Thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đái tháo đường, tim mạch và huyết áp. Tuy nhiên, giảm cân không đơn thuần là ăn kiêng hay tập luyện mà cần một phương pháp toàn diện và khoa học. Giảm cân đa mô thức là giải pháp kết hợp dinh dưỡng, vận động, thuốc hỗ trợ và công nghệ hiện đại, giúp giảm cân an toàn, duy trì cân nặng bền vững và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Béo phì là gì?
Béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) là tiêu chí được các tổ chức y tế thế giới như WHO và Bộ Y tế Việt Nam sử dụng để đánh giá thừa cân, béo phì ở người trưởng thành.
Chỉ số BMI được tính bằng công thức:
BMI = cân nặng (kg) ÷ [chiều cao (m)]²
Phân loại chỉ số BMI áp dụng tại Việt Nam (dựa trên khuyến nghị khu vực châu Á – Thái Bình Dương) được trình bày trong bảng sau:
Chỉ số BMI | Tình trạng |
< 18,5 | Thiếu cân |
18,5-22,9 | Bình thường |
23-24,9 | Thừa cân |
25-29,9 | Béo phì độ I |
≥ 30 | Béo phì độ II |
Ngoài chỉ số BMI, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo sử dụng vòng bụng để đánh giá nguy cơ sức khỏe, béo phì dạng nam (béo phì phần trên cơ thể, béo phì kiểu bụng, béo phì hình quả táo, béo phì trung tâm) khi vòng bụng ≥ 90cm ở nam và ≥ 80cm ở nữ.
Nguyên nhân gây nên tình trạng béo phì
Béo phì là một tình trạng phức tạp do nhiều yếu tố tác động, từ chế độ ăn uống, lối sống đến di truyền và các vấn đề y tế. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tích lũy và duy trì cân nặng dư thừa.
Béo phì là một tình trạng phức tạp, không chỉ xuất phát từ chế độ ăn uống dư thừa năng lượng và thiếu vận động mà còn do nhiều yếu tố khác, cụ thể như:
- Chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và lối sống
Tiêu thụ lượng calo vượt quá nhu cầu của cơ thể kết hợp với lối sống thiếu vận động làm giảm khả năng đốt cháy calo dư thừa, dẫn đến sự tích tụ mỡ.
Đặc biệt, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng, ít chất xơ và chứa nhiều chất béo, đường cùng với lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể chất, càng làm gia tăng nguy cơ dư thừa mỡ và các vấn đề sức khỏe liên quan.
- Di truyền, hormone và rối loạn chuyển hóa
Yếu tố di truyền, sự mất cân bằng hormone và các rối loạn chuyển hóa đóng vai trò quan trọng trong quá trình tích lũy mỡ và gia tăng nguy cơ béo phì.
Di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng lưu trữ và phân bố mỡ trong cơ thể, trong khi sự rối loạn hormone như insulin, leptin và ghrelin tác động đến cảm giác đói, no và tốc độ chuyển hóa, góp phần gây tăng cân.
Bên cạnh đó, các tình trạng như hội chứng chuyển hóa, kháng insulin và một số bệnh lý nội tiết khác, bao gồm suy giáp, hội chứng Cushing và buồng trứng đa nang, có thể gây rối loạn chuyển hóa, dẫn đến tăng cân.
- Tình trạng y tế và thuốc điều trị
Việc sử dụng một số loại thuốc như corticosteroid, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống động kinh cũng có thể góp phần làm gia tăng trọng lượng cơ thể.
- Môi trường sống
Việc thiếu không gian công cộng như công viên, vỉa hè và phòng tập khiến hoạt động thể chất trở nên khó duy trì, làm giảm cơ hội rèn luyện sức khỏe.
Cùng với đó, khẩu phần ăn lớn và sự phổ biến của thực phẩm chế biến sẵn giàu calo làm gia tăng lượng calo nạp vào cơ thể. Khả năng tiếp cận thực phẩm lành mạnh, chẳng hạn như rau, củ, quả tươi còn nhiều hạn chế, buộc không ít người phải lựa chọn những thực phẩm kém dinh dưỡng.
Hơn nữa, sự lan tràn của các quảng cáo thực phẩm không lành mạnh tiếp tục khuyến khích tiêu thụ đồ ăn giàu chất béo và đồ uống có đường, làm gia tăng nguy cơ thừa cân và béo phì.
- Tâm lý, căng thẳng và giấc ngủ kém
Ăn uống theo cảm xúc để xoa dịu buồn chán, giận dữ hoặc căng thẳng thường dẫn đến tiêu thụ thực phẩm quá mức, gây tăng cân. Tình trạng căng thẳng kéo dài không chỉ làm thay đổi thói quen ăn uống mà còn kích thích cảm giác thèm ăn, khiến nhiều người dễ lựa chọn thực phẩm kém lành mạnh.
Đồng thời, giấc ngủ không đủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể làm rối loạn quá trình chuyển hóa và cân bằng hormone, làm tăng cảm giác đói và thèm ăn, từ đó góp phần thúc đẩy tình trạng tăng cân.
- Tuổi tác
Khi tuổi tác tăng, khối lượng cơ giảm và tốc độ trao đổi chất chậm lại, làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Béo phì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt
Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:
- Bệnh tim mạch: gia tăng nguy cơ tăng huyết áp, bệnh mạch vành và đột quỵ.
- Đái tháo đường típ 2: tỷ lệ mắc bệnh này ở người béo phì cao gấp nhiều lần so với người bình thường.
- Bệnh lý cơ xương khớp: thừa cân, béo phì gây áp lực lên các khớp, dẫn đến thoái hóa khớp sớm.
- Rối loạn chuyển hóa: gây rối loạn lipid máu và hội chứng chuyển hóa.
- Nguy cơ ung thư: béo phì liên quan đến nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư vú, nội mạc tử cung và đại trực tràng.
- Vấn đề tâm lý: thừa cân, béo phì có thể gây mặc cảm, trầm cảm và giảm chất lượng cuộc sống.
Những nguy cơ này đòi hỏi các biện pháp can thiệp toàn diện và khoa học, kết hợp với thay đổi lối sống, hỗ trợ y khoa và ứng dụng công nghệ hiện đại để kiểm soát cân nặng hiệu quả và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Giảm cân đa mô thức là gì?
Điều trị béo phì là hành trình hướng đến sức khỏe bền vững, không chỉ nhằm mục tiêu giảm cân mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể và phòng ngừa các biến chứng liên quan như đái tháo đường, bệnh tim mạch hay viêm khớp.
Béo phì là một bệnh mạn tính phức tạp, được hình thành bởi nhiều yếu tố như di truyền, môi trường sống và thói quen ăn uống. Vì vậy, điều trị không thể chỉ tập trung vào một khía cạnh mà cần sự phối hợp giữa các chuyên gia y tế như Bác sĩ Dinh dưỡng, Bác sĩ Nội tiết và thậm chí là Bác sĩ Ngoại khoa nếu cần can thiệp phẫu thuật.
Trọng tâm của điều trị béo phì không chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất, mà còn phải giải quyết các vấn đề gốc rễ. Cân nặng và khối lượng mỡ trong cơ thể được kiểm soát bởi cơ chế cân bằng nội môi – một hệ thống chịu ảnh hưởng bởi hormone và các tín hiệu thần kinh. Ở người béo phì, cơ chế này bị rối loạn bởi sự mất cân bằng hormone như leptin và insulin cùng với tình trạng viêm mạn tính. Điều này làm tăng cảm giác thèm ăn và giảm khả năng tiêu hao năng lượng, khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn. Do đó, một phương pháp tiếp cận toàn diện là cần thiết để khắc phục những rối loạn này.
Để giải quyết những thách thức này, giảm cân đa mô thức đã được phát triển như một giải pháp tối ưu. Phương pháp này kết hợp nhiều liệu pháp khác nhau, bao gồm điều chỉnh dinh dưỡng, thay đổi hành vi, tăng cường vận động và sử dụng công nghệ hiện đại như máy tăng cơ để cải thiện chuyển hóa. Trong những trường hợp béo phì nghiêm trọng, có thể sử dụng thuốc giảm cân được FDA Hoa Kỳ phê duyệt hoặc phẫu thuật giảm cân khi cần thiết.
Phương pháp đa mô thức không chỉ tập trung vào việc giảm cân mà còn hướng đến duy trì kết quả lâu dài, đảm bảo người bệnh không tăng cân trở lại. Thực tế cho thấy, các phương pháp truyền thống như ăn kiêng hoặc tập luyện đơn thuần thường không mang lại hiệu quả bền vững. Ngay cả phẫu thuật giảm cân – được xem là biện pháp cuối cùng trong điều trị béo phì nghiêm trọng – vẫn ghi nhận tỷ lệ tái tăng cân sau vài năm. Điều này đã thúc đẩy sự ra đời của các liệu pháp tích hợp như giảm cân đa mô thức, giúp tối ưu hóa kết quả và giảm nguy cơ tái phát. Phương pháp này không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn xây dựng một nền tảng sức khỏe bền vững, giúp người bệnh lấy lại sự tự tin và chất lượng cuộc sống.
Các thành phần chính của giảm cân đa mô thức
Dinh dưỡng và vận động
Dinh dưỡng và vận động là nền tảng trong điều trị béo phì. Tuy nhiên, không có chế độ ăn giảm cân nào là tốt nhất cho tất cả mọi người. Điều quan trọng là lựa chọn một chế độ ăn bao gồm các thực phẩm lành mạnh và phù hợp với lối sống cá nhân.
Các thay đổi trong chế độ ăn uống cần tạo ra thâm hụt calo để giảm cân. Để ăn no với lượng calo ít hơn, cần tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ thay vì đồ ăn ngọt hay thực phẩm chế biến sẵn. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh cũng rất quan trọng, ưu tiên thực phẩm từ thực vật và ngũ cốc nguyên hạt, bổ sung protein từ các nguồn nạc như đậu, đỗ, cá và thịt nạc, đồng thời hạn chế muối, đường và chất béo không lành mạnh. Cần giảm tiêu thụ đồ uống có đường và các thực phẩm giàu carbohydrate hoặc chất béo. Cuối cùng, cần tránh các chế độ ăn kiêng cực đoan vì thường không thể duy trì lâu dài và dễ gây tăng cân trở lại.
Tăng cường hoạt động thể chất là yếu tố quan trọng trong quá trình giảm cân. Duy trì ít nhất 150 phút hoạt động cường độ vừa phải bằng cách tập thể dục mỗi tuần và tăng dần mức độ tập luyện để cải thiện thể lực và độ bền. Bên cạnh đó, tăng cường vận động hàng ngày cũng rất quan trọng, như tận dụng các hoạt động thường ngày như đi bộ, leo cầu thang thay vì sử dụng thang máy. Sử dụng máy đếm bước chân và đặt mục tiêu đạt 10.000 bước mỗi ngày sẽ giúp duy trì sự vận động đều đặn và cải thiện sức khỏe.
Can thiệp hành vi
Can thiệp hành vi giúp giảm cân bằng cách thay đổi hành vi ăn uống và lối sống thông qua các điều chỉnh nhỏ nhưng thực tế. Chương trình bao gồm sàng lọc trầm cảm, theo dõi thói quen ăn uống và hoạt động thể chất, kiểm soát việc ăn uống quá mức và đặt mục tiêu giảm cân hợp lý.
Ngoài ra, liệu pháp còn nhấn mạnh việc giảm căng thẳng, duy trì động lực và hỗ trợ xã hội để đảm bảo hiệu quả lâu dài.
Sử dụng thuốc hỗ trợ
Dùng thuốc hỗ trợ trong trường hợp các biện pháp thay đổi lối sống chưa đạt hiệu quả mong muốn, cụ thể khi can thiệp lối sống trong 3 tháng không đạt hiệu quả giảm ít nhất 5% cân nặng, áp dụng cho người có BMI ≥ 25kg/m², thuốc giảm cân được cân nhắc như một phần trong phác đồ giảm cân đa mô thức.
Các loại thuốc giảm cân hiện đại, đã được FDA Hoa Kỳ phê duyệt và ứng dụng rộng rãi, bao gồm orlistat, phentermine-topiramate, naltrexone-bupropion và các chất đồng vận thụ thể GLP-1 như liraglutide, semaglutide, tirzepatide giúp hỗ trợ giảm cân hiệu quả và an toàn. Việc sử dụng các loại thuốc này cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ của Bác sĩ chuyên khoa, đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người sử dụng.
Sử dụng công nghệ tăng cơ giảm mỡ
Công nghệ giảm mỡ hiện đại không xâm lấn như HIFU, RF, quang đông hủy mỡ và các công nghệ tăng cơ như EMS (electrical muscle stimulation), HIFEM (high-intensity focused electromagnetic) giúp loại bỏ mỡ thừa và tăng cường khối cơ tại các vùng cụ thể trên cơ thể một cách an toàn, hiệu quả.
Khi kết hợp những phương pháp hiện đại này với chế độ ăn uống khoa học và tập luyện phù hợp, quá trình giảm mỡ và tăng cơ sẽ được đẩy nhanh, đồng thời vóc dáng được định hình rõ nét và săn chắc hơn.
Phẫu thuật dạ dày giảm cân
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp thất bại với các phương pháp không phẫu thuật, áp dụng cho người có BMI ≥ 35kg/m² hoặc BMI ≥ 30 kg/m² kèm theo các bệnh lý liên quan đến béo phì. Phương pháp này cần được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa với đội ngũ Bác sĩ có kinh nghiệm.
Các phương pháp phẫu thuật giảm cân bao gồm phẫu thuật đặt vòng thắt dạ dày, phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng, phẫu thuật nối tắt dạ dày, phẫu thuật phân lưu mật tụy, phẫu thuật đảo dòng tá tràng, phẫu thuật nối tắt dạ dày với 1 miệng nối, phẫu thuật khâu gấp nếp dạ dày, phẫu thuật tạo hình dạ dày và đặt bóng dạ dày.
Điều trị béo phì cần kết hợp nhiều phương pháp và cam kết duy trì lối sống lành mạnh để đạt hiệu quả lâu dài.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Lợi ích của giảm cân đa mô thức
Giảm cân đa mô thức là phương pháp kết hợp nhiều liệu pháp khác nhau, là lựa chọn tối ưu cho những ai muốn giảm cân an toàn, hiệu quả và bền vững. Phương pháp này được khuyến cáo bởi các hiệp hội y khoa hàng đầu trong điều trị béo phì như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội Béo phì Hoa Kỳ, Hiệp hội Nội tiết và Chuyển hóa Hoa Kỳ, Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng Quốc tế và Bộ Y tế Việt Nam.
Giảm cân bằng phương pháp đa mô thức mang lại nhiều lợi ích toàn diện cho sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa. Phương pháp này cũng giúp cải thiện chức năng hô hấp và vận động, giảm gánh nặng lên hệ cơ xương khớp, tăng khả năng di chuyển và giảm nguy cơ thoái hóa khớp. Ngoài ra, giảm cân đa mô thức còn có tác dụng cải thiện sức khỏe tâm lý, giảm căng thẳng, tăng cường sự tự tin và nâng cao chất lượng giấc ngủ. Việc áp dụng phương pháp này cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm cảm giác mệt mỏi, tăng cường năng lượng và cải thiện khả năng làm việc hàng ngày.
Phương pháp giảm cân đa mô thức mang lại hiệu quả bền vững nhờ vào các phác đồ được thiết kế dựa trên nền tảng khoa học và cá nhân hóa cho từng người, được thực hiện theo từng bước để duy trì cân nặng lâu dài và hạn chế tái tăng cân.
Đối với những trường hợp không đáp ứng với thuốc hoặc thay đổi chế độ ăn uống, phẫu thuật dạ dày giảm cân – phương pháp giảm cân hiệu quả nhất – có thể được xem xét như một phần trong điều trị giảm cân đa mô thức để đạt được cân nặng mong muốn. Tuy nhiên, do tính chất xâm lấn của phẫu thuật, việc chỉ định và thực hiện cần phải được thực hiện bởi Bác sĩ chuyên môn cao để đảm bảo an toàn và đạt kết quả tối ưu. Sau phẫu thuật dạ dày, mặc dù cân nặng có thể đạt mức mong muốn, điều này không có nghĩa là ngừng các liệu trình trước đó. Để duy trì hiệu quả bền vững, vẫn cần tiếp tục các liệu pháp đa mô thức nội khoa, bao gồm dinh dưỡng, vận động, dùng thuốc và hỗ trợ y tế nếu cần thiết.
Giảm cân đa mô thức là phương pháp tối ưu giúp giảm cân hiệu quả, bền vững và an toàn, kết hợp dinh dưỡng, vận động, thuốc hỗ trợ và công nghệ hiện đại, đặc biệt là phẫu thuật dạ dày trong trường hợp cần thiết. Đây là giải pháp toàn diện giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến béo phì và duy trì cân nặng lý tưởng lâu dài.
Nếu bạn đang tìm kiếm một lộ trình giảm cân phù hợp và hiệu quả, hãy đến với MedFit, nơi đội ngũ Bác sĩ đa chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu sẽ đồng hành cùng bạn trong quá trình giảm cân và cải thiện sức khỏe. Liên hệ ngay với MedFit để được tư vấn và bắt đầu hành trình giảm cân của riêng bạn.
Tài liệu tham khảo
- World Health Organization. Obesity. [online] Available at: Obesity [Accessed 25 December 2024]
- Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì”
- National Heart, Lung, and Blood Institute. What Are Overweight and Obesity?. [online] Available at: Overweight and Obesity – What Are Overweight and Obesity? | NHLBI, NIH [Accessed 25 December 2024]
- Centers for Disease Control and Prevention. Consequences of Obesity. [online] Available at: Consequences of Obesity | Overweight & Obesity | CDC [Accessed 25 December 2024]
- Rekha B. Kumar, Louis J. Aronne. “Review of multimodal therapies for obesity treatment: Including dietary, counseling strategies, and pharmacologic interventions“. Techniques in Gastrointestinal Endoscopy. 2017;19(1):12-17. ISSN 1096-2883. doi:10.1016/j.tgie.2016.11.003
- American Academy of Family Physicians. Office-Based Strategies for the Management of Obesity. [online] Available at: Office-Based Strategies for the Management of Obesity | AAFP [Accessed 25 December 2024]
- Mayo Clinic. “Obesity – Diagnosis and treatment”. [Accessed 25 December 2024]
- Mayo Clinic. “Obesity – Symptoms and causes”. [Accessed 25 December 2024]
- Johns Hopkins Medicine. “Intensive Behavioral Therapy for Obesity”. [Accessed 25 December 2024]
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.