Vì sao béo bụng lại nguy hiểm?

Trong những năm gần đây, béo bụng đang dần trở thành mối quan tâm của cộng đồng. Theo nghiên cứu của Tùng Phạm và cộng sự, trong giai đoạn 2009-2015, tỷ lệ béo bụng ở nữ giới tại Việt Nam đã tăng từ 3-31,3% lên 8-41,7%, trong khi con số này ở nam giới tăng từ 0,3-19,3% lên 0,4-25%. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, bởi béo bụng không đơn thuần chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Vậy tại sao béo bụng lại nguy hiểm hơn so với các dạng tích mỡ khác trong cơ thể? Làm thế nào để kiểm soát tình trạng này? Hãy để MedFit giúp bạn hiểu rõ hơn về những tác động tiêu cực của béo bụng và cách phòng tránh hiệu quả.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Béo bụng là gì ?

    Béo bụng, còn được gọi là béo phì trung tâm, là tình trạng mỡ thừa tích tụ quá mức ở vùng bụng, có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe. Béo bụng có thể nằm trong bệnh cảnh béo phì toàn thân hay béo bụng đơn độc.

    hình minh họa béo bụng
    Béo bụng là tình trạng mỡ thừa tích tụ quá mức ở vùng bụng (hình minh họa)

    Béo bụng không chỉ đơn thuần là mỡ ở vùng bụng mà bao gồm hai loại mỡ khác nhau. Mỡ dưới da (subcutaneous fat) là lớp mỡ mềm nằm ngay bên dưới da, chủ yếu đóng vai trò tích lũy năng lượng. Khác với lớp mỡ dưới da, mỡ nội tạng (visceral fat) nằm sâu bên trong cơ thể, bao quanh các cơ quan nội tạng như gan, tim, thận, ruột… chính là nguyên nhân gây ra nhiều nguy cơ của béo bụng. Khi trở nên dư thừa, mỡ nội tạng có thể làm tăng nồng độ adipokine và cytokine gây viêm (TNF-α, IL-6) dẫn đến đề kháng insulin, hội chứng chuyển hóa và ảnh hưởng đến hệ tim mạch.

    hình minh họa béo bụng trên mỡ nội tạng
    Mỡ nội tạng bao quanh các cơ quan nội tạng như gan, tim, thận, ruột… chính là nguyên nhân gây ra nhiều nguy cơ của béo bụng

    Có nhiều cách để xác định một người có béo bụng hay không nhưng phổ biến nhất là sử dụng số đo vòng eo. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), đối với người Nam Á và Đông Á, một người được coi là béo bụng khi chu vi vòng eo vượt quá 80cm ở nữ giới và 90cm ở nam giới. Đây là cách làm đơn giản, dễ thực hiện tại nhà nhưng không phân biệt được mỡ dưới da hay mỡ nội tạng.

    hình minh họa đo eo
    Hình minh họa phương pháp đo vòng eo

    Một cách làm khác là tính tỷ lệ eo – hông (WHR). Nữ giới với WHR hơn 0,85 và nam giới hơn 0,9 được xác định là có béo bụng và gợi ý tình trạng tăng mỡ nội tạng. Ngoài ra, một số công cụ hình ảnh học cũng có thể giúp đo lượng mỡ bụng như siêu âm, CT hay máy đo điện trở kháng sinh học (BIA)…

    đo máy inbody tại medfit
    Hình minh họa phương pháp đo điện trở kháng sinh học (BIA)

    Béo bụng gây ra những vấn đề sức khỏe nào?

    Béo bụng đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe. Việc hiểu biết về hậu quả của béo bụng sẽ góp phần nâng cao ý thức phòng tránh bệnh cũng như thay đổi phương pháp điều trị.

    Suy giảm chức năng hô hấp

    Mỡ bụng, đặc biệt là mỡ nội tạng, tập trung ở vùng bụng ngay dưới cơ hoành (cơ hô hấp chính) nên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hô hấp. Khi mỡ nội tạng tích lũy quá mức, thể tích phổi và lực hít vào có thể bị giảm, góp phần gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSAS). Trong khi đó, mỡ ở các vùng như tay, chân chủ yếu là mỡ dưới da, ít ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp của cơ thể.

    hình minh họa hội chứng ngưng thở khi ngủ
    Mỡ nội tạng tích lũy quá mức góp phần gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ (hình minh họa)

    Nghiên cứu của Ma và cộng sự (2020) thực hiện trên 93 bệnh nhân béo phì, đo lường sự phân bố mỡ vùng bụng bằng phân tích trở kháng điện sinh học (bioelectrical impedance analysis – BIA), đánh giá OSAS bằng đa ký giấc ngủ (polysomnography), cho kết quả 51,06% số người bị OSAS và nhóm bệnh nhân bị OSAS có diện tích mỡ nội tạng lớn hơn nhóm không bị OSAS (178,28 ± 59,89cm2 so với 135,6 ± 40,58cm2).

    Đề kháng insulin: ngòi nổ cho hội chứng chuyển hóa

    Béo bụng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đề kháng insulin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuyển hóa đường và chất béo trong cơ thể. Quá trình bệnh lý này diễn ra qua ba cơ chế chính:

    • Tăng nồng độ acid béo tự do (FFA)

    So với mỡ dưới da, mỡ nội tạng có nhiều thụ thể beta-adrenergic hơn nên dễ bị tác động bởi các catecholamine như adrenaline và noradrenaline, khiến quá trình phân giải mỡ diễn ra mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, khi cơ thể gặp stress hoặc cần năng lượng, mỡ nội tạng giải phóng một lượng lớn FFA vào máu, đặc biệt là qua tĩnh mạch cửa đến gan. Gan tiếp xúc với nồng độ FFA dư thừa lâu dài sẽ kích thích tăng tân tạo glucose, làm tăng đường huyết, đồng thời gây kháng insulin tại gan.

    Không những vậy, acid béo còn làm giảm độ nhạy cảm insulin ở cơ, khiến tế bào cơ giảm khả năng sử dụng glucose, góp phần vào tình trạng tăng đường huyết.

    • Phản ứng viêm mạn tính

    Mỡ nội tạng tiết ra nhiều cytokine viêm (như TNF-α, IL-6) và adipokine (như resistin), gây kháng insulin ở gan và mô ngoại biên. Sự đề kháng insulin làm giảm khả năng ức chế enzyme hormone-sensitive lipase (HSL) trong tế bào mỡ, dẫn đến tăng ly giải mỡ và giải phóng FFA.

    • Rối loạn hormone steroid

    Các cytokine viêm (như IL-6, TNF-α) do mỡ tạng tiết gây kích thích trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, dẫn đến tăng sản xuất cortisol từ tuyến thượng thận. Trong mô mỡ nội tạng, enzyme 11β-hydroxysteroid dehydrogenase type 1 (11β-HSD1) hoạt động mạnh hơn, chuyển đổi cortisone (dạng không hoạt động) thành cortisol (dạng hoạt động). Điều này làm tăng cortisol tại chỗ trong mô mỡ và có thể ảnh hưởng đến nồng độ toàn cơ thể. Cortisol dư thừa gây ra kháng insulin bằng cách cản trở trực tiếp con đường truyền tín hiệu của insulin trong gan, cơ và mô mỡ.

    Ngoài ra, quá trình tân tạo đường (gluconeogenesis) cũng được thúc đẩy bởi cortisol, dẫn đến tăng đường huyết và tăng tiết insulin vào máu. Đồng thời, cortisol kích thích tích tụ mỡ nội tạng thông qua tác động lên thụ thể glucocorticoid, tạo ra vòng xoáy bệnh lý béo bụng và hội chứng chuyển hoá.

    Bên cạnh đó, insulin dư thừa trong máu kích thích buồng trứng (ở phụ nữ) sản xuất androgen qua việc tăng hoạt động của enzyme cytochrome P450c17. Ngoài ra, mô mỡ nội tạng chứa enzyme aromatase có chức năng chuyển testosterone thành estrogen. Chính vì vậy, việc tăng mỡ nội tạng gây tăng androgen ở nữ, giảm testosterone ở nam và góp phần làm trầm trọng hơn rối loạn chuyển hóa glucose cũng như tăng tích lũy mỡ nội tạng.

    hormone insulin được sản xuất bởi tế bào beta tuyến tụy
    Béo bụng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đề kháng insulin

    Vấn đề tim mạch

    Béo phì trung tâm là yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh tim mạch, thông qua các cơ chế như viêm mạn tính, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp và xơ vữa động mạch:

    • Viêm mạn tính – chất xúc tác gây tổn thương mạch máu: khi thể tích mỡ nội tạng tăng, các tế bào mỡ này tăng phóng thích cytokine tiền viêm như IL-6, TNF-α và C-reactive protein (CRP) có thể gây tổn thương thành mạch và làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa trong động mạch.
    • Rối loạn lipid máu – nguồn cơn xơ vữa động mạch: mỡ nội tạng không chỉ gây viêm mà còn làm tăng tích tụ LDL-C (cholesterol xấu) trong thành mạch, đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
    • Tăng huyết áp: béo phì trung tâm có thể dẫn đến tăng huyết áp thông qua nhiều cơ chế như tăng hoạt động hệ thần kinh giao cảm, làm tăng nhịp tim và co mạch. Việc tăng sản xuất angiotensinogen, tiền chất của angiotensin II – một hormone gây co mạch và giữ nước, làm tăng huyết áp. Đồng thời, béo bụng cũng giảm sản xuất nitric oxide (NO) – chất giúp giãn mạch, khiến áp lực máu trong lòng mạch tăng cao.
    cholesterol dư thừa tích tụ trong thành động mạch
    Mỡ nội tạng làm tăng tích tụ cholesterol xấu trong thành mạch

    Ung thư

    Một nghiên cứu của Steffen và cộng sự sử dụng dữ liệu nhân trắc học (chu vi vòng eo) đo được từ 391.456 người trong nghiên cứu Tầm soát Ung thư và Dinh dưỡng Châu Âu (EPIC), sau 11 năm theo dõi, cho kết quả có 124 trường hợp ung thư biểu mô tuyến thực quản (EAC). Sau khi phân tích bằng phương pháp hồi quy đa biến, loại bỏ các biến số gây nhiễu, kết luận được đưa ra rằng béo phì vùng bụng là một yếu tố nguy cơ không thể chối cãi đối với EAC.

    Không những vậy, béo bụng cũng đã được chứng minh là yếu tố nguy cơ cho một số loại ung thư khác như ung thư tuỵ, ung thư đại trực tràng… Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề béo bụng trong các chiến lược phòng ngừa ung thư.

    Sức khỏe tinh thần

    Béo bụng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn có tác động tiêu cực đáng kể đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Trong xã hội hiện đại, ngoại hình thon gọn thường được coi là tiêu chuẩn hấp dẫn. Những người có vòng eo lớn có thể cảm thấy tự ti về cơ thể, dẫn đến né tránh các hoạt động xã hội, giảm giao tiếp và thu hẹp phạm vi sinh hoạt… cuối cùng có thể gây trầm cảm.

    béo bụng còn gây tác động tiêu cực đáng kể đến tâm lý và chất lượng cuộc sống
    Béo bụng còn gây tác động tiêu cực đáng kể đến tâm lý và chất lượng cuộc sống
    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Các yếu tố nào làm tăng nguy cơ béo bụng?

      Trước tiên, một lối sống tĩnh tại và chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu cho vấn đề béo bụng. Việc tiêu thụ quá nhiều calo, đặc biệt là từ chất béo và đường, kết hợp với lối sống ít vận động, có thể dẫn đến tích tụ mỡ thừa vùng bụng.

      tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến có thể dẫn đến thừa cân béo phì
      Lối sống tĩnh tại và chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu của béo bụng

      Ngoài ra, một số nguyên nhân gây béo bụng khác cũng liên quan đến lối sống thiếu cân bằng:

      • Stress tâm lý làm tăng sản xuất cortisol, hormone thúc đẩy quá trình tân tạo glucose, dẫn đến dư thừa trong máu. Glucose này sau đó được chuyển hóa thành lipid và tích trữ chủ yếu ở vùng bụng.
      • Thiếu ngủ làm rối loạn hormone kiểm soát đói (ghrelin và leptin), dẫn đến ăn nhiều hơn.
      • Rượu bia cũng là một nguyên nhân thường gặp. Mỗi gam cồn cung cấp 7kcal nhưng không mang lại giá trị dinh dưỡng. Việc tiêu thụ đồ uống có cồn sẽ làm tăng năng lượng dư thừa trong cơ thể, dẫn đến tăng tích trữ mỡ nội tạng.
      • Hút thuốc lá cũng góp phần gây béo bụng vì nicotine trong thuốc lá cũng kích thích cơ thể tiết ra cortisol.
      hạn chế tiêu thụ rượu bia và thuốc lá
      Rượu bia và thuốc lá cũng là những nguyên nhân góp phần gây béo bụng

      Bên cạnh đó, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nơi cơ thể sẽ lưu trữ chất béo. Một số người có khuynh hướng di truyền tích tụ mỡ ở vùng bụng hơn những người khác. Không những vậy, khi tuổi tác tăng, chuyển hoá cơ thể chậm dần dẫn đến tỷ lệ mỡ có xu hướng tăng lên. Sự thay đổi này, kết hợp với việc giảm nhu cầu vận động, góp phần làm tăng mỡ bụng.

      Giới tính cũng ảnh hưởng đến sự tích lũy mỡ bụng:

      • Nam giới có nồng độ testosterone cao hơn. Hormone này thúc đẩy phân bố mỡ theo kiểu trung tâm (tích tụ ở vùng bụng, đặc biệt là mỡ nội tạng).
      • Ở nữ giới trước mãn kinh, nồng độ cao estrogen thúc đẩy phân bố mỡ chủ yếu ở hông, đùi và vùng dưới da. Sau mãn kinh, sự sụt giảm estrogen dẫn đến tăng tích mỡ bụng và làm tăng nguy cơ béo phì trung tâm ở phụ nữ lớn tuổi.
      Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
      Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

        * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

        Những biện pháp nào có thể giúp giảm béo bụng?

        Thay đổi chế độ ăn

        Để hạn chế mất quá nhiều khối cơ trong quá trình giảm cân, cần đảm bảo lượng đạm phù hợp với nhu cầu vận động. Cụ thể, người ít vận động nên tiêu thụ protein khoảng 1,2-1,5g/kg trọng lượng cơ thể/ngày, người tập luyện thể thao (sức bền, cardio) cần 1,5-2g/kg/ngày.

        Bên cạnh đó, một chế độ ăn cân đối với tỷ lệ lipid hợp lý và glucid (khoảng 50-55% tổng năng lượng) cũng rất quan trọng. Nên tập trung vào carbohydrate phức tạp giàu chất xơ như rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu, thay vì carbohydrate tinh chế trong bánh mì trắng, gạo trắng. Đồng thời, cần hạn chế đường bổ sung (đường thêm vào trong quá trình tiêu thụ) xuống dưới 10% tổng calo hàng ngày, lý tưởng là dưới 5% (theo WHO), cũng như các loại thực phẩm chứa đường đơn như nước ngọt, bánh kẹo.

        hình minh họa đường thêm
        Hạn chế đường bổ sung xuống dưới mức lý tưởng là dưới 5% mỗi ngày (theo WHO) 

        Protein có tác dụng tăng cảm giác no và hỗ trợ bảo vệ cơ bắp trong quá trình giảm cân. Nguồn protein chất lượng nên đến từ thịt nạc (gà, cá), trứng, sữa ít béo, hoặc thực vật (đậu, hạt).

        Chất béo lành mạnh hỗ trợ hấp thụ vitamin tan trong dầu và duy trì năng lượng bền vững. Chế độ ăn ít carbohydrate kết hợp chất béo vừa phải đã được chứng minh là giảm mỡ nội tạng hiệu quả. Nên lựa chọn chất béo không bão hòa như dầu olive, quả bơ, các loại hạt và omega-3 từ cá.

        Tập luyện phù hợp

        Đối với người bị béo bụng, các khuyến cáo tập luyện tập trung vào việc kết hợp cả bài tập cardio và tập kháng lực để tối ưu hóa việc đốt cháy mỡ nội tạng và cải thiện sức khỏe tổng thể. Theo The Physical Activity Guidelines for Americans (PAG), người trưởng thành nên thực hiện ít nhất 150-300 phút cardio cường độ trung bình mỗi tuần, bao gồm các môn như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội hoặc 75-150 phút cardio cường độ cao như chạy bộ, HIIT. Các bài tập này không chỉ giúp tăng nhịp tim mà còn đốt cháy calo hiệu quả, đặc biệt là mỡ nội tạng.

        Bên cạnh đó, PAG còn khuyến nghị bổ sung tập kháng lực 2-3 lần/tuần với các bài tập như nâng tạ, hít đất, squat để xây dựng cơ bắp, tăng cường trao đổi chất, góp phần giảm mỡ lâu dài.

        Việc kết hợp cardio và tập kháng lực làm giảm mỡ nội tạng tốt hơn so với chỉ tập cardio đơn thuần và điều quan trọng là phải duy trì tính đều đặn, kết hợp với chế độ ăn thâm hụt calo để đạt hiệu quả tối đa.

        tập với huấn luyện viên bảo
        Người trưởng thành nên thực hiện ít nhất 150-300 phút cardio cường độ trung bình mỗi tuần hoặc 75-150 phút cardio cường độ cao

        Duy trì lối sống lành mạnh

        Để giảm mỡ bụng, đặc biệt là mỡ nội tạng, việc duy trì lối sống lành mạnh, xây dựng những thói quen tốt đóng vai trò không thể thiếu:

        • Trước hết, bỏ rượu bia giúp giảm lượng calo dư thừa và ngăn ngừa tích tụ mỡ quanh gan, vì rượu có liên quan trực tiếp đến tăng mỡ nội tạng.
        • Tương tự, bỏ thuốc lá không chỉ cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn giảm cortisol, vốn là yếu tố thúc đẩy tích mỡ bụng.
        • Ngoài ra, việc ngủ đủ giấc cũng là một khía cạnh quan trọng. Ngủ đủ 7-8 tiếng/đêm giúp điều hòa hormone, ổn định lại các quá trình chuyển hoá của cơ thể.
        • Cuối cùng, kiểm soát stress giúp giảm lượng cortisol tiết ra, qua đó hạn chế tích lũy mỡ. Thiền, yoga hoặc hít thở sâu là một số phương pháp được cho là giúp cải thiện tinh thần hiệu quả.
        ca lâm sàng giảm cân thành công sau 12 tuần tại medfit
        Ca lâm sàng giảm cân, giảm béo bụng thành công sau 12 tuần tại MedFit

        Áp dụng công nghệ tăng cơ giảm mỡ

        Bên cạnh các phương pháp truyền thống, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại thêm nhiều lựa chọn công nghệ cao giúp giảm mỡ bụng một cách tối ưu. Các phương tiện này được nhiều chuyên gia lựa chọn nhờ tính chất không xâm lấn và khả năng tác động đồng thời đến mỡ và cơ bắp.

        • Công nghệ kích thích điện cơ (EMS – electrical muscle stimulation)

        Sử dụng dòng điện nhẹ để kích thích cơ co, mô phỏng lại sự co cơ khi tập luyện giúp săn chắc cơ bắp. Ngoài ra, EMS cũng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, từ đó hỗ trợ đốt cháy năng lượng.

        thiết bị evolve x tại medfit
        Hình minh họa công nghệ EMS
        • Công nghệ điện từ trường tập trung cường độ cao (HIFEM – high-intensity focused electromagnetic)

        Tạo ra các cơn co cơ cực đại bằng sóng điện từ cường độ cao. Quá trình này kích thích cơ bắp phát triển dày lên. Bên cạnh đó, HIFEM còn thúc đẩy sự phân giải mỡ, làm các tế bào mô mỡ chết theo chu trình, giúp giảm mỡ cục bộ hiệu quả.

        Một nghiên cứu của Kinney và cộng sự (2020) sử dụng máy MRI/CT đo độ dày mô mỡ bụng của một nhóm người trước và sau khi sử dụng HIFEM được 1 năm, đã cho kết quả giảm trung bình 2,97mm (tương đương 14,63%).

        hình minh họa phương pháp hifem
        Hình minh họa công nghệ HIFEM
        • Công nghệ quang đông hủy mỡ (cryolipolysis)

        Sử dụng nhiệt độ từ -3°C đến 6°C để gây tổn thương tế bào mỡ mà không ảnh hưởng đến mạch máu, thần kinh và lớp da phía trên. Khi tế bào mỡ bị đông lạnh, chúng sẽ trải qua quá trình chết tế bào tự nhiên (apoptosis) và được hệ bạch huyết đào thải, giúp giảm mỡ dần dần.

        Tuy nhiên, có thể gặp một số tác dụng phụ như sưng đỏ, bầm tím, đau nhẹ hoặc hiếm hơn là tăng sản mỡ dội ngược (PAH). Việc điều trị tại cơ sở uy tín và thiết bị đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ là cần thiết để hạn chế các rủi ro này.

        hình minh họa phương pháp quang đông hủy mỡ
        Hình minh họa phương pháp quang đông hủy mỡ
        • Laser hủy mỡ

        Dùng năng lượng laser để phá vỡ các tế bào mỡ, chủ yếu được sử dụng để giảm mỡ khu trú ở các vùng như cằm, đùi và bụng. Cơ chế hoạt động dựa trên hiệu ứng quang nhiệt có chọn lọc, làm tăng nhiệt độ tại mô mỡ để phá hủy tế bào mà không ảnh hưởng đến các mô xung quanh.

        Phương pháp này có hai loại là laser xâm lấn tối thiểu và laser không xâm lấn, trong đó laser không xâm lấn dần thay thế nhờ tính an toàn và hiệu quả. Các loại laser phổ biến như laser diode 1060nm (SculpSure), laser năng lượng thấp 635nm và laser bán dẫn bước sóng 1210nm.

        hình minh họa công nghệ laser hủy mỡ
        Hình minh họa công nghệ laser hủy mỡ
        • Siêu âm hội tụ cường độ cao (HIFU – high-intensity focused ultrasound)

        Là phương pháp sử dụng sóng siêu âm cường độ cao tạo nhiệt độ cao (khoảng 60-70oC) tại điểm tập trung dưới da, làm chết tế bào mỡ mà không ảnh hưởng đến lớp biểu bì và các mô xung quanh.

        Bên cạnh đó, hiện tượng cavitation – sự hình thành các bọt khí nhỏ trong mô mỡ, gây vỡ màng tế bào, qua đó góp phần phá hủy mỡ một cách hiệu quả. Các tế bào mỡ sau đó được hệ bạch huyết hấp thu và đào thải ra khỏi cơ thể.

        phương pháp hifu (hình minh họa)
        Hình minh họa phương pháp HIFU
        • Công nghệ RF (radiofrequency)

        Sử dụng sóng vô tuyến tạo ra nhiệt độ cao thâm nhập vào lớp trung bì và mô mỡ dưới da, giúp phá vỡ và tiêu hủy tế bào mỡ mà không làm tổn thương lớp thượng bì. Thêm vào đó, sóng RF kích thích quá trình sản sinh collagen và elastin, giúp da săn chắc, giảm mỡ cục bộ và cải thiện tình trạng cellulite. Ngoài ra, công nghệ này còn giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hỗ trợ tạo đường nét cơ thể gọn gàng hơn một cách an toàn và không xâm lấn.

        công nghệ rf contoura tại medfit
        Hình minh họa công nghệ RF

        Một phiên bản nâng cao của RF là RF needling, kết hợp sóng RF với vi kim (microneedling) để gây ra các vi tổn thương trên da, kích thích quá trình tái tạo collagen và cải thiện kết cấu da, mang lại hiệu quả săn chắc và làm mịn da.

        ca lâm sàng giảm mỡ bằng rf contoura, hifu scizer và ems evolve x tại medfit
        Ca lâm sàng giảm béo bụng bằng cách kết hợp các công nghệ cao tại MedFit

        Béo bụng không chỉ là kẻ thù của vóc dáng mà còn là mối đe dọa âm thầm cho sức khỏe, từ các bệnh tim mạch, đái tháo đường típ 2 cho đến nguy cơ ung thư. Vì vậy, hãy thay đổi lối sống ngay hôm nay bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo vệ cơ thể một cách toàn diện.

        Đừng ngần ngại đến với MedFit, nơi bạn sẽ được các chuyên gia tư vấn giảm mỡ bụng cũng như giảm cân một cách khoa học và hiệu quả. Một vòng eo khỏe mạnh không chỉ mang lại sự tự tin mà còn là chìa khóa cho một cuộc sống lâu dài và chất lượng.

        Banner - Kiến thức giảm cân giảm mỡ y học chứng cứ MedFit
        Banner - Kiến thức giảm cân giảm mỡ y học chứng cứ MedFit m

        Tài liệu tham khảo

        1. Ghandehari H, Le V, Kamal-Bahl S, Bassin SL, Wong ND. Abdominal obesity and the spectrum of global cardiometabolic risks in US adults. Int J Obes (Lond). 2009;33(2):239-248. doi:10.1038/ijo.2008.252
        2. Pham TT, Bui L, et al. Prevalence of obesity and abdominal obesity and their association with metabolic-related conditions in Vietnamese adults: an analysis of Vietnam STEPS survey 2009 and 2015. The Lancet Regional Health – Western Pacific. 2023;39:100859. doi:10.1016/j.lanwpc.2023.100859
        3. Després JP, Lemieux I, Bergeron J, et al. Abdominal obesity and the metabolic syndrome: contribution to global cardiometabolic risk [published correction appears in Arterioscler Thromb Vasc Biol. 2008 Jul;28(7):e151]. Arterioscler Thromb Vasc Biol. 2008;28(6):1039-1049. doi:10.1161/ATVBAHA.107.159228
        4. Dhawan D, Sharma S. Abdominal Obesity, Adipokines and Non-communicable Diseases. J Steroid Biochem Mol Biol. 2020;203:105737. doi:10.1016/j.jsbmb.2020.105737
        5. Björntorp P. Metabolic implications of body fat distribution. Diabetes Care. 1991;14(12):1132-1143. doi:10.2337/diacare.14.12.1132
        6. Steffen A, Huerta JM, Weiderpass E, et al. General and abdominal obesity and risk of esophageal and gastric adenocarcinoma in the European Prospective Investigation into Cancer and Nutrition. Int J Cancer. 2015;137(3):646-657. doi:10.1002/ijc.29432
        7. Silveira EA, Kliemann N, Noll M, Sarrafzadegan N, de Oliveira C. Visceral obesity and incident cancer and cardiovascular disease: An integrative review of the epidemiological evidence. Obes Rev. 2021;22(1):e13088. doi:10.1111/obr.13088
        8. Hidayat K, Du X, Chen G, Shi M, Shi B. Abdominal Obesity and Lung Cancer Risk: Systematic Review and Meta-Analysis of Prospective Studies. Nutrients. 2016; 8(12):810. https://doi.org/10.3390/nu8120810
        9. Jameson JL, Fauci AS, Kasper DL, Hauser SL, Longo DL, Loscalzo J. (2018). Harrison’s Principles of Internal Medicine. 20th ed. New York: McGraw-Hill Education
        10. Kim G, Woo H, Ji Y-A. Factors Affecting Abdominal Obesity: Analyzing National Data. Healthcare. 2024; 12(8):827. https://doi.org/10.3390/healthcare12080827
        11. Ma B, Wang X, et al. Obstructive Sleep Apnea Related to Abdominal Adipose Tissue Distribution Assessed by Bioelectrical Impedance Analysis in Obese Patients. Research Square. 2020. doi:10.21203/rs.3.rs-108421/v1
        12. Stein EA, Pankiewicz J, Harsch HH, et al. Nicotine-induced limbic cortical activation in the human brain: a functional MRI study. Am J Psychiatry. 1998;155(8):1009-1015. doi:10.1176/ajp.155.8.1009
        13. Ryan Raman. How to Get Rid of Visceral Fat. [online] Available at: How to Get Rid of Visceral Fat [Accessed 25 April 2025]
        14. Nazneen Memon. The Best Macronutrient Ratio for Weight Loss. [online] Available at: The Best Macronutrient Ratio for Weight Loss [Accessed 25 April 2025]
        15. Cleveland Clinic. Visceral Fat. [online] Available at: Visceral Fat: What It is & How to Get Rid of It [Accessed 25 April 2025]
        16. Piercy KL, Troiano RP, Ballard RM, et al. The Physical Activity Guidelines for Americans. JAMA. 2018;320(19):2020-2028. doi:10.1001/jama.2018.14854
        17. Kinney BM, Kent DE. MRI and CT Assessment of Abdominal Tissue Composition in Patients After High-Intensity Focused Electromagnetic Therapy Treatments: One-Year Follow-Up. Aesthet Surg J. 2020;40(12):NP686-NP693. doi:10.1093/asj/sjaa052
        Content Protection by DMCA.com
        logo MedFit

        Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.