5 sai lầm thường gặp khi dùng thuốc giảm cân

Thuốc giảm cân có thể là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong hành trình kiểm soát cân nặng, đặc biệt khi ngày càng có nhiều loại thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt để điều trị béo phì. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách có thể gây tác dụng phụ hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bài viết này sẽ chỉ ra những sai lầm thường gặp khi sử dụng thuốc giảm cân và gợi ý cách phòng tránh để tối ưu hóa hiệu quả giảm cân và đảm bảo an toàn.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Không tham khảo ý kiến của Bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm cân

    Không có loại thuốc giảm cân hay điều trị béo phì nào phù hợp cho tất cả mọi người, kể cả khi chúng đã được phê duyệt trong các phác đồ điều trị béo phì trên thế giới hay hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam. Mỗi loại thuốc đều có những chống chỉ định, tác dụng phụ riêng và chỉ phù hợp với một số nhóm đối tượng cụ thể. Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc kê đơn, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến Bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.

    thăm khám với bs thục anh
    Cần tham khảo ý kiến Bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng thuốc giảm cân để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị

    Việc tự ý dùng thuốc giảm cân mà không có sự hướng dẫn của Bác sĩ có thể dẫn đến những rủi ro không đáng có, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kết quả điều trị. Những yếu tố cần lưu ý khi sử dụng thuốc giảm cân bao gồm:

    • Đúng chỉ định: thuốc cần được sử dụng theo đúng hướng dẫn của Bác sĩ, đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe và mục tiêu điều trị của từng cá nhân.
    • Kiểm tra sức khỏe toàn diện: trước khi dùng thuốc, cần thực hiện kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng để đánh giá mức độ phù hợp, đặc biệt đối với người có bệnh lý nền hoặc tình trạng sức khỏe đặc biệt.
    • Tư vấn đầy đủ: Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin chi tiết về liệu trình điều trị, hiệu quả kỳ vọng, tác dụng phụ có thể xảy ra và cách xử lý trong suốt quá trình sử dụng. Tham khảo ý kiến Bác sĩ không chỉ đảm bảo an toàn mà còn giúp bệnh nhân đạt được hiệu quả giảm cân lâu dài, bền vững và hạn chế tối đa các rủi ro.

    Sử dụng thuốc giảm cân không rõ loại

    Hiện nay, FDA Hoa Kỳ đã phê duyệt 7 loại thuốc hỗ trợ điều trị béo phì, bao gồm orlistat, phentermine-topiramate, bupropion-naltrexone, liraglutide, setmelanotide, semaglutide và tirzepatide. Lưu ý, một số loại thuốc từng được FDA Hoa Kỳ phê duyệt và cấp phép sử dụng để giảm cân trước đây, như sibutramine và lorcaserin, đã bị thu hồi do tác dụng phụ nghiêm trọng lên tim mạch và nguy cơ gây ung thư.

    Tại Việt Nam, Bộ Y tế hiện chỉ phê duyệt orlistat và nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1, như liraglutide, trong hướng dẫn điều trị béo phì.

    bộ y tế hiện chỉ phê duyệt liraglutide và orlistat để điều trị béo phì
    Bộ y tế Việt Nam hiện chỉ phê duyệt liraglutide và orlistat để điều trị béo phì

    Trước đây, sibutramine cũng từng được phê duyệt nhưng đã bị thu hồi vào năm 2011 do các tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vẫn xuất hiện nhiều loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, được quảng cáo rầm rộ nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe, như là:

    • Nguy cơ độc hại: các loại thuốc không rõ nhãn mác có thể chứa các hoạt chất không được phê duyệt trong điều trị béo phì hoặc những hoạt chất đã từng được phê duyệt nhưng hiện đã bị cấm, gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm trên tim mạch, tổn thương gan, thận hoặc thần kinh.
    • Hiệu quả không được đảm bảo: những loại thuốc này thường không qua kiểm nghiệm lâm sàng, dẫn đến hiệu quả không như mong đợi, thậm chí có thể gây tăng cân trở lại nhanh chóng sau khi ngừng sử dụng.
    • Dễ dẫn đến lạm dụng: không có hướng dẫn liều lượng cụ thể khiến người dùng dễ sử dụng sai cách, dẫn đến nguy cơ gây nghiện và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn diện.
    sibutramine là thuốc giảm cân đã từng được phê duyệt nhưng đã bị thu hồi do nguy cơ sức khỏe
    Sibutramine đã từng được phê duyệt nhưng đã bị thu hồi do nguy cơ ảnh hưởng đến tim mạch

    Chỉ sử dụng thuốc cho mục đích giảm cân với nhãn mác rõ ràng theo đúng chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn mà còn tối ưu hóa hiệu quả trong quá trình điều trị, giúp đạt được mục tiêu giảm cân một cách bền vững và khoa học.

    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Không có chế độ dinh dưỡng phù hợp trong khi dùng thuốc

      Điều trị bằng các thuốc nhóm đồng vận thụ thể GLP-1 thường dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn và lượng thực phẩm tiêu thụ, từ đó giúp giảm cân. Tuy nhiên, một số người chỉ tập trung vào việc dùng thuốc và giảm calo trong khẩu phần ăn mà không chú trọng đến một chế độ ăn uống cân đối và đầy đủ dinh dưỡng. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không đảm bảo chế độ ăn giảm năng lượng nhưng vẫn đáp ứng đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, bao gồm cả chất đa lượng (protein, carbohydrate, lipid) và vi lượng (vitamin, khoáng chất). Những hậu quả tiềm tàng bao gồm:

      Không đủ lượng protein

      Việc giảm cân, bất kể tốc độ nhanh hay chậm, thường dẫn đến giảm khối lượng cơ cũng như khối lượng mỡ, những tác động này thường tỷ lệ thuận với mức độ giảm cân đạt được. Tuy nhiên, việc mất cơ có thể đặc biệt không mong muốn đối với một số người, chẳng hạn như người trưởng thành bị béo phì kèm suy giảm cơ (sarcopenic obesity). Việc mất cơ cũng làm giảm trao đổi chất, giảm chuyển hóa cơ bản, giảm tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi dẫn đến việc khó duy trì giảm cân lâu dài và khó duy trì cân nặng sau khi đã giảm. Vì vậy, mặc dù áp dụng chế độ ăn thâm hụt calo, việc bổ sung đầy đủ lượng protein là vô cùng cần thiết.

      chế độ ăn giàu protein
      Bổ sung đầy đủ lượng protein là vô cùng cần thiết để duy trì khối cơ trong quá trình giảm cân

      Theo khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), lượng protein cần thiết nên chiếm tỷ lệ 10-35% (13-20% theo Nhu cầu Dinh dưỡng Khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016 của Bộ Y tế) tổng năng lượng khẩu phần ăn:

      • Lượng protein hàng ngày cho người trưởng thành khỏe mạnh có cân nặng bình thường là 0,8g/kg trọng lượng cơ thể/ngày.
      • Hướng dẫn của USDA đề xuất mục tiêu tối thiểu là 46g/ngày cho phụ nữ khỏe mạnh và 56g/ngày cho nam giới khỏe mạnh.
      • Đối với bệnh nhân béo phì, lượng protein cần tiêu thụ được khuyến nghị ít nhất là 60-75g/ngày và có thể lên tới 1,5g/kg trọng lượng cơ thể/ngày trong quá trình giảm cân.

      Nguồn protein nên đến từ các loại đậu, đậu Hà Lan, đậu lăng, các loại hạt, sản phẩm từ đậu nành, hải sản cùng với thịt nạc, gia cầm, sữa ít béo và trứng.

      Khi sử dụng thuốc giảm cân nhóm đồng vận thụ thể GLP-1 như liraglutide, semaglutide hoặc tirzepatide, bệnh nhân có thể gặp tình trạng khó chịu đường tiêu hóa và chán ăn, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi cảm giác thèm ăn giảm rõ rệt. Trong trường hợp này, các sản phẩm thay thế bữa ăn như sữa lắc, thanh protein hoặc thực phẩm dinh dưỡng giàu protein khác có thể là giải pháp bổ sung protein hiệu quả. Những sản phẩm này thường chứa 15-25g protein chất lượng cao trong mỗi khẩu phần, đã được chứng minh là hỗ trợ tốt trong quá trình giảm cân. Tuy nhiên, khi các triệu chứng đường tiêu hóa và cảm giác thèm ăn được cải thiện, nên ưu tiên sử dụng protein từ thực phẩm tự nhiên để đảm bảo dinh dưỡng cân bằng và bền vững.

      Những lưu ý này đặc biệt quan trọng đối với người lớn tuổi đang có kế hoạch giảm cân vì khối lượng cơ giảm tự nhiên theo tuổi tác, dẫn đến nguy cơ suy giảm cơ (sarcopenia). Sự mất cơ quá mức không chỉ làm giảm sức mạnh mà còn gia tăng nguy cơ té ngã và gãy xương. Do đó, việc bổ sung đầy đủ protein không chỉ cần thiết mà còn là yếu tố then chốt giúp người lớn tuổi giảm cân an toàn và duy trì sức khỏe lâu dài.

      Cắt bỏ hoàn toàn tinh bột hoặc chất béo

      Khoảng phân bố dinh dưỡng cho carbohydrate ở người trưởng thành khỏe mạnh dao động từ 45-65% tổng năng lượng, tương ứng với:

      • 135-245g/ngày cho chế độ ăn 1200-1500kcal/ngày.
      • 170-290g/ngày cho chế độ ăn 1500-1800kcal/ngày.

      Việc hạn chế carbohydrate quá nghiêm ngặt không chỉ không mang lại hiệu quả giảm cân lâu dài vượt trội mà còn có thể gây ra các tác động không mong muốn như tăng bài niệu, mất nước và rối loạn cân bằng điện giải, đặc biệt trong các chế độ ăn rất ít carbohydrate (keto).

      Khoảng phân bố dinh dưỡng cho chất béo ở người trưởng thành khỏe mạnh là 20-35% tổng năng lượng, tương ứng với:

      • 25-60g/ngày cho chế độ ăn 1200-1500kcal/ngày.
      • 35-70g/ngày cho chế độ ăn 1500-1800kcal/ngày.

      Chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ các vitamin tan trong dầu (A, D, E và K) và hỗ trợ làm trống túi mật trong quá trình giảm cân, giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi mật. Nên ưu tiên các loại thực phẩm giàu acid béo không bão hòa omega-3 (hạt lanh, dầu đậu nành, dầu hạt cải, cá béo), omega-6 (hạt, dầu thực vật) hoặc acid béo không bão hòa đơn (dầu olive) và hạn chế chất béo bão hòa (mỡ động vật).

      Cần duy trì lượng chất béo lành mạnh một cách cân đối và hợp lý. Đồng thời, nên tránh thực phẩm chiên rán và giàu chất béo để giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa liên quan đến thuốc giảm cân.

      thực phẩm chiên rán giàu chất béo chuyển hóa
      Tránh tiêu thụ thực phẩm chiên rán và giàu chất béo

      Không đủ lượng chất xơ

      Hơn 90% người trưởng thành Mỹ không đáp ứng lượng chất xơ khuyến nghị, mặc dù đây là thành phần quan trọng cho sức khỏe tim mạch và đường tiêu hóa. Mức tiêu thụ chất xơ được khuyến nghị là 21-25g/ngày cho phụ nữ và 30-38g/ngày cho nam giới, tùy theo độ tuổi.

      Các nguồn chất xơ tốt bao gồm trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Đối với bệnh nhân dùng thuốc giảm cân, việc tăng dần lượng chất xơ kết hợp uống đủ nước có thể giảm táo bón. Nếu không đạt đủ từ thực phẩm, có thể cân nhắc bổ sung chất xơ.

      những thực phẩm giàu chất xơ
      Những thực phẩm giàu chất xơ

      Uống không đủ nước

      Lượng nước khuyến nghị hàng ngày là 2,2L/ngày cho phụ nữ và 3L/ngày cho nam giới, với nhu cầu tăng lên trong điều kiện vận động nhiều hoặc khí hậu nóng. Nghiên cứu gần đây cho thấy các chất đồng vận thụ thể GLP-1 có thể làm giảm cảm giác khát và lượng nước tiêu thụ ở chuột và người mắc chứng uống nước quá mức nguyên phát (primary polydipsia). Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu để xác định liệu tác động này có xuất hiện ở người béo phì sử dụng thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 hay không.

      Mặc dù vậy, bệnh nhân điều trị bằng thuốc giảm cân vẫn cần được khuyến khích duy trì mức tiêu thụ nước từ 2-3L/ngày. Tốt nhất nên chọn nước lọc, đồ uống ít calo (như trà hoặc cà phê không đường) hoặc đồ uống giàu dinh dưỡng (như sữa ít béo hoặc các sản phẩm thay thế từ đậu nành). Việc hạn chế hoặc tránh tiêu thụ quá nhiều caffeine cũng được khuyến nghị trong quá trình giảm cân, do nguy cơ gây lợi tiểu của caffeine khi sử dụng liều cao.

      Hướng dẫn tại Hoa Kỳ đề xuất giới hạn tiêu thụ rượu ở mức tối đa 1 ly/ngày cho phụ nữ và 2 ly/ngày cho nam giới. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy ngay cả một lượng nhỏ rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư và các vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, không có mức tiêu thụ đồ uống có cồn nào là an toàn, tốt nhất là bệnh nhân cần cắt bỏ hoàn toàn rượu và bia.

      cần cắt bỏ hoàn toàn rượu và bia để hạn chế các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
      Nên cắt bỏ hoàn toàn rượu và bia để hạn chế các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

      Thiếu vitamin và khoáng chất

      Các vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe người trưởng thành bao gồm kali, canxi và vitamin D, với khuyến nghị tăng cường tiêu thụ từ các nguồn thực phẩm giàu dưỡng chất như rau củ, trái cây, sữa ít béo và các sản phẩm thay thế từ đậu nành. Ngoài ra, sắt là vi chất cần lưu ý ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, trong khi vitamin B12 đặc biệt quan trọng đối với người lớn tuổi.

      Người béo phì có nguy cơ cao bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Vì vậy, bổ sung đa vitamin, canxi và vitamin D có thể được cân nhắc, đặc biệt đối với bệnh nhân đang sử dụng thuốc hỗ trợ giảm cân.

      Tăng cân trở lại nếu không theo được chế độ ăn lâu dài sau khi dừng thuốc

      Tăng cân trở lại là một vấn đề phổ biến khi bệnh nhân không duy trì được chế độ ăn uống lành mạnh sau khi ngừng sử dụng thuốc hỗ trợ giảm cân. Điều này thường xuất phát từ việc áp dụng các chế độ ăn quá khắt khe, khiến cơ thể bị thiếu hụt năng lượng và dinh dưỡng cần thiết trong thời gian dài.

      Khi ngừng thuốc, cảm giác thèm ăn và các thói quen ăn uống cũ dễ dàng quay trở lại, dẫn đến việc tăng cân nhanh chóng. Do đó, một chế độ ăn uống cân bằng, bền vững và phù hợp với lối sống cá nhân là yếu tố then chốt để duy trì kết quả giảm cân lâu dài.

      Thiếu vận động trong quá trình giảm cân

      Dinh dưỡng đóng vai trò chủ đạo trong giảm cân, vì việc kiểm soát lượng calo nạp vào là yếu tố then chốt để tạo ra thâm hụt calo – điều kiện cần thiết để giảm mỡ. Tuy nhiên, khi kết hợp với vận động, hiệu quả không chỉ tăng lên mà còn bền vững hơn.

      Phân tích trên tạp chí Obesity Reviews cho thấy các chương trình kết hợp dinh dưỡng và vận động mang lại kết quả giảm cân vượt trội so với chỉ tập trung vào một yếu tố. Vận động giúp tăng cường tiêu hao calo, duy trì khối lượng cơ và cải thiện tỷ lệ cơ – mỡ, điều này rất quan trọng để tránh mất cơ khi giảm cân chỉ dựa vào chế độ ăn.

      dinh dưỡng và vận động là nền tảng của mọi kế hoạch giảm cân tại medfit
      Kết hợp dinh dưỡng và vận động giúp giảm cân hiệu quả và bền vững

      Tập luyện sức bền không chỉ hỗ trợ giảm cân mà còn cải thiện sức khỏe chuyển hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường. Trong khi đó, tập luyện kháng lực tăng cường chuyển hóa cơ xương, cải thiện khối lượng cơ nạc và giảm HbA1C ở người béo phì.

      Thuốc hỗ trợ giảm cân có thể tạo cảm giác chán ăn, giúp giảm cân ngay cả khi không vận động. Tuy nhiên, điều này dễ dẫn đến hiểu lầm rằng chỉ cần phụ thuộc vào thuốc là đủ. Trên thực tế, vận động là yếu tố cốt lõi để duy trì cân nặng lâu dài, đặc biệt khi đã ngừng thuốc. Do đó, trong quá trình giảm cân, vận động không chỉ tối ưu hóa hiệu quả mà còn giúp xây dựng lối sống lành mạnh, chuẩn bị cho giai đoạn duy trì cân nặng ổn định sau này.

      Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
      Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

        * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

        Dừng sử dụng thuốc quá sớm

        Sử dụng thuốc điều trị béo phì trong thời gian ngắn thường không được khuyến nghị do nguy cơ tái tăng cân cao. Dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy cân nặng thường tăng trở lại khi ngừng sử dụng thuốc hỗ trợ giảm cân. Đặc biệt, nếu chế độ ăn uống đi kèm không cân đối và chỉ tập trung cắt giảm calo mà bỏ qua yếu tố dinh dưỡng, nguy cơ tái tăng cân càng cao.

        Hơn thế nữa, cân nặng sau khi tăng trở lại có thể còn vượt quá mức ban đầu, gây ra hiện tượng yoyo – một vòng lặp giảm và tăng cân liên tục, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, việc sử dụng thuốc trong thời gian dài được khuyến cáo để duy trì hiệu quả giảm cân, phù hợp với tính chất mạn tính của bệnh béo phì.

        hình minh họa cách tiêm saxenda liraglutide
        Sử dụng thuốc trong thời gian dài được khuyến cáo để duy trì hiệu quả giảm cân

        Các phân tích chỉ ra rằng 58% số người sử dụng GLP-1 để điều trị béo phì đã ngừng thuốc trước 12 tuần và 30% ngừng thuốc trước 4 tuần. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dừng thuốc sớm, theo các báo cáo đa số người dùng ngừng thuốc vì các nguyên nhân sau:

        • Thiếu kiên nhẫn khi điều trị bằng thuốc: sự thiếu kiên nhẫn với kết quả điều trị là lý do chính khiến nhiều bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc giảm cân. Theo khảo sát, chỉ khoảng 50% người ngừng thuốc cho rằng thuốc hiệu quả, so với gần 75% người đang tiếp tục điều trị. Điều này cho thấy ngừng điều trị sớm có thể làm giảm nhận thức về hiệu quả thật sự của thuốc. Béo phì là một bệnh mạn tính, đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và kết hợp các phương pháp điều trị phù hợp để đạt được hiệu quả lâu dài. Hướng dẫn và hỗ trợ từ các chuyên gia y tế đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân hiểu và duy trì lộ trình điều trị.
        • Tác dụng phụ của thuốc điều trị: các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa và táo bón thường gặp trong giai đoạn đầu điều trị, là lý do khiến nhiều người quyết định ngừng sử dụng thuốc. Theo dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng dài nhất với Wegovy, 17% bệnh nhân đã ngừng tham gia thử nghiệm do gặp phải tác dụng phụ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng những vấn đề này hoàn toàn có thể được kiểm soát hiệu quả nếu bệnh nhân được Bác sĩ tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
        • Không được tư vấn y tế thường xuyên: theo thống kê, tái khám đều đặn có thể tăng 60% khả năng tiếp tục điều trị, đặc biệt khi bệnh nhân được quản lý bởi Bác sĩ Nội tiết hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các dịch vụ hỗ trợ toàn diện như quản lý lối sống, tư vấn dinh dưỡng và kiểm soát tác dụng phụ, để tối ưu hiệu quả điều trị. Vì vậy, khi lựa chọn cơ sở hỗ trợ giảm cân, bệnh nhân nên ưu tiên các cơ sở cung cấp phương pháp điều trị đa mô thức, với sự phối hợp giữa Bác sĩ Nội tiết, Bác sĩ Dinh dưỡng và chuyên gia dinh dưỡng. Cách tiếp cận toàn diện này không chỉ tối ưu hóa hiệu quả điều trị mà còn đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc đầy đủ và bền vững trong hành trình kiểm soát cân nặng.
        • Không đủ kinh tế: chi phí cao của thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 là một rào cản lớn trong điều trị béo phì. Tại nhiều quốc gia, việc thiếu hỗ trợ bảo hiểm y tế cho GLP-1 khiến nhiều bệnh nhân khó có khả năng duy trì điều trị lâu dài, dù hiệu quả của thuốc đã được chứng minh rõ ràng.
        • Hiệu quả không nhất quán: các thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 đã được chứng minh hiệu quả trong việc giảm cân và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, hiệu quả giảm cân có thể khác nhau giữa các cá nhân. Một số bệnh nhân có thể không đạt được mức giảm cân như mong muốn, thậm chí có trường hợp tăng cân. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham khảo ý kiến Bác sĩ để xác định liệu pháp phù hợp và theo dõi tiến trình điều trị.
        ca lâm sàng giảm cân bằng phương pháp đa mô thức tại medfit (ca nam)
        Ca lâm sàng điều trị béo phì tại MedFit

        Thuốc giảm cân là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong điều trị béo phì, nhưng để đạt kết quả bền vững, cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động khoa học và sự theo dõi sát sao từ Bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý sử dụng thuốc hoặc thiếu kiên nhẫn trong điều trị có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

        Để kiểm soát cân nặng an toàn và toàn diện, hãy lựa chọn các cơ sở y tế uy tín như MedFit, nơi cung cấp dịch vụ điều trị béo phì đa mô thức với đội ngũ Bác sĩ đa chuyên khoa, chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên thể chất. Liên hệ ngay với MedFit để bắt đầu hành trình kiểm soát cân nặng một cách bền vững và khoa học.

        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ
        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ m

        Tài liệu tham khảo

        1. “7 sai lầm khi dùng thuốc giảm cân”. Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Nghệ An
        2. Sarah Garone. “7 Mistakes People Make While Taking Weight Loss Drugs“. Health
        3. Almandoz JP, Wadden TA, et al. “Nutritional considerations with antiobesity medications“. Obesity (Silver Spring). 2024;32(9):1613-1631. doi:10.1002/oby.24067
        4. Sara Berg. “What doctors wish patients knew about anti-obesity medication“. American Medical Association
        5. Deidre McPhillips. “Many people using GLP-1s for weight loss stop treatment too soon, research shows, and results are not one-size-fits-all“. CNN Health
        Content Protection by DMCA.com
        logo MedFit

        Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.