Giảm cân sau sinh là một quá trình cần sự kiên nhẫn và kế hoạch hợp lý để mẹ vừa có thể lấy lại vóc dáng, vừa đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều mẹ bỉm gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng do những thay đổi về hormone, chế độ ăn uống và chăm sóc bé. Bài viết này sẽ giúp mẹ hiểu rõ về các yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng sau sinh, đưa ra phương pháp giảm cân an toàn, thời gian hợp lý và những điều cần lưu ý trong hành trình phục hồi vóc dáng.
Lợi ích của giảm cân sau sinh
Giảm cân sau sinh thông qua chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập luyện mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ tăng cân kéo dài và béo phì, đồng thời giúp tăng cường năng lượng cũng như cải thiện tâm trạng.
Lấy lại vóc dáng, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần
Kiểm soát cân nặng sau sinh không chỉ giúp mẹ lấy lại vóc dáng mà còn hạn chế nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với vận động phù hợp sẽ hỗ trợ quá trình giảm mỡ hiệu quả mà vẫn đảm bảo sức khỏe toàn diện.
Đồng thời, hoạt động thể chất không chỉ giúp phục hồi sức mạnh cơ bắp mà còn giải phóng endorphin – hormone hạnh phúc, hỗ trợ giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Đây là yếu tố quan trọng giúp mẹ vượt qua giai đoạn hậu sản một cách thoải mái và tích cực hơn.
Tăng cường năng lượng và khả năng vận động
Sau sinh, cơ thể cần thời gian để hồi phục, đặc biệt là sức mạnh và độ linh hoạt của cơ bắp. Việc duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng cùng với luyện tập nhẹ nhàng không chỉ giúp mẹ có đủ năng lượng để chăm con mà còn cải thiện chức năng vận động tổng thể.
Những bài tập phù hợp sẽ giúp mẹ nhanh chóng lấy lại sự dẻo dai, linh hoạt và hạn chế các vấn đề về xương khớp sau thai kỳ.
Tăng cường sự tự tin và gắn kết với con
Lấy lại vóc dáng sau sinh không chỉ giúp mẹ cảm thấy thoải mái hơn với cơ thể mình mà còn tác động tích cực đến tâm lý, giảm căng thẳng và áp lực sau sinh. Ngoài ra, kết hợp em bé vào các bài tập nhẹ như đi bộ hay yoga giúp mẹ tận hưởng khoảng thời gian thư giãn cùng con, tạo sự kết nối gần gũi và gắn bó hơn trong những năm tháng đầu đời của trẻ.
Hình thành lối sống lành mạnh dài lâu
Duy trì chế độ sinh hoạt khoa học không chỉ giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả mà còn cải thiện sức khỏe toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cho một cuộc sống năng động, khỏe mạnh về lâu dài.
Vì sao phụ nữ sau sinh dễ tăng cân và khó giảm cân?
Sau sinh, nhiều phụ nữ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng dù trước đó có thể không tăng cân quá mức. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường típ 2, rối loạn chuyển hóa và bệnh tim mạch. Dưới đây là những nguyên nhân chính khiến cân nặng khó kiểm soát sau sinh:
Tích tụ mỡ do thay đổi cơ thể trong thai kỳ
Trong thai kỳ, cơ thể có xu hướng tích trữ mỡ để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Việc tăng cân là điều cần thiết, với mức khuyến nghị từ 9-15kg tùy theo chỉ số BMI trước khi mang thai. Tuy nhiên, ngay cả khi không tăng cân quá mức, sự thay đổi trong tỷ lệ cơ và mỡ cũng có thể khiến cơ thể dễ tích mỡ hơn sau sinh, đặc biệt ở vùng bụng và đùi.
Ngoài ra, những mẹ tăng cân nhiều hơn mức khuyến nghị thường gặp khó khăn trong việc lấy lại vóc dáng. Tích mỡ kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu.
Ít vận động sau sinh làm chậm quá trình trao đổi chất
Sau sinh, phần lớn mẹ bỉm ít vận động do dành nhiều thời gian chăm con, đặc biệt là trong những tháng đầu. Lối sống ít vận động này khiến khối lượng cơ giảm, làm chậm tốc độ trao đổi chất, khiến cơ thể dễ tích trữ mỡ hơn.
Bên cạnh đó, căng thẳng, thiếu ngủ và ăn uống không kiểm soát cũng là những yếu tố góp phần làm tăng cân. Nhiều mẹ có thói quen ăn đồ thừa của con hoặc ăn vặt để giảm căng thẳng, dẫn đến dư thừa calo và tích tụ mỡ thừa.
Mất cân bằng nội tiết tố làm tăng tích mỡ
Sau sinh, cơ thể trải qua những thay đổi lớn về nội tiết tố, đặc biệt là sự giảm sút estrogen và progesterone. Điều này khiến cơ thể dễ tích trữ mỡ hơn, đặc biệt ở vùng bụng.
Ngoài ra, lượng prolactin tăng cao để hỗ trợ quá trình tiết sữa cũng có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh chuyển hóa chất béo. Những mẹ có lượng sữa thấp hoặc không cho con bú sẽ có mức tiêu hao năng lượng thấp hơn, dẫn đến tích tụ mỡ nhiều hơn.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Thời điểm nào là thích hợp để lấy lại vóc dáng?
Giảm cân sau sinh là một hành trình cần sự kiên nhẫn, không thể nóng vội. Đây là giai đoạn cơ thể cần thời gian để hồi phục và thích nghi với những thay đổi sau sinh, đặc biệt khi mẹ phải dành nhiều năng lượng để chăm sóc em bé.
Điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động nên được thực hiện khi sức khỏe đã ổn định, thường là sau 6 tuần, nhưng thời điểm này có thể linh hoạt tùy vào thể trạng của từng mẹ, cũng như phương pháp sinh thường hay sinh mổ.
Một lộ trình giảm cân sau sinh như sau:
- Ngay sau sinh: cơ thể có thể giảm ngay 4,5-7kg nhờ mất trọng lượng của em bé, nhau thai và lượng dịch dư thừa.
- 6 tuần đầu: nhiều phụ nữ giảm khoảng một nửa số cân đã tăng trong thai kỳ do sự thay đổi nội tiết tố và quá trình hồi phục tự nhiên của cơ thể.
- Từ 6 tuần đến 6 tháng: giảm cân tiếp tục nhưng với tốc độ chậm hơn và ổn định hơn, đặc biệt khi kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện nhẹ nhàng.
- Từ 6 tháng đến 1 năm: đa số phụ nữ có thể quay trở lại mức cân nặng trước khi mang thai trong giai đoạn này. Tuy nhiên, một số người có thể mất nhiều thời gian hơn, tùy thuộc vào cơ địa và lối sống.
- Sau 1 năm: nếu cân nặng chưa trở về mức trước khi mang thai, không nên quá lo lắng. Điều quan trọng nhất là duy trì một lối sống lành mạnh và áp dụng các phương pháp giảm cân bền vững thay vì tìm kiếm giải pháp cấp tốc.
Nguyên tắc giảm cân sau sinh
Giảm cân sau sinh không chỉ giúp mẹ lấy lại vóc dáng mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra an toàn và hiệu quả, mẹ cần tuân theo một số nguyên tắc quan trọng:
- Đặt mục tiêu thực tế và khoa học: sau sinh, cơ thể có thể thay đổi vĩnh viễn, chẳng hạn như bụng mềm hơn, hông rộng hơn, vòng eo lớn hơn, nên việc trở lại hình dáng trước khi mang thai có thể không hoàn toàn khả thi. Thay vì ép bản thân phải giảm cân nhanh, mẹ nên đặt ra mục tiêu phù hợp với thể trạng để tránh áp lực không cần thiết.
- Lựa chọn thời điểm phù hợp để bắt đầu: cơ thể cần thời gian hồi phục sau sinh, do đó mẹ nên đợi ít nhất 6 tuần (hết thời kỳ hậu sản) trước khi bắt đầu kế hoạch giảm cân. Nếu đang cho con bú, tốt nhất nên chờ đến khi bé đủ 2 tháng tuổi để đảm bảo nguồn sữa ổn định và tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.
- Kiểm soát căng thẳng để tránh tăng cân: căng thẳng sau sinh có thể ảnh hưởng đến quá trình giảm cân do làm tăng cortisol, một hormone liên quan đến tích trữ mỡ, đặc biệt ở vùng bụng. Bên cạnh đó, stress cũng có thể gây mất ngủ, rối loạn thèm ăn và giảm khả năng trao đổi chất. Để kiểm soát căng thẳng, mẹ nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, chia sẻ việc chăm con với người thân và thực hiện các hoạt động thư giãn như yoga, thiền hoặc đi bộ.
- Không tự ý sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân: các loại trà, thực phẩm chức năng giảm cân, thuốc giảm béo có thể gây mất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và có nguy cơ đi vào sữa mẹ, tác động xấu đến hệ tiêu hóa và thần kinh của bé. Do đó, mẹ không nên sử dụng thuốc giảm cân nếu không có chỉ định từ Bác sĩ. Nếu cần hỗ trợ y khoa, nên tham khảo chuyên gia để có hướng dẫn an toàn.
- Kiên nhẫn và duy trì phương pháp bền vững: giảm cân sau sinh là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và không thể nóng vội. Không nên so sánh bản thân với những trường hợp giảm cân nhanh của người khác, đặc biệt là các ngôi sao hay người nổi tiếng. Mẹ nên tập trung vào giảm cân lành mạnh, bền vững, tránh áp dụng các phương pháp cực đoan có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Tham khảo ý kiến Bác sĩ khi cần thiết: nếu mẹ gặp các vấn đề như mệt mỏi kéo dài, chóng mặt, đau đầu, rối loạn kinh nguyệt hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong quá trình giảm cân, cần tham khảo ý kiến Bác sĩ. Các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp mẹ xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Các phương pháp giảm cân sau sinh
Việc giảm cân sau sinh cần được thực hiện khoa học để đảm bảo an toàn, đặc biệt khi mẹ đang trong giai đoạn cho con bú. Dưới đây là những phương pháp giảm cân sau sinh hiệu quả mà mẹ có thể áp dụng:
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khoa học
Mẹ sau sinh không nên vội vàng ăn kiêng mà cần ưu tiên một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất để hỗ trợ cơ thể phục hồi. Nếu đang cho con bú, mẹ nên bổ sung khoảng 500kcal/ngày so với nhu cầu bình thường, theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Việt Nam.
Một số thực phẩm thường được truyền miệng là “tốt cho sữa mẹ” như giò hầm, móng hầm thực tế chứa nhiều chất béo động vật, dễ gây tích mỡ thừa. Do đó, mẹ nên ăn uống cân đối, tập trung vào protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và tinh bột tinh chế.
Sau khi bé cai sữa, mẹ có thể giảm dần lượng calo để kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn. Nếu sau 6 tháng ngừng cho con bú mà cân nặng vẫn vượt 4,5kg so với trước khi mang thai, mẹ nên áp dụng kế hoạch giảm cân tích cực để đạt được mức cân nặng lý tưởng trong vòng 12 tháng tiếp theo.
Uống đủ nước
Nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trao đổi chất, hỗ trợ đào thải độc tố và giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả. Mẹ nên uống khoảng 3,8L nước/ngày, đặc biệt là sau khi cho con bú để bù lại lượng nước mất qua sữa mẹ. Việc duy trì đủ nước cũng giúp giảm cảm giác thèm ăn, tăng cường sản xuất sữa và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm chậm quá trình giảm cân. Ngủ đủ 7-9 tiếng/ngày, dù là chia thành nhiều giấc ngắn, giúp cơ thể phục hồi năng lượng, kiểm soát cảm giác thèm ăn và hạn chế tích mỡ. Việc thiếu ngủ có thể rối loạn hormone, làm tăng cảm giác đói và khiến mẹ dễ ăn uống mất kiểm soát.
Tăng cường cho con bú
Cho con bú không chỉ tốt cho sự phát triển của trẻ mà còn hỗ trợ mẹ đốt cháy từ 500-700kcal/ngày, giúp giảm mỡ tự nhiên. Nghiên cứu cho thấy, những mẹ cho con bú hoàn toàn trong ít nhất 3-6 tháng có xu hướng giảm cân nhanh và hiệu quả hơn so với những mẹ không cho con bú.
Tập luyện phù hợp với thể trạng sau sinh
Vận động là cách hiệu quả để giúp mẹ tăng cơ, giảm mỡ và lấy lại vóc dáng săn chắc. Tuy nhiên, mẹ sau sinh cần lựa chọn các bài tập phù hợp với thể trạng, chẳng hạn như:
- 6 tuần đầu: đi bộ nhẹ nhàng, tập thở sâu để phục hồi sức khỏe.
- Sau 6 tuần: bắt đầu các bài tập cường độ nhẹ như yoga, đạp xe hoặc giãn cơ.
- Từ 3 tháng trở đi: tăng cường độ với các bài tập cardio hoặc tập tạ nhẹ để tăng cơ.
Tập luyện không chỉ giúp giảm cân mà còn cải thiện tuần hoàn máu, nâng cao sức khỏe tim mạch và giảm căng thẳng hiệu quả.
Ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ giảm mỡ
Các công nghệ tăng cơ, giảm mỡ không xâm lấn như EMS, HIFEM, HIFU, RF, quang đông hủy mỡ giúp loại bỏ mỡ thừa và định hình vóc dáng hiệu quả. Kết hợp các phương pháp này với chế độ ăn khoa học và tập luyện phù hợp giúp mẹ đạt được kết quả tối ưu mà không cần can thiệp phẫu thuật.
Theo dõi và điều chỉnh dưới sự hướng dẫn của chuyên gia
Giảm cân sau sinh nên được thực hiện dưới sự tư vấn của Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt với những mẹ có tiền sử bệnh lý như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, kháng insulin hoặc các bệnh chuyển hóa khác. Thay vì tự giảm cân theo cảm tính, có một phác đồ cá nhân hóa giúp mẹ giảm cân an toàn, hiệu quả mà vẫn đảm bảo sức khỏe lâu dài.
Chế độ dinh dưỡng giảm cân sau sinh cho bà mẹ đang con bú
Sau sinh, cơ thể mẹ không chỉ cần phục hồi mà còn phải đảm bảo đủ dưỡng chất để nuôi con. Tuy nhiên, nhiều mẹ lo lắng rằng ăn uống đầy đủ có thể khiến cân nặng khó kiểm soát, trong khi chế độ ăn kiêng lại có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn sữa. Dưới đây là hướng dẫn thực đơn để giảm cân sau sinh an toàn, khoa học mà vẫn đảm bảo nguồn sữa chất lượng cho con:
Thực đơn cho mẹ giảm cân sau sinh mà vẫn nhiều sữa
Quá trình giảm cân sau sinh không giống với giảm cân thông thường. Nếu cắt giảm calo quá mức, cơ thể mẹ không chỉ thiếu năng lượng mà còn có thể ảnh hưởng đến lượng sữa và sức khỏe tổng thể.
Theo khuyến nghị từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mẹ sau sinh cho con bú cần nhiều hơn 500kcal so với phụ nữ lúc bình thường (tức là khi chưa mang thai và không cho con bú), năng lượng này tương đương với khoảng 3 bát cơm lưng cùng với thức ăn hợp lý chia vào các bữa ăn trong ngày.
Thay vì áp dụng các chế độ ăn cắt giảm khắt khe như low-carb hay keto, mẹ nên hướng đến chế độ ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng bao gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo và nhóm vitamin/khoáng chất. Khẩu phần cần cung cấp đủ nhu cầu canxi là 1300mg/ngày (như thịt, cá, trứng, sữa, các loại thủy hải sản…), lượng canxi này vừa để cung cấp cho trẻ thông qua sữa mẹ, vừa để phòng tránh mất canxi trong xương của chính người mẹ.
Đặc biệt, khuyến khích sử dụng các chất béo có nhiều các acid béo không no chuỗi dài nhiều nối đôi như n3, n6, EPA, DHA (có nhiều trong một số loại dầu thực vật, dầu cá, một số loại cá mỡ). Lượng chất béo này rất quan trọng cho sự phát triển tối ưu trí não và thị lực của bé.
Dưới đây là gợi ý thực đơn mẫu với mức năng lượng 2200kcal (275g carbohydrate, 110g protein và 73,3g lipid) trong 1 tuần, cân bằng đủ dinh dưỡng giúp mẹ giảm cân mà vẫn đảm bảo chất lượng sữa:
Các thực phẩm nên tránh khi giảm cân sau sinh
Lựa chọn thực phẩm cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng vì dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ mà còn tác động đến bé qua sữa mẹ. Do đó, mẹ bỉm cần lưu ý những thực phẩm và đồ uống nên hạn chế hoặc tránh trong chế độ ăn:
Nhóm thực phẩm | Thực phẩm tiêu biểu | Lý do |
Đường và carbohydrate tinh chế | Đường tinh luyện, bánh kẹo, nước ngọt có gas, trà sữa…
Bánh mì trắng, cơm trắng, mì ống, bánh quy, bánh ngọt… |
Gây tăng đường huyết nhanh, dễ tích trữ mỡ, làm chậm quá trình giảm cân. |
Thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo xấu | Đồ ăn nhanh: khoai tây chiên, pizza, xúc xích, gà rán.
Thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn chứa chất bảo quản. |
Chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, gây viêm và ảnh hưởng đến hệ tim mạch.
Ít giá trị dinh dưỡng, có thể làm giảm chất lượng sữa. |
Rượu, bia và đồ uống có cồn | Bia, rượu vang, rượu mạnh, nước trái cây lên men… | Chứa hàm lượng calo đáng kể, dễ tích trữ mỡ, cản trở quá trình giảm cân.
Ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, tăng trưởng và giấc ngủ của bé. |
Đồ uống chứa caffeine | Cà phê, trà đặc, nước tăng lực, chocolate đen… | Caffeine có thể truyền vào sữa mẹ, gây mất ngủ, quấy khóc ở bé.
Ảnh hưởng đến hấp thụ sắt của mẹ. |
Cá chứa hàm lượng thủy ngân cao | FDA Hoa Kỳ đã cảnh báo 7 loại có hàm lượng thủy ngân cao là cá ngừ mắt to, cá thu, cá cam, cá kiếm, cá mập, cá ngói, cá maclin. | Thủy ngân có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của bé
Tích lũy trong sữa mẹ, gây hại cho hệ thần kinh non nớt của trẻ. |
Thực phẩm cay nóng, mùi hăng | Hành, tỏi, ớt, rau mùi tây, rau cần tây, bạc hà… | Ám mùi vào sữa mẹ khiến bé bỏ bú và bú kém.
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé, khiến bé bị đầy bụng và đi ngoài. |
Thực phẩm ôi thiu hoặc nghi ngờ ôi thiu | Thịt, trứng, sữa, cá, hải sản, pate, giò lụa…
Môi trường giàu dinh dưỡng và protein để vi khuẩn thuận lợi sinh sôi và phát triển, phát sinh độc tố. |
Dễ gây ngộ độc. |
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Những quan niệm sai lầm khi giảm cân sau sinh
Việc giảm cân sau sinh thường bị ảnh hưởng bởi nhiều quan niệm sai lầm, khiến mẹ áp dụng các phương pháp thiếu khoa học, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Hiểu rõ những hiểu lầm này giúp mẹ có hướng đi đúng đắn, vừa giảm cân hiệu quả vừa duy trì nguồn sữa ổn định.
Ăn càng nhiều thì sữa mẹ càng nhiều
Nhiều người tin rằng mẹ sau sinh cần ăn thật nhiều để đảm bảo nguồn sữa dồi dào cho con bú. Vì vậy, không ít mẹ ép mình ăn quá mức, thậm chí cố gắng tiêu thụ những món ăn giàu chất béo như giò heo hầm, móng giò đu đủ, cháo chân giò…
Tuy nhiên, lượng sữa mẹ không phụ thuộc vào việc ăn nhiều hay ít, mà chủ yếu do cơ chế cung – cầu. Càng cho con bú thường xuyên và đúng cách, tuyến sữa càng nhận tín hiệu để sản xuất sữa đều đặn. Ngược lại, việc ăn uống quá mức không giúp sữa nhiều hơn mà chỉ khiến mẹ tích mỡ dư thừa, gây khó khăn cho quá trình lấy lại vóc dáng sau sinh.
Tập thể dục làm mất sữa
Nhiều mẹ lo lắng rằng tập thể dục sẽ làm mất sữa hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, hoạt động thể chất vừa phải không ảnh hưởng tiêu cực đến lượng sữa hay chất lượng sữa mẹ. Ngược lại, tập thể dục giúp duy trì cân nặng hợp lý, cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm căng thẳng, từ đó hỗ trợ quá trình tiết sữa tốt hơn.
Một số mẹ e ngại rằng, tập luyện cường độ cao sẽ làm tăng acid lactic trong sữa mẹ, khiến bé không chịu bú. Tuy nhiên, sự gia tăng acid lactic này chỉ mang tính tạm thời và không gây hại cho bé. Chỉ cần mẹ tập luyện với cường độ phù hợp, bổ sung đủ nước và năng lượng, tập thể dục hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Giảm cân càng sớm sau sinh càng tốt
Không ít mẹ đặt mục tiêu lấy lại vóc dáng ngay sau sinh, nhưng cơ thể cần thời gian để phục hồi, đặc biệt là hệ nội tiết và các mô liên kết. Nếu ép cân quá sớm, mẹ có thể đối mặt với tình trạng suy giảm năng lượng, rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Vì vậy, thay vì giảm cân cấp tốc, mẹ nên lựa chọn phương pháp khoa học và kiên trì để đạt được hiệu quả lâu dài.
Đai nịt bụng giúp giảm cân nhanh chóng
Sử dụng đai nịt bụng sau sinh là một trong những phương pháp được nhiều mẹ tin tưởng, nhưng thực tế đai nịt bụng không có tác dụng đốt mỡ hay làm săn chắc cơ bụng mà chỉ tạo cảm giác eo thon gọn tạm thời, không thể thay thế chế độ ăn uống và tập luyện.
Hơn nữa, nếu sử dụng đai nịt quá chặt hoặc quá lâu, mẹ có thể gặp vấn đề về tuần hoàn máu, khó thở, khó chịu, thậm chí ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa.
Sử dụng trà, thực phẩm chức nặng hoặc thuốc giảm cân
Nhiều mẹ sau sinh tìm đến trà, thực phẩm chức năng hoặc thuốc giảm cân với hy vọng lấy lại vóc dáng nhanh chóng. Tuy nhiên, các sản phẩm này thường chứa chất kích thích, lợi tiểu hoặc các thành phần chưa được kiểm chứng. Một số chất có thể đi vào sữa mẹ, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và thần kinh của trẻ.
Thay vì dựa vào các sản phẩm này, chế độ ăn uống cân bằng kết hợp với vận động phù hợp vẫn là phương pháp an toàn và bền vững nhất để giảm cân sau sinh.
Giảm cân sau sinh không chỉ là hành trình lấy lại vóc dáng mà còn là cơ hội để thiết lập một lối sống lành mạnh, bền vững. Việc lựa chọn phương pháp khoa học, kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động phù hợp và kiểm soát căng thẳng sẽ giúp mẹ đạt được cân nặng mong muốn mà vẫn đảm bảo sức khỏe toàn diện.
Nếu mẹ muốn tìm cách giảm cân và giảm mỡ an toàn, hiệu quả với phác đồ cá nhân hóa và công nghệ hiện đại, MedFit sẽ là lựa chọn lý tưởng. Với đội ngũ Bác sĩ đa chuyên khoa giàu kinh nghiệm và các liệu pháp không xâm lấn đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ, MedFit giúp mẹ lấy lại vóc dáng thon gọn mà không ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sau sinh. Đăng ký tư vấn ngay hôm nay để được Bác sĩ xây dựng lộ trình giảm mỡ phù hợp nhất.
Tài liệu tham khảo
- Linda J. Vorvick. Losing weight after pregnancy. [online] Available at: Losing weight after pregnancy: MedlinePlus Medical Encyclopedia [Accessed 28 March 2025]
- Marygrace Taylor. Losing the Baby Weight: The Truth About Postpartum Weight Loss. [online] Available at: Postpartum Weight Loss: Tips for Losing the Baby Weight and Staying Healthy [Accessed 28 March 2025]
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.