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và làm chậm quá trình lão hóa.
- Hoạt động thể chất: tập luyện thường xuyên không chỉ giúp duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng mà còn cải thiện khả năng trao đổi chất, tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
- Ngủ: giấc ngủ là thời điểm quý báu để cơ thể tự phục hồi và tái tạo, khi đó các tế bào được sửa chữa và đổi mới. Thiếu ngủ gây cản trở quá trình này và thúc đẩy sự lão hóa sớm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
- Stress căng thẳng: căng thẳng kéo dài kích hoạt các phản ứng viêm và tổn thương DNA trong tế bào, từ đó thúc đẩy quá trình lão hóa. Quản lý stress hiệu quả giúp bảo vệ cấu trúc của tế bào và duy trì tuổi sinh học ở mức thấp.
Di truyền
Gen di truyền đóng vai trò quan trọng trong tốc độ lão hóa của cơ thể:
- Những người sở hữu bộ telomere dài nhờ vào các đặc điểm di truyền thuận lợi thường có khả năng bảo vệ nhiễm sắc thể tốt hơn và do đó trải qua quá trình lão hóa chậm hơn, giúp tuổi sinh học của họ “trẻ” hơn so với tuổi thực tế.
- Ngược lại, những người có di truyền không thuận lợi với bộ telomere ngắn lại dễ bị lão hóa nhanh, dẫn đến tuổi sinh học cao hơn so với số năm tuổi của bệnh nhân.
Môi trường
Tiếp xúc với các yếu tố môi trường như ô nhiễm không khí, chất độc hại và áp lực từ công việc hoặc xã hội có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể. Những yếu tố này làm tăng sản xuất các gốc tự do, dẫn đến tổn thương DNA và rút ngắn telomere – phần bảo vệ ở đầu nhiễm sắc thể.
Khi telomere ngắn lại, khả năng phân chia và tái tạo của tế bào giảm, góp phần vào quá trình lão hóa. Do đó, việc duy trì môi trường sống trong lành và lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ telomere và sức khỏe tổng thể.
Sự kết hợp của các yếu tố lối sống, di truyền và môi trường tạo nên sự đa dạng trong tốc độ lão hóa của mỗi cá nhân. Hiểu được những yếu tố này sẽ giúp chúng ta chủ động điều chỉnh thói quen sống và đưa ra các biện pháp can thiệp sớm để làm chậm quá trình lão hóa.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Làm thế nào để “trì hoãn” tuổi sinh học?
Để làm chậm quá trình lão hóa và duy trì tuổi sinh học thấp, cần có sự can thiệp tổng hợp từ nhiều mặt. Dưới đây là một số chiến lược khoa học đã được chứng minh hiệu quả:
Chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung chất chống oxy hoá
Một chế độ ăn uống lành mạnh là nền tảng quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và làm chậm quá trình lão hóa. Điều này đòi hỏi việc ưu tiên tiêu thụ các thực phẩm tự nhiên, cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các nguồn protein chất lượng cao. Đồng thời, cần hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo bão hòa, đường tinh luyện và chất bảo quản, vì có thể thúc đẩy quá trình lão hóa.
Bên cạnh chế độ ăn uống, các nghiên cứu hiện nay cho thấy bổ sung các chất chống oxy hóa là chiến lược hiệu quả để bảo vệ tế bào khỏi tác động của các gốc tự do và giảm stress oxy hóa – một yếu tố quan trọng góp phần vào quá trình lão hóa:
- Các hợp chất tự nhiên như resveratrol, vitamin C, vitamin E, coenzyme Q10, glutathione và polyphenol đã được chứng minh có khả năng tăng cường hệ thống chống oxy hóa, bảo vệ DNA và telomere khỏi tổn thương do các gốc tự do và duy trì chức năng tế bào.
- Một phương thức nữa là bổ sung đường uống các chất tăng cường NAD+, chẳng hạn như nicotinamide mononucleotide (NMN) và nicotinamide riboside (NR), thường được sử dụng dưới dạng thực phẩm chức năng đạt chuẩn GMP. Tăng cường NAD+ giúp tăng cường hoạt động của sirtuin, một loại protein có vai trò bảo vệ và duy trì chức năng của các telomere.
- Vitamin B3 (niacin) và tryptophan có nhiều trong thịt, cá, đậu, ngũ cốc, rau xanh, các loại hạt cũng là những tiền chất quan trọng giúp tổng hợp NAD+ tự nhiên. Việc bổ sung các chất này bằng một chế độ ăn cân bằng không chỉ giúp tăng cường nồng độ NAD+ trong cơ thể mà còn hỗ trợ chức năng tế bào, cải thiện trao đổi chất và tăng cường sức đề kháng.
Nhờ đó, quá trình lão hóa được làm chậm lại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. Mặc dù vậy, hiện tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào cho mục đích chống lão hóa.
Tăng cường hoạt động thể chất
Tập thể dục thường xuyên giúp bảo vệ và duy trì độ dài telomere thông qua việc giảm stress oxy hóa và viêm mạn tính, từ đó giúp bảo vệ telomere. Ngoài ra, hoạt động thể chất ít nhất 150 phút/tuần bằng đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội hoặc tham gia các lớp thể dục cũng giúp tăng cường trao đổi chất, cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng cường chức năng cơ bắp.
Kiểm soát cân nặng
Theo dõi cân nặng định kỳ giúp nhận biết sớm những thay đổi trong cơ thể, từ đó điều chỉnh kịp thời chế độ ăn uống và thói quen tập luyện. Ghi chép cân nặng hàng ngày hoặc hàng tuần giúp phát hiện xu hướng tăng giảm cân bất thường, cho phép người bệnh can thiệp kịp thời.
Để kiểm soát cân nặng hiệu quả, nên tham khảo ý kiến Bác sĩ chuyên khoa Dinh dưỡng. Sự tư vấn chuyên môn giúp cá nhân hóa kế hoạch giảm cân, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và lối sống phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi người.
Từ bỏ dần các thói quen xấu
- Ngưng thuốc lá: hút thuốc lá làm gia tăng mức độ stress oxy hóa và tăng tốc độ lão hóa. Vì vậy, từ bỏ thuốc lá là một trong những bước quan trọng để duy trì sức khỏe lâu dài.
- Giảm tiêu thụ rượu bia: uống rượu quá mức có thể gây tổn thương gan và các cơ quan nội tạng, đồng thời góp phần vào quá trình lão hóa.
Quản lý stress và cải thiện giấc ngủ
Giấc ngủ đủ và chất lượng 7-8 giờ/đêm giúp cơ thể tái tạo và phục hồi các tế bào, đồng thời cân bằng hormone trong cơ thể, từ đó làm chậm quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, việc giảm căng thẳng thông qua các phương pháp, như tập thiền và yoga, giúp giảm tình trạng viêm trong cơ thể, từ đó cải thiện tuổi sinh học và ngăn ngừa lão hóa sớm.
Các công nghệ và kỹ thuật hiện đại
Hiện nay, nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ và y học, nhiều phương pháp hiện đại nhằm trì hoãn lão hóa và cải thiện tuổi sinh học vẫn còn đang được nghiên cứu. Ví dụ:
- Liệu pháp tiêm truyền glutathione có thể được áp dụng để giảm stress oxy hóa, trắng da và hỗ trợ phục hồi tế bào. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng, hiện nay, FDA Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam vẫn chưa cho phép sử dụng glutathione tiêm tĩnh mạch dùng cho mục đích này.
- Một hướng đi tiên phong khác hiện vẫn còn đang được nghiên cứu là liệu pháp senolytic, trong đó sử dụng các loại thuốc chuyên dụng như dasatinib, quercetin và fisetin để loại bỏ các tế bào lão hóa (senescent cell) tích tụ trong cơ thể, bằng cách kích hoạt quá trình apoptosis (chết tế bào theo chương trình). Việc loại bỏ những tế bào này giúp giảm viêm nhiễm, hạn chế tổn thương mô và duy trì chức năng của các cơ quan theo thời gian.
- Bên cạnh đó, công nghệ chỉnh sửa gen, đặc biệt là CRISPR-Cas9, đang được nghiên cứu để loại bỏ hoặc điều chỉnh các gen tham gia vào các con đường p16INK4a-pRB và p53-p21, vốn là hai con đường tín hiệu quan trọng trong việc điều chỉnh chu kỳ tế bào và sự lão hóa tế bào, mở ra khả năng “làm chậm” quá trình lão hóa ngay từ cấp độ di truyền.
Theo dõi sức khỏe định kỳ
Theo dõi sức khỏe định kỳ là yếu tố then chốt giúp duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Các chỉ số sinh lý, chẳng hạn như mức methyl hóa DNA và chiều dài telomere, là những phương pháp tân tiến giúp cung cấp cái nhìn về mức độ lão hóa sinh học của cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam chưa có cơ sở chuyên sâu nào cung cấp dịch vụ xét nghiệm này.
Thay vào đó, người bệnh nên chủ động thăm khám Bác sĩ định kỳ để tầm soát và phát hiện những dấu hiệu lão hoá sớm, như giảm sức mạnh bàn tay, da chảy xệ, mất đàn hồi, giảm mật độ xương hay các rối loạn liên quan đến nội tiết và mỡ máu. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể lão hóa nhanh hơn, từ đó có thể điều chỉnh lối sống một cách hợp lý và áp dụng các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết. Việc này không chỉ giúp duy trì sức khỏe lâu dài mà còn phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trong tương lai.
Tuổi sinh học là một chỉ số quan trọng giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể và mức độ lão hóa của cơ thể. Để làm chậm quá trình lão hóa và duy trì tuổi sinh học trẻ trung, việc áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thường xuyên, quản lý stress và ngủ đủ giấc là vô cùng cần thiết. Đồng thời, theo dõi sức khỏe định kỳ và tham vấn bởi chuyên gia y tế sẽ giúp cá nhân có được những can thiệp kịp thời, phù hợp với nhu cầu và tình trạng cụ thể của mình.
Tài liệu tham khảo
- Cleveland Clinic. Biological Age: What It Is and How You Can Measure It. [online] Available at: https://health.clevelandclinic.org/biological-age [Accessed 21 March 2025]
- Lin J, Epel E. Stress and telomere shortening: Insights from cellular mechanisms. Ageing Res Rev. 2022;73:101507. doi:10.1016/j.arr.2021.101507
- Schellnegger M, Hofmann E, et al. Unlocking longevity: the role of telomeres and its targeting interventions. Front Aging. 2024;5:1339317. Published 2024 Jan 25. doi:10.3389/fragi.2024.1339317
- European Society of Cardiology. Endurance but not resistance training has anti-aging effects. [online] Available at: https://www.escardio.org/The-ESC/Press-Office/Press-releases/endurance-but-not-resistance-training-has-anti-aging-effects [Accessed 21 March 2025]
- Robby Berman. Lack of hand grip strength may indicate premature aging, research shows. [online] Available at: https://www.medicalnewstoday.com/articles/lack-of-grip-strength-may-indicate-premature-aging [Accessed 21 March 2025]
- Horvath S, Erhart W, et al. Obesity accelerates epigenetic aging of human liver. Proc Natl Acad Sci U S A. 2014;111(43):15538-15543. doi:10.1073/pnas.1412759111
- Tucker LA, Brockbank JA. Weight Change over Ten Years Predicts Biological Aging in a Random Sample of 3070 U.S. Adults. Nutrients. 2023;15(13):2862. Published 2023 Jun 24. doi:10.3390/nu15132862
- Tham CY, Poon L, et al. High-throughput telomere length measurement at nucleotide resolution using the PacBio high fidelity sequencing platform. Nat Commun. 2023;14(1):281. Published 2023 Jan 17. doi:10.1038/s41467-023-35823-7
- Zammit AR, Robitaille A, et al. Associations Between Aging-Related Changes in Grip Strength and Cognitive Function in Older Adults: A Systematic Review. J Gerontol A Biol Sci Med Sci. 2019;74(4):519-527. doi:10.1093/gerona/gly046
- Tucker LA, Brockbank JA. Weight Change over Ten Years Predicts Biological Aging in a Random Sample of 3070 U.S. Adults. Nutrients. 2023;15(13):2862. Published 2023 Jun 24. doi:10.3390/nu15132862
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.