Cách đánh giá khả năng tập luyện cho người béo phì trong quá trình giảm cân

Béo phì là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất hiện nay, liên quan đến nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường típ 2 và các rối loạn chuyển hóa khác. Việc tập luyện thể dục thể thao được xem là một trong những phương pháp quan trọng giúp giảm cân và cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện, việc đánh giá khả năng tập luyện của người béo phì là rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả. Hãy cùng MedFit tìm hiểu về những phương pháp đánh giá khả năng tập luyện cho người béo phì trong quá trình giảm cân.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Đánh giá chỉ số khối cơ thể (BMI) và phân loại mức độ béo phì

    Chỉ số BMI là một công cụ phổ biến được sử dụng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và mức độ béo phì của một cá nhân. Chỉ số này giúp định hướng kế hoạch tập luyện và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp để kiểm soát cân nặng hiệu quả.

    BMI được tính bằng công thức:

    BMI = [cân nặng (kg)] ÷ [chiều cao (m)]2

    Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương và “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì” của Bộ Y tế Việt Nam, chỉ số BMI được đánh giá như sau:

    Tình trạng BMI – WHO BMI – Việt Nam
    Nhẹ cân < 18,5
    Bình thường 18,5-24,9 18,5-22,9
    Thừa cân ≥ 25 ≥ 23
    Béo phì độ I 30-34,9 25-29,9
    Béo phì độ II 35-39,9 ≥ 30
    Béo phì độ III ≥ 40

    Mặc dù BMI là một công cụ đơn giản và phổ biến, nó có một số hạn chế nhất định:

    • Thứ nhất, BMI không phân biệt được giữa khối lượng cơ và mỡ, dẫn đến những sai lệch khi đánh giá tình trạng dinh dưỡng của một số đối tượng, đặc biệt là những người có tỷ lệ cơ bắp cao như vận động viên.
    • Thứ hai, BMI không cho biết vị trí phân bố mỡ trong cơ thể, điều này rất quan trọng vì mỡ nội tạng tích tụ ở vùng bụng có liên quan mật thiết đến các bệnh tim mạch và chuyển hóa hơn là mỡ dưới da.

    Để có cái nhìn toàn diện hơn, cần kết hợp với các phương pháp đánh giá khác như:

    • Đo vòng eo và tỷ lệ eo – hông (WHR): một tỷ lệ eo – hông cao (WHR > 0,9 ở nam và > 0,85 ở nữ) có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn.
    hình minh họa đo eo
    Tỷ lệ eo – hông cao có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn
    • Phân tích thành phần cơ thể bằng phương pháp đo trở kháng điện sinh học (BIA): sử dụng dòng điện nhẹ truyền qua cơ thể để đo tỷ lệ mỡ, cơ, nước dựa trên mức độ dẫn điện của các mô. Máy đo BIA của các hãng như InBody, Tanita, Omron thường được sử dụng tại phòng gym, bệnh viện và trung tâm dinh dưỡng để đánh giá tổng thể sức khỏe và hỗ trợ lập kế hoạch tập luyện, dinh dưỡng phù hợp.
    đo máy inbody tại medfit
    Máy đo trở kháng điện sinh học InBody tại MedFit
    • Phương pháp đo độ dày lớp mỡ dưới da: được thực hiện bằng cách sử dụng thước kẹp chuyên dụng (skin caliper) để đo độ dày của lớp mỡ dưới da tại các vị trí như bắp tay, bụng, đùi, sau đó áp dụng công thức tính toán để ước lượng tỷ lệ mỡ cơ thể. Đây là phương pháp thủ công nhưng hiệu quả, phổ biến trong các trung tâm thể thao, huấn luyện viên cá nhân để theo dõi sự thay đổi thành phần cơ thể theo thời gian.
    thước kẹp chuyên dụng để đo bề dày nếp gấp da
    Phương pháp đo độ dày lớp mỡ dưới da (hình minh họa)
    • Hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA): đây là phương pháp chính xác hơn, giúp đo lường phân bố mỡ cơ thể, khối lượng xương và cơ bắp, cung cấp dữ liệu chi tiết để đánh giá sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, phương pháp này không thường được sử dụng do quy trình thực hiện và máy móc không đủ đáp ứng trong thực tiễn.
    hình minh họa phương pháp dexa
    Phương pháp DEXA (hình minh họa)

    Các phương pháp này giúp khắc phục nhược điểm của BMI, từ đó có thể xây dựng chiến lược tập luyện phù hợp hơn cho từng cá nhân.

    Đánh giá chức năng tim mạch và hô hấp

    Người béo phì thường gặp nhiều vấn đề liên quan đến hệ tim mạch và hô hấp, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tập luyện. Việc đánh giá trước khi bắt đầu chương trình vận động là rất quan trọng để đảm bảo an toàn, tránh các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc suy hô hấp khi tập luyện cường độ cao.

    Kiểm tra huyết áp và nhịp tim khi nghỉ

    Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ thường gặp ở người béo phì. Theo Bộ Y tế, tăng huyết áp được xác định khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Nếu người béo phì có huyết áp cao, việc tập luyện cần được điều chỉnh cẩn thận, tránh các bài tập quá sức hoặc đòi hỏi gắng sức đột ngột.

    hình minh họa tăng huyết áp
    Việc tập luyện cần được điều chỉnh cẩn thận đối với người béo phì có huyết áp cao

    Nhịp tim khi nghỉ cũng là một chỉ số quan trọng cần lưu ý đối với những người bị béo phì. WHO và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho biết, ở người trưởng thành bình thường, nhịp tim khi nghỉ thường dao động từ 60-100 nhịp/phút, còn khi nhịp tim nghỉ > 100 nhịp/phút có thể là dấu hiệu của nhịp tim nhanh và cần kiểm tra nguyên nhân.

    Kiểm tra điện tâm đồ (ECG)

    Điện tâm đồ (ECG) là một công cụ quan trọng giúp đánh giá chức năng tim mạch, phát hiện sớm các rối loạn nhịp tim hoặc dấu hiệu bệnh lý mạch vành tiềm ẩn.

    Theo nghiên cứu từ American Heart Association (AHA), khoảng 30% người béo phì có nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà không có triệu chứng rõ ràng. Do đó, trước khi bắt đầu chương trình tập luyện, đặc biệt là các bài tập cường độ cao như chạy bộ hoặc HIIT, người béo phì nên đi khám sức khỏe tổng quát, bao gồm kiểm tra tim mạch và hô hấp, để đảm bảo an toàn. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe và đưa ra khuyến nghị phù hợp với từng cá nhân.

    hình minh họa điện tâm đồ
    Trước khi bắt đầu chương trình tập luyện, người béo phì nên đi khám sức khỏe tổng quát, bao gồm kiểm tra tim mạch và hô hấp

    Đánh giá công suất tim mạch qua thử nghiệm gắng sức

    Thử nghiệm gắng sức (treadmill stress test) là phương pháp đánh giá khả năng hoạt động của tim mạch bằng cách theo dõi nhịp tim, huyết áp và điện tim khi người thực hiện đi bộ hoặc chạy trên máy chạy bộ với cường độ tăng dần. Phương pháp này không được áp dụng thường quy mà chỉ thực hiện khi Bác sĩ cần đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch, đặc biệt ở người béo phì hoặc người có triệu chứng như đau ngực, khó thở khi vận động.

    hình minh họa thử nghiệm gắng sức
    Hình minh họa phương pháp thử nghiệm gắng sức

    VO₂ max là chỉ số được sử dụng nhiều để đánh giá khả năng tiêu thụ oxy tối đa của cơ thể. Ở người béo phì, VO₂ max thường chỉ đạt 15-25mL/kg/phút, trong khi người có sức khỏe tim mạch tốt có thể đạt 35-50mL/kg/phút. Nếu VO₂ max thấp hơn 20mL/kg/phút, người béo phì nên ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc đạp xe chậm để tránh quá sức.

    Ngoài ra, một số đồng hồ thông minh (smartwatch) hiện nay cũng có chức năng ước tính gián tiếp VO₂ max dựa trên nhịp tim, tốc độ chạy, độ tuổi và các chỉ số thể chất. Tuy nhiên, độ chính xác của phương pháp này không cao vì chỉ số VO₂ max trên smartwatch được tính toán bằng thuật toán, không đo trực tiếp lượng oxy tiêu thụ như trong bệnh viện. Kết quả có thể chênh lệch 5-20% so với thực tế, đặc biệt là trên những thiết bị không đo chính xác nhịp tim hoặc không tính đến sự thay đổi của cường độ tập luyện. Do đó, smartwatch có thể được dùng để tham khảo nhưng không thay thế được phương pháp đo chuyên sâu do Bác sĩ thực hiện.

    Do vậy, trước khi bắt tay vào quá trình tập luyện với cường độ cao, người béo phì nên khám sức khỏe tổng quát, trong đó có kiểm tra đánh giá chức năng tim mạch và hô hấp để đảm bảo sự an toàn.

    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Đánh giá sức mạnh cơ bắp và khả năng vận động

      Sức mạnh cơ bắp và ảnh hưởng của béo phì

      Theo nghiên cứu Sarcopenic Obesity: Strategies for Management được thực hiện bởi Zhaoping Li và cộng sự, nói về về tình trạng “béo phì kèm suy giảm cơ (sarcopenic obesity)”. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về sự ảnh hưởng của béo phì với tình trạng suy giảm khối lượng cơ có liên quan đến lối sống ít vận động, từ đó dẫn đến giảm sức mạnh cơ bắp và tăng nguy cơ chấn thương khi hoạt động thể chất.​

      Đánh giá sức mạnh cơ bắp bằng lực bóp tay (handgrip strength test)

      Lực bóp tay là một chỉ số quan trọng phản ánh sức mạnh cơ xương của toàn bộ cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, ở người béo phì, lực bóp tay có thể bị suy giảm do tình trạng thoái hóa cơ, tức là sự giảm khối lượng cơ đi kèm với sự gia tăng mỡ. Hiện nay, tại các trung tâm thể hình, thường áp dụng các bài kiểm tra lực bóp tay bằng dynamometer (thiết bị đo lực) để đánh giá sức mạnh cơ bắp.

      Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lực bóp tay dưới 26kg ở nam và dưới 16kg ở nữ có thể phản ánh được dấu hiệu suy giảm sức mạnh cơ bắp. Việc suy giảm lực bóp tay có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các bài tập cường độ cao và làm tăng nguy cơ té ngã hoặc chấn thương trong quá trình tập luyện. Đây là một phương pháp đơn giản và hiệu quả để đánh giá sức mạnh cơ bắp.

      Trong trường hợp kết quả đo thấp hơn ngưỡng tiêu chuẩn, cần tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để có biện pháp can thiệp phù hợp, nhằm cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ biến chứng liên quan.

      hình minh họa bài đánh giá lực bóp tay
      Đánh giá sức mạnh cơ bắp bằng lực bóp tay (hình minh họa)

      Đánh giá sức mạnh cơ đùi và cơ hông qua bài kiểm tra đứng lên từ ghế (sit – to – stand test – STS)

      Sức mạnh cơ chi dưới có vai trò quan trọng trong khả năng vận động, đặc biệt ở người thừa cân, béo phì. Suy giảm sức mạnh cơ đùi và cơ hông có thể ảnh hưởng đến việc đi lại, leo cầu thang và tham gia các bài tập thể chất.

      Bài kiểm tra STS trong 30 giây là phương pháp phổ biến được sử dụng để đánh giá khả năng chịu lực của cơ chi dưới. Bài này được thực hiện bằng cách cho người tham gia ngồi trên một ghế có chiều cao cố định (thường khoảng 43-45cm), không có tay vịn, bàn chân đặt phẳng trên mặt đất. Trong vòng 30 giây, họ cần đứng lên và ngồi xuống nhiều lần nhất có thể mà không sử dụng tay để hỗ trợ. Kết quả được tính bằng tổng số lần thực hiện trong khoảng thời gian 30 giây.

      hình minh hoạ động tác ngồi – đứng (sit-to-stand)
      Bài kiểm tra STS trong 30 giây được sử dụng để đánh giá khả năng chịu lực của cơ chi dưới

      Theo nghiên cứu của Jones và cộng sự (1999) và các hướng dẫn từ CDC & STEADI Initiative, mức dưới 10 lần trong bài kiểm tra này có thể phản ánh sự suy giảm sức mạnh cơ chi dưới, làm tăng nguy cơ hạn chế vận động và chấn thương khi tham gia các bài tập cường độ cao. Tuy nhiên, ngưỡng đánh giá có thể thay đổi theo độ tuổi và thể trạng của từng nhóm đối tượng.

      Hạn chế trong khả năng vận động ở người béo phì

      Béo phì có thể gây ra hạn chế vận động do nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự tích tụ mỡ thừa và những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ cơ xương khớp. Theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT năm 2022 về “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì” của Bộ Y tế, béo phì được xác định là một bệnh mạn tính và cần theo dõi lâu dài để ngăn ngừa biến chứng.

      Đặc biệt, trong nghiên cứu về mối liên quan giữa thừa cân, béo phì và thoái hóa khớp gối nguyên phát được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trên 360 bệnh nhân thoái hóa khớp gối nguyên phát, kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân thừa cân và béo phì tăng ở nhóm thoái hóa khớp gối giai đoạn 3 và 4 (sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05). Điều này cho thấy thừa cân, béo phì có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của thoái hóa khớp gối.

      bảng kết quả trích từ nghiên cứu đánh giá mối liên quan giữa béo phì và thoái hóa khớp của bệnh viện trung ương quân đội
      Bảng kết quả trích từ nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

      Kiểm tra phạm vi chuyển động của khớp (range of motion – ROM test)

      Phương pháp này được sử dụng để xác định khả năng di chuyển của các khớp quan trọng như khớp gối, khớp háng và khớp cổ chân – những khu vực thường bị ảnh hưởng tiêu cực bởi béo phì.

      Ở người có cân nặng bình thường, khớp gối có thể gập đến 135o, nhưng ở người béo phì, góc gập này có thể bị giới hạn chỉ còn 90-110o do sự chèn ép của mô mỡ. Hạn chế vận động này làm giảm hiệu suất tập luyện, khiến người béo phì dễ bị mỏi cơ, mất cân bằng và tăng nguy cơ chấn thương khi thực hiện các bài tập như squat hoặc lunge.

      Nếu phát hiện phạm vi chuyển động bị giới hạn, chương trình tập luyện cần tập trung vào các bài tập kéo giãn chủ động, yoga và vật lý trị liệu để phục hồi chức năng khớp và giảm áp lực lên hệ thống cơ xương.

      hình minh họa bài kiểm tra phạm vi chuyển động của khớp
      Hình minh họa bài kiểm tra phạm vi chuyển động của khớp

      Đánh giá chức năng vận động bằng bài kiểm tra functional movement screen (FMS)

      Bài kiểm tra FMS được thiết kế để đánh giá mức độ linh hoạt, thăng bằng và khả năng kiểm soát chuyển động của cơ thể thông qua một số động tác cơ bản như squat, lunge, push-up.

      Theo các nghiên cứu, điểm số FMS thấp (< 14/21 điểm) phản ánh nguy cơ chấn thương cao do hạn chế về khả năng kiểm soát chuyển động và thiếu sự phối hợp cơ bắp. Ở người béo phì, điểm số này thường thấp hơn mức trung bình, đặc biệt là ở các bài kiểm tra liên quan đến thăng bằng và linh hoạt.

      hình minh họa bài kiểm tra functional movement screen (fms)
      Hình minh họa bài kiểm tra functional movement screen (FMS)

      Ứng dụng kết quả đánh giá vào chương trình tập luyện

      Dựa trên kết quả đánh giá sức mạnh cơ bắp và khả năng vận động, chương trình tập luyện cho người béo phì cần được điều chỉnh theo từng nhóm đối tượng:

      • Nếu sức mạnh cơ bắp thấp: tập trung vào các bài tập kháng lực nhẹ như squat không tạ, nâng tạ nhẹ, tập với dây kháng lực để kích thích sự phát triển cơ bắp.
      • Nếu khả năng vận động bị hạn chế: kết hợp các bài tập giãn cơ, yoga hoặc Pilates để cải thiện linh hoạt khớp và giảm nguy cơ chấn thương.
      • Nếu phạm vi chuyển động của khớp bị giới hạn: ưu tiên các bài tập kéo giãn chủ động, vật lý trị liệu và tập nhẹ nhàng để tăng phạm vi cử động của khớp.
      • Nếu sức mạnh cơ bắp tốt nhưng linh hoạt kém: kết hợp tập kháng lực và bài tập cải thiện độ linh hoạt để tối ưu hóa hiệu quả tập luyện.

      Việc đánh giá kỹ lưỡng sức mạnh cơ bắp và khả năng vận động trước khi tập luyện không chỉ giúp cá nhân hóa chương trình tập mà còn đảm bảo an toàn và hiệu quả, giúp người béo phì đạt được mục tiêu giảm cân bền vững mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ cơ xương khớp.

      tập với huấn luyện viên bảo
      Đánh giá kỹ lưỡng sức mạnh cơ bắp và khả năng vận động trước khi tập luyện giúp cá nhân hóa chương trình tập

      Đánh giá tư thế trong khả năng tập luyện

      Tư thế đóng vai trò quan trọng trong khả năng vận động và tập luyện, đặc biệt ở người béo phì, những người thường gặp vấn đề về cân bằng cơ – xương khớp, hạn chế phạm vi chuyển động và nguy cơ chấn thương cao hơn.

      Theo hướng dẫn từ Cẩm nang Huấn luyện thể hình cá nhân của NASM (ấn bản thứ 6) của Học viện Thể thao Quốc gia Hoa Kỳ (NASM), đánh giá tư thế giúp xác định các mất cân bằng cơ bắp, tư thế sai lệch và nguy cơ chấn thương để có thể điều chỉnh chương trình tập luyện một cách phù hợp.

      Ảnh hưởng của béo phì đến tư thế và vận động

      Người béo phì có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề tư thế do trọng lượng cơ thể quá mức gây áp lực lên hệ xương khớp, làm thay đổi dáng đứng và cách vận động. Một số ảnh hưởng phổ biến gồm:

      • Bàn chân bẹt và vòm chân sụp: do trọng lượng cơ thể lớn làm mất đi sự ổn định của bàn chân, dẫn đến dáng đi sai lệch, gây căng thẳng lên khớp gối và hông.
      hình minh họa bàn chân bẹt
      Hình minh họa bàn chân bẹt
      • Đầu gối đổ vào trong (valgus knee): là tình trạng hai đầu gối nghiêng vào trong, làm tăng nguy cơ chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) và gây đau khớp gối.
      hình minh họa đầu gối đổ vào trong
      Hình minh họa đầu gối đổ vào trong
      • Vùng hông nghiêng trước quá mức (anterior pelvic tilt): ở người béo phì, trọng lượng mỡ bụng lớn có thể kéo vùng hông ra phía trước, làm tăng độ cong của cột sống thắt lưng (lordosis), gây đau lưng dưới.
      hình minh họa vùng hông nghiêng trước quá mức
      Hình minh họa vùng hông nghiêng trước quá mức
      • Vai tròn và đầu đưa ra trước: thói quen sinh hoạt ít vận động, làm việc trước máy tính nhiều có thể khiến cơ ngực bị căng cứng, cơ lưng trên yếu đi, dẫn đến tư thế vai tròn và đầu nhô ra trước.

      Những sai lệch tư thế này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tập luyện mà còn làm tăng nguy cơ đau lưng, đau khớp và chấn thương khi vận động.

      Các phương pháp đánh giá tư thế ở người béo phì

      Đánh giá tư thế tĩnh (static posture assessment)

      Trạng thái tư thế đứng tự nhiên có ý nghĩa trong việc xác định mất cân bằng cơ và lệch trục khớp. Ở phần đánh giá này cần lưu ý một số tiêu chí:

      • Bàn chân: có bị xoay ra ngoài hoặc sụp vòm không?
      • Đầu gối: có bị đổ vào trong không?
      • Hông và thắt lưng: có bị nghiêng trước hoặc sau quá mức không?
      • Vai và đầu: có bị đẩy ra trước không?

      Đánh giá tư thế động (dynamic posture assessment)

      Phần đánh giá tư thế động là cách kiểm tra cách cơ thể di chuyển khi thực hiện các động tác cơ bản, từ đó phát hiện bất thường trong vận động. Trong đó, bài tập thường được sử dụng trong bài là overhead squat assessment (OHS):

      • Quan sát từ phía trước: đầu gối có đổ vào trong không?
      • Quan sát từ bên cạnh: lưng có bị võng quá mức không?
      • Thân người có đổ về trước quá nhiều không?
      • Quan sát từ phía sau: cột sống có giữ thẳng không hay bị xoay lệch?

      Những lỗi tư thế trong bài squat có thể giúp xác định cơ nào bị căng quá mức (overactive muscle) và cơ nào bị yếu (underactive muscle), từ đó thiết kế bài tập điều chỉnh phù hợp​.

      hình minh họa bài tập overhead squat assessment đánh giá tư thế động
      Hình minh họa bài tập overhead squat assessment đánh giá tư thế động

      Ứng dụng kết quả đánh giá vào kế hoạch tập luyện

      Dựa trên kết quả đánh giá tư thế, kế hoạch tập luyện cho người béo phì cần được điều chỉnh để giảm áp lực lên khớp, cải thiện khả năng vận động và hạn chế chấn thương. Một số nguyên tắc quan trọng:

      • Nếu có bàn chân bẹt, gối đổ vào trong: cần tập trung vào tăng cường cơ gấp hông, cơ mông và cơ đùi ngoài, kết hợp với bài tập kéo giãn cơ bắp chân và cơ đùi trong.
      • Nếu bị đau lưng do hông nghiêng trước: cần tăng cường cơ đùi, cơ bụng, cơ mông và kéo giãn cơ gập hông, cơ lưng dưới.
      • Nếu vai tròn, đầu đưa ra trước: cần tập trung vào mở rộng cơ ngực, tăng cường cơ lưng trên và giữ tư thế cổ đúng.

      Việc điều chỉnh tư thế trước khi tập luyện giúp cải thiện hiệu suất vận động, giảm nguy cơ chấn thương và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giảm cân bền vững.

      ca lâm sàng giảm cân thành công sau 12 tuần tại medfit
      Ca lâm sàng giảm cân thành công sau 12 tuần tại MedFit
      Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
      Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

        * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

        Đánh giá yếu tố tâm lý và động lực tập luyện

        Ngoài thể chất, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thói quen tập luyện của người béo phì. Nhiều nghiên cứu cho thấy căng thẳng, trầm cảm và động lực thấp có thể làm giảm hiệu quả tập luyện và tăng nguy cơ bỏ cuộc. Việc đánh giá yếu tố này giúp cá nhân hóa chương trình vận động, từ đó tăng khả năng tuân thủ và đạt kết quả tốt hơn.

        Mức độ sẵn sàng tập luyện theo mô hình transtheoretical model (TTM)

        Theo mô hình TTM, quá trình thay đổi hành vi gồm 5 giai đoạn:

        • Tiền suy nghĩ: chưa có ý định tập luyện.
        • Suy nghĩ: bắt đầu cân nhắc nhưng chưa sẵn sàng.
        • Chuẩn bị: đã có kế hoạch tập luyện.
        • Hành động: đã bắt đầu tập nhưng chưa đều đặn.
        • Duy trì: đã hình thành thói quen vận động.

        Việc xác định người béo phì đang ở giai đoạn nào giúp điều chỉnh cách tiếp cận phù hợp. Chẳng hạn, người trong giai đoạn tiền suy nghĩ cần được cung cấp thêm thông tin về lợi ích sức khỏe, trong khi người ở giai đoạn hành động cần có chiến lược duy trì động lực lâu dài.

        Mức độ căng thẳng và ảnh hưởng đến tập luyện

        Căng thẳng là rào cản lớn đối với việc tập luyện của người béo phì. Nghiên cứu cho thấy căng thẳng làm tăng hormone cortisol, thúc đẩy tích tụ mỡ nội tạng và giảm động lực vận động.

        Công cụ perceived stress scale (PSS) giúp đánh giá mức độ căng thẳng. Nếu điểm số PSS cao (> 20/40 điểm), nguy cơ bỏ cuộc giữa chừng khi tập luyện cũng tăng. Trong trường hợp này, việc kết hợp thiền, yoga, tập thở hoặc tham gia nhóm hỗ trợ có thể giúp kiểm soát căng thẳng và tăng khả năng duy trì vận động.

        Đánh giá động lực tập luyện bằng exercise motivation inventory (EMI-2)

        Bài kiểm tra EMI-2 giúp xác định nguyên nhân thúc đẩy tập luyện, bao gồm:

        • Sức khỏe: mong muốn cải thiện tim mạch, giảm nguy cơ bệnh tật.
        • Ngoại hình: động lực giảm cân, cải thiện vóc dáng.
        • Cảm giác hạnh phúc: mong muốn giải tỏa căng thẳng, ngủ ngon hơn.
        • Yếu tố xã hội: thích tập luyện cùng bạn bè, nhóm hỗ trợ.

        Nếu một người có động lực nội tại cao (sức khỏe, hạnh phúc), họ sẽ gắn bó với tập luyện lâu dài hơn so với người chỉ tập vì động lực bên ngoài (ngoại hình, áp lực xã hội). Vì vậy, chương trình tập luyện nên tập trung vào lợi ích sức khỏe và niềm vui trong vận động thay vì chỉ chú trọng vào giảm cân.

        Ứng dụng kết quả đánh giá vào chương trình tập luyện

        Dựa trên đánh giá tâm lý, có thể điều chỉnh chương trình tập luyện theo từng đối tượng:

        • Người chưa sẵn sàng tập luyện (tiền suy nghĩ, suy nghĩ – TTM): cần cung cấp thông tin về lợi ích của vận động, khuyến khích các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội.
        • Người có căng thẳng cao (PSS > 20): kết hợp tập luyện với yoga, thiền, kỹ thuật thở sâu để kiểm soát căng thẳng.
        • Người tập luyện vì ngoại hình (EMI-2): cần xây dựng kế hoạch tập luyện kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học để đạt mục tiêu mà không tạo áp lực quá lớn.
        • Người tập luyện vì sức khỏe và cảm giác hạnh phúc: tạo điều kiện để tham gia các hoạt động nhóm, thử nghiệm nhiều hình thức tập luyện để duy trì sự hứng thú lâu dài.

        Việc hiểu rõ yếu tố tâm lý không chỉ giúp tối ưu chương trình tập luyện mà còn hỗ trợ người béo phì xây dựng thói quen vận động bền vững, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.

        thăm khám bác quý để được hỗ trợ xây dựng kế hoạch giảm cân
        Thăm khám Bác sĩ để được tư vấn và xây dựng phác đồ giảm cân phù hợp

        Việc đánh giá khả năng tập luyện ở người béo phì không chỉ dừng lại ở chỉ số BMI mà cần kết hợp nhiều phương pháp khoa học để có cái nhìn toàn diện về sức khỏe tim mạch, sức mạnh cơ bắp, tư thế, khả năng vận động và yếu tố tâm lý. Một chương trình tập luyện hiệu quả không chỉ giúp giảm cân an toàn mà còn cải thiện thể chất, nâng cao chất lượng cuộc sống và duy trì động lực lâu dài.

        Nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp tập luyện khoa học, cá nhân hóa theo thể trạng và mục tiêu của mình, hãy đến với MedFit – đơn vị tiên phong trong việc giảm cân đa mô thức có kết hợp dinh dưỡng và vận động. Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, MedFit sẽ giúp bạn xây dựng lộ trình tập luyện an toàn – hiệu quả – bền vững, hỗ trợ đánh giá sức khỏe toàn diện và tối ưu hóa quá trình giảm cân. Liên hệ ngay với MedFit để bắt đầu hành trình thay đổi tích cực cho sức khỏe của bạn!

        Banner - Kiến thức giảm cân giảm mỡ y học chứng cứ MedFit
        Banner - Kiến thức giảm cân giảm mỡ y học chứng cứ MedFit m

        Tài liệu tham khảo

        1. Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì”
        2. American College of Sports Medicine (n.d.). Guidelines for exercise testing and prescription (11th ed.). Lippincott Williams & Wilkins
        3. Cook G, Burton L, et al. Functional movement screening: the use of fundamental movements as an assessment of function – part 1. Int J Sports Phys Ther. 2014;9(3):396-409
        4. Nguyễn TTN, Nguyễn TTL và cộng sự (2020). Nghiên cứu đặc điểm của bệnh thoái hóa khớp gối nguyên phát và mối liên quan giữa mức độ thoái hóa với một số bệnh kèm theo. Tạp chí Y dược Lâm sàng 108, 163-170
        5. Cohen S, Kamarck T, Mermelstein R. A global measure of perceived stress. Journal of Health and Social Behavior. 1983;24(4):385-396. doi:10.2307/2136404
        6. Markland D, Ingledew DK. The measurement of exercise motives: Factorial validity and invariance across gender of a revised Exercise Motivations Inventory. British Journal of Health Psychology. 1997;2:361-376. doi:10.1111/j.2044-8287.1997.tb00549.x
        7. Kyle UG, Bosaeus I, et al. Bioelectrical impedance analysis–part I: review of principles and methods. Clin Nutr. 2004;23(5):1226-1243. doi:10.1016/j.clnu.2004.06.004
        8. National Academy of Sports Medicine (2017). NASM essentials of personal fitness training (6th ed.). Jones & Bartlett Learning
        9. National Strength and Conditioning Association (2021). NSCA’s essentials of personal training (3rd ed.). Human Kinetics
        Content Protection by DMCA.com
        logo MedFit

        Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.