Tìm hiểu về thừa cân: thực trạng, nguyên nhân và giải pháp

Sự gia tăng nhanh chóng của thừa cân đang trở thành một vấn đề cấp bách không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thừa cân có thể là bước đầu tiên dẫn đến béo phì nếu không được quản lý kịp thời và hiệu quả. Đây là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nhiều bệnh lý phức tạp, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và gia tăng áp lực lên hệ thống y tế. Liên đoàn Phòng chống Béo phì Thế giới (World Obesity Federation) đã quy định ngày 4 tháng 3 hàng năm là Ngày Thế giới Phòng chống Béo phì nhằm nâng cao hiểu biết về tác động của tình trạng béo phì và kêu gọi hành động chung tay của mọi người để tạo ra những thay đổi tích cực trong lối sống và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Trong bài viết dưới đây, MedFit sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân dẫn đến thừa cân và các biện pháp khắc phục vấn đề này.

MỤC LỤC NỘI DUNG
    Add a header to begin generating the table of contents

    Định nghĩa về thừa cân và béo phì

    Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):

    • Thừa cân là tình trạng cơ thể tích lũy chất béo vượt mức bình thường.
    • Béo phì là khi tích lũy chất béo quá mức, tác động đến nhiều cơ quan khác nhau và có thể làm suy giảm sức khỏe. Béo phì có thể làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường típ 2, bệnh lý tim mạch, giảm chất lượng giấc ngủ, gây áp lực lên xương khớp khi cân nặng gia tăng, làm giới hạn vận động trong sinh hoạt hàng ngày và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

    Tiêu chuẩn xác định thừa cân và béo phì

    Đánh giá mức độ thừa cân và béo phì thường sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI). Đây là chỉ số phản ánh cân nặng của một người theo chiều cao của người đó, được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m2).

    Ở người trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên) có hai thang phân loại để xác định tình trạng thừa cân và béo phì dựa trên chỉ số BMI là:

    • Thang phân loại theo WHO dành cho người châu Âu hoặc châu Mỹ.
    • Thang phân loại theo Hiệp hội đái tháo đường châu Á (IDI & WPRO 2000) dành cho người châu Á.
    WHO IDI & WPRO
    Bình thường 18,5-24,9 18,5-22,9
    Thừa cân 25-29,9 23-24,9
    Béo phì Từ 30 trở lên Từ 25 trở lên

    Sự khác biệt giữa hai nhóm này trong phân loại chỉ số BMI xuất phát từ việc người châu Á có chỉ số BMI thấp hơn 2-3 kg/m2 so với người châu Âu hoặc châu Mỹ ở cùng một tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể. Hơn nữa, người châu Á có nguy cơ cao hơn mắc đái tháo đường và tăng huyết áp ở mức BMI thấp hơn so với các nhóm không phải châu Á. Vì vậy, người Việt Nam nên sử dụng chỉ số BMI theo IDI & WPRO để xác định tình trạng thừa cân và béo phì.

    Trẻ em 0-5 tuổi có cách xác định dựa trên biểu đồ tăng trưởng của WHO, nếu cân nặng theo tuổi của trẻ:

    • Nằm trong vùng màu xanh dương: cân nặng bình thường.
    • Nằm trên đường số “2” và dưới đường số “3”: thừa cân.
    • Nằm trên đường số “3”: béo phì.
    biểu đồ tăng trưởng đối với bé trai
    Biểu đồ tăng trưởng đối với bé trai
    biểu đồ tăng trưởng đối với bé gái
    Biểu đồ tăng trưởng đối với bé gái

    Khi cân nặng của trẻ vượt mức bình thường, cần đưa trẻ đến gặp chuyên gia y tế để được tư vấn cụ thể hơn.

    Ở trẻ 5-19 tuổi, BMI được xác định dựa vào các bảng dưới đây:

    • Đối với bé trai:
    Tuổi Trung bình Thừa cân Béo phì
    5 15,3 16,6 18,3
    6 15,3 16,8 18,5
    7 15,5 17,0 19,0
    8 15,7 17,4 19,7
    9 16,0 17,9 20,5
    10 16,4 18,5 21,4
    11 16,9 19,2 22,5
    12 17,5 19,9 23,6
    13 18,2 20,8 24,8
    14 19,0 21,8 25,9
    15 19,8 22,7 27,0
    16 20,5 23,5 27,9
    17 21,1 24,3 28,6
    18 21,7 24,9 29,2
    19 22,2 25,4 29,7
    • Đối với bé gái:
    Tuổi Trung bình Thừa cân Béo phì
    5 15,2 16,9 18,9
    6 15,3 17,0 19,2
    7 15,4 17,3 19,8
    8 15,7 17,7 20,6
    9 16,1 18,3 21,5
    10 16,6 19,0 22,6
    11 17,2 19,9 23,7
    12 18,0 20,8 25,0
    13 18,8 21,8 26,2
    14 19,6 22,7 27,3
    15 20,2 23,5 28,2
    16 20,7 24,1 28,9
    17 21,0 24,5 29,3
    18 21,3 24,8 29,5
    19 21,4 25,0 29,7

    Thừa cân có phải là béo phì?

    Thực chất, thừa cân không phải béo phì như nhiều người vẫn hay nhầm lẫn. Dựa theo định nghĩa của WHO, thừa cân và béo phì là hai mức độ đánh giá cân nặng theo chiều cao của một người. Thừa cân là giai đoạn cơ thể tích trữ chất béo vượt mức bình thường nhưng chưa phải là béo phì, giai đoạn này chủ yếu được khắc phục bằng cách thay đổi lối sống. Khi cơ thể ở giai đoạn béo phì, nguy cơ mắc các bệnh lý tăng lên, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, đồng nghĩa với việc cần thay đổi lối sống và can thiệp y khoa.

    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
    Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

    Thực trạng thừa cân hiện nay

    Thừa cân và béo phì đang ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ ở trẻ em mà còn ở người trưởng thành. Theo WHO, vào năm 2022, 43% người trưởng thành trên 18 tuổi có tình trạng thừa cân và 16% có tình trạng béo phì. Tỷ lệ thừa cân và béo phì đang trên đà gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như khu vực Đông Nam Á.

    Tại Việt Nam, theo Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân và béo phì tăng 2,2 lần trong vòng 10 năm, từ 8,5% (2010) lên đến 19% (2020). Theo ước tính của Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế, khoảng 25% người trưởng thành tại Việt Nam bị thừa cân và béo phì. Có thể thấy được tình trạng này đang là một vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Thừa cân và béo phì đã được WHO khuyến cáo đưa vào chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm của quốc gia.

    Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
    Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

      * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

      Nguyên nhân gây thừa cân và béo phì

      Nguyên nhân chính của thừa cân là do mất cân bằng giữa năng lượng được nạp vào cơ thể qua việc ăn uống và năng lượng tiêu hao khi vận động. Khi năng lượng đưa vào nhiều hơn năng lượng tiêu hao trong một thời gian, điều này sẽ dẫn đến thừa cân và về lâu dài có thể dẫn đến béo phì. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân được kể đến bao gồm:

      Chế độ sinh hoạt

      Thói quen ăn uống không tốt cho sức khỏe:

      • Ăn quá nhiều trong một bữa ăn, dẫn đến lượng calo được đưa vào cơ thể vượt lượng cơ thể cần.
      • Ăn quá nhiều chất béo bão hòa như thức ăn nhanh, đồ chiên rán…
      • Sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường như trà sữa, nước ngọt, bánh kẹo…

      Thói quen sống tĩnh tại, ít vận động, dành nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử.

      ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân dẫn đến thừa cân (hình minh họa)
      Ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân dẫn đến thừa cân (hình minh họa)

      Môi trường

      • Gia đình thường xuyên tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh và ít vận động.
      • Khu vực sinh sống không có công viên, đường đi bộ hoặc phòng tập thể dục.
      • Công việc đòi hỏi làm việc nhiều giờ, dẫn đến thiếu thời gian cho bữa ăn và giấc ngủ hợp lý.
      • Tính chất công việc còn thường xuyên thức đêm hoặc uống nhiều rượu bia.
      • Khu vực sinh sống có nhiều gian hàng đồ ăn nhanh và đồ ngọt, nhưng lại ít có cửa hàng bán thực phẩm tươi sống.

      Vấn đề sức khỏe và sử dụng thuốc

      • Bệnh lý xương khớp: thoát vị đĩa đệm, bệnh lý ở các khớp làm giảm khả năng vận động trong sinh hoạt thường ngày.
      • Vấn đề nội tiết: suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang…
      • Thuốc: thuốc kháng viêm, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, thuốc tránh thai…
      một số loại thuốc khiến trọng lượng cơ thể gia tăng
      Một số loại thuốc khiến trọng lượng cơ thể gia tăng

      Stress

      Căng thẳng kích thích cơ thể sản xuất cortisol, một hormone thường được gọi là “hormone căng thẳng”. Cortisol có xu hướng thúc đẩy sự tích tụ mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng, có thể làm giảm độ nhạy của cơ thể với insulin, dẫn đến tăng lượng đường trong máu và cảm giác thèm ăn. Nhiều người khi gặp căng thẳng có thói quen ăn thực phẩm nhiều calo, đường và chất béo để xoa dịu cảm giác lo âu, dẫn đến tăng cân.

      Căng thẳng cũng có thể gây rối loạn giấc ngủ, làm giảm sự tiết leptin (hormone kiểm soát cảm giác no) và tăng cường ghrelin (hormone gây cảm giác đói). Hơn nữa, căng thẳng có thể làm giảm động lực và thời gian dành cho hoạt động thể chất, dẫn đến giảm tiêu hao năng lượng.

      người gặp căng thẳng thường ăn thực phẩm nhiều calo, đường và chất béo
      Người gặp căng thẳng thường ăn thực phẩm nhiều calo, đường và chất béo
      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit
      Banner cam kết giảm cân nặng MedFit m

      Tác hại của thừa cân và béo phì

      Thừa cân có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả tình trạng sức khỏe và tinh thần:

      • Tâm lý: quá tự ti và lo lắng về ngoại hình, bị kỳ thị bởi nhiều người có thể dẫn đến trầm cảm và ngại tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội.
      • Yếu tố nguy cơ của các bệnh lý: nguy cơ mắc đái tháo đường, sỏi túi mật, tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ tăng lên theo mức độ thừa cân. Người trưởng thành thừa cân nhưng chưa đến mức béo phì có nguy cơ khởi phát đái tháo đường trong 10 năm tiếp theo cao hơn gấp 3 lần so với người không thừa cân.

      Phụ nữ thừa cân và chưa đạt ngưỡng béo phì có nguy cơ hình thành sỏi mật tăng 1,9 lần, nguy cơ cao huyết áp tăng 1,7 lần, nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 1,4 lần và nguy cơ tăng cholesterol máu cao hơn 1,1 lần so với phụ nữ không thừa cân. Nam giới thừa cân cũng có tình trạng tăng cao nguy cơ mắc các bệnh lý tương tự như nữ giới. Đối với đột quỵ, nam giới thừa cân có nguy cơ tăng cao hơn 2 lần so với nam giới không thừa cân, nhóm nữ giới có mức tăng này cao hơn.

      Nếu tình trạng thừa cân không được phát hiện và quản lý sớm sẽ dẫn đến béo phì. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc và nguy cơ tử vong do nhiều loại bệnh lý như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, các bệnh lý mạn tính về hệ xương khớp, gan, thận, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, chứng ngưng thở khi ngủ và trầm cảm. Do đó, tình trạng thừa cân và béo phì gia tăng gây áp lực lên kinh tế cũng như hệ thống y tế.

      Nhận ngay voucher Miễn phí 100% áp dụng cho Module dinh dưỡng vận động
      Voucher miễn phí module dinh dưỡng vận động

        * Voucher chỉ áp dụng cho khách hàng thăm khám lần đầu tiên tại phòng khám MedFit

        Biện pháp khắc phục thừa cân và béo phì

        Can thiệp lối sống

        Thay đổi lối sống là nền tảng để điều trị vấn đề thừa cân:

        • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách ưu tiên thực phẩm tươi sống và chế biến tại nhà. Đảm bảo các bữa ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm đến từ các nhóm chất dinh dưỡng, bao gồm tinh bột (cơm, khoai, bún, phở…), đạm (thịt, cá, trứng, sữa…), chất béo (dầu olive, các loại hạt…), vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả và trái cây). Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường được thêm vào (như nước ngọt và trà sữa), chất béo bão hòa, rượu và bia.
        • Duy trì vận động thể lực ít nhất 30 phút/ngày và từ 5 ngày trong 1 tuần đối với người trưởng thành không có bệnh lý kèm theo. Trẻ em nên vận động ít nhất 60 phút/ngày cho các hoạt động vừa sức. Hạn chế trạng thái ngồi yên trong nhiều giờ liền hoặc căng thẳng quá mức.
        • Nâng cao chất lượng giấc ngủ thông qua việc duy trì thói quen ngủ đủ 8 tiếng/ngày, không ăn quá no vào bữa tối hoặc ăn ngay trước khi đi ngủ. Tạo một không gian phòng ngủ yên tĩnh và thoải mái, đồng thời tránh sử dụng thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi ngủ.
        • Những người có các bệnh lý kèm theo nên đi thăm khám với chuyên gia y tế để được điều chỉnh đơn thuốc, tư vấn chế độ ăn uống và các hình thức vận động phù hợp.
        • Cần theo dõi cân nặng mỗi tuần (nên chọn một ngày cố định trong tuần) để đánh giá tính hiệu quả của quá trình giảm cân.
        ca lâm sàng giảm cân bằng phương pháp đa mô thức tại medfit (ca nữ)
        Ca lâm sàng điều trị béo phì tại MedFit

        Can thiệp y khoa

        Một số biện pháp can thiệp y khoa được lựa chọn nếu các biện pháp thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả, bao gồm:

        • Sử dụng thuốc hỗ trợ giảm cân: bảy loại thuốc giảm cân được FDA Hoa Kỳ chấp thuận là orlistat, phentermine-topiramate, naltrexone-bupropion, liraglutide, tirzepatide, semaglutide và setmelanotide. Mỗi loại thuốc có chỉ định, phương pháp sử dụng và tác dụng phụ riêng biệt, vì vậy trước khi sử dụng, cần được Bác sĩ kê đơn và đưa ra những hướng dẫn cụ thể trong quá trình điều trị bằng thuốc.
        • Phẫu thuật: cắt dạ dày hình ống, nối tắt dạ dày kiểu Roux-en-Y (RYGB)…
        thuoc dieu tri thua can
        Các thuốc được FDA Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị thừa cân
        thăm khám bác sĩ để được tư vấn phác đồ giảm cân phù hợp
        Thăm khám Bác sĩ để được tư vấn phác đồ giảm cân phù hợp

        Thừa cân và béo phì ngày càng trở thành mối lo ngại lớn với những ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Để đạt được cân nặng lý tưởng và ngăn ngừa các rủi ro bệnh lý, điều quan trọng là phải duy trì lối sống lành mạnh, kết hợp chế độ ăn uống cân đối và vận động hợp lý. Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp giảm cân toàn diện và khoa học, hãy đến với MedFit, là nơi lý tưởng với các liệu trình đa mô thức, được thiết kế phù hợp với từng cá nhân. MedFit luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong hành trình kiểm soát cân nặng và nâng cao sức khỏe.

        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ
        Banner kiến thức giảm cân giảm béo giảm mỡ dựa trên y học chứng cứ m

        Tài liệu tham khảo

        1. Obesity and overweight“. World Health Organization (WHO)
        2. Jebeile H, Kelly AS, et al. “Obesity in children and adolescents: epidemiology, causes, assessment, and management“. Lancet Diabetes Endocrinol. 2022 May;10(5):351-365. doi: 10.1016/S2213-8587(22)00047-X. Epub 2022 Mar 3. PMID: 35248172; PMCID: PMC9831747
        3. Purnell JQ. “Definitions, Classification, and Epidemiology of Obesity“. [Updated 2023 May 4]. In: Feingold KR, Anawalt B, Blackman MR, et al., editors. Endotext [Internet]. South Dartmouth (MA): MDText.com, Inc.; 2000-
        4. Tham KW, Abdul Ghani R, et al. “Obesity in South and Southeast Asia-A new consensus on care and management“. Obes Rev. 2023 Feb;24(2):e13520. doi: 10.1111/obr.13520. Epub 2022 Dec 1. PMID: 36453081; PMCID: PMC10078503
        5. Anuurad E, Shiwaku K, et al. “The new BMI criteria for asians by the regional office for the western pacific region of WHO are suitable for screening of overweight to prevent metabolic syndrome in elder Japanese workers“. J Occup Health. 2003 Nov;45(6):335-43. doi: 10.1539/joh.45.335. PMID: 14676412
        6. BMI-for-age (5-19 years)“. World Health Organization (WHO)
        7. Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số“. Bộ Y tế
        8. Pi-Sunyer X. “The medical risks of obesity“. Postgrad Med. 2009 Nov;121(6):21-33. doi: 10.3810/pgm.2009.11.2074. PMID: 19940414; PMCID: PMC2879283
        9. Field AE, Coakley EH, et al. “Impact of overweight on the risk of developing common chronic diseases during a 10-year period“. Arch Intern Med. 2001 Jul 9;161(13):1581-6. doi: 10.1001/archinte.161.13.1581. PMID: 11434789
        10. Tham KW, Abdul Ghani R, et al. “Obesity in South and Southeast Asia-A new consensus on care and management“. Obes Rev. 2023 Feb;24(2):e13520. doi: 10.1111/obr.13520. Epub 2022 Dec 1. PMID: 36453081; PMCID: PMC10078503
        11. Treatment for Overweight & Obesity“. NIH: National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases
        Content Protection by DMCA.com
        logo MedFit

        Nếu bạn có thắc mắc về chủ đề giảm cân và giảm béo, vui lòng để lại câu hỏi. Đội ngũ nhân viên y tế Phòng khám MedFit sẽ hỗ trợ giải đáp.