Mối liên quan giữa insulin và béo phì

Insulin là một hormone có vai trò điều hòa đường huyết và chuyển hóa năng lượng, có mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của béo phì. Khi cơ thể phát triển tình trạng kháng insulin, mức insulin trong máu tăng cao, thúc đẩy sự tích lũy mỡ và góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng béo phì. Bài viết này sẽ phân tích mối liên hệ giữa insulin và béo phì, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát insulin trong việc ngăn ngừa và quản lý béo phì hiệu quả.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Khái quát về insulin và tác động đến tích tụ mỡ

    De khang insulin
    Insulin được sản xuất bởi các tế bào beta tuyến tụy

    Insulin là một hormone được sản xuất bởi các tế bào beta trong tuyến tụy. Sau khi ăn bữa ăn có carbohydrate, lượng đường trong máu tăng cao kích thích tuyến tụy tiết insulin vào máu. Chức năng chính của insulin là giúp các tế bào trong cơ thể hấp thụ glucose từ máu để sử dụng làm năng lượng hoặc dự trữ dưới dạng glycogen trong gan và cơ bắp. Khi lượng glycogen dự trữ đã đầy, glucose dư thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ và lưu trữ trong mô mỡ. Điều này giúp duy trì ổn định mức đường huyết.

    insulin và béo phì
    Insulin giúp các tế bào trong cơ thể hấp thụ glucose từ máu để sử dụng làm năng lượng

    Không chỉ tham gia vào việc điều chỉnh đường huyết, insulin còn đóng vai trò quan trọng trong việc tích lũy mỡ. Khi mức insulin trong máu tăng cao, cơ thể tăng cường lưu trữ năng lượng dưới dạng mỡ và đồng thời ức chế quá trình phân giải mỡ (lipolysis) – quá trình đốt cháy mỡ dự trữ để tạo ra năng lượng. Điều này dẫn đến sự tích tụ mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng, nơi có nhiều thụ thể insulin.

    Insulin cũng kích hoạt các enzyme trong tế bào mỡ, giúp vận chuyển và lưu trữ chất béo từ máu vào mô mỡ, làm tăng khả năng tích trữ mỡ và tăng kích thước tế bào mỡ. Mức insulin cao kéo dài có thể kích thích sự tăng sinh của tế bào mỡ, làm tăng tổng số lượng tế bào mỡ trong cơ thể, điều này càng làm tăng khả năng lưu trữ mỡ và gây khó khăn trong việc giảm cân.

    Te bao mo
    Insulin cao kéo dài làm tăng khả năng lưu trữ mỡ trong cơ thể

    Ngoài ra, khi mức insulin cao liên tục do kháng insulin hoặc do tiêm insulin ngoại sinh, tín hiệu điều hòa cảm giác thèm ăn tại vùng dưới đồi có thể bị rối loạn. Điều này dẫn đến việc não không nhận được tín hiệu no một cách chính xác, làm tăng cảm giác thèm ăn và dẫn đến ăn quá mức.

    Sinh hoat khong lanh manh
    Insulin cao kéo dài làm tăng cảm giác thèm ăn và dẫn đến ăn quá mức

    Insulin cũng tương tác với các hormone khác như leptin (hormone điều hòa cảm giác no) và ghrelin (hormone kích thích cảm giác đói). Khi mức insulin không ổn định, sự cân bằng giữa các hormone này bị xáo trộn, làm tăng cảm giác thèm ăn.

    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

    Mối liên hệ giữa insulin và béo phì

    Insulin và béo phì là hai yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ và phức tạp, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tiến triển của các rối loạn chuyển hóa.

    Kháng insulin có dẫn đến béo phì không?

    Kháng insulin là tình trạng các tế bào không đáp ứng hiệu quả với insulin, dẫn đến việc tuyến tụy phải sản xuất nhiều insulin hơn để duy trì đường huyết bình thường. Tình trạng này liên quan chặt chẽ đến một loạt bệnh lý như đái tháo đường típ 2, béo phì đặc biệt là vùng bụng, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch, hội chứng buồng trứng đa nang, gan nhiễm mỡ không do rượu, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Những bệnh lý này đều có chung yếu tố là kháng insulin, làm tăng nguy cơ biến chứng.

    Kháng insulin có mối liên quan mật thiết với béo phì. Khi kháng insulin xảy ra, các tế bào không thể hấp thụ glucose hiệu quả, dẫn đến việc tuyến tụy phải tiết ra nhiều insulin hơn để duy trì mức đường huyết ổn định, như vậy dẫn đến mức insulin trong máu cao hơn bình thường. Mức insulin cao trong máu thúc đẩy quá trình tích trữ mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng (nơi có nhiều thụ thể insulin và dễ dàng bị ảnh hưởng bởi mức insulin cao), khiến mỡ dễ tích lũy và khó bị đốt cháy, dẫn đến tăng cân và béo phì.

    Béo bụng
    Insulin cao trong máu thúc đẩy quá trình tích trữ mỡ ở vùng bụng

    Vòng luẩn quẩn này càng làm cho kháng insulin trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến việc tích lũy mỡ nhiều hơn, đặc biệt là ở những người có chế độ ăn uống và lối sống không lành mạnh.

    Béo phì có gây kháng insulin không?

    Béo phì toàn thân (mỡ thừa phân bố khắp cơ thể) có thể gây ra kháng insulin do sự gia tăng kích thước và số lượng của các tế bào mỡ. Sự tích tụ mỡ thừa dẫn đến việc các tế bào mỡ lớn lên và trở nên quá tải, tiết ra nhiều cytokine tiền viêm như TNF-α và IL-6. Những chất này làm gia tăng tình trạng viêm toàn cơ thể và làm tổn thương quá trình truyền tín hiệu insulin trong các mô, từ đó góp phần vào sự kháng insulin.

    Béo phì vùng bụng, đặc biệt là mỡ nội tạng, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến kháng insulin. Mỡ nội tạng liên kết chặt chẽ với gan và tác động trực tiếp đến quá trình chuyển hóa đường và chất béo. Mỡ nội tạng tích tụ giải phóng nhiều acid béo tự do vào máu, được gan hấp thụ và sử dụng để sản xuất năng lượng ngay cả khi cơ thể không cần thêm glucose. Điều này dẫn đến mức glucose trong máu tăng cao. Cụ thể, gan sẽ dùng nguồn acid béo tự do để kích hoạt các con đường sinh hóa trong gan, dẫn đến việc tăng sản xuất glucose thông qua quá trình tân tạo đường và phân hủy glycogen. Đồng thời, mỡ nội tạng gây viêm mạn tính, làm giảm khả năng của gan trong việc đáp ứng với insulin. Kết quả là gan tiếp tục sản xuất và giải phóng glucose vào máu, khiến tình trạng kháng insulin trở nên nghiêm trọng hơn so với mỡ thừa ở các vùng khác của cơ thể.

    Mo noi tang
    Mỡ nội tạng tác động mạnh mẽ đến kháng insulin

    Kháng insulin và béo phì có mối liên hệ chặt chẽ, tạo thành một vòng luẩn quẩn mà trong đó kháng insulin dẫn đến béo phì và ngược lại, béo phì làm tăng kháng insulin, dẫn đến nguy cơ cao hơn về đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch và các bệnh lý chuyển hóa khác. Hiểu rõ mối quan hệ này là chìa khóa để phát triển các biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm kiểm soát và ngăn ngừa cả hai tình trạng này.

    Dai thao duong tip 2 tim mach cao huyet ap
    Béo phì làm tăng kháng insulin, dẫn đến nguy cơ cao hơn mắc các bệnh nghiêm trọng

    Các loại thuốc làm tăng tiết và tăng độ nhạy insulin ảnh hưởng đến cân nặng

    Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị đái tháo đường, có thể tác động đáng kể đến quá trình tiết insulin và độ nhạy insulin, từ đó ảnh hưởng đến cân nặng của bệnh nhân:

    Thuốc làm tăng tiết hoặc tăng mức insulin

    Sulfonylurea và insulin tiêm dưới da là những thuốc phổ biến được dùng trong điều trị đái tháo đường. Sulfonylurea kích thích tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn, trong khi insulin tiêm dưới da bổ sung insulin trực tiếp vào cơ thể. Cả hai loại thuốc này giúp kiểm soát đường huyết bằng cách tăng mức insulin trong máu nhưng không cải thiện độ nhạy cảm của các tế bào đối với insulin. Một điều cần lưu ý là lượng insulin dư thừa trong cơ thể có thể thúc đẩy quá trình lưu trữ mỡ và dẫn đến tăng cân. Ngoài ra, việc tiêm insulin vào cùng một vị trí lâu dài có thể gây ra tình trạng tăng mô mỡ tại vị trí tiêm, ảnh hưởng đến sự hấp thụ insulin và góp phần vào việc tăng cân. Do đó, người bệnh cần tuân theo chỉ định và hướng dẫn của Bác sĩ để quản lý các tác dụng phụ này.

    Olanzapine (thuốc chống loạn thần), gabapentin (thuốc chống co giật) và corticosteroid không chỉ gây tăng tiết insulin mà còn có tác dụng tương tự như hormone cortisol tự nhiên, thúc đẩy tích lũy mỡ. Việc sử dụng các thuốc này thường dẫn đến tăng cân, do đó, cần theo dõi và sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ trong quá trình điều trị.

    Thuốc làm tăng độ nhạy insulin

    Thiazolidinedione (TZD) và metformin giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn:

    • Metformin, ngoài việc tăng độ nhạy insulin, còn có tác dụng giảm cân nhẹ. Do đó, metformin trở thành một lựa chọn phù hợp cho nhiều bệnh nhân đái tháo đường.
    • Ngược lại, TZD có thể làm tăng khả năng lưu trữ mỡ của tế bào, dẫn đến nguy cơ tăng cân.

    Thuốc làm tăng tiết insulin và tăng độ nhạy insulin

    GLP-1 là một loại thuốc vừa giúp tăng tiết insulin theo mức đường huyết, vừa cải thiện độ nhạy cảm của tế bào với insulin. Đồng thời, GLP-1 còn làm chậm quá trình tiêu hóa, giảm cảm giác thèm ăn và hỗ trợ giảm cân. Do đó, các thuốc đồng vận GLP-1 không chỉ kiểm soát tốt đường huyết mà còn có lợi trong việc quản lý cân nặng.

    Nguy cơ béo phì ở trẻ sơ sinh từ mẹ bị đái tháo đường thai kỳ

    Khi mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ, lượng glucose cao từ mẹ qua nhau thai vào máu của thai nhi khiến tuyến tụy của thai nhi phải sản xuất nhiều insulin hơn. Insulin cao trong cơ thể thai nhi dẫn đến tích lũy mỡ thừa, gây ra tình trạng thai nhi lớn hơn bình thường. Em bé mắc phải tình trạng này thường có kích thước lớn hơn bình thường, với trọng lượng lúc sinh thường trên 4kg.

    Nguy cơ thai nhi quá lớn
    Tình trạng thai nhi quá lớn (hình minh họa)

    Lượng insulin cao này cũng kích thích tích lũy mỡ dưới da, đặc biệt ở vai, bụng và má, khiến bé có hình dáng tròn trịa hơn. Sau khi sinh, trẻ sơ sinh có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ thường có nguy cơ hạ đường huyết nhanh chóng. Điều này xảy ra vì trong suốt thai kỳ, thai nhi đã quen với mức glucose cao từ mẹ, khiến tuyến tụy của thai nhi sản xuất nhiều insulin hơn để xử lý glucose. Khi trẻ được sinh ra, nguồn glucose từ mẹ ngừng cung cấp đột ngột nhưng cơ thể trẻ vẫn tiếp tục sản xuất một lượng insulin cao, dẫn đến việc đường huyết của trẻ giảm đột ngột, gây ra tình trạng hạ đường huyết nguy hiểm.

    Ngoài ra, trẻ sơ sinh từ mẹ bị đái tháo đường thai kỳ cũng có nguy cơ cao mắc các vấn đề hô hấp, đặc biệt là suy hô hấp. Điều này xảy ra do phổi của trẻ có thể chưa phát triển hoàn chỉnh, một phần là do insulin cao trong thai kỳ cản trở quá trình sản xuất surfactant – một chất quan trọng giúp phổi của trẻ mở rộng và hoạt động hiệu quả sau khi sinh. Surfactant giúp giảm sức căng bề mặt trong phổi, cho phép các túi khí (phế nang) mở ra và giữ không khí. Thiếu surfactant khiến phổi của trẻ khó mở rộng, dẫn đến khó thở và suy hô hấp ngay sau sinh, một tình trạng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho trẻ. Về lâu dài, trẻ còn có nguy cơ cao hơn về béo phì, đái tháo đường típ 2 và các rối loạn chuyển hóa khác trong cuộc sống sau này.

    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Biện pháp quản lý insulin và phòng ngừa béo phì

      Quản lý insulin là một yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị béo phì. Để làm được điều này, cần có một cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và tham vấn Bác sĩ:

      Điều chỉnh chế độ ăn uống

      • Giảm carbohydrate tinh chế và đường: tiêu thụ quá nhiều carbohydrate tinh chế và đường có thể làm tăng đột ngột mức đường huyết và insulin. Việc giảm lượng carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng, gạo trắng và đồ ngọt, có thể giúp duy trì mức insulin ổn định hơn.
      Thuc pham nhieu duong
      Giảm tiêu thụ thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế và đường
      • Tăng cường chất xơ và protein: chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ glucose, góp phần vào việc kiểm soát mức đường huyết và insulin. Protein không chỉ giúp duy trì cơ bắp mà còn làm tăng cảm giác no, hỗ trợ việc kiểm soát cân nặng.
      Giau protein va chat
      Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu protein và chất xơ
      • Lựa chọn thực phẩm có chỉ số GI và GL thấp: thực phẩm có chỉ số GI thấp làm tăng đường huyết một cách từ từ và ít gây tăng đột ngột insulin. Thực phẩm có chỉ số GL thấp chứa lượng carbohydrate ít, giúp duy trì mức insulin ổn định hơn. Thực phẩm có cả GI và GL thấp bao gồm táo, bưởi, rau xanh, yến mạch, đậu lăng, sữa chua không đường…
      chỉ số GI
      Lựa chọn thực phẩm có chỉ số GI và GL thấp
      • Chia nhỏ bữa ăn: chia nhỏ bữa ăn giúp duy trì mức đường huyết ổn định, giảm nguy cơ tăng insulin đột ngột và đề kháng insulin. Tuy nhiên, hạn chế của cách ăn này là có thể dẫn đến việc ăn quá nhiều calo trong ngày nếu không kiểm soát tốt lượng thức ăn nạp vào và mất nhiều thời gian lên kế hoạch cho các bữa ăn nhỏ.

      Thay đổi lối sống

      • Tăng cường hoạt động thể chất: tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm nguy cơ kháng insulin. Các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, bơi lội và tập tạ đều có thể hỗ trợ trong việc giảm cân và quản lý mức insulin.
      Chay bo 1
      Vận động giúp giảm cân và quản lý mức insulin
      • Giảm căng thẳng: căng thẳng có thể làm tăng mức cortisol, một hormone ảnh hưởng đến insulin và có thể thúc đẩy quá trình tích lũy mỡ. Các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga và các hoạt động thư giãn có thể giúp quản lý mức cortisol và insulin hiệu quả.
      Yoga
      Các kỹ thuật giảm căng thẳng giúp quản lý mức insulin hiệu quả

      Sử dụng thuốc và điều trị y tế

      • Thuốc giúp cải thiện độ nhạy insulin: metformin là một trong những thuốc phổ biến và hiệu quả nhất trong điều trị đái tháo đường típ 2, hoạt động bằng cách giảm sản xuất glucose ở gan và tăng cường độ nhạy cảm của các tế bào với insulin, từ đó hỗ trợ kiểm soát đường huyết và giúp giảm cân nhẹ. Điều này cũng giúp ngăn chặn vòng lặp giữa kháng insulin và béo phì. Ngoài ra, các chất chủ vận thụ thể GLP-1 và thuốc ức chế SGLT2 cũng là những lựa chọn hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết, đồng thời hỗ trợ giảm cân và cải thiện độ nhạy insulin.
      GLP-1
      Các thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 là lựa chọn hiệu quả trong việc cải thiện độ nhạy insulin
      • Thăm khám tổng quát thường xuyên: kiểm tra mức đường huyết thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến kháng insulin và điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, việc tham vấn Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng là rất quan trọng để xây dựng kế hoạch điều trị và chế độ ăn uống phù hợp, giúp kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến kháng insulin.
      Giam sat va tu van y te
      Tham vấn chuyên gia y tế giúp kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến kháng insulin

      Giáo dục và nhận thức cộng đồng

      • Tăng cường giáo dục về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh: nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc kiểm soát insulin thông qua chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh là một bước quan trọng trong việc phòng ngừa béo phì.
      • Hỗ trợ từ cộng đồng và gia đình: tạo môi trường hỗ trợ trong gia đình và cộng đồng để khuyến khích những thay đổi tích cực trong lối sống và chế độ ăn uống, góp phần phòng ngừa và quản lý béo phì hiệu quả.

      Mối liên hệ phức tạp giữa insulin và béo phì cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát hormone này trong việc duy trì cân nặng và sức khỏe tổng thể. Để ngăn ngừa và quản lý béo phì hiệu quả, cần áp dụng cả những thay đổi về lối sống, chế độ ăn uống lẫn sự thăm khám và tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia y tế. Việc kết hợp giữa điều chỉnh thói quen và hỗ trợ y tế sẽ giúp kiểm soát tình trạng này một cách hiệu quả và bền vững hơn.

      MedFit là Phòng khám chuyên về điều trị béo phì, cung cấp các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện và được thiết kế riêng biệt với từng cá nhân, giúp khách hàng kiểm soát cân nặng và duy trì một cơ thể khỏe mạnh lâu dài. Hãy liên hệ ngay với MedFit để bắt đầu hành trình kiểm soát cân nặng của bạn.

      Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ
      Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ m

      Tài liệu tham khảo

      1. Obesity and overweight“. World Health Organization
      2. DeFronzo RA, Ferrannini E. “Insulin resistance. A multifaceted syndrome responsible for NIDDM, obesity, hypertension, dyslipidemia, and atherosclerotic cardiovascular disease“. Diabetes Care. 1991;14(3):173-194. doi:10.2337/diacare.14.3.173
      3. Reaven GM. “Banting lecture 1988. Role of insulin resistance in human disease“. Diabetes. 1988;37(12):1595-1607. doi:10.2337/diab.37.12.1595
      4. Samuel VT, Shulman GI. “The pathogenesis of insulin resistance: integrating signaling pathways and substrate flux“. J Clin Invest. 2016;126(1):12-22. doi:10.1172/JCI77812
      5. Ludwig DS, Ebbeling CB. “The Carbohydrate-Insulin Model of Obesity: Beyond “Calories In, Calories Out”“. JAMA Intern Med. 2018;178(8):1098-1103. doi:10.1001/jamainternmed.2018.2933
      6. Matthews DR, Hosker JP, et al. “Homeostasis model assessment: insulin resistance and β-cell function from fasting plasma glucose and insulin concentrations in man“. Diabetologia, 1985, 28: 412-419
      7. Hu FB. “Globalization of diabetes: the role of diet, lifestyle, and genes“. Diabetes Care. 2011;34(6):1249-1257. doi:10.2337/dc11-0442
      8. Klein S, Sheard NF, et al. “Weight management through lifestyle modification for the prevention and management of type 2 diabetes: rationale and strategies: a statement of the American Diabetes Association, the North American Association for the Study of Obesity, and the American Society for Clinical Nutrition“. Diabetes care, 2004, 27.8: 2067-2073
      9. Saltiel AR, Olefsky JM. “Inflammatory mechanisms linking obesity and metabolic disease“. J Clin Invest. 2017;127(1):1-4. doi:10.1172/JCI92035
      Content Protection by DMCA.com
      logo MedFit

      Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.