Giảm cân là một quá trình đòi hỏi nỗ lực và kiên trì nhưng không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo đúng kế hoạch. Nhiều người dù vẫn duy trì chế độ ăn uống khoa học và tập luyện đều đặn nhưng cân nặng bỗng dưng đứng yên, phải chăng đó chính là hiện tượng chững cân? Vậy khi gặp tình trạng này, cần làm gì để vượt qua và tiếp tục tiến tới mục tiêu? Hãy cùng MedFit tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục khi bị chững cân trong bài viết sau đây.
Các giai đoạn trong quá trình giảm cân
Để hiểu rõ hơn vì sao cân nặng có thể dậm chân tại chỗ dù vẫn áp dụng chế độ giảm cân nghiêm túc, cần nhận diện từng giai đoạn sinh lý mà cơ thể trải qua trong suốt quá trình giảm cân. Việc hiểu đúng từng giai đoạn giúp lựa chọn chiến lược phù hợp, tránh tâm lý hoang mang hay bỏ cuộc giữa chừng.
- Giai đoạn chuẩn bị: đây là thời gian đầu tiên, kéo dài khoảng 1-2 tuần, dành để đánh giá tình trạng sức khỏe, xác định mục tiêu cụ thể và thiết kế kế hoạch hành động phù hợp. Giai đoạn này đóng vai trò then chốt, tạo nền tảng về mặt tâm lý và dinh dưỡng, từ đó giúp quá trình giảm cân đi đúng hướng ngay từ đầu.
- Giai đoạn bắt đầu giảm cân: sau khi chuẩn bị xong, người giảm cân bắt đầu thực hiện các thay đổi về dinh dưỡng, luyện tập và lối sống. Đây là giai đoạn tạo ra sự thay đổi rõ rệt nhất, với mức giảm cân an toàn thường dao động từ 0,5-1kg/tuần. Thời gian của giai đoạn này có thể kéo dài 8-12 tuần hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào mục tiêu cá nhân và sự kiên trì.
- Giai đoạn chững cân (bình nguyên): dù vẫn duy trì kế hoạch ăn uống và tập luyện, cân nặng có thể ngừng giảm, đây chính là hiện tượng chững cân. Thường xảy ra sau khi đã giảm 5-10% trọng lượng ban đầu, chững cân phản ánh sự thích nghi của cơ thể với mức năng lượng và vận động hiện tại. Giai đoạn này có thể xuất hiện sau khoảng 2-6 tháng và kéo dài từ vài tuần đến vài tháng nếu không có sự điều chỉnh hợp lý.
- Giai đoạn duy trì cân nặng hoặc tái tăng cân: khi đã đạt mục tiêu mong muốn, thách thức tiếp theo là giữ vững thành quả lâu dài. Giai đoạn này đòi hỏi sự bền bỉ trong việc duy trì thói quen tốt, điều chỉnh linh hoạt theo từng giai đoạn cuộc sống và chủ động phòng tránh các yếu tố khiến cân nặng tăng trở lại. Đây là chìa khóa để giảm cân bền vững, không “hiệu ứng yoyo” sau nỗ lực dài hạn.
Vì sao lại bị chững cân?
Chững cân (weight loss plateau) là hiện tượng thường gặp trong hành trình giảm cân, xảy ra sau vài tuần hoặc vài tháng giảm cân, khi đó cân nặng không còn tiếp tục giảm dù vẫn duy trì chế độ ăn kiêng và tập luyện. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân sinh lý và hành vi:
Cơ thể thích nghi với chế độ ăn uống và luyện tập
Khi lượng calo nạp vào bị giảm trong thời gian dài, cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế thích nghi bằng cách làm chậm lại quá trình trao đổi chất, còn gọi là hiện tượng sinh nhiệt thích nghi (adaptive thermogenesis – AT). Đây là phản ứng sinh tồn tự nhiên, nhằm bảo tồn năng lượng trong điều kiện bị hạn chế dinh dưỡng kéo dài.
AT trong quá trình giảm cân đề cập đến hiện tượng giảm tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi (REE) và tiêu hao năng lượng không nghỉ ngơi (non-REE) do giảm lượng calo nạp vào. Điều đáng chú ý là sự sụt giảm này không đơn thuần tỷ lệ thuận với cân nặng. Tức là, dù cơ thể giảm cân, mức trao đổi chất có thể giảm sâu hơn mức cần thiết so với thay đổi khối lượng cơ thể, gây cản trở việc tiếp tục giảm cân.
Theo nghiên cứu, trong điều kiện giảm ăn được kiểm soát, AT thường mất hơn 2 tuần để hình thành và trung bình khiến cơ thể giảm khoảng 120kcal/ngày. Tuy nhiên, mức giảm này không đồng đều ở tất cả mọi người, có người giảm ít hơn, có người giảm nhiều hơn tùy vào cơ địa và phản ứng chuyển hóa cá nhân.
Một số yếu tố được cho là góp phần vào AT gồm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm bị suy giảm, giảm hormone tuyến giáp T3 và leptin – tín hiệu giúp điều chỉnh cảm giác no và chuyển hóa năng lượng. Tuy nhiên, các hormone này không thay đổi hoàn toàn đồng bộ với sự xuất hiện của AT.
AT không phải là một hiện tượng đồng nhất mà bao gồm nhiều thành phần khác nhau trong tổng tiêu hao năng lượng hàng ngày. Do đó, việc thay thế hoặc điều chỉnh những hormone này trong điều kiện can thiệp lâm sàng ở người hiện vẫn còn rất hạn chế và chưa được khuyến cáo.
Mất cơ thay vì mỡ
Khi giảm cân, cơ thể không chỉ loại bỏ mỡ mà còn mất đi cả nước và một phần khối cơ. Điều này có nghĩa là khi thấy cân nặng giảm, không thể biết chắc phần giảm đến từ đâu, có thể là mỡ, cơ hoặc cả hai. Nguyên nhân phổ biến khiến cơ bị mất nhanh khi giảm cân là:
- Ăn quá ít protein: khối cơ cần protein để duy trì và tái tạo. Nếu chế độ ăn thiếu hụt đạm kéo dài, cơ thể sẽ phân giải cơ để cung cấp năng lượng.
- Không tập luyện kháng lực: chỉ tập cardio hoặc không vận động sẽ khiến cơ không có lý do để giữ lại.
- Giảm cân quá nhanh: khi cắt giảm calo quá mức, cơ thể buộc phải lấy cả mỡ và cơ để duy trì hoạt động sống.
- Tuổi tác và hormone: người càng lớn tuổi càng dễ mất cơ, đặc biệt khi nồng độ hormone tăng trưởng và testosterone giảm dần.
Một vấn đề khác là giảm cân theo kiểu “yoyo” – tức giảm rồi tăng lại liên tục, có thể khiến tỷ lệ mỡ cơ thể tăng dần theo thời gian, còn khối lượng cơ thì giảm dần. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients, đa số người giảm cân đều mất ít nhiều khối cơ, đặc biệt nếu không ăn đủ protein hoặc không tập luyện kháng lực.
Việc mất cơ bắp là điều không mong muốn vì cơ là cỗ máy đốt năng lượng quan trọng, giúp duy trì chuyển hóa và sức khỏe tổng thể. Do đó, việc bảo vệ khối cơ trong quá trình giảm cân là điều cần được ưu tiên, không chỉ để duy trì sức khỏe chuyển hóa mà còn để giữ vóc dáng lâu dài. Giảm cân không nên là một mục tiêu ngắn hạn rồi quên đi, mà nên là quá trình thay đổi toàn diện về lối sống.
Ăn nhiều hơn lượng cần thiết
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến quá trình giảm cân bị chững lại là việc tiêu thụ nhiều calo hơn so với dự định, dù nghĩ rằng mình đã tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hầu hết mọi người đều đánh giá thấp lượng calo họ tiêu thụ hàng ngày, với mức độ ước lượng sai lệch có thể lên tới 20-50%.
Tình trạng này thường bắt nguồn từ những hành vi quen thuộc như ăn vặt không kiểm soát, ví dụ vài chiếc bánh quy, một ly nước ngọt hoặc phần thức ăn thừa khi dọn dẹp cũng có thể góp phần đáng kể vào tổng calo hàng ngày.
Bên cạnh đó, việc không đo lường chính xác khẩu phần ăn, chẳng hạn dùng mắt thường thay vì cân thực phẩm, dễ khiến calo bị lỡ tay mà không hay biết. Không ít người cũng chế biến thực phẩm bằng nhiều dầu, bơ, sốt hoặc gia vị giàu năng lượng nhưng lại không tính toán vào khẩu phần.
Ngoài ra, đánh giá sai lượng calo tiêu hao trong ngày cũng là một yếu tố khiến tổng năng lượng thâm hụt trở nên không thực. Ví dụ, nhiều người tin rằng 30 phút đi bộ nhẹ có thể đốt hàng trăm kcal, trong khi thực tế thì thấp hơn rất nhiều.
Việc không đọc nhãn dinh dưỡng trên bao bì, thiếu công cụ hỗ trợ đo lường thực phẩm và thiếu kiến thức hoặc không được chuyên gia hướng dẫn đúng cách cũng khiến việc kiểm soát năng lượng nạp vào và tiêu hao trở nên sai lệch. Những sai số nhỏ này, khi cộng dồn hàng ngày, có thể đủ để khiến tiến độ giảm cân dừng lại mà không rõ lý do.
Thiếu ngủ và căng thẳng
Thiếu ngủ và căng thẳng kéo dài là hai yếu tố có thể làm gián đoạn quá trình giảm cân, chủ yếu thông qua việc tăng nồng độ hormone cortisol trong cơ thể. Khi thiếu ngủ hoặc trải qua căng thẳng kéo dài, cơ thể sẽ tăng tiết hormone cortisol – một loại hormone liên quan đến phản ứng stress.
Mức cortisol cao không chỉ làm tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là với thực phẩm giàu đường và chất béo, mà còn thúc đẩy quá trình tích tụ mỡ, đặc biệt ở vùng bụng. Điều này có thể dẫn đến tăng cân và làm chậm quá trình giảm mỡ bụng.
Ngoài ra, thiếu ngủ còn ảnh hưởng đến các hormone điều chỉnh cảm giác đói và no, như leptin và ghrelin, khiến cơ thể cảm thấy đói nhiều hơn và khó kiểm soát lượng thức ăn nạp vào. Một nghiên cứu cho thấy, việc ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong các hormone này, góp phần vào việc tăng cân.
Rối loạn nội tiết hoặc bệnh lý nền
Một số tình trạng sức khỏe và rối loạn nội tiết có thể gây khó khăn trong việc giảm cân, ngay cả khi tuân thủ chế độ ăn uống và luyện tập nghiêm ngặt:
- Suy giáp: khi tuyến giáp hoạt động kém, cơ thể sản xuất không đủ hormone T3 và T4, dẫn đến giảm tốc độ trao đổi chất. Điều này khiến cơ thể đốt cháy ít calo hơn, dễ dẫn đến tăng cân hoặc khó giảm cân.
- Kháng insulin: tình trạng này xảy ra khi cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả, dẫn đến tăng lượng đường trong máu, từ đó tăng cường tiết thêm insulin dẫn đến thúc đẩy lưu trữ mỡ, đặc biệt ở vùng bụng. Kháng insulin cũng làm tăng cảm giác thèm ăn và khó kiểm soát cân nặng.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): là một rối loạn nội tiết phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, gây mất cân bằng hormone và kháng insulin. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ tăng cân mà còn khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn.
- Mãn kinh: trong giai đoạn mãn kinh, nồng độ estrogen giảm dẫn đến thay đổi trong phân bố mỡ, thường tích tụ nhiều hơn ở vùng bụng. Đồng thời, quá trình lão hóa làm giảm khối lượng cơ và tốc độ trao đổi chất, góp phần vào việc tăng cân.
- Sử dụng thuốc điều trị mạn tính: một số loại thuốc như corticosteroid, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị đái tháo đường có thể gây tăng cân như một tác dụng phụ. Những thuốc này có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, lưu trữ mỡ và tốc độ trao đổi chất.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Cách khắc phục khi bị chững cân trong quá trình giảm cân
Sau khi đã hiểu rõ các nguyên nhân gây ra tình trạng chững cân, câu hỏi đặt ra là cần làm gì để vượt qua giai đoạn này và tiếp tục giảm cân hiệu quả. Đây là lúc cần đánh giá lại toàn bộ chiến lược hiện tại và có những điều chỉnh đúng hướng.
Đánh giá lại tổng thể chế độ ăn và luyện tập
Khi gặp tình trạng chững cân, việc đầu tiên nên làm là đánh giá lại toàn bộ chế độ ăn uống và luyện tập. Điều này giúp xác định xem liệu có đang tiêu thụ nhiều calo hơn mức cần thiết hoặc đốt cháy ít calo hơn so với dự tính hay không bằng cách sau:
- Ghi lại khẩu phần ăn hàng ngày để phát hiện calo “ẩn”
Việc ghi chép chi tiết những gì ăn mỗi ngày giúp nhận ra các nguồn calo “ẩn” có thể không để ý, chẳng hạn như đồ ăn vặt, nước sốt hoặc khẩu phần ăn lớn hơn dự định. Sử dụng các ứng dụng theo dõi dinh dưỡng hoặc nhật ký thực phẩm có thể hỗ trợ trong việc này.
- Tính toán lại nhu cầu calo dựa trên trọng lượng hiện tại
Khi giảm cân, nhu cầu năng lượng của cơ thể cũng giảm theo. Do đó, cần điều chỉnh lượng calo nạp vào để tiếp tục giảm cân hiệu quả, có thể sử dụng công thức tính TDEE (tổng năng lượng tiêu hao hàng ngày) để xác định nhu cầu calo mới của mình.
Công thức tính:
TDEE = BMR × R
Trong đó, BMR là chỉ số trao đổi chất cơ bản và R là hệ số hoạt động. Việc tính toán chính xác giúp thiết lập một kế hoạch ăn uống phù hợp với mục tiêu giảm cân hiện tại.
Bằng cách thực hiện những bước trên, có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập của mình để vượt qua giai đoạn chững cân và tiếp tục tiến tới mục tiêu giảm cân một cách hiệu quả và bền vững.
Giữ khối cơ – Yếu tố then chốt giúp giảm cân hiệu quả
Một trong những nguyên tắc quan trọng giúp vượt qua giai đoạn chững cân là bảo vệ và duy trì khối cơ. Cơ bắp không chỉ giúp cơ thể săn chắc mà còn đóng vai trò chủ lực trong việc duy trì tốc độ trao đổi chất. Khối cơ càng nhiều, khả năng đốt cháy năng lượng càng cao ngay cả khi nghỉ ngơi.
Để tránh mất cơ khi giảm cân, cần thực hiện song song hai chiến lược:
- Thứ nhất, cần đảm bảo đủ lượng protein trong khẩu phần. Protein hỗ trợ giảm mỡ hiệu quả bằng cách duy trì khối cơ, tăng cảm giác no, đồng thời hỗ trợ kiểm soát cảm giác đói, duy trì sức bền và phục hồi sau vận động. Một nghiên cứu trên The American Journal of Clinical Nutrition đã xác nhận rằng, chế độ ăn giàu protein có hiệu quả cao trong việc bảo vệ khối cơ trong giai đoạn giảm cân có kiểm soát.
- Thứ hai, kết hợp tập luyện kháng lực vào thói quen vận động hàng tuần. Nếu trước đó chỉ tập cardio như đi bộ, chạy bộ hay đạp xe để giảm mỡ, cần thêm các bài tăng cơ bằng tập dùng sức như nâng tạ, bodyweight hoặc tập theo nhóm cơ cụ thể để kích thích và duy trì khối cơ.
Mục tiêu tập luyện nên cụ thể và đo lường được, theo AHA, cần tối thiểu 200 phút/tuần với cường độ vừa phải, bao gồm cả tập cardio và kháng lực để giảm cân lâu dài. Tuy việc tăng cường vận động có thể khả thi hơn so với tiếp tục giảm calo, sự kết hợp cả hai chiến lược vẫn là tối ưu.
Ngoài ra, việc đổi mới hình thức và cường độ tập luyện (ví dụ như HIIT hoặc tập luyện theo chu kỳ nhóm cơ khác nhau) giúp hạn chế tình trạng cơ thể thích nghi quá mức, vốn là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến chững cân.
Bằng cách duy trì khối cơ hợp lý, hiệu quả giảm mỡ sẽ rõ ràng hơn và tỷ lệ trao đổi chất cơ bản được giữ ổn định – là yếu tố then chốt để giảm cân bền vững và hạn chế tăng cân trở lại.
Tăng cường hoạt động thể chất hàng ngày
Khi quá trình giảm cân bị chững lại, việc tăng cường hoạt động thể chất hàng ngày có thể giúp cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng hơn và thúc đẩy quá trình giảm mỡ. Không chỉ tập trung vào các buổi tập luyện chính thức, mà còn cần chú ý đến các hoạt động thường nhật như đi bộ, leo cầu thang, làm việc nhà hoặc đứng thay vì ngồi. Những hoạt động này, được gọi là sinh nhiệt không do tập luyện (NEAT), đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tổng năng lượng tiêu hao hàng ngày.
Theo Mayo Clinic, việc tăng cường hoạt động thể chất hàng ngày có thể bao gồm những thay đổi đơn giản như đi bộ nhiều hơn, sử dụng cầu thang thay vì thang máy hoặc thực hiện các công việc nhà tích cực hơn. Những thay đổi nhỏ này, khi được thực hiện đều đặn, có thể góp phần đáng kể vào việc tăng tiêu hao năng lượng và hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Ưu tiên giấc ngủ và giảm căng thẳng
Ưu tiên ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm và thiết lập thời gian thư giãn hợp lý trong ngày sẽ giúp hệ thần kinh ổn định, hỗ trợ điều hòa hormone và duy trì hiệu quả giảm mỡ bền vững. Đây là một phần quan trọng của chiến lược giảm cân tổng thể, đặc biệt trong giai đoạn chững cân.
Bên cạnh giấc ngủ, quản lý căng thẳng mạn tính cũng rất quan trọng. Stress làm rối loạn hormone, tăng viêm, thúc đẩy hành vi ăn uống cảm xúc (emotional eating), từ đó làm cản trở quá trình giảm cân. Các phương pháp giúp giảm căng thẳng hiệu quả có thể kể đến như thiền định, yoga, đi bộ nhẹ ngoài trời, viết nhật ký hoặc duy trì các hoạt động thư giãn mỗi ngày.
Tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia
Khi đã điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập đúng cách nhưng cân nặng vẫn không thay đổi trong thời gian dài, nên cân nhắc can thiệp chuyên sâu từ đội ngũ y tế, bao gồm Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, chuyên gia dinh dưỡng và chuyên viên huấn luyện hành vi.
Ngoài ra, tùy trường hợp cụ thể, Bác sĩ có thể cân nhắc thêm thuốc điều trị béo phì đã được FDA Hoa Kỳ phê duyệt. Tuy nhiên. việc dùng thuốc cần được chỉ định và theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn, hiệu quả và ngăn ngừa tái tăng cân.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Vượt qua chững cân bằng hướng tiếp cận toàn diện
Bước đầu tiên trong hỗ trợ lâm sàng là Bác sĩ cần đánh giá và giải thích cho người bệnh về những thay đổi sinh lý tự nhiên khi giảm cân, đặc biệt là cơ chế phản hồi ngược gây tăng cảm giác đói, giảm trao đổi chất và kích hoạt cơ chế bảo tồn năng lượng. Việc hiểu rõ các cơ chế này giúp người bệnh không hoang mang khi gặp giai đoạn chững cân và sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch để duy trì kết quả lâu dài.
Tiếp theo là bước đánh giá toàn diện tình trạng chuyển hóa và lối sống hiện tại. Việc này bao gồm thực hiện các xét nghiệm hormone như tuyến giáp, cortisol, đường huyết, mỡ máu để phát hiện các rối loạn nội tiết tiềm ẩn có thể âm thầm cản trở quá trình giảm cân. Đồng thời, cần phân tích thành phần cơ thể để xác định tỷ lệ khối cơ so với khối mỡ, qua đó nhận diện nguy cơ mất cơ hoặc tích mỡ khu trú để điều chỉnh chiến lược phù hợp.
Bên cạnh đó, việc đánh giá hành vi ăn uống, mức độ vận động, chất lượng giấc ngủ và mức độ căng thẳng là cần thiết, nhằm nhận diện những yếu tố thường bị bỏ sót như ăn uống cảm xúc, stress kéo dài hoặc tình trạng thiếu ngủ kéo dài – những yếu tố có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm trì hoãn tiến trình giảm cân.
Một yếu tố quan trọng cần xem xét là nếu người bệnh đã làm tốt tất cả các yếu tố kể trên, thì khả năng cao là cơ thể đang trong giai đoạn bình nguyên sinh lý – một giai đoạn tạm dừng giảm cân nhưng không có nghĩa là thất bại.
Trong trường hợp này, không nên vội vàng tiếp tục siết chặt chế độ ăn, mà nên duy trì chiến lược hiện tại một cách có kiểm soát, như có thể duy trì chế độ ăn kèm tăng cường vận động hoặc bước vào giai đoạn phục hồi chuyển hóa ngắn hạn, với mục tiêu tái tạo lại khối cơ đã mất, điều hòa lại hệ hormone và chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn giảm cân tiếp theo.
Giai đoạn phục hồi có thể bao gồm tăng nhẹ năng lượng nạp vào so với giai đoạn giảm cân, tăng vận động kháng lực để hỗ trợ tăng hoặc duy trì khối cơ, nhằm cải thiện trao đổi chất.
Ngoài các can thiệp chuyển hóa, cần đồng thời đánh giá và hỗ trợ hành vi. Tăng cường sự tương tác với chuyên gia y tế thông qua tái khám định kỳ, tư vấn ngắn hoặc liên lạc qua điện thoại, ứng dụng là yếu tố giúp duy trì tuân thủ. Các kỹ thuật như phỏng vấn tạo động lực (motivational interviewing), liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) hoặc các chương trình huấn luyện trực tuyến đều giúp người giảm cân duy trì động lực, vượt qua rào cản và ngăn ngừa tái tăng cân.
Cần nhấn mạnh rằng, kết quả không chỉ nằm ở con số trên cân. Chuyên gia cần hướng dẫn người bệnh nhận biết những chuyển biến tích cực khác như giảm số đo vòng eo, tăng năng lượng, ngủ ngon hơn, cải thiện sức bền, giảm đau khớp hoặc giảm nhu cầu dùng thuốc. Những thay đổi này không chỉ phản ánh thành công về mặt sức khỏe mà còn mang lại cảm giác làm chủ và tự tin hơn trong hành trình kiểm soát cân nặng lâu dài.
Nếu sau khi đánh giá tổng thể, Bác sĩ kết luận rằng người bệnh vẫn có thể hoặc cần tiếp tục giảm cân, có thể cân nhắc sử dụng các thuốc điều trị béo phì đã được FDA Hoa Kỳ phê duyệt. Theo hướng dẫn hiện hành, thuốc giảm cân được chỉ định khi chỉ số BMI (theo chuẩn dành cho người châu Á) ≥ 25kg/m2 và khi sau 3-6 tháng can thiệp lối sống tích cực, nhưng mức giảm cân vẫn < 5% trọng lượng cơ thể ban đầu.
Các nhóm thuốc phổ biến hiện nay được FDA Hoa Kỳ phê duyệt gồm GLP-1 receptor agonist (như semaglutide, liraglutide, tirzepatide), chất ức chế hấp thu chất béo (orlistat), thuốc tác động thần kinh trung ương (naltrexone-bupropion)… Các thuốc này cần được chỉ định và theo dõi chặt chẽ bởi Bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm.
Song song với điều trị nội khoa, có thể kết hợp các công nghệ hỗ trợ tăng cơ giảm mỡ không xâm lấn như sóng RF, HIFU (sóng siêu âm hội tụ), cryolipolysis (quang đông hủy mỡ), laser giảm mỡ hoặc HIFEM (điện từ trường cường độ cao) giúp thúc đẩy hiệu quả về hình thể và tỷ lệ mỡ cơ thể. Đây là những phương pháp an toàn, hiệu quả cao khi được ứng dụng đúng chỉ định và được giám sát y khoa.
Quan trọng hơn, quá trình điều trị cần được hỗ trợ bởi đội ngũ đa chuyên khoa, bao gồm Bác sĩ chuyên khoa Dinh dưỡng, Nội tiết, thể chất trị liệu và tâm lý hành vi. Sự phối hợp này giúp giải quyết toàn diện các yếu tố liên quan đến béo phì, từ rối loạn chuyển hóa, hành vi ăn uống, vận động cho đến cảm xúc và tâm lý.
Cuối cùng, trong các trường hợp béo phì mức độ nặng (BMI ≥ 40 hoặc ≥ 35 có bệnh lý liên quan) và không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn, phẫu thuật giảm cân (như cắt dạ dày, nối tắt dạ dày) là giải pháp cần được cân nhắc. Các nghiên cứu cho thấy phẫu thuật mang lại hiệu quả giảm cân lâu dài, cải thiện biến chứng chuyển hóa và kéo dài tuổi thọ, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro và đòi hỏi cam kết tuân thủ chế độ hậu phẫu nghiêm ngặt.
Chững cân là một phần tất yếu trong hành trình giảm cân. Thay vì nản lòng, hãy xem đây là tín hiệu để lắng nghe cơ thể và tiếp cận vấn đề theo hướng toàn diện hơn. Việc điều chỉnh chế độ ăn, nâng cao hiệu quả tập luyện, đảm bảo giấc ngủ, kiểm soát stress và duy trì khối cơ là những chiến lược căn bản. Khi cần, hãy tìm đến sự hỗ trợ y khoa chuyên sâu để đánh giá nội tiết, chuyển hóa và hành vi, kết hợp các phương pháp điều trị hiện đại một cách bài bản.
Tại MedFit, quá trình vượt qua chững cân không còn là hành trình đơn độc. Với đội ngũ đa chuyên khoa và mô hình giảm cân y khoa toàn diện, mỗi cá nhân được thiết kế lộ trình riêng phù hợp với thể trạng và mục tiêu. Từ đánh giá chuyển hóa, cải thiện hành vi đến công nghệ hỗ trợ tăng cơ giảm mỡ, MedFit đồng hành cùng người bệnh trên hành trình giảm cân hiệu quả, bền vững và khoa học. Liên hệ MedFit ngay hôm nay để được đánh giá chuyên sâu và thiết kế lộ trình giảm cân cá nhân hóa!
Tài liệu tham khảo
- Müller MJ, Bosy-Westphal A. Adaptive thermogenesis with weight loss in humans. Obesity (Silver Spring). 2013;21(2):218-228. doi:10.1002/oby.20027
- Jessica Migala. Should You Focus on Building Muscle, Not Losing Weight?. [online] Available at: https://www.webmd.com/obesity/features/muscle-and-weight-loss [Accessed 30 June 2025]
- Stephanie Watson. Polycystic Ovary Syndrome (PCOS) and Weight Gain. [online] Available at: https://www.webmd.com/women/polycystic-ovary-syndrome-pcos-and-weight-gain [Accessed 30 June 2025]
- Ríos-Prego M, Anibarro L, Sánchez-Sobrino P. Relationship between thyroid dysfunction and body weight: a not so evident paradigm. Int J Gen Med. 2019;12:299-304. Published 2019 Aug 23. doi:10.2147/IJGM.S206983
- Verhaegen AA, Van Gaal LF. Drugs That Affect Body Weight, Body Fat Distribution, and Metabolism. [Updated 2019 Feb 11]. In: Feingold KR, Ahmed SF, Anawalt B, et al., editors. Endotext [Internet]. South Dartmouth (MA): MDText.com, Inc.; 2000-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537590/
- American Thyroid Association. Thyroid and Weight. [online] Available at: https://www.thyroid.org/thyroid-and-weight/ [Accessed 30 June 2025]
- Papatriantafyllou E, Efthymiou D, Zoumbaneas E, Popescu CA, Vassilopoulou E. Sleep Deprivation: Effects on Weight Loss and Weight Loss Maintenance. Nutrients. 2022;14(8):1549. Published 2022 Apr 8. doi:10.3390/nu14081549
- Sarwan G, Daley SF, Rehman A. Management of Weight Loss Plateau. [Updated 2024 Dec 11]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2025 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK576400/
Nếu bạn đang muốn được thăm khám về thừa cân, béo phì, tăng cơ, giảm mỡ, hãy để lại thông tin để được đo InBody và thăm khám hoàn toàn miễn phí cùng đội ngũ Bác sĩ đa chuyên khoa tại Phòng khám MedFit.