Ăn trái cây có gây tăng cân không?

Trái cây là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh vì là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ tiêu hóa và hệ miễn dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, việc tiêu thụ quá nhiều trái cây, đặc biệt là những loại có hàm lượng đường cao, có thể dẫn đến tăng cân. Vậy ăn trái cây có ảnh hưởng đến cân nặng không? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng MedFit tìm hiểu về giá trị dinh dưỡng của trái cây, tác động của chúng đến cân nặng và cách lựa chọn trái cây phù hợp trong chế độ ăn uống.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Giá trị dinh dưỡng của trái cây

    Trái cây là nguồn cung cấp đa dạng các dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần để duy trì sức khỏe và hoạt động bình thường:

    Năng lượng

    Trái cây thường có hàm lượng calo thấp hơn nhiều so với các loại thực phẩm chế biến sẵn, điều này khiến trái cây trở thành lựa chọn lý tưởng cho chế độ ăn uống lành mạnh. Chẳng hạn, 100g dâu tây chỉ cung cấp khoảng 32kcal, cũng cùng khối lượng đó, quả cam chứa khoảng 52kcal, táo chứa khoảng 65kcal và chuối chín chứa khoảng 98kcal. So với thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên (chứa khoảng 380kcal trong 100g) hay pizza (chứa khoảng 300kcal), trái cây không chỉ ít calo mà còn rất giàu dưỡng chất, giúp chế độ ăn uống trở nên cân bằng hơn.

    Để kiểm soát cân nặng, nên lựa chọn trái cây ít đường và tiêu thụ ở mức hợp lý. Mặc dù trái cây cung cấp ít năng lượng, việc tiêu thụ quá nhiều, đặc biệt là các loại có hàm lượng đường cao, cũng có thể dẫn đến tăng cân. Vì vậy, việc chọn lựa trái cây phù hợp và kiểm soát lượng tiêu thụ là rất quan trọng để duy trì sức khỏe và kiểm soát cân nặng.

    Trái cây
    Trái cây có hàm lượng calo thấp hơn nhiều so với các loại thực phẩm chế biến sẵn

    Vitamin

    Trái cây là nguồn cung cấp vitamin rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể, mang lại nhiều lợi ích đa dạng cho cơ thể:

    • Vitamin C: có nhiều trong cam, táo và dâu tây, vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ sự hấp thụ sắt và giữ cho làn da khỏe mạnh.
    • Vitamin A: nguồn vitamin A phong phú có trong xoài, dưa hấu và đu đủ, vitamin này hỗ trợ sức khỏe thị giác, chức năng miễn dịch và duy trì làn da khỏe mạnh.
    • Vitamin B: nhóm vitamin B, đặc biệt là vitamin B6, có nhiều trong chuối, bơ và cam, hỗ trợ chuyển hóa năng lượng và duy trì sức khỏe hệ thần kinh.

    Khoáng chất

    Trái cây không chỉ ngon miệng mà còn là nguồn cung cấp nhiều khoáng chất thiết yếu cho cơ thể:

    • Kali: có trong chuối, dứa, bơ…, giúp duy trì cân bằng nước trong cơ thể, hỗ trợ chức năng cơ bắp và giảm huyết áp.
    • Magie: có trong bơ, chuối, nho…, hỗ trợ chức năng cơ và hệ thần kinh, duy trì sức khỏe xương.
    • Canxi: có trong cam, dứa, lựu…, giúp xây dựng và duy trì xương chắc khỏe.

    Các chất chống oxy hoá khác

    Trái cây giàu các chất chống oxy hóa mạnh mẽ như flavonoid và hợp chất phenolic, giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi tổn thương oxy hoá. Nhờ đó, việc tiêu thụ trái cây có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, ung thư và làm chậm quá trình lão hóa. Ví dụ, dâu tây, nho và táo là những loại trái cây đặc biệt dồi dào các chất chống oxy hóa, hỗ trợ cơ thể duy trì sức khỏe lâu dài.

    trái cây
    Trái cây giàu các chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi tổn thương oxy hoá

    Chất xơ

    Một số loại trái cây chứa hàm lượng chất xơ cao và có chỉ số đường huyết (GI) thấp như táo, cam, quýt, bưởi, lê, đào, mận, dâu tây, việt quất… tạo cảm giác no lâu, làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường vào máu, qua đó tăng cường sức khỏe đường ruột, giảm nguy cơ táo bón và các bệnh lý ung thư đại trực tràng.

    Cai thien he vi sinh duong ruot
    Một số loại trái cây chứa hàm lượng chất xơ cao tăng cường sức khỏe đường ruột
    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

    Tác động của trái cây đến cân nặng

    Để xác định việc “ăn trái cây có ảnh hưởng đến cân nặng hay không?”, cần xem xét các yếu tố sau:

    Chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết (GL)

    • Chỉ số đường huyết (glycemic index – GI): đánh giá mức độ một loại thực phẩm chứa carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu sau khi tiêu thụ. Các thực phẩm có chỉ số GI cao sẽ gây tăng nhanh và mạnh mức đường huyết, trong khi các thực phẩm có chỉ số GI thấp sẽ làm đường huyết tăng chậm và ổn định hơn. Thang phân loại được xếp hạng theo thang điểm từ 0-100, bao gồm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (≤ 55), trung bình (56-69) hoặc cao (≥70).
    • Tải lượng đường huyết (glycemic load – GL): đánh giá mức độ ảnh hưởng của một loại thực phẩm đến lượng đường trong máu, kết hợp với chỉ số GI và hàm lượng carbohydrate trong khẩu phần, được tính theo công thức: GL = [GI × lượng carbohydrate (g)] ÷ 100. Tải lượng đường huyết được chia thành ba mức là thấp (≤ 10), trung bình (11-19) và cao (≥ 20). Tải lượng đường huyết giúp lựa chọn thực phẩm phù hợp hơn, bởi vì đối với các thực phẩm có chỉ số GI cao, nếu khẩu phần ăn nhỏ (chứa ít carbohydrate), vẫn có thể giữ cho GL ở mức thấp.

    Thực phẩm có chỉ số GI và GL cao không chỉ làm tăng đột biến lượng đường trong máu mà còn dễ dẫn đến cảm giác đói nhanh sau ăn, khiến tổng lượng calo tiêu thụ tăng lên, tích lũy mỡ và gia tăng nguy cơ béo phì. Vì vậy, lựa chọn trái cây có chỉ số GI và GL thấp rất quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng.

    Một số loại trái cây có chỉ số GI và GL thấp bao gồm táo, cam, bưởi, dâu tây, đào và lê. Trong khi đó, trái cây có chỉ số GI cao như dưa hấu và vải, tuy nhiên, chúng lại có chỉ số GL thấp nên có thể ăn với lượng vừa phải để kiểm soát đường huyết.

    Loại đường có trong trái cây

    Trái cây chứa ba loại đường tự nhiên là fructose, glucose và sucrose:

    • Fructose: loại đường chiếm ưu thế trong nhiều loại trái cây, được gan chuyển hóa và không làm đường huyết tăng đột ngột như các loại đường khác. Tuy nhiên, khi tiêu thụ quá mức fructose sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe như gan nhiễm mỡ, nguy cơ bệnh tim mạch và tăng cân do gan phải chuyển hóa phần lớn fructose.
    • Glucose: được hấp thụ trực tiếp vào máu, cung cấp năng lượng nhanh chóng và làm tăng đường huyết nhanh hơn so với fructose.
    • Sucrose: hay còn gọi là đường mía, là sự kết hợp của glucose và fructose, khi được tiêu hóa sẽ phân tách thành fructose và glucose để cơ thể hấp thụ.

    Trái cây chứa đường tự nhiên, đồng thời cung cấp chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan, giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Điều này hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết và tránh các dao động lớn về nồng độ glucose trong máu. Nhờ đó, trái cây không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn giúp duy trì sự ổn định của đường huyết. Tuy nhiên, vẫn cần tiêu thụ trái cây ở mức độ hợp lý để tránh việc nạp quá nhiều calo dẫn đến tăng cân.

    Một số sai lầm trong nhận thức về việc sử dụng trái cây

    Mặc dù trái cây là một phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều người vẫn mắc phải một số quan niệm sai lầm về việc sử dụng trái cây. Việc hiểu rõ những sai lầm này có thể giúp tiêu thụ trái cây hiệu quả hơn mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hoặc cân nặng:

    • Sai lầm 1: ăn trái cây không thể gây tăng cân. Mặc dù trái cây có lượng calo thấp hơn so với nhiều thực phẩm khác, ăn quá nhiều trái cây có chỉ số GI và GL cao vẫn có thể dẫn đến tăng cân nếu tổng lượng calo nạp vào vượt quá mức cần thiết.
    • Sai lầm 2: nước ép trái cây và trái cây tươi có giá trị dinh dưỡng như nhau. Nước ép trái cây thường mất đi phần lớn chất xơ, làm cho đường trong nước ép được hấp thụ nhanh hơn, gây tăng đột ngột đường huyết. Hơn nữa, nhiều loại nước ép còn có thêm đường bổ sung khiến tổng lượng đường tiêu thụ cao hơn, dễ dẫn đến dư thừa calo và tăng cảm giác thèm ăn nhiều hơn so với khi ăn trái cây tươi.
    • Sai lầm 3: thay thế tất cả thực phẩm bằng trái cây. Mặc dù cung cấp nhiều dinh dưỡng, trái cây không thể thay thế hoàn toàn các nhóm thực phẩm khác. Cần có sự cân bằng với protein, chất béo lành mạnh và tinh bột.
    Nuoc ep trai cay dong hop
    Nhiều loại nước ép bổ sung đường dễ dẫn đến dư thừa calo
    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

      Ăn trái cây có gây tăng cân không?

      Nếu không được kiểm soát hợp lý, việc ăn trái cây có thể gây tăng cân. Mặc dù trái cây là nguồn dinh dưỡng quý giá, việc tiêu thụ quá mức, đặc biệt là các loại trái cây chứa nhiều đường tự nhiên như chuối chín và nho, có thể dẫn đến tăng lượng calo và đường huyết. Khi lượng calo từ trái cây vượt quá nhu cầu năng lượng hàng ngày và không được tiêu hao qua hoạt động thể chất, chúng sẽ được tích trữ dưới dạng mỡ trong cơ thể, gây ra tình trạng tăng cân.

      Ngoài ra, nhiều trái cây có chỉ số GI và GL cao có thể làm tăng nhanh chóng lượng đường trong máu. Sự gia tăng này có thể dẫn đến hiện tượng đề kháng insulin, làm giảm khả năng cơ thể xử lý glucose, từ đó thúc đẩy việc tích trữ mỡ thừa.

      trái cây
      Tiêu thụ quá mức trái cây có chỉ số GI và GL cao có thể làm tăng nhanh chóng lượng đường trong máu

      Do đó, việc tiêu thụ trái cây cần được thực hiện một cách có chọn lọc và cân nhắc. Kết hợp trái cây với chế độ ăn uống cân bằng và duy trì hoạt động thể chất đều đặn sẽ giúp tránh việc tăng cân không mong muốn. Việc kiểm soát khẩu phần và lựa chọn những loại trái cây có chỉ số GI thấp sẽ là những bước đi đúng đắn trong hành trình giữ gìn sức khỏe và vóc dáng.

      Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
      Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

        * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

        Cách lựa chọn và sử dụng trái cây để kiểm soát cân nặng

        Việc lựa chọn và ăn trái cây đúng cách rất quan trọng trong việc duy trì cân nặng và hạn chế tăng cân. Dưới đây là một số phương pháp hữu ích để chọn lựa và sử dụng trái cây trong chế độ ăn uống hàng ngày:

        Lựa chọn trái cây

        Để đạt được lợi ích dinh dưỡng từ trái cây nhưng có thể hạn chế được vấn đề về cân nặng hay sức khỏe, cần lưu ý những điểm sau:

        • Lựa chọn trái cây có chỉ số GI và GL thấp: lựa chọn trái cây như dâu tây, cam, táo, bưởi và đào giúp duy trì mức đường huyết ổn định, tạo cảm giác no lâu hơn, trách tích tụ mỡ thừa và gây tăng cân.
        • Lựa chọn trái cây tươi nguyên quả: chọn trái cây tươi và ăn nguyên quả giúp cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ hơn và ít calo hơn so với trái cây đã chế biến hoặc nước ép.
        • Lựa chọn trái cây theo mùa: lựa chọn trái cây theo mùa vì chúng thường tươi ngon hơn, có giá trị dinh dưỡng cao hơn và không chứa chất bảo quản.
        • Tránh trái cây chứa nhiều đường: hạn chế tiêu thụ các loại trái cây có hàm lượng đường cao như nho, vải và xoài chín vì chúng có thể tăng lượng đường huyết và tích lũy năng lượng dư thừa.
        trái cây
        Lựa chọn trái cây có chỉ số GI và GL thấp giúp duy trì mức đường huyết ổn định và tạo cảm giác no lâu hơn

        Tiêu thụ trái cây

        Việc tiêu thụ trái cây đúng cách và với lượng vừa đủ không chỉ giúp duy trì cân bằng dinh dưỡng mà còn hỗ trợ kiểm soát cân nặng và tối ưu hóa sức khỏe tổng thể:

        • Kết hợp trái cây với thực phẩm giàu protein: nên phối hợp trái cây với các loại thực phẩm giàu protein, chẳng hạn như hạt hoặc sữa chua không đường. Sự kết hợp này giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường, từ đó ổn định lượng đường huyết và tránh tăng nhanh lượng đường trong máu. Ví dụ, ăn dâu tây cùng sữa chua cung cấp protein và canxi, đồng thời tăng cường hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng.
        • Ăn vào thời điểm phù hợp: sử dụng trái cây như một bữa phụ hoặc sau bữa chính có thể bổ sung vitamin và khoáng chất mà không làm tăng lượng calo vượt quá mức cần thiết. Ví dụ, việc ăn một quả táo vào giữa buổi sáng giúp cung cấp thêm dinh dưỡng nhưng không làm tăng đáng kể lượng calo tiêu thụ trong ngày.
        • Kiểm soát khẩu phần: để quản lý cân nặng hiệu quả, nên tiêu thụ khoảng 240g trái cây chín mỗi ngày theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Việc này giúp tránh tình trạng ăn quá nhiều dẫn đến dư thừa calo, đồng thời, đảm bảo rằng vẫn nhận được lợi ích dinh dưỡng từ trái cây.
        Sữa chua trái cây
        Phối hợp trái cây với các loại thực phẩm giàu protein giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường
        BS nhan
        Thăm khám Bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn phù hợp

        Trái cây là một nguồn dinh dưỡng quan trọng giúp cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều trái cây, đặc biệt là các loại có hàm lượng đường cao, vẫn có thể gây tăng cân nếu không được kiểm soát hợp lý. Để duy trì cân nặng và sức khỏe, nên lựa chọn các loại trái cây có chỉ số GI và GL thấp, ăn với lượng phù hợp và kết hợp cùng chế độ ăn uống cân bằng. Từ đó, trái cây sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống lành mạnh mà không gây tác động tiêu cực đến cân nặng.

        Để nhận được sự tư vấn chi tiết và toàn diện về chiến lược kiểm soát cân nặng và dinh dưỡng, hãy đến với MedFit – Phòng khám chuyên sâu về việc nghiên cứu và điều trị béo phì. Tại đây, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ cung cấp các giải pháp cá nhân hóa, từ việc đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát đến xây dựng chế độ dinh dưỡng và luyện tập khoa học, phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng khách hàng.

        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ
        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ m

        Tài liệu tham khảo

        1. Rejman K, Górska-Warsewicz H, et al. “Nutritional Significance of Fruit and Fruit Products in the Average Polish Diet“. Nutrients. 2021;13(6):2079. Published 2021 Jun 17. doi:10.3390/nu13062079
        2. Rahaman MM, Hossain R, et al. “Natural antioxidants from some fruits, seeds, foods, natural products, and associated health benefits: An update“. Food Sci Nutr. 2023;11(4):1657-1670. Published 2023 Jan 13. doi:10.1002/fsn3.3217
        3. Dreher ML. “Whole Fruits and Fruit Fiber Emerging Health Effects“. Nutrients. 2018;10(12):1833. Published 2018 Nov 28. doi:10.3390/nu10121833
        4. Ahmed J, Riaz M, Imtiaz R. “Glycemic index and Glycemic load values“. Pak J Med Sci. 2021;37(4):1246-1247. doi:10.12669/pjms.37.4.4555
        5. Sieri S, Agnoli C, et al. “Glycemic index, glycemic load, and risk of coronary heart disease: a pan-European cohort study“. Am J Clin Nutr. 2020;112(3):631-643. doi:10.1093/ajcn/nqaa157
        6. Jenkins DJ, Srichaikul K, et al. “The relation of low glycaemic index fruit consumption to glycaemic control and risk factors for coronary heart disease in type 2 diabetes“. Diabetologia. 2011;54(2):271-279. doi:10.1007/s00125-010-1927-1
        7. Glycemic Load“. ScienceDirect
        8. Raw Fruits Poster (Text Version / Accessible Version)“. U.S. Food and Drug Administration
        9. Strawberries, raw“. FoodData Central. U.S. Department of Agriculture
        10. Atkinson FS, Foster-Powell K, Brand-Miller JC. “International tables of glycemic index and glycemic load values: 2008“. Diabetes Care. 2008;31(12):2281-2283. doi:10.2337/dc08-1239
        11. Vai trò và mức tiêu thụ rau quả hợp lý“. Viện Dinh dưỡng Quốc gia
        Content Protection by DMCA.com
        logo MedFit

        Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.