Hiện nay, béo phì đã trở thành một vấn đề sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của hàng trăm triệu người. Béo phì không chỉ đơn giản là vấn đề thẩm mỹ mà còn dẫn đến nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết dưới đây giúp làm rõ những ảnh hưởng mà béo phì gây ra cho những người mắc phải tình trạng này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như tạo động lực để mọi người chung tay phòng ngừa và điều trị béo phì.
Hậu quả của béo phì đối với sức khỏe
Hậu quả trên tim mạch
Hệ tim mạch là một trong những hệ cơ quan chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi béo phì. Những người bị béo phì có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn 2-4 lần so với những người có cân nặng bình thường.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một trong những hậu quả phổ biến nhất của béo phì. Khối lượng cơ thể tăng buộc tim làm việc nhiều hơn để duy trì tuần hoàn, làm tăng áp lực lên tim và hệ thống mạch máu, gây tăng huyết áp. Trong nghiên cứu Framingham Heart, nguyên nhân tăng huyết áp nguyên phát của 78% nam giới và 65% phụ nữ là do béo phì.
Bệnh lý xơ vữa mạch máu (bệnh mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên và nhồi máu não)
Béo phì là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến xơ vữa động mạch, tình trạng này là do các mảng bám cholesterol tích tụ trong thành động mạch, gây hẹp và cản trở dòng máu lưu thông. Các mạch máu cung cấp cho tim, tứ chi và não bị tắc dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch ngoại biên và đột quỵ.
Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia (NHANES) năm 2005-2012 đã so sánh 100.000 người béo phì với 100.000 người có cân nặng bình thường, đã ghi nhận 51% người béo phì bị tăng huyết áp, 8% bị bệnh tim thiếu máu cục bộ, 3% bị đột quỵ và 21% bị nhồi máu cơ tim.
Suy tim
Suy tim là một biến chứng nghiêm trọng của béo phì, khi tim không còn đủ sức để bơm máu hiệu quả đến các cơ quan trong cơ thể. Béo phì gây ra sự gia tăng khối lượng công việc cho tim, làm tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài, vô tình tạo áp lực lên các buồng tim, làm cho cơ tim bị phì đại. Quá trình này lâu dần gây suy tim, dẫn đến suy giảm chức năng tim.
Trong nghiên cứu Framingham, mỗi đơn vị BMI tăng 5% ở nam giới và tăng 7% ở nữ giới có nguy cơ tiến triển đến suy tim trong tương lai.
Rối loạn nhịp tim
Béo phì có thể gây ra rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ, một tình trạng mà nhịp tim trở nên không đều và có nguy cơ hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ đột quỵ. Trong một nghiên cứu trên gần 15.000 bệnh nhân tại Tây Ban Nha, khoảng 46% bệnh nhân rung nhĩ bị béo phì.
Bệnh lý tĩnh mạch chi dưới
Béo phì là một yếu tố nguy cơ độc lập cho suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Trọng lượng cơ thể lớn cùng với sự ứ trệ tuần hoàn ngoại biên do suy giãn tĩnh mạch và giảm lưu thông máu do ít vận động làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Béo phì làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu gấp 2,5 lần và thuyên tắc phổi gấp 2,21 lần người có chỉ số cân nặng bình thường.
Hậu quả trên hô hấp
Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến hệ tim mạch mà còn có tác động lớn đến hệ hô hấp. Sự tích tụ mỡ thừa trong cơ thể làm tăng áp lực lên lồng ngực và cơ hoành, gây ra nhiều rối loạn hô hấp nghiêm trọng.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một trong những hậu quả phổ biến nhất của béo phì. Đây là tình trạng mà đường thở bị tắc nghẽn tạm thời trong khi ngủ, dẫn đến giảm lượng oxy trong máu và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Tỷ lệ mắc hội chứng này là khoảng 40% ở những người thừa cân và 40-90% ở những người béo phì.
Hội chứng giảm thông khí ở người béo phì
Hội chứng giảm thông khí đặc trưng bởi tình trạng giảm thông khí dẫn đến dư thừa CO2 và thiếu O2 trong máu. Khác với hội chứng ngưng thở chỉ xảy ra khi ngủ, hội chứng giảm thông khí có thể xảy ra cả khi ngủ và thức. Tỷ lệ mắc hội chứng này thường gặp ở người béo phì (19-31%), cao hơn so với dân số chung (0,15-0,3%). Giảm thông khí thường đi kèm với ngưng thở khi ngủ và làm tăng nguy cơ suy hô hấp.
Hen suyễn
Hen suyễn là một bệnh lý hô hấp mạn tính gây khó thở, ho và tức ngực. Tình trạng viêm mạn tính và sự gia tăng áp lực cơ học lên đường thở khiến béo phì làm tăng nguy cơ mắc và làm nặng hen suyễn. Ở Hoa Kỳ, trong số những người trưởng thành mắc bệnh hen suyễn nặng, gần 60% người bị béo phì.
Hậu quả trên chuyển hóa
Người bị béo phì thường bị rối loạn quá trình chuyển hóa, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính. Những biến đổi trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Hội chứng chuyển hóa
Hội chứng chuyển hóa là một tập hợp các rối loạn bao gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, kháng insulin và dư thừa mỡ bụng, tất cả đều liên quan chặt chẽ đến béo phì. Khoảng 60-80% người béo phì mắc hội chứng chuyển hóa, tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi, giới tính và mức độ béo phì. Hội chứng này làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não và tăng gấp 1,5 lần nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Đái tháo đường típ 2
Béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đái tháo đường típ 2. Kháng insulin do béo phì gây ra làm tăng đường huyết và dẫn đến rối loạn đường huyết. Đái tháo đường típ 2 không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như bệnh thận và tổn thương dây thần kinh. Tại Hoa Kỳ, béo phì có liên quan đến 30-53% số ca đái tháo đường mới hàng năm.
Rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu là tình trạng mà mức cholesterol toàn phần hoặc cholesterol xấu (LDL) hoặc triglyceride máu tăng cao, trong khi cholesterol tốt (HDL) giảm. Tỷ lệ bệnh nhân béo phì bị rối loạn lipid máu là khoảng 60-70%, trong khi tỷ lệ này là 50-60% ở bệnh nhân thừa cân.
Thiếu vitamin D
Thiếu vitamin D là một tình trạng phổ biến ở người bị béo phì, người béo phì có nhu cầu cao hơn bình thường do vitamin D chủ yếu phân bố trong mỡ. Ngoài ra, ít vận động ngoài trời cũng là một nguyên nhân thường thấy ở người béo phì. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến loãng xương và suy giảm chức năng miễn dịch. Tỷ lệ thiếu vitamin D là khoảng 35% ở người béo phì và 24% ở người thừa cân, cao hơn so với những người có cân nặng bình thường.
Hậu quả trên cơ xương khớp
Béo phì gây áp lực lớn lên hệ cơ xương khớp, dẫn đến nhiều rối loạn và bệnh lý nghiêm trọng:
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là một bệnh lý phổ biến ở người béo phì, đặc biệt là ở các khớp chịu trọng lượng như đầu gối, hông và cột sống. Sự mài mòn sụn khớp do trọng lượng cơ thể làm tăng nguy cơ viêm và đau khớp, làm giảm khả năng vận động. Khoảng 23% người thừa cân bị thoái hóa khớp, con số này là 31% ở người béo phì theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).
Viêm xương khớp
Béo phì là một yếu tố nguy cơ chính đối với viêm xương khớp. Tỷ lệ viêm xương khớp lên đến 22,9% ở những bệnh nhân lựa chọn phẫu thuật giảm cân. Cơ chế chính bao gồm tình trạng viêm mạn tính ở người béo phì kết hợp với tổn thương sụn khớp do quá tải trọng lượng, từ đó dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm xương khớp.
Hậu quả trên tâm lý và xã hội
Béo phì không chỉ gây ra các hậu quả về thể chất mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và xã hội của người bệnh. Những người bị béo phì thường phải đối mặt với những thách thức lớn về tinh thần và các mối quan hệ xã hội:
Trầm cảm, lo âu và tự ti
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý như trầm cảm và lo âu. Sự kỳ thị xã hội cùng với những khó khăn trong việc quản lý cân nặng khiến nhiều người béo phì cảm thấy tự ti và mất tự tin trong cuộc sống hàng ngày. Một nghiên cứu tại Ai Cập cho thấy trong số 1.115 bệnh nhân béo phì, tỷ lệ rối loạn trầm cảm và lo âu lần lượt là 29,23% và 25,56%.
Kỳ thị của xã hội
Những người bị béo phì thường phải đối mặt với sự kỳ thị từ xã hội, bao gồm thái độ tiêu cực, phân biệt đối xử và miệt thị. Điều này không chỉ gây căng thẳng tâm lý mà còn tạo ra rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và cơ hội nghề nghiệp.
Hậu quả lên da
Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng mà còn gây ra nhiều vấn đề về da. Người bị béo phì thường gặp phải các bệnh lý da liễu do sự thay đổi hormone và tình trạng viêm mạn tính. Những vấn đề da phổ biến ở người bị béo phì bao gồm viêm da tiếp xúc, nấm da và tình trạng dấu gai đen.
Viêm da tiếp xúc và nấm da thường xảy ra do sự tích tụ mồ hôi và ma sát liên tục ở các vùng da gấp như nách và đùi. Trong khi đó, dấu gai đen là một dấu hiệu của rối loạn chuyển hóa, thường đi kèm với kháng insulin và nguy cơ đái tháo đường típ 2. Khoảng 60-70% bệnh nhân béo phì gặp phải các tình trạng liên quan đến da.
Hậu quả lên sinh sản
Béo phì có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Sự mất cân bằng hormone và rối loạn chuyển hóa do béo phì có thể gây ra vô sinh và các vấn đề sinh sản khác.
Ở nữ giới
Béo phì làm tăng nguy cơ hội chứng buồng trứng đa nang, là một dạng rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hội chứng này gây nhiều tác động lên buồng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, hình thành nhiều nang nhỏ bên trong buồng trứng, từ đó rối loạn quá trình rụng trứng, làm giảm cơ hội mang thai. Tần suất mắc hội chứng này ở bệnh nhân thừa cân – béo phì là khoảng 38-88%.
Ngoài ra, béo phì cũng làm tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ, bao gồm đái tháo đường thai kỳ và tiền sản giật. Các biến chứng này đều có nguy cơ gây sảy thai, thai lưu hoặc sinh non do buộc chấm dứt thai kỳ sớm. Béo phì ở mẹ bầu làm tăng nguy cơ phát triển thành đái tháo đường thai kỳ gấp 3 lần và tiền sản giật gấp 3-4 lần so với những bà mẹ có cân nặng bình thường.
Ở nam giới
Mô mỡ thừa ở người béo phì tăng cường hoạt động của enzyme aromatase, enzyme này chuyển đổi testosterone thành estrogen. Bên cạnh đó, nồng độ leptin cao ở người béo phì ức chế chức năng của trục hạ đồi – tuyến yên – tinh hoàn, qua đó giảm sản xuất testosterone. Hậu quả là làm suy giảm khả năng sản xuất số lượng, chất lượng tinh trùng, ham muốn tình dục và chức năng cương dương.
Trong tổng hợp 14 nghiên cứu, đàn ông béo phì có số lượng tinh trùng thấp cao hơn 42% và không tạo được tinh trùng cao hơn 81% khi so sánh với đàn ông có cân nặng bình thường.
Hậu quả lên hệ thần kinh
Tăng áp lực nội sọ vô căn, còn được gọi là hội chứng não giả u nguyên phát, là một tình trạng gây tăng áp lực nội sọ không rõ nguyên nhân. Bệnh tương đối hiếm gặp, có tỷ lệ khoảng 180/100.000 phụ nữ béo phì. Tăng áp lực nội sọ vô căn có thể dẫn đến đau đầu, giảm thị lực và có thể gây mù lòa nếu không được điều trị kịp thời. Mặc dù cơ chế chính xác chưa được hiểu rõ, béo phì được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng, đặc biệt ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh sản.
Tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư
Béo phì không chỉ gây ra các bệnh lý mạn tính mà còn làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Nguyên nhân chính của tình trạng này có thể là do quá trình viêm mạn tính và mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Ở người béo phì, nồng độ insulin, yếu tố tăng trưởng giống insulin và hormone giới tính bị rối loạn tạo điều kiện cho sự phát triển tế bào ung thư. Nguy cơ mắc ung thư càng tăng khi khối lượng cơ thể càng lớn và thời gian thừa cân càng lâu.
Theo CDC, thừa cân và béo phì có liên quan đến nguy cơ cao mắc 13 loại ung thư bao gồm ung thư biểu mô tuyến thực quản, ung thư vú (ở phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh), ung thư đại tràng và trực tràng, ung thư tử cung, ung thư túi mật, ung thư dạ dày, ung thư thận, ung thư gan, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến giáp, u màng não và đa u tủy. Những bệnh ung thư này chiếm 40% tổng số bệnh ung thư được chẩn đoán ở Hoa Kỳ mỗi năm, tình trạng này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát cân nặng, không chỉ để phòng ngừa các bệnh mạn tính mà còn để giảm nguy cơ ung thư.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Một số dấu hiệu gợi ý có thể là biến chứng của béo phì
Những người bị béo phì cần đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu có thể là biến chứng của tình trạng này. Các dấu hiệu cần lưu ý bao gồm:
- Đau ngực hoặc khó thở: đây có thể là dấu hiệu của bệnh mạch vành, suy tim hoặc các biến chứng tim mạch thường gặp ở người béo phì.
- Ngáy lớn, cảm giác nghẹt thở khi ngủ và buồn ngủ vào ban ngày: đây có thể là dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ – một biến chứng nghiêm trọng của béo phì.
- Sưng chân hoặc đau nhức ở chân: đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý huyết khối tĩnh mạch chi dưới hoặc suy tĩnh mạch – thường gặp ở người béo phì.
- Đau hoặc cứng khớp: đặc biệt là ở khớp gối và hông, có thể là dấu hiệu của thoái hoá khớp hoặc viêm xương khớp – một tình trạng phổ biến ở người béo phì.
- Khó khăn trong kiểm soát đường huyết: nếu gặp khó khăn trong việc duy trì mức đường huyết ổn định, đó có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường típ 2.
- Thay đổi trên da: sự phát triển của các vùng da sậm màu, dày và mịn có thể là dấu hiệu của rối loạn chuyển hóa liên quan đến béo phì.
- Sụt cân kéo dài: sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi kéo dài kèm theo sờ thấy được khối trong vú, thay đổi trong thói quen đi đại tiện hoặc rối loạn kinh nguyệt có thể gợi ý đến nguy cơ mắc các loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại tràng hoặc ung thư nội mạc tử cung, vốn có tỷ lệ cao hơn ở người béo phì.
- Đau đầu, mờ mắt hoặc nhìn đôi: đây có thể là dấu hiệu của tình trạng tăng áp lực nội sọ, một biến chứng hiếm nhưng nghiêm trọng của béo phì.
- Rối loạn chức năng sinh dục: ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh có thể là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang, trong khi ở nam giới, béo phì có thể dẫn tới giảm số lượng, chất lượng tinh trùng và rối loạn cương dương.
Khi gặp phải những tình trạng trên, điều tốt nhất nên làm là tìm sự trợ giúp từ Bác sĩ chuyên khoa để sớm phát hiện biến chứng và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, việc phòng ngừa béo phì là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến béo phì. Một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối, tập luyện thể dục đều đặn và duy trì cân nặng hợp lý là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa và kiểm soát béo phì. Ngoài ra, việc thăm khám định kỳ và tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị béo phì.
Béo phì là một tình trạng sức khỏe phức tạp, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng từ các bệnh lý trên hệ tim mạch, hô hấp và rối loạn chuyển hóa đến các vấn đề tâm lý – xã hội và nguy cơ ung thư. Để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm và cải thiện chất lượng cuộc sống, việc nhận biết sớm và kiểm soát béo phì là vô cùng quan trọng.
MedFit là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng mô hình giảm cân đa mô thức kết hợp các phương pháp điều trị dựa trên y học chứng cứ, giúp kiểm soát toàn diện các hậu quả nghiêm trọng của béo phì. Hãy liên hệ ngay để được tư vấn và xây dựng kế hoạch điều trị béo phì cá thể hóa, giúp bạn không chỉ đạt được mục tiêu sức khỏe mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
Tài liệu tham khảo
- “Obesity and cardiovascular disease (CVD) morbidity and mortality“. Rethink Obesity
- “Obesity and Cancer“. CDC
- “Excess weight may affect sperm production, reduce fertility in men“. Harvard T.H. Chan
- “Obesity contributes to up to half of new diabetes cases annually in the United States“. Journal of the American Heart Association Report
- Hamzeh N, Ghadimi F, et al. “Obesity, Heart Failure, and Obesity Paradox“. J Tehran Heart Cent. 2017;12(1):1-5
- Peters U, Dixon AE, Forno E. “Obesity and asthma“. J Allergy Clin Immunol. 2018;141(4):1169-1179. doi:10.1016/j.jaci.2018.02.004
- Engin A. “The Definition and Prevalence of Obesity and Metabolic Syndrome“. Adv Exp Med Biol. 2017;960:1-17. doi:10.1007/978-3-319-48382-5_1
- Li YG, Xie PX, et al. “The “obesity paradox” in patients with atrial fibrillation: Insights from the Gulf SAFE registry“. Front Cardiovasc Med. 2022;9:1032633. Published 2022 Nov 30. doi:10.3389/fcvm.2022.1032633
- Stein PD, Beemath A, Olson RE. “Obesity as a risk factor in venous thromboembolism“. Am J Med. 2005;118(9):978-980. doi:10.1016/j.amjmed.2005.03.012
- “Obesity contributes to up to half of new diabetes cases annually in the United States“. Journal of the American Heart Association Report
- Miah L, Strafford H, et al. “Incidence, Prevalence, and Health Care Outcomes in Idiopathic Intracranial Hypertension: A Population Study“. Neurology. 2021;96(8):e1251-e1261. Published 2021 Feb 22. doi:10.1212/WNL.0000000000011463
- Barber TM, Franks S. “Obesity and polycystic ovary syndrome“. Clin Endocrinol (Oxf). 2021;95(4):531-541. doi:10.1111/cen.14421
- Abouzed M, Elsherbiny AM, et al. “Relation of Depression and Anxiety Disorders in Choosing Obesity Management in Obese Patients“. Int J Prev Med. 2022;13:136. Published 2022 Oct 11. doi:10.4103/ijpvm.ijpvm_102_21
- Geeta Sai G, A T, Wahab AJ. “Obesity-Related Skin Conditions: Exploring the Link“. Cureus. 2024;16(4):e57772. Published 2024 Apr 7. doi:10.7759/cureus.57772
- Sam S. “Obesity and Polycystic Ovary Syndrome“. Obes Manag. 2007;3(2):69-73. doi:10.1089/obe.2007.0019
- Yen IW, Lee CN, et al. “Overweight and obesity are associated with clustering of metabolic risk factors in early pregnancy and the risk of GDM“. PLoS One. 2019;14(12):e0225978. Published 2019 Dec 3. doi:10.1371/journal.pone.0225978
- Feingold KR. “Obesity and Dyslipidemia“. [Updated 2023 Jun 19]. In: Feingold KR, Anawalt B, Blackman MR, et al., editors. Endotext [Internet]. South Dartmouth (MA): MDText.com, Inc.; 2000-
- Pacca DM, DE-Campos GC, et al. “PREVALENCE OF JOINT PAIN AND OSTEOARTHRITIS IN OBESE BRAZILIAN POPULATION“. Arq Bras Cir Dig. 2018;31(1):e1344. Published 2018 Mar 1. doi:10.1590/0102-672020180001e1344
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.