Giảm cân là một hành trình không hề dễ dàng, đòi hỏi sự kiên nhẫn và chiến lược đúng đắn. Đếm calo luôn được coi là một trong những phương pháp phổ biến để giảm cân. Tuy nhiên, liệu chỉ đếm calo có thực sự mang lại hiệu quả lâu dài? Hãy cùng MedFit khám phá xem việc kiểm soát lượng calo tiêu thụ có thực sự giúp giảm cân bền vững, hay chỉ là một phần trong một chiến lược toàn diện hơn cho sức khỏe và vóc dáng lý tưởng trong bài viết này.
Calo là gì? Đếm calo trong giảm cân là gì?
Calo, tên gọi Việt hóa của “calories” hay “kcal”, là một đơn vị đo lường năng lượng chứa trong thực phẩm hoặc mức năng lượng mà cơ thể tiêu hao thông qua các hoạt động hàng ngày.
Có ba nhóm chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng là protein, carbohydrate và chất béo. Trong đó, chất béo có lượng calo gấp hơn hai lần so với trọng lượng tương đương của protein hoặc carbohydrate, cụ thể, 1g tinh bột (carbohydrate) hoặc 1g đạm (protein) cung cấp 4kcal, trong khi 1g chất béo cung cấp 9kcal.
Calo cung cấp năng lượng cho các hoạt động thiết yếu để duy trì sự sống, chiếm khoảng 65-75% lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày. Điều này bao gồm duy trì nhịp tim, điều hòa nhịp thở, kiểm soát hệ thống nội tiết tố, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và sửa chữa tế bào. Ngoài ra, khoảng 5-10% lượng calo tiêu thụ hàng ngày được sử dụng để tiêu hóa thức ăn, gọi là hiệu ứng nhiệt của thực phẩm (TEF), tỷ lệ này thay đổi tùy theo loại thực phẩm tiêu thụ. Khoảng 15-30% còn lại của lượng calo sẽ được dùng cho các hoạt động thể chất, từ những việc thường nhật như suy nghĩ, đi bộ, làm việc nhà, cho đến các hoạt động có kế hoạch như tập thể dục hay chơi thể thao.
Đếm calo là phương pháp giảm cân dựa trên nguyên lý cân bằng năng lượng, tức lượng calo nạp vào từ thực phẩm phải ít hơn lượng calo cơ thể tiêu hao. Cách làm này đơn giản về mặt lý thuyết nhưng đòi hỏi sự chính xác và kiên nhẫn trong thực hành. Đếm calo giúp tạo ra thâm hụt calo – yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm cân.
Các yếu tố chính ảnh hưởng đến nhu cầu calo hàng ngày bao gồm:
- BMR (basal metabolic rate): tỷ lệ trao đổi chất cơ bản, năng lượng cần thiết để duy trì các hoạt động sống trong trạng thái nghỉ ngơi.
- TDEE (total daily energy expenditure): tổng năng lượng tiêu hao trong một ngày, bao gồm cả BMR và năng lượng cho hoạt động thể chất.
Cách tính lượng calo và thâm hụt calo để giảm cân
Để duy trì sức khỏe tối ưu và đạt được mục tiêu cân nặng mong muốn, việc hiểu rõ lượng calo cần thiết cho cơ thể mỗi ngày là vô cùng quan trọng. Dưới đây là cách tính lượng calo cơ bản, giúp xác định nhu cầu năng lượng phù hợp với lối sống và mức độ hoạt động.
Công thức BMR – tỷ lệ trao đổi chất cơ bản
BMR là chỉ số thể hiện mức năng lượng tối thiểu để duy trì hoạt động trao đổi chất cơ bản bên trong cơ thể người. Chỉ số này sẽ giúp mỗi người biết được lượng calo mà cơ thể họ cần để duy trì sự sống mỗi ngày. BMR cũng hỗ trợ xác định lượng calo cần thiết để tăng cân hoặc giảm cân.
Thông thường, chỉ số BMR phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi, chiều cao và cân nặng, không bị ảnh hưởng bởi tần suất hoặc mức độ vận động thể chất của mỗi người.
BMR được tính dựa vào công thức sau:
- Nam giới: BMR = (13,397 × N) + (4,799 × C) – (5,677 × T) + 88,362.
- Nữ giới: BMR = (9,247 × N) + (3,098 × C) – (4,33 × T) + 447,593.
Trong đó:
- N là cân nặng tính theo kg.
- C là chiều cao tính theo cm.
- T là độ tuổi.
Ví dụ trên một bạn nữ nặng 65kg, cao 1,55m (155cm), 26 tuổi, BMR sẽ được tính bằng cách:
BMR = (9,247 × 65) + (3,098 × 155) – (4,33 × 26) + 447,593 = 1416,258
Điều này có nghĩa là cơ thể bạn nữ trên cần ít nhất 1416kcal mỗi ngày để duy trì các chức năng sống cơ bản, chỉ số này không bao gồm các hoạt động hàng ngày như học tập, làm việc, chơi thể thao.
Công thức TDEE – tổng nhu cầu năng lượng mỗi ngày
TDEE là chỉ số đo tổng lượng calo mà cơ thể tiêu hao mỗi ngày, hay chính là mức calo cần thiết mà mỗi người cần cung cấp trong một ngày để giữ nguyên cân nặng.
Khác với BMR, chỉ số TDEE bao gồm cả lượng năng lượng cần thiết cho các hoạt động như tiêu hóa, học tập, sinh hoạt, vui chơi và tập luyện thể thao. Vì vậy, TDEE thường cao hơn BMR từ 15-30% đối với cùng một cá nhân. Những người có mức độ hoạt động thể chất cao sẽ có chỉ số TDEE cao hơn và ngược lại.
Để tính chỉ số TDEE, cần biết chỉ số BMR và hệ số vận động R. Các hệ số vận động R được quy định như sau:
- Vận động hạn chế (nhân viên văn phòng, người lớn tuổi): R = 1,2.
- Vận động ít (tập luyện 1-3 lần/tuần): R = 1,375.
- Vận động vừa (tập luyện 3-5 lần/tuần): R = 1,55.
- Vận động nhiều (tập luyện 6-7 lần/tuần, di chuyển nhiều): R = 1,725
- Vận động cường độ cao (vận động viên, người lao động phổ thông hoặc tập thể thao 2 lần/ ngày): R = 1,9.
Từ đó, chỉ số TDEE sẽ được tính bằng công thức:
TDEE = BMR × R
Ví dụ trên một bạn nam 26 tuổi, cao 1,75m (175cm), nặng 65kg và tập luyện 3-5 lần/tuần, chỉ số TDEE sẽ được tính bằng cách:
- Bước 1: BMR = (13,397 × 65) + (4,799 × 175) – (5,677 × 26) + 88,362 = 1651,390kcal.
- Bước 2: TDEE = BMR × R = 1651,390 × 1,55 = 2559,6545kcal.
Vậy mỗi ngày, bạn nam này cần cung cấp ít nhất 2559kcal để cơ thể duy trì cân nặng.
Cần lưu ý rằng khi tính BMR và TDEE, kết quả có thể dao động tùy theo phương pháp tính và các yếu tố cá nhân. Hơn nữa, những giá trị này chỉ là ước tính, trong khi nhu cầu calo thực tế có thể thay đổi tùy thuộc vào cơ địa và các yếu tố như thành phần cơ thể (tỷ lệ cơ và mỡ).
Xác định thâm hụt calo hợp lý
Thâm hụt calo là yếu tố cốt lõi để giảm cân. Mức thâm hụt calo hợp lý là 500-1000kcal/ngày, giảm khoảng 0,5-1kg/tuần, đây là mức giảm cân an toàn và bền vững. Không nên thâm hụt quá 1000kcal/ngày vì có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sức khỏe, cần Bác sĩ chỉ định và theo dõi sát sao nếu muốn mức thâm hụt cao như mức này.
Tiếp tục với bạn nam trong ví dụ trên, 26 tuổi, cao 1,75m (175cm), nặng 65kg và tập luyện 3-5 lần/tuần, nếu TDEE là 2559kcal/ngày thì nên ăn khoảng 2059-1559kcal/ngày để tạo thâm hụt 500-1000kcal.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Những lưu ý và yếu tố cần cân nhắc khi đếm calo
Để đếm calo hiệu quả và chính xác, cần áp dụng một số phương pháp và lưu ý cụ thể sau:
- Sử dụng cân thực phẩm để đảm bảo độ chính xác: ước tính chính xác lượng thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đếm calo. Sử dụng cân thực phẩm, đặc biệt là cân tiểu ly, giúp đo lường khẩu phần ăn chính xác, tránh tiêu thụ quá nhiều mà không hay biết. Ví dụ, một bữa ăn gồm 100g cơm trắng (130kcal), 150g ức gà (165kcal) và 100g rau củ (40kcal) sẽ có tổng cộng 335kcal. Tuy nhiên, việc này có thể tốn thời gian và không thực tế khi ăn ngoài hoặc di chuyển.
- Phương pháp ước lượng nhanh khi không có cân: trong trường hợp không có cân thực phẩm, có thể áp dụng phương pháp so sánh khẩu phần ăn với các đơn vị thông thường như lòng bàn tay, muỗng hoặc chén để ước tính nhanh lượng thực phẩm. Mặc dù tiện lợi và dễ thực hiện, phương pháp này có độ chính xác không cao, dẫn đến sai lệch trong tính toán lượng calo.
- Đọc nhãn dinh dưỡng trên bao bì: hầu hết các thực phẩm đóng gói đều có bảng thông tin dinh dưỡng chi tiết trên bao bì, cung cấp số calo và các thành phần dinh dưỡng như protein, chất béo và tinh bột. Hình thành thói quen kiểm tra nhãn dinh dưỡng trước khi ăn sẽ giúp bạn kiểm soát lượng calo nạp vào và lựa chọn thực phẩm phù hợp hơn.
- Sổ tay ghi chép thực phẩm: ghi chép thủ công tất cả những gì ăn trong ngày và tra cứu calo từ các bảng dinh dưỡng.
- Sử dụng ứng dụng và công nghệ đếm calo: hiện nay, có rất nhiều ứng dụng và trang web hỗ trợ đếm calo tự động, giúp quy trình theo dõi calo đơn giản và chính xác hơn. Dưới đây là danh sách của một số ứng dụng và trang web tính calo miễn phí phổ biến nhất.
- Tập trung vào chất lượng thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng: đếm calo không chỉ dừng lại ở con số mà còn cần chú ý đến chất lượng thực phẩm. Ưu tiên thực phẩm giàu protein, chất xơ và chất béo lành mạnh sẽ giúp bạn no lâu, duy trì năng lượng và đảm bảo dinh dưỡng. Đồng thời, dù giảm calo, vẫn cần đảm bảo đủ vitamin và khoáng chất để duy trì sức khỏe tốt.
- Duy trì tính linh hoạt và kiên trì: đếm calo là một công cụ hỗ trợ giảm cân hiệu quả nhưng không nên quá căng thẳng hay ám ảnh với con số cụ thể. Điều quan trọng là duy trì tính linh hoạt trong ăn uống và kiên trì với mục tiêu dài hạn. Kết hợp đếm calo với lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng cân đối sẽ mang lại kết quả bền vững và an toàn hơn.
Lưu ý khi bắt đầu đếm calo
Khi bắt đầu đếm calo, cần lưu ý đến việc đặt mục tiêu giảm cân một cách khoa học và duy trì chế độ ăn uống cân bằng để đảm bảo quá trình giảm cân diễn ra an toàn, hiệu quả và không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Đặt mục tiêu giảm cân ổn định và khoa học
Nên đặt mục tiêu giảm cân một cách hợp lý và thực tế sau khi đã xác định nhu cầu calo hàng ngày dựa trên độ tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, mức độ hoạt động và mục tiêu giảm cân.
Đảm bảo không cắt giảm quá nhiều calo do có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết và làm giảm tốc độ trao đổi chất. Mục tiêu giảm 0,5-1kg/tuần hoặc giảm 500-1000kcal/ngày so với nhu cầu TDEE được xem là an toàn và bền vững.
Đảm bảo chất lượng bữa ăn
Nên đảm bảo có một chế độ ăn đa dạng và cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm, bao gồm rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất đạm và chất béo có lợi.
Ưu tiên thực phẩm ít chế biến như thực phẩm tươi sống và hạn chế thức ăn nhanh, đồ ngọt có chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và tinh bột tinh chế để tối ưu hóa giá trị dinh dưỡng mỗi calo tiêu thụ.
Nên kết hợp thêm các phương pháp khác
Cách tiếp cận lành mạnh nhất để giảm cân là giảm dần lượng calo tiêu thụ hàng ngày và tăng cường tập thể dục đều đặn. Ngay cả khi chỉ giảm lượng calo nạp vào từ 200-300kcal/ngày và bổ sung 20 phút tập thể dục cũng có thể mang lại kết quả lâu dài.
Việc giảm cân nên được thực hiện an toàn bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, đảm bảo sự đa dạng và duy trì giờ giấc ăn uống hợp lý. Đồng thời, tăng cường tập luyện thể thao không chỉ giúp tiêu hao năng lượng mà còn làm săn chắc cơ thể, cải thiện sức bền và chức năng của các cơ quan như tim, phổi và hệ tiêu hóa.
So sánh đếm calo với các phương pháp giảm cân khác
Đếm calo là phương pháp giảm cân tập trung vào cân bằng năng lượng, tức lượng calo nạp vào phải ít hơn lượng calo tiêu hao. Tuy nhiên, các phương pháp khác như ăn kiêng theo chế độ (low-carb, keto), nhịn ăn gián đoạn và low-fat cũng mang lại hiệu quả giảm cân và có những đặc điểm khác biệt về tính linh hoạt và khả năng duy trì.
So sánh với chế độ ăn low-carb
Low-carb là chế độ ăn giảm lượng carbohydrate (dưới 130g/ngày) và tăng cường protein, chất béo tốt để cung cấp năng lượng thay thế cho tinh bột.
Ưu điểm của low-carb:
- Giúp giảm cân và cải thiện độ nhạy insulin một cách hiệu quả.
- Protein và chất béo giúp tạo cảm giác no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn.
- Phù hợp hơn với những người vận động nhiều do không cần cắt giảm carbohydrate quá nghiêm ngặt.
Nhược điểm của low-carb:
- Có thể gây mệt mỏi trong giai đoạn đầu do cơ thể giảm nguồn cung glucose.
- Cần chú trọng cân bằng dinh dưỡng để tránh thiếu hụt chất xơ và vitamin từ thực phẩm chứa carbohydrate.
So sánh với low-carb, đếm calo linh hoạt hơn vì không cần kiêng khem nghiêm ngặt bất kỳ nhóm thực phẩm nào, đồng thời dễ điều chỉnh theo sở thích cá nhân.
So sánh với chế độ ăn keto
Keto là chế độ ăn cực kỳ ít carbohydrate (dưới 20-50g/ngày), giàu chất béo (70-80% tổng calo) và protein vừa đủ, giúp đưa cơ thể vào trạng thái ketosis – sử dụng mỡ thay vì glucose làm nguồn năng lượng chính.
Ưu điểm của keto:
- Hiệu quả nhanh trong việc giảm cân và đốt mỡ, đặc biệt phù hợp với người kháng insulin hoặc mắc hội chứng chuyển hóa.
- Cải thiện chỉ số lipid máu, độ nhạy insulin và giảm viêm.
Nhược điểm của keto:
- Rất khó duy trì lâu dài do phải kiêng gần như toàn bộ thực phẩm chứa carbohydrate.
- Có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng (chất xơ, vitamin B, vitamin C) nếu không được xây dựng chế độ ăn hợp lý.
- Thường gây “cúm keto” (keto flu) – trạng thái mệt mỏi, buồn nôn trong giai đoạn đầu.
So sánh với keto, đếm calo không đòi hỏi đưa cơ thể vào trạng thái sinh lý đặc biệt như ketosis, mang lại sự linh hoạt và phù hợp hơn cho nhiều đối tượng.
So sánh với nhịn ăn gián đoạn
Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp giảm cân bằng cách giới hạn thời gian ăn uống trong ngày (ví dụ như 16/8, nhịn ăn 16 giờ và ăn trong 8 giờ). Phương pháp này không yêu cầu đếm calo nhưng vẫn tạo thâm hụt calo tự nhiên do giảm số bữa ăn.
Ưu điểm của nhịn ăn gián đoạn:
- Dễ áp dụng và không cần theo dõi lượng calo nạp vào.
- Tạo thâm hụt calo tự nhiên và mang lại các lợi ích chuyển hóa như cải thiện độ nhạy insulin và giảm viêm.
Nhược điểm của nhịn ăn gián đoạn:
- Không phù hợp cho một số đối tượng như người có tiền sử rối loạn ăn uống hoặc cần duy trì năng lượng ổn định trong ngày.
- Dễ dẫn đến ăn uống mất kiểm soát trong khoảng thời gian được phép ăn, từ đó gây dao động đường huyết lớn trong ngày.
- Một số nghiên cứu cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể liên quan đến tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, đặc biệt ở những người chỉ ăn trong khoảng thời gian dưới 8 giờ mỗi ngày.
So với nhịn ăn gián đoạn, đếm calo có ưu điểm kiểm soát chính xác năng lượng nạp vào, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn trong quá trình theo dõi.
So sánh với chế độ ăn low-fat
Chế độ ăn low-fat tập trung vào việc giảm lượng chất béo tiêu thụ hàng ngày, đồng thời ưu tiên thực phẩm giàu carbohydrate và protein để tạo cảm giác no và giảm lượng calo tổng thể.
Ưu điểm của chế độ low-fat:
- Giảm thiểu lượng chất béo bão hòa, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Dễ áp dụng với thực phẩm thông thường như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên cám.
- Hỗ trợ giảm cân hiệu quả khi kết hợp với kiểm soát calo tổng thể.
Nhược điểm của chế độ low-fat:
- Có thể dẫn đến thiếu hụt chất béo lành mạnh (omega-3, omega-6) nếu không cân đối dinh dưỡng.
- Thực phẩm ít chất béo nhưng giàu tinh bột có thể làm tăng cảm giác đói và khiến việc giảm cân trở nên khó khăn.
So với đếm calo, chế độ low-fat dễ thực hiện hơn vì không yêu cầu theo dõi chính xác lượng calo nạp vào, nhưng tính linh hoạt thấp hơn do phải hạn chế nghiêm ngặt chất béo. Kết quả giảm cân cũng phụ thuộc vào việc lựa chọn carbohydrate lành mạnh và duy trì chế độ ăn uống cân bằng.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Có nên đếm calo khi giảm cân?
Đếm calo là một công cụ phổ biến giúp kiểm soát cân nặng trong quá trình giảm cân bằng cách tạo ra thâm hụt calo, yếu tố then chốt để giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tồn tại nhiều ưu và nhược điểm cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng.
Ưu điểm của đếm calo
Theo dõi lượng calo nạp vào giúp kiểm soát tổng năng lượng tiêu thụ hàng ngày, từ đó hạn chế tình trạng ăn quá nhiều và tích trữ mỡ thừa.
Bên cạnh đó, phương pháp này còn nâng cao nhận thức về thành phần dinh dưỡng trong từng loại thực phẩm, giúp người dùng lựa chọn thực phẩm phù hợp với mục tiêu giảm cân mà vẫn đảm bảo đủ dưỡng chất cần thiết.
Ngoài ra, đếm calo hỗ trợ hình thành thói quen theo dõi bữa ăn và lập kế hoạch ăn uống, xây dựng sự kỷ luật và kiên trì trong quá trình giảm cân.
Nhược điểm của đếm calo
Mặc dù hiệu quả trong việc tạo thâm hụt năng lượng, đếm calo có thể khiến người áp dụng bỏ qua chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm. Những thực phẩm ít calo nhưng nghèo dinh dưỡng có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin và khoáng chất quan trọng cho cơ thể. Hơn nữa, quá tập trung vào con số calo dễ tạo ra áp lực tâm lý, thậm chí gây lo lắng và cảm giác tội lỗi khi vượt quá giới hạn đặt ra.
Ngoài ra, mỗi người có quá trình chuyển hóa năng lượng khác nhau, phụ thuộc vào yếu tố di truyền, sức khỏe tiêu hóa và mức độ vận động. Do đó, việc chỉ dựa vào lượng calo nạp vào đôi khi không phản ánh chính xác hiệu quả giảm cân.
Chất lượng thực phẩm quan trọng hơn lượng calo
Các chuyên gia dinh dưỡng nhận định rằng không phải tất cả calo đều giống nhau. Calo từ thực phẩm chế biến sẵn và calo từ thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau củ, protein, chất béo lành mạnh sẽ mang đến những tác động rất khác nhau đối với sức khỏe và cân nặng. Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng và cân bằng giúp cơ thể duy trì năng lượng, giảm cảm giác đói và thúc đẩy quá trình đốt mỡ hiệu quả hơn.
Kết hợp đếm calo với lối sống lành mạnh
Đếm calo có thể là công cụ hữu ích trong giảm cân nếu được áp dụng linh hoạt và đúng cách. Tuy nhiên, việc chỉ tập trung vào con số calo sẽ không mang lại hiệu quả bền vững. Quá trình giảm cân nên kết hợp với chế độ ăn cân đối, ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng và duy trì lối sống lành mạnh như tập luyện thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.
Đối với những người mắc bệnh lý như đái tháo đường típ 2 hay bệnh tim mạch, cắt giảm calo một cách khoa học không chỉ giúp giảm cân mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể và kéo dài tuổi thọ.
Cuối cùng, để giảm cân bền vững và nâng cao sức khỏe, giảm cân không chỉ dừng lại ở con số calo mà còn là hành trình hướng đến sức khỏe tổng thể. Một chế độ ăn uống cân bằng, chú trọng thực phẩm tươi sạch, kết hợp cùng lối sống lành mạnh mới là giải pháp lâu dài và toàn diện nhất.
Đếm calo là một công cụ hữu ích trong việc tạo thâm hụt năng lượng để giảm cân. Tuy nhiên, để đạt được kết quả bền vững và an toàn, đếm calo cần được kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng, ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng và một lối sống lành mạnh. Giảm cân không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát con số calo mà còn là hành trình cải thiện sức khỏe toàn diện, xây dựng thói quen tốt và duy trì tinh thần tích cực.
Nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp giảm cân hiệu quả, khoa học và an toàn, MedFit – Phòng khám giảm cân đa mô thức chính là lựa chọn lý tưởng. Với đội ngũ Bác sĩ đa chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, MedFit mang đến các phác đồ giảm cân được cá nhân hóa, kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học, tập luyện phù hợp và công nghệ hiện đại, giúp bạn đạt được vóc dáng lý tưởng và cải thiện sức khỏe một cách bền vững. Hãy để MedFit đồng hành cùng bạn trên hành trình chinh phục cân nặng và sức khỏe toàn diện ngay hôm nay!
Tài liệu tham khảo
- St George SM, Van Horn ML, et al. “Reliability of 24-hour dietary recalls as a measure of diet in African American youth“. J Acad Nutr Diet. 2016;116(10):1551-1559. doi:10.1016/j.jand.2016.05.011
- Walker JL, Ardouin S, Burrows T. “The validity of dietary assessment methods to accurately measure energy intake in children and adolescents who are overweight or obese: a systematic review“. Eur J Clin Nutr. 2018;72(2):185-197. doi:10.1038/s41430-017-0029-2
- Brown RE, Canning KL, et al. “Calorie Estimation in Adults Differing in Body Weight Class and Weight Loss Status“. Med Sci Sports Exerc. 2016;48(3):521-526. doi:10.1249/MSS.0000000000000796
- Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome (2023). Calo là gì? Lượng calo trong thực phẩm và cách tính calo, <Calo là gì? Lượng calo trong thực phẩm và cách tính calo>, xem 27/12/2024
- Ingels JS, Misra R, et al. “The Effect of Adherence to Dietary Tracking on Weight Loss: Using HLM to Model Weight Loss over Time“. J Diabetes Res. 2017;2017:6951495. doi:10.1155/2017/6951495
- Banerjee P, Mendu VVR, et al. “Calorie counting smart phone apps: Effectiveness in nutritional awareness, lifestyle modification and weight management among young Indian adults“. Health Informatics J. 2020;26(2):816-828. doi:10.1177/1460458219852531
- Alina Petre. Does Calorie Counting Work? A Closer Look at the Benefits and Downsides. [online] Available at: Does Calorie Counting Work? A Critical Look [Accessed 27 December 2024]
- Matt McMillen, Paul Frysh. What Is a Calorie Deficit?. [online] Available at: Calorie Deficit: A Complete Guide [Accessed 27 December 2024]
- British Heart Foundation. Counting calories: will it help you to lose weight?. [online] Available at: Will counting calories help you to lose weight? – BHF [Accessed 27 December 2024]
- Harvard Health Publishing. Stop counting calories. [online] Available at: Stop counting calories – Harvard Health [Accessed 27 December 2024]
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.