Giữa những chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, eat clean (ăn sạch) nổi bật với nguyên tắc ưu tiên thực phẩm tự nhiên và hạn chế đồ chế biến sẵn, được xem như phương pháp giảm cân lành mạnh. Liệu đây có phải “chìa khóa vàng” cho việc giảm cân hay chỉ là một xu hướng nhất thời? Hãy cùng MedFit tìm hiểu sự thật qua bài viết dưới đây.
Eat clean là gì?
Chế độ ăn eat clean tập trung vào việc “ăn sạch”, nghĩa là sử dụng thực phẩm ở trạng thái gần với tự nhiên nhất. Điều này bao gồm các loại thực phẩm ít qua chế biến và giữ được nguyên vẹn các chất dinh dưỡng tự nhiên như rau củ, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và các loại thịt, cá chưa qua chế biến. Đồng thời, chế độ ăn này tránh xa các sản phẩm chứa chất bảo quản, đường tinh luyện và các chất phụ gia có hại.
Điểm đặc biệt của chế độ eat clean là không yêu cầu người thực hiện phải nhịn ăn hoặc loại bỏ hoàn toàn bất kỳ nhóm thực phẩm nào. Thay vào đó, chế độ eat clean hướng đến sự cân bằng và lành mạnh trong dinh dưỡng hàng ngày, khuyến khích người thực hiện tự nấu ăn để kiểm soát thành phần và giữ được sự tươi ngon của thực phẩm.
Chế độ eat clean có những nguyên tắc cơ bản sau:
- Ăn 6 bữa nhỏ mỗi ngày.
- Ăn sáng mỗi ngày trong vòng một giờ sau khi thức dậy.
- Ăn protein nạc và carbohydrate hấp thu chậm trong mỗi bữa ăn.
- Bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất từ trái cây và rau quả tươi.
- Thay chất béo bão hòa bằng chất béo lành mạnh hàng ngày.
- Hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh và đường tinh luyện.
- Kiểm soát khẩu phần ăn.
- Uống 2-3 lít nước mỗi ngày.
Eat clean có thực sự giúp giảm cân không?
Eat clean có thể hỗ trợ cho việc giảm cân nhưng để quá trình này diễn ra hiệu quả, điều kiện tiên quyết vẫn là đảm bảo nguyên tắc thâm hụt calo, nghĩa là lượng calo tiêu thụ phải lớn hơn lượng calo nạp vào.
Chế độ eat clean không đồng nghĩa với việc có thể ăn thoải mái mà không lo lắng về lượng calo. Ví dụ, thực phẩm như bơ, dù rất tốt cho sức khỏe vì giàu chất béo lành mạnh và vitamin, vẫn chứa nhiều calo. Ăn quá nhiều bơ có thể dẫn đến thừa calo và tăng cân. Hơn nữa, lượng chất xơ dư thừa từ rau củ hoặc ngũ cốc nguyên cám cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa nếu không được kiểm soát.
Vì vậy, eat clean không phải là một “phép màu” tự động giúp giảm cân mà là một phương pháp hỗ trợ hiệu quả khi được kết hợp với việc kiểm soát lượng calo, duy trì khẩu phần ăn hợp lý và lối sống năng động. Chỉ khi áp dụng đúng cách, eat clean mới thực sự trở thành công cụ đắc lực trong hành trình giảm cân bền vững.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Ưu điểm và nhược điểm của chế độ eat clean
Eat clean được xem là lối sống lành mạnh và hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, chế độ này cũng có những điểm mạnh và hạn chế riêng cần lưu ý.
Ưu điểm của chế độ eat clean
- Cải thiện sức khỏe tổng thể: tiêu thụ nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên cám và protein nạc cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, hỗ trợ chức năng tim mạch và não bộ, giúp kiểm soát cân nặng và tăng cường hệ miễn dịch.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính: eat clean giúp giảm nguy cơ mắc đái tháo đường, huyết áp cao và bệnh tim mạch nhờ tập trung vào thực phẩm tươi, ít chế biến, giàu chất xơ và có chỉ số đường huyết thấp, giúp kiểm soát đường huyết ổn định và giảm cholesterol xấu. Đồng thời, chế độ này hạn chế muối, chất bảo quản và chất béo xấu, cải thiện sức khỏe tim mạch và huyết áp.
- Hỗ trợ quản lý cân nặng: việc tập trung vào thực phẩm ít calo và giàu chất xơ giúp tạo cảm giác no lâu, hỗ trợ quá trình giảm cân hiệu quả.
Nhược điểm của chế độ eat clean
- Tính linh hoạt thấp: một số phiên bản của chế độ eat clean có thể loại bỏ hoàn toàn các nhóm thực phẩm như ngũ cốc, sữa hoặc thịt, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng nếu không được thay thế hợp lý.
- Nguy cơ phát triển rối loạn ăn uống: việc tuân thủ nghiêm ngặt chế độ eat clean có thể dẫn đến mối quan tâm quá mức về thực phẩm, gây ra các rối loạn ăn uống như orthorexia nervosa (là một rối loạn ăn uống đặc trưng bởi mối bận tâm quá mức, ám ảnh với việc ăn uống “lành mạnh” hoặc “sạch”).
- Đòi hỏi chi phí và thời gian: việc lựa chọn thực phẩm tươi sống, hữu cơ và tự nấu ăn có thể tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị, không phù hợp với lối sống bận rộn của một số người.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Áp dụng eat clean như thế nào để giảm cân hiệu quả?
Để chế độ eat clean thực sự trở thành công cụ hỗ trợ giảm cân hiệu quả, cần áp dụng một cách khoa học và phù hợp với cơ thể. Hãy áp dụng các quy tắc sau:
Lựa chọn thực phẩm tự nhiên, ít qua chế biến
Ưu tiên chọn các thực phẩm tươi để giảm lượng calo rỗng từ các chất phụ gia, đường tinh luyện và chất béo không lành mạnh như:
- Ngũ cốc nguyên hạt: yến mạch, gạo lứt và quinoa giúp cung cấp năng lượng ổn định và duy trì cảm giác no lâu hơn.
- Rau củ và trái cây tươi: đây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết để hỗ trợ tiêu hóa và điều hòa cảm giác thèm ăn.
- Protein nạc: lựa chọn các nguồn như thịt gia cầm không da, cá hồi, đậu hũ và các loại đậu. Protein là yếu tố quan trọng để duy trì khối cơ trong quá trình giảm cân.
- Chất béo lành mạnh: sử dụng dầu olive, quả bơ và các loại hạt thay vì mỡ động vật hoặc bơ.
Kiểm soát khẩu phần ăn để duy trì thâm hụt calo
Ngay cả thực phẩm lành mạnh, nếu tiêu thụ quá mức cũng có thể dẫn đến dư thừa calo. Một số nguyên tắc kiểm soát khẩu phần hiệu quả bao gồm sử dụng đĩa ăn nhỏ, kích thước đường kính khoảng 23cm, để giới hạn lượng thức ăn một cách tự nhiên.
Khẩu phần ăn nên được phân chia hợp lý, bao gồm 50% là trái cây và rau củ không chứa tinh bột như bông cải xanh và cải bó xôi, 25% dành cho protein nạc và 25% còn lại là carbohydrate phức hợp như khoai lang hoặc quinoa. Cách phân bổ này giúp duy trì cân bằng dinh dưỡng và kiểm soát lượng calo hấp thụ mỗi ngày.
Giảm tiêu thụ đường và muối
Giảm tiêu thụ đường và muối đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tích mỡ và phòng ngừa các bệnh mạn tính:
- Lượng đường tự do tiêu thụ nên được giới hạn dưới 10% tổng năng lượng nạp vào mỗi ngày để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Nếu giảm xuống dưới 5%, sức khỏe có thể được cải thiện thêm.
- Bên cạnh đó, lượng muối tiêu thụ không nên vượt quá 5g mỗi ngày, tương đương khoảng 1 muỗng cà phê, nhằm hỗ trợ kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Tăng cường chất xơ để kiểm soát cảm giác đói
Chất xơ có thể được bổ sung từ các nguồn tự nhiên như rau xanh (cải xoăn, bông cải xanh), trái cây ít đường (táo, lê) và các loại ngũ cốc nguyên hạt cùng các loại đậu. Việc đưa những thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn không chỉ giúp kéo dài cảm giác no mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể.
Xây dựng thói quen ăn uống đều đặn
Ăn đúng giờ và chia nhỏ bữa ăn giúp kiểm soát lượng calo, duy trì mức đường huyết ổn định và ngăn ngừa cảm giác thèm ăn quá mức. Nên chia thành 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ nhẹ. Bữa phụ nên bao gồm thực phẩm giàu protein hoặc chất xơ như hạt, sữa chua không đường.
Chế độ eat clean không chỉ mang lại lợi ích vượt trội cho sức khỏe mà còn hỗ trợ giảm cân hiệu quả khi tuân thủ nguyên tắc thâm hụt calo, cân bằng dinh dưỡng và duy trì vận động hợp lý. Tuy nhiên, việc chuẩn bị bữa ăn eat clean có thể tốn kém và mất thời gian, đồng thời đòi hỏi sự kiên trì để duy trì lâu dài.
Nếu bạn còn băn khoăn về chế độ ăn giảm cân, hãy liên hệ với Phòng khám MedFit. Với đội ngũ Bác sĩ đa chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng, MedFit sẽ thiết kế lộ trình giảm cân cá nhân hóa, kết hợp dinh dưỡng, vận động, điều trị nội khoa và công nghệ cao tăng cơ giảm mỡ, phù hợp với thể trạng và sức khỏe của mỗi người. Khởi đầu hành trình nâng tầm sức khỏe và lấy lại vóc dáng ngay hôm nay cùng MedFit!
Tài liệu tham khảo
- “Healthy diet“. World Health Organization
- “Clean eating: The good and the bad“. Harvard Health Publishing
- Koliaki C, Spinos T, et al. “Defining the Optimal Dietary Approach for Safe, Effective and Sustainable Weight Loss in Overweight and Obese Adults“. Healthcare (Basel). 2018;6(3):73. Published 2018 Jun 28. doi:10.3390/healthcare6030073
- Wu Y, Harford J, et al. ““Eat clean, train mean, get lean”: Body image and health behaviours of women who engage with fitspiration and clean eating imagery on Instagram“. Body Image. 2022;42:25-31. doi:10.1016/j.bodyim.2022.05.003
- Ambwani S, Shippe M, et al. “Is #cleaneating a healthy or harmful dietary strategy? Perceptions of clean eating and associations with disordered eating among young adults“. J Eat Disord. 2019;7:17. Published 2019 Jun 3. doi:10.1186/s40337-019-0246-2
- Ghaderi A. “A European perspective on “clean eating”: Commentary on Negowetti et al. (2021)“. Int J Eat Disord. 2022;55(1):49-51. doi:10.1002/eat.23615
- Allen M, Dickinson KM, Prichard I. “The Dirt on Clean Eating: A Cross Sectional Analysis of Dietary Intake, Restrained Eating and Opinions about Clean Eating among Women“. Nutrients. 2018;10(9):1266. Published 2018 Sep 8. doi:10.3390/nu10091266
- Ambwani S, Sellinger G, et al. ““It’s Healthy Because It’s Natural.” Perceptions of “Clean” Eating among U.S. Adolescents and Emerging Adults“. Nutrients. 2020;12(6):1708. Published 2020 Jun 7. doi:10.3390/nu12061708
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.