Giảm cân luôn là một hành trình đầy thử thách, nhất là với những người đã thử nhiều phương pháp nhưng kết quả vẫn không như kỳ vọng. Gần đây, có một xu hướng mới đang thu hút nhiều sự quan tâm, đó là sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường như một cách hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Vậy giảm cân bằng thuốc đái tháo đường có thật sự hiệu quả và an toàn hay chỉ là một trào lưu nhất thời tiềm ẩn nhiều rủi ro? Bài viết dưới đây sẽ giúp phân tích rõ bản chất, hiệu quả và những nguy cơ cần cân nhắc trước khi lựa chọn.
Vì sao thuốc điều trị đái tháo đường lại được dùng để giảm cân?
Ban đầu, các loại thuốc như các chất đồng vận thụ thể GLP-1, metformin hay thuốc ức chế kênh SGLT2 được phát triển với mục đích chính là kiểm soát đường huyết cho người mắc đái tháo đường típ 2. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và sử dụng thực tế, các nhà khoa học nhận thấy một số thuốc có khả năng hỗ trợ giảm cân. Nhiều nhóm thuốc đã được ghi nhận có tác động hỗ trợ giảm cân bao gồm:
- Các chất đồng vận GLP-1: liraglutide, semaglutide, tirzepatide.
- Thuốc ức chế kênh SGLT2: dapagliflozin, canagliflozin, empagliflozin.
- Thuốc nhóm biguanide: metformin.
Chính nhờ những quan sát này, nhiều thuốc điều trị đái tháo đường đã được mở rộng chỉ định hoặc nghiên cứu sử dụng trong kiểm soát cân nặng ở người béo phì hoặc tiền đái tháo đường, kể cả khi người bệnh chưa mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, vì đây vẫn là thuốc kê đơn và có thể gây tác dụng phụ, việc sử dụng cần được chỉ định và theo dõi sát sao bởi Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết.
Hiệu quả giảm cân của thuốc điều trị đái tháo đường có thật hay chỉ là kỳ vọng?
Liệu các loại thuốc điều trị đái tháo đường có thực sự giúp giảm cân hay chỉ là một kỳ vọng không thực tế? Mặc dù một số thuốc đái tháo đường đã được nghiên cứu và ghi nhận có tác dụng hỗ trợ giảm cân, hiệu quả thực tế vẫn cần được đánh giá kỹ lưỡng. Hãy cùng tìm hiểu xem liệu các loại thuốc này có phải là giải pháp giảm cân hiệu quả hay không trong phần dưới đây.
Các chất đồng vận thụ thể GLP-1 (GLP-1 RA)
Thuốc đồng vận thụ thể peptide-1 giống glucagon (GLP-1) được phát triển ban đầu để hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu cho bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Tuy nhiên, sau các nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên (RCT), nhiều loại thuốc trong nhóm này đã chứng minh hiệu quả giảm cân ở người trưởng thành, bao gồm cả những người không mắc bệnh đái tháo đường.
Kết quả này dẫn đến việc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ phê duyệt liraglutide vào năm 2014 và semaglutide vào năm 2021 như các phương pháp hỗ trợ giảm cân khi kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện. Đến năm 2022, tirzepatide cũng được FDA Hoa Kỳ chấp thuận cho mục đích giảm cân ở bệnh nhân không mắc đái tháo đường típ 2.
Các thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 hoạt động chủ yếu qua việc điều chỉnh cảm giác thèm ăn. Cơ chế liên quan đến việc làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, tăng cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn, giúp hỗ trợ giảm cân hiệu quả. GLP-1 là một hormone được tiết ra từ các tế bào L trong ruột khi cơ thể hấp thụ năng lượng từ thức ăn. Nó có vai trò điều hòa các hoạt động sinh lý, chẳng hạn như làm chậm quá trình tiêu hóa, từ đó giúp cơ thể duy trì cảm giác no lâu hơn. Nghiên cứu dược lý chỉ ra rằng, việc điều trị bằng thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 có thể làm giảm tốc độ làm rỗng dạ dày trong vòng một giờ sau khi ăn.
Trong hệ thần kinh trung ương, thụ thể GLP-1 tập trung chủ yếu ở vùng dưới đồi, nơi điều chỉnh cảm giác đói và no. Các nghiên cứu cho thấy, thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 có thể tác động làm giảm cảm giác đói, từ đó giúp kiểm soát việc tiêu thụ thức ăn hiệu quả hơn. Cụ thể, các thí nghiệm trên chuột cho thấy liraglutide tác động trực tiếp lên các vùng não liên quan đến sự thèm ăn, gắn kết với thụ thể GLP-1 trên các tế bào thần kinh proopiomelanocortin, làm tăng cảm giác no và giảm cảm giác đói. Các tác động này giúp giảm lượng calo tiêu thụ, hỗ trợ quá trình giảm cân.
Các nghiên cứu lâm sàng trên các thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 cho thấy kết quả giảm cân rõ rệt ở bệnh nhân:
- Liraglutide: liều bắt đầu từ 0,6mg và tăng dần mỗi tuần đến 3mg. Sau 56 tuần, nhóm sử dụng liraglutide giảm trung bình 6,2% trọng lượng cơ thể (nghiên cứu SCALE).
- Semaglutide: liều 1,7mg hoặc 2,4mg mỗi tuần trong 20 tuần, giảm trung bình 13,2% (2,4mg) và 9,6% (1,7mg) so với cân nặng ban đầu (nghiên cứu STEP-6).
- Tirzepatide: Liều 5, 10 và 15mg mỗi tuần, liều được tăng dần đến 15mg mỗi tuần trong 72 tuần, giảm trung bình 20,9% trọng lượng cơ thể (nghiên cứu SURMOUNT-1).
Những kết quả trên chứng minh hiệu quả rõ rệt của các thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 trong hỗ trợ giảm cân, đặc biệt là trong việc kiểm soát sự thèm ăn và điều chỉnh lượng calo tiêu thụ.
Thuốc ức chế kênh SGLT2
Thuốc ức chế kênh SGLT2 (SGLT2i) giúp giảm cân chủ yếu thông qua cơ chế đào thải glucose qua nước tiểu tương đương với việc mất năng lượng. Cơ chế này phụ thuộc vào nồng độ glucose trong máu và có thể loại bỏ khoảng 60-100g glucose mỗi ngày qua nước tiểu.
Hiệu quả giảm cân của SGLT2i đã được ghi nhận nhất quán qua nhiều nghiên cứu ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2, dù được sử dụng đơn trị hay phối hợp với các thuốc hạ đường huyết khác.
Phân tích tổng hợp từ nhiều nghiên cứu cho thấy, so với giả dược (placebo), nhóm SGLT2i giúp giảm trung bình khoảng 1,5-2kg trọng lượng cơ thể và mức giảm này phụ thuộc vào liều dùng. Dữ liệu lâm sàng kéo dài đến 4 năm cho thấy hiệu quả giảm cân có thể duy trì lâu dài. Tuy nhiên, mức giảm này thấp hơn dự kiến dựa trên lượng calo mất đi qua nước tiểu, do cơ thể có thể phản ứng bù trừ bằng cách tăng cảm giác đói và lượng thức ăn nạp vào.
Chính vì vậy, kết hợp SGLT2i với các thuốc có cơ chế tác động khác (ví dụ như ức chế cảm giác thèm ăn) được xem là hướng đi đầy triển vọng để tối ưu hiệu quả giảm cân. Trong nghiên cứu DURATION-8, sự phối hợp giữa exenatide (GLP-1) và dapagliflozin (SGLT2i) cho hiệu quả giảm cân vượt trội so với việc dùng từng thuốc riêng lẻ ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2.
Hiện có rất ít nghiên cứu tập trung vào tác động giảm cân của SGLT2i ở người béo phì không mắc đái tháo đường. Một nghiên cứu của Bays và cộng sự cho thấy canagliflozin 100mg/ngày có thể giúp giảm khoảng 2,8kg. Khi phối hợp với GLP-1, mức giảm cân sau 24 tuần đạt khoảng 4,5kg và duy trì đến 5,7kg sau 1 năm. Quan trọng hơn, phần lớn cân nặng mất đi đến từ mỡ dưới da và mỡ nội tạng, không ảnh hưởng nhiều đến khối cơ nạc.
Một nghiên cứu khác cho thấy sự phối hợp canagliflozin và phentermine (thuốc ức chế cảm giác thèm ăn được FDA Hoa Kỳ phê duyệt) mang lại hiệu quả giảm cân vượt trội (giảm 7,3kg so với giảm 0,6kg ở nhóm dùng giả dược) sau 26 tuần. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu về kết hợp hai thuốc này còn hạn chế, chưa xác định rõ liều tối ưu và cần thêm dữ liệu về tính an toàn cũng như hiệu quả khi kết hợp với can thiệp lối sống.
Hiện nay, nhiều thử nghiệm lâm sàng đang tiếp tục đánh giá hiệu quả của SGLT2i trên người béo phì không mắc đái tháo đường, cả khi sử dụng đơn độc và khi phối hợp với các nhóm thuốc khác.
Metformin
Metformin thường được Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân mắc đái tháo đường típ 2, vì đây là loại thuốc giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả bằng cách tăng cường khả năng sử dụng insulin tự nhiên của cơ thể. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy metformin có thể giúp một số người giảm cân. Chính vì lý do này, metformin còn được sử dụng để phòng ngừa đái tháo đường ở những người thừa cân có nguy cơ cao. Dù FDA Hoa Kỳ chưa phê duyệt metformin như một loại thuốc giảm cân, một số Bác sĩ vẫn kê đơn metformin để hỗ trợ giảm cân, được gọi là sử dụng ngoài chỉ định (off-label).
Cơ chế giúp metformin hỗ trợ giảm cân hiện vẫn chưa được hiểu đầy đủ nhưng có thể liên quan đến nhiều yếu tố kết hợp. Đầu tiên, metformin giúp giảm cảm giác thèm ăn bằng cách làm tăng nồng độ một số hormone, giúp cảm thấy no lâu hơn. Thứ hai, metformin hạn chế sản xuất glucose từ gan, từ đó giảm nhu cầu insulin trong máu. Thứ ba, thuốc cải thiện tình trạng kháng insulin, giúp tăng hiệu quả hoạt động của insulin tự nhiên. Cuối cùng, metformin có tác động lên hệ vi sinh đường ruột, thay đổi quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Tất cả những yếu tố này đều được cho là góp phần vào việc kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn.
Mặc dù có thể hỗ trợ giảm một lượng cân nặng vừa phải, metformin không phải là một thuốc giảm cân thần kỳ. So với các thuốc điều trị đái tháo đường hiện đại như semaglutide hay tirzepatide, vốn đã được FDA Hoa Kỳ phê duyệt cho điều trị béo phì, metformin có hiệu quả giảm cân khiêm tốn hơn.
Một nghiên cứu kéo dài nhiều năm với hơn 3.000 người tham gia cho thấy người dùng metformin giảm trung bình khoảng 2,5kg. Khoảng 1/3 số người tham gia giảm ít nhất 5% trọng lượng cơ thể sau một năm sử dụng. Đặc biệt, nếu sử dụng lâu dài (lên đến 15 năm), mức giảm cân có thể đạt trung bình 6,2%. Tuy nhiên, hiệu quả giảm cân của metformin không đủ ổn định để được xem là một phương pháp giảm cân chính thức và không thể thay thế chế độ ăn uống lành mạnh cùng việc tập luyện thể dục đều đặn.
Metformin là thuốc thường được sử dụng để điều trị đái tháo đường típ 2 vì giúp giảm cân, từ đó làm chậm tiến triển của bệnh. Bên cạnh đó, metformin cũng có thể được chỉ định cho những người béo phì (BMI ≥ 30) chưa mắc đái tháo đường, do một số nghiên cứu cho thấy thuốc này có thể hỗ trợ giảm cân và cải thiện đề kháng insulin, giúp giảm nguy cơ phát triển thành đái tháo đường. Metformin cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị cho những người kháng insulin, khi cơ thể sản xuất insulin nhưng không sử dụng hiệu quả, dẫn đến tích lũy mỡ thừa và tăng nguy cơ các rối loạn chuyển hóa.
Ngoài ra, đối với những người đang dùng thuốc điều trị tâm thần, đặc biệt là các thuốc chống loạn thần, metformin có thể giúp hạn chế tình trạng tăng cân nhanh, một tác dụng phụ phổ biến của các thuốc này.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Những lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường cho giảm cân
Việc sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường như GLP-1 (liraglutide, semaglutide, tirzepatide), SGLT2i (dapagliflozin, empagliflozin, canagliflozin) và metformin để giảm cân có thể mang lại hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tác dụng phụ cần được theo dõi chặt chẽ. Dưới đây là một số nguy cơ chính:
- Nguy cơ hạ đường huyết: việc sử dụng GLP-1 hoặc SGLT2i đơn lẻ thường ít gây hạ đường huyết. Tuy nhiên, khi kết hợp với chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc dùng chung với các thuốc hạ đường huyết khác như sulfonylurea hoặc insulin, nguy cơ hạ đường huyết sẽ tăng lên đáng kể.
- Rối loạn tiêu hóa: các thuốc GLP-1 như liraglutide, semaglutide và tirzepatide có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đầy bụng và táo bón. Tác dụng này thường giảm dần theo thời gian nhưng có thể nghiêm trọng và kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Metformin cũng có thể gây các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy và đầy hơi. Một số trường hợp có thể dẫn đến tiêu chảy mạn tính và giảm cân không mong muốn.
- Nhiễm trùng niệu – sinh dục: SGLT2i làm tăng lượng glucose trong nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng niệu và sinh dục, đặc biệt là nhiễm nấm âm đạo và viêm đường tiết niệu.
- Nhiễm toan hóa máu: metformin hiếm khi gây biến chứng nghiêm trọng nhưng trong một số trường hợp, đặc biệt là ở người bị bệnh thận, thuốc có thể dẫn đến tình trạng nhiễm toan lactic – một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, nhóm thuốc SGLT2i có thể làm tăng nguy cơ xảy ra nhiễm toan cetone do đái tháo đường (DKA), ngay cả khi đường huyết không quá cao. Một số yếu tố dễ làm khởi phát DKA là bỏ liều insulin, bị nhiễm trùng, nhịn ăn kéo dài hoặc ăn quá ít tinh bột. Những tình trạng này cần được nhận biết sớm và xử trí kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
- Viêm tụy cấp: đã có báo cáo về viêm tụy cấp ở một số bệnh nhân sử dụng thuốc đồng vận thụ thể GLP-1. Mặc dù hiếm, tình trạng này có thể nghiêm trọng và cần được theo dõi chặt chẽ.
- Nguy cơ giảm thể tích dịch cơ thể: SGLT2i có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mất nước, dẫn đến tụt huyết áp, choáng váng hoặc khô người. Nếu người bệnh đang dùng thuốc lợi tiểu, nên xem xét giảm liều để tránh tình trạng mất nước nặng hơn. Khi cơ thể đang yếu, bị tiêu chảy, sốt, ói mửa hoặc sắp phẫu thuật, nên tạm ngưng thuốc SGLT2i để giảm nguy cơ tụt huyết áp hoặc mất nước nghiêm trọng.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Có nên dùng thuốc điều trị đái tháo đường để giảm cân không?
Hiện nay, một số loại thuốc nhóm GLP-1 như liraglutide, semaglutide và tirzepatide đã được FDA Hoa Kỳ phê duyệt để hỗ trợ giảm cân ở người trưởng thành béo phì hoặc thừa cân (BMI ≥ 30 hoặc ≥ 27 với ít nhất một bệnh lý liên quan đến cân nặng như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu), dù có mắc đái tháo đường hay không.
Tuy nhiên, metformin và các thuốc SGLT2i chưa được phê duyệt cho mục đích giảm cân ở người không mắc đái tháo đường và chỉ nên sử dụng trong các trường hợp đặc biệt với chỉ định từ Bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc theo phong trào, đặc biệt là mua thuốc trôi nổi trên mạng, không chỉ kém hiệu quả mà còn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Dù thuốc có thể là công cụ hỗ trợ hiệu quả nhưng chế độ dinh dưỡng hợp lý, luyện tập khoa học và lối sống lành mạnh vẫn là yếu tố then chốt trong kiểm soát cân nặng lâu dài. Với những trường hợp đã áp dụng lối sống tích cực nhưng vẫn khó giảm cân, Bác sĩ Nội tiết hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể đánh giá và chỉ định thêm các biện pháp hỗ trợ y học, trong đó có thuốc, một cách hợp lý.
Giảm cân bằng thuốc điều trị đái tháo đường có thể là một lựa chọn hỗ trợ hiệu quả trong một số trường hợp, nhưng việc sử dụng thuốc này cần được giám sát chặt chẽ bởi Bác sĩ chuyên khoa. Các loại thuốc điều trị đái tháo đường có thể mang lại kết quả tốt khi kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý, nhưng không phải là giải pháp thần kỳ. Việc tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định và theo dõi từ Bác sĩ có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn.
Tại MedFit, chúng tôi hiểu rằng giảm cân là một hành trình dài và đòi hỏi sự kiên trì. Nếu bạn đang tìm kiếm phương pháp giảm cân an toàn và hiệu quả, hãy đến với chúng tôi. Đội ngũ Bác sĩ Nội tiết và chuyên gia dinh dưỡng của MedFit sẽ cùng bạn xây dựng một phác đồ giảm cân cá nhân hóa, phù hợp với thể trạng và mục tiêu của bạn. Đừng ngần ngại, hãy liên hệ với MedFit ngay hôm nay để được tư vấn và bắt đầu hành trình thay đổi vóc dáng một cách an toàn và khoa học!
Tài liệu tham khảo
- Krista Conger. Weight loss caused by common diabetes drug tied to “anti-hunger” molecule in study. [online] Available at: Weight loss caused by common diabetes drug tied to “anti-hunger” molecule in study | News Center [Accessed 29 April 2025]
- Julie Davis. Does Metformin Cause Weight Loss?. [online] Available at: Can Metformin Help with Weight Loss? [Accessed 29 April 2025]
- Pereira MJ, Eriksson JW. Emerging Role of SGLT-2 Inhibitors for the Treatment of Obesity. Drugs. 2019;79(3):219-230. doi:10.1007/s40265-019-1057-0
- Chesterman T, Thynne TR. Harms and benefits of sodium-glucose co-transporter 2 inhibitors. Aust Prescr. 2020;43(5):168-171. doi:10.18773/austprescr.2020.049
- Subramaniam K, Joseph MP, Babu LA. A Common Drug Causing a Common Side Effect at an Uncommon Time: Metformin-Induced Chronic Diarrhea and Weight Loss After Years of Treatment. Clin Diabetes. 2021;39(2):237-240. doi:10.2337/cd20-0101
- Simon Spichak. Hospitalizations For Ozempic Side Effects Are Rare—But When Should You Go to the ER?. [online] Available at: Hospitalizations For Ozempic Side Effects Are Rare—But When Should You Go to the ER? [Accessed 29 April 2025]
- Amy B. Gragnolati. 7 Metformin Side Effects to Consider (Plus Fact vs. Fiction About The Risks of Long-term Use). [online] Available at: 7 Metformin Side Effect and the Risks of Long Term Use – GoodRx [Accessed 29 April 2025]
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.