Như Albert Einstein đã từng nói: “Không thể mong đợi những kết quả khác nhau nếu chúng ta cứ làm đi làm lại một việc giống nhau”. Giảm cân cũng vậy, đây là một quá trình đòi hỏi sự hiểu biết rõ ràng về bản chất và cơ chế của các chế độ ăn thay vì chỉ thực hiện một cách máy móc những lời khuyên truyền miệng hoặc những thực đơn giảm cân sẵn có để rồi liên tục thất bại. Với sự phát triển của khoa học dinh dưỡng, nhiều chế độ ăn giảm cân đã được nghiên cứu và áp dụng để giúp những người với mong muốn quản lý cân nặng đạt được mục tiêu giảm cân một cách an toàn và hiệu quả. Mỗi chế độ ăn có những nguyên tắc và lợi ích riêng, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ và áp dụng đúng cách. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về các chế độ ăn giảm cân phổ biến, phân tích hiệu quả của từng phương pháp dựa trên các nghiên cứu khoa học, giúp bạn đọc dễ dàng lựa chọn được chế độ ăn phù hợp nhất với cơ địa và lối sống của mình.
Tổng quan các chế độ ăn giảm cân
Hiện nay, có rất nhiều chế độ ăn giảm cân với tên gọi và quy tắc khác nhau, khiến người mới tìm hiểu có thể cảm thấy như lạc vào một “ma trận” phương pháp. Mỗi chế độ ăn đều hứa hẹn mang lại hiệu quả giảm cân ấn tượng nếu người theo dõi tuân thủ thực hiện một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, từ góc độ khoa học, các chế độ ăn giảm cân thực chất chỉ được phân thành ba nhóm chính là chế độ ăn thâm hụt năng lượng, chế độ ăn thay đổi tỷ lệ các chất dinh dưỡng đa lượng và chế độ ăn dựa trên thay đổi thói quen sinh hoạt và lựa chọn thực phẩm.
Chế độ ăn thâm hụt năng lượng
Chế độ ăn thâm hụt năng lượng là một phương pháp cơ bản và mang lại hiệu quả trong việc giảm cân, được thực hiện dựa trên nguyên tắc tạo ra sự thiếu hụt năng lượng. Có hai dạng chính của chế độ ăn này là chế độ ăn ít calo và chế độ ăn rất ít calo.
Chế độ ăn ít calo (low-calorie diets – LCDs)
- Cung cấp 1000-1500kcal/ngày.
- Tạo ra sự thâm hụt từ 500-1000kcal mỗi ngày so với nhu cầu năng lượng của cơ thể.
- Hiệu quả giảm cân trung bình 0,4-0,5kg mỗi tuần.
Chế độ ăn rất ít calo (very low-calorie diets – VLCDs)
- Cung cấp dưới 800kcal mỗi ngày.
- Chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn từ 12-16 tuần.
- Yêu cầu bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng.
- Cần được thực hiện tại các Phòng khám chuyên khoa về giảm cân để được giám sát chặt chẽ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn thâm hụt năng lượng có hiệu quả cao trong việc giảm cân. Đối với chế độ ăn ít calo, mọi người có thể tự áp dụng tại nhà với sự hướng dẫn của chuyên gia mà không cần phải giám sát quá kỹ lưỡng. Trong khi đó, chế độ ăn rất ít calo yêu cầu bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng và thực hiện theo một thực đơn nghiêm ngặt để đảm bảo cung cấp đủ protein. Do những biến chứng có thể xảy ra, chế độ ăn rất ít calo cần được áp dụng tại các Phòng khám chuyên khoa về giảm cân dưới sự theo dõi của Bác sĩ có kinh nghiệm.
Chế độ ăn thay đổi tỷ lệ các chất dinh dưỡng đa lượng (macronutrient-modified diets)
Nhóm này tập trung vào việc điều chỉnh tỷ lệ carbohydrate, protein và chất béo. Các dạng phổ biến bao gồm:
Chế độ ăn giảm carbohydrate
Chế độ ăn giảm carbohydrate, hay còn gọi là chế độ ăn low-carb, tập trung vào việc giảm lượng carbohydrate và tăng cường tiêu thụ protein cùng chất béo. Khi hạn chế nguồn cung cấp năng lượng chính từ carbohydrate, cơ thể sẽ chuyển sang sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng, từ đó giúp giảm cân và giảm mỡ hiệu quả.
Chế độ ăn low-carb được phân loại dựa trên sự khác biệt về tỷ lệ giữa đạm (protein), carbohydrate và lipid. Trong số các phương pháp trong chế độ ăn low-carb, hai chế độ ăn phổ biến nhất là ketogenic và Atkins:
Chế độ ăn ketogenic (keto)
- Giới hạn lượng carbohydrate dưới 50g mỗi ngày.
- Tăng cường tiêu thụ chất béo và protein để cơ thể chuyển hóa chất béo thành năng lượng chính.
Chế độ ăn Atkins
- Gồm nhiều giai đoạn cắt giảm carbohydrate, bắt đầu với mức rất thấp, khoảng 20-50g mỗi ngày.
- Từng bước tăng lượng carbohydrate sau mỗi giai đoạn để duy trì cân nặng sau khi đạt mục tiêu.
Đặc điểm của một số chế độ ăn low-carb thông dụng được trình bày trong bảng dưới đây:
Chế độ ăn | Lượng carbohydrate (so với % tổng năng lượng) | Lượng carbohydrate tiêu thụ (g/ngày) |
Chế độ ăn thông thường | 45-65% | 225-325g |
Low-carb vừa phải | 26-45% | 130-225g |
Low-carb thấp | < 26% | < 130g |
Low-carb rất thấp (ketogenic) | < 10% | < 50g |
Atkins | 5-10% (giai đoạn đầu và tăng dần) | 20-50g |
Chế độ ăn giảm chất béo (low-fat diet)
Chế độ ăn giảm chất béo là phương pháp được khuyến nghị để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong. Chế độ này hạn chế lượng calo từ chất béo xuống còn 30% hoặc ít hơn.
Ví dụ, một thực phẩm cung cấp 100kcal và có từ 3g chất béo trở xuống được xem là ít béo. Các thực phẩm phổ biến trong chế độ ăn ít chất béo bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, lòng trắng trứng, ức gà và gà tây không da, đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan, hải sản và các sản phẩm từ sữa ít béo. Tuy nhiên, cần cảnh giác với các sản phẩm ít béo nhưng lại chứa lượng lớn carbohydrate tinh chế do có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và tăng triglyceride.
Một trong những chế độ ăn giảm chất béo hiệu quả là chế độ ăn DASH với nhiều bước tiến hơn là chỉ giảm lượng chất béo đơn thuần:
- Thứ nhất, chế độ ăn DASH không chỉ tập trung vào giảm chất béo mà còn giảm lượng muối tiêu thụ, giúp kiểm soát huyết áp. Chế độ này khuyến khích tiêu thụ nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt nạc, cá, gia cầm và các loại hạt, cung cấp nhiều chất xơ, kali, magie và calci – những chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì huyết áp khỏe mạnh.
- Thứ hai, chế độ ăn DASH không chỉ giới hạn tỷ lệ phần trăm calo từ chất béo dưới 30% mà còn chi tiết hơn trong việc phân bổ các loại chất béo khác nhau. Cụ thể, chất béo bão hòa chỉ nên chiếm khoảng 6% tổng lượng calo hàng ngày, trong khi chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa được khuyến khích sử dụng nhiều hơn.
- Cuối cùng, chế độ ăn DASH chú trọng đến việc xây dựng một phương pháp ăn uống lành mạnh và duy trì thói quen này trong thời gian dài. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn hỗ trợ quản lý cân nặng và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác như đái tháo đường và ung thư.
Chế độ ăn dựa trên thay đổi thói quen sinh hoạt và lựa chọn thực phẩm
Chế độ ăn dựa trên thay đổi thói quen sinh hoạt và lựa chọn thực phẩm là một phương pháp giảm cân khoa học, nhấn mạnh vào việc thay đổi cách ăn uống và lựa chọn thực phẩm lành mạnh. Các chế độ ăn như nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting), chế độ ăn thời tiền sử (Paleo), chế độ ăn Bắc Âu (Nordic), ăn sạch (eat clean), ăn chay (vegetarian), chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean) và chế độ ăn chỉ số đường huyết thấp (low GI-GL) đều có những đặc điểm riêng nhưng chung quy lại đều hướng tới việc cải thiện sức khỏe thông qua lựa chọn thực phẩm tự nhiên, chưa qua chế biến và hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn, đường và chất béo không lành mạnh.
Intermittent fasting (nhịn ăn gián đoạn)
- Thay đổi giờ ăn: có các khoảng thời gian nhịn ăn như 16/8 và 5/2.
- Lợi ích: giảm cân, cải thiện trao đổi chất và tăng cường sức khỏe tế bào. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhịn ăn gián đoạn có thể cải thiện quá trình chuyển hóa, giảm nguy cơ đái tháo đường típ 2 và tăng cường chức năng não.
- Hạn chế: khó duy trì lâu dài, không phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là những người có lịch trình bận rộn hoặc có các điều kiện y tế nhất định.
Paleo (chế độ ăn thời tiền sử)
- Thực phẩm tự nhiên: sử dụng thực phẩm không chế biến, đồng thời không dùng ngũ cốc và sữa.
- Lợi ích: tăng cường năng lượng, cải thiện tiêu hóa và giảm viêm. Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn Paleo có thể giảm viêm và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch.
- Hạn chế: khó duy trì trong thời gian dài, dễ thiếu hụt dinh dưỡng từ ngũ cốc và sữa, có thể dẫn đến thiếu hụt calci và vitamin D nếu không được bổ sung hợp lý.
Nordic (chế độ ăn Bắc Âu)
- Thực phẩm địa phương: nhiều rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, cá và hải sản.
- Lợi ích: cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường tiêu hóa và giảm cân. Nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn Nordic có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Hạn chế: có chi phí cao do sử dụng thực phẩm tươi sống và chất lượng, khó duy trì đối với những người có thu nhập thấp.
Eat clean (ăn sạch)
- Thực phẩm sạch: thực phẩm ít chế biến, nhiều rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
- Lợi ích: cải thiện năng lượng, giảm cân và tăng cường sức khỏe toàn diện. Chế độ ăn eat clean giúp giảm lượng đường và chất béo không lành mạnh, từ đó cải thiện sức khỏe tim mạch và tiêu hóa.
- Hạn chế: khó duy trì trong môi trường sống hiện đại do yêu cầu chuẩn bị thức ăn kỹ lưỡng, có thể gây cảm giác nhàm chán nếu không có sự đa dạng trong thực đơn.
Vegetarian (ăn chay)
- Loại bỏ thịt: không sử dụng các sản phẩm từ động vật, đồng thời tiêu thụ nhiều rau củ, trái cây và ngũ cốc.
- Lợi ích: giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cải thiện tiêu hóa và tăng cường sức khỏe tổng thể. Nghiên cứu đã chứng minh rằng chế độ ăn chay có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao và đái tháo đường típ 2.
- Hạn chế: dễ thiếu hụt protein và vitamin B12 nên cần bổ sung dinh dưỡng từ nguồn khác như đậu nành, các loại hạt và các sản phẩm bổ sung.
Mediterranean (chế độ ăn Địa Trung Hải)
- Thực phẩm tươi sống: sử dụng thực phẩm tươi sống như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, dầu olive và hạn chế thịt đỏ.
- Lợi ích: cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính và hỗ trợ quản lý cân nặng. Chế độ ăn Địa Trung Hải được chứng minh là giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và một số loại ung thư.
- Hạn chế: chi phí cao do sử dụng thực phẩm tươi sống và chất lượng, cần chuẩn bị thức ăn kỹ lưỡng.
Low GI-GL (chế độ ăn chỉ số đường huyết thấp)
- Chỉ số đường huyết thấp: tập trung vào thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết (GL) thấp.
- Lợi ích: kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ đái tháo đường và cải thiện sức khỏe tim mạch. Chế độ ăn này giúp ngăn ngừa tăng đột ngột đường huyết, từ đó duy trì mức đường huyết ổn định và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường huyết cao.
- Hạn chế: khó duy trì lâu dài, người thực hiện cần có kiến thức về chỉ số GI và GL của thực phẩm để lựa chọn thực phẩm hợp lý.
Tóm lại, sơ lược về ba nhóm chế độ ăn chính theo cơ chế khoa học dinh dưỡng bao gồm:
- Nhóm 1: chế độ ăn thâm hụt năng lượng đã được nhiều nghiên cứu chứng minh và có mối liên kết vững chắc giữa lượng calo tiêu thụ và số kg giảm được. Nói cách khác, việc tạo ra thâm hụt calo chắc chắn sẽ giúp giảm cân.
- Nhóm 2: chế độ ăn thay đổi tỷ lệ các chất dinh dưỡng đa lượng gây ra nhiều tranh cãi về hiệu quả giảm cân vì thường kết hợp với việc giảm calo bằng cách hạn chế một nhóm chất dinh dưỡng như đường hoặc chất béo, được bàn kỹ hơn về vấn đề này trong phần sau của bài viết.
- Nhóm 3: chế độ ăn dựa trên thay đổi thói quen sinh hoạt và lựa chọn thực phẩm không có cơ chế trực tiếp tác động đến việc giảm cân mà thường thông qua việc thâm hụt năng lượng và/hoặc thay đổi tỷ lệ các chất dinh dưỡng đa lượng. Những chế độ ăn trong nhóm này thường được áp dụng vì thường giúp người thực hiện có khả năng lựa chọn và tuân thủ được tốt dựa trên thói quen cá nhân, nhịn ăn gián đoạn phù hợp với người hay bỏ bữa sáng, chế độ ăn Địa Trung Hải phù hợp với những người thích ăn theo phong cách châu Âu và ăn chay phù hợp với những người ăn chay có lý do tôn giáo.
Trong thực tế, các chế độ ăn dù có tên riêng hoặc có các nguyên tắc thực hiện rất rõ ràng và chuyên biệt (như Atkins, Địa Trung Hải, keto…) nhưng khi áp dụng trong giảm cân thường phối hợp cả ba nhóm cơ chế và lồng ghép các nguyên tắc chung của nhau để tối ưu hiệu quả và mang lại lợi ích tối đa cho sức khỏe.
Phân loại các chế độ ăn giảm cân thông dụng theo 3 nhóm cơ chế được trình bày trong bảng dưới đây:
Nhóm | Chế độ ăn | Đặc điểm chính |
Nhóm 1: chế độ ăn thâm hụt năng lượng | Low-calorie diets (LCDs) – chế độ ăn ít calo | Tiêu thụ 1000-1500kcal/ngày, giảm 0,4-0,5kg/tuần. |
Very low-calorie diets (VLCDs) – chế độ ăn rất ít calo | Tiêu thụ ít hơn 800kcal/ngày, áp dụng trong 12-16 tuần và cần giám sát chuyên khoa. | |
Nhóm 2: thay đổi tỷ lệ chất dinh dưỡng | Low-carb diets – chế độ ăn giảm carbohydrate | Giảm carbohydrate, tăng protein và chất béo. |
Low-fat diet – chế độ ăn giảm chất béo | Calo từ chất béo ≤ 30%, tăng rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. | |
Nhóm 3: thay đổi thói quen sinh hoạt và chọn lựa thực phẩm | Intermittent fasting – nhịn ăn gián đoạn | Nhịn ăn theo giờ và cải thiện trao đổi chất. |
Paleo – chế độ ăn thời tiền sử | Thực phẩm tự nhiên, không ngũ cốc, không sữa. | |
Nordic – chế độ ăn Bắc Âu | Nhiều rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, cá, hải sản. | |
Eat clean – ăn sạch | Tiêu thụ thực phẩm ít chế biến, nhiều rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. | |
Vegetarian – ăn chay | Không thịt, nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc. | |
Mediterranean – chế độ ăn Địa Trung Hải | Rau củ, trái cây, ngũ cốc, cá, dầu olive, hạn chế thịt đỏ. | |
Low GI-GL – chế độ ăn chỉ số đường huyết thấp | Thực phẩm có GI và GL thấp, kiểm soát đường huyết. |
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Hiệu quả giảm cân của các chế độ ăn thông dụng
Hiệu quả của các chế độ ăn giảm cân và giảm mỡ có thể thay đổi tùy vào mục tiêu và đặc điểm cơ thể mỗi người. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh một số kết quả đáng chú ý của các chế độ ăn giảm cân này.
Chế độ ăn low-carb thường đứng đầu về hiệu quả giảm cân. Đối với những ai đặt mục tiêu giảm cân nhanh và muốn cải thiện các chỉ số cholesterol, đây có thể là lựa chọn tốt nhất. Kết quả từ nghiên cứu của Shai và cộng sự vào năm 2008 cho thấy chế độ ăn low-carb giúp giảm cân nhiều nhất trong suốt 24 tháng so với chế độ ăn ít chất béo và chế độ ăn Địa Trung Hải. Cho đến nay rất nhiều nghiên cứu được lặp lại đều cho kết quả tương tự, nhưng cần lưu ý hiệu quả giảm cân nhanh chóng của chế độ ăn low-carb chỉ diễn ra ấn tượng trong vòng 6 tháng đầu tiên. Càng ở giai đoạn sau tốc độ giảm cân của chế độ ăn low-carb không còn khác biệt quá nhiều so với các chế độ ăn khác.
Chế độ ăn giàu protein cũng là một lựa chọn khả thi, đặc biệt với những ai thích đa dạng hóa thực đơn với nhiều thịt và sữa. Mặc dù không giảm cân nhanh như chế độ ăn low-carb, chế độ này vẫn mang lại những kết quả ấn tượng.
Chế độ ăn ít chất béo không có hiệu quả hơn chế độ ăn thâm hụt năng lượng và luôn thua kém về tốc độ giảm cân khi so sánh với các kiểu chế độ ăn khác trong các nghiên cứu.
Chế độ ăn Địa Trung Hải và DASH là hai lựa chọn tuyệt vời nếu muốn giảm cân mà vẫn chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe tim mạch. Cả hai chế độ ăn này không chỉ giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả mà còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho hệ tuần hoàn.
Chế độ ăn chay và Portfolio có thể không nổi bật trong việc giảm cân nhanh chóng nhưng lại có lợi ích đối với việc giảm cholesterol và huyết áp, mang lại những cải thiện sức khỏe lâu dài.
Tổng hợp hiệu quả giảm cân của các chế độ ăn qua các nghiên cứu được trình bày trong bảng dưới đây:
Chế độ ăn | Số lượng thử nghiệm | Hiệu quả giảm cân | Các thông số tim mạch |
Chế độ ăn low-carb | 21 | Giảm 0,98-7,05kg |
Cholesterol toàn phần và LDL-C tăng. HDL-C, triglyceride và huyết áp giảm. |
Chế độ ăn nhiều protein | 8 | Không rõ ràng | Cholesterol toàn phần và LDL-C không thay đổi.
Triglyceride và huyết áp giảm. |
Chế độ ăn ít chất béo | 9 | Giảm 1,54-2,24kg | Cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C và triglyceride giảm. |
Chế độ ăn thời tiền sử | 2 | Không rõ ràng | Không rõ ràng |
Chế độ ăn chỉ số đường huyết thấp | 12 | Cholesterol toàn phần và LDL-C giảm.
HDL-C và triglyceride không thay đổi. |
|
Nhịn ăn gián đoạn | 6 | Không rõ ràng | |
Chế độ ăn Địa Trung Hải | 11 | Giảm 0,98-2,24kg | Cholesterol toàn phần, LDL-C, triglyceride và huyết áp giảm.
HDL-C tăng. |
Chế độ ăn Bắc Âu | 2 | Không rõ ràng | Không rõ ràng |
Ăn chay | 9 | Cholesterol toàn phần và LDL-C giảm. | |
DASH | 6 | Giảm 1,42-1,54kg | Huyết áp giảm |
Chế độ hỗn hợp | 1 | Không rõ ràng | Cholesterol toàn phần, LDL-C và triglyceride giảm. |
Nhìn chung, chế độ ăn low-carb cho hiệu quả giảm cân cao nhất và chế độ ăn Địa Trung Hải là chế độ duy nhất cho thấy hiệu quả giảm cân và cải thiện các thông số tim mạch một cách nhất quán. Chế độ DASH cũng cho thấy hiệu quả nhất định về giảm cân và huyết áp. Các chế độ còn lại cho thấy bằng chứng yếu hoặc không nhất quán về hiệu quả giảm cân và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Thành công trong việc giảm cân không chỉ đến từ việc tuân theo những chế độ ăn phổ biến hay làm theo số đông, mà quan trọng hơn là sự hiểu biết sâu sắc về bản chất và cơ chế của từng phương pháp. Mỗi người có một cơ địa và lối sống khác nhau, vì vậy, việc lựa chọn chế độ ăn phù hợp cần dựa trên nền tảng khoa học và sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng. Bằng cách nắm vững kiến thức và áp dụng một cách thông minh, bạn sẽ không chỉ đạt được mục tiêu giảm cân mà còn duy trì sức khỏe lâu dài. Hãy nhớ rằng, hiểu rõ và chọn đúng phương pháp là chìa khóa dẫn đến thành công bền vững.
Nếu bạn đang có mong muốn giảm cân, MedFit là một địa chỉ không thể bỏ lỡ. Là Phòng khám y khoa tiên phong áp dụng mô hình giảm cân đa mô thức, MedFit mang đến cho khách hàng liệu trình giảm cân cá thể hóa, được xây dựng bởi đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa sâu, chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên của MedFit. MedFit luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên hành trình đạt được vóc dáng thon gọn và nâng cao sức khỏe.
Tài liệu tham khảo
- Ožvald I, Božičević D, et al. “Changes in anthropometric, biochemical, oxidative, and DNA damage parameters after 3-weeks-567-kcal-hospital-controlled-VLCD in severely obese patients with BMI ≥ 35 kg m-2“. Clin Nutr ESPEN. 2022;49:319-327. doi:10.1016/j.clnesp.2022.03.028
- Dinu M, Pagliai G, et al. “Effects of Popular Diets on Anthropometric and Cardiometabolic Parameters: An Umbrella Review of Meta-Analyses of Randomized Controlled Trials“. Adv Nutr. 2020;11(4):815-833. doi:10.1093/advances/nmaa006
- Shai I, Schwarzfuchs D, et al. “Weight loss with a low-carbohydrate, Mediterranean, or low-fat diet“. N Engl J Med. 2008;359(3):229-241. doi:10.1056/NEJMoa0708681
- Yokose C, McCormick N, et al. “Effects of Low-Fat, Mediterranean, or Low-Carbohydrate Weight Loss Diets on Serum Urate and Cardiometabolic Risk Factors: A Secondary Analysis of the Dietary Intervention Randomized Controlled Trial (DIRECT)“. Diabetes Care. 2020;43(11):2812-2820. doi:10.2337/dc20-1002
- Kim JY. “Optimal Diet Strategies for Weight Loss and Weight Loss Maintenance“. J Obes Metab Syndr. 2021;30(1):20-31. doi:10.7570/jomes20065
- Joshi S, Mohan V. “Pros & cons of some popular extreme weight-loss diets“. Indian J Med Res. 2018;148(5):642-647. doi:10.4103/ijmr.IJMR_1793_18
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.