Giảm cân là hành trình đòi hỏi sự kiên trì và phương pháp đúng đắn, nhưng không ít người dù đã cố gắng vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Nguyên nhân có thể đến từ những sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải, những nguyên nhân này vô tình cản trở quá trình đốt mỡ và duy trì vóc dáng. Bài viết này sẽ chỉ ra 5 sai lầm thường gặp khiến giảm cân thất bại, giúp bạn điều chỉnh chiến lược và đạt được hiệu quả tối ưu hơn.
5 sai lầm thường gặp khiến giảm cân thất bại
Không kiểm soát được cảm giác đói và thèm ăn
Cảm giác đói và thèm ăn không thể kiểm soát có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các yếu tố sinh lý, hormone và thói quen sinh hoạt. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này:
Không phân biệt được đói và thèm ăn
Một trong những nguyên nhân khiến quá trình giảm cân thất bại là không phân biệt được đâu là cảm giác đói thực sự và đâu là thèm ăn do tâm lý. Đói sinh lý xảy ra khi cơ thể thực sự cần năng lượng, thường đi kèm với dấu hiệu như dạ dày kêu, cơ thể mệt mỏi hoặc chóng mặt. Ngược lại, cơn thèm ăn lại bị chi phối bởi cảm xúc, thói quen hoặc tác động từ môi trường xung quanh.
Những người không kiểm soát được thèm ăn thường dễ bị ảnh hưởng bởi mùi hương, hình ảnh món ăn hấp dẫn hoặc những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, căng thẳng. Những người này ăn không phải vì đói, mà vì não bộ bị kích thích, tạo cảm giác khao khát một loại thực phẩm nhất định. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ dư thừa calo mà không thực sự cần thiết, gây cản trở quá trình giảm cân.
Chế độ ăn kiêng quá khắc nghiệt dẫn đến thèm ăn mất kiểm soát
Một sai lầm phổ biến là áp dụng chế độ ăn kiêng quá nghiêm ngặt, loại bỏ hoàn toàn những món ăn yêu thích hoặc cắt giảm calo quá mức. Khi bị giới hạn thực phẩm quá nhiều, cơ thể không chỉ rơi vào trạng thái thiếu năng lượng mà còn kích hoạt cơ chế “khát khao” những thực phẩm bị cấm. Điều này khiến người ăn kiêng dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát, ăn bù vào những ngày tiếp theo, gây ra hiệu ứng “yoyo” – cân nặng giảm rồi tăng trở lại nhanh chóng.
Bên cạnh đó, nếu chế độ ăn thiếu cân bằng, không cung cấp đủ protein, chất xơ và vi chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin B, vitamin D, sắt, kẽm hay magie, cơ thể sẽ càng dễ bị rối loạn chuyển hóa. Điều này không chỉ làm tăng cảm giác thèm ăn mà còn khiến quá trình đốt mỡ bị chậm lại, khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn.
Dễ bị tác động bởi môi trường và cảm xúc
Nhiều người gặp khó khăn trong việc kiểm soát thèm ăn do quá dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Những hình ảnh món ăn hấp dẫn trên mạng xã hội, hương thơm từ quán ăn quen thuộc hay thậm chí một kỷ niệm liên quan đến thực phẩm cũng có thể khiến họ không cưỡng lại được cơn thèm.
Không chỉ vậy, cảm xúc cũng đóng vai trò lớn trong việc kích thích thèm ăn. Khi căng thẳng, lo âu hoặc buồn bã, nhiều người tìm đến thực phẩm như một cách giải tỏa, đặc biệt là các món chứa nhiều đường và chất béo. Đây là cơ chế tự nhiên của não bộ khi muốn kích thích sản xuất dopamine – chất dẫn truyền thần kinh giúp tạo cảm giác thư giãn và dễ chịu.
Thiếu ngủ và mất cân bằng hormone làm tăng thèm ăn
Giấc ngủ kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn làm rối loạn hormone kiểm soát cảm giác đói và thèm ăn. Khi ngủ không đủ giấc, cơ thể tăng sản xuất ghrelin (hormone gây đói) và giảm leptin (hormone tạo cảm giác no), khiến người ăn kiêng có xu hướng thèm thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột hơn bình thường.
Bên cạnh đó, những thay đổi hormone trong cơ thể, đặc biệt là ở phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt, cũng có thể làm tăng cảm giác thèm ăn. Khi nồng độ estrogen giảm và progesterone tăng, cơ thể thường “đòi hỏi” nhiều năng lượng hơn, đặc biệt là từ các thực phẩm ngọt và giàu tinh bột.
Hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng khiến cơn thèm ăn trở nên khó kiểm soát
Vi khuẩn đường ruột có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cơn thèm ăn. Khi hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng, một số loại vi khuẩn có thể phát triển mạnh mẽ hơn khi có nguồn cung cấp đường, từ đó kích thích não bộ gửi tín hiệu khiến người bệnh khao khát thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột. Nếu không nhận diện và kiểm soát đúng cách, những yếu tố trên sẽ tạo thành một vòng lặp tiêu cực, khiến việc giảm cân thất bại dù đã rất nỗ lực.
Ước lượng calo nạp vào và khẩu phần ăn chưa chính xác
Khả năng ước lượng chính xác lượng calo tiêu thụ đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người đều mắc sai số đáng kể khi tự ước tính năng lượng nạp vào và tiêu hao. Sai số này có thể bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống, cường độ tập luyện và khả năng nhận thức về calo trong thực phẩm.
Ước lượng sai khẩu phần ăn
Nhiều người có xu hướng đánh giá thấp lượng thức ăn mình tiêu thụ, đặc biệt khi không có thói quen cân đo khẩu phần:
- Một nghiên cứu của Livingstone & Black (2003) cho thấy người trưởng thành có thể đánh giá thấp lượng calo nạp vào từ 10-45%, trong đó nhóm thừa cân và béo phì thậm chí mắc sai số cao hơn.
- Nghiên cứu của Lichtman (1992) cũng chỉ ra rằng, người béo phì thường báo cáo lượng calo tiêu thụ thấp hơn thực tế trung bình 47%, đồng thời đánh giá quá cao mức tiêu hao năng lượng lên đến 51%.
Điều này có thể góp phần giải thích tại sao nhiều người gặp khó khăn trong việc giảm cân dù họ cho rằng họ đang áp dụng chế độ ăn kiêng hợp lý.
Calo ẩn từ đồ uống
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không kiểm soát được cân nặng là không tính đến lượng calo từ đồ uống. Các loại nước ngọt có đường, nước ép trái cây và cà phê pha sữa có thể đóng góp đáng kể vào tổng năng lượng hàng ngày, nhưng không phải ai cũng xem đây là nguồn calo quan trọng.
Ngoài ra, calo từ đồ uống có đường thường không tạo cảm giác no như thực phẩm rắn, khiến cơ thể tiếp tục tiêu thụ thêm mà không nhận ra. Điều này dẫn đến tình trạng hấp thụ quá nhiều calo mà không có sự điều chỉnh hợp lý trong chế độ ăn uống.
Gia vị và sốt – “thủ phạm” giấu mặt
Dầu ăn, nước sốt, mayonnaise, bơ hay các loại gia vị khác có thể làm tăng đáng kể tổng calo nạp vào nhưng thường bị bỏ qua khi tính toán. Việc thêm nước sốt vào bữa ăn có thể làm tăng tổng lượng calo lên đến 30% mà người ăn không nhận thức được.
Chẳng hạn, một muỗng dầu ăn (~14g) có thể cung cấp tới 120kcal, trong khi một khẩu phần salad với sốt có thể chứa lượng calo tương đương với một bữa ăn chính. Đây là lý do nhiều người cho rằng họ đang ăn uống lành mạnh như salad trộn nhưng thực tế lại tiêu thụ quá nhiều calo.
Tác động của cường độ tập luyện lên ước tính calo
Khả năng ước lượng calo tiêu hao cũng bị ảnh hưởng bởi cường độ tập luyện:
- Trong nghiên cứu của Willbond (2010), hầu hết người tham gia đánh giá quá cao lượng calo tiêu hao sau khi tập luyện, đặc biệt là những người thừa cân hoặc ít vận động. Ở cường độ trung bình, cả người có cân nặng bình thường và người thừa cân đều có thể ước tính gần chính xác mức tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên, sau bài tập cường độ cao, nhóm người thừa cân có xu hướng đánh giá quá cao lượng calo tiêu hao hơn so với các nhóm khác, dẫn đến tình trạng ăn bù nhiều hơn mức cần thiết.
- Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, sai số trong việc ước tính năng lượng tiêu thụ và tiêu hao khi tập luyện rất lớn. Cụ thể, một số người tiêu thụ ít hơn 220kcal so với mức năng lượng cần thiết, trong khi những người khác lại nạp vào nhiều hơn 543kcal mà không hề hay biết.
Ảnh hưởng của hệ tiêu hóa lên sự hấp thu thực phẩm
Tiêu hóa là một quá trình phức tạp, khiến lượng calo ghi trên nhãn thực phẩm không phản ánh chính xác số calo cơ thể thực sự hấp thụ. Quá trình tiêu hoá bắt đầu từ miệng, nơi enzyme phân giải thực phẩm thành phân tử nhỏ hơn, tiếp tục ở dạ dày và ruột để tạo ra đường và acid amin, cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Theo tính toán truyền thống, chất béo cung cấp 9kcal/g, carbohydrate và protein cung cấp 4kcal/g, còn chất xơ chỉ cung cấp khoảng 2kcal/g. Tuy nhiên, những con số này chỉ mang tính ước tính, vì khả năng hấp thu calo phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Tính chất thực phẩm: một số thực phẩm có cấu trúc bền vững, khó tiêu hóa.
- Cách chế biến: luộc, nướng hay sử dụng lò vi sóng có thể thay đổi cấu trúc thực phẩm, ảnh hưởng đến sự hấp thu calo.
- Năng lượng tiêu hao trong tiêu hóa: cơ thể tốn nhiều năng lượng hơn để tiêu hóa protein so với chất béo.
- Vi khuẩn đường ruột: hệ vi sinh vật hỗ trợ tiêu hóa nhưng cũng tiêu thụ một phần calo.
Do đó, chỉ dựa vào nhãn calo để điều chỉnh chế độ ăn có thể không chính xác. Dù khoa học dinh dưỡng không ngừng cải thiện cách tính calo, nhưng hệ tiêu hóa phức tạp khiến việc đưa ra con số tuyệt đối vẫn là thách thức.
Không có lộ trình giảm cân thích hợp
Nhiều người khi bắt đầu giảm cân thường rơi vào tình trạng mất kiểm soát, thử hết phương pháp này đến phương pháp khác nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Việc cắt giảm calo đột ngột, tập luyện quá sức hoặc áp dụng những chế độ ăn kiêng khắt khe mà không có kế hoạch cụ thể khiến cơ thể nhanh chóng rơi vào trạng thái kiệt quệ, mất cơ thay vì giảm mỡ và thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Đặt mục tiêu không thực tế
Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi giảm cân là đặt mục tiêu quá cao hoặc không phù hợp với tình trạng cơ thể. Nhiều người chỉ tập trung vào việc giảm càng nhiều cân càng tốt trong thời gian ngắn mà không quan tâm đến tỷ lệ mỡ và cơ. Điều này dẫn đến các phương pháp giảm cân tiêu cực như nhịn ăn quá mức, sử dụng thuốc giảm cân không kiểm chứng hoặc tập luyện quá sức, gây mất nước, giảm khối cơ và làm chậm quá trình trao đổi chất.
Chỉ số BMI thường được sử dụng để đánh giá cân nặng, nhưng nếu chỉ dựa vào chỉ số này mà không xem xét tỷ lệ mỡ và cơ, việc đặt mục tiêu giảm cân có thể trở nên sai lệch. Chẳng hạn, một người có BMI cao nhưng tỷ lệ cơ lớn vẫn có thể khỏe mạnh hơn người có BMI bình thường nhưng tỷ lệ mỡ cao. Nếu không có sự đánh giá chính xác từ bác sĩ hoặc chuyên gia, việc giảm cân có thể không đạt hiệu quả như mong muốn và dễ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Không theo dõi chế độ ăn uống và sinh hoạt
Một lý do khiến nhiều người thất bại khi giảm cân là không hiểu rõ thói quen ăn uống và sinh hoạt của mình:
- Việc ăn uống theo cảm tính, ăn vặt không kiểm soát hoặc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn mà không nhận ra là nguyên nhân khiến cân nặng khó giảm.
- Bên cạnh đó, nhiều người cũng bỏ qua việc đánh giá mức độ vận động hàng ngày. Tưởng rằng chỉ cần tập luyện cường độ cao vài buổi mỗi tuần là đủ, nhưng lại không quan tâm đến tổng lượng calo tiêu hao hàng ngày.
- Ngồi quá lâu, ít vận động và không duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên cũng là nguyên nhân làm chậm tiến trình giảm cân.
- Ngoài ra, yếu tố giấc ngủ và căng thẳng cũng bị nhiều người xem nhẹ. Ngủ không đủ giấc làm tăng hormone ghrelin (gây đói) và giảm leptin (tạo cảm giác no), khiến cơ thể dễ thèm ăn và tích trữ mỡ nhiều hơn.
- Căng thẳng kéo dài cũng khiến cơ thể tiết nhiều cortisol, làm chậm quá trình đốt mỡ và thúc đẩy tích tụ mỡ ở vùng bụng.
Cắt giảm calo không khoa học
Một sai lầm phổ biến khác là cắt giảm calo quá mức với mong muốn giảm cân nhanh. Khi lượng calo nạp vào quá thấp, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái “bảo tồn năng lượng”, giảm tốc độ trao đổi chất và sử dụng cơ bắp thay vì mỡ để duy trì hoạt động. Điều này khiến cân nặng có thể giảm nhanh lúc đầu nhưng sau đó rất dễ tăng trở lại khi quay về chế độ ăn bình thường.
Bên cạnh đó, nhiều người chỉ tập trung vào việc giảm lượng calo mà không chú ý đến chất lượng dinh dưỡng. Ăn uống thiếu cân bằng, cắt bỏ hoàn toàn một nhóm thực phẩm như tinh bột hoặc chất béo không chỉ gây rối loạn chuyển hóa mà còn khiến cơ thể suy nhược, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Việc không kiểm soát lượng protein nạp vào cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm cơ thay vì giảm mỡ. Protein đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cơ bắp và tăng cảm giác no, nhưng nếu không bổ sung đủ, cơ thể dễ bị suy giảm khối cơ, làm chậm quá trình trao đổi chất và giảm khả năng đốt mỡ hiệu quả.
Tin vào các chương trình quảng cáo phi thực tế
Nhiều người mong muốn giảm cân nhanh chóng mà không cần thay đổi thói quen ăn uống hay tập luyện nên tìm đến các spa giảm cân với kỳ vọng đạt được vóc dáng thon gọn chỉ sau vài buổi trị liệu. Tuy nhiên, việc lựa chọn sai phương pháp và địa điểm giảm cân có thể không chỉ khiến nỗ lực giảm cân thất bại mà còn gây ra những hậu quả khó lường về sức khỏe.
Tưởng nhầm giảm mỡ cục bộ là giảm cân toàn diện
Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi đến các spa giảm cân là kỳ vọng có thể giảm cân chỉ bằng các liệu pháp tác động bên ngoài như massage tan mỡ, quang đông hủy mỡ, RF hay HIFU. Các phương pháp này chỉ có tác dụng tạm thời, giúp giảm mỡ ở một số vùng nhất định nhưng không ảnh hưởng đến cân nặng tổng thể.
Trên thực tế, giảm cân là một quá trình đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm chế độ dinh dưỡng, vận động và lối sống. Nếu chỉ dựa vào các phương pháp giảm mỡ cục bộ mà không kiểm soát lượng calo nạp vào và tiêu hao, cân nặng vẫn không thay đổi hoặc nhanh chóng trở lại mức ban đầu sau khi kết thúc liệu trình.
Thiếu sự giám sát y khoa, dễ gặp rủi ro sức khỏe
Không giống như các phòng khám chuyên sâu về giảm cân, nhiều spa không có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Điều này dẫn đến tình trạng tư vấn thiếu chính xác, sử dụng các phương pháp không phù hợp với thể trạng từng người.
Một số spa còn lạm dụng thuốc giảm cân hoặc thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc để đẩy nhanh hiệu quả. Các sản phẩm này có thể chứa thành phần cấm như sibutramine, ephedrine hoặc chất lợi tiểu mạnh, gây mất nước tạm thời nhưng không giảm mỡ thực sự. Khi ngừng sử dụng, cân nặng có thể tăng trở lại nhanh chóng, kèm theo các tác dụng phụ nguy hiểm như rối loạn tim mạch, suy gan, suy thận và mất cân bằng nội tiết.
Hiệu quả không bền vững, dễ tăng cân trở lại
Các phương pháp giảm béo tại spa thường không đi kèm với chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý. Vì vậy, dù có thể thấy thay đổi tạm thời về số đo, nhưng nếu không điều chỉnh thói quen ăn uống và lối sống, mỡ sẽ quay trở lại nhanh chóng. Nhiều người sau khi thực hiện các liệu trình tại spa rơi vào tình trạng “tăng cân bù” do không kiểm soát được chế độ ăn uống.
Khi cơ thể không được thiết lập lại thói quen lành mạnh, việc tăng cân sau điều trị là điều khó tránh khỏi. Điều này khiến nhiều người phải tiếp tục tìm đến các dịch vụ giảm mỡ khác, tạo ra vòng lặp thất bại liên tục trong quá trình kiểm soát cân nặng.
Giá thành cao nhưng không đi kèm kết quả thực sự
Các dịch vụ giảm béo tại spa thường có giá thành cao nhưng không đảm bảo hiệu quả lâu dài. Nhiều cơ sở quảng cáo với những cam kết hấp dẫn như “giảm 10kg trong 1 tháng”, “giảm cân không cần tập luyện”, nhưng thực tế, các phương pháp này chỉ tác động tạm thời lên bề mặt mô mỡ mà không thay đổi được yếu tố cốt lõi như trao đổi chất hay thói quen sinh hoạt.
Không ít người sau khi chi hàng chục triệu đồng cho các liệu trình giảm béo tại spa nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Khi cân nặng không thay đổi đáng kể hoặc nhanh chóng tăng trở lại, họ cảm thấy thất vọng và mất niềm tin vào các phương pháp giảm cân khoa học.
Áp dụng các phương pháp giảm cân nhanh
Nhiều người mong muốn có được vóc dáng thon gọn trong thời gian ngắn mà không tìm hiểu kỹ về những hậu quả có thể xảy ra. Thực tế, việc giảm cân cấp tốc không chỉ kém bền vững mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.
Giảm cân nhanh gây rối loạn chuyển hóa và dễ tăng cân trở lại
Khi cơ thể bị cắt giảm calo đột ngột, quá trình trao đổi chất sẽ chậm lại nhằm bảo tồn năng lượng. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ đốt cháy ít calo hơn mỗi ngày, dẫn đến tình trạng “thích nghi trao đổi chất”. Khi quay lại chế độ ăn bình thường, cơ thể có xu hướng tích trữ mỡ nhiều hơn, khiến cân nặng nhanh chóng tăng trở lại.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hầu hết những người giảm cân nhanh đều tăng lại số cân đã mất trong vòng 3-5 năm. Nguyên nhân không chỉ do sự thay đổi trong trao đổi chất mà còn bởi thói quen ăn uống không được điều chỉnh hợp lý ngay từ đầu.
Mất khối cơ thay vì giảm mỡ
Một trong những nguy cơ lớn nhất của việc giảm cân nhanh là mất cơ bắp. Khi cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng, nó sẽ sử dụng cả mô mỡ và cơ bắp để bù đắp. Điều này không chỉ làm giảm sức mạnh cơ thể mà còn khiến tốc độ trao đổi chất suy giảm, khiến việc kiểm soát cân nặng về lâu dài trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, khối cơ đóng vai trò quan trọng trong việc đốt cháy calo ngay cả khi cơ thể nghỉ ngơi. Khi bị mất đi, cơ thể sẽ cần ít năng lượng hơn, dẫn đến tình trạng tăng cân dễ dàng hơn ngay khi ăn uống bình thường trở lại.
Thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng sức khỏe
Các chế độ ăn kiêng khắc nghiệt để giảm cân nhanh thường không cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, vitamin B12, vitamin D hay magie. Điều này có thể gây ra một loạt vấn đề sức khỏe như:
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể: khi không đủ năng lượng và dưỡng chất, cơ thể dễ bị kiệt sức, làm giảm hiệu suất làm việc và tập luyện.
- Suy giảm hệ miễn dịch: chế độ ăn nghèo dinh dưỡng làm giảm khả năng chống lại bệnh tật, dễ dẫn đến ốm vặt.
- Rụng tóc, da xỉn màu: thiếu hụt protein và các vi chất cần thiết làm tóc yếu, dễ gãy rụng, da kém sức sống.
- Rối loạn tiêu hóa: chế độ ăn quá ít chất xơ và chất béo lành mạnh có thể gây táo bón, tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa.
Nguy cơ hình thành sỏi mật
Một trong những tác dụng phụ nguy hiểm nhất của việc giảm cân nhanh là nguy cơ hình thành sỏi mật. Khi giảm cân quá nhanh, túi mật không được kích thích để tiết dịch mật thường xuyên, dẫn đến ứ đọng và tạo điều kiện cho sỏi mật phát triển. Điều này có thể gây ra các cơn đau quặn bụng, rối loạn tiêu hóa và thậm chí phải can thiệp y tế.
Tác động tiêu cực đến tâm lý
Việc ép bản thân vào chế độ giảm cân khắc nghiệt trong thời gian ngắn có thể dẫn đến căng thẳng, cáu gắt và rối loạn ăn uống. Nhiều người sau khi áp dụng chế độ ăn kiêng giảm cân nhanh rơi vào trạng thái “binge eating” – ăn uống mất kiểm soát để bù lại những ngày kiêng khem quá mức. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn giữa việc ăn kiêng và ăn uống vô độ, khiến quá trình kiểm soát cân nặng thất bại.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Giải pháp giảm cân an toàn và khoa học
Thay vì áp dụng các chế độ ăn kiêng khắc nghiệt hoặc tìm kiếm phương pháp giảm cân nhanh chóng, cách tốt nhất là tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa và các chuyên gia dinh dưỡng để có một kế hoạch phù hợp với thể trạng của từng người.
Một phác đồ giảm cân khoa học thường bao gồm:
- Đánh giá sức khỏe toàn diện: xác định nguyên nhân gây thừa cân, từ đó thiết lập chiến lược giảm cân phù hợp.
- Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng: cắt giảm calo một cách hợp lý, duy trì đủ protein, chất béo lành mạnh và chất xơ để đảm bảo cơ thể hoạt động tối ưu.
- Kết hợp vận động hợp lý: tập luyện không chỉ giúp đốt cháy calo mà còn duy trì khối cơ, hỗ trợ trao đổi chất hiệu quả hơn.
- Theo dõi và điều chỉnh: giảm cân là một quá trình dài, cần được theo dõi thường xuyên để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Giảm cân không phải là một cuộc đua mà là một hành trình cần có chiến lược rõ ràng và khoa học. Những sai lầm phổ biến như không kiểm soát sự thèm ăn, ăn kiêng quá khắc nghiệt, thiếu ngủ, ước lượng sai calo hay đặt mục tiêu không thực tế có thể cản trở hành trình giảm cân của bạn. Hiểu rõ và khắc phục những sai lầm này sẽ giúp bạn đạt được vóc dáng mong muốn một cách bền vững, an toàn và hiệu quả.
Tại MedFit, chúng tôi mang đến giải pháp giảm cân đa mô thức – kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng khoa học, tập luyện cá nhân hóa và sự hỗ trợ từ đội ngũ Bác sĩ đa chuyên khoa. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng, hãy để MedFit giúp bạn xây dựng lộ trình phù hợp, đảm bảo sức khỏe và duy trì vóc dáng lâu dài. Liên hệ với MedFit ngay hôm nay để được tư vấn và bắt đầu hành trình giảm cân bền vững.
Tài liệu tham khảo
- Dulloo AG, Jacquet J. “Adaptive reduction in basal metabolic rate in response to food deprivation in humans: a role for feedback signals from fat stores“. Am J Clin Nutr. 1998;68(3):599-606. doi:10.1093/ajcn/68.3.599
- Fothergill E, Guo J, et al. “Persistent metabolic adaptation 6 years after “The Biggest Loser” competition“. Obesity (Silver Spring). 2016;24(8):1612-1619. doi:10.1002/oby.21538
- Wing RR, Phelan S. “Long-term weight loss maintenance“. Am J Clin Nutr. 2005;82(1 Suppl):222S-225S. doi:10.1093/ajcn/82.1.222S
- Maclean PS, Bergouignan A, et al. “Biology’s response to dieting: the impetus for weight regain“. Am J Physiol Regul Integr Comp Physiol. 2011;301(3):R581-R600. doi:10.1152/ajpregu.00755.2010
- Hall KD, Kahan S. “Maintenance of Lost Weight and Long-Term Management of Obesity“. Med Clin North Am. 2018;102(1):183-197. doi:10.1016/j.mcna.2017.08.012
- Westcott WL. “Resistance training is medicine: effects of strength training on health“. Curr Sports Med Rep. 2012;11(4):209-216. doi:10.1249/JSR.0b013e31825dabb8
- Mann T, Tomiyama AJ, et al. “Medicare’s search for effective obesity treatments: diets are not the answer“. Am Psychol. 2007;62(3):220-233. doi:10.1037/0003-066X.62.3.220
- Hamilton MT, Hamilton DG, Zderic TW. “Role of low energy expenditure and sitting in obesity, metabolic syndrome, type 2 diabetes, and cardiovascular disease“. Diabetes. 2007;56(11):2655-2667. doi:10.2337/db07-0882
- Dulloo AG, Seydoux J, et al. “Green tea and thermogenesis: interactions between catechin-polyphenols, caffeine and sympathetic activity“. Int J Obes Relat Metab Disord. 2000;24(2):252-258. doi:10.1038/sj.ijo.0801101
- Taheri S, Lin L, et al. “Short sleep duration is associated with reduced leptin, elevated ghrelin, and increased body mass index“. PLoS Med. 2004;1(3):e62. doi:10.1371/journal.pmed.0010062
- Spiegel K, Tasali E, et al. “Brief communication: Sleep curtailment in healthy young men is associated with decreased leptin levels, elevated ghrelin levels, and increased hunger and appetite“. Ann Intern Med. 2004;141(11):846-850. doi:10.7326/0003-4819-141-11-200412070-00008
- Adam TC, Epel ES. “Stress, eating and the reward system“. Physiol Behav. 2007;91(4):449-458. doi:10.1016/j.physbeh.2007.04.011
- Jakicic JM, Davis KK, et al. “Effect of Wearable Technology Combined With a Lifestyle Intervention on Long-term Weight Loss: The IDEA Randomized Clinical Trial“. JAMA. 2016;316(11):1161-1171. doi:10.1001/jama.2016.12858
- Church TS, Thomas DM, et al. “Trends over 5 decades in U.S. occupation-related physical activity and their associations with obesity“. PLoS One. 2011;6(5):e19657. doi:10.1371/journal.pone.0019657
- Burgomaster KA, Howarth KR, et al. “Similar metabolic adaptations during exercise after low volume sprint interval and traditional endurance training in humans“. J Physiol. 2008;586(1):151-160. doi:10.1113/jphysiol.2007.142109
- Jillian Kubala. 12 Effective Ways to Manage Food Cravings. [online] Available at: https://www.healthline.com/nutrition/how-to-stop-food-cravings [Accessed 15 March 2025]
- García-Cabrerizo R, Carbia C, et al. “Microbiota-gut-brain axis as a regulator of reward processes“. J Neurochem. 2021;157(5):1495-1524. doi:10.1111/jnc.15284
- Kracht CL, Chaput JP, et al. “Associations of Sleep with Food Cravings, Diet, and Obesity in Adolescence“. Nutrients. 2019;11(12):2899. Published 2019 Nov 30. doi:10.3390/nu11122899
- Yang CL, Schnepp J, Tucker RM. “Increased Hunger, Food Cravings, Food Reward, and Portion Size Selection after Sleep Curtailment in Women Without Obesity“. Nutrients. 2019;11(3):663. Published 2019 Mar 19. doi:10.3390/nu11030663
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.