Stress và béo phì đang nổi lên như hai vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống ngày càng bận rộn và mức sống được nâng cao. Stress không chỉ gây áp lực lên tinh thần mà còn có thể gián tiếp dẫn đến béo phì, thông qua cơ chế làm thay đổi hormone và thói quen ăn uống. Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở các quốc gia phát triển mà còn lan rộng ở những nước đang phát triển. Bài viết này sẽ đi sâu vào mối liên hệ giữa stress và béo phì, những tác động tiêu cực của stress đối với sức khỏe và cung cấp các chiến lược hiệu quả để phòng ngừa cũng như kiểm soát stress, giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh và cân đối.
Stress là gì?
Đầu tiên, stress, hay căng thẳng, là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi con người phải đối mặt với những thách thức đến từ đời sống, môi trường và công việc hàng ngày. Căng thẳng luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực, stress ở mức độ vừa phải có thể truyền cảm hứng và tạo động lực giúp vượt qua thách thức, nhưng nếu căng thẳng quá mức hoặc lặp lại nhiều lần và xảy ra trong một khoảng thời gian dài sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và tinh thần.
Căng thẳng cấp tính có thể xảy ra từ vài phút đến vài ngày, thường liên quan đến phản ứng tức thời của cơ thể và giảm khi tình huống căng thẳng qua đi, trong khi căng thẳng mạn tính kéo dài từ vài tuần trở lên, xuất phát từ các vấn đề kéo dài và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được quản lý kịp thời. Con người tiếp xúc với stress do nhiều nguyên nhân như chấn thương, bệnh tật, môi trường sống và sinh lý. Thậm chí, stress có thể là hậu quả của một quá trình sinh lý tự nhiên của con người như tuổi dậy thì, thời kỳ mang thai, giai đoạn tiền mãn kinh hay mãn kinh. Một dạng phổ biến của căng thẳng mạn tính là căng thẳng do yếu tố tâm lý – xã hội phát sinh từ sự tiêu cực trong các mối quan hệ xã hội, áp lực từ công việc, thu nhập thấp, thất nghiệp, cảm giác xấu hổ, bị bắt nạt và bị lạm dụng.
Béo phì là gì?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, béo phì được định nghĩa là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân, được nhận định bằng chỉ số BMI. Chỉ số này được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m2). Tại khu vực châu Á, một người trưởng thành, trừ phụ nữ mang thai, có chỉ số BMI trong khoảng 23-24,9 được xem là thừa cân và BMI từ 25 trở lên được xem là béo phì. Thang phân loại BMI dành cho người châu Á được trình bày theo bảng dưới đây:
Chỉ số BMI | Tình trạng |
< 18,5 | Thiếu cân |
18,5-22,9 | Bình thường |
23-24,9 | Thừa cân |
25-29,9 | Béo phì độ I |
30-34,9 | Béo phì độ II |
≥ 35 | Béo phì độ III |
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý mạn tính như bao gồm đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh lý liên quan đến xương khớp, rối loạn lipid máu, một số loại ung thư và tăng nguy cơ tử vong sớm.
Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của người bị béo phì thường giảm sút do hạn chế trong vận động, đau khớp, phụ thuộc vào người chăm sóc và thuốc điều trị các bệnh lý đi kèm. Những hoạt động hàng ngày dần trở nên khó khăn hơn, từ đi lại cho đến làm việc, dẫn đến chất lượng cuộc sống giảm.
Mặt khác, béo phì cũng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm lý, sự kỳ thị từ xã hội, cảm giác bị cô lập với mọi người xung quanh dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Mối liên hệ giữa stress và béo phì
Căng thẳng có thể góp phần vào sự phát triển của béo phì thông qua việc thay đổi quá trình trao đổi chất trong cơ thể, thay đổi lối sống và tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng. Các nghiên cứu đã chứng minh căng thẳng mạn tính có thể kích hoạt hệ thống phản ứng của cơ thể, dẫn đến tích tụ mỡ bụng và tăng nguy cơ béo phì. Dưới đây là các lý do chính khiến cho người bị stress dễ dàng tăng cân:
Tăng tiết hormone cortisol
Căng thẳng mạn tính kích hoạt hệ thống trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, dẫn đến việc tăng tiết cortisol, là một hormone căng thẳng chính trong cơ thể. Mức cortisol cao có thể làm tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đối với thực phẩm giàu năng lượng và có lượng đường cao, dẫn đến việc tiêu thụ dư thừa calo vượt mức cơ thể cần. Cortisol cũng liên quan đến việc tăng cường tích tụ mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng, là yếu tố nguy cơ chính cho bệnh béo phì. Hơn nữa, mức cortisol cao liên tục có thể làm suy giảm quá trình trao đổi chất, dẫn đến tăng cân.
Baudrand R và cộng sự vào năm 2015 đã thực hiện một đánh giá tổng quan về các nghiên cứu liên quan đến corticoid và béo phì trong vòng 18 tháng, kết quả chỉ ra rằng việc tăng sản xuất cortisol làm tăng mô mỡ dẫn đến béo phì.
Rối loạn giấc ngủ
Căng thẳng có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như khó ngủ hoặc ngủ không đủ, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Thiếu ngủ có thể làm tăng cảm giác đói và thèm ăn, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm giàu năng lượng, do thay đổi trong điều tiết hormone ghrelin và leptin. Leptin có vai trò báo hiệu cho não rằng cơ thể đã đủ no, ngược lại, ghrelin là hormone kích thích cảm giác thèm ăn. Tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ làm giảm leptin và tăng ghrelin.
Ngủ không đủ giấc cũng làm giảm khả năng đốt cháy năng lượng của cơ thể nên thúc đẩy tăng cân. Ngoài ra, việc thiếu ngủ làm giảm khả năng tự kiểm soát, dẫn đến việc tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh.
Năm 2008, Patel và cộng sự đã thực hiện một đánh giá tổng quan hệ thống trên 31 nghiên cứu mô tả cắt ngang, đã phát hiện rằng thời gian ngủ ngắn có liên quan và có thể dự đoán cân nặng cao hơn, khả năng béo phì ở nhóm đối tượng này cao hơn so với nhóm chứng.
Hạn chế trong vận động
Khi bị căng thẳng, nhiều người có xu hướng giảm thiểu hoạt động thể chất do cảm thấy mệt mỏi hoặc thiếu thời gian nghỉ ngơi. Thiếu vận động có thể dẫn đến giảm tiêu hao năng lượng, góp phần vào việc tích tụ mỡ thừa. Ngoài ra, căng thẳng còn làm suy giảm động lực để tham gia vào các hoạt động thể chất như thể dục thể thao, thay vào đó là các hoạt động ít tiêu thụ năng lượng như xem TV hoặc sử dụng điện thoại.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng mạn tính có thể dẫn đến lối sống ít vận động và gia tăng nguy cơ béo phì. Jeffery và cộng sự đã khảo sát 12.000 người vào năm 2003 và cung cấp bằng chứng về việc căng thẳng cao hơn có liên quan đến việc ít tập thể dục hơn. Tương tự, một nghiên cứu tiến cứu của Mouchacca và cộng sự vào năm 2013 với sự tham gia của gần 1.400 phụ nữ cho thấy mối quan hệ giữa việc căng thẳng tăng cao và hoạt động thể chất trong thời gian rảnh rỗi giảm thấp.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Stress thường dẫn đến các thói quen ăn uống không lành mạnh, chẳng hạn như ăn quá nhiều, ăn không theo giờ giấc hoặc ăn các thực phẩm giàu năng lượng và ít dinh dưỡng. Ngoài ra, căng thẳng cũng làm giảm khả năng tự kiểm soát, dẫn đến việc tiêu thụ nhiều thực phẩm gây béo. Việc tiêu thụ liên tục các loại thực phẩm không lành mạnh trong thời gian dài dẫn đến tăng cân và béo phì.
Năm 2012, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc khảo sát và cho kết quả 39% người lớn ở Hoa Kỳ cho rằng họ ăn quá nhiều hoặc ăn những thực phẩm không lành mạnh để ứng phó với căng thẳng.
Tóm lại, stress và béo phì được kết nối thông qua nhiều con đường tương tác trải dài từ nhận thức, hành vi, các yếu tố sinh lý và sinh hóa. Từ những điều đã được nêu trên, có thể thấy được căng thẳng và béo phì có mối liên hệ chặt chẽ, phức tạp và là một chu trình lặp đi lặp lại. Để thoát khỏi vòng lặp này, cần phải áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế và kiểm soát tình trạng căng thẳng.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Quản lý căng thẳng tốt có giúp kiểm soát béo phì hiệu quả không?
Các biện pháp kiểm soát căng thẳng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý cân nặng và ngăn ngừa béo phì. Để hiểu rõ mối liên hệ giữa việc kiểm soát stress và quản lý cân nặng, cần phân tích các tác động tích cực mà các phương pháp kiểm soát này ảnh hưởng đến cơ thể.
Kiểm soát mức cortisol
Giảm căng thẳng là chìa khóa để giảm nồng độ cortisol, từ đó hỗ trợ trong việc kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa tích tụ mỡ bụng. Khi tình trạng căng thẳng giảm, cơ thể tự động điều chỉnh mức cortisol, giúp ngăn chặn những tác động tiêu cực của hormone này lên quá trình tăng cân.
Các biện pháp như hít thở sâu, tập thể dục, thiền định và yoga giúp làm dịu tâm trí, giảm căng thẳng và ổn định mức hormone này. Đồng thời, sự hỗ trợ từ cộng đồng qua việc tương tác với bạn bè, gia đình hoặc tham gia nhóm hỗ trợ không chỉ tạo cảm giác an toàn mà còn góp phần giảm nồng độ cortisol thông qua việc giảm stress một cách tự nhiên và hiệu quả.
Chế độ ăn uống lành mạnh hơn
Kiểm soát stress sẽ khiến cơ thể bớt thèm những thực phẩm chứa nhiều đường, thường được dùng để giải tỏa căng thẳng. Bằng cách này, giảm stress không chỉ giúp ngăn chặn ăn uống không kiểm soát mà còn hỗ trợ hiệu quả trong việc ngăn ngừa béo phì và duy trì một lối sống lành mạnh hơn.
Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Khi căng thẳng được giảm bớt, cơ thể dễ dàng bước vào giấc ngủ sâu hơn, nhờ đó giúp tái tạo năng lượng và duy trì hoạt động của các hormone kiểm soát cảm giác đói. Giấc ngủ chất lượng cao không chỉ giúp hạn chế sự thèm ăn do stress mà còn cân bằng quá trình trao đổi chất, từ đó hỗ trợ giảm béo phì.
Nhìn chung, với người béo phì, việc kiểm soát stress thường khó khăn hơn so với người có cân nặng bình thường. Nguyên nhân nằm ở sự khác biệt trong cơ chế sinh lý ở người béo phì (cortisol tác động lớn hơn đến sự tích tụ mỡ), thay đổi thói quen hành vi (người béo phì thường có thói quen ăn uống không lành mạnh) và yếu tố tâm lý (người béo phì thường gặp phải các vấn đề về ngoại hình và cách nhìn của xã hội).
Để kiểm soát stress một cách hiệu quả, người béo phì cần hỗ trợ từ các chuyên gia như dinh dưỡng, tâm lý, huấn luyện viên thể thao và Bác sĩ Nội khoa. Sự phối hợp này giúp giải quyết đồng bộ các yếu tố liên quan đến béo phì và stress, từ việc cải thiện thói quen ăn uống, hỗ trợ tinh thần, đến việc xây dựng kế hoạch tập luyện hợp lý, từ đó nâng cao hiệu quả kiểm soát cả hai vấn đề.
Để ngăn ngừa béo phì do stress và duy trì sức khỏe tối ưu, việc quản lý stress một cách hiệu quả là vô cùng quan trọng. Hiểu rõ nguyên nhân và tác động của stress có thể giúp áp dụng các chiến lược phù hợp để kiểm soát tình trạng này. MedFit là Phòng khám chuyên sâu về việc nghiên cứu và điều trị béo phì, luôn đồng hành và giúp đỡ bạn xây dựng các chiến lược phù hợp để kiểm soát stress hiệu quả, duy trì cân nặng hợp lý và nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Hãy liên hệ với MedFit để nhận sự tư vấn từ các chuyên gia y tế và bắt đầu hành trình chăm sóc sức khỏe ngay hôm nay!
Tài liệu tham khảo
- Koch FS, Sepa A, Ludvigsson J. “Psychological stress and obesity“. J Pediatr. 2008;153(6):839-844. doi:10.1016/j.jpeds.2008.06.016
- Torres SJ, Nowson CA. “Relationship between stress, eating behavior, and obesity“. Nutrition. 2007;23(11-12):887-894. doi:10.1016/j.nut.2007.08.008
- Sinha R, Jastreboff AM. “Stress as a common risk factor for obesity and addiction“. Biol Psychiatry. 2013;73(9):827-835. doi:10.1016/j.biopsych.2013.01.032
- Björntorp P. “Do stress reactions cause abdominal obesity and comorbidities?“. Obes Rev. 2001;2(2):73-86. doi:10.1046/j.1467-789x.2001.00027.x
- Patel SR, Hu FB. “Short sleep duration and weight gain: a systematic review“. Obesity (Silver Spring). 2008;16(3):643-653. doi:10.1038/oby.2007.118
- Koren D, Taveras EM. “Association of sleep disturbances with obesity, insulin resistance and the metabolic syndrome“. Metabolism. 2018;84:67-75. doi:10.1016/j.metabol.2018.04.001
- Stults-Kolehmainen MA, Sinha R. “The effects of stress on physical activity and exercise“. Sports Med. 2014;44(1):81-121. doi:10.1007/s40279-013-0090-5
- Gerber M, Pühse U. “Review article: do exercise and fitness protect against stress-induced health complaints? A review of the literature“. Scand J Public Health. 2009;37(8):801-819. doi:10.1177/1403494809350522
- Baudrand R, Vaidya A. “Cortisol dysregulation in obesity-related metabolic disorders“. Curr Opin Endocrinol Diabetes Obes. 2015;22(3):143-149. doi:10.1097/MED.0000000000000152
- Ng DM, Jeffery RW. “Relationships between perceived stress and health behaviors in a sample of working adults“. Health Psychol. 2003;22(6):638-642. doi:10.1037/0278-6133.22.6.638
- Mouchacca J, Abbott GR, Ball K. “Associations between psychological stress, eating, physical activity, sedentary behaviours and body weight among women: a longitudinal study“. BMC Public Health. 2013;13:828. Published 2013 Sep 11. doi:10.1186/1471-2458-13-828
- “Stress in America: Our Health at Risk“. American Psychological Association
- Ahmed S, Lemkau J, Hershberger P (2012). “Psychosocial Influences on Health“. doi:10.1016/B978-1-4377-1160-8.10003-X
- “Obesity and overweight“. World Health Organization
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.