Cà phê là thức uống được nhiều người yêu thích trên toàn thế giới nhờ vào vị đắng đặc trưng và hương thơm hấp dẫn, đồng thời giúp con người cảm thấy tỉnh táo hơn mỗi khi làm việc. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều về cà phê, một số cho rằng cà phê có lợi cho sức khỏe và hỗ trợ giảm cân, trong khi những người khác cảnh báo rằng cà phê không phải là lựa chọn hợp lý để bổ sung thường xuyên. Trong bài viết này, MedFit sẽ cùng bạn đọc khám phá sự thật về hiệu quả của cà phê đối với việc giảm cân và các nguy cơ có thể gặp phải trong quá trình sử dụng.
Vai trò của cà phê trong giảm cân
Gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống cà phê có thể ảnh hưởng tích cực đến việc giảm cân. Tăng cường tiêu thụ caffeine từ cà phê có thể dẫn đến sự thay đổi về cân nặng vì caffeine giúp kích thích quá trình đốt cháy calo và giảm cảm giác thèm ăn. Theo các nhà khoa học, việc tiêu thụ cà phê một cách điều độ có thể trở thành một thói quen lành mạnh, hỗ trợ kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc một số bệnh như đái tháo đường típ 2 và các vấn đề về tim mạch như tăng huyết áp và suy tim. Tuy nhiên, để duy trì những lợi ích này, nên uống cà phê không đường vì việc thêm đường vào cà phê có thể giảm hiệu quả giảm cân và làm mất đi các lợi ích sức khỏe của cà phê.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ đã chứng minh rằng uống cà phê không đường có thể hỗ trợ giảm cân. Theo nghiên cứu, tiêu thụ thường xuyên một tách cà phê không đường với thể tích khoảng 240ml chứa trung bình 95mg caffeine có thể giảm cân khoảng 0,12kg trong 4 năm. Ngược lại, việc thêm đường, kem hoặc sữa vào cà phê có thể làm tăng cân khoảng 0,09kg. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng caffeine trong cà phê có tác động đến cân nặng, khi lượng caffeine trong mỗi tách cà phê tăng thêm 100mg, cân nặng có thể giảm khoảng 0,08kg.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác từ Đại học Harvard kéo dài 24 tuần cho biết việc uống bốn tách cà phê không kèm kem và đường mỗi ngày có thể giúp giảm khoảng 4% lượng mỡ cơ thể.
Như vậy, có thể nói cà phê thực sự có vai trò trong việc hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu, chỉ nên uống cà phê đen không đường. Việc này giúp giảm lượng calo nạp vào cơ thể, đồng thời tăng cường quá trình đốt cháy calo và hạn chế cảm giác thèm ăn.
Lợi ích và nguy cơ khi dùng cà phê giảm cân
Lợi ích khi dùng cà phê giảm cân
Uống cà phê không đường không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn hỗ trợ việc duy trì cân nặng lý tưởng. Các nghiên cứu cho thấy cà phê không đường có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, kiểm soát đái tháo đường típ 2, hạn chế nguy cơ suy giảm trí nhớ và bệnh Parkinson. Hơn nữa, nhờ vào nồng độ chất chống oxy hóa cao, cà phê có khả năng phòng ngừa một số loại ung thư. Dưới đây là những lợi ích cụ thể của việc uống cà phê không đường trong việc giảm cân:
- Tăng cường sinh nhiệt: caffeine là một thành phần quan trọng có trong cà phê. Caffein có tác dụng kích thích sinh nhiệt, đây là quá trình cơ thể tạo ra nhiệt và đốt cháy calo. Hiệu ứng sinh nhiệt này có thể làm tăng mức độ tiêu hao năng lượng cho cơ thể.
- Giảm cảm giác thèm ăn:hàm lượng cafein trong cà phê đã được chứng minh có đặc tính ức chế sự thèm ăn, từ đó làm giảm lượng calo nạp vào cơ thể.
- Tăng cường trao đổi chất: trong cà phê có chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học như acid chlorogenic, polyphenol. Các hợp chất này có liên quan đến sự trao đổi chất trong cơ thể, bao gồm cải thiện độ nhạy insulin và chuyển hóa glucose. Những tác động này đều có ảnh hưởng đến việc điều chỉnh trọng lượng cơ thể và góp phần tăng hiệu quả giảm cân.
- Cải thiện thể chất: caffeine trong cà phê đã được chứng minh là làm tăng sức bền và hiệu suất vận động thể lực. Khi kết hợp với tập thể dục đều đặn, tiêu thụ cà phê không đường có thể gián tiếp hỗ trợ giảm cân bằng cách tăng cường lượng calo tiêu thụ trong quá trình hoạt động thể chất.
- Ít calo hơn các loại cà phê có đường: cà phê không đường có hàm lượng calo thấp hơn so với các loại cà phê có thêm đường, syrup hoặc kem. Các chất trong cà phê cũng giúp cơ thể chống lại stress và oxy hóa, giữ cho tâm trạng tốt và duy trì sự tỉnh táo, đồng thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất và oxy hóa chất béo.
Nhờ những lợi ích trên, việc uống cà phê không đường có hiệu quả trong chế độ giảm cân, giúp duy trì vóc dáng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Nguy cơ khi dùng cà phê giảm cân
Cà phê là thức uống phổ biến trong cuộc sống và mang lại những lợi ích cho những ai muốn giảm cân. Tuy nhiên, uống cà phê giảm cân cũng cần chú ý bởi có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe không mong muốn như:
- Lo lắng: caffeine có trong cà phê được biết là làm tăng sự tỉnh táo. Nó hoạt động bằng cách ngăn chặn tác dụng của adenosine, một chất hóa học trong não khiến cảm thấy mệt mỏi. Đồng thời, nó kích hoạt giải phóng adrenaline, loại hormone “chiến đấu hoặc bỏ chạy” có liên quan đến việc tăng năng lượng. Tuy nhiên, ở liều cao hơn, những tác dụng này có thể trở nên rõ rệt hơn, dẫn đến tăng nhịp tim, lo lắng và hồi hộp.
- Mất ngủ: sử dụng quá nhiều cà phê có thể làm gián đoạn giấc ngủ, khiến chất lượng giấc ngủ cũng như tình trạng sức khỏe giảm sút. Các nghiên cứu cho thấy lượng caffeine cao có thể làm tăng thời gian đi vào giấc ngủ và giảm tổng thời gian ngủ, đặc biệt là ở người cao tuổi.
- Vấn đề tiêu hóa: nhiều người nhận thấy rằng một tách cà phê buổi sáng giúp ruột hoạt động tốt hơn. Tác dụng nhuận tràng của cà phê được cho là do giải phóng gastrin, một loại hormone do dạ dày sản xuất giúp tăng tốc hoạt động ở đại tràng. Tuy nhiên khi sử dụng với liều lượng lớn caffeine có thể dẫn đến phân lỏng hoặc thậm chí tiêu chảy hoặc gây ra các triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản.
- Tăng huyết áp: caffeine có trong cà phê dường như làm tăng huyết áp khi tiêu thụ ở liều cao hoặc trước khi tập thể dục, cũng như ở những người hiếm khi tiêu thụ cà phê.
- Nhịp tim nhanh: tác dụng kích thích của caffeine có thể khiến tim đập nhanh hơn. Cân nhắc giảm lượng tiêu thụ khi có dấu hiệu thay đổi nhịp tim sau khi sử dụng cà phê.
- Đi tiểu thường xuyên và tiểu gấp: đi tiểu nhiều là tác dụng phụ thường gặp của việc uống nhiều caffeine do tác dụng kích thích của hợp chất lên bàng quang. Bạn có thể nhận thấy mình đi tiểu thường xuyên khi uống nhiều cà phê hơn bình thường. Cân nhắc giảm lượng cà phê khi có các dấu hiệu trên.
- Sản phẩm cà phê giảm cân không rõ nguồn gốc: trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm cà phê giảm cân, trong đó một số sản phẩm có thể chứa sibutramine, một chất có nguy cơ cao về độc tính và tác dụng phụ, bao gồm đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Sibutramine đã bị cấm ở Mỹ và châu Âu từ năm 2010 do những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi chọn mua cà phê giảm cân, nên tìm hiểu kĩ lưỡng, tham khảo ý kiến Bác sĩ và tránh sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc và không được kiểm định thành phần. Việc tiêu thụ cà phê để giảm cân cần phải được thực hiện một cách thông minh và có kiểm soát để đảm bảo không gây hại cho sức khỏe.
* Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit
Lưu ý khi sử dụng cà phê giảm cân
Mặc dù cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, việc tiêu thụ quá mức có thể dẫn đến một số tác dụng không mong muốn và thậm chí gây nguy hiểm đến sức khỏe. Để tận dụng những lợi ích của cà phê mà không gặp phải các vấn đề sức khỏe, cần đặc biệt lưu ý những điểm sau:
- Tránh sử dụng cà phê để qua đêm: không uống cà phê đã để qua ngày hoặc qua đêm ở nhiệt độ phòng.
- Tiêu thụ cà phê điều độ: nên uống cà phê với mức độ vừa phải, tối đa là 4 tách mỗi ngày, tương đương khoảng 400mg caffeine. Để giảm thiểu tác động đến giấc ngủ và cân nặng, hãy chia lượng cà phê trong ngày ra thành nhiều lần.
- Chọn cà phê có nguồn gốc rõ ràng: luôn lựa chọn cà phê từ các thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc.
- Uống cà phê sau bữa ăn: nên uống cà phê sau khi ăn để không ảnh hưởng đến dạ dày và hệ tiêu hóa.
- Không uống cà phê thay nước lọc: không dùng cà phê thay nước, vẫn phải bổ sung đầy đủ nước lọc trong ngày, đặc biệt là uống nước sau khi uống cà phê. Điều này đảm bảo duy trì đủ nước sau khi thưởng thức cà phê nhằm loại bỏ độc tố, duy trì cân bằng nước và hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
- Tránh uống cà phê vào buổi tối: để không ảnh hưởng đến giấc ngủ, hãy hạn chế uống cà phê vào buổi tối.
- Uống cà phê trước khi tập luyện: tiêu thụ cà phê trước khi vận động thể lực có thể giúp tăng cường năng lượng, cải thiện sự tỉnh táo và hỗ trợ quá trình đốt cháy mỡ, từ đó thúc đẩy hiệu quả giảm cân.
- Thay đổi thói quen uống cà phê: nếu bạn chủ yếu quan tâm đến cà phê vì mục đích giảm cân, bạn nên điều chỉnh thói quen uống cà phê của mình để ngăn khả năng cơ thể quen với việc dung nạp đều đặn một lượng caffein mỗi ngày. Do đó, bạn nên sử dụng cà phê đều đặn trong hai tuần và nghỉ hai tuần sau đó là tốt nhất, do caffeine có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong thời gian ngắn nhưng tác dụng này sẽ giảm đi ở những người uống cà phê lâu dài.
- Lựa chọn cà phê nguyên chất: để tận dụng tốt nhất các lợi ích của cà phê, hãy chọn cà phê nguyên chất không thêm đường, sữa hoặc syrup. Tránh kết hợp cà phê với các thực phẩm giàu calo như kem, bánh ngọt hay bánh quy vì những món này có thể làm tăng lượng calo và ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu giảm cân.
Cà phê không đường có thể hỗ trợ giảm cân ở mức độ nhất định, nhưng để duy trì vóc dáng và sức khỏe bền vững, chúng ta cần một chiến lược toàn diện và khoa học hơn. Tại MedFit, chúng tôi cung cấp phương pháp giảm cân đa mô thức, giúp bạn đạt được cân nặng lý tưởng một cách an toàn, hiệu quả và lâu dài. Hãy liên hệ với MedFit để được xây dựng lộ trình cá nhân hóa, kết hợp dinh dưỡng, vận động và các biện pháp hỗ trợ chuyên sâu để tối ưu hóa sức khỏe và cân nặng.
Tài liệu tham khảo
- Nancy Schimelpfening. “Study Finds Unsweetened Coffee is Linked to Weight Loss“. Healthline
- Jessica Freeborn. “Could unsweetened coffee help with weight management?“. Medical News Today
- Kris Gunnars. “Can Coffee Increase Your Metabolism and Help You Burn Fat?“. Healthline
- Saud S, Salamatullah AM. “Relationship between the Chemical Composition and the Biological Functions of Coffee“. Molecules. 2021 Dec 16;26(24):7634. doi: 10.3390/molecules26247634. PMID: 34946716; PMCID: PMC8704863
- “Public Notification: Like Slim Coffee contains hidden drug ingredient“. U.S. Food and Drug Administration
- Harvard T.H. Chan School of Public Health. “Is coffee good or bad for your health?“
- Harvard T.H. Chan School of Public Health. “Coffee can be beneficial part of a healthy diet“
- Franziska Spritzler. “9 Side Effects of Too Much Caffeine“. Healthline
- Mendoza MF, Sulague RM, et al. “Impact of Coffee Consumption on Cardiovascular Health“. Ochsner J. 2023 Summer;23(2):152-158. doi: 10.31486/toj.22.0073. PMID: 37323518; PMCID: PMC10262944
- Kolb H, Martin S, Kempf K. “Coffee and Lower Risk of Type 2 Diabetes: Arguments for a Causal Relationship“. Nutrients. 2021 Mar 31;13(4):1144. doi: 10.3390/nu13041144. PMID: 33807132; PMCID: PMC8066601
- Adda Bjarnadottir. “How Much Caffeine in a Cup of Coffee? A Detailed Guide“. Healthline
- Katey Davidson. “Should You Drink Coffee Before Your Workout?“. Healthline
Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.