Nhu cầu có một thân hình thon gọn đang dần trở thành một xu hướng làm đẹp thu hút sự chú ý mạnh mẽ của chị em phụ nữ và cả cánh mày râu. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực đều đặn, những phương pháp giải quyết mỡ thừa hiện tại được nhiều khách hàng lựa chọn, trong đó có hút mỡ. Hút mỡ từ lâu đã được xem là tiêu chuẩn vàng trong việc tạo đường nét cơ thể (body contouring), song việc hút mỡ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được đánh giá toàn diện. Do vậy, hút mỡ là một quy trình phẫu thuật cần được thực hiện bởi các Bác sĩ có tay nghề và chuyên môn cao. Trong bài viết sau đây, MedFit sẽ cung cấp thông tin khoa học để làm rõ các khía cạnh của hút mỡ trong thẩm mỹ.
Hút mỡ là gì?
Hút mỡ là một thủ thuật xâm lấn nhằm loại bỏ lớp mỡ dưới da bằng cách sử dụng một ống thông gắn với thiết bị hút ở các vùng trên cơ thể như bụng, hông, đùi, mông, cánh tay hoặc cổ. Hút mỡ được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị mỡ thừa khu trú ở một vùng da nhất định mà không phải là phương pháp giảm cân toàn bộ cơ thể. Phương pháp này không có hiệu quả với da sần vỏ cam vì chỉ loại bỏ lớp mỡ chứ không loại bỏ những sợi xơ ở mô liên kết dưới da. Đồng thời, hút mỡ chỉ có khả năng loại bỏ lớp mỡ dưới da mà không ảnh hưởng đến lớp mỡ nội tạng, do đó việc hút mỡ không làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như tim mạch, tăng huyết áp và đái tháo đường.
Các kỹ thuật hút mỡ hiện nay
- Kỹ thuật hút mỡ truyền thống: là kỹ thuật phổ biến nhất. Khi áp dụng kỹ thuật này, Bác sĩ sẽ tiêm một hỗn hợp thuốc tê và hoá chất vào vùng cơ thể cần loại bỏ mỡ thừa. Sau đó Bác sĩ sẽ thực hiện những vết cắt nhỏ trên da, qua đó đưa một ống thông rất mảnh được kết nối với buồng hút chân không áp lực cao để hút mỡ tại chỗ.
- Kỹ thuật hút mỡ bằng máy trợ lực: với phương pháp này, Bác sĩ cần sử dụng ống thông được rung ở tần số cao nhằm phá vỡ các mô mỡ thành từng phần nhỏ nhằm giúp việc hút mỡ diễn ra dễ dàng hơn, sau đó sử dụng máy hút để hút các mô mỡ đã được phá vỡ ra ngoài qua ống thông.
- Kỹ thuật hút mỡ bằng siêu âm: phương pháp này sử dụng năng lượng siêu âm để nhũ hóa mỡ bằng cơ chế cơ học, sau đó sử dụng một ống thông để hút mỡ đã được nhũ hoá ra ngoài. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả ở những vùng mỡ dày và xơ hoá.
- Kỹ thuật hút mỡ bằng laser: sử dụng tia laser phát ra năng lượng phá vỡ và nhũ hóa chất béo bằng nhiệt và cơ học. Sau đó mỡ sẽ được loại bỏ khỏi cơ thể bằng kỹ thuật hút đơn thuần hoặc có máy trợ lực. Laser Nd:YAG 1064nm là loại thường được sử dụng nhất trong kỹ thuật hút mỡ bằng laser.
* Voucher chỉ áp dụng cho buổi liệu trình lẻ đầu tiên của khách hàng tại phòng khám MedFit
Ai phù hợp với hút mỡ?
Chọn lựa đối tượng phù hợp là ưu tiên hàng đầu của Bác sĩ nhằm tối đa hoá hiệu quả điều trị cũng như giảm thiểu biến chứng. Hút mỡ có thể được áp dụng với những tình trạng sau:
- Người có vùng mỡ thừa cục bộ không đáp ứng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Một số vị trí có thể hút mỡ là thân mình, tay chân, ngực, mông, khu vực quanh cằm và đường viền hàm.
- Người có chỉ số BMI (Body Mass Index – chỉ số khối cơ thể) không vượt quá 30% chỉ số BMI bình thường.
- Người có mức độ nhão da ở mức tối thiểu và lượng mô mỡ dư thừa ở mức vừa phải.
- Người có cân nặng ổn định trong 6-12 tháng trước khi thực hiện hút mỡ.
- Người có sức khoẻ tốt, không mắc các bệnh lý mạn tính và nghiêm trọng.
Ai không phù hợp với hút mỡ?
Không phải đối tượng nào cũng có thể đạt được hiệu quả cao với kỹ thuật hút mỡ vì hút mỡ có bản chất là một cuộc phẫu thuật, đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro. Những đối tượng không được khuyến khích chọn lựa phương pháp này bao gồm:
- Người có nhiều bệnh lý nền, bệnh lý nghiêm trọng vì không đủ sức khoẻ và khả năng phục hồi sau một cuộc phẫu thuật.
- Người béo phì, có chỉ số BMI cao vì có nguy cơ xuất hiện cục máu đông sau phẫu thuật.
- Người có làn da chùng nhão, chảy xệ và kém đàn hồi vì sau khi hút mỡ, tình trạng này có thể lộ rõ và trở nên nặng nề hơn.
- Người hút thuốc lá vì tình trạng teo da và độ đàn hồi kém. Hút thuốc lá góp phần làm tăng khả năng da nhăn nheo và hoại tử da sau khi thực hiện hút mỡ.
- Người có nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi.
- Người mắc rối loạn dị dạng cơ thể, cảm thấy ngoại hình bất thường trong khi không hề có những bất thường này.
- Những người có kỳ vọng không thực tế về hiệu quả của liệu trình hút mỡ.
Hút mỡ có nguy hiểm không?
Khách hàng lựa chọn phương pháp hút mỡ sẽ có nguy cơ gặp phải những biến chứng liên quan đến phẫu thuật và những biến chứng về mặt thẩm mỹ về sau:
Biến chứng liên quan đến phẫu thuật
- Dị ứng: khách hàng có thể bị dị ứng với thuốc và hóa chất trong quá trình thực hiện phẫu thuật.
- Ngộ độc lidocain: lidocain được sử dụng để giúp kiểm soát cơn đau, được tiêm cùng với chất lỏng trong quá trình hút mỡ. Mặc dù lidocain thường an toàn nhưng đôi khi ngộ độc lidocain có thể xảy ra, gây ra các triệu chứng trên tim mạch và hệ thần kinh trung ương như chóng mặt, buồn nôn, ù tai, hôn mê, miệng có vị kim loại và có dị cảm quanh vùng miệng.
- Mất dịch, mất máu: việc hút mỡ lượng lớn có nguy cơ sốc giảm thể tích, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng và mất máu. Ước tính cứ mỗi 1 lít mỡ được hút ra sẽ mất 5-15 ml máu. Đồng thời sự thay đổi đột ngột lượng dịch trong cơ thể có thể dẫn đến các biến chứng trên hệ tim mạch và tiết niệu.
- Tổn thương thần kinh: tình trạng này có thể xảy ra tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây nên cảm giác đau và dị cảm.
- Thủng cơ quan nội tạng bên trong: ống đâm vào da trong quá trình hút mỡ có thể đi quá sâu và chọc thủng cơ quan nội tạng. Biến chứng này rất hiếm gặp nhưng chiếm đến 15% nguyên nhân tử vong khi thực hiện hút mỡ. Vì vậy, cần thực hiện hút mỡ ở những trung tâm uy tín với đội ngũ Bác sĩ có tay nghề và chuyên môn cao.
- Thuyên tắc mỡ: những mảnh mỡ có thể vỡ ra và mắc kẹt trong mạch máu, di chuyển đến các cơ quan như phổi hoặc não. Thuyên tắc mỡ là một trường hợp cấp cứu y tế hiếm gặp và nguy hiểm.
- Nhiễm trùng da: các triệu chứng bao gồm sốt, chảy dịch, sưng đỏ và đau thường xảy ra sau vài ngày phẫu thuật, với tỉ lệ nhỏ hơn 1%. Nhiễm trùng da biểu hiện ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và có thể nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Nhiễm trùng liên quan đến vấn đề vệ sinh như phòng mổ không vô trùng hoặc bị nhiễm khuẩn thứ phát sau phẫu thuật.
- Hoại tử da: xảy ra do tổn thương các mạch máu nuôi dưỡng khi hút mỡ với áp lực quá lớn. Biến chứng này xảy ra ở khoảng 1% bệnh nhân.
- Xuất hiện điểm tụ dịch hoặc khối máu tụ sau hút mỡ: tình trạng này có thể giảm dần theo thời gian hoặc cần phải can thiệp dẫn lưu.
- Sưng, chậm lành vết thương và bầm tím: thường gặp khi thực hiện phẫu thuật ở những vùng nhiều mạch máu như dưới cằm và ngực. Tình trạng phù nề và bầm tím có thể kéo dài 4-6 tuần sau phẫu thuật và có thể mất đến 6 tháng để giảm bớt. Tình trạng sưng kéo dài hơn 6 tuần và có thể liên quan đến nguy cơ hình thành sẹo, xơ hoá và bề mặt da không đồng đều.
Biến chứng về mặt thẩm mỹ
- Bề mặt da không đều: đây là một trong những biến chứng phổ biến nhất. Vùng da sau khi thực hiện hút mỡ có thể xuất hiện những vết lồi lõm, gợn sóng hoặc bất cân đối do việc loại bỏ mỡ thừa không đồng đều, sử dụng ống hút quá lớn hoặc nằm sai tư thế.
- Vùng da sau khi hút mỡ bị lỏng lẻo và chảy xệ: như đã đề cập ở trên, hút mỡ không dành cho những người có làn da chùng nhão, kém đàn hồi vì sau khi mỡ được loại bỏ ra khỏi cơ thể, lớp da bề mặt không được nâng đỡ bởi các mô bên dưới sẽ làm tình trạng da bị nhăn nheo và chùng xệ trở nên nặng nề hơn.
- Tăng sắc tố da: do tổn thương nhiệt khi áp dụng kỹ thuật hút mỡ bằng siêu âm hoặc laser.
- Sẹo sau phẫu thuật: sau khi thực hiện phẫu thuật hút mỡ, hầu hết bệnh nhân đều hình thành sẹo nhỏ. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân đang gặp phải các vấn đề như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch hoặc hút thuốc lá, quá trình chữa lành vết thương sẽ kéo dài và có thể để lại sẹo xấu.
- Tình trạng da sần vỏ cam: có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi thực hiện hút mỡ.
* Voucher chỉ áp dụng cho buổi liệu trình lẻ đầu tiên của khách hàng tại phòng khám MedFit
Các phương pháp không xâm lấn thay thế hút mỡ
Mặc dù hút mỡ vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng trong việc tạo đường nét cơ thể, nó vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng cần phải lưu ý và thận trọng khi quyết định thực hiện. Hiện tại có nhiều phương pháp không xâm lấn được phát triển nhằm tối thiểu hoá những nguy cơ tiềm ẩn này mà vẫn đem lại hiệu quả cho việc điều trị. Hiện nay có năm phương pháp không xâm lấn tạo đường nét cơ thể được FDA Hoa Kỳ chấp thuận, bao gồm:
- Quang đông huỷ mỡ: các tế bào mỡ bị tổn thương do nhiệt độ thấp dẫn đến chết theo chương trình, sau đó được cơ thể loại bỏ theo cơ chế tự nhiên.
- Laser huỷ mỡ: phương pháp này tác động giảm mỡ thông qua cơ chế tạo những lỗ nhỏ trên bề mặt tế bào mỡ hoặc phá huỷ tế bào do tác động nhiệt, cuối cùng những tế bào mỡ sẽ đào thải theo cơ chế tự nhiên.
- RF (radiofrequency): sử dụng sóng vô tuyến để tác động trực tiếp vào lớp hạ bì mà không làm tổn thương lớp biểu bì của da. Năng lượng từ sóng RF tác động lên các tế bào mỡ làm chúng teo nhỏ, phân huỷ, chết đi và được loại bỏ thông qua quá trình đào thải tự nhiên của cơ thể.
- Điện từ trường hội tụ cường độ cao (HIFEM – high intensity focused electromagnetic): phương pháp này tạo ra khoảng 20.000 xung trong 30 phút để kích thích co cơ, từ đó làm gia tăng độ dày và sức mạnh của cơ, đồng thời kích hoạt quá trình phân giải mỡ.
- Sóng siêu âm hội tụ cường độ cao (HIFU – high intensity focused ultrasound): nhiệt năng từ sóng siêu âm gây hoại tử các tế bào mỡ và kích thích tái tạo collagen trong mô liên kết dưới da, từ đó có hiệu quả giảm mỡ và làm săn chắc da.
Hút mỡ từ lâu đã trở thành phương pháp phổ biến trong việc tạo hình đường nét cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ cần được các chuyên gia và Bác sĩ đánh giá kĩ trong quá trình lựa chọn đối tượng phù hợp. Gần đây, các kỹ thuật giảm mỡ không xâm lấn ngày càng được ưa chuộng vì sự hiệu quả, an toàn, thời gian hồi phục nhanh và tiết kiệm chi phí song song với việc hạn chế được những nguy cơ và rủi ro từ một cuộc phẫu thuật.
Tại MedFit, chúng tôi cung cấp các liệu trình giảm mỡ tiên tiến và hoàn toàn không xâm lấn, không phẫu thuật, mang đến hiệu quả giảm mỡ tối ưu mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho khách hàng. Đội ngũ chuyên gia tại MedFit cam kết luôn đồng hành cùng bạn trong hành trình làm đẹp an toàn và bền vững.
Tài liệu tham khảo
- “Liposuction”. American Society of Plastic Surgeons
- Pelosi MA 3rd, Pelosi MA 2nd. “Liposuction“. Obstet Gynecol Clin North Am. 2010 Dec;37(4):507-19, viii. doi: 10.1016/j.ogc.2010.09.004. PMID: 21093746
- Shermak MA, Mahaffey G. “Preventing liposuction complications“. Plast Surg Nurs. 2011 Jan-Mar;31(1):16-20. doi: 10.1097/PSN.0b013e318216da4c. PMID: 21368641
- Mendez BM, Coleman JE, Kenkel JM. “Optimizing Patient Outcomes and Safety With Liposuction“. Aesthet Surg J. 2019;39(1):66-82. doi:10.1093/asj/sjy151
- Illouz YG. “Complications of liposuction“. Clin Plast Surg. 2006;33(1):129-viii
- Mazzoni D, Lin MJ, et al. “Review of non-invasive body contouring devices for fat reduction, skin tightening and muscle definition“. Australas J Dermatol. 2019;60(4):278-283
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.