Béo phì và đái tháo đường là hai tình trạng sức khỏe phổ biến, có mối liên hệ chặt chẽ thông qua cơ chế đề kháng và giảm tiết insulin. Béo phì dẫn đến sự tích tụ mỡ thừa, làm giảm khả năng cơ thể sử dụng insulin hiệu quả và tăng nguy cơ phát triển đái tháo đường típ 2. Hiểu rõ mối liên hệ này là bước quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị, nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bài viết này sẽ phân tích về mối liên hệ giữa béo phì và đái tháo đường, cùng với những khuyến nghị hữu ích cho người bệnh dựa trên cơ sở khoa học.
Tổng quan về béo phì
Béo phì là gì?
Béo phì đang trở thành một vấn nạn trên toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2022, cứ 8 người thì có 1 người béo phì. Có 2,5 tỷ người thừa cân, trong đó có 890 triệu người béo phì. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành tăng gấp đôi, thậm chí là gấp bốn lần trên đối tượng thiếu niên vào giai đoạn 1990-2022.
Béo phì là một bệnh mãn tính được xác định bằng sự tích tụ mỡ quá mức và làm suy giảm sức khỏe. Béo phì có thể dẫn tới đái tháo đường típ 2, bệnh lý về tim mạch và xương khớp, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Ngoài ra, béo phì còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và khả năng vận động.
Nguyên nhân gây nên tình trạng béo phì
Thừa cân và béo phì là hậu quả của sự mất cân bằng giữa năng lượng được nạp vào cơ thể và năng lượng được tiêu hao. Trong hầu hết trường hợp, béo phì là một bệnh đa yếu tố do môi trường, các yếu tố tâm lý xã hội và di truyền.
Chẩn đoán béo phì
Chẩn đoán thừa cân và béo phì thông qua chỉ số BMI, được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (m2).
Đối với người châu Á, phân loại BMI được trình bày theo bảng dưới đây:
Chỉ số BMI | Tình trạng |
< 18,5 | Thiếu cân |
18,5-22,9 | Bình thường |
23-24,9 | Thừa cân |
25-29,9 | Béo phì độ I |
30-34,9 | Béo phì độ II |
≥ 35 | Béo phì độ III |
Hậu quả do béo phì gây ra
Theo WHO vào năm 2019, BMI cao hơn mức bình thường gây ra khoảng 5 triệu trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư, bệnh lý thần kinh, bệnh hô hấp và bệnh đường tiêu hóa. Béo phì cũng gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế. Nếu không có hành động can thiệp, chi phí toàn cầu do thừa cân và béo phì được dự đoán sẽ cán mốc 3 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Tổng quan về đái tháo đường
Đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là một bệnh mãn tính khi tế bào beta của tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả lượng insulin được sản xuất. Insulin là một loại hormone điều hòa lượng đường trong máu, giúp đường trong máu được đưa vào các tế bào của cơ thể để sử dụng làm nguyên liệu cho việc tổng hợp năng lượng. Nếu không được kiểm soát tốt, đái tháo đường có thể gây biến chứng nghiêm trọng lên nhiều hệ cơ quan đặc biệt là tim mạch, thần kinh và thận theo thời gian.
Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới, có 537 triệu người mắc đái tháo đường vào năm 2021, con số này được dự đoán là sẽ tăng lên 643 triệu người vào năm 2030 và 783 triệu người vào năm 2045. Tỷ lệ mắc mới của đái tháo đường cũng tăng nhanh chóng ở những nước có thu nhập thấp và trung bình hơn những nước có thu nhập cao.
Triệu chứng của đái tháo đường
Các triệu chứng của đái tháo đường có thể xảy ra rầm rộ ở những bệnh nhân đái tháo đường típ 1, tuy nhiên ở những bệnh nhân có đái tháo đường típ 2, triệu chứng có thể nhẹ và tiến triển nhiều năm, thậm chí là chỉ được phát hiện khi đã có biến chứng trên nhiều cơ quan. Các triệu chứng của đái tháo đường bao gồm:
- Triệu chứng của tăng đường huyết: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều.
- Biến chứng cấp tính: nhiễm toan ceton và tăng áp lực thẩm thấu.
- Biến chứng mạn tính: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, loét bàn chân dẫn đến phải cắt cụt chi, mờ mắt…
Các thể đái tháo đường
Đái tháo đường típ 1: trước đây được gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin, khởi phát ở tuổi vị thành niên hoặc thời kỳ thơ ấu, đặc trưng bởi tình trạng giảm đáng kể hoặc không sản xuất insulin do tổn thương và mất tế bào beta tuyến tụy do các kháng thể chống tế bào beta.
Đái tháo đường típ 2: do giảm sản xuất insulin và tình trạng đề kháng insulin làm tăng nồng độ glucose trong máu. Tình trạng mạn tính này có thể gây độc tế bào, tổn thương nhiều cơ quan trên cơ thể. Các yếu tố góp phần phát triển bệnh này bao gồm thừa cân, béo phì và lười vận động. Hơn 95% bệnh nhân mắc đái tháo đường là đái tháo đường típ 2 và thường khởi phát ở độ tuổi trưởng thành, tuy nhiên, tỷ lệ mắc ở trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Đái tháo đường típ 2 có thể phòng ngừa được.
Chẩn đoán đái tháo đường
Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ vào năm 2024, bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường khi có một trong những trường hợp sau đây:
- Glucose huyết tương lúc đói từ 126mg/dl (7mmol/l) trở lên.
- Glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp 75g glucose bằng đường uống từ 200mg/dl (11,1mmol/l) trở lên.
- HbA1c từ 6,5% (48mmol/mol) trở lên, xét nghiệm HbA1c phải được thực hiện bằng phương pháp đã chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều) kèm mức glucose huyết tương bất kỳ từ 200mg/dl (11,1mmol/l) trở lên.
Trong trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng của tăng đường huyết, chẩn đoán đái tháo đường cần phải có hai xét nghiệm cùng lúc hoặc tại hai thời điểm khác nhau.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Mối liên quan giữa béo phì và đái tháo đường típ 2
Béo phì có mối liên hệ chặt chẽ với đái tháo đường típ 2 vì béo phì ảnh hưởng đến cơ chế điều chỉnh đường huyết và sự nhạy cảm với insulin trong cơ thể. Có nhiều cơ chế đã được báo cáo cho mối liên quan này, bao gồm:
- Đề kháng insulin: cơ chế đề kháng insulin do béo phì đã được quan sát thấy từ rất lâu. Béo phì, đặc biệt là béo phì vùng bụng, có liên quan đến việc phóng thích các acid béo tự do trong máu và làm giảm sự nhạy cảm của tế bào cơ và tế bào gan đối với insulin, góp phần làm gia tăng tình trạng đề kháng insulin.
- Giảm tiết insulin: ở một số bệnh nhân béo phì, tuyến tụy tăng cường sản xuất insulin nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu cơ thể, dẫn đến bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, do sự “nhiễm độc” từ các acid béo tự do, nồng độ đường trong máu cao, làm tăng sản xuất gốc tự do gây ra tình trạng stress oxy hóa, ảnh hưởng xấu đến tế bào beta tuyến tụy. Ngoài ra, các cytokine và hóa chất gây viêm khác do mỡ nội tạng giải phóng cũng làm tổn thương tế bào tuyến tụy.
- Tăng sản xuất glucose: gan là cơ quan chính sản xuất glucose nội sinh cung cấp cho cơ thể. Trong điều kiện sinh lý bình thường, 80% glucose nội sinh có nguồn gốc từ quá trình phân giải glycogen ở gan và quá trình tân tạo glucose, khoảng 20% được tổng hợp từ thận. Ở những người gầy, quá trình phân giải glycogen và tân tạo glucose đóng vai trò như nhau trong cung cấp glucose nội sinh trong khi trên bệnh nhân béo phì, quá trình tân tạo glucose chiếm ưu thế. Tăng tân tạo glucose làm gia tăng lượng glucose máu khi đói hoặc sau ăn gây nên tình trạng tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường.
- Rối loạn hormone: bên cạnh insulin, leptin là một hormone cũng đóng góp vai trò trong cơ chế bệnh sinh của đái tháo đường. Leptin được sản xuất bởi mô mỡ, đóng vai trò quan trọng trong điều hòa cân bằng năng lượng. Leptin tác động lên vùng hạ đồi làm giảm cảm giác thèm ăn và tăng tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, trên bệnh nhân béo phì, tình trạng đề kháng với leptin sẽ làm tăng tiết leptin bù trừ. Tăng leptin trong máu làm giảm việc vận chuyển glucose vào trong tế bào và tăng sản xuất glucose tại gan, dẫn tới đái tháo đường.
- Viêm mạn tính: ngoài ra, bệnh nhân béo phì còn có nồng độ cytokine gây viêm trong máu cao. Cytokine là nhóm các phân tử được tiết ra từ các tế bào miễn dịch. Ở bệnh nhân béo phì, có sự gia tăng của TNF-α và IL-6 do tế bào mỡ tiết ra, góp phần làm tăng tình trạng đề kháng insulin.
Khi nào bệnh nhân béo phì mắc đái tháo đường?
Đái tháo đường típ 2 xảy như một hậu quả muộn của béo phì do tình trạng giảm tiết insulin và giảm khả năng sử dụng insulin, từ đó làm tăng nồng độ glucose trong máu. Tại thời điểm bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường típ 2, 40-50% tế bào beta tuyến tụy đã mất chức năng và mất thêm 4-5% mỗi năm sau đó.
Cơ chế đề kháng insulin không đủ khả năng gây ra đái tháo đường trên bệnh nhân béo phì, những đối tượng giảm tiết insulin có khả năng cao mắc đái tháo đường. Sự giảm tiết insulin còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền và môi trường. Một số yếu tố khác góp phần làm tăng nguy cơ đái tháo đường bên cạnh béo phì bao gồm lười vận động, chế độ ăn nhiều chất béo, đái tháo đường thai kỳ, tiền sử gia đình có thành viên bị đái tháo đường, tăng huyết áp và hút thuốc lá.
Cách ngăn chặn đái tháo đường trên bệnh nhân béo phì
- Thay đổi lối sống: giảm cân ở bệnh nhân béo phì có thể ngăn chặn hoặc làm chậm diễn tiến bệnh đái tháo đường típ 2. Việc giảm 5-10% trọng lượng cơ thể giúp cải thiện độ nhạy insulin, giảm đường huyết và giảm nguy cơ phát triển đái tháo đường. Những nguyên tắc chính về dinh dưỡng bao gồm ưu tiên các loại rau củ không chứa tinh bột, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại sữa ít béo, đồng thời hạn chế đồ uống có đường, đồ ngọt, ngũ cốc đã qua chế biến và các thực phẩm chế biến sẵn.
- Hoạt động thể chất: trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả mọi người nên dành ít nhất 150 phút/tuần cho việc vận động thể lực.
- Theo dõi sức khỏe: bệnh nhân béo phì nên tầm soát đái tháo đường. Khi kết quả tầm soát là tiền đái tháo đường (HbA1c trong khoảng 5,7-6,4%, rối loạn đường huyết lúc đói hoặc rối loạn dung nạp glucose) nên thực hiện xét nghiệm mỗi năm. Nếu kết quả tầm soát bình thường, nên tầm soát lại trễ nhất là sau 3 năm, tùy vào trường hợp mà Bác sĩ có thể tư vấn tầm soát sớm hơn.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Điều trị béo phì và đái tháo đường
Điều trị béo phì và đái tháo đường cần một phương pháp toàn diện, bao gồm cả phương pháp điều trị không dùng thuốc và có dùng thuốc:
Điều trị không dùng thuốc
- Chế độ ăn uống: áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối, giàu chất xơ, ít đường và ít chất béo bão hòa.
- Hoạt động thể chất: tăng cường tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút/ngày.
- Hạn chế căng thẳng: các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hoặc hít thở sâu rất hiệu quả trong việc giảm căng thẳng.
- Quản lý kế hoạch: theo dõi năng lượng được tiêu thụ hàng ngày và thiết lập mục tiêu giảm cân hợp lý.
Điều trị dùng thuốc
Việc điều trị đái tháo đường và béo phì có mối liên hệ chặt chẽ và quan trọng vì hiện nay có nhiều thuốc điều trị đái tháo đường đã được phê duyệt để điều trị béo phì do hiệu quả quản lý cân nặng. Hiểu biết về mối liên hệ này giúp các chuyên gia y tế tối ưu hóa phác đồ điều trị và cải thiện sức khỏe tổng thể cho những bệnh nhân mắc đồng thời cả hai bệnh lý này.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ đã chấp thuận sáu loại thuốc có thể giúp giảm cân bao gồm phentermine-topiramate, orlistat, tirzepatide, naltrexone-bupropion, liraglutide và semaglutide.
Thuốc điều trị đái tháo đường có tác động trên cân nặng
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường năm 2024 của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ đã đề cập đến các thuốc điều trị đái tháo đường có tác động trên cân nặng bao gồm:
Thuốc có hiệu quả giảm cân rất mạnh
Semaglutide và tirzepatide là hai loại thuốc ban đầu được phát triển để điều trị đái tháo đường, nhưng sau đó đã được phê duyệt để điều trị béo phì nhờ vào khả năng giảm cân mạnh mẽ.
- Semaglutide: là một thuốc đồng vận GLP-1. Semaglutide đã được chứng minh về hiệu quả giảm cân đáng kể trong nhiều nghiên cứu lâm sàng. Ngoài ra, semaglutide không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn tăng cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn.
- Tirzepatide: là một chất đồng vận thụ thể kép GIP và GLP-1. Tirzepatide đã được nghiên cứu rộng rãi và được chứng minh về hiệu quả giảm cân vượt trội.
Thuốc có hiệu quả giảm cân mạnh
- Liraglutide: là một thuốc đồng vận GLP-1, được sử dụng trong quản lý cân nặng và điều trị đái tháo đường.
Thuốc có hiệu quả giảm cân trung bình
- Nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2): bao gồm empagliflozin, dapagliflozin và canagliflozin. Những thuốc này giúp giảm cân bằng cơ chế tăng bài tiết glucose qua nước tiểu và giảm lượng glucose hấp thu.
Thuốc không ảnh hưởng đến cân nặng
- Thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4): bao gồm sitagliptin, vildagliptin và linagliptin, phù hợp với những bệnh nhân không cần giảm cân nhưng cần kiểm soát đường huyết.
- Metformin: là thuốc đầu tiên được sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh đái tháo đường típ 2, có thể giúp duy trì cân nặng ổn định.
Thuốc có khả năng làm tăng cân
- Nhóm sulfonylurea và insulin: những thuốc này có khả năng làm tăng trọng lượng cơ thể nhưng lại rất hiệu quả trong việc giảm đường huyết và cần được sử dụng theo chỉ định của Bác sĩ.
Béo phì và đái tháo đường là những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, tác động sâu sắc đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể của nhiều người. Hiểu rõ mối quan hệ của các tình trạng này không chỉ giúp chúng ta nhận thức được các nguy cơ mà còn cho phép áp dụng những biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp hiệu quả để quản lý cân nặng và bảo vệ sức khỏe, hãy để MedFit đồng hành cùng bạn. Chúng tôi cung cấp các chương trình giảm cân được thiết kế riêng biệt với từng cá nhân, với sự hỗ trợ từ đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia dinh dưỡng. Hãy liên hệ với MedFit để khởi đầu hành trình chăm sóc sức khỏe toàn diện và nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.
Tài liệu tham khảo
- “Obesity and overweight“. World Health Organization
- “Diabetes“. World Health Organization
- Scheen AJ (2000). “From Obesity to Diabetes: Why, When and Who?“. Acta Clinica Belgica 55(1), 9–15. doi: 10.1080/17843286.2000.11754266
- American Diabetes Association Professional Practice Committee. “9. Pharmacologic Approaches to Glycemic Treatment: Standards of Care in Diabetes—2024“. Diabetes Care 1 January 2024; 47 (Supplement_1): S158–S178. doi: 10.2337/dc24-S009
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.