Imcivree là một loại thuốc tiên tiến được phát triển để điều trị các bệnh lý béo phì di truyền hiếm gặp, liên quan đến các đột biến của gen POMC, PCSK1, LEPR và hội chứng Bardet-Biedl. Bài viết này nhằm cung cấp thông tin chi tiết về Imcivree, bao gồm cấu tạo, cơ chế hoạt động, chỉ định, liều dùng cũng như hiệu quả lâm sàng của thuốc trong điều trị các tình trạng béo phì hiếm gặp. Từ đó, hỗ trợ người bệnh và các chuyên gia y tế trong việc đưa ra các quyết định điều trị đúng đắn và phù hợp với tình trạng bệnh lý của từng cá thể người bệnh.
Imcivree là gì?
Imcivree có hoạt chất là setmelanotide, cấu tạo là một peptide tổng hợp được thiết kế để hoạt động như một chất chủ vận mạnh của thụ thể melanocortin-4 (MC4R), khắc phục tình trạng không đủ tín hiệu từ alpha-melanocyte-stimulating hormone (α-MSH) hoặc leptin. MC4R được kích hoạt sẽ giúp giảm cảm giác đói, tăng cảm giác no, thúc đẩy tăng cường chuyển hóa mỡ, giúp cơ thể tiêu hao năng lượng từ mỡ dự trữ, từ đó bệnh nhân có thể kiểm soát lượng thức ăn nạp vào và hỗ trợ giảm cân.
Béo phì di truyền là gì?
Béo phì di truyền là kết quả của các đột biến gen ảnh hưởng đến quá trình điều hòa cân nặng và cảm giác đói của cơ thể. Những đột biến này làm rối loạn cơ chế kiểm soát năng lượng, dẫn đến tình trạng tăng cân không kiểm soát dù duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt bình thường.
Thụ thể MC4R nằm chủ yếu trong vùng hạ đồi của não, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cảm giác no, đói và gián tiếp điều chỉnh cân nặng:
- MC4R được kích hoạt bởi các hormone và peptide, đặc biệt là α-MSH – hormone được sản xuất từ gen proopiomelanocortin (POMC), giúp ức chế cảm giác đói, tăng cường cảm giác no và thúc đẩy tiêu hao năng lượng, giúp cơ thể duy trì cân nặng ổn định.
- Khi hoạt động bình thường, MC4R giúp cơ thể cân đối giữa lượng thức ăn nạp vào và tiêu hao năng lượng, kiểm soát hành vi ăn uống và mức độ dự trữ năng lượng, từ đó duy trì cân nặng hiệu quả.
- Khi thụ thể MC4R không hoạt động bình thường, não không nhận được tín hiệu cần thiết để tạo cảm giác no. Điều này làm cho người bệnh luôn cảm thấy đói ngay cả khi đã ăn đủ, dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm.
- Bên cạnh đó, MC4R không hoạt động còn khiến cho cơ thể có xu hướng giảm tiêu hao năng lượng, gây tích lũy mỡ thừa và dẫn đến béo phì.
Đột biến gen POMC
POMC là gen mã hóa cho tiền chất của nhiều loại hormone, bao gồm α-MSH – hormone chính để kích hoạt MC4R. Khi đột biến lặn xảy ra ở gen POMC, được giải thích là khi con sinh ra mang gen đồng hợp lặn do cha mẹ đều mang một gen lặn của thể đột biến hoặc đột biến tự phát với tỷ lệ rất nhỏ, cơ thể không thể sản xuất đủ α-MSH, làm cho MC4R không được kích hoạt. Hậu quả là bệnh nhân sẽ không có cảm giác no, dẫn đến việc ăn quá nhiều, gây ra béo phì nghiêm trọng do tình trạng đói liên tục và không tiêu hao năng lượng đúng cách.
Đột biến gen proprotein convertase subtilisin/kexin type 1 (PCSK1)
PCSK1 mã hóa cho enzyme tham gia vào quá trình chuyển đổi tiền chất hormone POMC thành α-MSH. Khi gen PCSK1 bị đột biến, quá trình sản xuất α-MSH bị gián đoạn, dẫn đến việc MC4R không được kích hoạt. Hậu quả giống như đột biến POMC, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng rối loạn kiểm soát cảm giác no và đói, dẫn đến việc ăn quá mức và tăng cân không kiểm soát.
Đột biến gen LEPR (leptin receptor)
LEPR mã hóa cho thụ thể của hormone leptin, một hormone được tiết ra bởi tế bào mỡ để báo hiệu rằng cơ thể đã no. Khi gen LEPR bị đột biến, tín hiệu từ leptin không thể kích hoạt MC4R. Kết quả là bệnh nhân không nhận được tín hiệu no từ leptin, dẫn đến việc ăn uống không kiểm soát và béo phì nghiêm trọng do tình trạng tích trữ năng lượng và không tiêu hao được năng lượng dự trữ.
Hội chứng Bardet-Biedl (BBS)
BBS là một bệnh lý di truyền hiếm gặp do các đột biến gen như BBS1 và BBS10, làm suy giảm chức năng của cilia – cấu trúc giúp tế bào truyền tín hiệu và duy trì sự cân bằng sinh lý. Khi cilia không hoạt động đúng cách, khả năng truyền tín hiệu giữa các cơ quan bị gián đoạn, dẫn đến các vấn đề về phát triển và chuyển hóa.
Một trong những chức năng quan trọng của cilia là điều hòa cảm giác no và tiêu hao năng lượng. Đột biến trong cilia khiến bệnh nhân không cảm thấy no, dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân không kiểm soát, gây ra bệnh lý béo phì.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Cách dùng Imcivree
Chỉ định của Imcivree
Imcivree đã được chấp thuận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ vào năm 2020, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) vào năm 2021 và Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe vương quốc Anh (MHRA) vào năm 2021, để điều trị quản lý cân nặng mạn tính ở người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên mắc béo phì do các đột biến di truyền hiếm gặp liên quan đến các gen POMC, PCSK1, LEPR và BBS.
Thuốc chỉ được chỉ định cho những trường hợp đã được xác nhận thông qua xét nghiệm gen và không khuyến cáo cho các trường hợp béo phì thông thường hoặc béo phì do các hội chứng di truyền khác. Hiện tại, Imcivree chưa được cấp phép tại Việt Nam, tuy nhiên, với tiềm năng điều trị hiệu quả các bệnh béo phì di truyền hiếm gặp, thuốc hứa hẹn sẽ mang lại triển vọng lớn cho bệnh nhân trong tương lai.
Liều dùng Imcivree
Imcivree là một peptide được bào chế dưới dạng thuốc tiêm dùng để tiêm dưới da. Lộ trình điều trị với Imcivree thường được chỉ định dài hạn và trong nhiều trường hợp có thể cần sử dụng cả đời, vì đây là bệnh lý mạn tính và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Liều dùng Imcivree được liệt kê dưới đây:
- Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: liều khởi đầu là 2mg/ngày tiêm dưới da trong 2 tuần, sau đó tăng lên 3mg/ngày nếu dung nạp tốt. Nếu không dung nạp, giảm liều xuống 1mg/ngày và tăng dần khi cơ thể thích nghi.
- Trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi: bắt đầu với 1mg/ngày trong 2 tuần, sau đó tăng dần lên 3mg/ngày tùy khả năng dung nạp của bệnh nhân.
- Bệnh nhân suy thận: Imcivree không được khuyến cáo cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Với bệnh nhân suy thận nặng, liều khởi đầu là 0,5mg/ngày, có thể tăng dần lên 1,5mg/ngày nếu dung nạp tốt.
Lưu ý trước khi sử dụng Imcivree
Trước khi bắt đầu sử dụng Imcivree, cả bệnh nhân và Bác sĩ cần tuân thủ một số hướng dẫn quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả của liệu trình. Những lưu ý dưới đây giúp người dùng nắm rõ cách sử dụng thuốc đúng cách và theo dõi tiến trình điều trị một cách tối ưu:
- Đối với Bác sĩ: Bác sĩ cần đánh giá hiệu quả của liệu pháp Imcivree sau 12-16 tuần. Nếu bệnh nhân không giảm được ít nhất 5% trọng lượng hoặc 5% chỉ số BMI cơ bản, nên ngừng điều trị vì việc tiếp tục có thể không mang lại hiệu quả giảm cân có ý nghĩa lâm sàng. Ngoài ra, Bác sĩ cũng cần hướng dẫn bệnh nhân hoặc người chăm sóc về cách tiêm thuốc đúng kỹ thuật, sử dụng bơm tiêm 1ml phù hợp cho việc tiêm dưới da.
- Đối với người bệnh: trước khi tiêm, để đảm bảo thuốc đạt nhiệt độ phù hợp, cần lấy Imcivree ra khỏi tủ lạnh trước 15 phút hoặc lăn nhẹ lọ thuốc giữa hai lòng bàn tay trong 60 giây. Kiểm tra màu sắc và chất lượng thuốc, chỉ sử dụng khi thuốc trong suốt đến hơi đục, không màu hoặc vàng nhạt. Tiêm thuốc một lần mỗi ngày vào buổi sáng, luân phiên vị trí tiêm ở vùng bụng, đùi hoặc cánh tay. Tuyệt đối không tiêm vào tĩnh mạch hoặc cơ. Nếu quên liều, không tiêm gấp đôi, chỉ cần tiếp tục theo lịch tiêm hàng ngày như quy định.
Hiệu quả khi điều trị bằng Imcivree
Hiệu quả điều trị của Imcivree đã được chứng minh rõ rệt qua một số nghiên cứu lâm sàng:
- Nghiên cứu được thực hiện bởi Clement và cộng sự (2021) cho thấy 80% bệnh nhân mắc đột biến POMC hoặc PCSK1 áp dụng Imcivree đơn trị liệu đã giảm ít nhất 10% cân nặng sau 1 năm điều trị. Đối với bệnh nhân có đột biến LEPR, 46% bệnh nhân đạt được mức giảm ít nhất 10% cân nặng sau 1 năm.
- Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi công ty Rhythm Pharmaceuticals (2021) trên bệnh nhân BBS, sau 52 tuần điều trị, 61,3% bệnh nhân đã giảm ít nhất 5% chỉ số BMI và 38,7% bệnh nhân đã giảm ít nhất 10% chỉ số BMI.
Tuy Imcivree có khả năng ức chế cảm giác đói, nếu bệnh nhân không tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý và không kết hợp luyện tập thể dục thì lượng calo nạp vào sẽ vượt quá lượng tiêu hao, dẫn đến việc tăng cân hoặc không đạt được mục tiêu điều trị. Do đó, để đạt được kết quả điều trị tối ưu, bệnh nhân cần tuân thủ một lối sống lành mạnh, bao gồm việc ăn uống điều độ và tăng cường hoạt động thể chất.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Tác dụng phụ và những lưu ý cần thận trọng khi điều trị bằng Imcivree
Tác dụng phụ khi điều trị bằng Imcivree
Imcivree có một số tác dụng phụ thường gặp, những tác dụng phụ này cần được theo dõi trong suốt quá trình điều trị, bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm (96%), tăng sắc tố da (78%), buồn nôn và nôn mửa (56%), đau đầu (41%), tiêu chảy (37%), đau bụng (33%), mệt mỏi (30%), trầm cảm (26%) và cương dương tự phát ở nam giới (23%).
Cảnh báo và thận trọng khi sử dụng Imcivree
Khi điều trị bằng Imcivree, cần đặc biệt chú ý đến các nguy cơ và tác dụng phụ tiềm ẩn, đồng thời việc sử dụng thuốc này yêu cầu sự giám sát chặt chẽ từ chuyên gia y tế. Dưới đây là một số cảnh báo và thận trọng cần lưu ý trong suốt quá trình điều trị bằng Imcivree:
- Rối loạn kích thích tình dục: cương dương tự phát và các phản ứng tình dục đã được ghi nhận trong các nghiên cứu lâm sàng.
- Trầm cảm và ý tưởng tự tử: bệnh nhân có tiền sử trầm cảm cần được theo dõi chặt chẽ vì thuốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.
- Tăng sắc tố da: tăng sắc tố da và sạm màu ở các nốt ruồi đã được báo cáo. Bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ để phát hiện các biến đổi sắc tố da bất thường.
Sử dụng Imcivree trên các đối tượng đặc biệt
Việc sử dụng Imcivree cần được cân nhắc cẩn thận đối với các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em và người cao tuổi. Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng thuốc cho từng nhóm đối tượng này nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị:
- Phụ nữ mang thai: không nên sử dụng Imcivree khi đang mang thai trừ khi lợi ích mà thuốc mang lại vượt trội nguy cơ có thể xảy ra.
- Phụ nữ cho con bú: không khuyến cáo sử dụng thuốc trong giai đoạn cho con bú do chưa có đủ dữ liệu về sự bài tiết của thuốc qua sữa mẹ.
- Trẻ em: tính an toàn và hiệu quả của thuốc đã được thiết lập cho trẻ từ 6 tuổi trở lên nhưng không khuyến cáo cho trẻ dưới 6 tuổi.
- Người cao tuổi: hiệu quả và tính an toàn của thuốc chưa được đánh giá đầy đủ ở người trên 65 tuổi.
Imcivree là một bước tiến lớn trong điều trị béo phì do các đột biến di truyền hiếm gặp. Với cơ chế tác động đặc hiệu và các chỉ định rõ ràng, thuốc đã mang lại hy vọng cho những bệnh nhân không có giải pháp điều trị trước đây. Tuy nhiên, Imcivree chưa được cấp phép tại Việt Nam, do đó, bệnh nhân có thể liên hệ với MedFit để tìm hiểu thêm thông tin về các phương pháp điều trị béo phì di truyền và các giải pháp y tế tiên tiến. MedFit cung cấp những kiến thức y học hữu ích, giúp người bệnh và gia đình nắm bắt kịp thời các cơ hội điều trị và hỗ trợ y tế phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- “IMCIVREE® (setmelanotide) injection, for subcutaneous use“. Rhythm Pharmaceuticals
- “IMCIVREE, setmelanotide“. European Medicines Agency (EMA)
- Pressley H, Cornelio CK, Adams EN. “Setmelanotide: a novel targeted treatment for monogenic obesity“. Journal of Pharmacy Technology. 2022 Dec;38(6):368-73
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.